- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VỀ CHỮ LẠC 貉 TRONG LẠC LONG QUÂN 貉龍君

18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 32673)
trong dong 2
Trống Đồng - ảnh Internet

















LTS: Theo nhã ý của nhà văn Đinh Văn Tuấn, để mở rộng dư luận , trao đổi học thuật trong và ngoài VN, chúng tôi xin đăng tải bài tiểu luận "Về chữ Lạc trong Lạc Long Quân 貉龍君 " Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Sông Hương số đặc biệt (Sông  Hương SĐB 17/06-15)

TẠP CHÍ HỢP-LƯU
 



Theo truyền thuyết và sử sách, thủy tổ người Việt Nam là Lạc Long Quân, có tên húy là Sùng Lãm, là con trai của Kinh Dương Vương và Long nữ (con gái của Động Đình Quân). Lạc Long Quân kế nghiệp cha, làm vua nước Xích Quỷ, sau lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, được 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt. Cuối cùng, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia ly, Lạc Long Quân đem 50 con về thủy phủ còn Âu Cơ và 50 người con trai đến ở đất Phong Châu, cùng tôn người anh cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự. Bài viết này, cố gắng tìm hiểu lý do nào cổ nhân đã cố ý viết chữ 貉 nhưng lại đọc không theo phiên thiết là “lạc” và LẠC có ý nghĩa, tượng trưng gì? Mục đích của chúng tôi là cố gắng giải mã bí ẩn của chữ LẠC trong Lạc Long Quân với giới hạn của huyền sử, sử liệu và văn tự, ngữ âm chứ không bàn luận hay khẳng định gì về nguồn gốc dân tộc Việt.


1. Chữ và âm đọc “lạc” qua tài liệu Việt - Hoa

Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉 龍君, xuất hiện lần đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái(1) (khuyết danh, khoảng đời Trần), sau đó có thể kể đến Đại Việt sử ký toàn thư(2) (Ngô Sĩ Liên, 1697), Việt sử diễn âm(3) (khuyết danh, khoảng đời Mạc), Thiên Nam minh giám(4), Thiên Nam ngữ lục(5) (khuyết danh, khoảng đời Lê-Trịnh), Đại Nam quốc sử diễn ca(6),

Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, Việt sử tiệp lục diễn Nghĩa(7) (khuyết danh), Việt sử cương mục tiết yếu(8), Đặng Xuân Bảng, (đời Nguyễn),… đều thống nhất tự dạng 貉 (không tìm thấy tự dạng khác như 雒 hay 駱). Về sách viết bằng chữ Quốc ngữ, ký âm chữ La tinh thì sớm nhất hiện còn là tập chép tay về lịch sử nước An Nam của Bento Thiện(9) viết vào năm 1659, tiếp đến là Notes historiques sur la nation annamite của P. Le Grand de La Liraÿe (1866), Tóm lại về sự tích các đời vua nước Annam, Trương Vĩnh Ký (1877), Lược biên Nam Việt sử ký lịch triều niên kỷ (1894), Georges Maspero (cũng viết chữ Hán là 貉), Quảng tập viêm văn (1898), Edmond Nordemann (cũng viết chữ Hán là 貉, Nam Việt lược sử, Nguyễn Văn Mại (1919)(10), Tối tân Quốc văn tập đọc(11) (Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907, cũng viết chữ Hán là 貉)… tất cả đều ký âm chữ La tinh là “Lạc”. Đặc biệt là chữ 貉 còn thấy dùng để viết thay cho 駱, 雒 (Âu Lạc, Lạc hầu, Lạc tướng) trong Lĩnh Nam Chích quái, Việt điện u linh chắc chắn phải đọc là LẠC chứ không thể là HẠC hay MẠCH. Điều này chứng tỏ các văn bản khoảng đời Trần còn lưu lại đã xác định 貉 được tiền nhân đọc là LẠC. Chữ Lạc 貉 cũng xuất hiện trong sách học Hán Nôm xưa và các bộ từ, tự điển như Ngũ thiên tự dịch quốc ngữ(12), 1909 của Nguyễn Bỉnh, đã ghi: “貉 Lạc, cầy hương” Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)(13), 1931: “Lạc Long Quân 貉龍君”; Hán Việt từ điển giản yếu(14) của Đào Duy Anh, 1932, sách này được hai nhà Nho là Phan Bội Châu và Lâm Mậu duyệt lãm, từ điển ghi: “貉 Lạc: Một loài thú giống con ly貉龍君 Lạc Long quân”; Nam Hoa tự điển(15) của Nguyễn Trần Mô, 1940: “貉 (Lạc) con lạc”. Không chỉ người Việt đọc 貉 là “lạc”, chúng tôi thấy tiếng Quảng Đông cũng đọc là [lok3], Khách Gia là [log6], Triều Châu là [log8](16), vậy rất có khả năng cả Việt lẫn Lưỡng Quảng… đã lưu lại vết tích Hán âm thượng cổ. Thật vậy 貉 có âm thượng cổ(17) là [glaag] (Trịnh Trương Thượng Phương 郑张尚芳, Phan Ngộ Vân 潘悟云) ta thấy [glaag] rất giống với “lạc”. Đây chính là những chứng cứ xác thật khẳng định một truyền thống từ ngàn xưa mà không hề có một nhà Nho uyên thâm Hán học nào, cho dù đó là một bậc vua chúa hay các sử thần, các văn nhân… mọi thời đại lên tiếng phản đối hay tự ý sửa lại. Như thế, cách đọc “lạc” 貉 là một cách đọc chữ Hán của người Việt cổ xưa chứ không phải là một sự sai lầm truyền kiếp.

Không một nhà Nho hay một người biết chữ Hán nào dám đọc 貉 ra “lạc” được, trong khi từ thư Hán chỉ có âm “hạc”, “mạch” nếu không có một sự thật là: chữ 貉, thời cổ đại có âm “lạc” vì thế dân gian truyền khẩu biết bao đời nay về tên thủy tổ luôn là “Lạc” Long Quân. Từ trước đến nay, có lẽ chỉ có An Chi là khẳng định chữ 貉 trong 貉龍君 không thể đọc là “lạc” mà là “hạc” qua một bài viết đăng trên một tờ báo không chuyên về lịch sử, ngữ văn, như sau: “Tên của “Lạc Long Quân” 貉龍君 bị đọc sai ở chữ. Chữ này tuyệt nhiên không có âm “lạc”, tác giả dựa vào Hán ngữ đại tự điển đã ghi 3 âm: “1. mạch (mạc bạch thiết 莫白切); 2. hạc (hạ các thiết 下各 切); 3. mạ (mạc giá thiết 莫駕切)” để khẳng định 貉 không hề có âm “lạc”. Từ đó ông đã đi đến giả định: “chữ phải được đọc theo âm nào? Chúng tôi cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn phải có liên quan đến địa danh Bạch Hạc 白鶴 (…) chữ hạc đây có thể “thông” với chữ hạc về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là cái tên của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.”(18) Như trên chúng tôi đã xác nhận: cách đọc “lạc” 貉 là một tập truyền xưa nay của tổ tiên người Việt chứ không đơn giản là một sự sai lầm truyền kiếp, cho nên nếu chỉ dựa vào từ thư, phiên thiết mà không tham chiếu những tài liệu liên quan về lịch sử, văn tự, ngữ âm xưa nay sẽ là một phương pháp phiến diện, chủ quan. Cách đọc “hạc” 貉 tuy đúng “phiên thiết” nhưng lại sai về ngữ âm lịch sử. Tên gọi “hạc” 鶴 (loài chim) là rất phổ biến, nghĩa là nếu viết về chim hạc, tự nhiên sẽ viết ngay là chữ 鶴 hay dị thể 鹤 chứ không có chuyện dùng chữ đồng âm, khác nghĩa được. Cho nên không thể suy đoán tùy tiện rằng: “về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết” để cho hạc 貉 có thể “thông” với hạc 鶴 nên muốn viết sao thì viết. Xưa nay, tài liệu chữ Hán ở Việt Nam không thấy ghi nhận dùng hạc 貉 thay cho hạc 鶴, trái lại chỉ có chuyện dùng 貉 thay cho 駱, 雒 (Âu Lạc, Lạc hầu, Lạc tướng) vì chúng đồng âm “lạc”. An Chi hay bất cứ ai biết chữ Hán đều không thể cả tin vào phiên thiết rồi máy móc đọc một cách phản lịch sử là Âu Hạc, Hạc hầu, Hạc tướng được! Đây là một chứng cứ góp phần phủ nhận chữ 貉 trong 貉龍君 phải đọc là “hạc” theo An Chi. Thực ra, trước đây trong bài viết Hùng Vương hay Lạc Vương?(19), An Chi với bút hiệu Huệ Thiên đã từng tin vào âm đọc “lạc”: “Chúng ta là con cháu đức Lạc Long Quân, thuộc nòi giống Lạc Việt, lại làm “vua” của Lạc dân (= dân Lạc)…” và sau này ông đã tự phủ nhận bằng một định kiến về 貉 phải đọc là “hạc” rồi từ đó ông đã phê phán, kết tội cổ nhân một cách trịch thượng, vô căn cứ(20). An Chi còn suy đoán “Lạc” trong Lạc Long Quân có thể chỉ về chim Hạc dựa vào tên đất Bạch Hạc (Phong Châu). Nhưng, thật ra, theo truyền thuyết, sau khi Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm cai trị nước Xích Quỷ, thì tên gọi Lạc Long Quân mới xuất hiện. Đến khi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ rồi sinh 100 con trai và sau khi hai người chia tay mới có chuyện 50 con theo mẹ về đất liền là đất Phong Châu nay là Bạch Hạc và đất này trở thành kinh đô nước Văn Lang của vua Hùng.

2. Ý nghĩa của chữ Lạc trong Lạc Long Quân 貉龍君

Trước đây dựa vào chữ 雒 chỉ loài hậu điểu, ở miền Giang Nam, Đào Duy Anh(21) đã nêu giả thuyết vật tổ chim Lạc của người Lạc Việt thời văn minh Đông Sơn và hầu như tác giả coi mọi chữ Lạc 貉 (viết lầm từ 駱), 駱, 雒 và chữ Hùng 雄 (viết lầm từ 雒) đều là một. Nhưng theo chúng tôi, nguyên ý của Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký, ngay từ đầu đã nhấn mạnh về Lạc điền, ruộng có tên là “Lạc” chứ không nhấn mạnh về một tộc người mang tên Lạc và Lạc phải là một tên gọi trồng cấy một thực vật nào đó trên ruộng có nước triều lên xuống, nên ở ngữ cảnh này nếu chỉ về loài chim là không thích hợp. Hơn nữa, tự hình 雒 của Giao Châu ngoại vực ký chưa chắc là tự hình ban đầu. Chữ Lạc viết bằng 2 tự dạng 雒 và 駱. Theo Khang Hy tự điển(22) thì 雒: “雒音洛, 本作駱” (âm lạc, vốn viết là 駱), vậy đây là 2 chữ đồng âm khác nghĩa. Liên quan đến chữ “Lạc” ở Giao Chỉ còn thấy chép là Lạc - Việt 駱-越 ở các sách Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Thủy kinh chú(24). Hai văn bản Giao Châu ngoại vực kýQuảng Châu ký có lẽ xuất hiện cùng thời vì chính Thủy Kinh chú đã từng trích dẫn Quảng Châu ký (裴淵,廣州記曰…, Bùi Uyên, Quảng Châu ký chép…). Nhưng, chúng tôi cho rằng, đoạn văn cô đọng từ Quảng Châu ký với chữ Lạc 駱 và dựa vào các sách xưa hơn là Sử ký, Hán thư đều viết là chữ Lạc 駱 rất có thể xuất hiện sớm hơn (hoặc gần nguyên gốc) đoạn văn sáng sủa của Giao Châu ngoại vực ký với chữ Lạc 雒. Như thế, luận cứ của Đào Duy Anh không thuyết phục vì đã ngộ nhận chữ 雒 như một chữ gốc và dựa vào ý nghĩa để lập giả thuyết mà thực ra dù là 駱 hay 雒 chúng chỉ là chữ ký âm mà thôi.

Chữ 貉, nguyên nghĩa chỉ về động vật (như con cầy) và các dân tộc phương Bắc hay Đông Di, Triều Tiên chắc chắn không phù hợp với cổ Việt cho nên cần phải tìm hướng khác về ngữ âm để truy nguyên. Theo Khang Hy tự điển dẫn Tập vận, Vận hội, Chính vận cho biết chữ 貉: “本作貈” (vốn viết 貈). Chữ 貈 này đáng chú ý ở phần bên phải là chữ 舟 (thuyền), khiến ta liên tưởng đến những chiếc thuyền trên trống Đồng Đông Sơn. Phải chăng đây chính là ẩn ý của chữ 貉 ám chỉ tộc người sinh sống ở vùng sông nước, thường gắn bó với việc giao thông bằng thuyền? Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, có tài xuống thủy phủ, lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ rồi sinh ra Sùng Lãm - Lạc Long Quân. Sùng Lãm sinh ra dưới thủy phủ và thường sống gắn bó với thủy phủ hơn là trên đất liền. Sau khi lên ngôi, Sùng Lãm lấy danh hiệu là LẠC Long Quân, vua Rồng LẠC. Lạc Long Quân là nòi giống rồng, đứng đầu thủy tộc và sau khi chia tay với Âu Cơ, đã đem 50 con về thủy phủ chia trị các nơi. Chúng tôi suy đoán rằng: LẠC là một tên gọi ám chỉ cội nguồn của vua, con của Rồng, sinh ra từ thủy phủ và âm “lạc” là cách đọc tiếng Hán ở cổ Việt của chữ Hán là 貉 hay 貈. Vậy 貉 hay 貈 là chữ ký âm tiếng cổ Việt, nhưng tiếng ấy là gì? Âm Hán thượng cổ của 貈 được phục nguyên là [gloowg] và của 貉 là [glaag](25), cả 2 âm này đều tựa như “lạc” của người Việt và của các tộc Hoa Nam [lok3], [log6], [log8]. Từ “lạc” (Lạc Long Quân) trong tiếng Việt xưa nay là một từ mất nghĩa nhưng dựa vào suy luận trên về cội nguồn của vua Rồng sinh ra và sống gắn bó với thủy phủ, ta có thể xác định đó là môi trường, quê hương NƯỚC. Vậy, LẠC Long Quân chính là vua Rồng - NƯỚC. Chữ Lạc 貉 là một dạng ký âm tiếng cổ Việt của “nước” hay “nác”(26). Theo Nguyễn Tài Cẩn(27), Nguyễn Ngọc San(28), phụ âm đầu “n” bắt nguồn từ dr, r, d, t, đa số Mường nói nước là “dac”, “tac” nhưng ở tiếng Mường Thải, Tân Phong phát âm “nước” là [drac] và đặc biệt là các Mường Vang, Mặc, Khênh, Thịnh Lang, Cao Dương, Tăm, Nèn, Khơi(29)... lại phát âm theo “r” là “rac”. So sánh âm Hán thượng cổ của 貉 [glaag] và âm Mường-Việt [rac] ta thấy tương đồng: “gl” đọc lướt sẽ như “l”, vì âm Hán xưa không có âm rung “r” nên thường dùng “l” để ký âm, chẳng hạn như An Nam tức sự(30) đời Nguyên đã dùng 掠 [liɑk] để ghi âm tiếng cổ Việt chỉ 水 (nước) là [rac] hay An Nam dịch ngữ đời Minh đã dùng 弄 [luŋ] để ký âm cho tiếng Việt chỉ 闊 là rộng và ở chữ Nôm, ký âm “rồng” bằng long 龍. Kết quả này phù hợp với giả thuyết trước đây của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc(31) về cách đọc “lạc” trong Lạc điền, Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng và kể cả Lạc Long quân, Lạc Việt là một từ tố Việt-Mường rac: nước. Tác giả hiểu rằng, tên gọi Lạc điền ám chỉ về ruộng rặc, rộc = ruộng nước vì lẽ, tài liệu Hán cho biết Lạc điền là ruộng có nước triều lên xuống mà yếu tố nước rất quan trọng cho việc trồng cấy. Một nhà nghiên cứu khác cũng đã từng đồng thuận với cách đọc hiểu của chữ Lạc là “nước” như Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đó là Lê Hữu Mục: “chữ Lạc theo chữ nôm là LÁC và hiểu LÁC là nước theo quá- trình phát-triển của nó từ LÁC đến ĐÁC và từ ĐÁC đến NÁC để dừng lại cuối cùng ở âm NƯỚC như ta biết hiện nay” và tác giả cũng nhìn nhận: “Từ nước từ ngàn xưa đã nằm sẵn trong những danh-xưng LẠC ĐIỀN 貉田 và LẠC DÂN 貉民”(32).

Tuy nhiên, luận cứ Lạc = nước của các tác giả trên, theo chúng tôi có mấy điểm không thuyết phục: Tài liệu Hán như Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký, ngay từ đầu đã nhấn mạnh về Lạc điền, ruộng có tên là “Lạc” chứ không phải ám chỉ về sự lên xuống của thủy triều. Nước triều lên xuống chỉ là một thuộc tính của ruộng Lạc. Cả người Hán lẫn Việt thời thượng cổ đều đã biết sử dụng ruộng nước để trồng cấy. Yếu tố “nước” luôn cần thiết với các dân tộc sống bằng nông nghiệp. Nên theo chúng tôi, nước triều lên, xuống không gây chú ý bằng tên một sản vật địa phương mà người Hán chưa biết. Do đó Lạc điền nên hiểu là ruộng trồng cấy một loài thực vật nào đó ở ruộng có nước triều lên xuống. Hơn nữa, giả thuyết này chưa giải quyết thỏa đáng về sự phức tạp của các tự dạng 貉 (Lạc Long quân), 駱, 雒 (Lạc điền, Lạc dân…) và đặc biệt là 雄 (Hùng điền, Hùng dân…) trong Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn. Theo quan điểm chúng tôi, chữ 貉 không có cơ sở để đánh đồng với các chữ 駱,雒,雄. Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君 có phải là Lạc 駱, 雒 trong Lạc điền, Lạc vương… và cổ nhân Việt cố ý gán ghép vào Long quân? Trong thư tịch Hán, chữ 貉 xuất hiện duy nhất trong sách Thông Điển (đời Đường) với Lạc Việt 貉越 nhưng Lạc Việt lại ở huyện Trung Lư, không thuộc Giao Chỉ, tuy nhiên sách Đông quán Hán ký (thời Đông Hán), Hậu Hán thư khi chép về Lạc Việt Trung Lư lại không viết là 貉越 mà dùng 駱越. Vậy có thể 貉 và 駱 có tự dạng giống nhau nên dễ lầm lẫn (chỉ một lần trong thư tịch Hán). Sử liệu Hán viết Lạc Việt 駱越 để phiếm chỉ dân sống ở Giao Chỉ, Cửu Chân và ở Trung Lư và có khi cho Lạc Việt 駱越 là Tây Âu 西甌 nên không chắc rằng chữ “Lạc” dù ở văn cảnh nào, thuần túy chỉ dân Lạc ở cổ Việt (như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký). Trường hợp này cũng như tên gọi Việt, phiếm chỉ các tộc thuộc Bách Việt vùng Hoa Nam, trong đó kể cả Lạc Việt ở Giao Chỉ. Không thể tùy tiện cho rằng nhà Nho Việt đã đọc Thông Điển rồi bắt chước cách viết 貉 = 駱 để ghi chép về Lạc Long Quân trong Lĩnh Nam chích quái. Học giả Đào Duy Anh cũng đã từng nhận định rằng sử sách Việt đã lộn từ chữ 駱 sang chữ 貉 vì tự hình giống nhau. Trong thư tịch Việt, có nhiều chỗ đã dùng 貉 khi chép về Âu Lạc, Lạc Hầu, Lạc Tướng chứ không dùng 駱, 雒, tuy nhiên Đại Việt sử ký toàn thư khi viết về Trưng Trắc lại viết giống sách Hán với chữ 雒, họ Lạc 雒, con gái của Lạc tướng 雒將 huyện Mê Linh. Hiện tượng này có thể là do thói quen viết chữ của nhà Nho Việt khi thấy chữ Lạc trong Lạc Long quân là chữ đồng âm với Lạc (駱,雒) nên hễ thấy chỗ nào có “lạc” là cũng viết là 貉. Do đó, theo chúng tôi, chữ Lạc 貉 trong 貉龍君 không phải là chữ Lạc 駱,雒 trong Âu Lạc, Lạc Hầu, Lạc Tướng(32).

Chúng tôi chỉ đồng thuận với Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc và Lê Hữu Mục về sự tương đồng ngữ âm Hán - Việt khi đoán định LẠC= NƯỚC. Nhưng bằng một truy nguyên khác, dựa vào gốc tích, huyền sử, chúng tôi xác định NƯỚC (nác, rac) chỉ gắn liền với danh hiệu LẠC Long quân mà thôi.

3. Lời kết

Danh hiệu Lạc Long Quân 貉龍君 của huyền sử Việt Nam từ bao đời nay, đã để lại cho hậu thế một bí ẩn từ chữ Hán là 貉 vì chữ này không đọc theo từ thư, phiên thiết Hán là “hạc”, “mạch” mà lại là LẠC. Kế tiếp các công trình khảo cứu trước đây của các học giả, nhà nghiên cứu sử học, bằng một truy nguyên khác, chúng tôi đã đi đến một kết luận: Chữ 貉, xưa vốn là chữ 貈, có lẽ người cổ Việt đã chọn tự dạng này vừa để ký âm vừa gợi nhớ đến cuộc sống gắn bó với thuyền trên sông nước như vẫn còn lưu dấu tích trên trống đồng Đông Sơn. Do văn tự biến đổi theo thời gian, nên đến khoảng đời Trần, soạn giả Lĩnh Nam chích quái đã lưu lại tự dạng 貉 là chữ đồng âm của 貈. Âm Hán thượng cổ của 貈[gloowg] và 貉[glaag] rất gần với cổ âm người Việt là “lạc” nên có khả năng dùng để ký âm cho tiếng Mường - Việt là [rac], nghĩa là NƯỚC (nác). Cách đọc “lạc” 貉 của tiền nhân Việt là đúng đắn chứ không phải là một cách đọc sai lầm vì có căn cứ ngữ âm lịch sử của tiếng Hán [glaag] và phương ngôn tiếng Hán như Quảng Đông [lok3], Khách Gia [log6], Triều Châu [log8]. Vậy, ban đầu, ở thời kỳ giao tiếp Hán - Việt (Triệu Đà đến Hán thuộc), 貉 được người cổ Việt phát âm là “lạc” và dùng để ký âm cho tiếng Mường-Việt là [rac] và 貉龍君 sẽ là vua Rồng (龍 君) mang tên NƯỚC [rac] (貉). Ý nghĩa của NƯỚC rất phù hợp với danh hiệu LẠC Long Quân vì theo huyền sử, Lạc Long Quân là người sinh ra từ NƯỚC, thủy phủ bởi mẹ là là Long nữ, con gái của vua hồ Động Đình vì thế khi Kinh Dương Vương truyền ngôi lại cho con trai là Sùng Lãm, Sùng Lãm đã xưng danh hiệu là LẠC Long Quân để luôn nhớ về quê mẹ, nguồn cội sinh ra từ NƯỚC của mình. Lạc Long Quân rất thường hay sống ở thủy phủ và sau khi chia tay với Âu Cơ, vua đã đem 50 người con trai trở về quê ngoại ở thủy phủ. Âu Cơ đã đem 50 người con trai khác lên vùng đất liền, cao ráo ở Phong Châu và tôn người con trưởng lên làm vua gọi là vua Hùng (Hùng Vương). Huyền sử lại cho biết, dân Văn Lang khi xuống nước đánh cá, thường hay bị loài giao xà làm hại nên vua Hùng đã truyền dạy lấy mực xăm lên mình giống hình Long Quân để không bị thủy quái hại nữa. Sử sách cho biết tục xăm mình theo hình rồng gọi là “thái long” đến đời Trần vẫn còn thịnh hành. Đây cũng là một dấu tích nhớ đến cội nguồn, thủy tổ người cổ Việt là Lạc Long Quân.

ĐINH VĂN TUẤN

Nguồn : Tạp chí Sông Hương

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c332/n20129/Ve-chu-Lac-trong-Lac-Long-Quan.html

 


.....................................................
1. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện (chữ Hán), nguồn:  Vietnamese Nôm Preservation Foundation (VNPF), http://lib. nomfoundation.org/collection/1/

2. Đại Việt sử ký toàn thư (tập IV, kèm nguyên bản chữ Hán),  Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.

3. Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm, chú thích, biên dịch), Việt sử diễn  âm (bản chữ Nôm), Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1997.

4. Thiên Nam minh giám - Gương sáng trời Nam (bản chữ  Nôm), Hoàng Thị Ngọ (phiên âm, chú giải), Nxb. Văn Học. 1994.

5. Nguyễn Thị Lâm (khảo cứu, sưu tầm, biên soạn) Thiên Nam  ngữ lục (bản chữ Nôm), Nxb. Văn học & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

6. Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca (bản  chữ Nôm), Lã Minh Hằng (khảo cứu, phiên âm, chú thích), Nxb. Văn Học. 2008.

7. Việt Sử Tiệp Lục Diễn Nghĩa, bản chữ Nôm, nguồn: http://www.trangnhahoaihuong.com.

8. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu (bản chữ  Hán), Hoàng Văn Lâu (dịch), Nxb. Khoa học xã hội, 2000.

9. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659 (tái  bản), Nxb. Tôn giáo, 2008.

10. Nguồn sách của các tác giả P. Le Grand de La Liraÿe,  Trương Vĩnh Ký, Edmond Nordemann từ các website: Archive. org, Gallica.bnf.fr, Books.google.com, Persee.fr.

11. Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. Cục Lưu trữ nhà nước  Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nxb. Văn hoá, 1997.

12. Ngũ thiên tự dịch quôc ngữ 五千字譯國語, Nguyễn Bỉnh,  nguồn: http://hannom.nlv.gov.vn.

13. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Ha Noi, Imp.  Trung Bac Tan Van, 1931.

14. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nhà in Tiếng  dân, Huế, 1932.

15. Nguyễn Trần Mô, Nam Hoa tự điển, (Imp. Thuy-ky), Hà  Nội, 1940.

16. Nguồn tự điển: http://dictionary.sina.com.hk/p/word/%B8%E8#top. www.mogher.com/. Zdic.net

17. 上古音查询, www.eastling.org/OC/oldage.aspx  

18. An Chi, Lạc Long Quân nghĩa là gì? Đương Thời Xuân  Nhâm Thìn 2012.

19. Huệ Thiên, Hùng Vương hay Lạc Vương? Đăng trong  Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb. Trẻ, 2004.

20. Sau bài Lạc Long Quân nghĩa là gì?, đến bài Cả dân gian  lẫn trí thức đều có thể sai, nguồn: http://petrotimes.vn. An Chi đã ngầm chỉ trích cổ nhân đã sai lầm, ông viết: “Chúng tôi không cho rằng, các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [] không thể đọc thành “lạc”, có nghĩa là, thực tế xưa nay mọi người (kể cả dân gian, trí thức) đã lưu truyền âm đọc “lạc” là vì dốt nát! Đáng tiếc hơn, ông đã lấy tên tuổi của học giả Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược để quy tội: “chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần”. Nhưng, như chúng tôi đã chứng minh trong bài, luận điểm của An Chi không khoa học vì thiếu thuyết phục, phiến diện và đầy chủ quan, cảm tính.

21. Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn Hóa  Thông Tin, 2005.

22. Khang Hy tự điển, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã  1997.

23. Các tài liệu chữ Hán như Thủy kinh chú, Thái Bình quảng  , Hán thư… tham khảo từ trang mạng Chinese Text Project, website: http://ctext.org/pre-qin-and-han

24. Các âm Hán thượng cổ tra cứu theo 上古音查询, www.eastling.org/OC/oldage.aspx

25. Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm  Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991.

26. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ  thảo), Nxb. Giáo Dục (tái bản), 1997.

27. Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử (Tái bản có  bổ sung và sửa chữa), Nxb. Đại học Sư phạm, 2003.

28. Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi (nhiều tác  giả), Nxb. Ủy ban huyện Tân Lạc, Sở VHTT Hà Sơn Bình, 1988.

29. An Nam tức sự 安南即事, nguồn: http://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=224481&remap=gb

30. Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc, Thử tìm hiểu nguồn gốc  ngữ nghĩa của từ tố “Lạc” trong Hùng vương dựng nước (tập IV), Nxb. Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

31. Lê Hữu Mục, Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt  Nam (1), nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn.

32. Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君 không phải là chữ  Lạc 駱,雒 hoặc Hùng 雄 trong Lạc/Hùng điền, Lạc/Hùng dân, Lạc/Hùng vương, Lạc/Hùng hầu, Lạc/Hùng tướng được sử sách Hán - Việt ghi chép. Về danh xưng Lạc 駱,雒 và Hùng 雄 chúng tôi sẽ viết một khảo cứu khác.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1678)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2754)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2666)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5104)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5906)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1587)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2862)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 2203)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1688)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1911)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.