- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Đế Quốc Việt Nam (3-8/1945) [ Phần 2 Của 4]

04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82346)

(Phần II) 

II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) 

Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền. Để có thể hiểu rõ tình trạng phức tạp tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 8 năm 1945, ta cần khảo sát lai lịch các thành viên chính phủ Kim, các kế hoạch lớn và sự hiện thực chúng của chính phủ này—và đồng thời, tầm mức quan trọng của chúng ở thời điểm nghiên cứu

A. Những Người Tài Đức:

 

Trần Trọng Kim sinh năm 1883 tại Hà Tĩnh (An Nam). (29) Sau một thời gian ngắn làm thông ngôn ở Ninh Bình (Bắc), năm 1905 Kim theo chủ qua Pháp làm việc cho một hãng tư. Ba năm sau, Kim được học bổng của Trường Thuộc Địa để theo học trường Sư Phạm Melun (Seine-et-Marne). Hồi hương vào tháng 9/1911, Kim khởi đầu nghề giáo tại An Nam và leo dần nấc thang công chức. Năm 1942, Kim đã là một thanh tra tiểu học miền Bắc.

Trái ngược với sự thăng tiến chậm chạp trong ngành Sư Phạm, Kim nổi danh toàn quốc như một học giả qua một số sách giáo khoa tiểu học bằng quốc ngữ và, đặc biệt, những biên khảo về Nho Giáo, Phật Giáo, và lịch sử phổ thông Việt Nam. Nhờ danh tiếng trong làng văn, Kim trở thành một trong những nhân sĩ, trong các hội Phật Giáo và Khổng Giáo, và năm 1939, được bổ nhiệm làm Dân biểu miền Bắc. Sau khi Nhật ép Đông Dương gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á trong hai năm 1940-1941, vài ba học giả Nhật tiếp xúc với Kim. Những cuộc tiếp xúc này, cùng việc gia nhập một tổ chức “tiến bộ” ở Hà Nội, khiến Kim bị chính phủ Decoux nghi ngờ. Khi Decoux khởi đầu cuộc thanh trừng những người Việt thân Nhật trong mùa Thu 1943, Kim có tên danh sách sở Liêm Phóng (Mật Thám). Ngày 28/10/1943, để đề phòng bất trắc, người Nhật đưa Kim tới Sở Hiến Binh Hà Nội để bảo vệ an ninh. Tại đây, Kim gặp Dương Bá Trạc, một đồng tác giả cuốn tự điển đang hoàn tất. Theo Kim, Trạc thuyết phục Kim ký một thỉnh nguyện thư xin được qua Chiêu Nam Đảo (Singapore) tị nạn. Đầu tháng 11/1943, người Nhật đưa Kim vào Sài Gòn. Sau một thời gian ngắn tạm trú trong sở Hiến Binh, Kim và Trạc trở thành khách quí của Đại Nam Công Ty [Dainan Konsi], một hãng buôn Nhật, mà chủ nhân là Matsushita Mitsuhiro [Tùng Hạ], nổi danh với những hoạt động tình báo từ thập niên 1930.

Ngày 1/1/1944, Kim và Trạc xuống tàu Nhật qua Chiêu Nam Đảo. Sau hơn một năm sống tại đảo cảng này và sau khi Trạc chết vì ung thư phổi vào tháng 12/1944, Kim được đưa lên Bangkok. Ba tháng sau, ngày 30/3/1945, người Nhật đột ngột mời Kim về Sài Gòn tham khảo “lịch sử.” Người phụ trách hộ tống Kim cũng là viên Trung úy Kempeitai từng đưa Diệm rời Huế ngày 12/7/1944. Kim được yết kiến Tướng Kawamura (Saburo?), Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 38 Nhật, và Trung tá Hayashi Hidezumi, Trưởng phòng Chính trị vụ. Kawamura cho biết Kim có tên trong danh sách nhân sĩ được Bảo Đại mời ra Huế tham khảo về việc thành lập chính phủ. (30)

Theo Kim, danh sách Nhật đưa ra có Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Hoành, Trịnh Bá Bích, Cao Xuân Cẩm và Hoàng Xuân Hãn. Kim nhận lời vì danh sách có Hãn, một bạn trẻ đồng hương, đồng nghiệp và đồng tác giả cuốn tự điển Khoa học. (Trần Trọng Kim, Gió bụi, pp. 42-3, 48)

Ngày 2/4/1945, Kim rời Sài Gòn, và tới Huế ba ngày sau. Ngày 7/4, Bảo Đại tiếp kiến Kim và, trong sự ngạc nhiên của Kim, Bảo Đại “thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.” Bảo Đại cũng tiết lộ đã mời cả Diệm. (Kim 1969:49-50) Yokoyama còn chu đáo đón vợ con Kim vào Huế cho gia đình đoàn tụ. Bởi thế, Kim quyết định ở lại Huế lâu hơn, và cuối cùng ngày 16/4 đồng ý lập chính phủ. Hôm sau, Kim đệ trình Bảo Đại một danh sách 10 Thượng thư (Bộ trưởng) mà theo ông là những người tài đức. (31)

 

Danh sách chính phủ Trần Trọng Kim (17/4/1945)

Trần Trọng Kim (1883), Trung; Sư phạm, Pháp. Giáo chức (Tổng lý);

Trần Văn Chương (1898), Nam, Pháp. Luật sư; (Ngoại Giao/Phó Tlý);

Trần Đình Nam (1896), Trung, Hà Nội. Y sĩ; (Nội vụ)

Trịnh Đình Thảo (1901), Bắc, Pháp. Luật sư. (Tư pháp);

Vũ Văn Hiền (1910), Bắc, Pháp. Luật sư, (Tài chính);

Hoàng Xuân Hãn (1908), Trung, Pháp. Giáo sư, (Giáo dục & Mỹ thuật);

Vũ Ngọc Ánh (1901), Bắc, Pháp. Y sĩ, (Y tế & Cứu tế);

Hồ Tá Khanh (1908), Trung, Pháp. Y sĩ, (Kinh tế);

Phan Anh (1912), Trung, Hà Nội. Luật sư (Thanh Niên);

Nguyễn Hữu Thí (1899) Trung, Y sĩ Đông Dương. Thương gia. (Tiếp tế);

Lưu Văn Lang (1880), Nam, Kỹ sư; (Giao thông-Công chánh) (không nhận) (L'Action, 19/4 & 2/5/1945).

 

Ngoại trừ Lưu Văn Lang, có quốc tịch Pháp, từ chối chức Bộ trưởng, những người còn lại tới Huế trong tháng 4 và đầu tháng 5/1945. Một tuần sau ngày lập chính phủ, Kim chọn Trần Văn Chương, một luật sư người Nam đang hành nghề ở Hà Nội, làm Phó Thủ tướng. (32)

Kim cũng lập nên Phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Ngày 27/4/1945, Phan Kế Toại, một cựu học sinh Trường Thuộc Địa và đương kim Tổng đốc Thái Bình, được đưa lên chức vụ Khâm sai đại thần Bắc bộ mới tái lập này. (33) Trừ trường hợp Bộ trưởng bộ Nghi Lễ, Tôn Thất Toại, con Tôn Thất Hân, được cử lên hai tháng sau (34), nhóm “người mới” này gồm toàn những chuyên gia tân học—hai giáo viên trung học, bốn luật sư, và bốn y sĩ.

Ngoại trừ Chương và Nam, hầu hết đã là ký giả hay văn sĩ. Đa số—ngoại trừ Phan Anh, Trần Đình Nam và Nguyễn Đình Thí—đều tốt nghiệp ở Pháp; và, tất cả còn tương đối trẻ, từ 33 tới 49 tuổi, ngoại trừ Kim, năm ấy đã 62. Tất cả đều đã tiếp xúc với Nhật, cách này hay cách khác. Tất cả đều thiếu kinh nghiệm chính trị, dù có đôi chút uy tín qua liên hệ huyết thống và giáo dục.

Ba người có khuynh hướng làm chính trị là Chương, Nam và Khanh. Vì liên hệ gia đình, Chương đã chuẩn bị bước vào phe hợp tác với Pháp trước ngày Nhật chiếm đóng Đông Dương, nhưng dần đần trở thành thân Nhật trong thập niên 1940. ( 35) Nam thuộc nhóm Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế—tàn dư phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh thập niên 1900 và Tân Việt Cách Mạng Đảng trong thập niên 1920. (36)

Khanh—con một chủ hãng nước mắm ở Phan Thiết mà theo truyền thuyết đã chăm sóc Phó bảng Trinh năm 1906 khi Trinh ghé tỉnh này, rồi cho Nguyễn Sinh Côn (Tất Thành) một chỗ dạy tại Dục Thanh “nghĩa thục” từ “tháng 1 tới tháng 9 hay 10” năm 1911 [sic]—(37) thường tự nhận là “vô chính phủ.” Trong thập niên 1920, khi đang du học Pháp, Khanh (số nhập cảnh Marseille 2124) có những hành vi nghiêng về Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Tháng 3/1930, từng hai lần xuất hiện bên Nguyễn Khánh Toàn, một giảng viên Viện Thợ Thuyền Phương Đông [KUTV], và đề nghị Công đoàn thủy thủ gốc Việt ở Hâvre và Marseille sửa đổi điều lệ để đón nhận các sinh viên thành một hội duy nhất, dưới sự che chở của Đảng Cộng Sản Pháp, theo ý muốn của Nguyễn Ái Quốc (nhập cảnh số Marseille 2330) “đang ở Nga” [điều này không đúng. Côn đang ở Xiêm và Singapore]. (“Association unique de tous les Indochinois en France;” CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, carton 1; trích dịch trong Nguyên Vũ, Paris, Xuân 96 (Houston: Văn Hoá, 1997), tr. 108-110) Về nước, Khanh thuộc nhóm báo Văn Lang, gồm một số thanh niên trí thức ở Sài Gòn như Nguyễn Văn Nhã, Kha Vạng Cân và Phạm Ngọc Thạch (một cán bộ Đệ tam).( 38) [13] Trong thời Nhật chiếm đóng, nhóm Văn Lang được tình báo Pháp ghi nhận là có liên hệ với tổ chức thân Nhật Việt Nam Tân Chính Đảng, một điều mà sau này Khanh phủ nhận. (CAOM (Aix), PA 14, hộp 2; phỏng vấn Hồ Tá Khanh, Đông 1982-1983) Tuy nhiên, liên hệ giữa Khanh với các nhóm thân Nhật là điều khó phủ nhận. Mùa Xuân 1943, theo tình báo Pháp, Khanh tham dự ít nhất hai buổi họp của Phục Quốc tại Sài Gòn. (CAOM (Aix), CP, hộp 161). Sau khi Nhật thanh trừng Pháp, Khanh và bạn bè lập nên Hiệp Hội Công Chức và Kỹ Thuật tại Sài Gòn, đòi hỏi thay thế ngay các viên chức Pháp bằng người Việt. Một trong những người ủng hộ Khanh là Đỗ Dư Ánh, anh vợ Khanh. Khanh cũng được Trần Văn Giàu móc nối, khuyến khích nên tham dự chính phủ Kim “để có người mình tại đó.”

 

Chính phủ Kim, tưởng cần ghi nhận, có đủ đại diện ba miền. Phó Thủ tướng Chương chẳng hạn gốc miền Nam; hai Bộ trưởng Khanh và Thảo, sinh tại Trung và Bắc, nhưng sống tại Sài Gòn khi được mời tham gia chính phủ. (39) Khuynh hướng ý thức hệ của họ không đồng nhất, phân trải từ danh lợi cá nhân của Chương tới vô chính phủ của Khanh. Nhưng ai nấy đều muốn lãnh đạo.

Tại miền nam, các giáo phái và phe nhóm chính trị—từ đệ tam tới đệ tứ CS, quân phiệt tới giáo phiệt—đều xuất hiện trên sân khấu hội trường và đường phố. Hoạt động mạnh nhất là nhóm Xứ ủy CSĐD của Giàu, nhất là các công đoàn, hiệp hội nông dân, Thanh Niên Tiền Phong, và các nhóm thân Nhật. Nhóm Phạm Văn Vi [Di], Nguyễn Thị Thập cũng lập nên một xứ ủy và mặt trận Việt Minh với kỳ hiệu Cờ Đỏ Sao Vàng, chống lại Giàu. (40) Trong khi đó, hội đoàn lan mọc như nấm. Năm ba, vài chục người cũng có thể lập nên một đảng hay mặt trận. Bảng hiệu quốc cấm “hội kín,” “cách mạng,” hay “làm chính trị” trở thành một thứ thời trang.

 

B. Các Kế Hoạch Của Trần Trọng Kim

 

Tài liệu chính thức của Cộng sản Việt Nam và các học giả thường hạ thấp giá trị những kế hoạch của chính phủ Kim như “cải cách giấy,” hay độ lượng hơn, chỉ thuần là những tuyên cáo về ý định của chính phủ. Từ thời điểm này của lịch sử nhìn lại, trong bốn [4] tháng cầm quyền, chính phủ Kim chỉ có thì giờ ban hành hết dụ này qua sắc luật khác, và những cuộc cải cách ấy có rất ít ảnh hưởng đến đám đông. Tuy nhiên, các kế hoạch của Kim xứng đáng được nghiên cứu đầy đủ hơn những lời nhận định sơ sài trên. Các kế hoạch của chính phủ Kim phản ảnh quan điểm tổng quát của giới thượng lưu và trí thức Việt về một nước Việt Nam không-ảnh-hưởng Pháp, ở cao điểm của chủ thuyết Đại Á và tinh thần quốc gia Việt Nam. Hơn nữa, trái ngược với niềm tin phổ quát, Kim và các cộng sự viên phần nào thực hiện những chương trình trên. Bởi thế các kế hoạch của Kim xứng đáng được nghiên cứu vào sâu chi tiết, và trên vị thế lịch sử của chúng.

 

1. Vấn Đề Hiến Chương:

 

 

Kim và các Bộ trưởng dành khá nhiều thì giờ cho vấn đề Hiến Chương khi hội đồng chính phủ họp lần đầu tiên ngày 4/5/1945. Một trong những quyết định là đổi quốc hiệu thành Việt Nam. Vào thời điểm này, đây là một vấn đề quan trọng và, khẩn cấp. Nó hàm ý sự thống nhất lãnh thổ; “Việt Nam” là quốc hiệu do Gia Khánh nhà Thanh đặt ra từ năm 1804, sau khi Gia Long (1802-1820) thống nhất ba miền vào năm 1802 và xin cầu phong. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba miền đồng ý chọn quốc hiệu này. Trong tháng 3/1945, chẳng hạn, giới lãnh đạo miền Bắc chỉ sử dụng tiếng “Đại Việt,” trong khi ở miền Nam sính dụng tiếng “Việt Nam,” và tại miền Trung thì “An Nam” hay “Đại Nam.” Tưởng nên ghi nhớ là từ năm 1925, Nguyễn Sinh Côn mới được Việt-Nam-hóa, đặt tên cho hội Thanh Niên của mình là Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội. Trước đó, trong thỉnh nguyện thư 8 điều năm 1919, và tên gọi của đảng chính trị đầu tiên do Côn đặt ra, An Nam Quốc Dân Hội, đều chỉ dùng tên An Nam. Năm 1930, Côn bị thất sủng với Ban Phương Đông QTCS vì tự động thống nhất các chi phái Thanh Niên thành Việt Nam Cộng Sản Đảng! Mat-scơ-va phải gửi Trần Phú về triệu tập Hội nghị Trung Ương thứ nhất ở Ma Cao để cải danh thành Đông Dương Cộng Sản Đảng.

 

Kim cũng cải danh ba miền trong nước—miền Bắc (tức Bắc Kỳ) trở thành Bắc Bộ, miền Trung (Trung Kỳ hay An Nam) thành Trung Bộ, và miền Nam (Nam Kỳ) thành Nam Bộ—dù lúc này Kim mới chỉ có thẩm quyền tại miền Trung và Bắc. Thuận Hoá, tên cũ của Huế, được dùng lại. Các cộng sự viên của Kim cũng thay từ Annamite, dùng để chỉ người Việt và đặc tính người Việt trong văn chương và giấy tờ, công văn thời Pháp, bằng tiếng Vietnamien. Những từ mới này, ngoại trừ tên Thuận Hoá, từ đó đã được cả thế giới công nhận. Nếu lưu ý đến việc người Pháp đã cố tình phân biệt ba xứ “Tonkin,” “Annam” và “Cochinchine”—với hàm ý là thiếu nền văn hóa và chính trị quốc dân—những việc làm đầu tiên của Kim không những chỉ có tính cách biểu trưng mà là hậu quả đương nhiên của nhiều thập niên dài khủng hoảng của giới trí thức và cách mạng.

 

Ngày 2/6/1945, Kim còn chọn quốc kỳ mới—nền vàng, ba sọc đỏ theo hình quẻ ly [một gạch đứt quãng nằm giữa hai gạch liền] trong Dịch Kinh–và tạm lấy bài Đăng Đàn Cung làm quốc thiều. (L'Action, 30/6/1945). Quyết định của Kim chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài 3 tháng về vấn đề cờ. (L’Action (Hanoi), 7 May and 30 June 1945; Kim, Gio bui, pp. 60-1)

 

2. Đoàn Kết:

 

Mặc dù đoàn kết quốc gia là một hiện tượng ngoại lệ hơn thông thường của một xã hội, người Việt thường lên án Pháp là cố tình chia rẽ đất nước và dân chúng để dễ cai trị—một lời cáo buộc hợp lý. Nước Việt Nam mới, độc lập, như thế cần chất xi-măng “đoàn kết quốc gia,” trên cả hai lãnh vực “tinh thần và chính trị” (L'Action, 21/7/1945), để nối kết các đảng phái và giai tầng xã hội. Cay đắng là sự kêu gọi đoàn kết mang lại nhiều nguy hại hơn lợi ích cho chính phủ Kim.

 

Thời gian này, xã hội Việt Nam đang ở vào tình trạng tiền-cách-mạng. Việc loại bỏ người Pháp khỏi đỉnh tháp xã hội—sau một thời gian dài, từ 1940 tới 1945, mà uy tín và quyền lực người Pháp bị suy giảm—tạo nên một khuynh hướng vượt tiến của giới thượng lưu và trí thức Việt. Chiến tranh và nạn đói khiến tình trạng hỗn loạn ngày một gia tăng và tạo nên sự sụp đổ thế quân bình biểu kiến mà người Pháp khôn khéo duy trì được nhờ sức mạnh quân sự và hành chính. Bởi thế, Việt Nam cần nhiều hơn những chuyên viên để chuyển hướng những lực cách mạng đó. Đất nước cần sự lãnh đạo nhiệt thành, thuyết lý chính trị tốt và sức mạnh quân sự cũng như hành chính mà chính phủ Kim không có.

 

Sự thiếu lãnh đạo là điều quá hiển lộ. Bảo Đại đã được huấn luyện thành một ông vua ở ngôi mà không cai trị, không thể lôi cuốn sự ủng hộ của đám đông. Kim là một nhà giáo dục được quí trọng, từng huấn luyện nhiều trí thức Việt cũng như có ảnh hưởng đạo đức với nhiều thị dân, nhưng không thích nghi với tình trạng chính trị lúc đó. Thực ra, như trong một tai nạn, Kim chỉ bị đẩy vào sinh hoạt chính trị từ cuối năm 1943; trước đó Kim đứng ngoài chính trị. Ông đã được giao chức Thủ Tướng vì là một người được nể trọng, nhưng không có đảng phái hay người ủng hộ. Trong số những người dưới quyền Kim, có những người trẻ tài năng như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Ngọc Ánh; tuy nhiên, họ chỉ là các chuyên gia hơn những nhà chính trị hay tổ chức; chính sách của Pháp đã ngăn chặn không cho những cá nhân này thu thập được kinh nghiệm hành chính.

Lớn khôn lên trong quĩ đạo văn hóa Pháp, và đã thu học kiến thức chính trị từ những tác phẩm đặc thù Pháp cùng những ý niệm bình dân về các anh hùng kháng Pháp, Kim và cộng sự viên không đủ khả năng sơ thảo một lý thuyết thực dụng. Mặc dù họ thấy chủ nghĩa Mác-Lênin quá thiên tả, và độc tài, tàn nhẫn, quan điểm chính trị của họ chỉ là sản phẩm của kinh nghiệm riêng giai tầng xã hội họ, chẳng đủ để cai trị một xã hội hỗn loạn. Họ quan niệm một mẫu quốc dân lý tưởng là người tổng hợp đầu óc “khoa học” với đức hạnh “cổ truyền”–một thí dụ của cuộc tổng hợp văn hóa Đông-Tây. (L'Action, 4/7/1945). Thật bất hạnh là sự tổng hợp văn hóa ấy chỉ đơn thuần là ước muốn, quá mơ hồ trong tình huống lúc đó. Đồng thời, và vượt trên khả năng họ, Nhật đã quyết định trước loại học thuyết chính trị nào mà “Tân” Đế quốc Việt Nam phải theo—tức “hỗ tương” hay độc lập “vệ tinh.”

 

Cả người Nhật lẫn Kim đều không muốn thấy sự thay đổi quá nhanh trong guồng máy hành chính, nên cơ cấu thư lại do Pháp dựng lên được duy trì gần như trọn vẹn. Tuy nhiên, trong những ngày đầu sau cuộc thanh trừng của Nhật, một tình trạng hoang mang hiện hữu. Vài quan lại và công chức bỏ nhiệm sở, tị nạn tại các thị trấn hay thành phố lớn. (L'Action, 27/6/1945). Trong hoàn cảnh này, cần nhiều tháng mới có thể trở lại bình thường. Nhưng thời gian không ở về phía Kim. 4 tháng sau ngày ông ta lên cầm quyền, Nhật sụp đổ, mang theo chính phủ Kim.

Trong những khu vực mà Kim có thể kiểm soát—tức các thành phố và thị trấn tại miền Bắc và miền Trung cùng các trục lộ nối liền chúng với nhau—Kim thực hiện được một số cải cách nhỏ. Vài quan viên bị mang tiếng bị cách chức, và vài người bị truy tố. (L'Action, 2/5/1945; Chữ 1996). Cuộc thanh lọc này không thỏa mãn những người quá khích, vì họ đòi hỏi phải đổi thay toàn bộ và nhanh chóng trên mọi lãnh vực.

Tuy nhiên, cho dù Kim muốn thực hiện điều này, cũng không đủ nhân sự có khả năng. Như thế, chính cái lý do khiến Kim được giao chức Thủ Tướng—một người không đảng phái—đã tạo khó khăn cho ông ta.

Kim chỉ còn biết hy vọng cải thiện hệ thống quan lại hiện hữu bằng cách kêu gọi tinh thần đạo đức và yêu nước trong giới này. Ông tổ chức quan lại thành Công chức Tổng Hội, hy vọng biến họ thành một sức mạnh chính trị. (L'Action, 25/5/1945).

Thoạt tiên, giới công chức nhiệt thành đáp ứng. Nhưng niềm khích động vì mới thu hồi độc lập không đủ cải thiện thực trạng kinh tế. Trong khi đó phe Đồng Minh, cán bộ của De Gaulle và đặc biệt là Mặt Trận Việt Minh do OSS bảo trợ tiếp tục thách đố tính cách hợp pháp và uy quyền của chính phủ Kim. (Marr, 1995:145-48) Sự tổng hợp các yếu tố trên khiến nhiệt tình giới công chức suy giảm dần. Họ hững hờ đến độ vào tháng 7/1945, Bộ trưởng Thanh Niên Phan Anh công khai chỉ trích thái độ bình chân như vại, và quyết định tập hợp các công chức trẻ thành một nhóm “thanh niên công chức.” (Tinh Tiến, 7/8/1945).

 

Sức mạnh quân sự—một yếu tố có thể giúp Kim ngăn chặn được sự thách thức của các phe nhóm khác thì hoàn toàn vượt ngoài sự kiểm soát của Kim. Chính phủ Kim không có Bộ trưởng Quốc Phòng. Một số lính khố đỏ, thời Pháp thuộc được tổ chức thành Việt Nam Nghĩa Dõng Quân, nhưng trực thuộc người Nhật. Cảnh sát được tái tổ chức, và cũng do người Nhật chỉ huy. Phải tới tháng 6, tháng 7, khi người Nhật đồng ý trên nguyên tắc trả lại Nam Bộ cho chính phủ Kim, Kim mới được quyền tổ chức một lực lượng Bảo An [khố xanh], nhưng lúc này tình thế đã bất khả phục hồi. (IMTFE, Exhibit 663; Hải Phòng, 16/7/1945; L'Action, 3 & 9/8/1945). Như thế, quân đội Nhật là sức mạnh quân sự duy nhất của Kim. Chính phủ Kim chỉ có thể hiện hữu khi quân Nhật còn hiện diện ở Việt Nam.

 

Tất cả những yếu tố trên hợp lại khiến chính sách đoàn kết quốc gia của Kim chỉ là con cọp không móng. Kim và các cộng sự viên không đủ phương tiện mang lại sự đoàn kết quốc gia hữu hiệu. Đã hẳn, để yểm trợ chính phủ Kim, Nhật bảo trợ việc thành lập Tân Việt Nam Hội—qui tụ nhiều nhân vật trí thức tên tuổi, được dự trù là chính đảng duy nhất của Việt Nam. Linh hồn của tổ chức này, theo tư liệu Pháp, là Luật sư Vũ Văn Hiền. Sau ngày được cử vào nội các, Hiền triệu tập một buổi họp nhóm Thanh Nghị và yêu cầu yểm trợ chính phủ với điều kiện “độc lập thực sự,” “dân chủ thực sự.” (Hoè, 2004:166-67) Vũ Đình Hoè và mọi người đồng ý vận động cho Tân Việt Nam Hội. Ngày 5/5/1945, báo Thanh Nghị tái bản sau hai tháng đóng cửa. Ngay trong số báo này công bố thành lập Tân Việt Nam Hội, trụ sở 24 phố Hàng Da, Hà Nội. 19 trong số UVTƯ Lâm thời thuộc nhóm Thanh Nghị. (Hoè, 2004:168-72) Đồng thời báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới của Nguyễn Tường Bách, Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Phùng Bảo Thạch, (Hoè, 2004:169n2)] và Hải Phòng Nhật Báo của Nguyễn Thế Nghiệp cũng tái bản và có đại diện tham gia Tân Việt Nam Hội. (Hoè, 2004:192n2)

 

Ngày 16/5, Tân Việt Nam Hội chính thức ra mắt. Trần Trọng Kim tuyên bố Tân Việt Nam sẽ là đảng chính trị duy nhất của nước Việt Nam, và đã cho lệnh thành lập tại mỗi tỉnh một chi bộ để đoàn kết dân tộc và củng cố nền độc lập của Tổ quốc. Nhiều trí thức ba miền đều tham gia. Ngày 2/6, chi bộ thứ nhất là chi bộ Thuận Hóa được thành lập, với Tôn Quang Phiệt làm Tổng thư ký. Phiệt hùng dũng tuyên bố “Phục hưng tổ quốc, Ủng hộ chính phủ.”(41) (L'Action, 9/6/1945; Tin Mới, 9/6/1945; Sài Gòn, 12/6/1945).

Tuy nhiên vừa tròn một tháng sau ngày thành lập, Tân Việt Nam bắt đầu bị phân hoá. Dương Đức Hiền thuyết phục Vũ Đình Hoè gia nhập Dân Chủ Đảng do Việt Minh bảo trợ. Ngày 6/7/1945, Hoè vào Huế gặp Phan Anh và Vũ Văn Hiền để chuyển chỉ thị VM cho Anh và Hiền từ chức. (Hoè, 2004:188-89). Anh và Hiền hẹn sẽ ra Hà Nội hôm sau. Hoè được gặp Tôn Quang Phiệt và Phạm Khắc Hoè, nói rõ mục đích chuyến đi của mình. Ít ngày sau, Vũ Đình Hoè cùng Nghiêm Xuân Yêm, Đỗ Dức Dục gặp Anh và Hiền ở Hà Nội. Vũ Văn Hiền cương quyết không đồng ý. (Hoè, 2004:189-92) Ngày 22/7/1945, Tân Việt Nam Hội tuyên bố tự giải tán. (Tin Mới, 30/7/1945; Hải Phòng, 31/7/1945; L’Opinion-Impartial, 1/8/1945). Cuối tháng 7/1945, Hoè bí mật đi chiến khu, nhưng chỉ gặp Phạm Văn Đồng. Đồng hứa sẽ thêm tên Hoè vào chính phủ lâm thời. (Hoè, 2004:198-206) Ngày 11/8/1945, Thanh Nghị đình bản. (Hoè, 2004:206)

 

Dĩ nhiên, không phải tất cả những nhóm thân Nhật đều đứng sau lưng Kim. Thù nghịch nhất có nhóm Ki-tô giáo ở Thuận Hóa, do Khôi và Diệm cầm đầu. (42) [14] Phe Diệm giải truyền đơn và phao tin đồn rằng Cường Để và Diệm sẽ nắm quyền khi Nhật chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam. (Kim 1969: 64-5). Cuộc chiến tranh tin đồn và bôi bác này khó thể kiểm soát hay phản ứng vì con cả Khôi được Cố Vấn Yokoyama dùng làm bí thư.

Thông điệp đề ngày 11/1/1945 của Cường Để được đăng trên ruần báo Nước Nam ở Hà Nội ngày 28/4 đến 12/5/1945 (số 264, 266-268). Đại diện VN tham dự Hội Thảo Đại Đông Á tại Kudan (Nhật) vào tháng 5/1945, do Nha Phát Triển Á Châu của Hội Trợ Giúp Hoàng triều của Tướng Matsui bảo trợ.

Ngày 21/5, Kỹ sư Vũ Văn An, người ủng hộ Cường Để, từ Tokyo trở lai Sài Gòn. Tuyên bố sẽ có thay đổi lớn trong tương lai gần. (Hải Phòng, 1/6/1945). Ít ngày sau, báo Thông Tin ở Hà Nội đăng hình năm [5] thành viên Ủy Ban Kiến Quốc (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Chữ, Vũ Văn An, Vũ Đình Dy và Lê Toàn). (Thông Tin, 10/6/1945) Ngày 28/5, Trần Văn Ân, lãnh tụ Phục Quốc miền Nam, rời Singapore về Sài Gòn. Ngày 20/7/1945, Matsui tuyên bố Cường Để sẽ về nước giúp Bảo Đại, coi Cơ Mật Viện. Ngày 25/7/1945, Cường Để cảm tạ những người bạn Nhật. Hứa là khi về nước sẽ hợp tác trung thành với Nhật. Ngày 30/7/1945, làm tiệc chia tay. (Nippon Times, 30/7/1945). Tuy nhiên, không có phi cơ, và rồi Nhật đầu hàng.

 

Ngày 5/7/1946: Cường Để viết thư cho Tổng Lãnh sự Pháp, yêu cầu trả tự do cho Việt Nam. Sau khi đọc xong báo cáo ngày 13/8/1946 của Mật thám Pháp, ngày 17/8/1946, D’Argenlieu viết thư cho BHN, nói Cường Để không đáng chú ý. CAOM (Aix), HCFI, CP 255. Ngày 10/8/1948, viết thư cho Chủ tịch Quốc Hội Pháp, yêu cầu thương thuyết với Bảo Đại để cứu Việt Nam khỏi họa Cộng Sản (7F 29, p. 15). 8/1950, trên đường qua Mỹ và Vatican, Diệm gặp Cường Để bàn việc lập chính phủ chống Cộng. 1951: Chết tại Nhật. Được truy điệu linh đình ở Việt Nam.

 

Đáng sợ hơn cả là Việt Minh. Vào mùa Hè 1945, cơ quan OSS đã hết sức ủng hộ Việt Minh. Một toán OSS do Thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy, nhảy dù xuống mật khu tại Tuyên Quang, Bắc Bộ; đoàn OSS này giúp huấn luyện 100 du kích Việt Minh và trang bị cho họ các vũ khí hiện đại. Nhân viên OSS, và đặc biệt là những tin tức về tình hình chính trị mà họ cung cấp chẳng những gia tăng thế lực và uy tín của Việt Minh mà còn giúp Hồ kịp thời khai thác sự đầu hàng của Nhật. Thomas thủ diễn vai đặc sứ của Hồ, gửi ra ngoài tất cả những tin tức về Việt Minh, nhất là mục đích đòi độc lập, tự do trong vòng từ 5 tới 15 năm. (Vũ Ngự Chiêu, 1984: chương 9; US Congress. Senate. Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 243, 249, 266-67, 270-80; Fenn, 1973:80-2, Shaplen, 1965:18-29; Patti 1980:129; Marr, 1995:284).

 

Kế hoạch đoàn kết quốc gia của Kim còn mở rộng cửa nhiều văn phòng chính phủ cho cán bộ Cộng sản nằm vùng hay cảm tình viên của Việt Minh. Nguyễn Mạnh Hà, người sẽ trở thành Bộ trưởng Kinh Tế đầu tiên của Hồ Chí Minh, từng là trưởng phòng Kinh Tế Hải Phòng và sau đó là Trưởng Nha Kinh Tế Bắc Bộ. (L'Action, 9/6/1945; CAOM (Aix), 7F 29-1). Vũ Trọng Khánh, đốc lý Hải Phòng, bàn giao cho Đệ Tứ Quân Khu Việt Minh, về Hà Nội gặp Võ Giáp để nhận chức Bộ trưởng Tư Pháp, rồi gán ghép cho đảng viên Đại Việt những tội thường phạm như trộm cắp, hiếp dâm. Hoàng Minh Giám, Ngoại Trưởng tương lai, huấn luyện tại chỗ với chức Trưởng ban Liên Lạc Nhật-Việt Bắc Bộ. (Tin Mới, 3/8/1945).

 

Tôn Quang Phiệt, chủ tịch tương lai của Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Nguyễn Tri Phương (Huế), là một cố vấn của Hội Đồng Thanh Niên Quốc Gia, Tổng Thư ký Tân Việt Nam, và đồng thời trở thành cố vấn của nhiều viên chức cao cấp, kể cả Tổng lý Ngự tiền của Bảo Đại, và Bộ trưởng Kinh Tế Hồ Tá Khanh (Études Vietnamienes 1973: 58 & 60; Hòe 1982: 60-3; phỏng vấn Hồ Tá Khanh, Đông 1982-1983). Tại Nam Bộ Phạm Ngọc Thạch tiếp tục dấu kỹ đảng tịch Cộng Sản, liên hệ với Nhật để cầm đầu Thanh Niên Tiền Phong. (43) Phạm Văn Bạch, chủ tịch tương lai của Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ, đi xin ý kiến của “tổ chức” (Đảng CSĐD) trước khi nhận chức Chánh án Bến Tre (Bạch 1982).

Sự xâm nhập của các cán bộ CS nằm vùng và cảm tình viên của Việt Minh này, cùng với thủ thuật chiến tranh tâm lý, là những yếu tố quan trọng đưa đến sự sụp đổ đột ngột của chính phủ Kim trong hạ tuần tháng 8/1945.

 

Tệ hại hơn, nền kinh tế và ngân quĩ đều trống rỗng. Kiểm soát được Ngân Hàng Đông Dương, người Nhật tự do phát hành giấy bạc theo nhu cầu. Từ tháng 3 tới tháng 8/1945, người Nhật lấy ra 787 triệu yen (khoảng 800 triệu đồng) nhiều hơn tổng số tiền mà Pháp đã giao cho Nhật để trả quân phí từ 1940 tới 1945 (720 triệu đồng) hay hơn 1/3 tổng số tiền lưu hành. (CAOM (Aix), Affaires Economiques [AE], hộp 182 và 289; Decoux 1949:446 n1; JOFI, 22/11/1945:14-5). Trong khi đó, giá sinh hoạt các thành phố tăng ngoài sức chịu đựng của mọi người. Vào tháng 5/1945, người ta phải trả 800 đồng 1 tạ gạo, 20 đồng 1 ký mỡ, hay 1 đồng 1 quả trứng, đắt gấp 40 lần năm 1942 (Thông Tin, 10/6/1945; CAOM (Aix), RST 70-77).( 44) Nạn đói tiếp tục hoành hành ở Bắc và Bắc Trung Bộ. Tại nhiều nơi, trật tự xã hội bị đổ vỡ, và tình trạng an ninh suy giảm tại hầu hết các thành phố. Nhiều làng trống không. Trộm cướp—dù chuyên nghiệp hay do cách mạng lãnh đạo—gia tăng hoạt động. Tình trạng hỗn loạn lan tràn từ nông thôn về các thị trấn và thành phố. Kế hoạch “đoàn kết quốc gia” của Kim thiếu hấp dẫn hơn tư lợi và tinh thần cầu an.

 

3. Chống Đói:

 

Mặc dù phạm vi hoạt động rất hạn hẹp, chính phủ Kim dồn nhiều nỗ lực chống lại nạn đói. Một mặt, Kim yêu cầu và được Nhật cho phép bỏ lệ bắt buộc bán thóc ở Trung bộ, và tại Bắc bộ, miễn cho bất cứ ai sở hữu dưới ba mẫu ruộng (L'Action, 19/5/1945; Hải Phòng, 16/7/1945). Bộ trưởng Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí được gửi vào Sài Gòn dàn xếp việc chuyên chở gạo từ Nam ra Trung và Bắc. Để tránh bị phi cơ Mỹ oanh tạc, các hải cảng xa Sài Gòn được dùng làm điểm khởi hành cho các đoàn thuyền buồm. Tư nhân được phép tự do chuyên chở và mua bán gạo. Tuy nhiên, để ngăn chặn các tệ nạn, Kim ra lệnh kiểm soát gắt gao giá cả và việc tồn kho lúa gạo. Người vi phạm có thể bị tử hình hay tịch biên tài sản (Tin Mới, 17/7/1945). Tại Bắc bộ, Kim thành lập Ty Liêm Phóng Kinh Tế, giao cho Nguyễn Duy Quế điều khiển, để ngăn chặn việc buôn lậu (Tin Mới, 10/7 và 3/8/1945). Một số chủ cửa hàng gạo bị bắt giữ hoặc phạt nặng. Mặt khác, Kim tập trung những người sống sót sau nạn đói cùng những người vô gia cư vào các trại đặc biệt. Một chiến dịch báo chí giúp rộ nở phong trào thành lập nạn cứu đói trên toàn quốc. Vào cuối tháng 3, tất cả các hội cứu tế miền Bắc tập hợp lại thành Tổng Hội Cứu Tế Nạn Đói do Nguyễn Văn Tố cầm đầu, và đẩy mạnh hơn các nỗ lực lạc quyên cũng như chẩn tế. Từ tháng 3 tới tháng 5/1945, tổ chức của Tố quyên được 783,403 đồng (L'Action, 21/3, 27/4 và 30/5/1945). Tại Nam bộ, chỉ nội tháng 5 hơn 20 hội chẩn tế ra đời, và trong vòng một tháng các tổ chức trên quyên được 1,677,886 đồng, kể cả 481,570 đồng để mua và chuyên chở 1,592 tạ gạo cho nạn nhân vụ đói (L'Action, 24/5 và 22/6/1945; Hải Phòng, 23/6/1945). Vì tất cả thuyền buồm trên 30 tấn đều bị Nhật trưng dụng, và hải cảng Hải Phòng bị Mỹ đặt mìn phong tỏa, việc chở gạo từ Nam ra Bắc bị chậm trễ. Dẫu vậy, các chương trình chống đói của Kim chẳng những giảm thiểu sự khổ sở của dân chúng mà còn tạo cơ hội cho đám đông, đặc biệt là giới trẻ, tham gia các sinh hoạt xã hội.

Những nỗ lực của Kim không hoàn toàn tiến triển tốt đẹp: Ngoài việc bị Việt Minh cản trở (như xúi dục dân chúng đánh phá các vựa lúa công cộng, hay lăng nhục các viên chức trách nhiệm và người cầm đầu các hội chẩn tế), tin tức tình báo do Việt Minh cung cấp khiến các phi vụ oanh tạc của Mỹ phá hoại thêm nữa các trục giao thông (CAOM [Aix], AE, hộp 578). Sự giao thông khó khăn đến độ Kim phải dùng xe đạp để chuyển công văn (Tin Mới, 15/6/1945). Ngày 23/7, một Bộ trưởng của Kim là Vũ Ngọc Ánh tử thương trong một cuộc oanh kích ở Bắc bộ. Dẫu vậy, nhờ trúng mùa Chiêm vào tháng 5 và 6/1945, và nhờ nhu cầu tiêu thụ giảm hẳn xuống sau khi hơn 1 triệu người chết đói, cuộc khủng hoảng thực phẩm giảm dần. Qua tháng 6/1945, nạn đói hầu như đã qua. Tại Hà Nội và các tỉnh, giá gạo giảm từ 850 đồng một tạ (100 kg) xuống khoảng 300 đồng (Thông Tin, 10/6/1945). Tại vài tỉnh, vấn nạn trở thành thiếu hụt số người gặt lúa (Dân Mới, 6/6/1945). Khi những tàu chở gạo từ Nam cặp bến miền Bắc, nạn đói cuối cùng cũng qua.

 

4. Cải Cách Thuế:

 

Giống như đối thủ là Cộng Sản, chính phủ Kim muốn giải quyết vấn đề thuế, đặc biệt là thuế thân, một loại thuế gây nhiều ta thán. Dưới thời Pháp, có 13 loại thuế, từ 750 đồng một năm (hạng 1) tới 3 đồng rưỡi (hạng thứ 13). Ngoài ra, mỗi xuất đinh phải trả thêm khoảng 60% số tiền trên như thuế chính phủ xứ (kỳ), và từ 45% tới 60% cho ngân quĩ tỉnh; điều này có nghĩa khoảng 2,300,000 xuất đinh thuộc hạng 13 phải trả tổng cộng 7.70 đồng thuế thân hàng năm. Kim thuyết phục được người Nhật giảm thuế đáng kể cho hạng thứ 13 này. Ngoài ra, họ còn được chia thành 2 hạng thuế khác nhau. Khoảng 1.8 triệu người qui định thuộc hạng 13 mới chỉ phải trả tổng số 3 đồng mỗi năm, và 500,000 người còn lại chỉ phải trả 1 đồng. Tất cả những khoản phụ thu cho xứ và tỉnh được miễn. Thực tế, việc cải cách thuế chỉ thực hiện tại miền Bắc. Tại Trung bộ, Kim miễn thuế thân cho tất cả các bạch đinh hoặc những người có lợi tức thấp. Riêng tại Nam Bộ, Nhật tiếp tục áp dụng luật thuế năm 1944 của Pháp (Nước Nam, 3/3/1945; L'Action, 19 và 30/5/1945).

 

5. Cải Cách Giáo Dục:

 

Chính phủ Kim đặt nặng vấn đề cải cách giáo dục, với trọng tâm là việc phát triển giáo dục kỹ thuật và sử dụng chữ Việt mới (quốc ngữ) làm ngôn ngữ giảng dạy (Tinh Tiến, 5/7/1945; L'Action, 4 và 13/7/1945). Lên cầm quyền chưa đầy hai tháng, Kim tổ chức khoá thi tiểu học đầu tiên bằng chữ Việt mới và dự định dùng Việt ngữ trong các kỳ thi cao hơn (Tin Mới, 13,14,23, 25/6, và 18/7/1945). Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn cũng hết sức làm việc để Việt-nam-hoá nền giáo dục trung học công cộng. Những kế hoạch này hẳn cần một thời gian dài hơn 4 tháng mới thấy rõ kết quả; nhưng chúng đủ mở đường cho Bộ trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hoè của Việt Minh phát động chiến dịch bình dân giáo dục trong tương lai gần. Vào tháng 7/1945, khi Nhật quyết định trao trả độc lập và thống nhất lãnh thổ, chính phủ Kim đang chuẩn bị thực hiện một cuộc cải cách rộng lớn hơn, khởi đầu bằng việc thành lập một Ủy Ban quốc gia chịu trách nhiệm thành lập một nền quốc học. (45)

 

6. Cải Cách Tư Pháp:

 

Với phương vị Bộ trưởng Tư pháp, Trịnh Dình Thảo cũng khởi đầu chiến dịch cải cách hệ thống tư pháp. Tháng 5/1945, thành lập tại Huế một Ủy Ban Cải Cách và Thống Nhất Tư Pháp, do Thảo cầm đầu (L'Action, 2/6/1945). Ngoài ra, chính phủ Thảo xét lại các vụ án chính trị, trả tự do nhiều người hoạt động chống Pháp và phục hồi quyền công dân cho những người khác. Nhân dịp này, một số cán bộ Cộng sản trở lại với tổ chức cũ, và tích cực làm việc để phá hủy quyền lực của Kim (L'Action, 4/7/1945).

 

7. Đám Đông Tham Gia Chính Trị:

 

Sự đóng góp không thể từ chối được của chính phủ Kim là sự tham gia sinh hoạt chính trị của đám đông. Trong những buổi lễ, Kim vinh danh mọi anh hùng quốc dân, từ những quốc tổ huyền thoại, tức vua Hùng (2879-257 TTL), tới những anh hùng kháng Pháp như Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) đã bị xử chém cùng 12 đồng chí năm 1930. Một Ủy Ban được thành lập để lựa chọn danh sách các anh hùng sẽ được đưa vào Nghĩa Liệt Từ (L'Action, 26/6/1945). Tên đường phố được đặt lại. Tại Thuận Hoá (Huế), Lê Thái Tổ (1428-1433) vị vua đã giành lại độc lập từ tay nhà Minh năm 1427, thay thế Jules Ferry trên bảng tên đại lộ chính của thành phố. Tướng Trần Hưng Đạo, người hai lần chặn đứng sự xâm lăng của Mông Cổ năm 1278 và 1288, thay cho Paul Bert. Ngày 1/8, tân Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai còn đi xa hơn nữa khi cho lệnh phá bỏ những tượng đài do Pháp dựng lên tại các công viên trong chiến dịch xoá bỏ những tàn tích ô nhục (Tin Mới, 2/8/1945). Trong khi đó, báo chí Việt bùng nở—tự do xuất bản những bài viết về các phong trào chống Pháp và những lời đả kích các cộng sự viên của Pháp. Những lời chỉ trích còn hướng vào cả “ông ngoại” của Bảo Đại, tức Nguyễn Hữu Độ–người đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chinh phục của Pháp trong thập niên 1880 và bán rẻ cho Giám mục Paul Puginier chùa Báo Thiên và huyện Thọ Xương với giá tiền 100 quan, tức khu nhà Chung tại Hà Nội hiện nay. (Dân Mới, 5-7/1945; Hải Phòng, 28/7/1945).

 

Kế hoạch đáng kể nhất là việc đoàn ngũ hoá tuổi trẻ. Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh cố gắng tập trung và kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tuổi trẻ đã bùng nở từ sau ngày 9/3/1945. Ngày 25/5, một Dụ ra đời đặt xuống cơ cấu tổ chức các hội thanh niên. Trên thượng tầng là một Hội Đồng Quốc Gia Thanh Niên, một tổ chức tư vấn, để cố vấn Bộ trưởng Thanh niên. Những cơ cấu tương tự được thành lập xuống tới cấp huyện (L'Action, 16/6/1945). Trong khi đó, thanh niên được mời tham gia các tổ, đoàn địa phương từ tỉnh tới xã. Mỗi tỉnh lÿ có một trung tâm huấn luyện, ở đó họ có thể tham dự những khoá huấn luyện kéo dài một tháng (Tinh Tiến, 30/6 và 7/7/1945; Đàn Bà, 26/7-7/8/1945; L'Action, 26/6/1945). Chính phủ cũng thành lập một trung tâm quốc gia cho Thanh Niên Tiền Tuyến tại Thuận Hoá. Khai giảng ngày 2/6, trung tâm này dự trù là tiền thân trường huấn luyện sĩ quan trong tương lai (Kim 1969:92). Vào cuối tháng 7, các trung tâm cấp bộ cho thanh niên xã hội được thành lập tại Hà Nội, Thuận Hoá và Sài Gòn. Trong khi đó, tại Hà Nội, Tổng Hội Sinh Viên và Thanh Niên bị cơn sốt độc lập chi phối. “Sinh viên”–có lẽ với sự trợ giúp của chính phủ–tự xuất bản tuần báo Tự Trị (Tự Trị, 21/4-26/6/1945). Cư xá Sinh viên Hà Nội trở thành một trung tâm hoạt động chính trị. Vào tháng 5, tháng 6, có dấu hiệu cán bộ Cộng sản, dưới danh nghĩa Việt Minh, đã xâm nhập sâu vào Cư xá Sinh viên, và các hiệp hội thanh niên cùng cứu đói. Đối diện sự bành trướng của Mặt Trận Việt Minh, Nhật nỗ lực tiếp xúc các lãnh tụ của tổ chức này, nhưng các sứ giả của Nhật đều bị giết. Hiến Binh Nhật bèn phản công, bắt giữ hàng trăm thanh niên Việt tại miền Bắc vào hạ tuần tháng 6 (Kim 1969:82-3).

 

8. Thống Nhất Lãnh Thổ:

 

Thành quả đáng kể nhất của chính phủ Kim là việc thương thuyết thống nhất lãnh thổ. Ngay sau khi chấm dứt chế độ Pháp, người Nhật chẳng sốt sắng gì với việc thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Kim thành lập, Nhật đồng ý trao trả Bắc Bộ, dù còn giữ quyền kiểm soát các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, và Đà Nẵng. Trong khi đó, Nam bộ hoàn toàn đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Nhật, chẳng khác gì thời Pháp thuộc.

Bắt đầu từ tháng 5/1945, Ngoại trưởng Chương thương thuyết với Nhật tại Hà Nội, xin hoàn trả ba thị xã Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Việt Nam, nhưng Nhật thoái thác vì Hà Nội và Hải Phòng là hai điểm then chốt của kế hoạch phòng thủ Đông Dương. Mãi tới tháng 6 và tháng 7/1945, Nhật mới đồng ý thực hiện những bước sơ khởi hướng về sự thống nhất lãnh thổ Việt Nam. Ngày 16/6, Bảo Đại công bố Việt Nam sẽ được thống nhất trong tương lai (L'Action, 27/6/1945). Ngày 29/6, Tướng Tsuchihashi ký một loạt nghị định bàn giao một phần những trách nhiệm của chính phủ Liên bang Đông Dương—kể cả quan thuế, thông tin, và thanh niên, thể thao—cho ba chính phủ Việt, Miên và Lào (L'Action, 12/7/1945). Tiếp đó, Bảo Đại ban hành 4 đạo Dụ: thành lập Hội Đồng Tư Vấn Quốc Gia; một ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 15 người; một Ủy Ban 15 người khác nghiên cứu việc cải cách hành chính, pháp luật, và tài chính; và một Ủy Ban Cải cách Giáo dục, gồm hai [2] phụ nữ trong tổng số 18 ủy viên (L'Action, 13, và 17/7/1945; Tinh Tiến, 3/7/1945). Lần đầu tiên, các lãnh tụ miền Nam (như Trần Văn Ân và Hồ Văn Ngà) được mời tham gia các ủy ban trên.

 

Trong khi đó, những biến chuyển khác tại Nam bộ từ đầu tháng 7/1945 có thể coi như những bước chuẩn bị cho kế hoạch Nhật giao trả Việt Nam thống nhất lãnh thổ. Thượng tuần tháng 7, khi Nam bộ bừng bừng khí thế độc lập và đám đông tham gia hoạt động chính trị qua việc thành lập các tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Sài Gòn cùng nhiều tỉnh lị, Thống đốc Minoda tuyên bố sẽ thành lập Hội Nghị Nam Bộ để giúp đỡ người Nhật cai trị. Hội nghị này có nhiệm vụ tư vấn về những vấn đề do Nhật đệ xét và thanh tra các tỉnh. Mục đích chính của Hội nghị, Minoda nhấn mạnh, nhằm giúp người Việt hiểu được rằng họ cần phải hợp tác chặt chẽ với Nhật, vì “nếu Nhật bại trận, nền độc lập của Đông Dương sẽ lỡ dở” (L'Action, 16 & 23/7/1945). Sự hiện diện của Trần Văn Ân cùng những nhân vật theo phò Cường Để trong Hội nghị này phản ảnh sự thay đổi quan trọng trong thái độ của Minoda đối với vấn đề độc lập của Việt Nam, vì cho tới thời điểm này, viên Thống đốc Nhật nắm trọn mọi việc ở Nam Bộ trong tay. Tại buổi khai mạc Hội nghị Nam bộ ngày 21/7, Minoda gián tiếp nói đến sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam (L'Action, 24/7/1945). Sau đó, Trần Văn Ân được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội nghị, và Kha Vạng Cân, một lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong, Phó Chủ tịch.

 

Ngày 13/7, Trần Trọng Kim đến Hà Nội để thương thuyết với Toàn quyền Tsuchihashi. Tsuchihashi đồng ý trao trả ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho chính phủ Kim, hiệu lực từ ngày 20/7. Kim bèn cử Y sĩ Trần Văn Lai làm đốc lý Hà Nội, Luật sư Vũ Trọng Khánh, đốc lý Hải Phòng, và Nguyễn Khoa Phong đốc lý Đà Nẵng. Sau những cuộc thương thuyết kéo dài, hai bên còn đồng ý hoàn trả Nam bộ cho Việt Nam, và Kim sẽ lên đường vào Sài Gòn dự lễ thống nhất ngày 8/8. (46)

 

Sự thành đạt lịch sử của Kim lập tức bị che phủ bởi áp lực bên ngoài và sự chia rẽ nội bộ. Ngày 26/7, từ Potsdam gần một Berlin điêu tàn, đổ nát, lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Hoa và Bri-tên ra tuyên cáo đòi Nhật đầu hàng không điều kiện. Stalin không ký tên vì Nga Sô chưa tham chiến vói Nhật. Nhật thì lúc này chẳng còn mong chiến thắng, mà chỉ muốn đạt được ngưng bắn trong danh dự. Tệ hại hơn, viễn ảnh bị Đồng Minh trừng trị vì hợp tác với Nhật khiến nhiều người có thể hợp tác với Kim giữ thái độ xa cách. Các Bộ trưởng và những cộng sự viên phân tán dần. Khâm sai Bắc bộ là Phan Kế Toại—vây quanh bởi chính con trai và những người có cảm tình với Việt Minh hay cán bộ Cộng sản nằm vùng hoặc khuynh tả như Nguyễn Mạnh Hà và Hoàng Minh Giám—nạp đơn xin từ chức. Nguyễn Xuân Chữ, một lãnh tụ Việt Nam Ái Quốc Đảng và một trong năm thành viên của Ủy Ban Kiến Quốc, không đồng ý thay thế Toại (Thông Tin, 10/6/1945; Kim 1969:84, 91; Chữ 1996:280). Trở lại Thuận Hoá, Kim cũng đối diện sự chống đối ngày một gia tăng giữa các Bộ trưởng. Trần Văn Chương (người đã khởi đầu thương thuyết với Nhật từ tháng 5) muốn được hưởng công về việc thâu hồi ba thành phố và Nam bộ, và có thể cả chức Thủ tướng (Kim 1969:88-9).

 

Phiên họp Hội đồng Bộ trưởng trong hai ngày 5 và 6/8 được đánh dấu bằng những cuộc cãi vã cá nhân và việc ba Bộ trưởng Nội vụ, Kinh tế và Tiếp tế. Hồ Tá Khanh, Bộ trưởng Kinh tế, còn đòi toàn chính phủ từ chức, nhường cho Việt Minh lên cầm quyền vì có thực lực (Kim 1969:166). Ngày 7/8, chính phủ Kim từ chức. Bảo Đại yêu cầu Kim lập chính phủ mới, nhưng việc thế chiến đột ngột chấm dứt xen vào.

 

Ngày 8/8/1945, Liên Sô xua quân vào Manchuria (Mãn Châu) và tuyên chiến với Nhật. Hôm sau, trái bom nguyên tử thứ hai trút xuống Nagasaki, và Nhật không thể tiếp tục cuộc chiến. Thương thuyết được tiến hành, và Nhật quyết định cho Kim cùng những người Việt yêu nước những gì họ trông chờ bao năm dài—độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ. Kim nhiều lần được thúc dục vào Sài Gòn chủ tọa lễ thâu hồi miền Nam (Kim 1969:90). Nhưng nhiều yếu tố ngăn cản Kim rời kinh đô. Từ ngày 8/8, Phạm Khắc Hoè được Tôn Quang Phiệt cho lệnh xúi dục Bảo Đại thoái vị. Để thực hiện sứ mệnh này, Hoè tìm cách hạ uy tín Kim, đặc biệt là dèm pha việc Kim không thể mời những nhân vật nổi danh tham gia chính phủ mới ở Thuận Hoá (Phạm Khắc Hoè 1982:62-3). Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Nam, nêu lý do những cuộc nổi dạy ở Thanh Hoá và Quảng Ngãi tại Trung bộ để ngăn cản Kim lên đường vào Sài Gòn (Phạm Khắc Hoè 1982:62-3; Kim 1969:89). Việc đón nhận chủ quyền ở Nam Bộ bởi thế phải ủy cho Hội Nghị Nam Bộ. Rồi, ngày 14/8, Bảo Đại bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm, cựu Chủ tịch Hội Ái Hữu Ký Giả Nam Kỳ, làm Khâm sai Nam Bộ (L'Action, 17/8/1945). Sâm lập tức rời Thuận Hoá vào Sài Gòn. Trong khi đó, Việt Minh đã lợi dụng thời cơ, tổng nổi dạy.

 Vũ Ngự Chiêu (*)
© 2010, Copyright by Chieu N. Vu & Van Hoa Publishing.
All Rights Reserved.

(Xem tiếp phần 3)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 112386)
có một thời đạn bom bay qua tình trai trẻ có những hẹn hò hình như đã phôi pha có một xấp phong bì nào vàng úa trong tay ta và có lẻ tình yêu là một điều rất thật
29 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 81203)
Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Đọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở.
22 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 117073)
Buổi sáng Hilton café nguội em đã ủ nó trong đôi tay em đã gắng giữ nó khỏi nguội bằng những giọt nước mắt nóng...
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 122714)
Nhà văn Nhật Tiến, trong phần phát biểu cảm tưởng tại đám giỗ anh ở phòng sinh hoạt Người Việt, đã kể lại một chuyện cảm động, đó là niềm xúc động đẫm nước mắt khi cầm tờ báo Người Việt trên tay ở trong trại tị nạn vào năm 1979 sau khi ông và những thuyền nhân đồng hành còn sống sót, trong đó có cả cặp ký giả tên tuổi Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, sau một thời gian bị hải tặc bắt, giam cầm và hành hạ trên đảo Ko Kra trong Vịnh Thái Lan suốt cả tháng trời.
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 123389)
Chàng hôn tôi. Bỗng tôi cảm thấy đau nhói lên ở phía sau lưng vì chiếc móc soutien bị cấn vào vách ván. Tôi dướn người về phía trước làm như đáp trả lại nụ hôn vội vàng của Vị nhưng thật ra là để tránh cho phiến lưng bị chàng ép mãi vào vách. ...Chúng tôi vẫn im lặng hôn nhau. Tôi nhắm khít mắt khi Vị yêu tôi. Nắng rực rỡ đổ xuống, vách ván nóng cùng với hơi thở hâm hấp nóng của Vị không ngớt phả vào cổ vào mặt. Tôi cắn chặt răng để ngăn một tiếng khóc tội nghiệp. Quả thật chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng chúng tôi lại có lúc trở nên khốn đốn như lúc này.
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 115509)
Tôi chạy tìm tôi, ngày đã cạn Thắp đèn phủ dụ đám phù du Năm tháng lại trôi , chân lại bước Tôi còn nương tựa bóng thiên thu
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 97856)
Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời đệ nhị thế chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.
09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 96220)
LTS:Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam. Tạp Chí Hợp Lưu
17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 166919)
Tìm hiểu về rùa Hoàn Kiếm chúng ta hãy đi ngược trở lại những trang sử Việt Nam , chính sử cũng như huyền sử, và những bài viết thực tế đương thời đã được lưu trữ trong các mạng lưới. Khi đọc những dữ liệu trên, nhiều người sẽ có một cảm tưởng những dữ kiện về rùa không được thống nhất cả về huyền sử lẫn thực tế, và có những vấn đề cần được thảo luận.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 121542)
Ba tháng trời, thằng nhỏ đã bớt lầm lì hơn nhưng Sa ngày càng ghét nó. Nó có đôi mắt sâu bí hiểm. Đôi mắt đựng những mảng trời xanh tan tác. Đôi mắt hay nhìn ra biển chiều.