- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Du Tử Lê,( Chim Đem Đi: Làm Lễ Tạ Ơn Người!?.)

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 24857)

blank"đêm bảo dưỡng nụ hôn tôi đã gửi - -
"chim đem đi: làm lễ tạ ơn người!?.)

dtl.

 

 

Không biết đã bao đêm, cứ khoảng hai giờ sáng, tôi lại bị rất nhiều cánh tay gió, mưa hối hả lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn. Hai giờ sáng, tôi tỉnh dậy giữa tiếng gió khua, đập, cùng cảm giác giông, bão không nguôi nện gót giầy giận dữ, dưới thấp. Tôi sống chập chờn giữa hai khe hở đời sống. Một thứ nhị trùng hư ảnh: Hiện thực (và,) quá khứ? (Hay sự trộn chấu thất bại đời thường trong dung dịch bóng tối?) Khi tỉnh lại, bao giờ tôi cũng nằm im. Nhắm mắt. Nghe hai con sông ngược chiều, xiết, trôi đôi bờ thân thể tôi, rêm, nhức. Thường khi rất lâu, tôi mới nhận biết: Chuyến bay từ phi trường Houston, đã trả chúng tôi về lại Orange County, có dễ cũng gần một tháng.

S. đã trở lại với chiếc ghế gỗ. Hàng hiên nhỏ. Đường Bellehurst. S. trở lại với những con nắng trưa tháng Ba, lụa xanh, hớ hênh từ những mái dốc, trượt chân rớt xuống lòng đường nền nã, đen - - Cùng những trận ho khan, như những mũi khoan nhỏ xíu xoáy sâu khoảng không gian đặc, khô, tĩnh lặng. Những ngọn dừa nước già làng xù xì lớp da chì, bủng, lênh-bênh không chỉ ngoảnh mặt, khinh bạc, phủ nhận sự hiện diện của đám dừa non ba thân (và,) hàng găng thấp - - (Mà,) chúng còn từ chối ngó xuống những trượt chân tình, nghĩa của bạn tôi - - Đập, va, chới với vực không đáy.

Hy vọng đó không phải là dấu hiệu bạn tôi khởi đầu chuyến viễn du giã từ năm, tháng, khốn.

Riêng tâm hồn tôi cũng đã trở lại ẩn, trú trong ngôi nhà, dài lâu, đường Lucille, đang thay da, đổi thịt. Căn nhà phụ như cây nấm dại lì lợm mọc lên giữa khoảng sân sau, được nhiều bàn tay bằng hữu cơi rộng. Bốn vách ván trở thành chỗ treo tranh. Vung bút tích tung hoành, thơ, văn của khá nhiều tình thân, giờ không dấu vết. Dàn chanh giấy từng "long tranh hổ đấu" với những giây hoa vàng quanh năm - - Lối đi dưới... trái, dẫn vào hành lang (cũng treo rất nhiều tranh, ảnh.) Nơi tôi có nhiều năm ngồi với chiếc computer. Tiếp bạn. Nhả khói mịt mù. Giờ cũng không còn.

Tôi đem tâm hồn tôi tạm trú trên những nhánh cây treo lửng trong hai chiếc chuồng chim lớn (tác phẩm lao động chân tay của họa sĩ N.Đ.T.) Tôi nghĩ mình thật không phải khi đưa cái mặt lơ láo bậm trợn hù dọa đám chim cockatail (vốn đã nhân mãn,) bắt chúng nhường đất cho mình. Cũng có khi tâm hồn tôi mắc võng trên những chạc ổi xá lị thấp tè, hoặc lẩn dưới tán bưởi nậm rượu, sum xuê sát tường hàng xóm. Nơi những đêm mùa hè, hoa bưởi lén lút thoa lên mặt tôi, lớp phấn hương ân cần, thân thiết kỷ niệm. (Cái ân cần, thân thiết kỷ niệm, bất chợt, như những tình cờ chạm đụng một thịt da quen thuộc nào, (mà,) sao bỗng ngậm ngùi choáng váng. Cái ân cần, thân thiết kỷ niệm, bất chợt, đôi khi chỉ thoảng trong ký-ức-khứu-giác, nhưng cũng đủ cho ta ngẩn ngơ tự hỏi, phải đã nghìn năm, xa cách?!...)

Nhưng, cách gì, dù cho những con sông có chảy ngược / xuôi đôi miền lưu vực rêm, nhức thân thể tôi, (thì,) cuối cùng, tôi cũng hiểu ra, những ngày ngắn ngủi, ở Texas, gần nhất, chính là những bàn tay hối hả lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn.

Đó là buổi sáng, với Tr3. Tr3. đã đem những cây sồi nứt xương thung lũng Camp Pendleton, tháng mười 75; trồng lại trong cánh rừng quá khứ tôi, tiêu trầm, gió, bão. Tr3. cũng đã cấy lại trên những bờ, luống tôi nhem nhuốc đìu hiu, hình ảnh bằng hữu. Hiểu một nghĩa nào, họ đã đi xa. Quá xa! Họ đã tới những chân trời định mệnh dành riêng. (Những chân trời, đôi khi tôi có thầm mơ ước.) Đó là những Trần Tam Tiệp. Nguyên Sa. Ngọc Dũng. Nguyễn Thừa Dzu... Đó là Thục, của tình cờ, di tản, bật gốc, gặp lại. Là Thảo, chưa qua tuổi hai mươi, trên chuyến xe bus nối Processing Center và trại Một, đọc tôi nghe bài thơ, tôi muốn quên: sinh nhật, 12.

Nhưng, cách gì, dù cho gió khuya hiện thực hay, mưa, bão ẩn ức, tưởng tượng có làm thành nhị trùng cảm, nghiệm rối ren, (thì,) cuối cùng, tôi cũng hiểu ra, những ngày ngắn ngủi, ở Texas, mới đây, chính là những cánh tay lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn. Là buổi trưa, với V.N (hay H.) đã ném những đêm mưa, những ngày gió Houston, 1993, vào lại tâm hồn tôi không phên / vách. Những ngày Cao Đông Khánh hiên ngang như một Từ Hải lấn cấn giữa biểu hiện cao bồi miền viễn tây và, người hùng phương đông huỡn huỡn (không... gươm giáo.) Những ngày N. đem cơn điên phơi giữa đường Bell; trước khi mang chăn, gối ngủ trong chiếc xe Toyota cũ (của L.C.) tôi vứt lại nơi parking dài hạn, phi trường. Những tối C. tìm tôi nhầu, nát (như những ngọn cây sung nhầu, nát) đường Milam / Travis...

Hiểu một nghĩa nào, họ cũng đã đi xa. Quá xa. Họ cũng đã tới những chân trời định mệnh dành riêng. (Những chân trời, đôi khi, tôi cũng thầm mơ ước tạt ngang, dừng chân, thăm hỏi.)

Cũng có thể, tôi nghĩ, chính những buổi tối, với Đ.K., P.H., với L.V., N.B, V.K. những thâm giao đã xô, đẩy tôi ngã giập mặt vào những bài thơ cũ / mới. Những bài thơ cũ / mới đi ra từ tôi. Xong. Mất hút. (Như sự mất hút nhiều buổi tối, T. lúp xúp mang về lênh láng những trận mưa dai dẳng cay nghiệt; cùng những con gió thủ trong tay áo, hàng chục lưỡi dao bén, rét, cắt ngọt, thịt, da. Nơi chúng tôi ăn những bữa cơm tối, với giấy báo, trên mặt bàn dã chiến cùng, ngọn đèn treo lửng bấp bênh (và,) tiếng hú quẫn bách của con Cocaine; kéo theo tiếng thở dài ngao ngán (rụt rè) của Tề Thiên, Chí Phèo.

Tôi đứng ngoài những bài thơ cũ / mới của mình. (Như kẻ lạ mặt đứng trước ngôi nhà có quá nhiều cửa sổ.) Thản hoặc, tôi cũng nghiêng tai, kiễng chân nghe ngóng tiếng động, hình ảnh quen thuộc (hay lạ lẫm,) di chuyển chập chờn trong ngôi nhà.

Không phải tôi không muốn nghe. Trái lại. Nhưng đó là lúc tâm hồn tôi còn ngầy ngật ngổn ngang những hình ảnh ngược / xuôi của xa lộ 290 đông / tây; và 45 nam / bắc.

Tôi vẫn chưa ra khỏi cái ám ảnh của những đám mây đen, nhiều nơi bị xé rách bởi những bệt màu đỏ, máu, cuồn cuộn hung khí; lao về phiá chúng tôi - - Khi chiếc xe của Phương tăng tốc, cố ngốn, nuốt nốt đoạn đường còn lại. Giữa cảnh trời chiều (mà,) chân trời là cả một đường vòng cung không điểm chuẩn, tôi có lại cái cảm nhận lơ lửng, bơ vơ, bất lực của một sinh vật mang tên con người. Tôi muốn nói với Phương, dù con người đã cắm cờ trên mặt trăng; tìm thấy chứng tích có nước trên hoả tinh... Nhưng, rốt ráo, nhân loại cũng chỉ là một chấm đen, hay miếng puzzo trong hàng triệu miếng puzzo dưới bàn tay nghịch ngợm, tinh quái của Đấng Một. Nhưng tôi giữ lại riêng mình. Tựa tôi đã giữ lại cho riêng tôi, hình ảnh những gốc rạ khô, cháy lam nham, nhấp nhổm như những chân nhang cắm vụng trong biển cát. Và, những bụi smoking- tree chỉ như những cụm khói èo uột, tét đầu bị gió lùa chạy thục mạng về nơi vô tận. Tôi cũng giữ lại cho mình, hình ảnh những mảnh gương vỡ khổng lồ, hờ hững cẩn bẹt trong những thửa ruộng sát lề đường - - Chứng tích những trận mưa lộn nhào trời / đất. Những tấm gương vỡ, phản chiếu từng khối mây đen (pha máu) tượng hình cổ quái.

Lũ hình tượng cổ quái chụp lên những ngày thơ ấu, tôi, xưa. Những ngày thơ ấu, tôi từng run rẩy, chôn chân trên bậc tam cấp ngôi nhà tôi được sinh ra. Ngôi nhà dẫn xuống bến sông Đáy, Phủ Lý, những năm trước tản cư. Những năm các anh tôi lần lượt bỏ nhà ra chiến khu. Gia đình tôi chỉ còn lại đám phụ nữ, goá buạ (như mẹ tôi,) không chồng, con (như U Già, chị Vú.) Tôi thờ thẫn vào / ra giữa những dẫy nhà (mà,) bất cứ một xó xỉnh nào cũng tồn đọng những bí ẩn hàm hồ, chấp chới rình rập.

Những buổi chiều chuyển mưa, khi những người đàn bà (gồm luôn cả chị T., sinh trước tôi vài năm,) lo thu gom quần áo trên những sợi giây thép, hoặc cuống cuồng xúc những trái mơ vào bao tải, tôi lẻn ra cổng chính, hướng về ngọn núi Vôi, bên kia sông. Ngọn núi vốn mầu xanh tím, đã chuyển thành đen thẫm như một khối than hầm vĩ đại. Nơi từ đó, cuồn cuộn lao tới tôi, những đám mây hung, hiểm. Lần nào tôi cũng cảm tưởng đám mây đang chuẩn bị vươn ngàn cánh tay bạch tuộc, bủa vây lưới, chụp tôi. Rồi, cuốn tôi đi. (Như chúng đang cuốn những chiếc lá, những mảnh giấy về các hố, hầm bí mật.) Lần nào tôi cũng sợ điếng, điếc. Toàn thân tôi tê liệt. Tôi há miệng kêu cứu. Không một tiếng nào thoát đi. Ngặt nỗi, dù sợ vã mồ hôi, tôi vẫn không thể rời mắt khỏi đám mây ma, quỷ biến hóa. Mắt tôi dán chặt vào chúng, như những con gà con lạc mẹ, quíu chân chờ móng, vuốt diều hâu... Tôi chỉ may mắn hơn gà con ở chỗ: Tôi luôn được mẹ tôi tìm thấy, trước khi những hạt mưa khủng bố đầu tiên, rớt xuống.

Tôi nghĩ, cũng chẳng nên nói với Phương (hay S.,) về những hãi hùng ấu thơ, tôi vừa sống lại. Để làm chi, khi mẹ tôi không còn. Chị T. tôi, ở xa. Khi cuối cùng, tôi cũng đã kịp vào nhà Phương.

Cánh cửa đã biệt, ly tôi và, gió, bão.

 

Tôi không biết có phải những ngày ngắn ngủi ở Texas, gần nhất, ở nhà Phương, những gặp lại Bình, Yến, Tâm, Tín, Oanh, Trọng, Hiến, Lài, Trung, Yên, Quỳnh, Nghiệp... nhắc nhở tôi: Phải chăng, đời sống chỉ là tổng số của những điều không thể hiểu? Như, những sống / chết? Những gặp gỡ / chia lìa? Những thành / bại? Còn / mất?

Tôi không biết. Chẳng ai nói với tôi một điều gì dù gần / xa về những những cặp nhị nguyên, vừa kể. Ngay tiếng hát nhỏ nhẹ (như chỉ muốn dành cho một người,) của Hiến. Tiếng hát khuếch đại (tựa không đành bỏ sót một ai, luôn ngọn nến, ly, tách, đĩa, bát trên bàn,) của Quỳnh - - Tiếng guitar biển rộng, mang tham vọng bôi, xóa khoảng cách gia đình / bằng hữu của Phương - - Tiếng cười loảng xoảng những rơi, vỡ, trong hơi men hạnh ngộ của Yên, Bình, Trung, Trọng, Oanh, Tâm, Tín...

Tuy nhiên, điều tôi biết, rất rõ (là,) tôi có thể hình dung Trọng đã trở về với gạch, đá trường thành Alamo của Trọng, ở San Antonio. Bình, Yến trở về ngôi nhà có tầu ngựa, ốm. Hiến, Lài đã ngồi xuống chiếc deck (đang thúc thắc làm dở) cùng ngọn lửa (cũng thúc thắc) dưới thùng bún bò Huế. Phương, Vương đã trở lại vị trí trong ca đoàn, nhà thờ, sáng Chúa Nhật...

Nhưng tôi không thể (dù rất muốn,) hình dung Oanh, Tâm về đâu? Những mái hiên, những ngôi nhà, những ánh mắt nào ngóng, đợi họ? Tôi cũng không thể (dù rất muốn,) hình dung Trung, với hai đứa con nhỏ, ra sao, thế nào, trên dậm trường về lại Dallas? Những gì sẽ ngóng, đợi ba cha con, cuối chân trời, đã lâu, đổ vỡ?

(Và,) cho phép tôi, không hình dung (dù rất muốn,) cảnh đời những người vắng mặt. Những người, theo một nghĩa nào, cũng đã đi xa. (Như tôi,) xa ngái!

 

Bạn tôi, bây giờ tôi hiểu, rất rõ, điều gì đã thức tôi dậy lúc hai giờ sáng, nhiều ngày qua. Tôi hiểu cửa khép. Tôi hiểu, mưa ngoài hiên. Gió cuồng nộ. Chân trời không điểm chuẩn. Tôi hiểu, dù rất xa (hay, quá đỗi gần gũi,) tặng phẩm lớn lao, duy nhất, cuối cùng, thượng đế đã chọn tôi để trao. Gửi.

Bạn tôi, bây giờ, tôi hiểu, dù rất xa (hay, quá đỗi gần gũi,) mùi tóc. Môi hôn. Và, tin cậy thăm thẳm. Lặng thinh. Tất cả (luôn ngày, tháng ngắn ngủi tôi, còn lại,) cũng sẽ được những cánh chim từ tâm đem vào đời, khác.

 

Du Tử Lê,
(Calf. 08.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Tám 201712:57 SA(Xem: 26978)
Đây là bài mới bổ sung cho một bài viết khởi đầu chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với Giáo sư Phạm Biểu Tâm nhân dịp lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước.
17 Tháng Tư 201710:53 CH(Xem: 28396)
Sau khi phần I, Én Liệng Truông Mây, được nhà xuất bản Trẻ Sài Gòn phát hành năm 2014, tôi bắt tay viết tiếp phần II của trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT, tức Nhất Thống Sơn Hà. Cuối năm 2015, Nhất Thống Sơn Hà đã được đại công ty Amazon của Hoa Kỳ in và bán khắp thế giới qua hệ thống Internet. Thông qua một loạt các buổi ra mắt sách tại các tiểu bang Florida, Pennsylvania..
09 Tháng Tư 20173:24 CH(Xem: 27051)
"Đúng 50 năm kể từ số báo cuối cùng của Tình Thương, một tin vui đến từ Thư Quán Bản Thảo, trong một nỗ lực phải nói là phi thường, qua hệ thống interlibrary loan, anh Trần Hoài Thư đã hy sinh rất nhiều công sức và cả tốn kém tiền bạc để có thể sưu tập lại được gần trọn bộ báo Tình Thương, đồng thời cũng qua bộ Tình Thương, 11 chương sách tác phẩm Nuôi Sẹo của nhà văn Triều Sơn đã được phục hồi..." Ngô Thế Vinh
12 Tháng Hai 20172:13 SA(Xem: 27146)
Không thể có một Vũ Huy Quang thứ nhì trên đời này, dù là trong đời thường hay khi cầm bút. Bởi vì, anh độc đáo một cách tự nhiên, cả trong giao tiếp lẫn chữ nghĩa. Khi ngồi nói chuyện với anh vài câu, bạn biết ngay không mấy ai có nhiều kiến thức sách vở như anh, nhưng cái nhìn luôn luôn mang theo nhiều chất vấn, nêu lại rất nhiều vấn đề không mấy người nhìn thấy.
30 Tháng Giêng 20172:36 SA(Xem: 24976)
Người ta bảo rằng Mahatma Gandhi có một khả năng thuyết phục tuyệt vời khi giúp cho người dân Ấn Độ nhận ra rằng vận mệnh của kẻ cầm quyền đang nằm trong chính bàn tay của họ, chỉ cần quăng đi nỗi sợ hãi họ có thể đối diện để nói chuyện sòng phẳng với chính quyền. So với VN ngày nay, số phận dân tộc VN cũng thế. Có thực sự đáng tiếc là chúng ta không có một Gandhi không?
09 Tháng Giêng 201712:12 SA(Xem: 26538)
Mỗi buổi sáng khi sương mù còn là một biển hơi trắng xoá chưa tan biến trên khắp vùng Missouri City, khi sân chơi mênh mông của ngôi trường tiểu học địa phương đối diện với cái địa chỉ văn chương Blue Ridge 1802 còn hoàn toàn vắng lặng, khi cách đó 5 dặm đường đồng, nhà thơ trẻ Hoàng Ngọc Ẩn, người hàng xóm Việt Nam còn ngủ vùi sau một ngày làm việc ở các tiệm sách nhạc mới mở dưới phố, nhà văn Mặc Đỗ đã một mình thức dậy.
18 Tháng Chín 20167:54 CH(Xem: 30841)
Bài viết "Con Đường Mặc Đỗ Từ Hà Nội - Sài Gòn Tới Trưa Trên Đảo San Hô" hoàn tất ngày 20.06.2015, biết nhà văn Mặc Đỗ không dùng internet, qua Priority Mail tôi đã gửi ngay tới Anh một bản in, tôi nghĩ Anh cũng đã nhận được và đọc bài viết ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp nói chuyện điện thoại với anh, vẫn một Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn.
19 Tháng Bảy 20162:38 SA(Xem: 32591)
Trên đám mây có khuôn mặt của người mình thương / Ký ức tuổi nhỏ của em gắn liền với cái hàng ba. / Bây giờ chắc không ai biết “cái hàng ba” là gì? Đi đâu rồi em cũng trở về với cái hàng ba.
30 Tháng Tư 20161:32 SA(Xem: 36425)
"Thảm kịch của dân tộc Việt suốt hơn 70 năm qua phần nào khởi nguồn từ sự thiếu hiểu biết chính xác về Côn [Hồ], cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam, và ngay cả cái học thuyết dịch sai thành “Cộng Sản,” của “Mã Khắc Tư.” Nói rộng hơn, sự hận thù, phân hóa giữa các giai tầng, phe nhóm Việt phần lớn do sự cận thị lịch sử mà ra: chúng ta đã phải chia phe phái bắn giết, hận thù, chửi rủa nhau suốt bao thập niên, đúng hơn hàng chục thế kỷ qua, cũng chỉ do bị nhiễm độc bởi những ngụy sử, do tài liệu tuyên truyền tinh vi của nhiều phe nhóm, chính quyền và cường quốc tạo nên; hoặc do những người thiếu kiến thức, lại tham vọng bắt lịch sử phải uốn quanh “chiếc giường tên tướng cướp trên lưng” mình." (NGUYÊN VŨ)
27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 32298)
Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?