Thái Thanh
CHỢ LỚN QUI NHƠN
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
Nhà ba má tôi ngày xưa ở gần sát chợ lớn Qui Nhơn.
Sau này tôi có nhà riêng, xui khiến sao nhà tôi cũng sát chợ Đầm Qui Nhơn.
Tôi là dân chợ, tôi lớn lên tại các chợ gần nhà cho đến thời làm mẹ làm bà với ắp đầy kỷ niệm thân thương. Thuở nhỏ, tôi thường chạy ra chợ nhìn ngắm hàng hóa người ta trưng bày trong sạp để bán. Nhất là những ngày sắp Noel hay giáp tết khu xóm chợ đông đúc hẵn lên. Nhà tôi hồi đó má tôi bán đường đậu, bán gạo, bán đồ nhôm nhựa người mua kẻ bán đông vui lắm. Ba tôi là một thương gia nhưng ba rất coi trọng việc học hành của con nên con gái con trai đều cho đi học hết, hồi đó tôi không có ý niệm gì trong đầu rằng lớn lên tôi làm nghề buôn bán cả, chỉ biết vui học cùng trường lớp thầy cô bạn bè nên tôi khờ đặc không lanh khôn như mấy đứa con nhà buôn bân ở chợ.
Năm tôi đi dạy học ở miền quê, tôi ham chơi ra trường trễ, các bạn của tôi đã nghĩ rằng tôi là dân ở chợ chắc đanh đá khôn ngoan lắm ai dè ngược lại như vậy. Rồi sau đó tôi bị mất dạy vì đi vượt biên không trót lọt. Cuối cùng rồi có chồng sinh con và lăn ra chợ buôn bán kiếm sống nuôi con năm tôi chỉ mới tròn 26 tuổi.
Tôi bán mật hàng đồ chơi trẻ em và đồ si mạ trang sức cho phụ nữ. Nhờ buôn bán ở chợ lớn Qui Nhơn tôi đủ sức nuôi con, tôi có niềm vui chia sẻ mỗi ngày. Thời đó sau 1975 thời cấm chợ ngăn sông nên rất khó có được một sạp hàng buôn bán ở chợ, vì mấy ông Việt cộng ở Bắc về nói dân buôn ở chợ là dân: "ngồi trong mát ăn bát vàng" không cho người trẻ ra bán ở chợ, may tôi nhờ ông chú bên chồng làm chức chủ tịch liên khu 5 mới xin lô được. Dân bán chợ luôn bị hạch sâch coi thường, chúng tôi bị đóng thuế cao, đóng công trái, hàng hóa thì bị bắt bớ trên đường đi cho đến lúc bán ra cho khách hàng, mọi hoạt động gì mà nhà nước cần huy động vốn đều bắt buộc tiểu thương phải đóng góp nhiều ... Chúng tôi lại bị coi thường dân buôn là loại dân ít học không đủ trình độ để đi làm nhà nước, song nghĩ cho thấu đáo vào thì lý lịch có tốt đâu mà xin việc được.
Nhưng nhìn chung những bà mẹ buôn bán ở chợ lại sinh ra và nuôi con thành đạt rất nhiều đa phần đều có con là bác sĩ kỹ sư.
Một phụ nữ buôn bán ở chợ thường rất thủy chung vì suốt cả ngày từ sáng sớm cho đến tối cả những ngày nghỉ trong tuần họ đều buôn bán, đồng tiền kiếm được là đồng tiền từ công sức tằn tiện của mình, họ sẽ lo từng bữa cơm, từng cái áo vật dụng cho chồng con. Hồi đó tôi thường dắt con ra chợ khi rảnh rỗi kèm nó học. Con tôi học luôn đứng nhất lớp thời đó. Phụ nữ bán ở chợ không có ngày nghỉ nào cho riêng mình, quanh năm buôn bán, có được món ngon vật lạ dành dụm mua về cho chồng cho con không biết đàn đúm đi chơi bè bạn bồ bịch gì.
Tôi nhớ cái thời buôn bân phồn thịnh những ngày tết trung thu, tết tây tết ta và noel chúng tôi buôn bán liền tay không biết mỏi mệt là gì.
Tôi nhớ những người bạn hàng thân thương chung thủy mua hàng mình từ thời trẻ đến phơ phơ đầu bạc. Hồi đó nếu lỡ mất một người bạn hàng là lòng xốn xang bần thần như mất một người tình vậy đó nhưng lạ là như theo quy luật; thường khi ta mất người này lại có người khác ...
Tôi yêu cái chợ lớn Qui nhơn. Yêu cái nghề buôn bán này, nên hồi đó tôi cứ nghĩ mình sẽ bán cho đến già thật già để mình có tiền cho cháu ăn quà. Nhưng rồi sự cố. Chợ lớn Qui Nhơn bị cháy tan hoang, bao nhiêu vốn liếng, bao ước mơ ấp ủ đã không còn.
Ngày ấy có mình tôi là thảm nhất. Ai cũng có chồng con, có còn của để dành. Còn tôi lại đem gởi hết tài sản mình trong cái lô hàng, khi chợ cháy ba má đều mất, chồng cũng không còn, hai đứa con thì đang học đại học. Tôi trắng trơn trơ trụi đôi tay ...
Sau đó chúng tôi phải bán tại chợ tạm và chờ cho đến ngày ông nhà nước bán cái chợ lại cho nhà đầu tư, họ xây thành Trung tâm thương mại An phú Thịnh bây giờ.
Mất tài sản. Mất bạn hàng. Mất đi cái chợ truyền thống mộc mạc gần gũi thân quen ngày xưa cũ.
Tôi phải vay mượn để mua lại hàng về bán ...
Và thời gian cứ trôi đi, tóc tôi cũng đã ngã màu chiều, tôi chậm chạp hơn xưa mua bán không còn đắt đỏ nữa nhường chỗ cho bọn trẻ lớn lên kế tục. Bây giờ thì buôn bán được mở rộng hơn, người ta tự do mua bán đủ mọi hình thức cũng là lúc tôi không còn chỗ để chen chân chợ đời.
Tôi dần xa chợ cho đến ngày rời bỏ tất cả để vào Sài Gòn sống cùng cháu con.
Nhớ chợ lớn Qui Nhơn. Nỗi nhớ ủ hoài trong trí nhớ, nhớ cả một thời thanh xuân tôi gởi trọn nơi này. Xin cảm ơn tất cả những người bạn hàng thân thương ngày cũ. Cảm ơn Trời Phật đã cho con có duyên lành đến với chợ Qui Nhơn. Cảm ơn ba má đã giúp con tồn tại cùng chợ cho đến ngày cuối cùng này ...
Thái Thanh
(Sài Gòn 7/9/2023)
- Từ khóa :
- THÁI THANH