- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÙI CHAY

06 Tháng Tám 201912:28 SA(Xem: 33274)
DHY 5
photo Đỗ Hải Yến
 

 

CUỘC GẶP GỠ TRONG QUÁN ĂN CHAY:

 

- Tôi có thể ngồi chung bàn với chị được không? Quán hôm nay đông quá!

Hắn bưng dĩa cơm chay trong chiếc đĩa nhựa xanh rẻ tiền khom lưng đứng trước mặt người đàn bà.  Người đàn bà nhẹ nhàng ngước lên, đôi mắt đầy thảng thốt :

-         Không được. Tôi đang chờ một người quen.

Hắn quay lưng bước đi, miệng lầm rầm cáu kỉnh:

-         Ăn chay mà cũng giành chỗ!

 

Tìm được một chiếc ghế nhựa , hắn uể oải dích từng hạt cơm đã nguội khô khốc trong dĩa. Cơm chay thập cẩm. Cái tên hoa mỹ cho phần ăn ít tiền nhất của quán chay bao gồm nhiều cơm nhất có thể, lèo tèo vài cọng rau xào và vài miếng đậu hủ kho tiêu mặn quéo lưỡi, đóng vai trò xúc tác tích cực cho hỗn hợp chất bột trộn với vô số nước trà đá miễn phí phình lên sau khi trôi tuột qua cuống họng đau rát vào bao tử rỗng tuếch của hắn.

 

Quán chay mùa Vu lan lúc nào cũng đông khách. Hắn phóng tia nhìn lơ đảng khắp dãy bàn ghế nhựa xanh đỏ, ngổn ngang giấy ăn vương vãi dưới gầm bàn và những đốm nâu của nước tương Tam thái tử dây trên tấm khăn trải xanh đậm. Tia mắt hắn chợt dừng lại ở khuôn mặt người đàn bà ngồi góc trong cùng của quán ăn. Một khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt, với những đường nét bình thường, không xấu nhưng cũng không có gì đặc biệt đủ để lưu lại trong bộ nhớ người khác sau vài lần gặp. Hắn đã gặp chị ngay từ lần đầu tiên hắn ghé quán, thông thường bắt đầu từ giữa tháng khi tiền viện trợ từ nhà đã cạn và khi hắn không còn trông cậy vào bất cứ khoảng thu nhập thất thường nào, hắn tìm đến quán cơm chay, như mọi thằng sinh viên xa nhà khác.

 

Đây là tuần thứ hai liên tục hắn gặp chị. Có nghĩa là hai tuần liên tục hắn cạn sạch tiền ăn và bao tử hắn chịu đựng một ca trà đá vào buổi sáng và một dĩa cơm chay buổi chiều.

 

Chị ngồi hơi cúi đầu xuống, mái tóc giấu trong chiếc cặp vải lưới kiểu nhà quê không giấu được cái gáy trắng thon thả nổi bật trên màu tóc đen óng ả. Hắn mỉm cười chua chát nghĩ- người đàn bà này chỉ đẹp khi cúi mặt.

 

Vứt đôi đũa bạc thếch vào cái dĩa đã được vét sạch, chung quanh đã vản khách, hắn lần dò đến bàn người đàn bà, vẫn ủ rũ với tô cà ri chay trước mặt.

 

-         Chị không có bạn nào hết. Tôi đã để ý chị mấy ngày liền rồi. Sao chị không nhường cho tôi một chỗ ngồi?

-         Người bạn của tôi hứa đến, và tôi vẫn chờ- người đàn bà trả lời, giọng hơi run rẩy.

Hắn thấy đặc biệt kích thích và tò mò:

-         Đã hai tuần nay rồi, có ai đến đâu! Tuần trước tôi cũng hỏi nhờ ngồi bàn chị, chị cũng trả lời câu này. Hay chị khinh tôi?

 

Hắn không bỏ được cố tật đặt những câu hỏi trực diện làm người đối diện lung túng và khó chịu, bạn bè hắn kết luận, đó là lỗi lầm chết người của hắn, trong khi người khác uốn lượn trơn như lươn, hoặc chỉ cần một chút tế nhị. Nhưng có lẽ, tế nhị không có trong cái đầu đặc phù sa bùn đất của hắn chăng?

Trái với thái độ thẳng tuột thô thiển của hắn, người đàn bà vẫn từ tốn và rụt rè:

 

-         Tôi không quen với ai, tôi ngại, tôi chỉ ngồi với người quen.

-         Tôi cũng ngồi một mình, không có ai quen, tôi chán ngồi một mình lắm rồi. Tôi chỉ cần có người để nói chuyện thôi!

 

Chị đột nhiên nhìn hắn với đôi mắt ấm áp:

 

-         Thôi anh ngồi xuống đi. Ăn cà ri không? Anh ăn nhiêu đó cơm không đủ no đâu.

 

Không đợi chị mời đến lần thứ hai, hắn cắm mặt vào bát cà ri còn nguyên trên bàn chị. Mùi khoai lang bùi quánh lưỡi cộng hưởng vị béo của nước dừa cốt đặc sệt làm hắn mờ mịt đi trong sung sướng thoả mãn của 5 giác quan và nỗi thèm khát đau đáu hương quê nhà. Ngẩng đầu lên bắt gặp cặp mắt ái ngại của chị, hắn nói một mạch:

 

-         Tôi không phải thằng cù bơ cù bất, tôi là sinh viên trường nghệ thuật và tôi cần việc làm. Chị có giúp tôi được không?

-         Anh đi theo tôi- người đàn bà nhẹ nhàng đứng lên, tiến ra cửa, thậm chí không thèm ngoảnh lại phía sau xem hắn có đi theo hay không.

 

 

 

Hắn ngoan ngoãn đi theo người đàn bà, tư thế sẳn sàng lao vào bất cứ công việc gì có thể kiếm ra tiền.

 

Vóc dáng cao to lực lưỡng của dân Cà mau sông nước và đôi mắt lạnh- chẳng ăn nhập gì với nhau đã hại hắn. Trong khi bạn bè cùng lớp hớn hở rủ nhau đi đóng film ca nhạc,  hắn lien tục thất bại casting , rồi xuống hạng đóng phim quảng cáo sản phẩm. Hắn không thể nhập vào vai những anh chàng nghệ sỹ ẻo lã si tình trong mấy phim ca nhạc thị trường, cũng không phải anh chàng phong trần bảnh bao có ria quai nón đêu đểu, mắt ướt rượt đa tình và càng không thuyết phục trong vai anh chàng láu lỉnh quảng cáo cho mì ăn liền hay anh chàng sạch sẽ chuyên đi hà hơi vào cửa kiếng cái mùi thơm tho kem đánh răng close-up. Tụi bạn hắn đã nản chí với việc liên tục giới thiệu hắn vào các vai quảng cáo hầm bà lằng mỗi ngày trên nhà đài, và hắn cũng tin rằng, hắn, cuối cùng chỉ hợp vai những anh chàng “vai u thịt bắp mồ hôi dầu mụn cám”. Đành chấp nhận đồng tiền còm cõi đi phát tờ rơi quảng cáo ở ngả tư đường, mặc đồ lông thú đứng cười trước tiệm gà rán , trong khi trông chờ một vai quần chúng lướt ngang camera…

 

Vì thế hắn lẽo đẽo đi theo người đàn bà trong tư thế không còn gì để mất!

 

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ KHÔNG CHỒNG Ở LÀNG GIẾNG:

 

Làng Giếng nổi tiếng về nghề làm đậu hũ gia truyền rất lâu đời, nếu làng Mai động thuộc Kẻ Mơ ở Hà Nội tự hào về nghề làm đậu phụ đã 2000 năm, thì làng Giếng Hóc môn cũng thuộc hàng con cháu với tuổi đời 100 năm. Có lẻ kể từ cuộc di dân dọc Hoành Sơn vào Nam đã mang theo nghề làm đậu mơ từ những con dân Kinh Bắc nhớ quê!

 

Công thức làm đậu hũ quan trọng nhất là chất lượng đậu nành rồi sau đó đến nước giếng ngâm đậu. Chính điều này đã làm cho đậu hũ làng Giếng nổi tiếng, nhờ có giếng làng. Và đặc biệt giếng nhà chị Mơ!

 

Người đàn bà đó tên là Mơ!

 

Gia đình chị đã trải qua 5 đời làm đậu hũ, nghề đã thấm vào máu thịt, nhưng đến đời chị đậu hũ nhà Mơ mới được nổi tiếng và nhiều người biết đến như vậy. Bao nhiêu người tò mò muốn biết bí mật gia truyền nào đã làm nên hương vị đặc biệt của đậu hũ chị Mơ. Có người ngờ rằng giếng nhà chị trong hơn các giếng làng khác vì chưa bị ô nhiễm, những người ác miệng nói “đậu hũ không chồng”!

 

Mẹ của chị Mơ cũng không chồng. Chị chỉ là đứa con gái vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi trước cổng chùa mẹ chị nhặt được. Mẹ chị gánh đậu hũ đi ngang nghe tiếng khóc nhỏ bé ngạt ngạt đã mang theo cái bọc tã rách đó trong đống lá gói đậu hũ mang theo về nhà. Và chị lớn lên nhờ váng sữa đậu nành, dậy thì trong mùi đậu hũ.

 

Hắn nghe chuyện về chị qua lời thì thầm của các bạn hàng mua đậu, chị tuyệt nhiên không bao giờ kể về quá khứ của mình. Chị rất ít nói, ít cười và sạch sẽ như miếng đậu hũ mới ép trong khuôn, còn tươi hôi hỗi! Người chị luôn phảng phất mùi đậu thơm ngai ngái. Hắn gọi đó là mùi chay!

 

Công việc của hắn bắt đầu từ 3 giờ sáng cho đến giờ hắn phải vào lớp học. Hắn phụ chị những việc nặng nhọc như xay bột, lọc bột và đun sôi nước đậu sống rồi san ra các chum sành. Chị, như một phù thủy, sẽ làm tiếp các công đoạn bí ẩn tiếp theo, pha chế nước men chua vào nước đậu đã nấu chín cho đậu kết tủa theo một công thức đặc biệt . Hắn đồ rằng miếng đậu hũ ngon cũng đỏng đảnh như con gái nhà lành chưa chồng, tùy thuộc vào thời tiết, quá mưa, quá nắng, quá nóng, quá lạnh cũng làm miếng đậu lâu kết tủa và chua loét bỡ bả chẵng ra gì.

 

Phần hắn đặc biệt ưa thích là lớp váng sữa trắng đục mỡ màng được vớt ra khi nước đậu sôi lim rim trên bếp lửa. Thứ sữa đậu nành ngon lành óng ả béo ngậy như con gái 17 (đó là cách so sánh của hắn, hắn vẫn không bỏ được hệ quy chiếu riêng theo đam mê chưa bao giờ được thoả mãn của hắn!) trở thành bữa ăn sáng không thể thiếu của hắn và biến đổi da thịt hắn trắng trẻo phơi phới hơn rõ rệt mỗi ngày.

 

Cho đến khi chị cấm hắn không được uống sửa đậu nành và bắt đầu phát cho hắn tiền ăn sáng. Hắn cáu kĩnh bực bội, vị giác của hắn đã bắt đầu quen và thèm vị đậu nành béo ngọt gây gây trên đầu lưỡi mà hắn không tìm thấy ở các quán sữa đậu nành trong leo lẻo nhạt thếch trước cổng trường hay trên vĩa hè. Hắn nghiện món sữa đậu nành mất rồi! Chị dấu cặp mắt tối khi hắn càu nhàu bắt chị giải thích lệnh cấm đặc biệt đó. Hắn chưa quen với các mệnh lệnh không lời của chị.

 

 

 

Công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng bắt buộc hắn phải ở lại nhà chị qua đêm. Trong khi các thợ phụ khác là người làng chỉ lục tục kéo đến lúc 5 giờ sáng. Một mình hắn và chị thênh thang thang trong căn nhà ngói cổ ba gian, giữa khu vườn trước cau, sau chuối um tùm rì rầm cả đêm. Đêm đầu tiên hắn không ngủ được, hắn trằn trọc , xoay người liên tục trên cái giường phản gổ mít thẳng băng phẳng lì, thèm tấm nệm nhàu nát nhò nhĩ trên cái giường sắt ọp ẹp trong ký túc xá đẫm mồ hôi người và gió quạt máy thốc vào tận mặt. Nhà chị không có quạt máy hay điều hòa. Chỉ có gió rì rầm thổi qua tàu cau và bụi chuối len lỏi vào tận nhà. Và giếng…

 

Cơ man nào là giếng. Có cái xưa cổ thành xây bằng đá ong rêu phủ xanh, có cái mới đào còn đậy nắp gỗ sát mặt đất, có cái đã bị lấp ngổn ngang hoa xuyến chi và rau dền cơm lên san sát. Cái giếng chị yêu thích nhất được xây bằng đá ong đỏ au vững chắc, sâu đến độ hắn thả gào rơi vào khoảng không hun hút không nghe tiếng vọng nào, chị chuyên dùng nước giếng này để ngâm đậu. Có vài nhà trong xóm cắc cớ đến xin nước giếng này về ngâm đậu, chị nhẹ nhàng gật đầu. Rồi sau đó chỉ mỉm cười bí ẩn khi hàng xóm quay trở lại thắc mắc mẽ đậu ngâm nước giếng này chua thếch không được béo ngọt như đậu của chị. Hắn ngây người nhìn chị và thoáng nghĩ, nàng La Giocondo của Da Vinci có lẽ cũng chỉ bí ẩn đến thế là cùng!

 

Cái giếng đó còn để dành riêng cho chị tắm.

 

Và hắn còn mất ngủ vì.. chị tắm!

 

Nhà đặc biệt không có phòng tắm, như mọi nhà khác trong làng Giếng. Chiều nào hắn cũng ra bờ giếng đứng xối ào ào trong khi hát nghêu ngao những bài sến hắn chợt nhớ đến. Cơ bắp hắn nổi vồng lên săn chắc do lao động nặng nhọc và thỏa thuê trong làn nước mát rười rượi. Có lần hắn bắt gặp tia mắt tối sầm của chị dán vào người hắn từ sau cửa sổ phòng của chị. Hắn đã cười hơn hớn với chị, và cánh cửa sổ đóng sập lại !

 

Chị chỉ tắm vào đêm khuya, những đêm có trăng sau khi đã chán chê lang thang sột soạt trong gian nhà cổ mốc meo làm hắn giật mình khó ngủ. Và sau đó tiếng nước dội nhẹ nhàng khe khẽ, róc rách đánh thức hắn hoàn toàn. Và hắn nằm đó, không thể tránh khỏi những suy nghĩ lạ lùng mơn man len lỏi vào đầu. Con gái trong trường e dè thân hình thô thiễn của hắn, xa lánh lớp võ áo quần sù sì rách rưới của hắn. Ở tuổi 20, hắn chưa trở thành đàn ông!

 

Và hắn nằm đó, tưởng tượng thân hình của chị trinh bạch sạch sẽ trắng ngà như miếng đậu hũ lóng lánh trong làn nước dưới ánh trăng 16 rờn rợn. Người hắn gai lên trong cảm giác nôn nao bức rức mơ hồ.

 

Và sau đó là sự im lặng.

 

Sự im lặng khó chịu bí ẩn dày vò hắn.

 

Hắn rón rén đi đến bên cửa sổ, bóng chị trắng lờ mờ sau tàng lá tối, im lặng như 1 pho tượng, mặt chị ngước lên cao, cần cổ mảnh dẻ vẻ thành 1 đường cong gợi cảm và thân hình ưởn thẳng hướng về phía ánh trăng phăng phắc.

 

 

Hắn như muốn chết ngạt. Không biết bằng cách nào hắn đã chạy băng băng chân trần lao ra bờ giếng, ập vào người chị với tất cả khao khát mãnh liệt, các giác quan căng lên bừng bừng, cơ thể cứng đờ đau đớn!

 

Hắn chỉ còn nhớ mắt chị nhắm nghiền, và một làn hương choáng ngợp mát rượi trùm lên tất cả.

 

 

MÙI CHAY:

 

Hắn thất nghiệp một tuân nay. Hắn không còn làm cho chị Mơ nữa.

 

Hai tháng sau chuyện xảy ra trong đêm trăng 16 (mà đôi khi hắn nghi ngờ là không thật, vì có gì đó hư ảo đến mơ hồ), chị cố tình né tránh hắn. Chị ra vào nhẹ nhàng như cái bóng. Thương lái bỗng nhiên ít hẳn không ăn hàng nữa, thẳng thừng chê đậu hũ chị Mơ tự nhiên chua loét, bở bả không còn ngọt béo như xưa. Những cái cười ẩn ý, câu chuyện  thì thầm truyền nhau đi râm ran về nước da tái xanh của chị, về những sợi gân xanh bất chợt đập giần giật hai bên thái dương và nổi bật trên cần cổ trắng như ngó sen của chị. Chị lầm lũi như cái bóng, đôi mắt cúi gằm, nhưng lâu lâu bất chợt lóng lánh như đang lên cơn sốt.

 

Lần cuối cùng hắn gặp chị ở quán chay. Chị đẩy xấp tiền gói trong giấy báo cẩn thận đến trước mắt hắn và hờ hững báo:

 

-         Tiền công của cậu đây. Từ nay cậu không cần đến nữa!

 

Mặt hắn sững sờ, hàm hắn căng cứng. Tiếng động ồn ào của quán ăn chay nghe như xa xăm rì rầm vo ve bên tai :

 

-         Tại sao? Tôi đã làm gì sai? Công việc đang tốt mà!

 

Chị nhẹ nhàng nói từng từ một chậm rãi:

 

-         Dạo này đậu hũ bán chậm lắm, mình làm cực quá mà không cạnh tranh lại với người ta, mà bỏ thạch cao vào đậu cho nhanh như người ta thì mình không làm được.  Chắc tôi mở sạp hàng ở chợ bán đậu, mình làm ra bao nhiêu thì bán bây nhiêu thôi. Bao giờ tôi cần, tôi sẽ biết tìm cậu ở đâu.

 

Hắn nghe nhói buốt sâu trong người, rất đau nhưng không hiểu đau cụ thể ở chỗ nào:

 

-         Thiệt không? Hay là vì đêm đó?

 

Chị lấy tay xua xua trước mặt, gập người tránh một cơn nôn khan:

 

-         Thôi cậu đừng nhắc nữa, chuyện đó tôi quên rồi.

 

Chị nhìn thẳng vào mắt hắn, đôi mắt long lanh như đang lên cơn sốt, lần đầu tiên hắn biết chị có đôi mắt màu nâu trong veo rất lạ.

-         Cậu đi đi. Dạo này tôi không được khỏe.

 

Không kịp để cho hắn trả lời, chị đứng lên, nhẹ nhàng mềm mỏng như một cái bóng, lướt ngang hắn và như tan vào nắng trưa vàng rực. Mùi hương đậu hũ đang đọng váng trên bếp lửa nóng bao vây lấy hắn . Hắn thấy mình choáng váng.

 

Hắn ngồi nôn nao trong quán, tay sốt ruột gõ vào thành ly sữa đậu nành đang nguội dần. Hắn đang hẹn hò với một cô bé sinh viên năm nhất, thân hình vừa phải, khuôn mặt vừa phải, ưu điểm duy nhất là bố làm giám đốc một công ty băng đĩa nhạc, hứa hẹn sáng ngời cho tương lai nghệ thuật của hắn. Cô bé không hiểu sao lại si mê hắn như điên, có lẽ mốt thời trang bóng bẩy sành điệu đã bắt đầu nhàm chán, người ta quay trở lại với những gì thô mộc sần sùi. Lũ bạn thì cười thành thật thú nhận hắn toát ra mùi đàn ông khác lạ và hấp dẫn.

 

Cô bé từ cửa ùa vào mát rượi nồng nặc mùi nước hoa đắt tiền, nũng nịu nhìn vào ly sữa đậu nành trên bàn:

 

-         Trời, anh lại uống đậu nành nữa rồi! Em đã cấm anh không được uống sữa đậu nành mà anh không nghe lời em gì hết!

 

Hắn ngu ngơ:

 

-         Uống sữa đậu nành có sao đâu, anh quen rồi không bỏ được. Còn đỡ hơn uống cà phê đen, nôn nao khó chịu lắm.

 

Cô bé nhào vào lòng hắn thì thầm bí mật:

 

-         Anh khờ thiệt hả, không biết gi hả? Uống sữa đậu nành là không làm ra em bé được đó cưng…

 

Rồi cô cười ầm ĩ, như tự thưởng thức câu nói rất ý nhị của mình.

 

Như có một hòn gạch đập thẳng vào đầu, hắn choáng váng. Có lẽ nào đây là lý do chị đã cấm, hắn không được uống váng sữa đậu nành mỗi ngày…Người đàn bà đó…

 

Hắn lắc đầu thật mạnh như muốn rũ bỏ hình ảnh đêm trăng 16 ra khỏi trí. Cô bé vẫn rúc người sâu vào lòng ngực hắn thì thào:

 

-         Hôm nay bố mẹ em đi công tác hết rồi, mình về nhà em chơi đi. Đi lang thang hoài chán quá. Em muốn cho anh coi cái này!

 

Hắn đi theo cô bé trong trạng thái ngầy ngật ngẩn ngơ. Hắn khám phá ra từ ngày rời khỏi làng Giếng hắn rơi vào trạng thái lơ lơ lửng lửng này thường xuyên. Có đôi khi hắn giật mình thức dậy giữa đêm khuya, tim đập thình thịch tưởng đã trễ giờ canh nồi nước đậu sôi lim rim trên bếp than rực hồng và váng vất thèm mùi váng sữa gây gây nồng nồng. Lẽ nào hắn đã bị ám ảnh đến thế?

Nhà cô bé là một biệt thự um tùm cây cảnh nằm sâu trong quận 7. Cô bé sành sỏi kéo tay hắn vào phòng tắm trang bị như một spa đắt tiền sực nức hương tinh dầu và lá cây . Trong khi cô bé lần từng hạt nút áo chemise của hắn, hắn ngơ ngác hỏi:

 

-         Sao nghe có mùi sả hả em?

 

Cô bé cười như nắc nẻ:

 

-         Anh duyên ghê, mùi tinh dầu sả đó. Em đốt nến thơm mà, cho nó lãng mạn, Anh thích không?

 

Hắn ngu ngơ gật đầu, mùi sả hắn đã nghe quen ở làng Giếng và quê nhà Cà mau, quanh hàng rào nhà nào cũng um tùm bụi sả để chống rắn. Hắn như trượt đi trong cảm xúc thiếu vắng và hụt hẫng. Trong khi tay cô bé trượt trên vồng ngực của hắn mơn trớn đầy lão luyện. Hắn cũng bị dẫn dắt trôi theo bản năng và chúi vào mùi hương cơ thể trẻ trung mới mẻ. Mùi hương nước hoa nồng nàn,mà hắn không thể nào phân biệt được những cái tên kiêu kỳ rắc rối, sộc vào khứu giác của hắn, đột nhiên làm cơ thể hắn chùng lại và đầu hắn ong ong ngầy ngật. Tay cô bé kéo đầu hắn chúi vào ngực bổng ngưng lại nửa chừng, mùi lotion VS ngọt gắt làm hắn nôn ọe khan và chóng mặt. Hắn vùng ra khỏi tay cô bé, lảo đảo chạy ra khỏi phòng tắm, lao về phía ban công. Tiếng cô bé hét lên phía sau rin rít:

 

-         Anh làm gì vậy? Anh điên hả?

 

Hắn hít lấy hít để mùi cỏ cây và khí trời vào lồng ngực ngạt kín. Gió lạnh tạt vào khuôn mặt đờ đẫn của hắn làm hắn tỉnh táo trở lại. Hắn ngây người tìm trong hơi gió mùi hương trong trẻo thanh sạch rất quen. Mùi chay!

 

Trời ơi, hắn đã bị mùi chay bỏ bùa mất rồi!

 

Uyên Lê

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 16043)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
12 Tháng Sáu 20259:55 SA(Xem: 314)
trái bóng vẫn lăn... / mấy ngày ở Seattle / theo đà chiếc bánh lăn / một sáng chế mà người bạn đường một thuở đang gửi gắm / thấy chiếc xe đạp vẫn bươn bả trên đường / dù ở nơi nào / xa vạn dặm quê hương
11 Tháng Sáu 20259:50 CH(Xem: 491)
Anh còn có gì / Ngoài khung cửa nhỏ / Em về qua phố / Nắng rực đường đi! -- Em mỉm môi cười: Tình trao ai đó? Lòng anh không gió / Cũng lộng niềm vui /
06 Tháng Sáu 20254:06 CH(Xem: 1935)
Năm ấy, khi còn đang mài đũng quần để lấy tấm bằng Master, anh làm thêm trong một hầm rượu. Một quán rượu nằm nửa chìm nửa nổi dọc bờ sông Seine. Anh không muốn xin tiền nàng vào những khoản bí mật của một thằng đàn ông đã đến tuổi tự lập từ lâu, nên cuộc đi làm thêm diễn ra cũng bí mật, kín đáo y như cái quán rượu huyền bí này- nửa chìm, nửa nổi. Sơ mi trắng, nơ đen, chạy băng băng giữa các thực khách, luôn nhoẻn cười quá ư lễ độ, vô cùng nhũn nhặn phô hàm răng khểnh, không ai nhận ra ngài trợ giảng một trường đại học trong trang phục bồi bàn, nói tiếng Pháp chuẩn âm Paris.
06 Tháng Sáu 20253:23 SA(Xem: 2220)
Tập thơ “Hẹn Anh Về Vỹ Dạ Ngắm Mưa Bay” của Hoàng Thị Bích Hà có hơn 180 bài thơ dài ngắn khác nhau được chia làm 2 phần: Phần 1: 80 bài thơ, Phần 2: 116 bài thơ bốn câu. Phần 1: 80 bài thơ tuyển là những bài tâm đắc được chọn lọc ra từ 10 tập thơ trước đã xuất bản và một số bài thơ mới sáng tác trong thời gian gần đây, chưa in nhưng đã được đăng tải trên các trang báo mạng và website Văn học Nghệ thuật trong và ngoài nước. Phần 2 là những khổ thơ yêu thích, mỗi bài chỉ chon 4 câu trong số những bài thơ đã xuất bản.
06 Tháng Sáu 20252:58 SA(Xem: 2306)
Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi đã tham khảo nhiều nguồn thông tin và trực tiếp đối thoại với những nhân vật “sống” trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phản hồi nhận được đa phần rơi vào ba mô thức: (1) phê phán gay gắt phía đối lập, (2) nói chung chung với lý thuyết viễn mơ, hoặc (3) phủ nhận hoàn toàn tính khả thi của việc hòa hợp hòa giải. Do đó, tôi đã tìm đến Trí tuệ Nhân tạo Chat GPT – như một cuộc đối thoại với "sự trống vắng im lặng", và đồng thời là một sự tổng hợp từ hàng triệu nguồn tiếng nói – để có được một cái nhìn khách quan, toàn diện, mang tinh thần đối thoại tương kính về một vấn đề lớn và dai dẳng của dân tộc Việt Nam.
31 Tháng Năm 20251:27 CH(Xem: 3599)
Tôi không phải là một “cư dân mạng” thuần thành, nhãn hiệu mà người ta thường dùng để chỉ những người sống trong thế giới ảo nhiều hơn trong thế giới thật. Tuy vậy, tôi vẫn nặng lòng biết ơn tất cả những nhân tài về kỹ thuật tân tiến trên thế giới đã đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy kho tàng văn minh của nhân loại qua các nền tảng trên mạng như Google, Facebook, Wikipedia, YouTube... và gần đây hơn nữa là ChatGPT. Những nguồn thông tin đó đã giúp chúng ta học hỏi, tìm hiểu về vốn kiến thức đồ sộ của con người từ đời nay sang đời khác, trong một thời gian rất ngắn. Cuối thế kỷ trước, khi mạng lưới toàn cầu đã ra đời nhưng chưa thông dụng mấy, tôi từng phải vào thư viện biết bao nhiêu lần, nhiều khi chỉ để tra tìm một chữ, một khái niệm, trong suốt thời gian viết luận án của mình. Ngày nay, chỉ cần “nhấp con chuột” một cái, chúng ta đã có thể tìm được điều mình muốn tìm trong tích tắc.
29 Tháng Năm 20251:06 SA(Xem: 2558)
Ở đâu tôi không biết chứ ở làng quê tôi, điều này đến thế hệ mình ít thấy được duy trì cách gọi này. Thôi thì con cái họ, họ cứ gọi tên cũng được, không sao! Nhưng với người khác nhất là anh em họ hàng nhưng họ lớn tuổi hơn mình thì cần lưu ý cách xưng hô cho lịch sự, dễ nghe để hiệu quả giao tiếp được tốt hơn.
29 Tháng Năm 202512:54 SA(Xem: 2315)
Năm 2025 Hoàng Thị Bích Hà trình làng 2 tập thơ: “Hoa tím sầu đông” (gồm 103 bài thơ) và “Hẹn anh về vĩ dạ ngắm mưa bay” (Hơn 180 bài). Hai tập thơ này tuyển chọn ra những bài thơ tâm đắc của Hoàng Thị Bích Hà trong 10 tập thơ đã xuất bản từ mấy năm trước đây. Những tập gồm 50 bài, mỗi tập lọc ra khoảng 10-15 bài, trong những tập gồm có 100 bài thơ lọc ra khoảng 15-20 bài. (Đây là 2 tập thơ cuối cùng khép lại việc in thơ. Từ nay về sau tôi tiếp tục dành thời gian và tâm huyết cho truyện ngắn và tùy bút, nếu bất chợt có cảm hứng thì vẫn làm thơ, đăng báo chứ không xuất bản nữa).
29 Tháng Năm 202512:23 SA(Xem: 2779)
Trong những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI : Artificial Intelligence) đã tạo ra một làn sóng quan tâm sâu rộng trong giới viết lách. Với nhiều người, đây là một phương tiện mới mẻ, đáng để thử nghiệm. Nhưng với không ít người khác , nhất là những cây bút kỳ cựu hoặc thủ cựu, thì sự xuất hiện của AI đặt ra những hoài nghi, thậm chí phản ứng: Có nên xử dụng AI khi viết văn? Nếu có sự trợ giúp như thế, tác phẩm đó có còn là của cá nhân? Người viết có còn xứng đáng đứng tên tác giả? Tôi từng bỡ ngỡ và đặt những câu hỏi ấy khi mới tiếp xúc với AI. Nhưng nhờ trải nghiệm thực tiễn, tôi dần nhận ra bản chất thật sự của công cụ này – và càng hiểu rõ hơn đâu là ranh giới giữa công cụ hỗ trợ và ý tưởng sáng tạo. Bài viết này chia xẻ góc nhìn cá nhân ấy, không nhằm tranh luận hay áp đặt, mà như một cách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn: trí tuệ nhân tạo không hề thay thế con người, và việc xử dụng AI trong sáng tác – nếu trung thực và có ý thức – là điều hợp lý và xứng đáng.