- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHÍA BÊN KIA VẦNG TRĂNG

02 Tháng Mười Một 20218:38 CH(Xem: 9481)


Hoàng Hôn ở California - photo ĐH.
Hoàng Hôn Ở California - Photo ĐH.

 

 

Lê Chiều Giang    

PHÍA BÊN KIA VẦNG TRĂNG   

 

 

 

 

Biển chạy dọc, dài theo hết California, vừa huyên náo, rất mơ màng, lại có chút gì đó nhịp nhàng trong cái tĩnh lặng của hoàng hôn.

Chiều tàn, với sắc đỏ thắm rọi soi xuống dòng nước, là chút mầu sâu thẳm của ráng chiều đang nhạt nhoà vào đêm tối. Chút ánh sáng sắp tàn, phai dần cho bóng đêm, đã luôn làm tôi chìm đắm trong những ly rượu đỏ, có khi muốn uống hết, uống cho đến khi nào im hơi…

 

 Mới bốn giờ, quá sớm cho bữa tối, tôi lang thang dọc theo phố biển San Francisco, nơi thiên hạ dập dìu với nhiều quán xá…

Tiếng guitar văng vẳng trong gió đã làm tôi phải đi theo, tìm đến. Rất bồi hồi, tôi ngập ngừng rồi ngồi đại xuống lề đường, cạnh cái hộp đàn bên trong có những đồng tiền rơi vãi. Không chút ngạc nhiên, người nhạc sĩ hát rong vẫn tiếp tục ngân dài, thiết tha... The lunatic is in my head… I’ll see you on the dark side of the moon...

Tiếng guitar không mạch lạc, óng ánh như David Gilmour, guitarist của Pink Floyd, nhưng chồng chất trên sáu sợi dây đàn hơi lúng túng là tiếng hát tuyệt vời. Tiếng hát diễn đạt mơ hồ ra một nơi hò hẹn, mà cho dù phải đợi tới ngàn năm sau, chắc cũng chẳng hề có ai muốn tới…

Chúng tôi sẽ không tới, vì sợ sẽ làm ánh trăng vỡ tan, và cũng sẽ vỡ hết những vần thơ trác tuyệt, đẹp ngời như những giấc mộng vàng của ngàn xưa đan góp lại.

 

*******

 

Cũng chẳng phải tôi đã quên mất một chiều khi đi cùng Anh tới Los Angeles Bus Station. Giờ để lên chuyến Amtrak đi Santa Barbara đã sát xao, tôi lại cứ nấn ná bên một ông Homeless già, ngồi đàn say sưa Nocturne số 9 của Chopin trên một Piano rất mới, đặt ngay góc bên ngoài một quán Cafe của bus station nhộn nhịp, đông người. Anh gay gắt hối thúc, tôi năn nỉ được đổi vé chuyến sau…

Nocturne, Ballade và ngàn ngàn chuyến xe bus, amtrak  xuyên bang… Những tưởng mọi âm thanh xô bồ, náo loạn trên toàn thế giới đã hòa quyện cùng nhau nơi đây.

Nhưng sao tôi vẫn nghe ra những mơ màng, nhận ra cách sống bạt mạng, sôi nổi và đẩy những đam mê của George Sand, cùng với khói thuốc Cigar của Bà quyện bay nồng nàn, trong từng notes nhạc đắm say của Chopin…

 Nhạc, chúng ta nghe lúc thức, khi ngủ và ngay cả khi không nghe thấy gì giữa những ầm ĩ của thế gian. Nhưng bất chợt chúng ta nghe ra, nhìn thấy những đam mê, những chìm đắm của Chopin đang được đàn bởi một homeless.

Santa Barbara, ngày mai hay tuần tới? Những chuyến xe chắc vẫn chờ chúng tôi, bền bỉ. Nhưng sau hôm nay thì tôi còn biết sẽ tìm người Homeless Pianist này, nơi đâu?

Cuối cùng, chuyến đi Santa Barbara của chúng tôi đã bị hoãn lại chẳng biết đến bao giờ, sau những lườm những nguýt và cả những đùng đùng giận dữ…

 

  *******                                                   

 

     “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Nhà văn Phan Nhật Nam đã gắn tên của một tác phẩm vào những nghiệt ngã, trầm luân của quê hương. Vậy mà tuổi trẻ chúng tôi chỉ loáng thoáng “nghe" chiến tranh qua radio hoặc với những phóng sự trên truyền hình, báo chí…

Riêng anh tôi đã không chỉ nghe, mà còn “sợ". Nếu thi rớt, tương lai sẽ là những xa khuất mịt mù, không còn biết mình sẽ ở tận chốn nào, và đến những nơi đâu?

 Một chiều tan học tôi về trễ, vì còn mải quanh quẩn trong sân trường hít hà mùi đất ướt. Tôi mê đắm cái mùi đất vừa ngai ngái vừa nồng nồng đầy quyến rũ, sau những cơn mưa nho nhỏ của Saigon. Cái mùi âm ẩm mốc đó,  đã chẳng còn có bao giờ tôi được hít đầy cho hết phổi như muốn để dành thở tiếp, sáng mai. Nó đã mất tiêu, biến hết đi theo cùng với ciment, và gạch đá.

 Đi ngang qua phòng học của anh, tôi thấy chút là lạ. Lờ mờ trong bóng chiều sắp tối, anh tôi giật mình khi tôi mở sáng đèn. Trên bàn, bên cạnh sách vở là cây guitar bị đập nát. Tôi oà khóc và anh tôi cũng khóc theo, tiếng khóc của mất mát, của phẫn nộ, và bi ai. Tiếng khóc của anh em tôi trong một chiều tăm tối, ngân dài lan man với nhiều điều tiếc xót... Tôi mở hết những khoá, gỡ sáu sợi dây đàn như tách rời ra hết những mộng mị triền miên của anh mình, của chúng tôi.

Jimmy Page, Guitarist của ban nhạc Led Zeppelin, người mà anh tôi mơ ước sẽ trở thành!

Bản “Going to California” của Robert Plant, với lead guitar Jimmy Page đã làm anh em tôi say sưa, nghe đi nghe lại từng sáng, mỗi chiều… Bỏ bê xao lãng hết việc học hành, đã nhiều lần làm Ba tôi giận dữ, la mắng…

 

Phải chăng khi đập nát một giấc mơ chỉ để đuổi theo một giấc mộng khác ít “dễ sợ” hơn, lòng anh tôi cũng đã nát tan như cây đàn mới vỡ?

Chập chờn trong những giấc mơ của tôi sau đó, không phải bạn bè nào hết, cũng chẳng có gương mặt xanh xao vì sách vở của anh tôi, mà là cây đàn.

 Cây đàn đã châm theo ngọn lửa biến ra tro, đã không còn treo bên cạnh tủ sách trên căn gác nhỏ. Nhưng nó đã vang lên trong những giấc mơ đêm, mà loáng thoáng đôi khi còn có thêm đôi mắt biếc xanh, dáng dấp bụi đời, với mái tóc hippie quăn dài rất hấp dẫn của Jimmy Page…

 

*******

                                                      

 Từ Downtown San Diego, tôi thích theo chiếc ca nô nhỏ qua bờ bên kia, thành phố biển Coronado.

 Biển, cho dù có sóng tràn, nước dạt đến đâu, âm thanh vẫn ngọt ngào thân ái. Tôi mê biển như nhớ dòng sông nhỏ trước hiên nhà những tháng năm còn ở lại, còn sống với những đay nghiến, rất âu lo và muôn ngàn tức giận…                                  

Dọc theo con phố rộn ràng đầy du khách, tôi mua hai cafe, để cùng ngồi uống với một Homeless hát rong.            

Tôi  thích ngồi với những nhạc sĩ bất đắc chí này ngoài đường phố, có khi là chai beer, hay một ly rượu đỏ. Tôi đã không nghe họ hát với lòng trắc ẩn, bởi sự trắc ẩn đâu đó đã như một xúc phạm lớn lao.

Qua tiếng hát đục khàn hay vút cao. Chính họ đã phát sinh, nuôi nấng, đã gợi ra cho tôi những cảm xúc mới tinh, tuyệt vời và trong veo như giọt sương sớm trên những lá xanh…

 “Stairway to Heaven”, theo yêu cầu của tôi, Ông đã hát thêm lần nữa, chỉ với cây guitar cũ kỹ bằng gỗ chứ không là đàn điện.

Robert Plant hát bài này cường điệu và quay quắt làm dáng bao nhiêu, thì ông đã chỉ bằng một giọng chân phương hơi đơn điệu, nhưng với tiếng đàn rất bóng bẩy, tân kỳ. Ông hát như một tín hiệu cho nhân gian biết rằng: “Đường lên tới trời cao, lên tới chốn thiên đàng xa xăm mù mịt kia, sẽ mãi mãi, sẽ muôn đời như một ước mơ đầy bất trắc…”

Nhìn cây guitar ôm trong đôi tay gầy ốm của người hát rong, tôi chợt rùng mình. Trong xót xa tôi nhớ tới cây đàn của anh tôi, cây đàn đã nát tan theo cùng giấc mộng ngây thơ của tuổi mới lớn.

 Bỏ thêm những đồng bạc vào chiếc khay nhỏ, tôi yêu cầu ông đàn bản “Going to California” của Led Zeppelin. Nhạc đã dìu tôi trở về với những ngày tháng mà cả hai anh em lơ là, bỏ quên sách vở. Trên căn gác nóng như lửa thiêu, ngồi nghe như nghe kinh thánh từng note một, qua tiếng đàn thuỷ tinh của người nhạc sĩ mình yêu mến.

                                                              

California, tôi đang ngồi đây, biển xanh êm đềm trong nắng chiều lấp lánh. Hôm nay đã chẳng có một người hát rong nào nơi những con phố tôi đã đi qua.

Nếu có guitar bây giờ, tôi sẽ ôm đàn ngồi ngân nga hát. Tiếng hát tôi sẽ  như  tiếng chuông vang giữa chợ đời.

Tôi sẽ hát cho những giấc mộng xa vời tuổi nhỏ, những thất thoát niềm tin tuổi mới lớn. Và còn mong manh chút hơi thở cuối cùng, tôi dành lại chỉ để  hát cho phía tăm tối bên kia của vầng trăng.

Trăng. Nơi tôi sẽ phải đến, sắp đến như đã cùng có lời hò hẹn...

 

     “...The lunatic is in my head…”

     I'll see you on the dark side of the moon…”

 

Lê Chiều Giang

 

*Brain Damage: Pink Floyd

*Nocturne #1 Op.9: Chopin

*Going to California; Stairway to Heaven: Led Zeppelin

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Giêng 20172:36 SA(Xem: 24570)
Người ta bảo rằng Mahatma Gandhi có một khả năng thuyết phục tuyệt vời khi giúp cho người dân Ấn Độ nhận ra rằng vận mệnh của kẻ cầm quyền đang nằm trong chính bàn tay của họ, chỉ cần quăng đi nỗi sợ hãi họ có thể đối diện để nói chuyện sòng phẳng với chính quyền. So với VN ngày nay, số phận dân tộc VN cũng thế. Có thực sự đáng tiếc là chúng ta không có một Gandhi không?
09 Tháng Giêng 201712:12 SA(Xem: 26133)
Mỗi buổi sáng khi sương mù còn là một biển hơi trắng xoá chưa tan biến trên khắp vùng Missouri City, khi sân chơi mênh mông của ngôi trường tiểu học địa phương đối diện với cái địa chỉ văn chương Blue Ridge 1802 còn hoàn toàn vắng lặng, khi cách đó 5 dặm đường đồng, nhà thơ trẻ Hoàng Ngọc Ẩn, người hàng xóm Việt Nam còn ngủ vùi sau một ngày làm việc ở các tiệm sách nhạc mới mở dưới phố, nhà văn Mặc Đỗ đã một mình thức dậy.
18 Tháng Chín 20167:54 CH(Xem: 30220)
Bài viết "Con Đường Mặc Đỗ Từ Hà Nội - Sài Gòn Tới Trưa Trên Đảo San Hô" hoàn tất ngày 20.06.2015, biết nhà văn Mặc Đỗ không dùng internet, qua Priority Mail tôi đã gửi ngay tới Anh một bản in, tôi nghĩ Anh cũng đã nhận được và đọc bài viết ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp nói chuyện điện thoại với anh, vẫn một Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn.
19 Tháng Bảy 20162:38 SA(Xem: 32066)
Trên đám mây có khuôn mặt của người mình thương / Ký ức tuổi nhỏ của em gắn liền với cái hàng ba. / Bây giờ chắc không ai biết “cái hàng ba” là gì? Đi đâu rồi em cũng trở về với cái hàng ba.
30 Tháng Tư 20161:32 SA(Xem: 35825)
"Thảm kịch của dân tộc Việt suốt hơn 70 năm qua phần nào khởi nguồn từ sự thiếu hiểu biết chính xác về Côn [Hồ], cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam, và ngay cả cái học thuyết dịch sai thành “Cộng Sản,” của “Mã Khắc Tư.” Nói rộng hơn, sự hận thù, phân hóa giữa các giai tầng, phe nhóm Việt phần lớn do sự cận thị lịch sử mà ra: chúng ta đã phải chia phe phái bắn giết, hận thù, chửi rủa nhau suốt bao thập niên, đúng hơn hàng chục thế kỷ qua, cũng chỉ do bị nhiễm độc bởi những ngụy sử, do tài liệu tuyên truyền tinh vi của nhiều phe nhóm, chính quyền và cường quốc tạo nên; hoặc do những người thiếu kiến thức, lại tham vọng bắt lịch sử phải uốn quanh “chiếc giường tên tướng cướp trên lưng” mình." (NGUYÊN VŨ)
27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 31703)
Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?
04 Tháng Tư 20161:35 CH(Xem: 28509)
Từ nhiều năm nay trước khi lên giường ngủ, tôi phải uống ba loại thuốc an thần một lúc. Ngày Đinh Cường còn, chúng tôi thường trao đổi nhau về tên vài loại thuốc trị chứng mất ngủ này. Anh có uống thử, nhưng rồi vẫn trở về với Ambien 5mg, dù thuốc chỉ giúp anh chợp mắt vài ba tiếng, không ngủ lại được.
04 Tháng Tư 20161:28 CH(Xem: 27851)
Năm 1964, lần đầu tiên tôi gặp anh Tạ Chí Đại Trường, sau khi chúng tôi rời trường Bộ binh Thủ Đức để về trường Quân Y học giai đoạn 2, ngành Hành chánh Quân y. Cùng thời gian này anh học cao học, chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ và đang sưu tập, nghiên cứu về tiền cổ. Anh từng cho tôi xem những đồng xu mà anh sưu tập được.
04 Tháng Tư 201612:59 SA(Xem: 29780)
Khi nghe tin nhà sử học Tạ Chí Đại Trường tạ thế ngày 24.3.2016 sau thời gian ngắn khoảng 5 tháng khi từ Mỹ quay về sống những ngày cuối đời tại Việt Nam với di nguyện được gởi nắm tro tàn bên cạnh mẹ ở quê hương. Ở tuổi đời 81, độc thân và với những công trình nghiên cứu không những về mảng lịch sử gần như bị lãng quên mà còn là người giải mã những giá trị văn hóa tâm linh trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
08 Tháng Hai 20162:49 CH(Xem: 32535)
Nhiều hơn một người bạn ngoại quốc từng hỏi tôi: “Tại sao đã gần 30 năm qua, người Việt vẫn chưa thề hòa giải, đoàn kết dân tộc, hầu hiện đại hóa xứ xở, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, đủ sức chung vai thích cánh với thế giới?” Gần ba mươi năm nghiên cứu sử học, chín năm vào ngành luật học, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Chuyến du khảo tại Việt Nam từ tháng 11/2004 giúp tôi thêm can đảm để mạo muội đưa ra những suy nghĩ đã âm thầm triển khai trong tâm tư nhiều thập niên.