- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chân Dung Trắng

23 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37635)



chandung-nguyenyen-content

(Tranh Lê Thánh Thư) 

LTS: Khi nhận được những sáng tác của Nguyên Yên chúng tôi thật sự ngạc nhiên về nội lực của người viết nầy, đó là một sự đáng mừng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những bài viết của Nguyên Yến đến quí độc giả và văn hữu như những mở đầu tốt đẹp trong năm 2014.

TCHL

(Tặng T & K – hai người bạn thân quý.)

Tôi sinh ra là con gái. Hay ít nhất, bà ngoại thường gọi tôi là Gái. Tôi lớn lên với ngoại, được bà nuôi ăn nuôi học dạy dỗ thành người. Thuở nhỏ tôi thường hỏi ngoại Ba Mẹ tôi là ai, bà thường nói mẹ là nàng tiên xinh đẹp bị trời đày xuống trần gian. Trong đêm đen định mệnh giữa lòng đại dương, mẹ ra đi theo giông tố biển cả để hai bà cháu được bình an. Tuy xa mẹ từ đó, nhưng những câu chuyện bà thường kể về mẹ khiến hình ảnh mẹ trong tôi rất thân quen, gần gũi. Khi ai hỏi tôi giống ai, tôi không ngần ngại trả lời tôi giống mẹ. Không hiểu sao tôi luôn biết rõ chân dung của mẹ, không chỉ cái hình dạng bên ngoài, mà từ cái buồn, cái lạc lõng, lối suy tư, tôi luôn biết mình là cái tượng đúc tạc từ chân dung của mẹ.

 

Còn bố? Tôi hoàn toàn mù tịt. Mỗi khi hỏi đến bố, bà ngoại thường giả lơ như không nghe. Tôi phải hỏi bà nhiều lần, bà chỉ ậm à ậm ừ cho qua chuyện, không bao giờ có câu trả lời nhất định. Một hôm tôi hỏi nhiều làm bà nỗi cáu, bà nói: “Ông ấy có nhiều bộ mặt, không có chân dung”. Từ nhiều mẩu, nhiều mảnh, tôi chắp nối, lắp ráp cho mình chân dung của ông, mờ nhạt, mơ hồ. Tôi để trí tưởng tượng và kiến thức mập mờ của mình tô vẽ ông. Không hiểu sao tôi cứ khăng khăng ông là chúa tể thế gian. Ông có địa vị, quyền hành. Tôi mơ thấy ông đứng giữa trời giông bão, mặt áo choàng đen, mắt ông đỏ khè như lò than của bà ngoại. Ông dương cao kiếm thần nổi sấm sét phù phép biến mất hai mẹ con trong đêm đen. Đó là hình ảnh tôi vẽ chân dung Ông.

 

Bà ngoại và tôi đặt chân đến Mỹ khi tôi mới tròn 5 tuổi. Bà bước vào tuổi 50. Tôi lớn lên với bà, không có ông ngoại, và cũng không có hình bóng người đàn ông nào trong nhà. Ông ngoại mất trong chiến tranh, bị Việt Cộng chôn sống ở đầu làng. Khi được đào lên đưa về nhà, ông đã yếu sức. Ông mất trong vòng tay của bà. Mỗi khi kể về ông ngoại, mắt bà sáng lên một thứ ánh sáng kỳ lạ. Vừa là ánh bình minh, mà cũng vừa là ánh chiều tà. Như bà vừa sống lại với ký ức, mà cũng vội vã rời xa nó. Bà thường nhắc ngày Mẹ tôi sinh ra đời, ông ngoại đãi cả làng. Ông không giống những người đàn ông cùng thời chỉ ăn mừng khi có con trai. Ông luôn gọi mẹ là nàng tiên giáng trần. Chỉ kể đến đó, mắt bà đã đỏ hoe. Tôi cũng đúc tạc cho mình chân dung ông ngoại với nụ cười hiền hoà, với trái tim thật to, vẽ thêm cho ông bộ râu phất phơ, tưởng tượng gió bay mái tóc chòm râu, như bức tranh tiên ông cỡi hạc bay về trời bà ngoại treo trên tường.

 

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc vẽ chân dung Bà Ngoại vì lòng tôi đã thuộc lòng từng nếp nhăn trên mặt Bà. Bà luôn ở bên cạnh tôi, ở trường, trong nhà, ngoài đường, trong lòng. Bà có tài hiện ra ở khắp nơi tôi có mặt, luôn sẵn sàng bảo bọc đứa cháu cưng. Vượt biển sang Mỹ tay không với đứa cháu, hành trang của Bà là nỗi đau chứng kiến cảnh con gái bị vuột khỏi vòng tay mình. Bà tự tranh đấu, cố gắng chôn sâu vết thương, siêng năng làm việc, vất vả một mình nuôi tôi ăn học. Bà dạy tôi theo lối suy nghĩ và quan niệm xưa cũ của bà. Cái định nghĩa về đàn bà con gái khi bà gọi tên tôi là Gái rất rõ rệt. Với bà, đàn bà rõ ràng là cái xương sườn của người đàn ông. Cần biết cứng cỏi. Cần biết mềm mại. Cần biết gập mình bé nhỏ lại khi cần tôn vinh chồng. 

 

Như sợ tôi không tự phân biệt mình là con gái, bà luôn luôn nhắc nhở. Khi tôi nghe nhạc nổi hứng huýt gió theo, bà rầy “con gái con đứa không được huýt gió”; khi tôi nghe kể chuyện hứng chí cười, bà nói “con gái không được cười to”; kể cả khi đã khôn lớn, trong các cuộc đối thoại, khi tôi có lời phê bình, bà mắng “con gái không nên có nhiều ý kiến”. Ngày tôi lấy chồng, bà dặn dò “Con gái phải biết nghe lời chồng, phải hiểu rõ sở thích, ý muốn của chồng mà lấy đó làm ý muốn của chính mình. Được vậy thì con mới có số phận khác với mẹ của con. Mới có hạnh phúc.” Tôi nghe bà dặn giật mình, từ lâu tôi vẫn tưởng rằng Mẹ nhu mì, hiền hoà và yếu đuối như bông hoa, ngọn cỏ. Đó là chân dung Mẹ trong tôi, trở thành bức hoạ của chính tôi. Đêm đó, tôi mơ thấy hình bóng Mẹ, gập ghềnh trên con sóng cao, Mẹ dặn, cuộc đời có nhiều cơn sóng, phải biết cách cưỡi sóng. Mắt mẹ cũng đỏ như mắt bố, chỉ có khác với Ông, mẹ không phù phép cho tôi biến mất. Mắt mẹ u uẩn, trút xuống những cơn mưa ào ạt, tràn ngập, ướt đẫm. Mưa từ mắt mẹ đổ thẳng vào lòng đại dương, cuộn mình theo từng cơn sóng tung cao lên trời, cao hơn cả mẹ. Những cơn sóng cao ngút cuốn Mẹ rời khỏi tôi.

 

Tôi tỉnh dậy bắt đầu cuộc đời làm vợ. Tôi rất hài lòng với chính mình, đã tìm được cho mình một người đàn ông thật sự bằng da bằng thịt, bằng tình yêu anh dành cho tôi, bằng tình yêu tôi dành cho anh. Người đàn ông có mặt mũi, có ánh mắt, có miệng cười, có cái uy nghiêm thần linh của bố, có chất hiền lành như ông tiên của ông ngoại. Từ đây, tôi sẽ nghe lời bà ngoại, sẽ học mọi điều về anh, sẽ nghe lời Mẹ, cưỡi theo cơn sóng trong lòng anh. Tôi sẽ làm cái việc mà từ nhỏ tôi đã ao ước, tôi sẽ vẽ được bức chân dung toàn diện đầu tiên của người đàn ông thật sự trong đời tôi, ngay bên cạnh tôi, không cần phải dùng trí tưởng tượng hay qua những mảng rời từ bà ngoại.

 

***

 

Anh tên là Phong. Ngày quen biết anh, tôi ghi chú trong đầu, à, chàng là ngọn gió, chàng biết bay. Sau đó, tôi còn nhận ra, chàng không chỉ biết bay, chàng biết dừng lại, biết vuốt ve, biết mơn trớn, biết thổi vào lòng tôi những mùi hương kỳ lạ. Tôi bày ra giấy mực, vẽ xuống mái tóc chàng, mái tóc bồng bềnh như cụm mây trời, lãng đãng băng ngang khu vườn tâm hồn tôi. Nhìn đám mây trôi, tôi nhủ lòng, trên trang giấy trắng này, sẽ có ngày tôi hoàn thành bức chân dung toàn diện của anh.

 

Cũng như tôi, anh lớn lên với bà nội. Bà nội gởi anh theo ông chú đi vượt biển sang Mỹ. Bố anh đi học tập cải tạo. Mẹ ở nhà bỏ đi lấy chồng. Anh không nhớ gì nhiều về Mẹ. Khác với tôi, anh không đeo bà, không mấy thần tượng Mẹ. Trong lòng anh có hình ảnh ông chú nghiêm khắc, có bức ảnh ông Bố được bà nội dúi vào túi áo ngày rời Việt Nam anh mang theo và giữ cho đến bây giờ. Khi tôi hỏi anh về bức chân dung của Bố anh, anh không hiểu, trả lời anh chỉ có tấm ảnh cũ của bố, không có bức vẽ chân dung. Tôi hỏi gặng: Em muốn hỏi khi nhớ đến Bố, anh nghĩ gì. Không cần suy nghĩ, anh nói: “Anh thấy mắt bố dõi theo anh trong từng bước đi, đợi chờ và đặt kỳ vọng vào anh.” “Kỳ vọng như thế nào? Anh ngập ngừng: “Bố muốn anh trở thành somebody”. Thành somebody để làm gì? Anh lúng túng: “Để em sẽ không bỏ anh như Mẹ đã bỏ Bố và anh”. Tôi thở phào, tưởng gì, điều này dễ ợt. Em đời nào lại bỏ anh. Tôi lấy giấy mực ra, vẽ ánh mắt sâu thẳm in hình bóng giấc mơ của anh. Tôi đắc ý pha thêm chút ánh mắt anh van nài.

 

Anh yêu tôi nhiều như anh yêu đời sống, bút sách, công việc. Anh nồng nhiệt đặt kế hoạch cho tương lai. Trong bảng vẽ phác hoạ cuộc đời của anh có ngày, có tháng, có con số, có mái nhà, có công việc, dĩ nhiên là có tôi. Thật không hời hợt như bức hoạ của tôi, chỉ có mỗi mình anh, mà cũng chỉ có vài nét nguệch ngoạc không có gì rõ ràng. Nhiệt tình của anh khiến tôi yêu anh nhiều hơn tôi yêu bảng nhạc, lời ca. Giá mà người ta có thể vẽ chân dung bằng những khúc nhạc đang reo trong lòng, thì tôi sẽ dễ dàng hoàn tất bức chân dung anh.

 

Ngày anh đỗ cử nhân, anh đến nhà xin hỏi cưới tôi. Mắt anh chân thành, quả quyết, háo thắng như tướng lãnh xuất trận. Bà ngoại gật đầu, tôi nghe lòng ấm áp. Tôi nghĩ đến bức tranh vẽ của anh. Mường tượng ra cả bầu trời. Có căn nhà cuối con đường dốc, có vườn cỏ xanh ngút ngàn, có tiếng gió, tiếng chim hót, tiếng cười trẻ thơ. Có anh cùng tôi bước hết đoạn đường.

 

Chúng tôi sống với nhau những ngày, những tháng, những năm. Anh vừa say mê làm việc vừa tiếp tục với đèn sách. Tôi vun xén đời sống, gieo hạt, rải mầm. Chúng tôi có những ngày trọn vẹn bên nhau. Tôi luôn bên cạnh anh như bình minh xung quanh mặt trời. Bức chân dung về anh trong tôi có thêm nhiều đường nét. Thế giới dường như chỉ có anh và tôi. Chúng tôi xây nhà, dệt mộng, quay cuồng trong vũ khúc tình yêu, khát vọng và ngông cuồng của tuổi trẻ.

 

Thời gian làm chính chắn khái niệm tình yêu chúng tôi dành cho nhau. Thời gian, dù là thời gian của cái “thuở ban đầu lưu luyến” khi vạn vật chỉ là trời xanh, là bóng mát, cũng khiến tôi hiểu ra nhiều điều về anh. Có ngày, tôi chợt nhận ra anh không hẳn luôn là ngọn gió. Có những lúc lá rừng rủ rê, anh nhất định không bay. Anh không thích tiếng xào xạc. Như hôm nay, anh khắt khe nhìn đám lá vàng rủ nhau lìa cành. Anh thờ ơ nhìn ánh hoàng hôn của ngày. Tôi nói trong sự từ giã có cái đẹp của sự từ giã. Ánh vàng cuối ngày là khởi điểm cho màn đêm bao dung. Anh không đồng ý, nói tôi vớ vẩn. Tôi giận, nhưng nghĩ đến lời dặn của bà ngoại, tôi nhận mình vớ vẩn. Sau đó lẻn vào bàn giấy lấy chân dung của anh ra, nhìn ngắm, tôi đặt bút sửa lại cho mái tóc anh bớt bồng bềnh.

 

Tôi sanh bé Nhi vào đầu thu. Khi bác sĩ chúc mừng chúng tôi có con gái, tôi nuốt xuống cái nghẹn bất chợt dâng lên trong cổ khi nhận thấy nỗi thất vọng lộ liễu trong mắt anh. Chiều hôm đó, nằm trong phòng bệnh viện nhìn xuống con đường tràn ngập đám lá vàng, nghe bước chân anh đạp trên những ngọn lá khô, tôi nghe như tiếng dẫm trong tim. Ngày hôm sau anh đón tôi và bé Nhi về nhà, tôi im lặng suốt ngày. Tôi không cầm được lòng lại lấy bảng vẽ ra sửa lại nụ cười của anh cho bớt giống nụ cười ông ngoại. Bà ngoại đến, tôi thì thầm với bà, anh không giống ông Ngoại. Bà nhìn tôi chăm chú không hiểu tôi có ý gì. Tôi làm thinh không giải thích. Lần đầu tiên trong đời, tôi đối diện với một nỗi cô đơn kỳ lạ. Như thể thế giới này chỉ đơn độc mình tôi. Cả bà ngoại vạn năng cũng không thể lọt vào trong tâm hồn tôi nữa.

 

Cuộc sống của chúng tôi qua nhanh. Lúc nắng, lúc mưa, lúc ngọt, lúc đắng. Chàng thanh niên nhẹ nhàng như ngọn gió trong anh đã lột xác thành người đàn ông của cây cổ thụ, chọn vùng đất cố định đâm sâu gốc rễ, hình thành những tàn cây dài rộng phủ bóng xác định bóng mát cho riêng mình. Tôi cũng đem lại cho anh nhiều bóng mát. Ngày tôi sanh thằng Cu, tôi gặp lại bầu trời mênh mang trong mắt anh, nghe tiếng gió reo trong lòng anh. Lòng tôi lẫn lộn vui buồn, không biết mình đang cưỡi cơn sóng của Mẹ hay đang sống với định nghĩa đàn bà của Ngoại. Tôi thấy anh mở ví ra nhìn tấm hình của Bố anh. Tôi cảm động, dặn lòng mình sẽ tiếp tục vẽ bức chân dung của anh.

 

Đời sống và công việc chúng tôi suông sẻ. Bản tính làm việc tới nơi tới chốn và những đam mê xây dựng của anh cùng với sự hỗ trợ của tôi khiến chúng tôi lập nghiệp dễ dàng. Khi bé Nhi lên 6 tuổi, ngày sinh nhật con, như để chuộc tội với mẹ con tôi, anh tặng bé Nhi căn nhà kính be bé, rồi anh bất ngờ có quà cho tôi. Anh mở cặp táp đưa cho tôi tấm ảnh căn nhà kính khung sắt cao lồng lộng ngay sát bờ biển, và giấy tờ anh mới ký giấy mua căn nhà. Tôi chưng hửng không xác định được cảm xúc, thấy cái cảm giác ngộp đang dâng lên trong lồng ngực, như đang bị ai đó nhận chìm. Hồi chọn căn nhà trên dốc núi, tôi có nói với anh tôi muốn ở thật cao, thật xa biển, xa những cơn ác mộng. Tôi chưa kịp phản ứng, anh đã có vẻ giận thấy tôi không mừng rỡ.

 

Ngày tạm biệt căn nhà cuối con dốc, tôi cố nấn ná chờ đợi tia nắng vàng cuối ngày. Gió rung cành phong già trước nhà gần như đã trần trụi. Đám cành cây rùng mình rủ bỏ những ngọn lá cuối cùng chuẩn bị đón mùa đông. Lòng tôi rưng rưng chuyển mùa. Sự lưu luyến, bịn rịn của tôi làm anh cáu tiết, anh nhấn gas phóng xe vù khỏi con dốc, để lại những đám bụi mù tung theo đám lá khô. Tự cảm thấy mình có lỗi, tôi nuốt xuống cái mặn chát trong cổ, tựa đầu vào vai anh làm huề. Tôi tự nhủ sẽ nghe lời Ngoại, sẽ học yêu ý thích của anh, yêu căn nhà kính đen khung thép màu chì anh tự quyết định dọn chúng tôi vào.

 

***

 

Từ ngày dọn về căn nhà sát bờ biển, chân dung của Bố thường xuyên đến trong giấc mộng hằng đêm. Có lần, tôi mơ thấy Bố Mẹ và hai bà cháu cùng đang ở trên thuyền dưới bầu trời mênh mông ngút bờ. Trời nổi cơn giông tố, Ông nổi giận quẳng mẹ xuống biển. Bà ngoại ôm chặt tôi vào lòng. Trong trận cuồng phong, hình ảnh anh xuất hiện, mờ ảo... Tôi thức dậy không dám trở về với giấc ngủ. Tâm thần tôi ngày càng bất ổn. Còn anh, gió biển bốc anh lên cao ngút trời, như cánh diều lướt theo hướng gió, anh hứng khởi tung bay. 

 

Ngày thằng Út chào đời hai năm sau, anh đang ở Á Châu lo mở rộng công việc làm ăn. Độ này, anh ít khi ở nhà, hơn nửa thời gian ở nước ngoài, nửa còn lại anh bận rộn công việc. Anh không có thì giờ với sách vở, nói gì đến thời giờ cho mấy mẹ con. Bà Ngoại tỏ ý lo ngại, còn tôi, lẫn lộn với cảm xúc, tôi cố gắng phớt lờ tập trung vào con cái, nhà cửa, thỉnh thoảng giúp công ty lo công việc sổ sách, giấy tờ. Cuộc sống của chúng tôi ngày càng lạt lẽo. Anh giận dữ thấy tôi không biết vui với niềm vui của anh. Tôi khổ sở nhìn chân dung anh mỗi ngày mỗi xa lạ.

 

Đời sống chung của chúng tôi là hai đời sống hoàn toàn riêng biệt. Mọi gắn bó đều không còn. Anh đi, anh về, anh ngủ, anh thức, anh ăn uống, anh nói điện thoại, anh cười, anh xem truyền hình... tất cả đều không liên quan đến tôi. Thoạt đầu tôi hờn tủi, quay quắt, ghen tuông, giận dữ, rồi sau đó làm hoà với anh, đúng hơn là làm hoà với chính mình. Tình cảm có thể nguội lạnh, nhưng sao có thể bỏ cuộc, làm sao có thể để cơn sóng nhận chìm? Tôi cảm giác có lỗi khi nhận ra sự thờ ơ, bàng quang trong tình cảm của chính mình. Nhưng khi tôi nhẹ nhàng hơn, anh lại thân thiện hơn. Chúng tôi sống bên nhau không có hơi thở của hiện tại, sống bằng dư vị của tình yêu ngày cũ với hy vọng hàn gắn cho ngày sắp tới.

 

Chân dung của anh mỗi ngày mỗi mạnh mẽ. Chưa đến tuổi 40, anh đã là ông chủ của một công ty trên trăm nhân viên, có văn phòng ở Á Châu và Âu Châu. Anh cường tráng từ thể xác đến cái đầu, với kinh nghiệm dày dặn, kiến thức ngày càng xa rộng. Chỉ có ngọn lửa thôi thúc vào đời ngày nào hình như đã tắt ngúm, thay vào đó là một nụ cười tự mãn. Tôi gắng đến mấy cũng không làm sao vui với niềm tự mãn của anh. Anh đã đạt đến đích trở thành “somebody”? Tôi đã chẳng có lần hứa với anh ước mơ của anh là ước mơ của tôi đó sao?

 

Băn khoăn, khó chịu, dày vò, thật ra, tôi biết mình đang ở trong trạng thái phủ nhận. Tôi biết rõ cái nguyên nhân đẩy anh ra xa tôi. Biết rằng đơn vị cân đo sự thành công của anh và tôi đã nằm ở hai đầu thái cực. Anh đo bằng cây thước phù phép của Bố; tôi cân bằng cán cân tình yêu và hạnh phúc trong lòng ông ngoại. Cho nên từ bao năm nay, tôi không dám lấy bức chân dung dở dang của anh ra, dù chỉ để nhìn ngắm, e sợ sẽ thấy chân dung Bố ẩn hiện.

 

***

 

Buổi sáng mùa hè, biển hiền hoà bình lặng, từng con sóng lấp lánh tiếp nối nhau nhẹ nhàng ôm lấy bờ. Bé Nhi và hai thằng Cu lăng xăng rượt nhau trên cát. Tôi nghe tiếng cười dòn của các con. Mặt trời thả tia nắng ấm áp vào lòng. Lần đầu tiên tôi cảm được cái mặn cái nồng của làn gió biển.

 

Mới sáng nay, khi đáp máy bay từ Thái Lan về, anh gọi từ phi trường hẹn chiều nay sẽ về đưa tôi đi ăn tối. Tôi hỏi hờn ăn mừng điều gì mà nghe lòng rung động. Cái cảm giác máu dồn nhịp tim thời mới quen nhau. Có thật là anh nhớ kỷ niệm 20 năm ngày cưới?

 

Lùa đám nhóc vào nhà, cái vali của anh nằm chắn ngay phía trước. Thằng Cu vấp chân đá cái vali tung toé. Thu nhặt xếp gọn vào vali trở lại, một tấm ảnh lớn nằm áp sàn nhà. Tôi nhặt lên, nhìn sững vào tấm ảnh mà nhìn thấy toàn cảnh phía bên kia bờ đại dương. Cũng trời xanh, cũng nắng vàng, cũng bờ cát trắng, hình ảnh anh ôm vai cô gái nhỏ nhắn có màu da muối mặn, hai bên là hai đứa bé trạc tuổi thằng Út giống anh như khuôn đúc, đang lôi tay hai người. Gió thổi mái tóc anh bồng bềnh. Chỉ khác là tôi thấy trên mặt anh có nụ cười tươi. Mắt anh có bầu trời, có mặt hồ in bóng, lung linh ánh lửa anh nhen nhúm ở bên kia bờ.

 

Tôi xếp gọn mọi thứ, trả tấm ảnh ngay ngắn vào vali. Tối hôm đó, anh ngọt ngào đến lạ lùng. Anh đưa tôi đến quán vỉa hè ngày xưa hai đứa thường hẹn hò. Trong men rượu, anh cầm tay tôi nói lời xin lỗi. Anh xin lỗi đã đánh mất “bọn mình”, đã đánh mất chính anh. Anh xin lỗi đã không giữ lời hò hẹn, đã không gieo cho tôi hạnh phúc. Anh hứa sẽ để tôi có dịp vẽ nốt bức chân dung của anh. Anh nói rất nhiều, tôi nhận ra cơn gió sôi nổi ngày nào. Tôi gặp lại ngọn lửa trong mắt anh dành cho tôi. Cũng ngay trong khoảnh khắc đó, ngọn lửa trong tôi chợt nguội lạnh. Bức họa chân dung anh bỗng mờ nhạt, trắng xoá. Tôi chợt nghe và hiểu lời bà ngoại nói ngày nào: “Ông ấy có nhiều bộ mặt, nhưng không có chân dung.”

 

Đêm đó, trăng lên đưa thuỷ triều lên cao.Trăng sáng cả vùng trời, tôi thấy khuôn mặt anh nhẹ nhàng, hiền hoà trong giấc ngủ. Có lẽ anh đang thật sự gặp lại giấc mơ ngày xưa. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình tỉnh thức, hiểu rõ hơn bao giờ, từ bao năm nay, tôi đã không giống mẹ dám cưỡi cơn sóng cao. Tôi ngồi dậy lấy tấm chân dung dở dang của anh ra ngắm nhìn lần cuối. Và tôi bắt đầu bôi xoá...

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 2598)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5530)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 6498)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
15 Tháng Tư 202410:16 SA(Xem: 233)
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả, Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò.
15 Tháng Tư 202410:12 SA(Xem: 604)
đời đã một lần ta có nhau / thời gian sương trắng nhạt phai màu / tóc xanh ngày mộng nào xa ngái / rồi bỗng chìm quên trong mắt sâu
15 Tháng Tư 202410:04 SA(Xem: 611)
Cạn đêm vàng võ mảnh sầu Bạc vương nhánh tóc áo nhàu dung nhan Còn chăng ta với nồng nàn? Đếm xanh xuân rụng vơi tan cuộc người
15 Tháng Tư 20249:48 SA(Xem: 602)
Sài gòn buổi sáng ngồi một mình Cây cao đường vắng phố lặng thinh Người phu quét lá gom từng lá Chiếc lá vàng khô hết nhục vinh
15 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 510)
Thế nào gọi là tiểu-thuyết-mới (Nouveau Roman). Đó là câu hỏi của những người chuyên viết về tiểu thuyết và những người thường đọc tiểu thuyết. Giữa hậu bán thế kỷ XX; một phong trào văn chương thuộc thế hệ trẻ Pháp như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute, Pierre Bourdier…được tung ra giữa “thị trường” văn học thời ấy vào đầu thập niên 1962,cái gọi là Tiểu-Thuyết-Mới, lập tức phong trào nầy được khám phá ngay, không những ở Pháp mà ngay một vài nước khác trên thế giới,Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng phong trào thời thượng lúc đó, kể cả bộ môn nghệ thuật khác, tuy không rực rở nhưng đã hội nhập được với trào lưu thời bấy giờ…
14 Tháng Tư 202411:29 SA(Xem: 695)
đã tháng tư rồi ... mây vẫn bay nước xuôi dòng cũ … ngày qua ngày đôi khi cứ tưởng là trong mộng một triệu vui buồn cuộc đổi thay *
14 Tháng Tư 202411:02 SA(Xem: 432)
- “Chiều nay chị nhớ về thăm mẹ, chị vắng năm mười ngày lại nhắc. Hổm rày, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngõ sau, dáng như chờ đợi ai!”. Chị em cô Hai tình cờ gặp nhau trên bến sông, lúc cô đang bưng rổ cá từ thuyền lên bờ. Thoáng nghe em trai nhắc nhở về mẹ, tay cô trĩu nặng và lòng nhói lên nỗi niềm sâu kín, lặng nhìn một hồi lâu về bên kia sông, nơi có tuổi thơ cô và với bao người sướng vui buồn khổ đến rồi lại đi như dòng nước lớn ròng của dòng sông quê mẹ. Càng có tuổi người ta có nhiều hồi ức về thời xa xưa, có khi sống với nó hàng giờ như kẻ mộng du.