- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mùa Phật Đản Đẫm Máu (phần 1 Của 3)

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 98797)

Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này.
Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều. Đa số tác giả đều đứng về phe này hay phe kia, xếp đặt và diễn giải các dữ kiện vốn bị giới hạn, thiếu sót và tán quang theo sự yêu ghét hay khuynh hướng chính trị, tôn giáo của họ. Tác nhân lịch sử bị đặt lên những chiếc giường của tên tướng cướp, thừa chặt bớt, ngắn kéo dài ra cho vừa khuôn thước thành kiến tiên thiên của người kể chuyện cổ tích.
Không ít người còn bịa đặt ra những chi tiết không thực, xen kẽ vào những thông tin trộm cắp, nhai lại đó đây, để bẻ cong lịch sử hầu xây dựng một “kỳ đài” vàng mã cho họ Ngô. Tất cả đã khởi đi từ chính họ Ngô và guồng máy tuyên truyền của các nhóm Cần Lao Nhân Vị, Ngày 12/11/1963, chẳng hạn, Tướng Trần Tử Oai tiết lộ với một viên chức Mỹ là Ngô Đình Nhu đã trao cho Tổng Giám Đốc [TGĐ] Thông tin Phan Văn Tạo, thuộc Bộ Công Dân Vụ, 12 triệu để mở chiến dịch tuyên truyền chống Phật Giáo–12 lần lớn hơn ngân khoản phát động chiến dịch chống Cộng vào tháng 7/1955. (Memorandum ngày 13 Nov 1963; LBJL, NS File, Country File, Vietnam, Box 1)
Năm 1963, để chuẩn bị đón phái đoàn LHQ điều tra việc chế độ Diệm vi phạm điều 18 Tuyên Ngôn Nhân Quyền [Universal Declaration of Human Rights]–tức “Every one has the right to freedom of thought, conscience and religion; this right includes freedom to manifest his religion or belief in teaching, practice, worship and observance;” Doc A-5489, Add.1, cũng tương tự như Điều 17 của Hiến Pháp VNCH ngày 26/10/1956–cơ quan Việt Tấn Xã [VTX] lưu hành một tài liệu bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, gồm ba [3] tập, do Tôn Thất Thiện chủ biên, nhưng dấu kín những chi tiết như chính quyền ngụy tạo ra để cáo buộc Việt Cộng ném lựu đạn hay mìn từ lực; hoặc cách đối xử tàn tệ với tăng, ni, sinh viên, học sinh Phật tử qua các chương trình cải tạo rập khuôn Đảng CSVN tại Huế và Sài Gòn do nhóm Nguyễn Mâu và Dương Văn Hiếu tổ chức. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc–United Nations, General Assembly, Agenda Item 77: “The Violation of Human Rights in South Vietnam;” Doc A-5489–có những phụ bản này, nhưng chúng tôi chỉ được văn khố LHQ cung cấp phóng ảnh tài liệu báo cáo. Phải tới khi du khảo Việt Nam năm 2004-2005, chúng tôi mới được đọc các hồ sơ tự biện hộ trên của chế độ Diệm. (VNCH, Vấn đề Phật giáo [The Buddhist Questions]; TTLTQG II (TP/HCM), PTT/Đ1CH, HS 8506, 8511).

Ngày 24/10/1963, khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam anh em Diệm-Nhu còn bỏ ra một ngân khoản lớn để đón tiếp và sai thủ hạ (Trần Hữu Duệ, một tay chơi nổi danh Sài Gòn) dùng tửu sắc gài bẫy quay phim các đại diện “khả kính” trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Hành động này không những tự nó là một hình tội cản trở công lý, mà còn bộc lộ rõ “đạo đức” của anh em Diệm-Nhu–hay “morality” [Art 17] và “humanistic civilization” [Preamble] ghi trong Hiến Pháp 26/10/1956. Nhật ký Đỗ Thọ đã nhắc đến màn gài bẫy này từ nhiều thập niên trước. Tại hải ngoại, cựu Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu trưởng Lữ Đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống, cũng thú nhận trên báo Văn Nghệ Tiền Phong tiểu xảo trên. [Một cựu sĩ quan thông dịch cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc hồi đó, hiện ngụ tại Houston, Texas, đã tiết lộ với tác giả thủ đoạn này từ lâu]. Vậy mà người muốn che đậy tội ác cho họ Ngô vẫn cố vin vào “báo cáo” của phái đoàn LHQ (danh số A/5360) để ngụy biện cho chính sách kỳ thị tôn giáo của anh em Diệm hay vụ tấn công rạng sáng ngày 21/8/1963.
Nực cười và mọi rợ nhất là có chiến dịch vu cáo tác giả là “Việt Cộng” vì đã công bố những tài liệu về họ Ngô cùng đảng viên Cần Lao-Nhân Vị. Nhưng giấy khó gói được lửa.

Trong cuốn Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967, do nhà Văn Hóa xuất bản năm 1994 tại Houston, Texas, tôi đã dành một chương khá dài cho cuộc tranh đấu năm 1963 của Phật giáo miền Nam. Tôi cũng cho công bố một báo cáo đặc biệt của nhân viên tình báo Mỹ về mặt trái của cuộc đàn áp Phật Giáo tại Huế–gỡ xuống tấm mặt nạ đạo đức của họ Ngô, trong nỗ lực che đậy dư luận thế giới những tội ác vi phạm nhân quyền. 10 năm sau, nhiều tài liệu văn khố Mỹ, Pháp, Việt Nam và Liên Hiệp Quốc được giải mật thêm, nên tác giả đã hiệu đính chương này sau mỗi lần nghiên cứu ở các văn khố, kết đúc thành bài “Mùa Phật Đản Đẫm Máu” trong tập Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hoá, 2004). Năm 2004-2005, nhờ được du khảo tại Việt Nam trong chương trình Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ, với cơ quan đối tác là Trường Khoa Học Nhân Văn (tại trụ sở Đại học Van Khoa cũ trước 1975, nơi tôi đã hoàn tất bằng Cử Nhân Giáo Khoa Triết Đông năm 1974), làm việc trên các tư liệu văn khố VNCH tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia [TTLTQG] II Sài Gòn, nên lại hiệu đính thêm bài này. Tuy nhiên, trên đại thể, những nét chính không thay đổi.
Bài “Mùa Phật Đản đẫm máu” dưới đây được hoàn tất với sự khách quan tối đa mà các tư liệu đã giải mật cho phép. Khi in thành sách–trong bộ Lâu Đài Trên Bãi Cát–chúng tôi sẽ cho in lại những tư liệu văn khố cơ bản nhắc đến trong bài này.
Những tài liệu mới sử dụng:
Báo cáo của Phái đoàn điều tra LHQ tại Sài Gòn từ 24/10 tới thượng tuần tháng 9/1963. [United Nations, General Assembly, Official Records, Agenda Item 77, “The violation of Human rights in South Vietnam;” Doc. A/5630, 7/12/1963. [Sẽ dẫn UNGA Doc. A/5630]. Trong phần Phụ Bản có tài liệu 3 thứ tiếng Việt, Mỹ và Pháp do Việt Tấn Xã thực hiện, Tôn Thất Thiện chủ biên, để nộp cho Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi chỉ được tham khảo tài liệu này tại TTLTQG 2 (TP/HCM), PTT/Đ1CH, HS 8511.
[Chính phủ Kennedy công khai áp lực Diệm phải đáp ứng những nguyện vọng của Phật giáo, thành thực tôn trọng bản Tuyên cáo chung 16/6/1963, và từng đe dọa sẽ tách biệt khỏi chính sách Phật giáo của chế độ Diệm nếu có thêm một vụ tự thiêu. Diệm-Nhu quyết không nhân nhượng, tìm đủ cách phản ứng: Từ bịa đặt ra việc Cộng Sản ném lựu đạn (sau sửa sai thành hai trái mìn từ lực) trước Đài phát thanh Huế, đàn áp, bắt giữ người biểu tình, tới vu cáo cuộc tranh đấu của Phật giáo do Cộng Sản chi phối, nhằm lật đổ chính quyền. Cả Diệm lẫn Nhu đều lên án “đế quốc” [và Cộng Sản] nhúng tay vào cuộc tranh đấu của Phật Giáo].
Xem thêm Thích Trí Quang, “Cuộc vận động Phật giáo Việt Nam: Giai đoạn phát khởi;” Liên Hoa nguyệt san (29/1/1964), tr. 22, 28; dẫn trong Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng pháp nạn 1963 (Giao Điểm: 2003), tr. 91.
Nguyên Vũ, “Cái chết của một hàng tướng: Dương Văn Minh, 1916-2001,” trong Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt (Houston: Văn Hóa, 2002), tr. 9-156; bản hiệu đính đăng trên Phụ Bản tháng 9 &10/2006 của Hop Luu online;
Chính Đạo, “Mùa Phật đản đẫm máu;” Cuộc thánh chiến chống Cộng, 2004:243-304.
Vũ Ngự Chiêu, “Vài cảm nghĩ về Thượng tọa Thích Quảng Đức;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 84 (8-9/2005), tr. 194-206;

Tào Động [ts’ao tung] & Lâm Tế [Lin chi]
Phật giáo Bắc Tông–đặc biệt là phái Tào Động [ts’ao tung] và Lâm Tế [Lin chi]–chỉ phát triển mạnh tại Đàng Trong từ thế kỷ XVI-XVII, sau khi Nguyễn Hoàng được cử làm trấn thủ Thuận Hóa và tiếp tục “Nam tiến.” Nguyễn Hoàng và đa số chúa Nguyễn đều chuộng đạo Phật. Khi dời đô về Kim Long, Nguyễn Hoàng cho xây chùa Thiên Mụ ở xã An Ninh, Hương Trà vào đầu năm 1602 (tháng Chạp Tân Sửu [24/12/1601-22/1/1602]; ĐNTL, TB, 1:42) Người kế vị, Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), còn có biệt danh “Sãi vương” hay Phật vương.
Thời gian này, Đàng [Đường] Trong còn là một vùng biên thùy mở rộng cho mọi tầng lớp di dân và sự du nhập của các tôn giáo có tổ chức. Trong khi các cộng đồng cư dân bản xứ–thoạt tiên là Chàm, các bộ lạc thiểu số trên cao nguyên, và rồi đến dân Khmer ở phía Nam–cố gắng duy trì những hệ thống giá trị xã hội-văn hóa cổ truyền trước chu trình Việt hóa theo lối tằm ăn dâu, những đợt sóng tị nạn chính trị và kinh tế từ phương Bắc vào cuối triều Minh [Ming], đầu đời Thanh (Qing, 1644-1666) cũng mang vào Đàng Trong một số du tăng Hoa Nam. Trong số những người nổi danh nhất có Tạ Nguyên Thiều, gốc Triều Châu, đóng góp vào việc phát triển phái Thiền Bắc tông Lâm Tế vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
Tạ Nguyên Thiều, người Triều Châu, theo thuyền buôn Quảng Đông tới miền Nam khoảng năm 1665 [1677?] Dựng chùa ở phủ Qui Ninh (thôn Thuận Chánh, Tuy Viễn, Bình Định). Sau tới núi Phú Xuân, huyện Hương Trà, xây chùa Quốc Ân. Được Ngãi Vương Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) sai qua Quảng Đông đón hòa thượng Thạch Liêm cùng mua các đồ cúng tế. Rồi ban sắc chỉ trụ trì chùa Hà Trung (xã Hà Trung, Phú Lộc, Thừa Thiên). Kế thừa có: các sư mang hiệu chữ “Thành” ở chùa Quốc Ân (Huế) và chữ “Minh,” chùa Thập Tháp (Bình Định). (Liệt Truyện, TB, VI:260; Nguyễn Tài Thư, 1991:342-45)
Giác Linh (Huyền Khê), đời thứ 35, người Quảng Đông, giỏi võ nghệ, tu tại Đông Phố. Sau ra Phú Xuân, lập chùa Pháp Vân (tức Thiên Phước). (LT, TB, VI:264)
Đại lão hòa thượng Viên Quang, đời thứ 36, tới Gia Định, xây chùa Giác Lâm (Bình Dương). (Liệt Truyện, TB, VI:262-264)

Phái Tào Động chủ trương không thể tách biệt Phật và chúng sinh. Chỉ phát triển từ thời nhà Tống. Đời Mạc Mậu Hợp [Lê Thế Tông (1575-1599)] do thiền sư Thủy Nguyệt, tức Thông Giáo, đời thứ 36, truyền bá ở Đàng Ngoài [chùa Hồng Phúc hay chùa Hoè Nhai, Ba Đình, Hà Nội]. (Nguyễn Tài Thư, 1991, tr. 350-351) [351]
Phái thiền Tào Động có sứ giả là hòa thượng Thạch Liêm (tức Đại Sán), đến Huế năm 1695-1696 do lời mời của chúa Nguyễn.
Thạch Liêm, hiệu là Đại Sán Thạch Ông thi, người Chiết Tây. Cuối đời Minh, bỏ đi tu. Vân du khắp nơi. Đầu năm 1695, tới Huế, và ở lại đây hơn một năm. Minh Vương Nguyễn Phước Chu (1691-1725) rất quí chuộng, cho ở chùa Thiên Mụ, và dùng làm cố vấn. Năm 1696, về Quảng Đông, không trở lại nữa. (LT, TB, VI:262-264)
Theo Đại Sán, sư sang Huế là do Ngãi Vương Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) đã nhiều lần mời, lại có thư của quốc sư Hưng Liên, nên ngày 27/2/1695 rời Hoàng Phố (Quảng Đông) xuống Hội An. Tới Huế ngày 12/3/1695. Định cư ở chùa Thiền Lâm xã An Cựu. Sau đó tới chùa Thiên Mụ. Mở giới đàn chấn chỉnh hàng ngũ tăng già, nếp sống tu học và giới luật. Ngoài ra còn cố vấn cho Phước Chu nhiều vấn đề, kể cả việc xin thông hiếu với nhà Thanh. Ngày 22/7/1696 [24/6 Bính Tí], rời Hội An về Quảng Đông, không trở lại nữa. Tác giả Hải ngoại ký sự. (LT, TB, VI:262-264; Hải ngoại ký sự; Nguyễn Tài Thư, 1991:351-353).
Sáu năm sau, tháng Giêng Nhâm Ngọ [28/1-26/2/1702], Nguyễn Phước Chu sai sai bọn Hoàng Thần, Hưng Triệt (người Quảng Đông, theo hòa thượng Thạch Liêm đến yết kiến) đáp thuyền Xiêm qua Quảng Đông mang theo thư và cống vật xin vua Thanh phong vương, nhưng không thành công. [Lễ vật: 5 cân 4 lạng kỳ nam; 1 cân 13 lạng 5 đồng cân vàng sống; 2 ngà voi nặng 350 cân; 50 cây mây song hoa]. Vua Thanh không đồng ý vì đã phong cho vua Lê. (Thuyền Thanh thường ghé Quảng Nam buôn bán, nên gọi là nước Quảng Nam. (TB, 158-159)
Từ Huế và Quảng Nam, phái Tào Động được Liễu Quán và hơn 50 đệ tử quảng bá ngược ra Đàng Ngoài, làm sống lại phái Trúc Lâm Yên tử ở Sơn Nam hạ (Nam Định).
Liễu Quán tục danh là Lê Thiệt Diệu (1667-1742), người Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên. Đi tu từ 6 tuổi. 13 tuổi, ra Huế, tu tại chùa Báo Quốc với sư Giác Phong (người Hoa). Năm 1695, thụ giới với Thạch Liêm (Đại Sán, người Hoa). 1702 (Nhâm Ngọ) tới Long Sơn tu tập với Tứ Dung (người Hoa). 1722, về Huế. 1742, chết. Chúa Nguyễn phong làm Chính Giác Viên Ngộ. (Nguyễn Tài Thư, 1991:345-348)
Trong thế kỷ XVIIIÔ, một số tăng vân du từ Bình Định vào vùng châu thổ Cửu Long, xây chùa, lập thiền viện. Năm 1755, Đạt Bổn du phương tới Đông Phố, dựng chùa Kim Chương, truyền y bát cho nhiều thế hệ. (LT, TB, VI:263)
Huỳnh Lang dựng chùa ở núi Bạch Tháp, phía Bắc Vân Sơn, trấn Hà Tiên. (LT, TB, VI:264-265)
Khi anh em Nguyễn Nhạc nổi lên ở Bình Định, năm 1773, Long Kỳ đại sư ở Quảng Ngãi về kinh xin mật chỉ chiêu tập thủ hạ trong địa phương chống lại. (LT, TB, VI:266]
Trong khi đó, phái Nam Tông hay Nguyên thủy, tuyệt đối trung thành với mọi và mỗi lời Phật giảng dạy còn được ghi chép. Các tăng mặc áo vàng, chỉ ăn ngày một bữa và khất thực, nên không nhất thiết phải ăn chay như phái Bắc tông. Tại miền Bắc, các thiền viện Nam Tông dần dần bị giảm thiểu, rồi không để lại dấu vết nào của những nhà sư như Khang Tăng Hội, hay trường phái Giáo Tông, v.. v... Tại miền Nam, khoảng đầu thế kỷ VII, phái Nam Tông phát triển khá mạnh ở Lâm Ấp hay Chiêm Thành. Trong một cuộc đánh cướp nước Chiêm năm 605, quan tướng Tùy (589-618) mang về Trung Hoa 18 pho tượng vàng và hơn 1,350 bộ kinh [sutras].
Trong khi đó người Việt gốc Khmer ở vùng châu thổ Cửu Long cũng lập nên những cộng đồng theo hệ phái Nam Tông, tiêu biểu bằng những chùa chiền hùng vĩ với mái thiếp vàng, cùng những pho tượng vàng trấn tự. Các lục cả [tăng] giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của các thôn xã [sóc hay láng]. Tại nhiều nơi, việc giáo dục thanh thiếu niên được hoàn toàn giao cho hàng tăng lữ. (Mat The, Phat, p. 65).


9/2003-4/8/2010
Chính Đạo

 

I. TỪ CỜ ĐẾN MÁU LỬA:

Ngày 6/5, Đổng lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống, Quách Tòng Đức, gửi đi khắp nơi “chỉ thị” [khẩu lệnh] của Tổng thống Ngô Đình Diệm (1955-1963):
Ra chỉ thị cho các cơ sở phụng sự bất câu tôn giáo nào, trên các cơ sở phụng tự (nhà thờ, chùa chiền, v.. v...) chỉ treo cờ quốc gia mà thôi. Chính phủ đã hỏi các tôn giáo, đều đồng ý là con dân trong một nước chỉ treo cờ quốc gia. Sự treo cờ, ảnh phía trong thì tùy nghi. . . .
Lúc trước có khi vì muốn tránh treo cờ đỏ sao vàng Việt Minh hay cờ tam tài của Pháp, thì có những tôn giáo treo cờ hiệu gì khác.
Nước nhà đã độc lập, nên chỉ treo cờ quốc gia. Các nhà tư cũng vậy.(1)

Theo lời khai của viên chức chính phủ với phái đoàn Liên Hiệp Quốc [LHQ] vào hạ tuần tháng 10/1963, Diệm biết rõ rằng lệnh cấm treo cờ trên sẽ ảnh hưởng đến ngày Phật Đản sắp tới–ngày lễ quan trọng nhất của Phật Giáo–nhưng bất chấp hậu quả. (2)
Nhiều năm sau, còn có tin Quách Tòng Đức không hề gửi đi công điện 9195, nhưng những chi tiết trên tư liệu nguyên bản (như nhóm giờ và nơi gửi, nhận) khó giúp cho mức khả tín của lời tự biện hộ trên. Ngoài ra, theo tư liệu chính phủ, khẩu lệnh này được gửi đi sau khi Đức đã tham khảo mật với Mai Thọ Truyền, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, mà trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Cách nào đi nữa, thời điểm ban hành lệnh cấm treo cờ tôn giáo [hiểu như Phật Giáo] của Diệm là điều thiếu khôn ngoan. Chỉ còn không đầy 48 tiếng đồng hồ nữa là Lễ Phật Đản 2507 (15/4 Quí Mão, tức 8/5/1963), ngày lễ quan trọng nhất của Phật Giáo. Trên toàn miền nam, các khuôn hội Phật Giáo và tư gia đã hoàn tất việc chuẩn bị đón mừng Phật Đản, như treo cờ, biểu ngữ và dựng cổng chào.
Công điện cấm treo cờ gây một tia lửa điện xúc động tại Huế và miền Trung, được coi như kinh đô Phật Giáo từ hạ bán thế kỷ XVI. Đa số chúa Nguyễn đều mến mộ đạo Phật. Từ đời Minh Mạng (1820-1841), sau nửa thế kỷ chiến tranh hay “cách mạng thay đổi triều đại cầm quyền,” Khổng giáo chiếm lại vị thế trung tâm quyền lực, nhưng các vua Nguyễn vẫn duy trì truyền thống tam giáo đồng nguyên–và, cách nào đó, sử dụng Nho, Lão, Phật như đồng minh chống lại sự phát triển của Ki-tô giáo, mũi tên công phá, xung kích của chế độ thực dân Âu Mỹ. Nhân dịp rằm tháng 7 Ất Mùi [7/9/1835], chẳng hạn, Minh Mạng lập một tuần chay ở chùa Thiên Mụ để siêu độ cho vong linh tử sĩ ở Bắc Kỳ. Sau cho đặt thêm bài vị tử sĩ ở thành Phiên An (Gia Định hay Sài Gòn) trong cuộc nổi loạn của “Lê Văn Khôi” và Ki-tô giáo. Minh Mạng đích thân tới dự, tuyên bố rằng đạo Phật dạy người bằng thuyết họa phúc, báo ứng, không nhất thiết là dị đoan. Việc khuyên bảo người làm việc thiện, dẫu thánh nhân [tức Khổng Khâu] sống lại, cũng không thể đổi bỏ đi được.
Từ thập niên 1830, Ki-tô giáo Vatican hay “Catholic” được bảo vệ và hỗ trợ bằng chiến hạm của các nước Âu Mỹ, đặc biệt là Pháp [France], qua những cuộc chiến tranh nha phiến ở Trung Hoa, mở đầu việc liệt cường xâu xé đế quốc Thanh; và rồi cuộc biểu dương lực lượng của Napoléon III tại Việt Nam. Dưới thời Pháp thuộc (1884-1945), “Catholic”–vì là tôn giáo của dân Pháp và giai tầng trung gian bản xứ, trụ cột của nền bảo hộ–được khuyến khích, giúp đỡ bành trướng mạnh. Dù giáo dân chiếm chưa đầy 10% dân số, các cộng đồng Ki-tô bản xứ trở thành những quốc gia trong một quốc gia, tự ban danh hiệu “công giáo” [public religion] và cung cấp cho giai tầng trung gian bản xứ cũng như thị dân một nhân số quan trọng. Chính vì thế Jean-Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963)–với thành tích hết hợp tác với Pháp tới Nhật, và bị đánh giá là “cuồng đạo” [a Catholic mystic, yogi-like mystic, hay religious fanatic]–vẫn được Pháp, Mỹ và Bảo Đại chọn làm Thủ tướng toàn quyền quân và dân sự từ mùa Xuân 1954. Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield hay Ngoại trưởng Foster Dulles đều đánh giá Diệm như nhân vật duy nhất có thể cầm đầu cuộc chiến chống Cộng tại miền Nam. Ngắn và gọn, số chùa chiền, tu viện, khuôn hội Phật giáo gia tăng ở phía nam vĩ tuyến 17 từ 1954 tới 1963 không chỉ do ảnh hưởng quốc sách chống Cộng, mà còn phản ảnh sự chống đối vừa tiêu cực vừa tích cực của Phật giáo với chế độ giáo phiệt Ki-tô Diệm-Thục-Nhu hay Diemocracy.(3)
Nạn nhân thường trực của Ki-tô giáo là Phật Giáo cùng những phong tục truyền thống–như thờ cúng tổ tiên và bái vật [animism]. Mặc dù từ thập niên 1910 viên chức Pháp quyết định đoạn tuyệt với chính sách đồng hóa [assimilation] và Ki-tô hóa [catholicization] của Hội truyền giáo, chuyển sang hợp tác [collaboration] hay Pháp-Việt đề huề [Franco-Vietnamese happy co-existence], mãi tới thập niên 1920 Phật giáo và các tổ chức tôn giáo bản xứ khác mới bắt đầu được “duy tân” và khuyến khích đoàn ngũ hóa hầu chống Cộng. Sau năm 1945, các giới chức cầm quyền khuyến khích việc thống nhất Phật Giáo, dài theo ranh giới Quốc-Cộng. Tại vùng VNDCCH kiểm soát, có tổ chức Phật Giáo cứu quốc. Tại vùng Pháp và Bảo Đại kiểm soát, từ năm 1950 có nỗ lực thành lập các giáo hội địa phương cùng hai tổ chức toàn quốc là Tổng Hội Phật Giáo Viêt Nam [THPGVN] và Giáo Hội Tăng Già. Cũng năm 1950 này, Thượng tọa Tố Liên (1903-1977) đại diện Việt Nam tham dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới [World Fellowship of Buddhists, hay Hội Bằng Hữu Phật Giáo Thế Giới] tại Colombo (Sri Lanka, hay Tích Lan), từ ngày 26/5 tới 7/6/1950, và ủng hộ nghị quyết chọn cờ ngũ sắc làm giáo kỳ. Chùa Quán Sứ Hà Nội là nơi lá cờ Phật giáo được trương lên trước tiên trên đất nước Việt Nam. Trong thập niên 1950, lá cờ Phật Giáo ngày càng trở thành quen thuộc vì sự phát triển của các hệ phái Phật Giáo phía nam vĩ tuyến 17. Sự phát triển đặc biệt này, cần nhấn mạnh, không do sự khuyến khích của tam đầu chế Ngô Đình Thục-Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu. Việc giúp đỡ bất cứ tôn giáo không Ki-tô nào chỉ có tính cách tượng trưng, do các cấp viên chức địa phương (như không khắt khe áp dụng luật số 10 về các hiệp hội, hay cho mở sổ số để gây quĩ, v.. v...). Năm 1963, theo tài liệu chính phủ, tại Sài Gòn có tới 180 chùa: 69 chùa thuộc THPGVN, 22 chùa thuộc Cổ Sơn Môn, và 89 thuộc các môn phái khác cùng chùa tư. Nhưng từ 1954 tới 1963, tổng số tiền chính phủ trợ cấp 24 tổ chức Phật Giáo chỉ được 3,681,000 đồng, quá chênh lệch so với trợ giúp riêng cho Đại học tư Ki-tô ở Đà Lạt của Thục (gồm một phần tài sản tịch thu của Bảy Viễn, tiền vay dài hạn do chính phủ bảo đảm, độc quyền khai thác lâm sản, v.. v..), lên tới hàng chục triệu. (4)
Nhận hiểu rằng Phật tử chiếm đa số dân chúng trong nước, trong những năm đầu, Thục-Diệm-Nhu làm ngơ trước sự phát triển của các khuôn hội, đoàn Phật tử, v.. v... Những người góp công lớn trong việc phát triển của Phật giáo là tăng ni di cư và Phật tử chống Cộng. Xây dựng chùa chiền, tổ chức các ban đại diện, phong trào Phật tử, phát huy và hoằng dương đạo pháp là một phương thức chống Cộng hòa bình và hữu hiệu nhất: Lấy tôn giáo chống lại Cộng Sản vô thần (những người từng ví von tôn giáo như thuốc phiện). (5) Hoà Thượng tọa Thích Quảng Độ–đương kim Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam [GHPGTNVN] là một trường hợp điển hình. Thày của Quảng Độ từng bị Cộng Sản Việt Nam đưa ra xét xử trước tòa án nhân dân và thảm sát bằng gậy gộc vì tội “Việt Gian,” gián điệp cho Pháp.
Ngoài ra, việc phát triển chùa chiền, khuôn hội phản ảnh một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh lạnh giữa Phật Giáo và Ki-tô giáo, kéo dài đã hơn bốn thế kỷ. Trong giai đoạn Pháp xâm chiếm Việt Nam, rất nhiều danh tự đã biến thành nhà thờ ở Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định hay Quảng Trị. Trường hợp nổi danh nhất là việc Kinh lược Nguyễn Hữu Độ bán rẻ chùa Báo Thiên và làng Thọ Xương–tức khu vực Nhà Chung gần trung tâm Hà Nội hiện nay–cho Giám mục Paul Puginier với số tiền tượng trưng 100 quan để mua chuộc sự yểm trợ của các giáo sĩ Ki-tô. Một số tăng miền Trung–như Thích Trí Quang và Thích Đôn Hậu–từng tham gia Phong Trào Phật Giáo Cứu Quốc, và có tên trong “sổ đen” của cơ quan tình báo Pháp. Tuy nhiên Ngô Đình Cẩn (1911-1964), em áp út Diệm và từng được xưng tụng là Cố vấn chỉ đạo miền Trung, trước khi Thục ra nắm chức Tổng Giám Mục Huế–người nổi danh tiêu diệt gần trọn mạng lưới Cộng Sản nằm vùng miền Trung trong giai đoạn 1955-1960–vẫn không đụng chạm đến các tăng này. Trong dân gian, có lời truyền tụng là bài vị Ngô Đình Dinh, cha Khả và ông nội Diệm, Cẩn, v.. v.. được bí mật thờ trong một chùa ở Huế.
Cho tới đầu thế kỷ XXI, vì hầu hết phần tử gia đình họ Ngô đã bị giết hay qua đời, khó thể biết lý do Diệm sai Đổng lý văn phòng gửi đi công điện cấm hoặc hạn chế treo cờ ngày 6/5/1963. Lập luận của chính phủ là quốc kỳ (cờ vàng ba sọc đỏ) phải được tôn trọng hơn cờ tôn giáo. Dân chúng phải treo quốc kỳ, còn cờ tôn giáo chỉ được phép treo trong các ngày lễ, tại các nơi thờ tự hay tư gia, nếu được chính quyền địa phương cho phép. Đó là tinh thần Nghị định 189/BNV/NA/P5, ngày 12/5/1958 của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lâm Lễ Trinh, được tái xác nhận ngày 14/6/1962. Ngày 29/5/1963, giữa cao trào tranh đấu của Phật Giáo, chính phủ Diệm ra thêm thông cáo: “Khi qui định thể thức treo quốc kỳ và đạo kỳ, chánh phủ chỉ muốn nhắc nhở Quốc kỳ là tượng trưng cho chánh nghĩa, là kết tinh ý thức đấu tranh toàn diện, toàn dân, toàn quân.” (6)
Ngô Đình Thục (1897-1984), người bị nghi đứng sau khẩu lệnh tai hại của Diệm, đổ thêm dầu vào lửa khi cho rằng Công điện ngày 6/5/1963 không quan trọng, và không đụng chạm đến tôn giáo. Trong Chỉ thị cho giáo dân ít tháng sau, Thục viết: “Trong đạo ta chỉ có một biểu hiệu là thánh giá mà thôi. Anh em đừng nghĩ rằng cờ Tòa Thánh Vatican là cờ có tính cách quốc tế nên được phép treo các nơi. Cái cờ bấy lâu gọi là cờ Tòa Thánh chỉ là cờ nước Vatican, không phải là cờ của đạo ta. . . . [H]ễ có lễ trong đạo thì ngoài đường, trong nhà anh em, trong khu ngoài nhà thờ chỉ treo cờ quốc gia mà thôi, ai không tuân thì xin các cha bổn sở phải tịch thâu các thứ cờ khác ngoài cờ quốc gia. Không phải ta là công giáo mà ta vô tổ quốc. Ta hân hạnh có đạo, bởi vì ta hiểu biết đạo rõ ràng lại vì ta hành đạo triệt để, không phải một tấm vải vài đồng bạc mà thay được tín ngưỡng đâu.” (7)
Lập trường của giới cai trị này khó thuyết phục được các lãnh đạo Phật giáo và Phật tử miền Nam. Thục, theo Tướng Lê Văn Nghiêm, từng tuyên bố với những người tín cẩn rằng “cần phải hạ Phật giáo bằng mọi phương tiện, nếu không Phật giáo sẽ mạnh hơn Ki-tô,” và “ngay cả đời sống giáo dân sẽ bị đe dọa.”( 8)
Mùa Xuân 1963 Thục còn có thêm lý do để “ra tay” với Phật Giáo. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục, Thục–theo lời một nhân chứng ngoại quốc, viết bằng Mỹ ngữ ngày 12/6/1963, và Linh mục Cao Văn Luận, Viện truởng Đại học Huế–đã xin với Vatican lên chức Hồng Y vì “80% dân chúng trong giáo phận Huế là giáo dân Ki-tô.” (9)
Điều này dễ hiểu và rất có thể là sự thực, vì từ năm 1961, Thục được coi như người cầm đầu Giáo Hội [miền nam] Việt Nam, không vì đạo hạnh, mà vì được Diệm kính trọng và nghe lời. Hơn nữa, việc phong giáo tước thường bị chính trị hóa. Năm 1950, chẳng hạn, Linh mục John Dooley, một công dân Mỹ gốc Ireland [Ái Nhĩ Lan?], được đặc cách lên Tổng Giám Mục, Khâm mạng Vatican, để thực thi cuộc thánh chiến chống Cộng. Trong khi đó, cơ quan tuyên truyền cho rằng giáo hội miền bắc đã “im lặng,” Đức Mẹ Fatima đã di cư vào nam; nên Thục xứng đáng được chức Hồng Y đầu tiên. Vì vậy, theo tài liệu đã dẫn, Vatican gửi một phái đoàn điều tra tới miền Trung vào đầu tháng 5/1963. Mặc dù cờ Ki-tô giáo nửa vàng, nửa trắng giăng mắc khắp nơi trong thời gian phái đoàn ở Việt Nam, đại biểu Vatican cũng ghi nhận Phật tử đang chuẩn bị cờ ngũ sắc, biểu ngữ và cổng chào mừng đón Phật đản 2507. Bởi thế phái đoàn Vatican kết luận sơ khởi rằng chỉ có 20% dân miền Trung theo đạo Ki-tô mà không phải 80% như Thục báo cáo. Để che dấu sự thực, Thục ngầm cho lệnh viên chức địa phương cấm treo cờ hay tuần hành rước lễ Phật Đản.
Dù Thục có áp lực Diệm ban hành lệnh cầm treo cờ Phật giáo ngày Phật Đản 2507 hay chăng, công điện nhắc nhở lệnh cấm ngày 6/5/1963 là sỉ nhục lớn với Phật tử. Vì, cho tới ngày 5/5, cờ Ki-tô giáo còn phấp phới khắp miền Nam, trong khi tổng số giáo dân không đầy 10% dân số. Ngày 5/5/1963 này, Diệm còn tổ chức Lễ Tạ Ơn kỷ niệm 25 năm Thục được phong Giám Mục tại nhà thờ trên đường Kỳ Đồng, Sài Gòn. Ngoài lễ nghi quân cách, cờ Ki-tô giáo chi chít khắp nơi.( 10)
Ngay chiều ngày 6/5 (13/4 Quí Mão), Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Huế là Nguyễn Văn Đẳng sao gửi công điện của Quách Tòng Đức cho các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là Ban trị sự Giáo hội Tăng già và Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần và tỉnh Thừa Thiên, cùng Ban tổ chức Lễ Phật Đản tại Thừa Thiên-Huế. Các lãnh đạo Phật giáo phản ứng một cách chừng mực. Sáng hôm sau, một phái đoàn đại diện Tăng Già và ban tổ chức Phật Đản–gồm Thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Mật Nguyện, Thích Thiện Minh và Thích Thiện Siêu–đến gặp Thị trưởng Đẳng để “trình bày những thắc mắc và uất ức” của Phật tử về lệnh cấm treo cờ. Không thỏa mãn với lời giải thích của Đẳng, đại diện Phật Giáo yêu cầu được tiếp kiến Cố vấn chỉ đạo miền Trung về lệnh cấm treo cờ. Cẩn đồng ý, mời Trí Quang tới tư dinh, dự một cuộc họp với Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương và Thị trưởng Đẳng vào lúc 11G45 ngày 7/5/1963 (14/4 âm lịch). Sau một hồi thảo luận, Cẩn đồng ý cho các chùa chiền và lễ đài tiếp tục treo cờ, nhưng các tư gia thì nên cho Cảnh Sát đi thuyết phục họ hạ cờ. Bởi thế, lúc 12 giờ trưa ngày 7/5/1963, Đẳng gọi Trưởng ty Cảnh sát Huế tới tư dinh Cẩn, cho lệnh sử dụng Mật vụ để áp lực dân chúng hạ cờ. Có lẽ vì thế một số nhân viên Cảnh Sát, Công An đã sốt sắng tháo gỡ cờ Phật giáo bất chấp sự phản đối của dân chúng. (11)

Khoảng 17G45 ngày 7/5, một phái đoàn gồm các đại diện Giáo Hội Tăng Già, ban tổ chức Phật đản 2507 và khoảng 200 Phật tử lại kéo tới Toà Hành chánh tỉnh gặp Đẳng. Theo lời Bộ trưởng Nội vụ Lương khai với Phái đoàn Liên Hiệp Quốc ngày 30/10/1963, đích thân Lương cho tạm hoãn thi hành lệnh cấm treo cờ, và lãnh đạo Phật giáo rất mãn nguyện. (12)
Tại Đà Nẵng, cách Huế khoảng 100 cây số về phía Đông Nam, Cảnh sát cũng tới các cơ sở thương mại, ra lệnh cấm treo cờ mừng Phật đản; bằng không sẽ bị rút giấy phép. Chẳng hiểu việc làm này liên hệ gì đến Thị trưởng Hà Thúc Luyện hay chăng. Cách nào đi nữa, ngày 8/5, Thiếu tướng Nghiêm, Tư lệnh Quân Đoàn I, vẫn cho phép quân nhân Phật tử tổ chức lễ Phật Đản. (13)
Tại Đà Nẵng, quân nhân Phật tử dựng một khán đài tại góc đuờng Thống Nhất và bờ sông Bạch Đằng (sông Hàn), và tổ chức diễn hành xe hoa. Tại Huế, Phật tử cũng dựng khán đài và kết cờ Phật Giáo. Nhưng không khí đấu tranh phảng phất trong không gian. Trong cuộc rước lễ từ chùa Diệu Đế tới chùa Từ Đàm sáng ngày 8/5/1963, Phật tử đã trương lên một số biểu ngữ đòi bình quyền tôn giáo và thề bảo vệ giáo kỳ bằng mọi giá.
Người châm ngòi nổ cho cuộc tranh đấu là Thượng tọa Trí Quang, Chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Phần. Sau bài diễn văn nẩy lửa trong buổi lễ sáng 8/5 tại chùa Từ Đàm–với sự tham dự của nhiều viên chức cao cấp địa phương (ngoại trừ Đại biểu Trung Nguyên Trung Phần và Thị trưởng Đẳng)–Trí Quang lần lượt đọc lại từng biểu ngữ của Phật tử trương lên trong buổi sáng mà viên chức chính quyền không hài lòng. Đám đông hợp xướng lại bằng những tiếng hoan hô hay đả đảo, biến buổi lễ Phật Đản thành một cuộc mít tinh rực lửa tranh đấu bình quyền tôn giáo. Một lãnh tụ đối lập chế độ giáo phiệt vừa được khai sinh, dưới bộ cà-sa.
Tối đó, một biến cố đẫm máu đột ngột xảy ra. Giữa lúc hàng ngàn Phật tử tụ họp trước Đài phát thanh Huế vào khoảng 8 giờ tối để nghe chương trình phát thanh đặc biệt Phật Đản, một nhóm thanh niên Ki-tô giật cờ Phật Giáo tại một cổng chào, rồi xông tới đập phá lễ đài. Bạo động bùng nổ. Giám đốc đài Huế, Ngô Ganh, sau khi nhận chỉ thị phải từ chối phát thanh lại cuốn băng buổi lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm, khóa trái cửa “để bảo vệ máy móc” trước sự đe dọa của một số Phật tử hung hãn. Khoảng 22 giờ, Thị trưởng Đẳng được mời tới Đài phát thanh bàn thảo với Thượng Tọa Trí Quang về nội dung chương trình phát thanh Phật Đản mà hàng ngàn người đang chờ đợi, Thiếu tá Đặng Sỹ, Phó Tỉnh trưởng Nội An, dẫn Cảnh Sát, và lực lượng an ninh (Biệt đội Ngô Đình Khôi) gồm 8 tuần thám xa [blinder] của Địa Phương Quân, 1 đại đội ĐPQ, 1 đại đội trừ Bộ Binh, đến tái lập trật tự. Sau khi đám đông không chịu giải tán, Sỹ cho lệnh dùng lựu đạn cay, vòi rồng phun nước, và rồi nổ súng. Đa số binh sĩ không tuân lệnh, chỉ có đơn vị riêng của Sỹ thẳng tay đàn áp. Xe tuần thám chạy ngang dọc giữa đám đông. Dân chúng hoảng hốt tranh nhau bỏ chạy tứ phía. Kết quả, 9 người chết (kể cả 2 trẻ em bị tuần thám xa cán), và 14 bị thương.( 14)

Đây là một hành động có thể bị truy tố về tội ác chiến tranh [war crime] và tội ác chống lại nhân quyền [crime against Human rights] của Sỹ; và các cấp chỉ huy, kể cả Ngô Đình Diệm, phải liên đới trách nhiệm.( 15)
Để che đậy sự thực, thoạt tiên chính phủ loan tin một quả lựu đạn của quân khủng bố (Cộng Sản) từ đám đông ném ra, vì quân đội chỉ bắn lên trời hoặc dùng đạn mã tử. Lời giải thích này dựa theo mật điện số 100/MM, từ văn phòng Đại biểu Trung nguyên Trung Phần (Hồ Đắc Khương) gửi về Phủ Tổng thống ngày 9/5/1963. Theo Mật điện trên, trong lúc Đặng Sỹ đàn áp đám đông, “một quả lựu đạn MK-2 đã từ trong đoàn người phóng ra làm cho 7 thường dân chết, 1 thường dân và 5 binh sĩ bị thương. Cơ quan an ninh đã phải xử dụng lựu đạn cay mắt để giải tán đoàn người và tình hình đã trở lại tương đối yên tịnh vào lúc 24G00.” VP/ĐBCP/TNTP cũng qui tội cho Việt Cộng, và xin được tổ chức biểu tình ngày 9/5/1963. (16)
Sau khi đám đông bị giải tán, viên chức chính phủ mang 9 xác chết tới bệnh viện Trung ương Huế. Theo một nguồn tin an ninh Mỹ, dù được lệnh phải ghi vào giấy chứng tử là các nạn nhân “chết vì lựu đạn do khủng bố Việt Cộng ném,” Y sĩ Lê Khắc Quyến, Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Y tế miền Trung, không đồng ý: Các y sĩ thực hiện giảo nghiệm (lý khám) kết luận rằng đa số nạn nhân đều chết vì những vết thương trên đầu, và di thể không hề có mảnh “lựu đạn MK-2” nào. (17)
Bởi vậy, viên chức chính phủ, dù vẫn nhất tề trút mọi trách nhiệm cho Việt Cộng, nhưng bắt đầu sửa sai từ “lựu đạn” sang “mìn từ lực” [plastic] cho có vẻ hợp lý hơn.( 18) Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ, trong thư gửi Thượng tọa Thiện Minh ngày 11/7/1963, biện minh rằng các nạn nhân đêm 8/5 là do “plastic” của Việt Cộng; chính Y sĩ Quyến, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế, đã xác nhận viêc này trong buổi tiếp xúc ngày 8/7/1963 với Đại biểu TNTP và các y sĩ lý khám. (19) Tháng 10/1963, Trần Tử Oai khai với phái đoàn LHQ tìm sự thực về sự vi phạm nhân quyền tại Nam Việt Nam rằng Cộng Sản đã cho nổ hai trái mìn từ lực mà quân đội VNCH cũng như Mỹ không có [That night another more violent meeting took place at the Huê radio station. Communist elements took advantage of it to explode two plastic charges which caused the death of eight persons, including several children and a Catholic girl]. Ở một đoạn khác, Oai lập lại lời cáo buộc này [With regard to the charge that the Government had ordered the killing of the demonstrators by tanks, cannons, rifles and grenades, this was an absolute slander. According to the findings of the medical experts, all the wounds on the victims’ bodies were caused by the explosion of plastic charges, which are not used by the Army or the security forces of Vietnam, but only by Communists.”( 20) Bộ trưởng Nội vụ cùng một luận điệu. (21)
Rõ ràng có những nỗ lực của viên chức chính phủ–do tự ý hay nhận lệnh thượng cấp–nhằm cản trở công lý [obstruction of justice], và bản thân phạm tội dối trá khi đã tuyên thệ [perjury].
Những ngày kế tiếp, tình hình Huế cực kỳ sôi động. Suốt đêm mồng 8 rạng 9/5, thanh thiếu niên kéo nhau đi quanh đường phố, hô to khẩu hiệu đả đảo Diệm. Khoảng 11G00 sáng, chừng 800 Phật tử tụ họp biểu tình. Đẳng yêu cầu họ giải tán để tránh bị “phản loạn” lợi dụng. Đẳng cũng ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối.
Ngày 9/5, Diệm sai Bộ trưởng Nội vụ trở lại Huế giải quyết. Lương áp lực Trí Quang đi theo xe phóng thanh kêu gọi mọi người ra về. Trí Quang chỉ hòa thuận bề ngoài, chưa chịu lùi bước. Theo Lương, Trí Quang đã âm mưu chống chính quyền từ năm 1960, với sự xúi dục của Cộng Sản. Đặng Ngọc Lựu, thân cận của Trí Quang, cung cấp tin này. (22) (Nhưng tư liệu CS bác bỏ cáo buộc này: Trước năm 1963, cán bộ CS không thuyết phục được Phật Giáo ngả theo CS chống Diệm).
Chiều 9/5, Phong trào Cách Mạng Quốc Gia ở Huế–cánh tay chính trị của chính quyền và Đảng Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng từ năm 1954–tổ chức mít-tinh, lên án Cộng Sản phá hoại, khủng bố trong đêm 8/5. Rất ít người tham dự, và không ai lên diễn đàn. Một số tiểu đoàn Dù gốc Nùng được điều tới Huế để “bảo vệ trật tự.” Mật vụ bắt đầu lùng bắt các lãnh tụ Phật tử, và lực lượng an ninh cô lập hàng ngàn người biểu tình trong vòng rào kẽm gai.( 23)
Ngày 10/5, trong cuộc biểu tình qui tụ khoảng 5,000-6,000 Phật tử, tăng ni tại chùa Từ Đàm, Trí Quang đọc diễn văn, kêu gọi bất bạo động và Phật tử tiếp tục treo cờ. Sau đó, đại diện Ủy ban tranh đấu trao cho Đẳng một Tuyên Ngôn [Manifesto], đòi hỏi năm [5] điều tương đối ôn hoà: tự do treo cờ; Phật giáo được hưởng quyền dành cho Ki-tô giáo qui định trong Dụ số 10 [ngày 6/8/1950]; ngưng bắt giữ và khủng bố Phật tử; tự do tín ngưỡng; bồi thường cho nạn nhân ngày 8/5 và trừng trị những người có trách nhiệm. Năm người ký tên là các tăng trụ trì các chùa danh tiếng đất Huế: Hòa Thượng Tường Vân [tên chùa Hòa thượng Tịnh Khiết trụ trì], Thượng tọa Mật Nguyện [Trần Lộc, 56 tuổi, tu tại chùa Linh Quang], Mật Hiển [Nguyễn Duy Quang, 56 tuổi, tu tại chùa Trúc Lâm], Trí Quang [Phạm Trí Quang hay Bông, 41 tuổi], và Thiện Siêu [Vũ Trọng Tường, 43 tuổi, tu tại chùa Từ Đàm].( 24).
Với đại đa số Phật tử, “Dụ số 10” nêu trong Thông Bạch ngày 10/5/1963 có vẻ xa lạ. Dụ này do Bảo Đại ban hành ngày 6/8/1950, liên quan đến qui chế các hiệp hội, đảng phái, gồm 5 chương, 45 điều. Điều thứ 44 ghi nhận:
“Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô, và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau.”( 25)

Điều này có nghĩa các tổ chức tôn giáo không Ki-tô như Phật giáo, Hoà Hảo, Cao Đài, Islam v.. v... đều chỉ được phép hoạt động nếu có sự đồng ý của chính phủ.
Thị trưởng Đẳng, “con nuôi tinh thần” của Hòa thượng Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật Giáo, lên diễn đàn xin lỗi về tai nạn đã xảy ra, và hứa bồi thường cho gia đình nạn nhân. Cẩn cũng áp lực Trí Quang phải ngưng tranh đấu, tìm cách giải quyết. Hôm sau, 11/5, Trí Quang triệu tập một buổi họp với các giáo sư và sinh viên, học sinh để giải thích 5 nguyện vọng của Phật giáo.(26)
Đồng thời, các lãnh tụ Phật Giáo bắt đầu khai thác cái chết của các nạn nhân tối Phật Đản, ca ngợi họ như “thánh tử đạo.” Ngày 12/5, Trí Quang yêu cầu Đẳng cho làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân vào ngày 14/5. Đẳng không dám tự quyền, đề nghị Phật Giáo thảo luận với Tư lệnh Quân Đoàn I và Đại biểu Chính phủ tại TNTP vào hôm sau. Phật Giáo đồng ý lùi ngày cầu siêu lại một tuần, tức 21/5/1963. Riêng ngày 14/5, chỉ được làm lễ cầu siêu trong chùa Từ Đàm.
Trong ngày 13/5, Trí Quang cũng gặp Đại biểu chính phủ để thảo luận về 5 đòi hỏi của Phật Giáo. Mặc dù cho rằng những yêu sách của Phật Giáo “vô căn” [groundless], viên chức này tuyên bố chính phủ sẽ cứu xét. Đại biểu chính phủ thêm rằng đòi hỏi của Phật Giáo mang tích cách “tối hậu thư,” và đây là một sai lầm. (27)
Tại Sài Gòn, mặc dù Quách Tòng Đức đã bí mật hội ý với Mai Thọ Truyền trước ngày ban hành lệnh cấm treo cờ, Phật tử biểu tình liên tiếp trong hai ngày 7 và 8/5 để chống lệnh cấm và đòi bình quyền tôn giáo. Ngày 9/5, Thượng tọa Tâm Châu, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo–quyết “Tử Vì Đạo.” Ủy ban Liên Phái qui tụ 11 Hội đoàn, gồm Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Trung Việt, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam, Hội Phật Học Nam Việt, Hội Phật Giáo Trung Việt, Hội Phật Giáo Bắc Việt tại miền Nam [thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam; 1960-1965: Hội chủ: Hòa thượng Tịnh Khiết; Phó Hội chủ: Thượng tọa Tâm Châu, Mai Thọ Truyền], Giáo Hội Thiền Định Đạo Tràng (chùa Phật Bửu, đường Cao Thắng; Đạo chủ là Hòa thượng Minh Trực, có 16 chùa), Giáo Hội Tăng Già Kampuchia [người Việt gốc Khmer], Hội Phật Giáo Kampuchia [người Việt gốc Khmer], (chùa Chantareansey, đường Trương Minh Giảng, Phú Nhuận; Lục cả Lâm Em), Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy [Therevada] (chùa Kỳ Viên, đường Phan Đình Phùng [người Việt], Đại Đức Bửu Chơn, Tăng thống), Hội Phật Giáo Nguyên Thủy [người Việt] (Hội trưởng: Nguyễn Văn Hiếu; ngoài chùa Kỳ Viên còn có 6 chùa khác: chùa Bình Đông, Phú Lâm, Gò Dưa, Bình Hòa (chùa Phổ Minh) và Đà Nẵng (Tam Bảo)). Tâm Châu, một tăng di cư, từng vận động chống việc chiếu phim về Phật Thích Ca, được cử làm Chủ tịch; với Mai Thọ Truyền, Tổng thư ký. Văn phòng đặt tại chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan. (28)
Thượng tọa Tâm Châu cũng gửi tâm thư cho các tăng ni mọi cấp, kêu gọi mọi người quyết tâm bảo vệ giáo kỳ với tinh thần “tử vì đạo.” (29) Riêng Thượng tọa Thiện Hòa (1907-1978), Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Gìa Toàn Quốc, kêu gọi tinh thần bất bạo động, hòa giải. (30)
Cuộc đàn áp ở Huế không chỉ tạo nên tia lửa điện tranh đấu trong hàng ngũ Phật tử Việt Nam mà cũng khiến Bộ Ngoại Giao Mỹ đặc biệt quan tâm. Dù tuyên bố trung lập, Bạch Cung có thiện cảm với Phật Giáo. Từ Oat-shinh-tân, chiều 9/5 [04G24 sáng 10/5 VN], Ngoại trưởng Dean Rusk chỉ thị Đại sứ Frederick Nolting yêu cầu Diệm: (1) Không nên đàn áp Phật tử, (2) bày tỏ cảm tình với gia đình nạn nhân và giúp tiền an táng, (3) sử dụng những biện pháp thích nghi để vãn hồi trật tự, và (4) tạo tinh thần thân ái giữa các nhóm giáo dân.(31)
Trong khi đó, Trung ương Tình báo Mỹ [CIA] ghi nhận Cao Đài và Hoà Hảo đang thảo luận phối hợp hành động với Phật giáo. Lại cũng có tin tuyệt thực đã bắt đầu tại Huế từ ngày 12/5. Theo Trung tá Trần Văn Thưởng–Giám đốc Cảnh Sát Công An Trung nguyên Trung Phần, người đã điều tra về việc đàn áp Phật Giáo ở miền Trung năm trước–Phật tử dự định biểu tình khắp đồng bằng miền Trung ngày 21/5. Tại Sài Gòn cũng có tin sẽ biểu tình ngày 21/5.(32)
Do Nolting dàn xếp, ngày 15/5, Tổng thống Diệm tiếp đại diện Phật giáo tại Sài Gòn. Phái đoàn này gồm Thượng tọa Thiện Hòa (Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Toàn quốc); Thiện Hoa (Trị sự trưởng Giáo Hội Nam Việt); Thiện Thái (Trị sự trưởng Giáo Hội Bắc Việt), Lâm Em (Trị sự trưởng Chùa Chantereansey), Dũng Chí (Phật Giáo Nguyên Thủy), cùng hai cư sĩ Mai Thọ Truyền (Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt), và Vũ Bảo Vinh (Hội trưởng Hội Phật học Bắc Việt). Phe chính phủ có Bui Văn Lương (Nội vụ) và Paul Ngô Trọng Hiếu (Công dân vụ).(33)
Theo Việt Tấn Xã ngày 17/5, về đòi hỏi số 1 (rút lại lệnh cấm treo cờ Phật giáo), Diệm cho rằng cả Ki-tô lẫn Phật giáo đã có lỗi về việc treo cờ; chỉ được treo giáo kỳ trong các thánh đường hay chùa. Về đòi hỏi thứ hai (Dụ số 10), Diệm nói sẽ cứu xét lại. Điểm 3, về việc bắt giữ Phật tử và tăng ni, Paul Hiếu nói không hề có “khủng bố.” Lương cũng khẳng định “không hề có việc quân đội ném lựu đạn, xe thiết giáp bắn trọng pháo hay cán vào đám đông. . . . Sự thật chỉ có hai trái mìn từ lực [plastic] do Việt Cộng thừa lúc lộn xộn mà giựt, vì Quân đội không có plastic và căn cứ vào vết tích còn lại.” Diệm nói những người bị bắt có hành động bất an cho dân chúng và chính quyền, nếu tha ra, phần tử xấu sẽ lợi dụng. Điểm 4, về tự do tín ngưỡng, Diệm xác nhận đó là quyền hiến định. Điểm 5, về bồi thường, Diệm chỉ hứa sẽ nghiên cứu việc trợ cấp. Đại diện Phật giáo đưa thêm hai đề nghị: ra Huế thăm viếng những người bị bắt giữ và tổ chức cầu siêu cho nạn nhân. Diệm nói sẽ cứu xét đòi hỏi thứ nhất, và đồng ý đòi hỏi thứ hai, với điều kiện chỉ tổ chức trong khuôn viên các chùa. Nhưng đại diện Phật giáo, qua buổi họp này, kết luận rằng Diệm chưa có quyết định nào rõ rệt. (34) Họ kiên nhẫn chờ đợi thiện chí của chính phủ. Có lẽ vì vậy, Trí Quang đồng ý tu chính lại 5 nguyện vọng, và ngày 15/5, nhờ Đẳng chuyển thư cho Cẩn, hứa không tranh đấu nữa. (35)
Đáng ghi nhận là từ ngày 15/5 này, Bộ trưởng Nội vụ Lương bắt đầu thay “lựu đạn” bằng hai trái mìn từ lực của Cộng Sản mà quân đội không được cấp phát. Đây là nỗ lực “sửa sai” đầu tiên của chế độ để chối bỏ tội lỗi (trong khi mãi tới ngày 25/5, Diệm mới thú nhận là cấp dưới đã báo cáo sai lạc về một hay nhiều trái lựu đạn).(36)
Vì sắp qua Greece [Hy Lạp] nghỉ thường niên, Nolting khuyên Diệm nên ra tuyên cáo chính thức về vấn đề Phật Giáo. Nolting cũng tiếp xúc Khâm sứ Vatican là Salvatore d’Asta và Linh mục Cao Văn Luận để thuyết phục Diệm.
Theo Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần, thương thuyết với Phật giáo tiến triển tốt đẹp, nhưng chủ chốt là chính phủ muốn tránh trách nhiệm.( 37)
Ngày 18/5, khi cùng XLTV Đại sứ William C. Trueheart qua chào tạm biệt Diệm, Nolting cố thuyết phục Diệm đáp ứng nguyện vọng của Phật giáo. Nolting muốn Diệm tuyên bố chịu trách nhiệm về biến cố ở Huế, bồi thường nạn nhân, và tái khẳng định chính sách bình quyền tôn giáo và không kỳ thị. (38) Diệm không hứa điều gì. Diệm vẫn tin, hoặc muốn diễn giải rằng biến cố ở Huế là do các lãnh tụ Phật giáo khích động; những người ở Huế chết vì một hay nhiều trái lựu đạn, do Cộng sản hay phe chống chế độ ném, không phải viên chức chính phủ; và một số lãnh đạo Phật giáo lợi dụng biến cố ở Huế để củng cố thế lực trong nội bộ Giáo hội. Dưới mắt Diệm, vấn đề Phật giáo không quá nghiêm trọng như Mỹ tưởng nghĩ.(39) Dù được xem những khúc phim về cuộc đàn áp Diệm không thay đổi lập trường.(40)
Diệm chỉ cách chức Đẳng, đưa Nguyễn Văn Hà ra Huế. Đồng thời, bổ nhiệm Nguyễn Xuân Khương, đương kim Tổng Giám Đốc Điền Địa, làm Đại biểu Trung Nguyên Trung Phần, hiệu lực từ ngày 1/6/1963.
Cho rằng chính phủ kỳ thị Phật Giáo, tăng ni quyết tranh đấu đến cùng. Ngày 19/5, Hòa thượng Tịnh Khiết thông báo cho Đại biểu TNTP và Tư lệnh QĐ I rằng đã cho hai Thượng tọa Mật Nguyện và Trí Quang tuyệt thực để cầu cho nguyện vọng của Phật Giáo.( 41) Ngày 23/5, năm lãnh tụ Phật giáo, gồm cả Tịnh Khiết, ra tuyên ngôn khẳng định lập trường bất bạo động và phi chính trị, nhưng cương quyết đòi chính phủ phải thỏa mãn đòi hỏi của Phật Giáo “trong một thời [gian] càng sớm càng tốt,” đồng thời ngưng ngay những cuộc “khủng bố, bắt giữ.” ( 42)
Tại Sài Gòn, sáng ngày 21/5, 600 tu sĩ làm lễ cầu siêu cho nạn nhân ở Huế, rồi diễn hành từ chùa Ấn Quang đến Xá Lợi. Bốn ngày sau, Ủy Ban Liên Phái ra tuyên cáo ủng hộ 5 nguyện vọng của Phật Giáo, và hứa đoàn kết tranh đấu cho bằng được các nguyện vọng trên. (43)
Phần chính phủ vẫn im lặng khó hiểu. Mặc dù từ ngày 24/5 các chuyên viên y khoa khẳng định rằng thương tích nạn nhân ở Huế đêm 8/5 không do mảnh lựu đạn gây nên Diệm vẫn chẳng tỏ một thái độ hòa giải nào. (44)
Các lãnh đạo Phật Giáo bèn quyết định mở rộng cuộc tranh đấu: Ngày 28/5, Tâm Châu thông báo với Diệm là sẽ tổ chức tuyệt thực trong vòng 48 giờ, kể từ 14 giờ ngày 30/5/1963.(45)
Hôm sau, 29/5, báo chí mới đăng thông cáo của Diệm, khẳng định quyền tự do và bình đẳng tín ngưỡng được qui định trong điều 17 của Hiến Pháp; nhưng vẫn bảo vệ lệnh treo cờ, vì quốc kỳ phải có địa vị tối thượng, và khẳng định chính phủ “không hề có ý nghĩ phân biệt đối xử với bất cứ tôn giáo nào.”( 46)
Thời gian này, báo chí Mỹ cũng ra sức ủng hộ Phật Giáo. Gây chấn động nhất là bài trên tuần báo Newsweek số đề ngày 27/5/1963, vạch trần sự lộng hành của tập đoàn cai trị Ki-tô của Thục cùng các “quan” ở Huế.( 47) Ngày 29/5, tại Mỹ, báo New York Times [New York Thời Báo] cũng khai thác ngay bản tin của Ủy Ban Liên Phái, tường thuật rằng Phật tử rất bất mãn về cách đối xử của Diệm, và đang chuẩn bị đấu tranh tuyệt thực, đồng thời tổ chức cầu siêu trong vòng 4 tuần lễ. David Halberstam–một ký giả lập nên sự nghiệp nhờ chiến tranh Việt Nam và chủ trương nhà Ngô phải ra đi–thuật lại rằng trong buổi họp ngày 15/5, Diệm đã lên án các tăng sĩ là “bọn khùng” [damn fools] khi đòi hỏi bình đẳng tôn giáo, vì quyền này đã được Điều 17 của Hiến pháp (một bộ tiểu thuyết luật pháp và nhân quyền) bảo đảm.
Bộ Ngoại Giao Mỹ vội thông báo cho Trueheart về nội dung bài báo trên, đồng thời chỉ thị Trueheart phải đích thân gặp Diệm, thuyết phục Diệm thỏa mãn nguyện vọng của Phật giáo. (48) Hôm sau, Bộ Ngoại Giao đồng ý cho Trueheart gặp Khâm sứ Vatican, nhờ khuyên bảo Diệm về vấn đề Phật Giáo. (49)
Trueheart chưa kịp gặp Diệm, Phật Giáo đã hành động. Hòa thượng Tịnh Khiết–đúng hơn nhóm lãnh đạo tranh đấu–chỉ thị cho các tăng sĩ tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ kể từ 2 giờ chiều ngày 30/5. Ngày này, tại Sài Gòn, 350 tăng ni biểu tình trước Quốc Hội, rồi tuyệt thực. (50) Tại Huế, dù chùa Từ Đàm bị cô lập, các cấp lãnh đạo Phật giáo vẫn tuyệt thực. Khoảng 3,000 Phật tử bị vây hãm trong vòng rào kẽm gai. Tại Quảng Trị, Phật tử biểu tình trong trật tự.
Ngày Thứ Bảy, 1/6, đúng ngày Tỉnh trưởng Đẳng, Phó Nội an Sỹ và Đại biểu Trung phần bị thay thế, nhiều đoàn Phật tử Huế tụ họp tại một số địa điểm trong thành phố, kể cả Dinh tỉnh trưởng và Tòa Đại biểu chính phủ miền Trung. Khoảng 10,000 người tụ họp trước chùa Từ Đàm. Sau đó giải tán do yêu cầu của các tăng sĩ. Đỗ Cao Trí điều Nhảy Dù và M-113 từ Quảng Trị vào Huế đề phòng bất trắc.( 51)
Tại Đà Nẵng, Phật tử cũng tổ chức tuần hành không bạo động vào ngày 1/6, do các tăng ni dẫn đầu. Tối hôm trước, 31/5, Đại tá Lâm Văn Phát, Tư lệnh Sư đoàn 2 BB–một giáo dân Ki-tô tân tòng, thường tự chứng tỏ là rất trung thành với chế độ–cho lệnh các đơn vị dưới quyền chuẩn bị chống biểu tình. Chiều 1/6, một xe vận tải hai tấn rưỡi (GMC) của quân đội chở đầy đạn bỗng dưng bị hư máy ở một ngã tư cách Toà Thị chính một khu phố về phía Bắc. Cấp chỉ huy bèn phái một xe GMC khác tới tháo rỡ đạn, dưới sự bảo vệ an ninh của một đơn vị tác chiến. Quân Cảnh, Cảnh Sát và Công An cũng chặn đường từ phía Nam lên Toà Thị chính.
Kế hoạch của Phát không đủ ngăn cản Phật tử biểu tình trong trật tự. Các tăng ni dẫn đầu một đoàn phụ nữ và thiếu niên diễn hành qua đường phố, với khẩu hiệu đòi tự do tín ngưỡng và bình quyền tôn giáo. Tới trước cửa Toà Thị chính, 7 nhà sư rời đám đông, biểu tình ngồi; trong khi Phật tử tiếp tục cuộc diễn hành, rồi giải tán.
Giữa lúc Phật tử đang biểu tình, Phát vào gặp Thị trưởng Hà Thúc Luyện, cho lệnh phải dời 7 nhà sư đang ngồi trước Toà Thị chính, và giải tán cuộc diễn hành, cho dẫu “đích thân Thị trưởng phải ném lựu đạn vào đám đông.” Luyện, dù là một cán bộ Cần Lao cao cấp thân tín của Cẩn, từ chối. Trong đêm 2/6, Phát điều thêm một số đơn vị khác vào thành phố. Một đại đội tăng cường cho Ty Công An Đà Nẵng (đối diện khách sạn). Phần quân nhân Phật tử bị cấm trại. Trong đêm, 7 nhà sư bị bắt đi mất tích. Hôm sau, 3/6, Luyện bị cất chức Thị trưởng; vào Sài Gòn trình diện. Trung tá Trần Ngọc Châu, Tỉnh trưởng Kiến Hoà, một Phật tử gốc miền Trung, ra thay. (52)
Trong khi Đà Nẵng đang sôi động, ngày 2/6, Phật tử Quảng Trị lại biểu tình. Chính quyền đàn áp bằng lựu đạn cay. Giao thông với Huế bị cắt đứt. (53)
Chiều hôm sau, 3/6, tại Huế, khoảng 500 thanh niên tụ họp trước Tòa Đại Biểu Trung Phần. Quân đội “dàn chào” bằng lưỡi lê và lựu đạn cay. Các nẻo đường dẫn đến chùa bị phong tỏa bằng kẽm gai. Phật tử biểu tình ngồi. Binh sĩ dùng lựu đạn cay giải tán. Trong khi đó, Trí Quang đã tuyệt thực nhiều ngày, sức khoẻ suy giảm. Đại tá Trí ra lệnh giới nghiêm. Khoảng 18G30, quân đội lại tấn công mạnh Phật tử biểu tình tại chợ Bến Ngự. Dùng cả chất hóa học (blister gas), khiến 67 nạn nhân bị nôn mửa, lưu lại vết bỏng trên da.( 54)
Được báo cáo, ngày 3/6 [sáng 4/6 Việt Nam] Bộ Ngoại Giao Mỹ hai lần chỉ thị Trueheart phải yêu cầu Diệm hoà giải với Phật giáo và báo cáo rõ hơn về khói hóa học sử dụng để đàn áp Phật tử.( 55) Trueheart vội đến gặp Thuần vào khoảng 11G45 ngày 4/6. Khác với Nolting, Trueheart trở lại thái độ công khai áp lực mà cựu Đại sứ Elbridge Durbrow đã áp dụng. Trueheart cảnh cáo rằng Mỹ có thể ngưng yểm trợ nếu còn đàn áp Phật Giáo. Thuần tiết lộ Hội đồng chính phủ đã đề nghị thành lập một Ủy Ban Liên Bộ [UBLB] để cứu xét các đòi hỏi của Phật Giáo như Trueheart yêu cầu từ ngày 1/6, và Diệm đã chấp thuận. Nhu cũng hứa sẽ tiếp xúc với lãnh tụ Phật Giáo. Ngay chiều đó, Thuần còn mời Trueheart tới tư dinh, nói đã thành lập một ủy ban điều tra về hơi độc ở Huế, do Đại tá Nguyễn Văn An, và Trung tá Y sĩ Liêm cầm đầu. Diệm cũng sẽ tuyên bố thành lập UBLB, gồm Phó Tổng Thống Thơ, Lương, và Thuần.( 56)
Nhưng khoảng 17G00, Bộ Tư lệnh Quân viện Mỹ tại Việt Nam [MAC-V] lại xin ý kiến Trueheart về việc Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu MAC-V không vận 300 Cảnh sát từ Vũng Tàu ra Huế. Trueheart không chấp thuận.( 57)

Chính Đạo
© 2004, 2010, by Chieu N. Vu. All Rights Reserved

(Xem tiếp phần 2 /3)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 97263)
H ợp Lưu 114 đến với quí độc giả và văn hữu trong những ngày đầu tháng 7 khi những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn và Hà Nội báo hiệu một mùa ngập lụt mới. [...] Những ngày đầu hè thật nóng như các cuộc xuống đường liên tục của người dân Việt Nam để phản đối Trung Quốc về sự lấn chiếm vùng biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những cuộc biểu tình của người Việt cùng khắp từ trong nước ra hải ngoại; từ Hà Nội, Sài Gòn đến Liên bang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc...
15 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 106710)
N hưng những cuộc hỗn chiến xảy ra ngày càng quyết liệt giữa cái gia đình nhà Monney con & Kít với con chó lai Nhật mang tên Lucky - Cún . Cuộc hỗn chiến nhiều khi làm Cún tơi tả, máu chảy ròng ròng. Càng khiến tôi nhớ lại chuyện Money từng ăn thịt xác con. Cả sân nhà thối hoăng vì phân chó, nước đái chó, thức ăn ôi thiu…
12 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 132043)
T ôi xin lỗi rất đau lòng nhưng phải nói ra ngày mất Hoàng Sa chỉ nửa nước đau thương căm hờn lũ giặc chỉ nửa nước sục sôi niềm đau mất đất
06 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 105600)
T in Việt Nam - Lời kêu gọi tuần hành phản đối ôn hòa cho sự kiện Trung Cộng ngang ngược trên biển Đông, xua đuổi ngư dân Việt Nam đã diễn ra thành công đến mức khó tin. Lời kêu gọi xuống đường tập hợp nhiều thành phần, biểu thị thái độ phản đối ở Saigon và Hà Nội vào ngày hôm qua, một lần nữa người ta chứng sức mạnh của giới trẻ và lòng yêu nước đã không thể nào ngăn chận nổi dù bị hăm dọa và trấn áp như thế nào.
04 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 115302)
L ịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt. Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 98088)
"... B iểu hiện rực rỡ nhất của hoài niệm, là hoài niệm quê nhà, mà thực chất, cũng nằm trong chuỗi đơn cảm giác có tính cá nhân. Nên dễ nhận ra, chuỗi cảm giác đầu tiên là hướng về mô tả cảnh trí, phong vị tập quán, với một vóc dáng thi pháp ca dao đậm đà cảm hứng cội nguồn, đôi khi mang máng giọng điệu Tự Lực văn đoàn, đẹp, lãng mạn mà bùi ngùi.."
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 103361)
S áng nay Du về và tôi sẽ đi đón cô. Gã thầy thuốc có cái đầu trơn tuột chắc đã chán chê Du nên tôi vừa mở miệng là gật liền, gật mạnh và nhanh đến nỗi chút xíu nữa cái đầu kỳ dị của gã văng khỏi vai. [...] Du sẽ không còn lang thang dưới rặng dương liễu hay trên mái ngói lơ thơ những nhánh bồ đường vào những đêm khô nóng. Tôi sẽ không để cho ánh trăng tìm thấy cô.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 95237)
Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến tranh nào cũng vậy, không có kẻ thắng. Nhưng bao giờ cũng có một kẻ bại, một kẻ bại duy nhất - là nhân dân. [...] Đừng lừa dối nhân dân bằng những lời nói suông. Nhân dân rất sáng suốt. Người ta biết ai là người trung thực và kẻ nào là tên bịp bợm. Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
26 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 119940)
S inh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi ra nước ngoài tiếp tục học ở các trường cấp trên thường đạt thành công không mấy khó khăn. Thế nhưng, khi nhìn vào chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay và theo dõi báo động của các nhà giáo dục trong nước, khó thể phủ nhận một thực tế là giáo dục tại Việt nam đang có vấn đề, ở mức độ khủng hoảng. Khủng hoảng hiện diện trong rất nhiều lãnh vực khác nhau của giáo dục.
24 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 126767)
B ằng giọt nước rơi thầm khoảng nắng Bằng tiếng dương cầm Nhẹ sâu tháng năm Bằng ánh mắt tan vào mộng tưởng Xuyên qua em Cơ hồ mênh mông