- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Radio Mùa Hè – Thơ Phan Nhiên Hạo

02 Tháng Sáu 202010:06 CH(Xem: 18700)
radio mua he

Radio Mùa Hè - thơ Phan Nhiên Hạo


Trưa thứ Bảy mở thùng thơ, cuốn Radio Mùa Hè, thơ Phan Hiện Hạo, đến đúng lúc tôi đang suy nghĩ ngày mai sẽ đọc gì. Thú thật là bìa và tựa sách đã thấy qua đâu đó có lúc khiến tôi tò mò chú ý, có lẽ vì mình đã đọc và quen thuộc với lối “phát sóng” trên băng tầng này, cũng có lẽ mùa cách ly, con người thèm phiêu lưu đến những vùng miền nhiễu âm.

 

“Te te... tò tí te...

Good morning, anh chị em thủng nhĩ.

Đây là tiếng nói cô đơn,

Phát thanh từ nước Mỹ,

Giữa đồng bắp miền Trung Tây,

Trên băng tầng lưu vong không hối tiếc.”

 

Tôi ngừng đọc. Lắng nghe. Đã từ lâu tôi có một thói quen xấu, khi đọc thơ trí não tôi tự động phân loại rành rọt. Một: loại thi ca gây cho mình cảm hứng. Hai: loại không gây cảm hứng nếu không muốn nói làm mình mất hứng.  Vậy mà lật tới lật lui, đọc đi đọc lại, tật xấu không nổi lên. Thay vào đó tôi thấy mình chăm chú lắng nghe.  Tôi trở lại lần tay trên bìa sách, khoảng trắng với những vân vạch to nhỏ ngắn dài của biểu đồ tần số như phát lên một âm thanh vừa rè đục vừa trong vắt. Ở một nơi chừng như trống rỗng trắng xóa, ý tưởng mọc lên giữa âm thanh nhiễu loạn. Và bài Radio mùa hè tiếp tục văng vẳng:

 

 “Hôm nay trời cứng

Sẽ ngỏng đến 37 độ C

Không mưa và ngột ngạt áp thấp

Vì những chuyện điên ở phía Đông.

 

Để cứu đứa con mình,

một người mẹ tự sát.

Hai người đàn bà truồng

Ôm ghì lấy thân thể đất đai.

Đám đông căng biểu ngữ trên cầu,

Tìm cách cứu dòng sông

nhưng  bị đạp xuống nước.”

 

Lời tường thuật dửng dưng ngắt quãng khiến người đọc không thể không liên tưởng đến cái mặt trái phi lý của sự việc, những mâu thuẫn, mối liên hệ được mất, ý chí và sự đầu hàng của con người, dù trong vô thức hay ý thức.  Lưu ý cụm từ “trời cứng sẽ ngỏng,” thủ thuật “incongruous juxtaposition” trong thi ca chăng, nhưng hiệu ứng của nó là cái hài, nhưng không phải cái hài dùng để chọc cười vô tội vạ, mà nói lên tính mâu thuẫn của đối tượng, một đối tượng chẳng có gì đáng cười.

 

Phía Tây vẫn bình thường:

Làm việc, ăn ít mỡ, lái xe

Qua những đường lòng vòng,

Đèn đỏ giúp quá trình rã tan chậm lại.

Cuộc đời là tảng băng,

Hao nhanh hơn ngày nắng.

 

Âm thanh tự lúc nào đã bắt sang hình ảnh chuyển động. Không thể chỉ lắng nghe nữa, mà phải nhìn, phải thấy. Cái mà chúng ta say mê gọi là cuộc đời, đi qua những  nẻo đường lòng vòng,  chậm lại,  ít nhiều, dài ngắn, trở về thực chất, một “quá trình rã tan”. Mới nghe như cụt ngủn, nhưng chỉ là bắt đầu, ngày nắng hao đi chính là lúc thơ xuất hiện, một cuộc đối thoại, ở đó mọc lên những chuỗi dài hình ảnh của một thế giới tư tưởng.

Qua những trang thơ, người đọc có thể tìm thấy khung cảnh, trạng thái, âm hưởng, tính chất, thời khắc, bằng thứ ngôn ngữ không thỏa hiệp, thậm chí hằn học, kinh tởm: 

 

“Đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt

trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt, ngập mũi

ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chặn, ăn cướp, ăn gian,

ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống

ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn

ăn tất tần tật

chỉ trừ ăn năn

ăn không sợ trả miếng.”

 

Nhưng giữa cái thời đại của “người sống ở nghĩa trang và người chết ngồi ở nhà hàng” này, con người vẫn “như bông hoa, tiếng mõ chiều”, vẫn “sống qua những thời khắc bị đầu độc / đến nỗi tình thương cũng gây dị ứng buồn.” , sống trong một “đất nước bụng trương”, một “thời đại bùn lầy / muốn làm người chúng ta phải ra đi.”

Dọc ngang suốt những trang sách là tâm trạng của kẻ phải bỏ nhà ra đi, lưu vong xứ lạ, những người dù “ăn mặc chải chuốt nhưng đứng ngồi lố nhố”, những người đang “ngậm ngùi một quê hương đã mất”:

“Hoang mang và phấn khích

Chúng ta đặt chân lên miền đất lạ

Không khí lạ, nhà cửa lạ, tiếng nói lạ,

Cầu tiêu lạ, người ta lạ,

mình là người lạ.”

Cầu tiêu lạ? Vâng, chữ nghĩa đôi khi như muốn gây sốc, nhưng thật đắt, và thi ca đã được dùng như con dao sắc rọc thủng bức màn hiện sinh cho ta thấy cái ẩn mật bên trong.

Phan Nhiên Hạo cũng nói đến những thay đổi, khó khăn, gầy dựng, giữa những ám ảnh và mất mát, trong hoài niệm về sự khốn cùng, bài ca của ý chí, hy vọng và tình yêu vang cao xa, những điều tuy cũ kỹ muôn đời nhưng luôn luôn nằm trong tâm thức kẻ khao khát sống. Sống như một con người:

“Chúng ta đến xứ sở này xa lạ

ra đi chưa hết lạ

nhưng không bao giờ thôi yêu mến

mặt hồ đại dương

căn nhà chở che hạnh phúc

lối mòn nhỏ ven rừng con ta bước tiên khởi tự do.

Đây là nơi chúng ta hàn gắn mình

Như thợ giày khâu vết thương há miệng

Sau đường dài ngập máu

sau đường dài ngập phân

sau chợ chiều cân xác chết chiến tranh

một triệu tiếng chuông không mua hết oan hồn.

Đây là nơi chúng ta sống đàng hoàng

và chết vào buổi chiều có cánh

bay về một xứ sở đã xa.

 

Địa lý của chúng ta ở giữa những kinh tuyến của u hoài

và triển vọng

lịch sử của chúng ta như mặt trống

đau đớn và âm vang

không bao giờ im lặng

không bao giờ sơn phết

không bao giờ lãng quên.”

 

Đọc Phan Nhiên Hạo, người đọc không cần phải thứ tự, có thể đọc bài chính giữa, trở lại bài đầu, lật bài sang trang, xuyên suốt những trang sách, người đọc có thể nhận thấy những nụ cười nhạt chen giữa sự nghiêm túc, thành thật. Thơ gọn, mực thước, cô đọng, không cần nhiều lời trữ tình, không ướt, nhưng đậm đặc thanh âm và hình tượng. Thơ anh hoàn toàn thoát ra khỏi cái “khẩu khí” hư ngụy từ chương giả trá vốn trì nặng thơ ca Việt Nam từ trung đại cho đến hiện đại. Và, không thể bỏ qua tính hài, mà ở đây, phải được hiểu là tính mâu thuẫn của sự vật được nhìn qua lăng kính thi ca:

“Nhìn xuống quá nhiều cầu tiêu mỗi ngày

sau cùng bạn thấy như loa

lải nhải bài ca bốc mùi

về sự khốn cùng và hy vọng.”

 

Đọc Phan Nhiên Hạo đến bài thứ tư, thứ năm, người ta sẽ nhận ra sự thú vị bất ngờ. Thơ anh không làm cho người đọc ủy mị, mơ mộng, ngược lại, thơ anh khiến người đọc thấy mình sáng suốt, tỉnh táo, như người lái xe vừa qua khỏi một khúc đường quanh co sương mù, những điều thường lệ bấy lâu khuất mắt bỗng hiển hình rõ nét, chân thể như bản chất nguyên thủy chính nó. Như bài “cá trong giếng”:

 

“Khi con nhỏ em họ tôi

câu cá rô, chiên giòn

còn vài con thả giếng,

nước đục và không sâu

nó nói: “Đây là những con cá may mắn.”

 

Nhưng mỗi ngày

Hàng chục lần gàu sắt

giáng xuống,

tôi biết đây là địa ngục trần gian

của những kẻ sống sót.” 

Đọc thơ Phan Nhiên Hạo, tôi nhận ra mình, tôi gặp lại quê hương của tôi, thành phố của bạn bè tôi, nghe được tiếng “trời mưa từ sáng đến chiều”. Thơ anh mang thông điệp của một người đã qua bên kia bờ dòng sông, vẫn ngụp lặn tìm, những buổi sáng tỉnh dậy ở bên này, lồng ngực vẫn đầy những xáo động từ giấc mơ đêm qua bên kia. Thơ anh đưa tôi trở về những ngày còn ở lại, những buổi sáng bị cổ động tập trung ở quảng trường tập thể dục buổi sáng, nơi “Âm nhạc trở nên nhọn như tên / mỗi ngày bắn ra từ loa sắt ; xuống những mái nhà, đường phố, cỏ cây, đồng ruộng / đình chùa, bữa ăn, giấc ngủ / khoảnh khắc yêu nhau vợ chồng ọp ẹp / giây phút linh thiêng kẻ sắp lìa đời.” 

Đọc Phan Nhiên Hạo để nhớ về một quê hương có những trang sử cần được viết lại từ những người sống và chứng kiến ngày “Xe tăng T54 thủ dâm trước dinh Độc Lập / thụt thụt nhiều lần lên thảm cỏ xanh / sướng ngất trong cơn co giật / sốt rét.” Đọc Phan Nhiên Hạo cũng để quên đi hướng tới “Nhìn con cái mình lớn lên / chúng ta bồi hồi tương lai giống Tiên Rồng khỏe mạnh / nở trứng xứ người / và ngậm ngùi một quê hương đã mất. Những con đường đã mất, xe đạp xanh đã mất / mùa hè hoa phượng đỏ Komtum đã mất / sông đã mất rồi biển sẽ mất.” 

Đọc thơ anh để thấy chặng đường dài thế hệ chúng tôi đã đi qua tuy không hiển vinh, nhưng đầy rãy những thời khắc miệng ngậm mắt thao láo. Và từ những kinh nghiệm tan tác, mất còn,  người ra đi bắt đầu lại từ đầu trên quê hương xa lạ: “nơi chúng ta thấy thế giới lần đầu”. Và chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được những lúc “trải qua nhiều giờ khắc suy nghĩ về số phận / vặn đồng hồ báo thức, nhìn ngắm bức ảnh cũ, rồi đi ngủ / bao giờ cũng nhét cuốn từ điển dưới gối / phòng trường hợp gặp người lạ trong giấc mơ.” 

Tôi đọc Phan Nhiên Hạo đến đoạn “Nguyễn Tuân nói: “tôi còn sống đến hôm nay / Nhờ biết sợ”,  con chuột nói: “tôi ăn no / vì biết tôn kính mèo.” Đặng Tiểu Bình nói: / “mèo đen mèo trắng, no problem, miễn bắt được chuột”,  tôi không thể không liên tưởng đến thời đại của chúng ta, mới thứ Sáu vừa qua,  Facebook CEO Mark Zuckerberg, sau 16 giờ im lặng kể từ khi Twitter lên tiếng đã nói: “Tôi hiểu rất nhiều người giận giữ vì chúng tôi đã giữ y nguyên những lời đăng tải của Tổng Thống, nhưng chúng không vi phạm gì...” 

Tôi đọc Phan Nhiên Hạo, thấy như mình vừa đang trở về vừa đang bước tới:

Em thân yêu

hãy tin tôi

Sẽ đến ngày cánh rừng không còn cây để cháy

cha mẹ chúng ta trở về cánh đồng

đàn bà & vịt gà & ước vọng mây bay

từ trên đồi cao em sẽ thấy xứ sở này

nhỏ hẹp, mặn chat, rất gần mặt trăng

giống hệt con tàu hỏa

cũ kỹ và luôn trật đường ray

sau cùng sẽ đi hết đường xích đạo

qua những thế kỷ lầm lạc, đẫm máu

đến ga cuối cùng, chúng ta sẽ hiểu nhau.”

 

Hôm nay, thế giới và đất nước nơi cưu mang tôi đang bốc cháy, tôi cảm ơn “Radio Mùa Hè” đã phát ra những âm thanh ở tần số mà tôi có thể bắt được và cho tôi một góc trú ẩn trong đó. Xin trân trọng biết ơn và xin giới thiệu sách quý.

 

Hòa Bình Lê

30 tháng 5, 2020

 

phannhienhao
Chân dung nhà thơ Phan Nhiên Hạo




Sơ lược về tác giả: Phan Nhiên Hạo sinh năm 1967 tại Kon Tum. Cha anh là một sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Phan Nhiên Hạo tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ngành văn chương tại Sài Gòn năm 1989 và sang Mỹ năm 1991. Tại Mỹ, Phan Nhiên Hạo học cử nhân văn chương Anh- Mỹ (1998) và cao học thư viện (2000) tại đại học UCLA. Anh cũng có bằng cao học nhân chủng học văn hóa (2011) từ đại học Illinois. Hiện anh làm việc cho một thư viện đại học tại Illinois. Phan Nhiên Hạo đã xuất bản ba tập thơ: Thiên Đường Chuông Giấy (1996), Chế Tạo Thơ Ca 99-04 (2004), Radio Mùa Hè l(2019). Anh cũng là tác giả hai tuyển tập thơ được dịch sang tiếng Anh: Night, Fish, and Charlie Parker (2005), Paper Bells (2020). Phan Nhiên Hạo hiện chủ trương tạp chí điện tử văn học litviet (litviet.org), nơi có đăng lại nhiều sáng tác của anh. Độc giả có thể tìm mua tập thơ Radio Mùa Hè trên Amazon, https://www.amazon.com/Radio-M%C3%B9a-Vietnamese-Nhien-Phan/dp/1927781787.



 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 202110:45 CH(Xem: 14697)
Cuốn thơ song ngữ có tên là “Các Bài Thơ Việt Nam Khó Quên – Unforgettable Vietnamese Poems” của Hương Cau Cao Tân đến với tôi vào những ngày đầu Xuân giữa mùa đại dịch. Sách khá dầy, khoảng 300 trang, trình bầy trang nhã, mỹ thuật, những trang thơ Việt-Anh in song hành dễ dàng đối chiếu. / Sách gồm 100 bài thơ Việt và 100 bài thơ chuyển dịch sang Anh ngữ. Tác giả đã chọn ra 16 nhà thơ nổi tiếng và lựa ra những bài mà tôi chắc rằng nhiều độc giả đã từng ưa thích. Tôi tạm chia các nhà thơ ra từng thời kỳ để dễ cảm nhận những dòng thơ này: Thời kỳ Văn Nôm: Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương. / Thời kỳ Tiền Chiến: Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, T.T. Kh., Vũ Đình Liên, Xuân Diệu. / Thời kỳ Kháng chiến: Hữu Loan, Quang Dũng. /Thời kỳ Đất nước chia đôi: Nguyên Sa, Phùng Quán.
04 Tháng Tám 202111:36 CH(Xem: 13212)
Thỉnh thoảng tôi dọn sách vở xem cuốn nào cần giữ, cuốn nào mang cho, và đặc biệt là cuốn nào cần gửi trả khổ chủ kẻo lỡ quên đâm mang tiếng. Thuộc vào số ít sách phải gửi lại khổ chủ, tôi tìm thấy cuốn này: Vietnamese Colonial Republican – The Political Vision of Vu Trong Phung, tạm dịch là Người Việt Cộng hoà thời Thuộc địa - Viễn kiến Chính trị của Vũ Trọng Phụng, của sử gia Peter Zinoman thuộc phân khoa Sử học của Đại học California tại Berkeley. / Tôi vẫn có ý định viết bài giới thiệu tập biên khảo của GS Zinoman từ khi đọc xong, với nhiều thích thú, từ… giữa mùa đại dịch Covid vào hè năm ngoái. Bài bên dưới là lời giới thiệu khái quát tập biên khảo đã giúp tôi biết thêm rất nhiều về nhà văn Vũ Trọng Phụng vốn khá độc đáo của nền văn học tiền chiến, nay càng thêm (có thể nói là) độc nhất như một tay “tiền trạm” của chủ nghĩa cộng hoà tại Việt Nam dưới cái nhìn của sử gia Zinoman.
04 Tháng Tám 20218:53 CH(Xem: 12536)
Từ những ngày còn trẻ chưa biết lo là gì tôi đã tình cờ đọc tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn” của nhà thơ Phạm Công Thiện, mà trong đó không biết vì sao tôi cứ nhớ mãi câu thơ này, “Cửu Long ca từ Tây Tạng!” Cũng từ đó Sông Cửu Long không bao giờ ngừng chảy trong ký ức của tôi. Và bây giờ tôi nhận được cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh như một tình cờ kỳ lạ mà tôi có với dòng sông lịch sử này.
03 Tháng Ba 202112:07 SA(Xem: 14497)
“Vòng Đai Xanh” của Ngô Thế Vinh được xem là một tiểu thuyết chiến tranh, được viết rất thực bởi một quân y sĩ xông pha ngoài trận tuyến. Cuộc chiến tự vệ của người dân Miền Nam chống xâm lược của Cộng Sản Miền Bắc kéo dài đến 15 năm (1960-75), nếu không nói đến hoạt động khủng bố, phá hoại 2-3 năm trước khi chiến tranh chính thức khai mào, cho nên chúng ta không thiếu những tác giả viết về cuộc chiến đó, cảm khái từ những mất mát, đổ vỡ, tan hoang của con người, của tuổi trẻ, của gia đình, của xã hội, của đất nước vì chiến tranh.
08 Tháng Chín 20209:38 CH(Xem: 15961)
Trong những ngày đang phải cố thủ tại gia một cách tuyệt vọng trước “kẻ thù vô hình” Corona virus giăng mắc, phong tỏa nơi nơi, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” là một nguồn quên lãng lớn cơn đại dịch này. Trước hiện tại đang thêm phần đen tối không chỉ vì đại dịch Cô-Vy và nạn suy thoái/ lạm phát mà chủ yếu vì một chính tình thối nát, có khi người ta phải đi vay mượn một vài tia sáng từ quá khứ để có thể ngày qua ngày. Những câu chuyện cách đây cả 50 năm ở một nơi nay quá xa xôi bỗng dưng sống lại một cách da diết trong trí nhớ, trong con tim của mỗi chúng ta khi có “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đặt đầu bàn ngủ (không phải gối đầu giường).
29 Tháng Tám 20202:15 CH(Xem: 16800)
Mặt trận ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về kí ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua các câu chuyện được hư cấu hoá. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 24453)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
09 Tháng Bảy 201911:36 CH(Xem: 19607)
Đọc xong cuốn sách về một con người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ khi còn đương xuân, đương ở những năm tháng tiềm năng nhất về sức lực và trí lực, tự tôi dằn lòng nở một nụ cười lớn hạnh phúc cho riêng tôi.
04 Tháng Năm 201911:02 CH(Xem: 19825)
Bác Sĩ Ngô Thế Vinh chia xẻ với tôi một cuốn sách anh và các bạn anh đang soạn thảo. Cuốn sách về một cuộc đời rất ngắn của người bạn đồng nghiệp: Nghiêm Sỹ Tuấn, một Bác Sĩ Quân Y, một Thi Văn Sĩ , tử trận ở tuổi 31 tại Khe Sanh năm 1968 khi anh đang là Y Sĩ Trung Úy Tiểu Đoàn 6, Nhảy Dù.
07 Tháng Chín 20183:06 CH(Xem: 28537)
Đó là những bài thơ hiếm gặp trên đời này. Đó là thơ Lý Thừa Nghiệp. Đó là những dòng chữ làm chúng ta giựt mình ngay tức khắc. Như dường chữ nhảy ra khỏi trang giấy. Nhiều bài thơ của anh có sức mạnh làm tôi sững sờ, ngồi yên lặng lẽ, và dõi mắt nhìn cho tới dòng cuối bài thơ.