Lời giới thiệu của người dịch [dẫn lại có chỉnh sửa từ bản đã công bố năm 1995]
Bồ Tùng Linh (1640-1715) đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam từ hơn 200 năm nay với tư cách một nhà văn Trung Hoa trứ danh chuyên viết về thế giới ma quái, kinh dị. Ông tự là Liễu Tuyền, người huyện Truy Xuyên, tỉnh Sơn Đông, hồi nhỏ trúng Tú tài, sau thi trượt mãi, không dự vào quan trường, về làm đồ làng và chuyên chú ở sáng tác, mãi đến năm 72 tuổi mới được Cống sinh, 4 năm sau thì tạ thế.
Truyện này nguyên tên là "Nhiếp Tiểu Thiến" (rút từ tập Liêu trai chí dị - tác phẩm để đời của họ Bồ) chưa từng được dịch ra Việt văn a [Xin đọc các chú thích 1, 2, 3 sau khi đọc bản dịch]. Lấy thế giới ma quái để luận về thế giới người trần, đan xuyên một cách tài tình hai cõi hữu và vô (hình), truyện biểu hiện quan điểm tích cực của nhà văn về thiện – ác, ân – oán, đạo đức – tình yêu b.
Chu Xuân Giao
Ninh Thái Thần người tỉnh Chiết Giang, tính cương trực, giàu lòng tự trọng, thường thề sống chết với gia nhân và bè bạn: "Ngoài vợ mình ra, Ninh này hứa suốt đời không chàng màng tới người đàn bà thứ hai !". Gặp buổi có việc phải đến phường Kim Hoa, tới ngoại ô phía bắc, dỡ hành trang, nán nhờ lại trong một ngôi chùa cổ.
Trong chùa, tháp điện tuy tráng lệ,nhưng lau lách mọc ngút đầu, tưởng như lâu lắm không có bước chân người tới. Cửa lớn, cửa con ở nhà tăng hai bên hành lang phía đông – tây cài đóng im ỉm, duy chỉ có ổ khóa một phòng nách ở phía nam thấy còn như mới. Lại bước tới xem đầu hồi phía đông điện Phật, thấy một rặng tre san sát, dưới bờ là khoảng ao rộng, sen dại nở tung. Trong lòng bỗng thấy nao nao, ý như say cảnh u tịch.
Vừa may, gặp lúc quan chủ khảo tới Kim Hoa mở trường thi, do thí đồ nườm nượp kéo về nên giá thuê nhà trong thành vọt lên cao, họ Ninh định bụng nghỉ lại chùa, rỗi việc liền lững thững dạo quanh quẩn đợi sư về.
Xế chiều, có một trang thanh niên ra dáng thư sinh tới mở cửa phòng nách phía nam, Ninh vội tới chào và bày tỏ ý nguyện. Người kia bảo: "Chốn này không có chủ nhà, tôi cũng là kẻ ở nhờ. Nếu khách chịu được cảnh buồn tẻ nơi đây, ta cùng nương nhờ, sớm tối chỉ bảo nhau, thực là may !". Ninh cả mừng, rải rơm cỏ làm giường ổ, bắc mấy tấm gỗ cũ làm bàn viết, tính chuyện ở lại dài dài.
Đêm ấy, trăng treo vằng vặc, ánh sáng trong vắt tuôn xuống như nước suối. Hai người ngồi kề gối ngoài hành lang, xưng tên họ với nhau. Người kia tự bảo: "Tôi họ Yến, tự là Xích Hà". Ninh nghĩ Yến là thí sinh đi thi, nhưng nghe tiếng nói thì rõ không phải người Chiết Giang, bèn hỏi. Yến nhận: "Tôi người đất Thiểm Tây". Trò chuyện hồi lâu, thấy Yến thực là người chất phác, đáng tin. Lúc cạn chuyện, cả hai đứng dậy làm lễ chào nhau, ai về buồng nấy.
Vì lạ phòng, Ninh nằm mãi mà không sao ngủ được, chợt nghe thấy tiếng lầm rầm ở phía bắc phòng, giống như có một gia đình đang trò chuyện với nhau; bèn nhỏm dậy, khom người núp dưới cửa sổ đá ở bức tường phía bắc, lén nhìn xuống. Trên mảnh sân chùa nhỏ ngoài đoạn tường ngăn, có một phụ nữ trạc ngoại tứ tuần, lại có một bà lão vận chiếc áo lụa hồng màu đã bạc, đầu vấn một vành bạc, lưng còng rạp, vẻ lụ khụ. Hai bên đương bàn chuyện gì đó dưới trăng. Người trẻ: "Con Tiểu Thiến sao mà lâu đến thế nhỉ ?". Người trẻ lại vẻ dè chừng: "Chẳng nhẽ con ranh này dám có lời khục khặc với bà chăng ?". Bà già nói: "Đâu, chưa nghe thấy bao giờ. Nhưng xem nó có vẻ nhăn nhó khó chịu". Người trẻ cáu: "Con đĩ này không thể đối xử tốt với nó được !"c.
Nói chưa hết lời đã thấy có một thiếu nữ cỡ mười bảy, mười tám đi tới, dung mạo lả lướt xinh đẹp. Bà già cười bảo: "Đi lén sau lưng người ta, hai bọn ta đang nói chuyện về mi đây, nhóc con rón rén đến không lên tiếng gì cả, may mà bọn ta không nói xấu mi". Rồi xít xoa khen: "Dung mạo con tuyệt vời như người trong tranh, thân già này nếu được là bọn trai tơ, chắc cũng bị con hút mất hồn thôi !". Thiếu nữ bẽn lẽn: "Không có bà chắc chẳng có ai khen thế đâu ạ !".
Sau đó thì không biết ba người nói chuyện gì nữa. Ninh nghĩ bụng mấy người ấy chắc là chỗ láng giềng, thân thuộc của nhau, liền trở về ngủ, không nghe lỏm nữa. Một lúc lâu sau, tất cả im ắng, không còn thấy có tiếng lầm rầm.
Vừa chợp mắt, chợt thấy có người bước vào chỗ ngủ, Ninh chồm ngay dậy xem ai, thì ra là người thiếu nữ lúc ban nãy. Chàng ngạc nhiên hỏi. Người con gái cười đĩ thõa: "Đêm nay trăng sáng không ngủ được, muốn cùng chàng ân ái". Ninh nghiêm nét mặt: "Cô phải coi chừng người ngoài, tôi sợ rằng người ta sẽ biết chuyện. Lỡ may có sơ suất thì còn gì là liêm với sỉ nữa". Ninh quát mắng, người kia ngập ngừng, nửa ở nửa đi, ý như muốn gạ gẫm tiếp. Ninh mắng: "Cút xéo đi ! Nếu không tao gọi người ở phòng phía nam bây giờ". Người con gái sợ hãi lùi dần ra ngoài cửa, rồi lại quay trở lại, thả vào chỗ nằm của Ninh một thỏi vàng. Ninh vội nhặt lấy vất ra ngoài bực cửa và mắng: "Của phi nghĩa, chỉ tổ làm bẩn túi tao!". Người kia thẹn lắm, lượm lấy thỏi vàng, trở ra, miệng lẩm bẩm: "Đây thực là người đàn ông gang thép !".
Sáng sớm hôm sau, có một thí sinh người huyện Lan Khê dắt theo một thằng hầu tới chờ thi, ngụ lại ở ngoài hành lang phía đông. Đến đêm, người học sinh lăn ra chết, giữa lòng bàn chân thấy có một lỗ nhỏ như bị dùi đâm, máu đang rỉ ra, không biết chết vì cớ gì. Qua đêm nữa thì người hầu cũng ngoẻo nốt, bệnh trạng hệt như chủ. Xẩm tối, Yến trở về, Ninh đem chuyện hỏi. Yến bảo đấy là ma làm. Ninh vốn xưa nay là người bạo gan, nghe chuyện ma quỉ chẳng chút run sợ.
Nửa đêm, người con gái lại tới, bảo với Ninh rằng: "Thiếp đã từng gặp rất nhiều người nhưng chưa có ai cương trực được như chàng. Bởi chàng là kẻ trượng phu nghĩa cả, nên thiếp tôi không dám lừa gạt. Tôi họ Nhiếp, tên là Tiểu Thiến, năm 18 tuổi bị chết yểu, mộ táng ở mé chùa, thường bị bọn yêu quái uy hiếp, bao lần sai tôi làm cái việc hạ tiện này. Vác cái mặt thớt để gạ gẫm người, thực là điều thiếp đau khổ. Bây giờ trong chùa không có ai bị giết nữa, nhưng sợ rằng quỉ Dạ Xoa sẽ tới". Ninh cả sợ, hỏi làm thế nào. Thiếu nữ bảo: "Sang ở chung phòng với ông Yến thì tránh được". Hỏi: "Sao không mơi Yến ?". Trả lời: "Đấy là người kỳ dị, không dám đến gần". Hỏi: "Lừa người bằng cách nào ?". Trả lời: "Những kẻ cùng hoan lạc với tôi sẽ bị tôi lấy dùi đâm vào chân, trong lúc hắn còn đê mê, tôi hút lấy máu mang về cung hiến làm đồ uống cho bọn yêu quái. Hoặc lấy cái thỏi vàng này, thật ra chẳng phải vàng mà là xương của quỉ La Sát, thả nó ở lại, nó có thể cứa đứt tim gan người ta, mang đi. Hai cách ấy phải tùy cơ mà ứng biến". Ninh cảm tạ, hỏi khi nào cần cảnh giác. Người kia bảo: "Tối mai". Lúc từ biệt, nàng khóc lóc, than rằng: "Thiếp nay đã sa chân xuống biển thẳm, tìm bờ lên mà không được. Chàng là người nghĩa khí động đến cả trời xanh, chắc có thể cứu vớt được. Nếu như chàng chịu giúp, hãy gói xương mục của thiếp táng vào nơi yên tĩnh thì thiếp giống như được sinh ra lần thứ hai vậy". Ninh mủi lòng, chẳng do dự liền hứa luôn, rồi hỏi nơi mộ táng. Người con gái bảo: "Chàng chỉ cần nhớ tìm cây bạch dương trên có tổ chim, dưới đó là mồ thiếp". Nói xong, trở ra, thoắt cái đã không thấy đâu nữa.
Sáng hôm sau, sợ Yến đi ra ngoài mất, từ tờ mờ Ninh đã tới chỗ Yến, mời sang chơi. Tới non trưa, sau khi đã dọn xong rượu thịt, hai người cùng chén, Ninh vừa nhắm vừa để ý Yến. Nghe Ninh xin được ở cùng phòng, người kia từ chối, lấy cớ "xưa nay tính thích yên lặng". Ninh chẳng nghe cứ đùng đùng vác chăn màn sang. Yến không làm sao được, đành phải dịch giường, nhường chỗ cho Ninh. Yến dặn: "Yến tôi biết ngài là kẻ trượng phu, rất kính nể đức của ngài. Duy có một điều thực khó bộc bạch, chỉ mong ngài đừng có mở xem túi đồ của tôi. Nếu không thì chẳng hay cho cả hai ta". Ninh ngoan ngoãn nghe lời. Tới đêm, giường ai nấy ngủ.Yến mang tay nải đặt lên cửa sổ, nằm được một lúc đã gáy vang như sấm. Ninh không sao mà ngủ được.
Khoảng canh một, ngoài cửa thấp thoáng bóng người, lúc sau tới sát cửa, ngó vào bên trong, mắt lóng la lóng lánh. Ninh sợ quá, định gọi Yến. Bỗng có một vật tự rạch túi lao ra, hình tròn mà rực sáng, va vào song cửa sổ, song cửa sổ bằng đá liền gẫy, một luồng lửa phun ra, rồi vật đó lại xẹp ngay chui vào túi, ánh sáng tắt ngấm.
Yến tỉnh giấc. Ninh giả vờ ngủ, hé mắt xem động tĩnh. Yến bê túi xuống, lấy một vật, chìa ra ánh trăng xem và đưa lên mũi ngửi. Ninh thấy một vệt sáng trong như ngọc, dài độ hai tấc, mỏng như lá lúa. Yến dùng vải quấn làm nhiều lần, rồi lại để vào trong cái túi đã bị rách và nói một mình: "Không biết con ma nào gớm thật, làm hỏng cả túi của ông". Thế rồi lại nằm xuống ngủ.
Ninh lấy làm kỳ lạ bèn chồm dậy hỏi Yến và kể lại chuyện mình nhìn thấy. Yến thành thực: "Đã nể trọng nhau, tôi chẳng cần giấu giếm nữa. Yến tôi đây chính là kiếm khách. Nếu không phải là song cửa sổ bằng đá thì con yêu ấy chắc chết rồi. Tất nhiên nó cũng đã bị thương". Ninh hỏi: "Thế còn vật đã thu vào trong túi ?". Trả lời: "Kiếm đấy, vừa rồi ngửi thấy có mùi yêu ma". Ninh muốn được xem. Yến đồng ý, đưa cho, Ninh thấy rõ đó là một thanh kiếm nhỏ. Từ đấy, Ninh càng thêm nể Yến.
Sớm hôm sau, ngoài cửa sổ, thấy có vết máu. Ninh liền ra mé bắc chùa tìm, thấy một nấm mộ hoang lè xè, bên trên là cây bạch dương, trên ngọn của nó thấy có một tổ chim.
Đợi đến khi chuẩn bị xong, Ninh vội vàng sắp xếp hành lý để ra về. Yến bèn bày cỗ tiễn chân, tình kẻ ở người đi thực là quyến luyến. Yến lấy chiếc túi da bị rách hôm nọ tặng cho Ninh và bảo: "Đây là cái bao kiếm, giữ của quí trong đó thì không sợ bọn ma quỉ nữa". Ninh ngỏ ý muốn được học phép thuật. Yến bảo: "Người cương trực hiếu nghĩa như ông có thể học được đấy. Nhưng ông sau này sẽ trở thành bậc đại phú đại quí, chứ không cùng đường với tôi". Ninh nói thác là có mộ người em gái táng ở đây, tới đào nấm mồ có cây bạch dương, thu xương tàn, lấy quần áo gói ghém lại, rồi thuê thuyền mà về.
Buồng sách của Ninh sát với cánh đồng, đem táng xương ở gần đó. Lấp đất xong, vừa khấn vừa chú rằng: "Thương cho nàng côi cút, nay táng gần tệ xá của ta, để có ca hát hay khóc lóc thì đều nghe thấy nhau. Mong nàng không còn bị bọn quỉ ác làm nhục.Tế nàng một cốc rượu, đó là thay tấm lòng thành thực của ta, mong nàng đừng tủi hổ !". Khấn xong ra về, bỗng có người gọi ở phía sau: "Hãy đi từ từ đợi tôi với !". Ninh quay đầu lại thì hóa ra là Tiểu Thiến. Nàng mừng lắm, lạy tạ: "Chàng thực là người hiếu nghĩa, thiếp dẫu chết mười lần cũng không đủ báo đáp.Xin chàng cho cùng về để bái kiến cha mẹ, dù có làm vợ bé hay kẻ hầu, thiếp cũng chịu". Ninh định thần, ngắm dung nhan của nàng, thấy da dẻ hồng hào, hai bắp chân thon thả. Bây giờ mới được mặt đối mặt giữa thanh thiên bạch nhật, Ninh thấy trước mắt mình một nhan sắc tuyệt trần.
Rồi hai người cùng trở về buồng sách, Ninh bảo nàng đợi ở ngoài một lúc để mình vào thưa trước với mẹ. Mẹ lấy làm kinh ngạc lắm. Bấy giờ, vợ Ninh ủ bệnh đã lâu, mẹ không dám nói, sợ chàng bị cuống. Lúc mẹ con còn đương dở chuyện, nàng Nhiếp nhẹ nhàng lẻn vào, sụp lạy dưới đất. Ninh thưa: "Đây là Nhiếp Tiểu Thiến". Mẹ lại càng hoảng. Thiếu nữ liền thưa: "Con vò võ một thân, không có bố mẹ anh em, may mà được gặp chàng đây che chở, cứu vớt. Nay con nguyện làm kẻ hầu người hạ trong nhà để đền đáp ơn sâu". Mẹ thấy dáng người thon thả, đáng yêu, mới dám bằng lòng, nói: "Nay con chiếu cố đến nó, thân già này vui mừng khôn xiết. Nhưng mẹ chỉ có mỗi mình nó, sợ rằng để nối dõi tông đường thì không được kết hôn với người cõi âm". Nàng lại thưa: "Con đây không dám hai lòng, vì âm dương cách trở mà không được mẹ tin. Nguyện xin làm em gái anh nhà, cho con được sớm hôm chăm sóc, mẹ có đồng ý không ?". Bà lão nể lòng thành mà gật đầu. Nàng muốn được vào vái chị dâu. Nhưng bà mẹ không cho, lấy cớ vợ Ninh bị ốm, nàng đành thôi, mà đi ngay xuống bếp, nấu nướng thay mẹ, đi khắp buồng ngang phòng dọc hệt như người nhà.
Đến tối, mẹ Ninh đâm sợ, không cho chuẩn bị thêm giường chiếu mà giục nàng về. Nàng biết ý, đi ngay, qua buồng sách muốn vào nhưng lùi lại, cứ do dự mãi ở ngoài, ý như sợ sệt. Ninh liền gọi vào. Nàng thưa: "Trong phòng có kiếm khí, thiếp rất sợ. Sở dĩ dọc đường suốt mấy ngày qua thiếp không dám xuất hiện để cung phụng chàng chính vì cớ đó". Ninh biết ý, đem túi da treo sang phòng khác. Bấy giờ nàng mới dám vào ngồi tiếp chuyện dưới ánh nến. Cứ ngồi thế, không nói gì, mãi sau mới hỏi: "Ban đêm chàng có đọc sách không ? Thiếp thưở nhỏ tụng kinh Lăng Nghiêm, nay đã quên quá nửa, phiền chàng tìm cho một cuốn, những đêm nhàn rỗi nhờ chỉ dẫn cho". Ninh đồng ý. Nàng lại ngồi yên, tư lự. Sắp tàn canh hai vẫn chưa chịu về, Ninh phải giục, Nhiếp mới buồn rầu mà rằng: "Thiếp lạnh lẽo một mình ở chốn trống trải, rất sợ phải trở về mồ hoang". Ninh bảo: "Trong phòng không có thừa giường ngủ, hơn nữa anh em mình cần tránh điều ra tiếng vào". Nàng đứng dậy, mặt buồn rầu tưởng như sắp khóc, nặng nhọc cất bước trở ra, qua bậc tam cấp thì biến mất. Ninh lấy làm thương lắm, muốn đặt thêm cái giường nữa nhưng lại sợ mẹ giận.
Sớm tinh mơ nàng đã tới bái kiến, bê nước hầu mẹ rửa mặt, sau xuống nhà dưới dọn dẹp, công việc lo liệu chu toàn nhất nhất đều hợp ý bà mẹ. Xấm tối xin trở về, liền tới phòng đọc sách, thắp nến tụng kinh. Bao giờ thấy Ninh sắp đi ngủ thì lại buồn rầu đứng dậy mà về. Trước đây, vợ Ninh đổ bệnh, mẹ xoay xở không xuể, từ ngày có Nhiếp, được rảnh rỗi nhiều, trong lòng mến lắm. Ngày qua ngày, dần trở nên thân thiết như con đẻ, mẹ như quên nàng là người cõi âm, không nỡ giục về mộ vào lúc tối nữa mà giữ ở lại ngủ cùng. Ngày mới về nhà,Nhiếp chẳng hề ăn uống, dần quá nửa năm mới biết húp cháo loãng. Bà mẹ và cậu con đều rất yêu Nhiếp, cấm ngặt không để lộ sự thật, nên người ngoài cũng không biết nàng chẳng phải người dương gian.
Ít lâu sau, vợ Ninh mất, bà mẹ định bụng chọn Nhiếp làm dâu, nhưng lại lo hại cho con trai. Nàng dò được ý, nhân buổi thảnh thơi mới lựa lời thưa: "Con ở đây đã hơn năm, mẹ chắc thừa biết lòng dạ thế nào, con theo anh nhà không phải có ý xấu hại người. Con vốn chẳng hai lòng, chỉ vì đức thẳng của anh nhà, được người cõi âm kẻ dương gian ai cũng chuộng, nguyện được nâng khăn sửa túi cho chàng ít năm, nhờ vào phúc phận của chàng mà được công danh phong tặng để làm rạng mặt con dưới tuyền đài". Mẹ cũng đã biết vậy nhưng lại sợ nàng không có khả năng duy trì nòi giống. Nhiếp phân giải: "Việc con cái là ở tay ông xanh quyết. Xem trong sổ trời, anh nhà được những ba con, không lẽ vì lấy vợ cõi âm mà bị giảm đi". Bà mẹ tin, cho con trai được đính ước cùng nàng, chàng Ninh mừng lắm.
Thế rồi tới ngày đặt tiệc báo hỉ với anh em nội ngoại, có người xin được coi mặt cô dâu. Nàng trang điểm xong bước ra, cả gia tộc ai cũng ngạc nhiên nhìm chằm chặp, cứ ngỡ là tiên giáng chứ không ai biết là người cõi âm. Thế là cô dì chú bác tranh nhau tặng quà để làm thân. Tiểu Thiến vốn giỏi vẽ hoa mai, hoa lan, liền mang những bức họa nhỏ tặng lại mọi người. Người được nhận tranh đem cất giữ cẩn thận, tự cho là vinh hạnh lắm.
Một hôm, Tiểu Thiến ngồi trước cửa sổ, vẻ buồn rầu như mất gì đó. Bỗng nhiên hỏi: "Túi da đâu rồi ?". Ninh bảo: "Vì nàng sợ, tôi đã treo nó sang chỗ khác rồi". Nhiếp nói:"Thiếp thụ sinh khí đã lâu, giờ không còn sợ nữa. Chàng hãy lấy ra treo lên đầu giường". Ninh đồng ý. Nàng tiết lộ: "Ba ngày nay ruột gan thiếp rối bời không yên. Chắc chắn bọn yêu quái ở Kim Hoa do hận thiếp bỏ trốn, sớm muộn sẽ tìm tới đây". Ninh đi lấy túi mang ra. Nàng giở đi giở lại để xem, miệng nói: "Đây là vỏ kiếm tiên dùng để đựng đầu người. Rách rạn đến như thế này, không biết đã giết bao nhiêu kẻ ! Chứ thiếp hôm nay xem vẫn còn nổi da gà". Nói rồi treo lên đầu giường. Hai hôm sau lại nhờ Ninh treo lên cửa. Đêm ấy, vợ chồng ngồi kề nhau nhìn nến cháy, cùng hẹn là không ngủ. Bỗng nhiên có một vật như con chim đàn bay rớt xuống, Tiểu Thiến kinh hãi nhảy vào nấp trong mùng. Ninh nhòm ra thấy một con vật nhác giống quỉ Dạ Xoa, mồm ngậm đầy máu, mắt rực sáng nháy nháy như chớp, nhe nanh giương vuốt, đang tiến về phía trước, sắp tới cửa thì khựng lại không dám bước tiếp. Mãi sau mới lò dò tới gần túi da, giương vuốt chộp xuống, toan xé tan. Đột nhiên túi nổ một tiếng, phình to như hai cái dó, từ trong có một quái vật vươn ra nửa mình, túm lấy Dạ Xoa kéo vào. Tiếng động nhỏ dần, túi cũng lập tức thu lại như cũ.
Ninh kinh hãi, Tiểu Thiến chạy ra, mừng quá, reo lên: "Thế là từ nay yên ổn!". Hai vợ chồng nhìn vào trong túi, chỉ thấy một ít nước trong vắt.
CHU XUÂN GIAO dịch
Hà Nội, tháng 12 năm 1994
Tokyo, tháng 6 năm 2006
Ghi chú:
Bản dịch công bố lần đầu trên tạp chí "Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam" (DĐVNVN, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) số 2 (tháng 4) năm 1995, từ trang 58 đến trang 63, có kèm tranh minh họa của Phạm Quang Vinh, dưới hình thức "Truyện ngắn" (theo phân loại của tòa soạn) trong phần "Văn nghệ nước ngoài".
Người dịch đánh máy lại, có sửa một vài lỗi mo-rát, và thay đổi một đôi con chữ từ bản in hơn 10 năm về trước. Khi gửi bản thảo đến DĐVNVN, chắc chắn có dòng ghi xuất xứ nguyên bản (tên sách, tên nhà xuất bản, năm xuất bản…) nhưng có thể người biên tập đã bỏ, nay do soạn lại ở Tokyo, chưa có điều kiện khôi phục dòng xuất xứ, xin tạm gác cho đến khi tôi có dịp lục tìm trong giá sách của mình tại Hà Nội. Cảm ơn bạn M. ở xứ Quảng ― nhà ngay cạnh dòng sông Hàn thơ mộng ― đã có nhã ý gửi scan từ bản lưu DĐVNVN tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng.
Xin lưu ý rằng, mặc dù bám sát nguyên bản trong từng chữ, nhưng tôi tạm bỏ (tạm gác lại) mấy câu thơ đề dẫn (tựa như thấy ở đầu mỗi chương/hồi trong loại tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc ―"Đông Chu liệt quốc" hay "Tam quốc diễn nghĩa"…) và mấy câu cuối cùng của truyện này (nói về việc Ninh ra làm quan và cưới thêm vợ, sinh thêm con). Nếu có dịp đối sánh với nguyên bản hoặc bản chuyển ngữ tiếng Việt của các dịch giả khác, tôi tin là bạn đọc sẽ hiểu được vì sao tôi quyết định như vậy (cho dù, với tư cách là dịch giả, tôi luôn có suy nghĩ rằng nếu làm việc trong khuôn khổ một chương trình dài hơi như dịch trọn bộ "Liêu trai chí dị" thì không nên bỏ một chữ nào).