- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Marie Ndiaye, Ba Thục Nữ Giàu Nghị Lực

05 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 11805)
ndiaye-m-final_0_300x221_1

Giải Goncourt 2009:

Đúng như giới phê bình và độc giả mê văn học dự đoán, trưa ngày 2 tháng 11/2009 này viện Hàn lâm Goncourt đã chánh thức công bố giải thưởng hằng năm của mình cho nhà văn nữ Marie NDiaye, tác giả cuốn Trois Femmes Puissantes (Ba thục nữ giàu nghị lực - Nxb Gallimard). Ngay vòng đầu: năm phiếu cho Marie NDiaye, hai cho Jean-Philippe Toussaint, tác giả cuốn La Vérité sur Marie (Sự thật về cô nàng MarieNxb de Minuit) và một cho Delphine de Vigan, tác giả cuốn Les Heures Souterraines (Giờ khắc trong bóng tốiNxb Jean-Claude Lattès).

 Đây là lần thứ 10 trong số 106 lần tặng giải (nói cách khác: chưa đầy một phần mười), viện Hàn lâm Goncourt tôn vinh một nhà văn nữ. Tỉ lệ thấp kém này thật tình không phản ảnh đúng mức thực tế nhận thấy trong môi tường văn học Pháp đương đại: phái nữ chiếm đa số trong giới làm văn và người đọc. Có một sự thiên vị nào chăng về giới tánh trong các ban chấm giải từ hơn một thế kỉ nay?

Văn chương chữ nghĩa 

 Từ hai mươi lăm năm nay, Marie Ndiaye đã cống hiến cho độc giả chúng ta hơn mười cuốn truyện – không kể kịch bản và sách dành cho thanh thiếu niên. Tiều thuyết có, truyện ngắn truyện vừa (Pháp gọi là nouvelles) có, thảy đều nửa thực nửa ảo. Thuật nhiều câu chuyện đắm mình trong bầu khí kinh dị, mập mờ, huyễn hoặc, lạ kì. Bút pháp, văn phong khi thì bóng gió mỉa mai khi thì băn khoăn khắc khoải, hiện thực và huyền ảo không ngừng đan cài vào nhau. Khiến cho chúng tôi, chúng ta không khỏi nghĩ tới các truyện ngắn của Ngô Tự Lập, đặc biệt trong tập Mộng du và các truyện khác (Nxb Văn học – 1997).

 Sanh năm 1967 ở thủ phủ Pithiviers thuộc tỉnh Loiret, cách thủ đô Paris độ chừng 100 km. Cha gốc Xênêgal châu Phi - về nước bặt tin ; mẹ người Pháp - là nhà giáo, một mình gà mái nuôi con, hai đứa. Cả hai nay đều thành danh ý toại - Pap NDiaye, con cả, là nhà sử học chuyên trách vấn đề da màu, còn con em Marie NDiaye thì vào tuổi 12 đà ngọ nguậy viết lách. Năm năm sau, cô học trò vị thành niên gởi qua bưu điện bản thảo đầu tay của mình cho nhà xuất bản de Minuit, được ông giám đốc Jérôme Lindon (1926-2001) chú ý, thích thú đọc qua.

 Người ta kể rằng chính ông đã đích thân lái xe đến tận trung học Lakanal nơi cô đang mài đũng quần, kí hợp đồng với tác giả mới lên 17 này, rồi in ấn phát hành ngay liền tác phẩm đẩu tay Quant au riche avenir (Còn như tương lai xán lạn – 1985) của cô. Cuốn truyện được giới phê bình đón chào nồng nhiệt, hệt như, hơn ba mươi năm trưóc, họ đã hoan nghinh nhiệt tình cuốn truyện đầu tay Bonjour tristesse (Buồn thay thế sự - 1954) của Françoise Sagan (1935-2004) cũng mới vừa tròn 17 (1). Ngay sau đó, tác giả nhận được một bức thư khen ngợi của một độc giả chưa quen biết, nhưng sắp trở thành nhà văn là ông Jean-Yves Cendrey. Họ tâm đồng ý hợp với nhau, rồi thành vợ thành chồng. Cơ hội thúc đẩy Marie NDiaye quyết tâm dành trọn thởi gian cho nghiệp dĩ văn chương.

 Chỉ trong vòng hai mươi lăm năm, rìêng về số lượng, bà đã cho ra mắt độc giả và khán giả đếm có 12 cuốn truyện, 6 kịch bản, 3 tác phảm dành cho thanh thiếu niên. Còn về chất lượng, thì bà đã nhanh chóng trở thành một trong số rất ít nhà văn tầm cỡ, độc đáo, khác thường cùng thế hệ với mình. Độc giả đã ngưỡng mộ, ham chuộng kiệt tác Rosie Carpe (Rosie Carpe – Nxb de Minuit), giải Fémina 2001. Năm 2003, với vở Papa doit manger (Ba cần phải ăn uống), bà là kịch tác gia còn sống duy nhứt được Nhà hát quốc gia (Comédie Française) ghi vào tiết mục trình diễn của mình. Riêng cuốn La Diablesse et son Enfant (Con quỉ cái với đứa con mình) xuất bản năm 2000, thì được độc giả trẻ đọc ngốn nghiến, thích thú vô ngần.

Tác phẩm trúng giải

 Ba thục nữ giàu nghị lực, Trois Femmes Puissantes. Một nhan đề thoạt nhìn tưởng chừng là câu chuyện ba người đàn bà mạnh dạn, khỏe khoắn, xương cốt cứng cỏi. Nhưng không, ba nhơn vật Norah, Fanta, Khady thảy đều diễn hành trong những tình thế chẳng hay ho gì. Nhục nhã, sượng sùng, hổ thẹn, đắng cay, thù hận, giận dữ, đau xót… Cả ba thảy đều trải qua trạng huống đọa đày, tội tổ tông như đã nhúng chàm khó bề xóa sạch vượt khỏi.

 * Norah, một luật sư vào độ tứ tuần, rời Paris, bỏ lại gia đình, đồng nghiệp và công ăn việc làm, sang châu Phi thăm cha. Cuộc tái ngộ sau bao nhiêu năm trời xa cách giữa người cha và đứa con lần hồi diễn ra trong cảnh đau lòng, khi đứa con nhận thấy tánh tình bẩm sanh gian dối, vị kỉ, trí trá và cả tội tình của người cha. Thử thách đả phá lứa đôi, quan hệ con cái, kí ức, lí trí – tóm lại là cả cuộc đời của mình. Còn * Fanta thì, ngược lại, rời xứ sở Xênêgal theo chồng qua Pháp. Thế là nàng ủ rũ buồn rượi và lụi tàn, heo hắt ở tỉnh lẻ và trong cuộc sống tầm thường, eo hẹp, tẻ nhạt. Cô đâu có biết chánh xác nguyên cớ bắt Rudy, chồng mình, phải rời khỏi Xênêgal và buộc phải trở về Pháp. Rudy đâu có nói cho cô hay rằng hắn « đã đánh mất hết trơn danh dự Xênêgal từ lâu rồi. » * Và Khady, người gốc da màu, còn trẻ nhưng đã góa chồng. Bị gia đình nhà chồng ruồng rẫy, xua đuổi, buộc phải xa xứ vì nghèo đói, cô độc, tuyệt vọng. Quá giang với một nhóm người khác trong cuộc hành trình trốn chạy vô cùng tận, để rồi biệt vô âm tín. Lòng tham, bạo lực, phản bội là những thực thể mà kẻ lén lút băng qua biên giới đương nhiên phải gánh chịu.

 Cuốn truyện mang tựa đề là Ba thục nữ giàu nghị lực, nhưng trong câu chuyện, cả ba nhơn vật đều ngụp mình trong tình cảnh sa cơ lỡ vận, yếu đuối, mỏng manh, bị đè nén, áp bức hơn là tự lập, tự chủ, tự do vùng vẫy. Vậy thì đâu là nghị lực còn lại cho họ? Câu hỏi được chính tác giả giải đáp trong cuộc họp báo sau buổi lễ trao giải như sau: « Trong thâm tâm, tôi cho rằng, bất chấp đủ thứ trở ngại gặp phải trên trường đời, họ thảy đều có một nghị lực vững chắc và bền bỉ trong mình. Ngay cả con người xem chừng yếu ớt nhứt, bị bủa vây bởi vô vàn trở ngại khủng khiếp và tủi nhục, cũng không phẩn chí nản lòng, chỉ vì y thị là con người. Họ thảy đều có một cốt lõi kiên cố, bất diệt, biến họ thành kẻ có nghị lực, dẫu rằng, về mặt xã hội hay nghề nghiệp, họ chẳng có trong tay chút quyền lực nào. » Nói cách khác, những thua thiệt, thất bại, mất mát… mà các nhơn vật Norah, Fanta và Khady trải nghiệm phản ảnh bề trái và, đồng thời, chiếu rọi cho chúng ta trông thấy bề mặt của cuộc đời ẩn núp đằng sau tấm màn dầy đặc trường cửu. Hệt như nhà văn Pháp giải Nobel 1957 Albert Camus (1913-1960) đã giãi bày trong tác phẩm đầu tay L’Envers et l’Endroit (Bề trái và bề mặt – 1937). (2)

Phối hợp

 Ba thục nữ, ba câu chuyện riêng tư lồng vào nhau, hợp thành một cuốn tiểu thuyết. Cũng trong buổi họp báo nói trên, Marie NDiaye giải thích thêm: « Tôi tạo dựng tác phẩm này như một phối hợp nhạc điệu, nối kết qua một chủ đề chung. Chủ đề này là nội lực của ba nhơn vật. Norah, Fanta, Khady gắn liền với nhau nhờ ở khả năng của họ cùng chung một lòng kháng cự để sống còn. » Và phối hợp này được chuyên chở bằng một bút pháp trong như lọc và với một văn phong thanh tao trang nhã.

 Ít có giải thưởng nào xứng đáng hơn.

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 02/11/2009)

--------------------------

(1) Xem cùng tác giả: Phỏng vấn: Françoise Sagan dưới mắt chính mình (Trần Thiện-Đạo, Cửa sổ văn chương thế giới – Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, tr 195-213) và Vĩnh biệt Françoise Sagan (E-van, ngày 28/9/2004).

(2) Xem: Albert Camus, Bề trái và bề mặt (Trần Thiện-Đạo phiên dịch, giới thiệu và chú giải – Nxb Giao Điểm, Sài gòn 1967), hoặc Albert Camus, Tiểu luận – Giao cảm - Bề trái và bề mặt Nxb Văn hóa Thông tin, Hà nội 2004).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 96441)
Claude Lévi-Strauss, từ trần hôm nay thứ ba 03/11/2009, hưởng thọ 101 tuổi, là cây đại thụ đã thủ một vai trò quan trọng và rộng lớn trong nền văn học Pháp và thế giới hơn nửa thế kỉ vừa qua, từ giữa thế kỉ XX cho đến đầu kỉ XXI này.
28 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 11689)
Trần Thiện Đạo : MẠN ĐÀM VĂN HỌC
28 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12141)
Orhan Pamuk sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1952 ở Istanbul. Ông dạy văn và phê bình văn học, môn Comparative Literature, xin tạm gọi là Văn học So sánh, ở Đại học Columbia (Hoa Kỳ). Ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được trao giải Nobel văn chương năm 2006.
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12098)
Trần Mộng Tú là nhà thơ. Ta quen gọi như thế và dường như chị cũng thích gọi như thế. Thực ra, Trần Mộng Tú còn viết văn, không chỉ thỉnh thoảng viết cho vui, mà viết nhiều. Đặc điểm của Trần Mộng Tú: viết văn mà vẫn "hoài thơ". Thành thử văn của chị khi nào cũng lấm tấm thơ. Thay vì gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ/nhà văn, hãy gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ viết văn.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 12093)
Chưa từng có một bức thư tình nào mà bán chạy ở Pháp trong mùa thu hoạch văn học rentrée littéraire 2007 này bằng tác phẩm Thư cho em mới vừa được tái bản.
25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 11878)
NĂM MƯƠI NĂM LIÊN TỤC TRÊN SÂN KHẤU  Ngày thứ bảy 16 tháng 02 / 1957, lần đầu tiên chúng tôi chui vô rạp La Huchette, trong khu Latinh Paris quận Năm, coi vở kịch hài La Cantatrice chauve (Cô ca sĩ hói đầu - 1950) của Eugène Ionesco (1909-1994).
18 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9381)
HENRI TROYAT (1911-2007) MỘT NGÀY KHÔNG PHÓNG BÚT LÀ MỘT NGÀY MẮC TỘI Ông là một trong những nhà văn Pháp được ưa chuộng nhứt thế kỉ XX. Ông vừa qua đời giữa đêm 2 tháng 03/2007, nhưng chỉ được thông báo hai ngày sau - để lại cho đời một sự nghiệp đồ sộ khác thường.
12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 8930)
Nôm na mà nói thì là ăn cắp văn . Như nhà văn Võ Thị Hảo có lần đã lên tiếng : « Truyện của tôi bị ăn cắp trắng trợn (…). Tôi sẽ kiện đến tận cùng (…) » , khi tác phẩm Máu của lá của bà bị / được chép nguyên xi (chỉ thay đổi tên các nhơn vật) in lại trên tờ Văn nghệ...
03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 11588)
ALEXANDRE SOLJENITSYNE (1918-2008)Sanh ngày 18/12/1918 ở miền núi Cápca ranh giới châu Âu châu Á, Alexandre ( Issaïevitch) Soljenitsyne lớn lên ở thành phố Rostov bên bờ sông Đông. Học văn, sử, triết và toán.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 11459)
Thư của Người Lái (Thiêu), Bình (Dương).  Kính gởi Tạp Chí Hợp Lưu , Tôi là độc giả Hợp Lưu từ ngày còn ở VN, đến nay đã qua Mỹ vẫn không có gì thay đổi về lòng tin cậy đối với quý báo. Nay rảnh rỗi của dịp cuối tuần tháng 9, đọc lại những số cũ của năm qua thấy có những bài rất hay, cụ thể Hợp Lưu số 88 (Tháng 4&5 2006) như bài viết của Phan Nhật Nam về " Những Người Viết Nên Thơ" .