- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mạn Đàm Văn Học H L 94

17 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 7484)

Một sao rụng

 

HENRI TROYAT (1911-2007)

MỘT NGÀY KHÔNG PHÓNG BÚT LÀ MỘT NGÀY MẮC TỘI

 

Ông là một trong những nhà văn Pháp được ưa chuộng nhứt thế kỉ XX. Ông vừa qua đời giữa đêm 2 tháng 03/2007, nhưng chỉ được thông báo hai ngày sau - để lại cho đời một sự nghiệp đồ sộ khác thường. Được tôn vinh như một thần tượng lúc sanh thời qua cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc vào năm 1994, vậy mà từ bấy đến ngày nhắm mắt chẳng hề nghe thấy ông ngây ngất bởi tiếng tăm lừng lẫy của mình: 

«Thành công chưa hẳn là có ý nghĩa lâu dài, vĩnh cửu. Tôi không nói ngoa đâu: thuở nhỏ tôi đã từng chứng kiến cảnh gia đình mình, vù một cái, mất trọn hết địa vị, tiếng tăm, và tài sản. Tôi không hề quên bài học sâu sắc đó. Nên mải kiên trì trước tác trong bóng tối mà thôi. (…) Tôi chỉ muốn làm một nhà văn biết kể chuyện, biết tạo nên tình tiết, vẽ nên cảnh trí, khắc nên nhơn vật. Không cần tới thủ thuật đánh trống rao hàng để nổi danh.

Một tấm gương cho số nhà văn trẻ mới vừa nổi danh, ở bên này cũng như ở bên ta. (1)

Gốc Nga

Khi Lev Taraxov (L.T. hệt như chữ cái của Lev Tolxtoï) mở mắt chào đời ngày mùng 1 tháng 11 năm 1911 (toàn là số 1) ở Maxcơva trong một gia đình doanh nhơn giàu có vào loại bực nhứt ở nước Nga thời Hoàng đế Nicolas đệ nhị (1868-1918). Rồi khi cách mạng tháng Mười bùng nổ năm 1917, gia đình đương nhiên buộc phải di tản, phiêu bạt ròng rã ba năm trời. Lận đận khắp mọi miền châu Âu, nay đây mai đó, từ Cápca tới Krưm, vượt sang Thổ nhĩ kì, Italia. Mấy năm trời khổ cực, khốn đốn, quá giang khi thì trên toa xe lửa chở súc vật khi thì dưới hầm tàu thủy hàng hóa chất chồng, để cuối cùng dừng chơn ở thị xã Neuilly, ngoại thành Paris. Cậu bé bấy giờ chỉ lõm bõm vài ba câu tiếng Pháp học lóm, vậy mà cũng được nhập trường.

«Mặc cả tình cảnh bỏ nước và xa xứ, ông kể, tôi vẫn còn nhớ rõ thời thơ ấu trước kia, đẹp và vui biết mấy. Tuy vậy những điều khiến tôi lấy làm kinh ngạc và thán phục hơn hết thảy đều dính tới Paris. Bởi nơi đây chúng tôi may mắn được cư ngụ cạnh bên một công viên rộng lớn là khu vườn Tuileries, bọn con nít tha hồ vô đó tung tăng chạy giỡn thoải mái, nên trong con mắt trẻ thơ của tôi bấy giờ, Paris xuất hiện như một bầu trời tuyệt diệu. Rồi tới khi đi học, hấp thụ một nền văn hóa và văn học kiệt xuất, nên bị cuốn hút ngay liền. Chơi thân với bạn bè Pháp và chắc vì trẻ tuổi hơn anh chị mình, nên tôi hội nhập xã hội ở đây mau lẹ hơn họ.»

Bị nhiễm văn chương ngay từ thuở mới tuổi 12, nhờ đọc thiên trường giang tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình (1865-1869) của Lev Tolxtoï (1928-1910), tác phẩm đã khiến chàng thiếu niên mới vừa sạch mũi này «khâm phục» sát đất, cố công bắt chước, nhại theo. Thế là Lev Taraxov bắt tay thử bút khi thì bằng tiếng Nga khi thì bằng tiếng Pháp, đầu óc lúc nào cũng đầy ắp nhơn vật theo kiểu thần tượng của mình, tình tiết, đối thoại cóp nhặt qua những điều mắt thấy tai nghe hoặc hoàn toàn tưởng tượng, bịa đặt.

Sau trung học, Lev Taraxov bấm bụng bỏ ngang trường Mĩ thuật đang theo dõi, bước vào đại học hành chánh để kiếm ăn. Đậu bằng cử nhơn luật năm 1933, được tuyển vô Préfecture de la Seine (Thị chánh vùng Seine, bấy giờ gồm cả thủ đô Paris) sau khi đã vô quốc tịch Pháp và đi quân dịch, lo phần ngân sách. Ông nhớ lại: «Mấy năm trời sờn da cùi chỏ viết loại báo cáo chán ngắt về đèn đúm đặt trong nội thành, về thâm thủng ngân sách ở sở xe điện và về đủ mọi thứ việc chẳng dính dáng gì tới văn chương chút nào.»

Nhưng cũng nhờ đó mà chàng thanh niên bắt lấy cơ hội kín đáo cầm bút, (tự) học viết văn theo cách tả chơn kiểu Émile Zola (1840-1902 – tác giả nhiều bộ tiểu thuyết tả thực) và nhứt là kiểu Gustave Flaubert (1821-1880 – tác giả truyện Madame Bovary, Bà Bovary, 1857, là loại tiểu thuyết tâm lí gốc). Ông giải thích: «Hồi ấy, tôi nghĩ kiếm được một phương pháp tạo lập văn phong cho mình một cách hữu hiệu. Như vầy đây: tôi đọc một đoạn văn dài của Flaubert, rồi viết lại trong đầu. Sau đó, so sánh đoạn viết lại với nguyên tác, cố tìm hiểu tại sao câu văn của mình thua xa đoạn văn đã đọc của Flaubert.» Kết quả là cuốn tiểu thuyết đầu tay Faux jour (Ánh sáng nhá nhem - 1935), bất ngờ trúng giải Populiste (Đại chúng) rất có tiếng thời ấy: ban giám khảo tuyên dương khía cạnh hiện thực lãng mạn của tác phẩm. Tác giả không kí tên thật mà lấy bút danh thuận tai để độc giả khỏi tưởng lầm là truyện «được dịch từ tiếng Nga»: Henri Troyat.

Và kể từ đây khai mào một sự nghiệp văn chương linh động suốt thời gian dài ngót ba phần tư thế kỉ. Trong thời gian này, năm nào cũng có vài ba tác phẩm kí tên Henri Troyat ra đời, và đó là không nhắc tới (rất nhiều) di cảo viết tay (ông không dùng máy vi tính) còn nằm trong ngăn kéo.

Sự nghiệp đồ sộ

Tương tợ vóc dáng của đương sự vốn rất cao lớn, sự nghiệp của Henri Troyat quả thật đồ sộ - khiến chúng tôi không khỏi nghĩ tới nhà văn lão thành Tô Hoài cũng hồ chừng như vậy. Khai mào với tác phẩm đầu tay Faux jour xuất bản năm 1935 nói trên, Henri Troyat mải đeo đuổi sự nghiệp, không ngừng nghỉ cho tới tận cuối năm 2006 với tập tiểu sử Boris Paxternak dày cộm do Nxb Grasset ấn hành - Boris Paxternak (1890-1960) là nhà thơ nhà văn li khai Nga, giải Nobel văn chương 1958, bị chánh quyền Liên xô không thôi trù dập. Tròn bảy thập niên qua, Henri Troyat đã cho ra đời hơn 100 tác phẩm (hệt như Tô Hoài), đa dạng, nhưng tập trung trong các thể loại tiểu thuyết và tiểu sử.

Truyện và tiểu thuyết

Gồm truyện dài, truyện ngắn và trường giang tiểu thuyết. Tuy các tập truyện xuất bản vào giữa thập niên 30 thế kỉ trước, chẳng hạn như mấy cuốn tiểu thuyết Gandeur nature (To như thật), Le Vivier (Trường nuôi), Le mort saisit le vif (Bắt sống xác chết) và đặc biệt cuốn L’Araigne (Sa lầy - chơn dung một kẻ bất toại ; trúng giải Goncourt 1938) đều được giới phê bình danh tiếng bấy giờ là Émile Henriot, André Rousseaux, Auguste Bailly và nhiều nữa hết lời ca ngợi - cũng phải đợi tới khi các bộ trường giang tiểu thuyết phát hành liên tục trong thời gian ngót hai chục năm sau Henri Troyat mới thật tình được đông đảo độc giả nồng nhiệt đón chờ, biến ông thành một trong những nhà văn ăn khách nhứt hiện thời. Chúng ta cần điểm qua các tác phẩm dài hơi này: Tant que la terre durera (Cho tới khi trái đất còn xoay vần, 1947-1950), Les Semailles et les Moissons (Gieo giống và gặt hái, 1953-1958), La Lumière des justes (Hào quang, 1959-1962), Les Eygletière (Nhà họ Eygletière, 1965-1967) và Les Héritiers de l’avenir (Kế thừa tương lai, 1968-1970), những bộ tiểu thuyết đã đặt ông đứng hàng đầu trên văn đàn Pháp đương đại.

Sách tiểu sử

Bên cạnh truyện và tiểu thuyết, sở trường thứ hai của ông là sách tiểu sử. Henri Troyat giải thích say mê đó của mình như vầy: «Sau khi gia công dùng đủ mánh khóe để lôi kéo độc giả tin mọi tình tiết do chính mình bịa đặt (…), sau khi đã sáng tạo huyền thoại này hư cấu nọ một cách võ đoán (…), tôi chợt cảm thấy mình cần trở về với thực tại, cần theo sát tư liệu cùng dữ kiện trình thuật - nói một cách khác là quay trở về với cuộc đời có thật.» Thế nên, trong thời gian dài hơn nửa thế kỉ, từ năm 1940 đến ngày nhắm mắt, ông không ngừng miệt mài soạn thảo nhiều tập tiểu sử của các nhơn vật lịch sử và văn chương. Nhưng cho dầu bàn tới nước Nga thời quân chủ như trong các tập Catherine la Grande (Nữ hoàng Catherine đệ nhị - 1977) và Alexandre 1er (Alexandre đệ nhứt - 1985), hay miêu tả cuộc đời các đồng bào đồng cánh với mình như trong các tập Doxtoïevxki (Đoxtoïevxki - 1940), Pouchkine (Pouskin - 1946) và Tolstoï (Tolxtoï - 1946), Tchekhov (Tsekhov - 1984) hoặc cuộc đời các đồng nghiệp đồng cảnh như trong các tập Flaubert (Flaubert - 1988), Maupassant (Maupassant - 1989) và Zola (Zola - 1992) - các tập tiểu sử dày cộm này đều mang một mẫu số chung: tác giả biết cách vạch ra ánh sáng cả mặt trái của nhơn vật thường bị che khuất trong bóng tối, để khắc họa những bức chơn dung vừa chánh xác vừa phức tạp.

Nhà văn khác thường

Khác thường ở chỗ đương sự là nhà văn trẻ nhứt đoạt giải Goncourt, khi mới vừa 27. Là viện sĩ ít tuổi nhứt khi được bầu vô Académie Française (viện Hàn lâm Pháp) vào năm 1959, lức mới 48. Trước khi qua đời, ông là viện sĩ thâm niên nhứt, 47 năm, và cao niên nhứt, 95 tuổi. Cộng thêm một sự nghiệp văn chương đồ sộ, hơn 100 tác phẩm, liệu có nhà văn nào tập trung ngần ấy yếu tố khác thường như vậy trước khi nhắm mắt? (2) Nhà văn lão thành Maurice Druon, cũng là viện sĩ Hàn lâm Pháp như ông, viết lời điếu đồng nghiệp của mình như sau:

«Henri Troyat có tài kể chuyện bẩm sanh, chuyện có thật cũng như chuyện hư ảo. Tựa hồ chỉ sống cho mỗi một việc đó mà thôi. Một ngày không phóng bút đối với ông là một ngày mắc tội.»

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

Paris, 6/03/2007

(1) Xem Trần Thiện Đạo, Hiện tượng Michel Houellebecq - Văn chương hay «đánh trống rao hàng?» (Thể thao và Văn hóa, số 91, ngày 30-8-2005). Còn ở bên ta, xin được miễn bàn.

(2) Xem thêm Cây đa trong nền văn học Pháp hiện đại: Henri Troyat, trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ - những nụ cười giòn (Nxb Hội nhà văn - 2004), tr. 283-287.

 

Góc nghĩ

 

LẠC LÕNG GIỮA LÒNG ĐẤT NƯỚC

 

Hơn nửa thế kỉ xa rời quê hương, rồi nay bỗng quay gót trở về nơi chôn nhau cắt rún. Nơi đã trải qua hai cuộc chiến khốc liệt, đã đổi thay thể chế chánh trị. Tất đổi thay tinh thần, đổi thay nếp sống và cả lời ăn tiếng nói. Nơi có trên 83 triệu người chen vai sát cánh, ngót bốn lần so với thời hắn ra đi. 70%, vâng, bảy chục phần trăm dân số sanh sau tháng tư 1975. Vậy thì làm sao mà hắn không khỏi cảm thấy lạc lõng giữa lòng đất nước này. Bơ vơ như trẻ mồ côi, bỡ ngỡ như người nước ngoài, sững sờ như cậu hoàng con mới từ hành tinh rớt xuống.(*) Cách ăn mặc, cách đi đứng, cách hành xử xa lạ, hay lạ lùng của hắn chắc cũng góp phần không ít cho cảm nhận đó. Nhưng xét cho cùng, thì đây chỉ là lớp bọc ngoài, có thể khiến hạng người nông nổi hời hợt cạn suy mà thôi.

Cảm nhận này thật ra bắt nguồn từ một sự thể nội tâm thầm kín, sâu xa hơn. Ngót trọn đời người ở xứ người, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, âm thổ quả tình khác biệt với những gì hắn hấp thụ trước đó, vài năm ngắn ngủi, từ khi mới ráo máu đầu tới lúc ra đi chưa tròn đủ 16. Rồi từ bấy không ngớt gia nhập, vâng, nhập vào xã hội mới, để sống còn, để lập nghiệp, để xây dựng gia đình. Ăn học, thành đạt, rồi hành nghề, giảng dạy ngót năm chục năm trời đằng đẵng ở xứ người. Tưởng chừng hóa thành tây. Cách ăn mặc, cách đi đứng, cách xử thế biến thành nếp giống y như tây - làm sao khác được, nhu cầu giao tiếp hằng ngày bắt phải vậy. Nhưng vẫn là lớp bọc ngoài. Nội tâm còn nguyên.

Có những kẻ, vừa lúc mới chào đời cho tới ngày nhắm mắt, chừng như không giây phút nào ngừng mang nặng trong lòng mọi tố chất làm nên tinh túy của một dân tộc. Họ sống ở đâu, hoạt động thế nào, họ vẫn cứ là họ, hiện thân cho mọi tình tự, mọi hi vọng, mọi lí tưởng của đất nước họ - nơi họ chôn nhau cắt rún. Da thịt họ, máu huyết họ, tâm tình họ tựa hồ đã thấm nhuần sông núi, ruộng đồng, cây cỏ, âm thanh chợt thấy, chợt nghe từ thuở xa xưa, thể như ruột gan đã nhúng chàm. Chắc hẳn hắn thuộc loại người này. Cho nên dẫu đã thuần thục môi trường sở tại, mà hắn vẫn cứ cảm thấy như mình tạm bợ qua ngày đoạn tháng. Lạc lõng nơi đất khách quê người. Hơn nửa thế kỉ cơm ăn, áo mặc, việc làm ở xứ người mà hằng ngày vẫn quan tâm tới thời cuộc trong nước, xã hội, chánh trị, văn hóa, nghệ thuật. Không phải một cách bàng quan, đứng ngoài mà nhìn. Mà trực tiếp bằng những đóng góp tinh thần, thuyết trình, khảo luận, dịch thuật, báo chí. Từ xa, và trong chừng mực khả năng của mình và thời thế cho phép.

Tâm trạng của hắn - đâu đâu cũng cảm thấy lạc lõng, ngay giữa lòng đất nước hay ở xứ người - dường như ngôn ngữ chúng ta không có một từ tập trung để chỉ định. Tiếng Việt, cũng như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây ban nha… người xa lạ, l’étranger, der Fremde, el extranjero… đều không diễn tả trọn vẹn hai mặt tâm trạng ấy. Khác với tiếng Anh-Mĩ chẳng hạn, qua thành ngữ quen thuộc the foreigner’s home, gồm chung hai ý là khách lạ ngay trong nhà mìnhnhà ở của khách xa.

Thành ngữ này mặc nhiên chứng tỏ rằng hắn không phải là trường hợp biệt lập.

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

Paris, 23/03/2007

----------------------

(*) Le Petit Prince (Cậu hoàng con - 1943), kiệt tác ẩn dụ của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944). Xem các bản dịch Cậu hoàng con của Trần Thiện-Đạo (Nxb Khai trí, 1964) Hoàng tử bé của Bùi Giáng (Nxb An Tiêm, 1971). cảo luận Ẩn tượng trong Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry - trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ - những nụ cười giòn (Nxb Hội nhà văn - 2003), tr. 214-227.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12261)
(Xem: 13796)
(Xem: 15071)
(Xem: 14650)
(Xem: 14641)
(Xem: 15244)
(Xem: 14080)
(Xem: 13836)
(Xem: 13864)
(Xem: 14758)