- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VIẾT TỪ CHÂN ĐỀN HÙNG

08 Tháng Hai 20162:49 CH(Xem: 32527)
VIET TU CHAN DEN HUNG


 

 

Từ California trở lại Houston, chiều Chủ Nhật, 14/11/2004, chúng tôi tổ chức một buổi họp mặt bỏ túi anh chị em tại tư gia, mừng sớm Lễ Tạ Ơn [Thanksgiving] thứ 30. Trong những lễ hội của Mỹ, tôi vẫn nghĩ Lễ Tạ Ơn quan trọng nhất, vượt trên ranh giới và phạm trù tôn giáo. Gà Tây cùng thực phẩm và hoa quả chỉ có tính cách biểu trưng. Tinh túy là sự tri ân đất nước mới, quê hương mới, và cuộc đời mới. Từ mùa Xuân buồn thảm 1975, Liên bang Mỹ đã trở thành quê hương mới của tôi, nơi dung chứa và ban phát cho tôi một cuộc sống thanh bình, tự do. Những đoá hoa tuyết đầu mùa mờ trắng bầu trời Eau Claire [Nước Trong] của bang Wisconsin vào giữa tháng 8/1975. Những săn đón, trân quí của vợ chồng Bruce Taylor, người không ngừng an ủi tôi rằng chỉ có những kẻ cầm bút chân chính, những nhà phù thủy chữ nghĩa, mới biết thương yêu lẫn nhau, trong một nghiệp dĩ nghiệt ngã, rút ruột nhả tơ. Những ly Irish coffee [cà-phê Ái Nhĩ Lan] lung linh ánh lửa lò sưởi, khi nhiệt độ hạ xuống mức âm số. Rồi sáu năm dài Madison, thủ đô Wisconsin. Hàng năm, Lễ Tạ Ơn luôn được mừng đón với xúc động tràn đầy, trong niềm thương mến và đùm bọc, ân cần của bao thày bạn. Những Richard D Coy, John R W Smail, Daniel F Doeppers, Gary Penanen, Duane Fischer, v.. v... Thời gian thoáng bay mau. Dòng sống đưa đẩy tôi xuống định cư tại Houston, Texas, chuyển qua luật học. Coy và Smail, Penanen, Fischer, đã ra đi, những mất mát lớn, khiến không thể không nghĩ đến những lời hứa chưa hoàn tất với họ—bắc một nhịp cậu tương thông, tương kính giữa hai dân tộc Việt-Mỹ, hàn gắn lại những đau thương dĩ vãng do những lỗi lầm của cả hai phe. Song song và mờ nhạt là những gợi ý, thúc dục của đồng nghiệp và thân hữu như Anatoli Sokolov, một học giả Nga chuyên biệt về Việt Nam. Ý định trở lại Việt Nam cho một chuyến nghiên cứu tại chỗ dần dần nở lớn. Cơ hội mở ra cho tôi là học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao và chương trình Rockefeller của Trung tâm William Joiner Center tại Đại học Massachusetts, Boston trong niên khoá 2004-2005. Ít nữa thì có một cơ hội để tái khám phá quê cha đất tổ, tăng bổ cho thứ kiến thức ngày một mờ nhạt về người Việt, đất Việt của dĩ vãng.

Những ngày kế tiếp bận rộn thu xếp hành trang cùng thủ tục cần thiết cho một chuyến đi xa. Gần 30 năm lưu vong, không thể kềm giữ được những xúc động về một giấc mơ vừa hiện thực. Nghiên cứu về khiá cạnh luật pháp tại Việt Nam, tôi, một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa suốt 12 năm dài, một người nghiên cứu sử học từng khám phá ra những tài liệu văn khố ít nhiều tháo gỡ những lớp sơn son, thiếp vàng của thần tượng Hồ Chí Minh? Nếu không có kế hoạch Đổi Mới tại Việt Nam và chương trình Fulbright của Bộ Ngoại Giao, hẳn chuyến đi sắp tới chỉ có thể là chuyện hoa trong gương, trăng đáy nước.

Dù không thể tháp tùng chúng tôi về nước, Mẹ tôi cũng đáp máy bay từ San Jose qua Houston sống với chúng tôi ít ngày. Tám mươi bảy tuổi, Mẹ nhiều hơn một lần sắm sẵn áo tang, khăn sô đi tìm mộ chồng, rồi thăm nuôi anh cả tôi, anh Tr., tại những vùng ma thiêng nước độc của thượng du Bắc Việt. Mẹ là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong thời buổi loạn ly, người hành hạ người, bắn giết, mổ bụng khoét mắt người với đầy đủ sự sảng khoái, kiêu hãnh và sủng kính nhờ những bàn tay phù phép ngoại lai. (Mới đây, ngày 6/1/2016, Mẹ đã vĩnh biệt cuộc đời và chúng tôi, ở tuổi 99, tại Los Angeles. Tang lễ cử hành tại Houston ngày 16/1/2016, lúc nhập quan, Mẹ vẫn tươi tắn như trong giấc ngủ. Hiền hậu và thương chồng, thương năm con hơn cả thân mình. Nước mắt ứa ra, lăn chậm trên gò má, phần vì thương kính và tri ơn, phần tự hào biết công dưỡng dục của Mẹ Cha đã giúp chúng tôi vượt qua bao thăng trầm, sống như một Người. Như câu di huấn của ông Nội đã truyền lại cho Cha, lúc đang bị đầy ải, lăng nhục ở những trại “cải tạo” Lang Hít, Bắc Kạn, là Ông “không buồn vì thiếu vài cây gậy chống sau quan tài—mà chỉ ngại các con cháu không đủ làm Người.” Ngày Cha từ biệt cõi đời, cả hai cây gậy theo sau quan tài đều vắng thiếu. Anh Tr., trong một trại “cải tạo” đất Bắc; và tôi, lưu vong quê người, miệt mài tìm đến những văn khố, thư viện để viết cho xong một bộ sử hầu như còn bỏ ngỏ)

Ngày Thứ Hai, 22/11, từ 5 giờ sáng, ông bạn đưa chúng tôi ra phi trường Houston trong cơn mưa giông tầm tã. Phi cơ phải bọc về hướng Đông rồi mới trực chỉ Minneapolis, nơi bà nhạc tôi đang chờ đợi cùng tham dự chuyến đi. Vì phải đổi phi cơ ở Tokyo, gần nửa đêm Thứ Ba, 23/11, mới hạ cánh xuống Singapore. Thật khó chịu khi cả hai điện thoại tay cầm của chúng tôi đều mất sóng, trái ngược hẳn với lời cam kết của nhân viên kỹ thuật hãng AT&T.

Gần hai giờ sáng Thứ Tư, 24/11, mới có phòng trống tại khách sạn trong phi trường. Tắm rửa xong, chúng tôi đều thiếp nhanh vào giấc ngủ mỏi mệt. Vì chuyến bay Air Viet Nam chỉ cất cánh lúc 14G45, chúng tôi tham dự cuộc du lịch phía Tây đảo quốc khoảng hai tiếng. Hai mươi năm qua, Singapore phát triển khá nhanh, tiếp tục vai trò trung tâm thương mại Đông Nam Á.

Các tiếp viên Air Vietnam thật thanh lịch và quyến rũ. Dù chuyến bay chỉ khoảng một giờ, vẫn có món ăn nhẹ và giải khát. Tôi chợt để ý đến huy hiệu bông sen của công ty hàng không quốc doanh này.

Khoảng 15G45, chiếc Airbus hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Cảnh sát hải quan Sài Gòn không “dữ” và công khai đòi “mãi lộ” như lời đồn đại. Nhưng hành lý của chúng tôi bị thất lạc, phải ba ngày sau mới có người giao đến nhà.

Một người bạn cũ, Tiến, ra đón tại phi cảng. Đang giờ tan sở, Sài Gòn chật cứng xe cộ. Từ phi cảng tới khách sạn trên đường Hai Bà Trưng tốn hơn một giờ.

Thể khối âm thanh Sài Gòn và sự trái ngược giờ khắc khiến tôi thức giấc từ hai giờ sáng ngày Thứ Năm, 25/11. Lễ Thanksgiving thứ 30 ở Sài Gòn. Chuyện khó tin nhưng có thực. Sài Gòn, tôi lập lại với mình như một ông già lẩn thẩn. Ba mươi năm. Gần bằng số năm sống tại cả hai miền Bắc-Nam.

Chiều, đến Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn gặp Tiến sĩ Trần Đình Lâm, đầu mối tiếp xúc của chương trình Fulbright. Cơ quan đối tác của tôi là Đại học Văn Khoa Sài Gòn cũ. Theo nguyên tắc, từ nay Khoa Lịch Sử của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn sẽ chịu trách nhiệm và tiếp giúp tôi hoàn thành công tác nghiên cứu. Từ việc xin đọc tài liệu văn khố (Kho Lưu trữ Quốc gia), tới việc tiếp xúc các cơ quan liên hệ đều cần giấy giới thiệu của Đại học Thành phố Hồ Chí Minh.

Trở lại khách sạn, nhờ Tiến mua bao giúp một điện thoại cầm tay. Rồi liên lạc với vài bạn học cũ, hẹn gặp nhau ăn mừng Lễ Tạ Ơn ngay tại quán Hoàng Yến. Lễ Tạ Ơn thứ 30, ngay tại Việt Nam.

Mấy hôm sau, tôi hoàn tất các thủ tục di trú và hành chính cần thiết. Tiếp xúc đại diện chương trình Fulbright ở cả Sài Gòn và Hà Nội. Gặp Giáo sư/Tiến sĩ Võ Văn Sen, Khoa trưởng Khoa Lịch Sử. Tôi cũng có cơ hội thăm ông bà Vũ Khắc Hoè, cựu Bộ trưởng Giáo Dục và Tư Pháp, hiện đang nghỉ hưu ở Thủ Đức. Luật sư Hoè là Chủ nhiệm báo Thanh Nghị lừng danh một thời ở miền Bắc. Ông cũng sáng lập ra Đảng Dân Chủ, qui tụ giới trí thức yêu nước không Cộng Sản, nhưng cương quyết giành độc lập bằng mọi giá. Vì thế, Luật sư Hoè cùng các đồng chí đã tham gia Mặt trận Việt Minh, gây nên những cuộc bút chiến gay gắt với phe Đồng Minh HộiViệt Nam Quốc Dân Đảng trong hai năm 1945-1946. Dù đã vào tuổi 90, Luật sư Hoè vẫn nồng nhiệt ca ngợi Hồ Chí Minh—dù rằng ông bị loại khỏi quyền lực từ năm 1948-1949, khi Nguyễn Sinh Côn bắt đầu quay trở lại với Quốc Tế Cộng Sản, chuẩn bị tái lập Đảng Cộng Sản Đông Dương (với tên mới Đảng Lao Động Việt Nam).

Không kém quan trọng, tôi được tiếp xúc với Giáo sư Phan Đình Nham, Giám đốc Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia [TTLTQG] II trên đường Lê Duẩn [Thống Nhất cũ], từ ngày 30/11. Giáo sư Nham tặng tôi phóng ảnh một tài liệu về Ngô Đình Nhu (1910-1963): Ngày 8/9/1945, Nhu được cử làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc. Sắc lệnh này có chữ ký của Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hoè, và Võ Nguyên Giáp, “Thay mặc Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam.”

Tuy nhiên, vì là người nước ngoài, đơn xin đọc tài liệu của tôi phải gửi ra tận Hà Nội, chờ quyết định của Cục trưởng Cục Lưu trữ Quốc Gia thuộc Bộ Nội vụ. Đây là điểm khác biệt giữa văn khố Việt Nam và văn khố các nước. Mãi tới ngày 6/12, tôi mới được chấp thuận trên nguyên tắc cho tham khảo các bảng chỉ dẫn tài liệu của bốn kho chính, tức kho tư liệu Phủ Thống đốc Nam Kỳ [Goucoch], Phủ Thủ tướng (1954-1975), Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng Hoà (1955-1963) và Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng Hòa (1967-1975). Nhưng muốn được đọc các tài liệu văn khố cần một chu trình thủ tục phức tạp khác, kéo dài từ ba tới mười ngày.

Chiều Thứ Năm, 9/12, bay ra Đà Nẵng tham dự buổi hướng dẫn đặc biệt của Ban Fulbright thuộc tòa Đại sứ vào hôm sau.

Sau đó, thăm Huế một ngày rồi bay ra Hà Nội, chuẩn bị thủ tục cần thiết cho hai tháng làm việc tại miền Bắc. Cũng nhân dịp này, về thăm nơi chôn rau cắt rốn cũng như quê hương bên ngoại thuộc Phủ Lý.

Giáo sư Sokolov đang công tác ngắn hạn ở Hà Nội. Anh ghé thăm chúng tôi tại khách sạn Thủy Tiên, nằm ngay trung tâm thành phố, số 3 Ter Tông Đản, cách Hồ Gươm không xa. Sokolov giới thiệu với tôi một số học giả Việt anh quen biết. Hôm sau, gặp nhau tại nhà hàng Thủy Tạ, trên Hồ Gươm. Chỗ ngồi ngon, nhưng thức ăn không ngon.

Ngày 15/12, có dịp tham dự buổi Hội thảo về nhà thơ cách mạng Cao Bá Quát (1809-1855) tại Đại học Khoa học Tự nhiên, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học của Giáo sư Mai Quốc Liên tổ chức. Nhân dịp này, tôi đồng ý cho đài truyền hình VT 4 của Sài Gòn phỏng vấn về trường hợp Cao Bá Quát. Tuy nhiên, đoạn tôi nói về nhu cầu tìm hiểu sự thực sử học để có thể đi đến tinh thần hòa giải dân tộc bị cắt bỏ.

Chủ Nhật, 19/12, chúng tôi trở lại Sài Gòn. Trong khi chờ đợi các thủ tục để khởi đầu việc nghiên cứu luật pháp, tôi tiếp tục làm việc bán thời gian tại TTLTQG II, số 2 Ter Lê Duẩn (Đại lộ Thống Nhất cũ). Tìm được nhiều tài liệu rất quí về cuộc tranh đấu năm 1963 của Phật Giáo, như công điện từ văn phòng Đại biểu Trung nguyên Trung phần của Nguyễn Xuân Khương về “Một trái lựu đạn MK-2 ném ra từ đám đông vào đêm 8/5/1963” trước đài phát thanh Huế. [Xem Phụ Bản] Công điện này khiến Ngô Đình Diệm, cho tới tháng 6/1963, vẫn khăng khăng với viên chức Mỹ là chín nạn nhân ở Huế đêm Phật đản là do một hay hai trái lựu đạn của Cộng Sản gây ra—dù trước đó, ngay chính Bộ trưởng Nội Vụ Bùi Văn Lương đã bắt đầu đổi từ “lựu đạn” qua “mìn plastic.”

Không kém quan trọng là ba tập tài liệu về cuộc đấu tranh của Phật Giáo do Tôn Thất Thiện và Việt Tấn Xã soạn thảo, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Hay, báo cáo của Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Mâu, trưởng ty cảnh sát Lê Văn Dư, v.. v... Thiếu tá Nguyễn Mâu sau này được cử cầm đầu cơ quan cảnh sát chính trị, và chiếu cố khá kỹ Thượng tọa Thích Thiện Minh cùng phe Phật Giáo Ấn Quang, với sự tán thành của Thủ tướng Trần Văn Hương và Đại sứ Ellsworth Bunker. Những tư liệu thuộc Kho Phủ Thủ tướng trên chưa được khai thác đầy đủ trong nước, và hầu như bị bưng bít, bẻ cong ở hải ngoại để phong thánh họ Ngô và tiếp tục chụp mũ Cộng Sản cho hàng ngũ tranh đấu Phật Giáo. Đáng buồn là trong số tác giả hải ngoại này có cả Tôn Thất Thiện.

Tôi cũng có dịp gặp một số tác nhân lịch sử, như quí ông Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Huy Cận, v.. v.. Hai nhân vật khiến tôi đặc biệt chú ý là Giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng. Giáo sư Giàu là một cán bộ Cộng Sản lâu đời, từng theo học Đại Học Phương Đông tại Mat-scơ-va của Quốc Tế Cộng Sản, tái xây dựng xứ ủy miền Nam trong hai năm 1933-1934, và rồi giai đoạn 1943-1945. Ông cũng cầm đầu cuộc nổi dạy cướp chính quyền ở miền Nam sau ngày Nhật chính thức buông súng (21-25/8/1945), và rồi tham dự những cuộc thương thuyết với đại diện Bri-tên từ tháng 9 đến đầu tháng 10/1945. Tuy nhiên, vai trò Giàu bị mờ nhạt dần khi các đại diện miền Bắc và các đơn vị tình nguyện chống Pháp lần lượt kéo vào miền Nam. Ông bị gọi ra Bắc, rồi gửi qua Thái Lan, Miến Điện phụ trách ngoại giao và mua sắm khí giới, xa rời chiến trường miền Nam mà ông yêu thương. Tác phẩm Miền Nam Giữ Vững Thành Đồng, theo Giáo sư Giàu nói với tôi, đã được hoàn tất trong niềm luyến nhớ miền Nam. Riêng Giáo sư Trần Bạch Đằng—tức Trương Gia Triều, bí danh “Tư Ánh,” người Việt gốc Hoa miền nam, nhưng gia đình trôi nổi tới Phan Thiết (Bình Thuận) sau ngày mất ba tỉnh miền Đông—trưởng thành từ thanh niên đoàn, tham gia cả hai thời kỳ sôi động của cuộc Chiến Ba Mươi Năm (1945-1975). Ông từng lên tới chức Bí thư Sài Gòn-Gia Định, tham dự những cuộc mật đàm trao đổi tù binh Mỹ (kế hoạch Sunflower, 1967-1968). Hai vấn nạn lịch sử tôi có dịp trao đổi với ông là cái chết của cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo và việc bắt tay “phiến Cọng” của anh em họ Ngô. Theo Giáo sư Đằng, cấp trên đã yêu cầu Phạm Ngọc Thảo ra bưng sau khi bị lộ, nhưng Albert Thảo từ chối, coi thường màng lưới phản tình báo Việt Nam Cộng Hòa. Về việc Ngô Đình Nhu liên lạc với Cộng Sản hay chăng, theo Trần Bạch Đằng, có những đường dây mở cửa, nhưng phe Cộng Sản không tiếp xúc với họ Ngô. Tôi nghĩ Giáo sư Đằng chưa hẳn biết rõ mọi chi tiết về những đường giây mật, trực tiếp với Hà Nội của anh em họ Ngô. Đường giây Maneli hay Trần Văn Dĩnh là vài thí dụ.

Chủ Nhật, 2/1/2005 [22 tháng Một thiếu, Giáp Thân], chúng tôi trở lại Hà Nội, khởi đầu việc nghiên cứu. Ông tài xế tốt bụng đưa đi coi một vòng Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, khu công viên Ba Đình. Đêm, thấm thía cái lạnh “rét hại” của Hà Nội, trong ngôi nhà ba tầng chưa kịp thiết kế hệ thống điều hòa không khí.

 

 

 

TẾT HÀ NỘI, TẾT LẠNG SƠN

 

Từ Thứ Sáu, 4/2/2005 [tức ngày 26 tháng Chạp, Giáp Thân], các công sở, trường học Hà Nội bắt đầu nghỉ Tết. Báo cũng ngưng phát hành. Tôi nỗ lực sử dụng khoảng thời gian “thất nghiệp” này để sắp xếp các tư liệu mới thu góp. Đồng thời, chuẩn bị cho bài, “Sự thực sử học: Một con đường ngắn nhất để đoàn kết dân tộc và hiện đại hoá đất nước.”

Nhiều hơn một người bạn ngoại quốc từng hỏi tôi: “Tại sao đã gần 30 năm qua, người Việt vẫn chưa thề hòa giải, đoàn kết dân tộc, hầu hiện đại hóa xứ xở, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, đủ sức chung vai thích cánh với thế giới?” Gần ba mươi năm nghiên cứu sử học, chín năm vào ngành luật học, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Chuyến du khảo tại Việt Nam từ tháng 11/2004 giúp tôi thêm can đảm để mạo muội đưa ra những suy nghĩ đã âm thầm triển khai trong tâm tư nhiều thập niên. Theo sự suy nghĩ của tôi, có hai cách để thể hiện sự đoàn kết dân tộc một cách tinh thành. Hai con đường này cần thể hiện tương ứng với nhau: Đó là việc truy tìm và phổ biến sự thực sử học hầu tạo mối cảm thông giữa mỗi và mọi cá nhân, phe nhóm, giai tầng xã hội về thân phận dân tộc Việt trong cuộc cờ thế giới, nhu cầu hiện đại hóa cho sự sinh tồn của chính mỗi cá nhân cũng như dân tộc; và, việc thiết lập một nền dân chủ, pháp trị hiến định có khả năng chịu đựng thử thách nghiệt ngã của thời gian.

Tôi dự định sẽ đề cập đến việc thiết lập một nền dân chủ, pháp trị hiến định trong một dịp khác. Vấn đề rất tế nhị, trong khi thời khoá biểu làm việc quá bận rộn. Phó bảng Phan Chu Trinh một thời nói về hủ tục “hủ Nho” và “hủ Tây” của người Việt. Đầu thế kỷ XXI, sử thù hận giữa các phe phái Việt cũng có vẻ do ảnh hưởng ý thức hệ--tức “Cộng Sản” và “chống Cộng.” Nhưng ít ai biết Cộng sản là từ dịch sai thuật ngữ “Communism” của Karl Marx và Dietrich Engels trong “Tuyên Ngôn Communism” năm 1848. Cả hai phe tham chiến tại Việt Nam đều không biết rằng “Cộng Sản” là tiếng các trí thức Trung Hoa dịch sai từ “Communism”—và, thực ra, chưa ai được chứng nghiệm cái gọi là “công hữu xã hội nguyên thủy” mà Marx và Engels đã cường điệu để đả kích các xã hội tư bản thế kỷ XIX, và kêu gọi công nhân vô sản [proletariat] đứng lên đảm nhiệm sử mệnh làm cách mạng, đấu tranh giai cấp, tái lập chế độ công hữu nguyên thủy theo đó mọi người làm việc theo khả năng, thụ hưởng theo nhu cầu—đã bị lịch sử đào thải vì tình chất mê tín, dị đoan, hay “hủ bạo lực cách mạng.” Chỉ khi nào mọi và mội người Việt hiểu được sự thật xỉn tanh mùi máu này, mới có hy vọng hòa giải, hòa hợp trên căn bản “đồng bào,” và quyền lợi chung của đất nước, dân tộc. (Tôi thật dị ứng khi thấy những thanh niên tiền phong hay công an phường kéo nhau lêu nghêu đi trên đường phố và các ngõ hẻm, chửi thề tục tĩu như lũ “cao bồi” nhân vị hay giải phóng trong thập niên 1950-1960)

Không khí chuẩn bị đón Xuân Ất Dậu khiến không thể thu mình ngày đêm trong căn nhà ống nằm sâu trong Ngõ 285 đường Đội Cấn—người cùng các đồng chí như Trần Trung Lập đã nổi dạy ở Thái Nguyên năm 1917, nguồn hứng khởi cho Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học (1901-1930). Khoảng xế chiều, vợ chồng tôi thường đáp xe buýt tuyến 09 xuống bờ Hồ, vừa có dịp tản bộ, vừa ngắm chợ Tết. Những ngày cuối năm, đường phố chi chít cờ và biểu ngữ. Nhớ câu thơ của một thi sĩ Nhân Văn-Giai Phẩm:

Tôi đi không thấy phố, thấy nhà,

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.

Hà Nội, nửa thế kỷ sau, đã hẳn vui tươi, nhiều màu sắc, phát triển hơn. Tối tối, nhấp nháy đủ loại bảng hiệu, quảng cáo. Đường phố nào cũng xe cộ luồn lách, bóp còi inh ỏi. Xe tránh người, chẳng phải người tránh xe. Người ngắm cảnh có lẽ đông hơn khách sắm Tết. Du khách nước ngoài nhiều hơn Việt kiều. Ăn thịt bò khô “gia truyền” tại đường Mã Mây, hay góc Hồ Hoàn Kiếm-Cầu Gỗ, thả bộ theo các đường hàng Bạc, hàng Đào, hàng Đường. Khoảng 7 giờ tối, có loa kêu gọi dọn sạch đường phố, cất xe máy vào nhà hay chuyển đến các điểm gửi vì sắp tới giờ của bộ hành. Luật pháp có thể chưa hoàn thiện, nhưng an ninh vượt ngoài dự tưởng. Không một vụ trộm cướp, trấn lột. Những chuyên viên ăn mày, cướp giật, trấn lột đã bị cô lập trong những mùa lễ hội lớn. Phải tới ngày trở lại Sài Gòn mới thấy xuất hiện vài ba gia đình “khất thực.”

Những chuyến xe buýt Bờ Hồ-Cầu Giấy-Bờ Hồ mở ra cho tôi những mắt nhìn mới về Hà Nội. Trên xe, có dấu hiệu cho thấy các em cháu ngoan ngoãn, lịch sự hơn. Đứng lên nhường chỗ cho những người lớn tuổi. Ăn nói lễ độ, khác hẳn những giọng điệu xấc xược, với tiếng chửi thề đầu môi ở các ngõ ngách dơ bẩn, nồng nặc uế khí đó đây của Thanh Niên Xung Phong, hay Cảnh Sát, Công An phường Sài Gòn. Những câu chuyện vãn với các em sinh viên khiến nhịp tim trì trọng. Một em, sinh viên y tế trung cấp, tâm sự bố là công nhân, lương khoảng hơn một triệu; mẹ làm nông, cầy cấy khoảng 1 sào ruộng, chắt chiu cho con ăn học bằng người. Anh làm công nhân điện, lương khoảng 2 triệu, vợ một con, gắng phụ cha mẹ nuôi cho em tốt nghiệp y tá mà sau 2 năm, lương tháng vào khoảng 230,000, ở vùng thôn quê. Nhưng tại Hà Nội, tiền thuê nhà, 200,000, chưa kể điện nước (khoảng 30,000), vé xe buýt (30,000/1 tuần), tiền ăn mặc (khoảng 200,000-300,000). Trong một số công sở, lương tháng cho các em cháu đã tốt nghiệp Đại học khoảng 350,000/tháng. Lương một Luật sư tập sự 500,000/tháng. Trong khi đó, nền văn hoá ẩm thực hay nhậu nhẹt đang ở cao điểm. Vài trăm thước có một tiệm bia hơi, bia tươi. Khách nhậu thuộc đủ thành phần, đủ lứa tuổi. Giới giàu có, ăn tiêu bạc triệu là chuyện thường tình. Giá giữ ghế tàu nổi cho một bữa tối trên mặt Hồ Tây lên tới 400,000 một giờ, chưa kể tiền ăn. Thực khách uống rượu ngoại, thứ thực, với những món nhậu đủ loại, đủ kiểu.

Tối Ba mươi Tết (8/2/2005), chương trình truyền hình khá khởi sắc. Có mục Táo quân về trời chỉ trích các tệ nạn trong năm. Chiếc lông gà phủ bụi trách nhiệm của các táo quân giao thông, y tế, giáo dục, kinh tế, thể thao thật chua chát.

Gần 11 giờ đêm, vợ chồng tôi mới ra tới bờ hồ Hoàn Kiếm, hoà nhập vào thể khối khách du Xuân ngồi đứng thành hai ba vòng chờ đợi giờ đốt pháo bông tống cựu, nghênh tân. Đền Ngọc Sơn đóng cửa. Vào hái lộc trong khu di tích lịch sử vua Lê. Đi bộ từ bờ Hồ tới giữa Hàng Bông mới có taxi trở lại nhà trọ.

Mồng một Tết, Thứ Tư 9/2/2005, chúng tôi tiếp vài thân hữu từ Pháp và Mỹ đang có mặt tại thủ đô Việt Nam. Xem tin thế giới trên truyền hình và internet. Thật vui mừng khi thấy Israel và Palestine đang nỗ lực hòa đàm, cuộc bầu cử ở Iraq tiến triển tốt đẹp. Lời cảnh giác Iran về chương trình nguyên tử của Tổng thống George Bush và tân Ngoại trưởng Condoleezza Rice hoàn toàn phù hợp với sự trông đợi của tôi về một giải pháp hợp tình, hợp lý cho Trung Đông trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Mồng 2 Tết [Thứ Năm, 10/2/2005], kéo nhau đi du Xuân Lạng Sơn, khoảng 170 cây số Đông Bắc Hà Nội. Tỉnh biên giới này là một trong những điểm nóng, ít nữa trong dư luận hải ngoại, từ sau ngày ký hiệp định biên giới Việt-Hoa cuối năm 1999.

Khoảng 11 giờ trưa, xe mới rời khách sạn của người bạn trên đường Quán Sứ. Qua cầu Chương Dương, từ QL 5 rẽ qua QL 1-A. Đường xây cất khá hiện đại, xe chạy hai chiều. Nhưng nói chung, người qui hoạch và thiết kế việc xây dựng thiếu kinh nghiệm về hệ thống ra vào xa lộ.

Giáp giới phía bắc Hà Nội là Bắc Ninh, thành phố giàu có nhất miền Bắc. Hai bên đường, ruộng bay thẳng cánh. Thấp thoáng những căn hộ mái ngói, bê-tông, cốt sắt tại các thôn làng dọc đường. Xe chạy khá nhanh vì xe cộ tương đối thưa vắng. Qua khỏi Bắc Ninh tới Bắc Giang. Trời chuyển lạnh, heo hút gió núi khi ngừng ghé khu di tích lịch sử Ải Chi Lăng, cách Lạng Sơn khoảng 40 cây số. Chi Lăng—địa danh đi vào lòng người Việt với bao niềm kiêu hãnh về công lao bảo vệ bờ cõi của tiền nhân. Người anh hùng áo vải Lam Sơn. Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô Đại Cáo. Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, v.. v... Chính tại khu vực Chí Linh này ngày 3/10/1427 hay 8/10/1427, Liễu Thăng bị phục kích chết cùng khoảng 100 thuộc hạ thân tín. Từ đây xuống thành Xương Giang, khoảng 70,000 quân tăng viện Minh đã trải qua cơn mộng dài dữ tợn. Thôi Tụ cùng Hoàng Phúc bị bắt sống. Xa hơn về phía tây, tại châu Thủy Vĩ, Tuyên Quang, Tổng binh Mộc Thạnh, phó tướng Đàm Trung cùng bao quân tướng Minh vỡ mật, kinh hồn trước những cờ, gươm và ấn tín của Liễu Thăng; rút chạy về Côn Minh, mang theo cuồng vọng “tổ hợp” Giao Chỉ Đô thống sứ ti, với 13 tuyên phủ sứ, vào “nội địa.” Vương Thông chẳng còn một lựa chọn nào khác hơn xin làm lễ thề nguyện  ngưng chiến, rút quân, dập tắt tham vọng Hán hóa người Việt như từng thực hiện ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam hay Quí Châu của những Chu Chiêm Cơ, Trương Phụ, v.. v... Điều đó không có nghĩa giấc mộng làm bá chủ thiên hạ của Hán tộc đã tàn. Sử dụng chiêu bài “diệt ác, hưng Trần” đạo đức giả—vì chính Trương Phụ cùng quan tướng Minh đã tiêu diệt những con cháu nhà Trần trong thời gian chiếm đóng, rồi sắc phong cho một người giả họ Trần là Trần Cảo do Lê Lợi dựng nên làm An Nam Quốc Vương—vua quan Minh quyết không phong vương cho Lê Lợi, và mãi tới năm 1436 mới chính thức trả lại Đại Việt địa vị môt “chư hầu.” Sử quan Phan Phu Tiên đã tóm gọn được chính sách thực dân xâm lược của Hán tộc qua bốn chữ, “Mềm nắn, rắn buông.”

Gần hai giờ trưa, xe lăn bánh vào địa phận Lạng Sơn. Thành phố vắng lặng đón Tết. Hầu hết các hàng quán đều đóng cửa. Bác tài xế đưa tới khách sạn Kim Sơn của công ty lương thực Cao Lạng, số 3 phố Minh Khai. Thuộc loại hai sao, gần chợ Đêm (Kỳ Lừa). Trang bị hầu như cho du khách Trung Hoa. Cô thâu ngân viên cho giá “đặc biệt” 140,000 đồng một phòng, nhưng đòi 20 Mỹ kim khi thấy hộ chiếu Mỹ. Cuối cùng vẫn đồng ý 140,000 [khoảng 18 Mỹ Kim].

An tâm về chỗ ngủ đêm, cho xe hướng về Hữu Nghị Quan, một thời được biết như “Trấn Nam Quan,” hay “Ải Nam Quan” trong khối văn sử bình dân Việt do các thông ngôn thời Pháp thuộc sáng tạo. Trấn Nam Quan thực ra nằm trên đất Trung Hoa, thuộc lãnh thổ Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây. Được xây cất vào thời Chu Hậu Tổng (Minh Thế Tông, 27/5/1521-23/1/1567) để tổ chức lễ đầu hàng, cắt đất, của ông cháu Mạc Đăng Dung ngày 30/11/1540, cái “cửa ải trấn ngự man di phương Nam” của Hậu Tổng tự nó nói lên lòng cao ngạo và tự tôn chủng tộc của con cháu những Khổng Khâu, Tư Mã Thiên, Tô Đông Pha, v.. v... Tài liệu quân sự Pháp năm 1887 ghi nhận khoảng cách từ Trấn Nam Quan của người Hoa [hay Porte de Chine] tới Ngưỡng Đức Đài [đài nghênh đón ơn đức Thiên tử người Hán, do Nguyễn Phước Chủng xây dựng để xin cầu phong], tức trạm đổi ngựa Đồng Đăng, là 2,800 mét. Sau khi đả bại nhà Mạc, tái chiếm Hà Nội (Đông Đô) năm 1593, Trịnh Tráng đã hai lần sai vua Lê Duy Đàm (Thế Tông,2/2/1573-12/10/1579) đến đây thảo luận với đại diện Chu Dực Quân (Minh Thần Tông, 5/7/1572-18/8/1620) về vị thế của An Nam Đô thống sứ ti, số cống lễ phải nộp cùng tượng người bằng vàng [kimren] khoanh tay, cúi đầu. Lần thứ nhất, quan Minh không xuất hiện. Lần thứ hai, Tuần phủ Quảng Tây bắt Trịnh Tráng phải nhường cho con cháu họ Mạc 4 châu đông bắc Thái Nguyên, giáp ranh Quảng Tây, được biết như phủ Cao Bình từ năm 1677, và rồi Cao Bằng từ đời Tây Sơn (1778-1802). Không ít lãnh thổ của “Cao Bình” đã bị thổ quan Quảng Tây “tằm thực.” Thế kỷ XIX, sử quan Nguyễn đành ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí là không thể biết rõ địa phận những châu cũ ở đây. Tương tự như chu trình tằm thực ở phía Tây Bắc, tức Tuyên Quang-Hưng Hóa. Thời Trịnh Sâm, chẳng hạn, con cháu “giặc khâu mắt” Hoàng Công Chất mang dân và đất 7 châu Hưng Hóa nội phụ vào Vân Nam. Ngay đến Phạm Thận Duật (1825-1885), một lưu quan [người Kinh] ở Hưng Hóa vào cuối thập niên 1850, còn rất mơ hồ về những châu động bị mất này trong báo cáo về triều đình. [Xem Phạm Thận Duật, “Hưng Hóa Ký Lược,” bản dịch Ngô Thế Long; trích in trong Nguyễn Văn Huyền et al., Phạm Thận Duật: Cuộc đời và tác phẩm (Hà Nội: KHXH, 1989), tr. 121-122 [107-199]

Thực ra, chính Nguyễn Phước Chủng (Gia Long, 1/6/1802-3/2/1820), rồi Nguyễn Phước Đảm (Minh Mạng, 14/2/1820-20/1/1841), Miên Tông (Thiệu Trị, 11/2/1841 - 4/11/1847)  và Hường Nhiệm (Tự Đức, 10/11/1847-19/7/1883)—mà không phải quan chức thời Lê-Trịnh—đã chấp nhận quay mặt làm ngơ, rồi xếp đặt lại lãnh thổ, lập phủ Điện Biên, cắt xén đất đai Sơn Tây cho Hưng Hóa có đủ số 16 châu động như cũ. Vì thế, khi Khu Tự Trị Tây Bắc [ZANO] được thành lập năm 1948-1950, lá cờ của Liên Bang Thái Tự Trị có ngôi sao mang 16 cánh—nhưng những “chuyên viên” chỉ mơ hồ biết “lịch sử” Thái qua huyền thoại “Sip Song muang” [12 xứ Thái], bao gồm cả một phần lãnh thổ Ava-Mian Dian—cả  tin theo kiểu đười ươi cầm ống rằng ngôi sao trên lá cờ Liên bang Thái “phải” có 12 cánh!

Năm 1940, Sư đoàn 5 Ngự Lâm Quân Nhật đã san thành bình địa các chiến hào Đồng Đăng của Pháp cũng như Trấn Nam Quan. Đầu thập niên 1950 Mao Trạch Đông cho xây lại quan ải này, và dưới tên Mục Nam Quan, hay Hữu Nghị quan. Cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung Cộng vào tháng 2/1979 lại thêm một lần khiến cửa ngõ biên giới này bị tàn phá, phải xây cất lại. Chẳng hiểu nó vẫn nằm nguyên vị trí cũ hay đã bị dời đổi.

Cách nào đi nữa, buổi chiều ngày mồng 2 Tết Ất Dậu (2005) không còn một sứ quán nào để bái vọng Thiên triều. Chỉ có một trạm kiểm soát Việt Nam, với hai đồn canh biên giới ở hai đầu một công sở thuế quan. Cách đồn canh phía Bắc vài chục thước là trụ mốc “Hữu Nghị O km” tức cây số không của Quốc lộ 1. Từ đây, một gờ thép được chôn xuống, chạy ngang mặt đường, đánh dấu sự phân chia lãnh thổ Việt-Hoa. Du khách có thể ngồi hay đứng bên trụ mốc biên giới chụp hình kỷ niệm, nhưng không được ngồi lên trụ mốc này. Khách cũng được phép chụp hình đồn canh biên giới trên lãnh thổ Trung Cộng, hay hai vòm miệng hầm đường xe lửa đang xây cất không xa. Từ cây số không cũng có thể nhìn thấy một phần của trạm hải quan biên giới Trung Hoa mờ khuất sau những vòm cây của một khúc đường đỉnh cong queo.

Người tài xế cho biết công dân Việt muốn du lịch Quảng Tây thật dễ dàng, chỉ cần nạp một lệ phí tượng trưng nào đó. Nhưng khách nước ngoài cần xin phép Tòa Đại sứ Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc ở Hà Nội. Trên phố Hàng Bạc vài văn phòng du lịch quảng cáo nhận đưa du khách qua thăm cả Nam Ninh hay Bắc Kinh. Riêng tôi, vì nghiên cứu tại Việt Nam, nên cần phải thông báo cho cơ quan Fulbright của Tòa Đại sứ biết trước nếu muốn qua Trung Hoa. Bởi thế, dù anh bạn điêu khắc gia ở Texas rủ qua Bắc Kinh đành cáo lỗi hẹn một dịp khác.

Chúng tôi chụp ít hình kỷ niệm tại trụ cột 0 km Hữu Nghị. Mồng 2 Tết, vắng người, ba bốn cảnh sát biên phòng Tàu vui tính tiến đến chào hỏi, chúc Tết. Một cảnh sát biết đếm “một, hai, ba” khi chụp giúp tấm hình kỷ niệm. Một thân hữu của tôi cũng “uổ, nỉ” [tôi, anh] đáp lễ. Nhân viên biên phòng Việt thật lịch sự, nhã nhặn. Tôi gửi tặng các anh em gói Lucky Strike đầu lọc làm quà Tết.

Trở lại trung tâm thành phố, đến thắp hương tại đền Đồng Đăng Linh Tự. Rồi cho xe chạy quanh quan sát cảnh vật. Mặc dù đường phố vắng vẻ, Lạng Sơn được xây cất, mở mang “hiện đại” vượt ngoài dự tưởng. Dinh thự, nhà ống ba bốn tầng chi chít. Đường phố khá sạch sẽ. Chẳng còn dấu tích nào của cuộc binh lửa 1979 phần tư thế kỷ trước.

Vì mãi tới ngày 8 tháng Giêng mới có chợ, hầu hết các khách sạn, quán ăn đều đóng cửa, kéo nhau vào một quán bạt bên đường, sát khu hội chợ ăn tối. Ám ảnh dịch cúm gia cầm khiến chúng tôi chỉ gọi cháo tim cật hay mì tôm (khô) thịt lợn tái, rồi kéo về khách sạn nghỉ ngơi. Mở truyền hình, theo dõi kênh VTV 2 của tỉnh Lạng Sơn. Hệ thống “cáp” chẳng hiểu bị hư hay ngừng hoạt động vì vắng khách.


Chín giờ tối, kéo nhau tới Chợ Đêm cách khách sạn không xa, ăn bánh mì thịt lợn nướng bên bếp than hồng. Đi bộ quanh các phố phường hoang vắng, lộng gió. Vào một tiệm internet, đọc điện thư [e-mail] và gọi điện thoại về Minnesota. Giá thuê bao internet ở đây 3,000 đồng một giờ [khoảng 2 MK]. Khá đông thanh niên, thiếu nữ nhận, gửi điện thư hay mê mải chơi “games.”

Trên đường về, ghé “café Trung Nguyên” trên bờ sông Kỳ Cùng. Café Trung Nguyên đã trở thành một hệ thống quán cà-phê nổi danh toàn quốc, giống như hệ thống MacDonald hay Starbucks tại Mỹ. Công ty mẹ là công ty sản xuất cà-phê Ban Mê [Buôn Ma] Thuột. Khách vắng tanh. Nước sông khiến ấm áp hơn. Trí nhớ đưa về những cuộc thảm bại của quân đội Pháp năm 1885 và rồi 1940, 1950 trên dòng sông Kỳ Cùng này.

Mồng 3 Tết [Thứ Sáu, 11/2], khoảng bốn giờ sáng đã bị thức giấc vì tiếng gà gáy. Bóng đêm còn dày đặc. Vén màn cửa, nhìn xuống, những trụ đèn phố trắng ngát sương mù. Cặm cụi đun nước pha trà. Ghi nhanh cảm xúc trên mặt giấy. Gần 6 giờ mới vào giường giỗ lại giấc ngủ muộn. 10 giờ sáng mới có thể thức dậy.

Ra chợ Đêm ăn sáng. Lại bánh mì thịt lợn nướng bên bếp lửa than. Đi thăm động Tam và Nhị Thanh. Cổ thành nhà Mạc. Núi Tô Thị.

Ngày xưa, có câu ca dao:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

Nghe nói năm 1979, động Tam Thanh đã bị phát nổ vì dùng để chứa đạn dược. Hòn đá Tô Thị bế con chờ chồng cũng mới được tái thiết. Nghe thuật lại những chuyện kể về cuộc tấn công của quân Trung Cộng năm 1979: Nga đã sử dụng một loại “bom bí mật” nào đó khiến quân Tàu chết như rạ, hai tháng sau dân Lạng Sơn mới dám trở lại nhà cũ. Tin báo chí Tây phương thì Lạng Sơn bị san thành bình địa. Bởi thế, thành phố mới xây cất khang trang, có kế hoạch hơn.

Mua một tấm đối kỷ niệm về chữ “Nhẫn” tại động Tam Thanh. Trả 20,000 đồng, được tặng hai hộp diêm lấy hên. Leo lên đài Vọng Thị. Chụp hình dưới gốc đào bên hông ngôi nhà sàn Lạng Sơn.

Tại động Nhị Thanh, có bàn thờ Ngô Thời Sỹ, trấn thủ Lạng Sơn trong ba năm 1777-1780, người đã khám phá và trùng tu động Nhị Tam Thanh. Ngô Thời Sỹ, tác giả Việt sử tiêu án, cha của Ngô Thời Nhiệm.

Thành nhà Mạc và núi Tô Thị cũng đã được xếp hạng làm di tích lịch sử. Người ta đang xây cất những bậc thang đá từ mặt đường lên thành nhà Mạc và núi Tô Thị. Thành nhà Mạc thực ra chỉ còn hai mảng vách đá xây chắn ngang mặt tiền và hậu của một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống thung lũng. Từ nền thành nhà Mạc, lối lên mỏm đá mẹ con Tô Thị khá khúc khuỷu.

Xuống núi, ghé một tiệm café không xa chỗ đậu xe. Chủ người Nha Trang. Dân Kinh tại đây khoảng 15 tới 20 phần trăm. Còn lại là người Nùng, Tày, và Dao ở rải rác qua cả đất Trung Hoa.

Một giờ trưa, tạm biệt Lạng Sơn trở lại Hà Nội. Quốc lộ 1-A xám lạnh. Những chiếc xe gắn máy chao lượn bất kể luật lệ. Nhờ bác tài ghé qua Bắc Ninh tìm chỗ ăn bữa trưa muộn màng. Khu tân trang của thị xã thật đẹp. Cũng có tượng Lý Thái Tổ đầu đội kiểu mũ vuông kỳ quặc—vua  không ra vua, quan chẳng ra quan, văn võ bất minh—tay cầm một cuộn giấy, nhưng chưa kịp giát vàng như tượng Lý Thái Tổ ở công viên Hồ Gươm Hà Nội mới được cắt băng khánh thành năm 2004. Qua đến khu phố Bắc Ninh cũ mới tìm được một quán phở “gia truyền.” Nhưng đã xế chiều mồng ba Tết, nên chỉ còn phở bò chín.

Về tới Hà Nội đã gần sáu giờ chiều. Một số hàng quán đã mở cửa. Tại khu phố cổ, du khách nhiều hơn người Hà Nội. Mưa nặng hạt khi xe về tới khu Đội Cấn. Tôi vẫn chưa thể làm quen với mùi khăm khẳm chuột chết của các cống rãnh, ngõ ngách Hà Nội. Một nữ trí thức, từng du học Nga, có lần nói qua tiếng cười ấm áp: “Đỡ rồi đấy anh ạ. Hồi trước còn khổ và bẩn hơn nữa.”

 

 

Uống Nước Nhớ Nguồn

 

Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Việt Nam đang đổi mới nên nhà nước cảnh giác các viên chức, nha sở phải ngăn ngừa và đề phòng thói quen tệ hại này. Lịch trình làm việc của tôi dày và bận rộn hơn với những cuộc tiếp xúc chính và bán chính thức.

Từ Thứ Năm, 17/2/2005 [Mồng 9 Tháng Giêng Ất Dậu], mới có dịp tiếp tục làm việc trên Fonds Quốc Hội tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia 3 trên đường Phan Kế Bính. Có dịp làm quen giáo sư văn học Hoàng Ngọc Hiến, trao đổi với những nhà nghiên cứu và luật gia tên tuổi. Ngày rời Hà Nội cũng gần kề. Thứ Bảy, 19/2 [11 Tháng Giêng], chúng tôi quyết định đi viếng Đền Hùng.

Đền Hùng là một di tích lịch sử quốc gia, khá qui mô thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng trăm cây số hướng tây bắc Quốc lộ 2. Khu di tích trải rộng trên nhiều ngọn đồi. Từ Việt Trì, xe dừng lại trước một trạm gác. Đi bộ khoảng hơn một cây số mới tới chân núi lên đền. Cơn mưa bụi ngày thêm nặng hạt khiến chúng tôi quyết định lên thăm Bảo tàng trước, trên một ngọn đồi nằm về phía Tây. Tại đây, trưng bày đủ loại di vật, từ kiệu sơn son thiếp vàng tới trống đồng Ngọc Lũ. Di chỉ Phùng Nguyên tìm thấy trong khu vực này.

Xuống khỏi đồi Bảo tàng, trời đã quang đãng hơn. Bắt đầu leo thang đá lên Đền Hạ. Năm trăm bậc đá khiến phải ngưng lại nhiều lần cho đỡ chồn chân. Một cô chụp hình chuyên nghiệp tự nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi. Nào là tháp chuông với quả chuông nặng 180 cân. Cây đại với trên trăm tuổi đời. Cây dừa ba ngọn đã hơn 700 tuổi trước đền Mẫu Âu Cơ. Bên cạnh đền là một ngôi chùa khá cổ kính. Vài ba đoàn thanh niên thiếu nữ ồn ào mang theo nhang hương, vàng mã và gà vịt lên cúng lễ. Lại cũng có dịch vụ xin xâm, cầu siêu.

Từ Đền Hạ lên Đền Trung khoảng 200 bậc thang nữa. Nơi đây, theo cô hướng dẫn của chúng tôi, thờ các vua Hùng. Có những miếng đá xếp thành vòng tròn ghi lại dấu tích chỗ họp hội nghị của “vua Hùng thứ sáu.” Từ đây, nhìn xuống phía Tây, là xã Nghĩa Lĩnh, chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hành hương đền Hùng. Cô hướng dẫn đến từ ngôi làng với khoảng 3,000 đầu người này. Vui miệng, cô cho biết phải thi qua một kỳ khảo sát đặc biệt mới được hành nghề. Mỗi tháng, trừ chi phí, thuế má, kiếm được khoảng 500,000 đồng. Nhưng mỗi năm chỉ làm việc ba tháng, từ tháng Giêng tới khoảng ngày 10 tháng Ba âm lịch, tức ngày Giỗ Tổ. Hai vợ chồng cô, thu nhập trung bình hàng tháng vào khoảng 600,000 đồng (gấp ba lần thu nhập văn hoa tối thiểu).

Đền Thượng nằm cao nhất. Chật ních khách hành hương. Khói nhang nghi ngút. Đã trưa, khách hành hương tụ họp ăn trưa ở sân hậu. Thấy có cả bia và rượu thuốc.

Từ đây, đường xuống đền Gương ở chân núi dễ đi hơn. Đền Gương là nơi hai công chúa thường chải tóc, soi gương. Giống như những đền miếu khác, khói nhang nghi ngút; khách thập phương chen chúc không còn chỗ chen chân. Vì đã kinh qua “nghề” đổi tiền tại chùa Hương, nhà tôi chuẩn bị đầy đủ tiền lẻ để “cúng dường công đức.”

Xuống tới chân núi, ghé một quán nhỏ mua ít tấm bánh “chè Lam,” đặc sản miền Trung du Bắc Việt. Nhờ bác tài đưa bọc lại chân núi, thăm đền Tổ mẫu Âu Cơ.

Theo truyền thuyết, quốc tổ là Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương, dòng dõi vua Thần Nông (Shen Nung) bên Tàu. Lộc Tục làm vua nước Xích Quỉ, khai mở nhà Hồng Bàng (2879-258 TTL). Nước Xích Quỉ rất rộng. Mặt Bắc chạy tới Động đình Hồ (thuộc Hồ Nam), Hà Nam và Hà Bắc trong lãnh thổ Trung Hoa ngày nay. Lộc Tục sinh con là Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Sùng Lãm lấy Âu Cơ, sinh ra một trăm con trai. Đó là tổ tiên Bách Việt (cư ngụ vào khoảng các tỉnh Hồ Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây).

Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư, ghi rằng Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh một trăm con trai; tục truyền sinh 100 trứng. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng, "Ta là loài rồng, nàng là giống Tiên, nước và lửa xung khắc nhau, khó mà hợp nhau được." Bèn từ biệt nàng, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha xuống ở phương Nam, tôn con trưởng làm Hùng vương nối ngôi.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [KĐVSTGCM], Tiền Biên [TB], do Trương Bửu Lâm, Bửu Cầm, Tạ Quang Phát dịch và chú thích, (Sài Gòn: 1965), I:14-5; Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Ngoại Kỷ Toàn Thư [ĐVSK, NKTT], I:1b-3b (Nhượng Tống), tr 34; Ngô Đức Thọ, et al. (2009), 1:151-153; Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [ĐVSKTB], Ngoại Kỷ [NK], I:2a, 3b, 5ab, The (1997), tr 39-40, 41-42.

Vua Nguyễn Phước Hường Nhiệm (Tự Đức, 10/11/1847-19/7/1883) phê:  Kinh Thi có câu:  "hàng trăm con trai." Đó là lời chúc có nhiều con trai. Xét sự thực thì chưa đến số đó, huống chi là một trăm trứng? Nếu quả có như thế thì có khác chi với loài cầm thú, còn là loài người được sao? Chuyện nuốt trứng chim én [rồi sinh ra vua lập nghiệp nhà Thương], hay dẵm vào dấu chân người to lớn [rồi sinh ra vua tổ nhà Chu] cũng chưa quái lạ như thế. Thì chuyện ấy với chuyện mình rắn đầu người [an hem/vợ chồng Phục Hy-Nữ Oa], mình người đầu trâu [Thần Nông], đồng một loại hoang đường, không thể kê cứu được." (CMTB (Sài Gòn: 1965), ] 2:14-5) Hường Nhiệm, người thiếu khả năng sinh sản, có lẽ đã đọc kỹ Thực Lục [Veritable Records] của ông nội mình là Nguyễn Phước Đảm (Minh Mạng, 14/2/1820-20/1/1841), có tới hơn 140 con trai và gái, nhưng chỉ có 78 con trai.

 Núi Hùng ở phía Bắc Việt Trì. Đến cây số 95.5, rẽ trái 2 km tới chân núi. Đi xe lửa, qua ga Việt Trì, Phú Đức, xuống ga Tiên Kiên. Rẽ tay phải 3.8 km tới chân núi. (“Vĩnh Phú,” Thúy, 1978:126-127 [117-132])

Vĩnh Yên thành lập năm 1899, thuộc tỉnh Sơn Tây cũ (gồm Phú Thọ cũ [- Hưng Hóa], cách Hà Nội 62 km hướng Tây Bắc; Phú Yên, thành lập năm 1905, ở giữa Hà Nội và Vĩnh Yên [- Đa Phúc, Kim Anh, thuộc Bắc Ninh] [cây số 47 từ Hà Nội].  Thẳng đường 2, đi Việt Trì, cây số 84 [sau là tỉnh lị Vĩnh Phú, xây cất từ năm 1954]; Phú Hộ, cây số 113, Đoan Hùng, cây số 136 [bưởi ngon nổi tiếng], lị sở ở ngã ba sông Lô và sông Chảy; và Tuyên Quang, cây số 164. (“Vĩnh Phú,” Thúy, 1978:119 [117-132])

Tôi không phải một chuyên viên cổ sử, cũng không đủ kiến thức và kinh nghiệm khảo cổ, nên khó thể kết luận thực chăng vua Hùng và nhà Hồng Bàng hiện hữu. Cũng khó thể kết luận Thục Phán là tác nhân lịch sử hay một nhân vật truyền thuyết. Vấn đề cần nhấn mạnh, đại đa số người Việt tin rằng vua Hùng là quốc tổ. Những người chịu trách nhiệm về văn hoá và tư tưởng tại Việt Nam, do mục tiêu chính trị hay vì một lý do nào đó, cũng đang nêu cao khẩu hiệu uống nước nhờ nguồn, dân “Lạc Việt” là dòng dõi của chiếc bọc trăm trứng, sinh trăm con.

Chỉ từ ngày xã hội học khai triển thuyết “đa nguyên” [pluralism] người ta mới có cái nhìn thiện cảm hơn với huyền thoại “trăm trứng, trăm con” như một thúc dục và biểu hiệu của tính chất đa nguyên chủng tộc và văn hoá của vùng văn hoá-kinh tế-chính trị [social, economic and political zone] Đại Việt, bước thứ ba của chu trình tăng trưởng và phát triển của hạt nhân văn hoá-kinh tế-chính trị [social, economic and political core] tại đồng bằng sông Hồng và sông Mã nhiều thiên niên trước—tức cộng đồng người Việt nguyên thủy. Sợi giây xuyên suốt qua huyền thoại này có lẽ là nhu cầu đoàn kết dân tộc, mọi sắc dân nên thương yêu đùm bọc nhau như trăm con một mẹ, hãy gác lại những tị hiềm, dị biệt để cùng hướng về mục tiêu xây dựng và bảo vệ quốc gia, bảo vệ quê cha, đất tổ trước những hiểm họa ngoại xâm. Thật là một sai lầm đầy ăn năn, hối hận khi y cứ vào niềm tin tôn giáo và sự cận thị lịch sử của mình để nhắm mắt lại mà chê bai, ruồng bỏ huyền thoại Âu Cơ và Hùng Vương như “thần rắn, ma trâu,” hầu thanh thản xưng tụng và tôn thờ những niềm tin sơ khai và “thần rắn, ma trâu” ngoại lai khác. Và cũng không thể không quan tâm đến những lời nhận xét, không hẳn sai lầm: người Việt thường có thói xấu ganh ghét, tị hiềm và tàn ác với đồng chủng, trong khi khom lưng sùng bái ngoại nhân, gọi bất cứ ai có sữa dư cho bú là mẹ. Trường hợp anh em Mạc Thúy, Mạc Viễn thời Minh thuộc (1406-1427), hay cha con ông cháu Mạc Đăng Dung (30/11/1540-29/4/1541) là những tấm gương ô nhục giúp dân Việt soi chung để không đi vào những vết xe đổ dĩ vãng.

Xe lại bắt đầu chuyển bánh, trực chỉ Việt Trì—thị xã nằm tại ngã ba sông và song Hồng. Nhờ bác tài hỏi đường tới chỗ ba nhánh sông Hồng hợp lưu, tức ngã ba Bạch Hạc. Vài dân địa phương nói chỗ hợp lưu là chính cầu Việt Trì, mới được tái thiết. Người cả quyết ngã ba Bạch Hạc là một nơi khác, cách đó không xa. Chuyến du khảo không thể vào sâu chi tiết hơn vì đã đến giờ ngược đường số 2 xuôi Hà Nội. Tôi có cái hẹn với một tác nhân lịch sử tại xã Phú Thị, Gia Lâm, quê hương của nhà thơ cách mạng xấu số Cao Bá Quát—người đã bao lần nhắc nhở tôi: “Giật mình khi ở xó nhà, Văn chương, chữ nghĩa khéo là trò chơi ...”

VŨ NGỰ CHIÊU

Hà Nội, 3/5/2005-Houston, 31/1/2016

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1715)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2768)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2678)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5117)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5923)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1601)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2883)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 2216)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1699)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1960)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.