- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Tòa Soạn 82

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 7458)

Tập san Hợp Lưu số này mang chủ đề 30-4-1975 Nhìn Từ Miền Nam. Đây là thời điểm gai góc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ qua, nên cũng là thời điểm gây nhiều bất đồng, giữa bên chiến thắng và bên chiến bại, không chỉ suốt 30 năm qua, mà sẽ còn tiếp tục nhiều thập kỷ nữa.

 Vì sao nhìn từ miền Nam? Vì tâm tình của những con người đã cùng gánh chịu chung một cuộc chiến, 30 năm sau vẫn chưa được công nhận và phổ biến trên chính quê hương của họ. Dù nhìn dưới góc độ nào, chúng ta vẫn không thể phủ nhận những tiếng nói của một lớp người đã trực tiếp cọ xát với biến cố, cùng những thảm kịch do biến cố này tác động trực tiếp lên cuộc đời họ. Xét trên bình diện lịch sử cũng như nhân văn, những tiếng nói này là chứng từ ở một thời điểm nhiều giông bão trong dòng lịch sử dân tộc.

Đi vào nội dung, độc giả sẽ có dịp nhìn lại chiến tranh đã diễn ra như thế nào trong miền Nam. Với Bạch Hóa viết năm 1968, Cung Tích Biền ghi lại tất cả tàn nhẫn và thú tính của con người trong chiến tranh, ở nông thôn trong vùng phi quân sự mà thực chất là vùng oanh kích tự do. Với Thủy và T6 viết năm 1964, Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh lẫn phù phiếm xa hoa của một thủ đô Sàigòn tiếp tục sống về đêm và sau mỗi đêm, khám phá chiến tranh càng gần kề cửa ngõ thành phố, trong lúc bất ổn chính trị thêm đè nặng cuộc sống. Năm 1972, giữa mùa hè, Dương Nghiễm Mậu chứng kiến tâm huyết của người Quảng Trị, sống chết cũng phải trở về miền đất lửa, quê quán của họ, mặc những trận địa pháo 130 ly của Bắc quân và những tấn bom B-52 của Hoa Kỳ. Với Bình Thủy 1969, Trần Mộng Tú dửng dưng trước chiến tranh trong ngày tang, phải 27 năm sau trở về, chạm tay một lần nữa, mới cảm thấu tất cả đau đớn đã hứng chịu.

Sau 1975, kiếp sống vất vưởng không tương lai của dân chúng đô thị miền Nam được Nguyễn Thạch Giang ghi lại trong Lục Bình. "Mở tương lai" là thông điệp trong một truyện ngắn của Đặng Thơ Thơ, với cấu trúc không gian phân mảnh và thời gian vô trật tự nhằm tái hiện đời sống tinh thần và ngụ cư của người Việt trong và sau nội chiến. Trong cùng lĩnh vực truyện ngắn, 30 năm sau, Đỗ Hoàng Diệu khắc hoạ những mối tình của một thiếu nữ với những người tình Việt kiều, Hoa Kỳ, Trung Quốc, mà mỗi một mối tình là một cắt bỏ thân thể, mà vẫn không tránh thoát chọn lựaVu Quy truyền thống.

Khác với các chủ đề trước của Hợp Lưu, 30-04-1975 Nhìn Từ Miền Nam xây dựng chủ yếu trên sáng tác. Đặc biệt Ký. Không ngẫu nhiên Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Phạm Chi Lan, Ban Mai, Đinh Linh, Lê Thị Thấm Vân, Đinh Từ Bích Thúy, Thận Nhiên, Cổ Ngư đều sinh trong ba năm 1961, 1962, 1963. Đây là thế hệ trẻ cuối cùng sinh trưởng dưới thời Cộng Hòa, ít nhiều đã biết đến xã hội miền Nam, đã chớm ý thức và hiểu biết. Các thế hệ sinh sau không có nhiều ký ức về tháng 4-75.

Bước ra khỏi sáng tác là phần nhận định và nghiên cứu của Phạm Trọng Luật, George Dutton, Nguyễn Mộng Giác,Phan Huy Đường, Liễu Trương, và đặc biệt ký 30 năm sau, viết từ đền Hùng, một hành trình trở về quê nhà lần đầu tiên của Nguyên Vũ, cùng nhật ký Rồng Rắn của Trần Độ.

Hợp Lưu 82 với chủ đề 30-04-1975 Nhìn Từ Miền Nam, chắc hẳn sẽ gây câu hỏi: Vì sao không quên đi quá khứ để hướng đến tương lai? Câu trả lời của nhiều nhà văn Việt tham dự số báo này khá giống nhau: Không thể lạm dụng khẩu hiệu "Quên đi quá khứ để hướng đến tương lai" khi mở tương lai luôn bắt gặp quá khứ. Vì sự phân cách từ hậu quả của cuộc chiến vẫn còn tồn tại như một vết lở mang hình chữ S.

Hợp Lưu sẽ trở lại chủ đề này, hầu tìm một hướng mở thật sự cho tương lai của Việt Nam với cái nhìn về quá khứ từ nhiều góc độ. Vì con người không thể đánh tráo quá khứ.

HỢP LƯU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12263)
(Xem: 13797)
(Xem: 15074)
(Xem: 14651)
(Xem: 14643)
(Xem: 15250)
(Xem: 14083)
(Xem: 13838)
(Xem: 13865)
(Xem: 14759)