- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA PHÍA BÊN KIA CÂY CẦU

14 Tháng Mười Hai 20191:04 SA(Xem: 21584)
ngoi nha đói - le minh phong
tranh - Lê Minh Phong

 

Diên nhất quyết đòi tôi chở đi mua những cuộn chỉ đỏ, để lễ lạt khấn vái hằng mong níu kéo gã chồng tệ bạc theo cách mấy bà bạn già chỉ dạy. Rồi thì người đàn ông ấy vẫn rũ áo ra đi, nhanh chóng, phũ phàng. Diên nằm co một góc giường, đến cách nằm nàng cũng không thể chủ động theo ý mình bởi căn phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông đã xếp kín đồ đạc của căn nhà khang trang vợ chồng Diên vừa bán vội. Những thỏi son màu đỏ thuộc về năm tháng rong chơi quên trời đất lăn về phía chân nàng, bất động.

“Đây là thành phố của những cây cầu. Cô thấy thơ mộng không?” - Giám đốc công ty bạn đang ở thế vừa là đối tác vừa cạnh tranh với chúng tôi đích thân lái xe đón tôi từ sân bay về trụ sở công ty ấy. Hoàng hôn đang đổ xuống sông Hàn lóng lánh. Tôi chợt nhớ Diên. Trước mắt nàng mà bày ra cảnh tượng đẹp đẽ này thì Diên vẫn như đã chết. Mắt nàng vẫn vô hồn, chiếc váy lụa vẫn rủ xuống tận gót chân lạnh lùng mướt mát.

“Cô có đôi mắt hệt trẻ thơ”. Anh ta tiếp tục nói, giọng chẳng có vẻ bông đùa  tán dương nhưng điều tôi quan tâm nhất chính là nhiệm vụ giám đốc đã giao cho mình.

“Đôi khi, tôi bắt gặp ánh mắt trong như thế ở những người xa lạ, tình cờ, bất chợt gặp rồi quên”. Câu nói khiến tôi nhớ lại cách đây ít lâu, tôi đã đi đăng ký hiến tạng, nhận về tấm thẻ cùng biểu tượng chiếc nơ màu xanh lá cây.

Hôm ấy, Hà Nội đúng đợt mưa lũ cao điểm, không một chút chần chừ, cũng chẳng cần hỏi han tư vấn, tôi đánh dấu đồng ý hiến tạng vào tất cả các danh mục y học đã liệt kê. Nghĩa là, thân xác này, may ra còn đôi mảnh lúc lìa đời. Đôi mắt hệt trẻ thơ mà anh ta vừa nói, rồi có thể một người xa lạ nào đó sẽ mang theo, sẽ tiếp nối những luồng ánh sáng như màu hoàng hôn tuyệt diệu trút xuống sông Hàn.

***


Tôi nói với Diên, tiếc rằng tôi chưa từng yêu tha thiết một người đến quên trời đất bằng không họ có phản bội tôi rồi quay về nói những lời ăn năn sáo rỗng phía bên kia cánh cửa như chồng Diên, tôi chắc sẽ như nàng, tim không đủ sắt đá để phớt lờ, im lặng mãi. Cánh cửa sẽ vẫn mở ra theo một cách nào đó. Tiếp đến vẫn là những bữa ăn, là tiếng vòi nước chảy, tiếng thở than chót lời đầu môi hứa hẹn nửa vời… Nên giờ này, dù cả đại gia đình hay thế giới ngoài kia có rủa nàng nhu nhược và mu muội, tôi vẫn đứng về phía bạn mình, phía trái tim đàn bà nồng nàn rớm máu.

Chúng tôi đang bước trong khu vườn sột soạt lá khô, mùi hoai mục rêu phong lâu ngày bốc hơi trong nắng mới. Cây nhãn tổ phủ kín một góc vườn, thân cây lớn đến mức Diên giang rộng đôi tay phía bên kia, tôi làm thế ở phía bên này, chúng tôi không thể chạm tới nhau dù sải tay, ngón tay đã vươn hết cỡ. Người ta bày cách cho Diên kêu cầu níu duyên ở những đền chùa linh thiêng nàng chưa một lần lui tới. Diên chìm đắm trong cơn ảo mộng thiên hạ vẽ ra cho nàng, rằng cứ rằm tháng Tám, sẽ có những vong hồn nữ nhân vì vướng bận duyên trần mà gọi nàng về quở trách, bày cách để Diên sống hòa hợp với gã chồng hễ no xôi chén chè lại bỏ nhà biệt tích. Tất nhiên, chẳng ai đi cùng nàng ngoài tôi, một đứa bạn từ thuở đánh chắt chơi chuyền. Và cạnh ngôi chùa Diên xì xụp khấn vái, hành lễ là cây nhãn tổ xum xuê. Chuyện ảo mộng về linh hồn nữ nhân níu duyên trần đưa Diên về vùng đất xưa kia là kinh kỳ tấp nập. Còn dưới vòm cây nhãn tổ rợn ngợp tựa hồ giữ cả bóng đêm ngày hôm trước, tôi gặp lại Khanh. Người đàn ông từng lái xe chở tôi qua những cây cầu ở thành phố xa lạ, cũng là vị giám đốc đang ở thế cạnh tranh khốc liệt với sếp tôi trên thương trường. Họ bằng mặt nhưng không bằng lòng khi đối phương giành được hợp đồng lớn. “Tôi chỉ tin tưởng cô làm được việc ấy. Hãy hạ gục hắn bằng mọi cách, việc của cô ở công ty đã thu xếp người khác làm thay”. Sau câu nói vừa như mệnh lệnh vừa như trao gửi của sếp, tôi bải hoải xếp vali lên đường. Như sự sắp đặt đầy trớ trêu, anh ta ngồi dưới tán cây cổ thụ, thoạt nhiên tôi chỉ thấy một tấm lưng vững chãi, buồn so, nắng hắt bóng lá xuống chiếc áo sơ mi trắng tinh. 

Khanh kể, dòng họ anh nổi danh khắp vùng. Xưa kia xung quanh ngôi nhà cổ của dòng họ có đến chục gốc nhãn cổ thụ. Theo thời gian, nhựa sống dần cạn kiệt vì thiếu hơi người, vì vơi cạn dần những câu chuyện truyền đời linh nghiệm, cây cối cứ thế héo cành, rũ lá. Bao năm qua, cả dòng họ chỉ còn lại bà cô già không chồng con sống trông nom, hương hỏa trong ngôi nhà ấy. Có tiếng bước chân người vào ra mỗi ngày mà khí nhà vẫn lạnh. Bà cô Khanh giật mình khi tôi khom lưng bước qua bậc cửa để vào nhà. Bà thốt lên trong hơi thở yếu ớt: “Đúng là nàng ta, ngay cái khom lưng cũng khác biệt người trần!”. Mãi sau này, khi gần gũi hơn, anh nói với tôi bà cô anh một mực cho rằng tôi là hiện hữu của cô gái làng đồng trinh thuở xưa đội mâm nhãn tổ lên chùa cúng Phật rồi quỳ gối trước sân đình dâng nhãn cho vua. Cây nhãn tổ là niềm tự hào của dân làng, từ lúc ra hoa, đậu quả luôn được thanh thiếu niên thay phiên nhau cắt cử trông nom, luật bất thành văn từ người già đến trẻ con đều hiểu là không bao giờ được phép xâm phạm, dù chỉ trong ý nghĩ. Cây nhãn tổ sững sững ở đó với bao điển tích ly kỳ. Nào những sáng tinh mơ túa ra trong vòm lá bầy dơi quạ đen ngòm mắt quắc lên dữ tợn, y rằng năm ấy đậu mùa, hạn hán nối tiếp lũ lụt thiên tai. Nào những đêm trăng sáng người làng đi thả lưới khuya thấy chỉ duy nhất đôi bàn chân con gái thoăn thoắt leo từ gốc cây lên ngọn, đung đưa như một trò đùa. Nhưng vào năm nhãn được mùa nhất, lòng người nao nức nhất thì cô gái đồng trinh treo cổ tự vẫn.

***


“Nàng ấy tên Tâm Nhi, phía sau gáy có hình vết chàm đỏ như hoa”
. Ấy là lời bà cô Khanh kể lại. Khanh có thêm nhiều cuộc hẹn công việc, đôi khi là chuyện trò với tôi tại thành phố bên sông. Khách sạn tôi lưu trú đối diện trụ sở bề thế của công ty Khanh. Một lần, cuộc họp cổ đông diễn ra sớm hơn dự định nên anh qua gặp tôi bàn công việc cũng sớm hơn. Bấy giờ, tóc tôi còn ướt, thoảng mùi sả chanh, thật chẳng ăn nhập gì với chiếc váy công sở tôi mặc vội để tiếp đón đối tác cho lịch sự. “Thời buổi này vẫn có phụ nữ gội đầu sả chanh. Vùng tóc ướt này, biết bao giờ tôi mới thoát nổi!”. Tôi đưa tay tắt vội đĩa nhạc vẫn quay đều giai điệu có phần đầy oán thán, rấm rứt từng thớ da thịt: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng. Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”.

Mọi hợp đồng, kế hoạch công việc công ty Khanh luôn chặt chẽ. Không một kẽ hở nào đủ để tôi lách vào. Có chăng, tôi vẫn hiểu mình chỉ có thể bước vào cuộc đời Khanh, phá vỡ thế cờ ngang nước giữa anh và sếp tôi bằng một câu chuyện khác, thiên hướng cảm xúc đời thường. Dường như, vì lần tình cờ gặp tôi dưới gốc cây nhãn tổ, vì cái rùng mình khó giấu diếm của bà cô và chút hương sả chanh thoang thoảng mà Khanh ứng xử với tôi gần gụi, thân tình, không biểu lộ dè chừng một doanh nhân cần có. Giấy tờ thủ tục hợp tác đều được phía công ty anh nhanh chóng xử lý, thời gian chúng tôi bên nhau cũng dài hơn. Lại vẫn là những cây cầu, cả bình minh hoàng hôn, nắng mưa hay lúc trời đổi gió. Có vẻ Khanh chẳng bao giờ biết được, tôi lặn lội vào đây rốt cuộc mục đích gì.

“Em có tin chuyện về nàng trinh nữ Tâm Nhi ấy không?”“Sao anh lại hỏi thế?”. Giữa chúng tôi, im lặng nối dài. Trong chiếc đầm màu trắng hở vai, tôi vô tình để lộ vết chàm sau gáy. “Công việc tôi bận rộn, mỗi năm tôi chỉ về lại ngoài Bắc được đôi lần giỗ chạp. Hồi đám trẻ làng còn nhỏ, người già kể rằng nàng Tâm Nhi tự vẫn vì ánh mắt của vua. Đúng vậy, chỉ vì một ánh mắt đăm đắm nhìn nàng thôn nữ mười bảy tuổi mà nàng hiểu mối duyên thề hẹn giữa mình với người trai làng đang mải mê dùi mài đèn sách sẽ đứt lìa, không cách nào cứu vãn. Chỉ một cái phẩy tay, một ánh mắt quyền uy đầy ngụ ý, nàng sẽ phải nhập cung sống kiếp cá chậu chim lồng. Cụ tổ nhà tôi, bức chân dung đặt giữa ban thờ mà em từng thấy, chính là chàng trai đèn sách thuở xưa. Sau cái chết của nàng Tâm Nhi, người thuận theo gia đình cưới vợ, có con đàn cháu đống, lại đỗ đạt cao nhưng như vướng một lời nguyền, tất cả những người thành đạt trong dòng họ đều sống kiếp li hương”. Giọng Khanh tôi ngỡ giọng ai. Rõ ràng, khoảnh khắc ấy chúng tôi đứng trên cầu, gió lồng lộng thổi bạt cả mái tóc mà tôi cảm giác như tán cây nhãn tổ đang um tùm vây bủa quanh mình với một đêm trăng trĩu trịt thành từng chùm treo trên cành lá, rụng rơi đầy vai, chói lòa rớt xuống bước chân mình.

***

 

Cứ như những lời mê sảng của Diên thì ông thầy bà cô bói toán nào đó đã gọi được linh hồn nàng trinh nữ Tâm Nhi. Không một lời khóc than oán trách  nhưng mắt nàng đẫm lệ. Người ta đinh ninh bản mệnh của nàng hợp với Diên, đi theo Diên từ thuở ấu thơ không rời nửa bước. Nàng tin vào lời phán nhờ có sự che chở của nàng Tâm Nhi mà hết lần này tới lần khác định chết nàng đều được cứu sống, gã chồng đi biệt lại có ngày về thủ thỉ bên tai những lời đường mật. Với tôi, chính lý trí và sự nhạy cảm đã vạch đường giúp tôi đến cứu Diên. Có thời khắc nàng đã yên vị trên ghế sô pha, từ tốn uống hết một nửa số thuốc ngủ tuyệt nhiên không nhắn tin kêu thán, từ biệt ai như nhiều người vẫn làm trước khi tự vẫn. Lần khác, Diên nằm dài trong bồn tắm, gương mặt trang điểm kĩ càng bằng loại phấn son chống nước,, mặc nguyên bộ váy ngủ xanh bạc hà, mạch máu trên tay phun ra đỏ ối… Khi nàng cô đơn, tuyệt vọng rồi thản nhiên tìm cái chết chính là lúc tôi thấy tim mình đột ngột nhói lên.

“Ngày nó về đây, gió cứ thổi mãi trên ngọn cây nhãn tổ, lạ lắm. Gió mang tiếng người. Sống trên cõi đời ngót trăm năm, chưa bao giờ ta thấy gió trời lạ thế. Nếu có cuộc hồi sinh chuyển kiếp, chỉ e tai họa khôn lường”. Chẳng những Khanh mà tôi cũng ám ảnh lời bà cô già rủ rỉ ngày chúng tôi gặp lại nhau giữa quê cha đất tổ của Khanh.

Chúng tôi chưa bao giờ ngỏ một lời tình tứ với nhau. Khoảnh khắc rung rinh tê tái nhất là lần tôi để lộ vết chàm sau gáy. Khanh biết đó hoàn toàn không phải một hình xăm dù rõ rệt bông hoa năm cánh mỏng. Mẹ tôi từng nói, khi sinh ra tôi đã sẵn có vết chàm, vì nó mà bà nội e ngại tôi khó nuôi. Hồi bé, vết chàm ấy thành chủ đề đám trẻ làng trêu chọc và người lớn thêu dệt. Họ bóng gió tôi là con của ma  nữ, ám hại dân làng nên từ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, cả ngôi làng trù phú dần tàn lụi. Chỉ duy nhất Diên luôn ở bên tôi, sẵn sàng nhào vào đánh tơi tả đứa trẻ nào hòng xông vào tôi để tận mắt xem vết chàm “tội lỗi”. Ánh mắt Khanh sâu lắng, dìu dịu mà ấm áp bỗng chạm vào vệt ký ức đầy xót xa của tôi. Qua tháng ngày tuổi thơ chật vật, càng trưởng thành, tôi càng cô độc trong chính gia đình mình khi bà nội và mẹ bất lực không thuyết phục được tôi đến đền chùa nào để cầu duyên. Tôi có một công việc nhiều người mơ ước, một nhan sắc khiến cả Diên xuýt xoa nhưng với gia đình tôi là nỗi nhục, là điểm duy nhất khuyết thiếu thiệt thòi. “Tôi có cảm giác đã mất em quá lâu rồi. Lần này nếu em còn đi, tất thảy mọi điều đều vô nghĩa lý”. Nói xong câu ấy, Khanh đưa tôi về đúng trận mưa đêm. Mưa kéo từ bên kia nhưng đến giữa cây cầu lại ngớt. Mọi người xôn xao, ở thành phố này là thế, rất lạ, mùa này mưa đêm chia cây cầu làm hai, ai muốn ướt cứ đi về phía đó.

 

***


“Gã chẳng chết mê chết mệt mày rồi, không chớp lấy cơ hội là tiêu tan kế hoạch”
. Sau cơn khủng hoảng tột cùng trong cuộc hôn nhân rách rời chắp vá, Diên bây giờ hoàn toàn tỉnh táo, sắc lạnh được bao bọc bằng vẻ ngoài phơi phới hồi xuân. Bên cạnh nàng đương nhiên vẫn là ông chồng sờ sờ hệt cái bóng. Hắn thận trọng pha đồ uống cho chúng tôi – công việc duy nhất tôi ghi nhận hắn đã tận tâm, làm tốt với Diên. Trước mặt tôi, chưa một lần chồng Diên nhìn thẳng vào mắt vợ. Tôi canh cánh mãi trong lòng câu hỏi, họ yêu nhau thế nào. Rồi một lần nào đó, cô bạn thì thầm bên tai tôi: “Bọn tao yêu nhau bằng tiếng nước chảy. Cứ mở nước ra, hai thân thể buông xuôi, nửa chìm nửa nổi trong bồn tắm. Anh ấy bảo, lúc đó nhìn tao đẹp lắm, như từ một khúc sông nào đó dạt về, rồi sống lại”. Diên đủ hiểu tôi gai người ra sao trước bí mật này. Mỗi năm dăm bảy bận vợ chồng lục đục, lần nào nàng cũng đi kêu cầu, cũng khăng khăng mối tình của mình là duyên nghiệp, muốn lìa không thể lìa. Tôi luôn sợ căn nhà Diên ở. Không tiếng trẻ con, không tiếng cười đùa, quanh năm suốt tháng nghi ngút mùi trầm dù lò đốt đặt tít trên tầng áp mái. Chỉ cần cuộc sống hôn nhân ổn định, có gã chồng vất vưởng trong nhà, trí thông minh tài thao lược của Diên sẽ phát huy tối đa năng lực. Chẳng thế mà sau những đận nhà không có để ở, xe chẳng có mà đi, tiền bạc bị chồng vung tay tiêu pha với thiên hạ, nàng lại vực dậy nhanh hệt phép màu.

Tôi nói với Diên, càng chìm sâu vào câu chuyện của Khanh tôi càng muốn phá bỏ kế hoạch từng đồng tình với sếp. Nhất là khi bàn tay nhăn nheo mốc thếch của bà cô anh run run nắm lấy tay tôi. Bà tin đưa tôi về đây là một ngọn gió trời. Diên hờn trách tôi mơ mộng hão huyền. Rằng tôi rõ ràng đang nắm đằng chuôi dao, chỉ nhích khẽ là hoàn thành kế hoạch.

***

Con gái Khanh không nhìn thấy ánh sáng từ năm sáu tuổi vì cú ngã nhào trên cầu thang trôn ốc khi trốn chạy cuộc cãi vã to tát nặng nề của bố mẹ. Công ty chung bề thế được chia cắt làm hai phần sau đó không lâu. Bây giờ, cô bé ấy đã mười một tuổi, xinh tươi, bụ bẫm dù đôi mắt vẫn đục màu mưa. Nhà Khanh có tới bốn người giúp việc, hai người phụ nữ luống tuổi chuyên chăm sóc trông chừng và đưa con gái anh đến lớp học đặc biệt còn lại là hai người đàn ông quản gia, làm vườn. Vợ Khanh sống cách đó không xa, vẫn một mình điều hành công ty riêng, không kết hôn, thường xuyên qua lại thăm nom  con gái. Họ quên cả thủ tục ly hôn dẫu bao năm sống riêng nhà bởi một tờ giấy dường như đã không còn nghĩa lý gì với hai thế giới tách biệt. Đứa con là cây cầu, và cây cầu ấy lại rất mong manh, rất yếu mềm trước những lằn ranh giới. Thỉnh thoảng vô tình chạm mặt, họ giữ phép lịch sự hỏi đôi câu tình hình sức khỏe, học hành của con cái.

“Cô ngồi ăn kem xoài với cháu”, cô bé hướng về phía tôi nói giọng rất ngọt ngào, lễ phép. Trên mặt bàn khu bếp rất nhiều bức tranh được vẽ vời bằng sáp xếp đặt gọn gàng. Khanh giải thích: “Con bé rất thích vẽ, nó còn làm thơ nữa, con vừa có bài thơ gì về mùa xuân ấy nhỉ?”. “Mùa xuân cắm hoa cúc xanh/ Ngọc ước vỡ thành trăm mảnh…”. Con gái Khanh cất giọng trong veo còn tim tôi như vỡ nát.

Sau chuyến đi ấy, tôi về lại bên Diên, kể chuyện cô con gái nhỏ mù lòa, chuyện những bức tranh được pha màu bằng cảm giác, cách xếp đặt thật gọn gàng, hợp lý cũng bằng cảm giác. Mắt nàng rưng rức nước, đầu vẹo hẳn một bên gối như con mèo tội nghiệp nói lại những lời chẳng hề lạ lẫm so với hơn chục năm về trước khi Diên kết hôn được dăm năm mà không con cái: “Tao khao khát một đứa con dù tốn kém, đau đớn cỡ nào. Rồi thì, nó có thế nào cũng được, tao sẽ chăm sóc, yêu thương nó còn tâm hồn trong sáng thơ ngây ấy chính là nguồn sống để tao không thấy mình già cỗi, vô dụng mỗi ngày. Ấy vậy mà tao luôn thất bại”. Những lúc như thế, Diên quá yếu mềm, mà đó mới thật là Diên. Cũng chính là tôi. Tin đồn chồng nàng có con riêng, muốn cho người đàn bà kia một vị trí nào đó không phải nàng không biết, mà Diên muốn thả trôi xem rốt cuộc tham vọng, xúc cảm của người đàn ông vốn đầu gối tay ấp, có khiếu nói lời hứa hẹn, xoa dịu mọi vết thương lòng rồi sẽ trôi tuột đến tận đâu.

***


“Đây chính là đứa cả gan dám cướp chồng bà!”
. Vợ Khanh cùng một nhóm người xộc thẳng vào phòng tôi, xúm vào tôi vò xé không thương tiếc. Đĩa nhạc vẫn quay đều, khắp người tôi mùi sả chanh vẫn dâng đầy, cay xè mắt. Người đàn bà ấy quất vào tôi từng câu nói như dao: “Cho con nhỏ này từ nay biết mùi tàn phế”, “Còn định dụ dỗ cả con gái tao để chiếm hết gia tài”… Rồi như có một đôi tay chạm vào tôi, đỡ lấy tôi, mong manh, dịu nhẹ. Không phải Khanh. Đương nhiên thế. Tôi đủ tỉnh táo để nhận biết thời điểm này anh đưa con gái ra nước ngoài khám lại đôi mắt, thăm dò thêm về lựa chọn phẫu thuật. Trước khi đi, đứa trẻ mười một tuổi thỏ thẻ quanh tôi: “Cô ở lại đây chơi, cô buồn thì xem tranh, thăm vườn, rồi đợi cháu về”. Đâu đó, phía sau những lùm cây được cắt tỉa công phu đang đơm hoa tím ngắt, tôi luôn cảm thấy mùi hương trẻ con, thoảng từ nếp áo mềm mại của con bé.

Tiếng người gào thét, la lối, chửi rủa không ngừng trút xả. Tôi thấy bầy dơi quạ xúm xít nhằm thẳng gáy mình, càng có mùi máu, càng đẫm màu máu, chúng càng điên cuồng đập thẳng đầu vào đó. Một ánh mắt quyền uy đầy ngụ ý nhìn tôi, như thể chỉ cần tôi gật đầu, tất cả sẽ dừng lại nhưng tôi biết tôi sẽ khước từ, như cách tôi và Khanh đêm ấy vẫn đi qua cây cầu, dẫu biết rõ đợi mình phía trước là mưa giông. Che chở cho tôi là đôi tay mềm mại, ngọc ngà. Tôi thấy mình bay lên trên không trung, được chắp thêm đôi cánh, bay mãi về phía những tán cây nhãn tổ già cỗi cho đến khi cả một khoảng trời màu nâu lặn vào mắt rất sâu.

Các báo đồng loạt đưa tin: Vụ đánh ghen tàn bạo có một không hai; Vợ giám đốc công ty X bị khởi tố; Nữ giám đốc công ty K phủ nhận sử dụng a-xít… Sếp không liên lạc mà đích thân ra sân bay đón tôi về. “Thật may, cô vẫn an toàn, cô làm tốt lắm, tôi đã xem xét đề bạt cô ở vị trí mới!”, ông ta nói giọng chắc nịch, hào sảng. Còn Diên cũng nói không ngừng nghỉ: “Lão chồng tao bảo, mày đúng tuýp người đa nhân cách, lúc mộng mơ khi tính toán khôn lường, mày đã hạ công ty ấy bằng kế mỹ nhân. Tao à, tao chỉ quan tâm mày đã trở về, bên tao như lúc trước. Lúc mày nguy hiểm, tim tao đã chẳng nhói lên, vì lúc nào cũng rớm máu sẵn rồi”. Công ty Khanh sớm đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng, các cổ đông đồng loạt rút cổ phần. Không ai nghĩ bão tố ập đến chỉ vì xô xát đàn bà.

***

Thực ra thì, người viết một phần lớn câu chuyện này bây giờ đã không còn nữa. Tôi chỉ là người viết tiếp phần kết trong nỗi day dứt, chờ mong cô ấy sẽ trở về như cái kết lí tính tôi vạch ra rồi tự mình tưởng tượng suốt những ngày người bạn thân duy nhất đi về phía thành phố xa lạ bên sông Hàn. Chồng tôi từng khẳng định, cô ấy sẽ có kế hoạch sắc bén để được đề bạt một vị trí cao hơn ngày trở về. Tôi lại đinh ninh cô ấy như bản mệnh không thể tách rời tôi, sẽ luôn ở bên tôi lúc cần thiết nhất. Vậy mà, bạn tôi vĩnh viễn nằm lại về phía bên kia cây cầu sau cuộc đánh ghen, ám sát thảm khốc. Thật kỳ lạ, trong ngăn kéo tủ phòng khách sạn, cô ấy để lại một bức thư. Trong bức thư ấy, người bạn thuở ấu thơ của tôi tâm sự, những giấc mơ là điều duy nhất cô ấy muốn giữ lại cho mình. Một ngày nào đó không xa, nếu có nỗi bất ngờ, đau đớn nào ập đến, trước khi chết não, cô đồng tình tặng lại đôi mắt mình cho con gái của Khanh. “Để ngọc ước không vỡ thành trăm mảnh”. Đó có thể coi là lời tiên tri không? Hay sự tự ý thức rõ những việc mình đang làm đầy bất trắc và thiên vị tuyệt đối về cảm xúc?

Sau ồn ào, đổ vỡ, Khanh hoàn tất thủ tục ly hôn, đưa con gái sang định cư ở nước ngoài. Cô bé ấy đã nhìn thấy ánh sáng cuộc đời nhưng nét vẽ trong tranh lại chẳng hề thay đổi. Tranh của con gái Khanh được coi như một hiện tượng hội họa, tham dự nhiều triển lãm ở nước ngoài, đoạt giải thưởng cao và mắt tôi nhòa nước khi nghe cô bé trả lời phỏng vấn trên truyền hình: “Cháu muốn nói lời cảm ơn cô – người mang ánh sáng cho cháu, cũng là người duy nhất hiểu cháu không vẽ bằng đôi mắt mà vẽ bằng trái tim”.

 

Lữ Mai

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6381)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11631)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1044)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 487)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 976)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 1344)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 1266)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 1252)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 1169)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1151)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).