- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thẳm Sâu, Buôn Ma Thuột

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 27208)

w-hopluu98-f2-t195pdf_0_126x300_1Sống giữa thời đại văn minh cơ khí, thời gian ngựa chạy, xe xua ồn ỉ, con người phóng dật... tự nhiên ở cái lứa tuổi thập lục nhàn tôi thèm nhớ về, thèm sống lại cái thời xa lơ xa lắc ở bên nhà.

Cái thời tịch mịch đó. Cái thuở hoang sơ ấy. Cứ tưởng nó tuồn tuột, rơi rãi, mất hút, không hò hẹn, không âm vọng trên bước đường thậm thượt tha phương, không ngờ cứ âm ỉ, thổn thức, bám riệt vào não trạng dai như đỉa đói, gặm mòn nỗi nhớ theo tuổi tác, với râu với tóc bạc dần qua thời gian.

Dưới đây là một bức hoành tráng giữa sa mù.

Sương lam phủ dật dờ những eo đồi, gò đất, núi non, rừng rú vắng lặng. Bóng lũ cây ngàn không diễn đạt nổi một ý tưởng hay dáng vẻ thơ mộng nào, ngoài sự cam chịu của nỗi giá lạnh cô đơn.

Nói về trời nắng thì biền biệt khác với trời mưa. Nắng có sắc độ cao hứng từng ngày, hoặc theo mùa mà xiên khoai, cau có, gắt gỏng, hoặc dịu dàng, lung linh, mờ ảo, hay vàng vọt, ảm đạm, hôn mê. Nắng tràn cây, ôm quàng cây, leo liếm cây. Khi kiệt lực nắng buông mình rơi hút, chìm khuất trong rừng cây đám lá rậm rật màu đen kịn. Nhưng là nắng miền cao thì nắng được coi như là nguồn cơn ấm áp, an ủi vỗ về vẻ hiu quạnh của đất trời lạnh lẽo heo hút xa xăm non ngàn.

Còn mưa.

Mưa ẩm ướt không gian miền thượng trung du thấm đẫm một nỗi buồn thê thiết. Mưa ướt dầm mái tóc bù rối, rậm rịt của hồn rừng, hồn núi, hồn non.

Những con đường thuở nhỏ dẫn xuống nghĩa địa làng, xa hơn là khu Rau Xanh hướng về dẫy Trường Sơn mờ mịt.

Những con đường dẫn xuống nhà bác Chín Heo thọc ăn trái muồn quân, xuống đền Bắc Lệ nghe hát chầu văn , xuống suối Xanh câu cá, tắm suối.

Những con đường thoai thoải từ Ty Ngân Khố uốn vòng xuống hồ piscine, xuống khu di cư Trần Hưng Đạo nhà cửa san sát cái chùi ra cái thụt vào, cái cao cái thấp huếch hoác, thô thiển mọc dài theo tiếng Bắc kỳ râm ran chao chát đổ về phía Đông Nam. Từ đó băng qua những thửa ruộng, lội mòn theo bờ suối dẫn xuống suối Mu-ri (Maurice) chảy qua buôn Alê A, vô Đài Phát Thanh cây số 7 (Chi Lăng), vô Cầu Mười Bốn phía Tây Nam coi bắt cá sấu; hoặc lại xoay mình ngoặc ngược về hướng phi trường L19 dẫn xuống thác Nhà Đèn, vô hồ Trung Tâm, vô khu Hòa Bình thăm Q.H, anh bạn học người Mường đời xưa uống rượu nếp than, hút thuốc lào, ca múa dân ca Mường thâu đêm suốt sáng.

Đi xa hơn trên Quốc lộ 21 kép vô Trung Hòa, Kim Châu Phát của người bạn nhỏ Kim Quốc Khánh, cũng dân Bắc kỳ di cư năm 54 v.v...

Tất cả những con đường tứ hướng đó chồng chất hỗn độn, lầy lội, quằn quại trườn qua những ven đồi đất đỏ quạch, xuyên qua rừng rừng cao su thẳng tắp, luồn qua những đồn điền cà phê đậm đặc ngàn xanh tạo nên một bức tranh đầy vẻ mán mọi, rú rít, cô liêu, buồn muôn thuở.

 

Tôi nhớ hoài những tia nắng màu u uất, thê luơng, ảm đạm rạch gạch, cào cấu, chẻ nát buổi hoàng hôn, và mưa dầm sùi sụt không chịu tạnh, và rau càng cua mọc hoang bị mưa léo xéo rũ rượi bên bờ đất dẫn vô buôn Thượng, ám ảnh mãi trong tôi cái cảm giác điêu đứng, phế thải, hoang tàn.

Mãi mãi tôi vẫn còn ơn ớn, sờ sợ, không quên được cái cảnh hai người đàn ông Mường khiêng võng trùm kín một người bệnh (hay đã chết) cứ như những cô hồn sờ soạn, hoang mê, lầm lũi đi trên con đường lầy lội dưới trời mưa nghiêng.

Và tôi vẫn không quên nổi con dốc dẫn xuống trường Rạng Đông của ông thầy già. Cũng con dốc chở đầy những kỷ niệm ấu thơ đó chẳng biết tự bao giờ đã hả ra một miệng vực sâu hoắm ngày đêm gầm gừ tiếng nước đục ngầu chảy xiết, xâm thực đầy vẻ đe dọa. Cỏ tranh bạc đầu hung hãn xâm chiếm hai bên miệng vực gặp lúc gió mưa lại ngả nghiêng ma quái rạp xuống miễu đền âm u cất dưới những tàn cây cổ thụ. Ôi đình miếu mỗi cuối tuần không ngớt lanh lảnh tiếng chầu văn ai oán kéo cả phường bát âm gọi hồn đổ dài xuống con suối Đốc Học. Mùi nhang sung mãn bay khắp, bóng người lên đồng lảo đảo, xiêu giạt trong hoàng hôn tím thẫm.

Và tôi vẫn còn nhớ không quên một chuyện vui dưới thời Pháp thuộc. Có lần trong đám lính Tây đi chợ sáng chợt một "thằng Tây" trẻ trung, vui tính ngoắc tôi tới thảy cho một thỏi kẹo chocolat ngon lành. Tôi luýnh quýnh chạy ra xa bóc ra ăn mà nhớ đời. Cái cử chỉ hào phóng của "thằng Tây" buổi sáng hôm đó trước cửa tiệm bán thực phẩm của ngoại tôi ở góc đường Ama Trang Long và Nguyễn Thái Học

Tôi vẫn nhớ mãi đôi vai nhỏ nhít tôi ngù ngờ khiêng thời gian lặn lội qua hết thập niên 60 mới nhận thấy rừng lùi dần, nhường chỗ cho nhà cửa, trường ốc mọc lên xao xác.

Tôi tin chắc rằng mỗi một đời con người chí ít cũng đã nghe qua một lần loại âm thanh nào đó mà tới chết vẫn không cách gì quên được. Chẳng hạn:

- Những lời thủ thỉ bên tai của người mình yêu.

- Đang đi ngoài phố chợt nghe tiếng người gọi tên mình thật dịu dàng đầy cảm khái.

- Những lời mắng nhiếc nhau tận tình tận lực của hai kẻ tình thù.

- Âm thanh của tiếng gà gáy thuở bình minh bên kia ruộng bắp.

- Âm thanh ma quái của chiêng, trống, cồng đang đêm trong buôn Thượng.

- Âm thanh của tiếng nổ và tiếng người gục xuống ngoài chiến trường.

- Âm thanh ri rỉ, tỉ tê, rờn rợn, ưng ức, nghẹn ngào, tru tréo, đau đớn đầy vẻ ma quái của người vợ Êdê khóc bên xác chồng vừa hy sinh ngoài mặt trận.

- v.v...

Riêng cá nhân người viết cho tới tận bây giờ vẫn còn nghe văng vẳng tiếng vĩ cầm mùi riệu bản vọng cổ của Ba tôi. Cứ mỗi độ trăng tròn là ông và ly rượu đế lấy đờn ra kéo và ca cẩm. Hồi đó mỗi khi tiếng đờn ngọt ngào, tỉ tê, thê thiết mùi mẫn trỗi lên là tôi có cảm giác như cả cái trời cái đất, cả cái rừng cái rú tịch mịch Buôn Ma Thuột và cả cái ánh trăng vành vạnh đang bay trên cao kia thảy đều sà mình xuống nín thở lắng nghe. Má tôi nói để thâu tiếng đờn của Ba vô băng nhựa cho con cháu sau này nghe, nhưng tới khi Ba qua đời Má vẫn tiếc hoài vì không thực hiện được ý muốn của mình.

Cây vĩ cầm và cây long vĩ chùng tơ, long trục đó như một con ngựa chiến về già, giờ đây trở thành một cổ vật vô danh âm thầm, cam chịu nằm trơ trọi, đơn chiếc trên đầu tủ sách nhà tôi. Tuổi của kỷ vật này tính đến nay có hơn 60 niên trường.

Con giống cha, lẽ thường tình cả về thể chất lẫn tinh thần, có điều ông anh tôi không chơi vọng cổ mà tân thời hơn, chơi tây ban cầm cổ điển khá nổi tiếng một thời ở địa phương. Không thu được tiếng đờn của Ba thì anh tôi đã tự thu tiếng đàn của mình vào băng nhựa 60.

 

Bây giờ cả hai người ruột rà thân thích này đã ra người thiên cổ. Anh tôi tử trận vào Mùa Hè Đỏ Lửa ở Kontum; còn Ba tôi chết vì bệnh buồn: mất nước.

 

Đó là không gian và thời gian của thẳm sâu Buôn Ma Thuột.

 

Bây giờ là mùa đông tuyết giá nơi quê người, ngày tháng đang trôi dần xuống đáy năm. Thắm thoát lại sắp ùn thêm một cái Tết xa nhà. Tôi ròng rã xa quê cha đất tổ đã gần 30 năm mà chưa một lần trở lại.

Cũng vì cái tội không chịu tìm về nên mỗi cái Tết kề cận, tôi và nỗi nhà lại âm thầm thao thức gặm mòn nhau trong một góc nhớ.

Phan Ni Tấn (N.D)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 97148)
Đ ến hôm nay, ngày 6 tháng 5, bức hình nay có tên là Situation Room Photo, tự nó đã có đời sống riêng của nó, và người chụp vốn là nhiếp ảnh viên chính thức của toà Bạch Ốc, đã hẳn không còn là cha tinh thần của nó nữa. Hàng triệu người đã thấy nó, đã bị lôi cuốn, đã thích thú, đã soi bói, đã bàn luận và phân tích, cả chất vấn, và mặc sức… hoán đổi (altered, hoặc tiếng nhà nghề là photoshopped).
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 106328)
N hững lời chứng thuyền nhân, những hình ảnh kỷ niệm, những bài viết ngậm ngùi… ngày giỗ năm nay càng thêm lớn với 3 chương trình lễ tưởng niệm nơi tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, đêm thắp nến, hội thảo, chiếu phim, và hàng loạt những chương trình truyền thanh truyền hình, băng đĩa kỷ niệm. “Ngày này năm ấy” được người Việt lưu vong nhắc đến tựa như dân Mỹ đóng lại vở kịch nội chiến 1876 hàng năm. Khác chăng, trang sử của chúng ta chưa thể khép lại. 
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 101407)
K hi bố tôi rời bỏ gia đình đi tìm một cuộc sống mới, tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì vừa xảy ra. Tôi không nhớ được mẹ tôi có buồn nhiều không, có khóc nhiều không? Tôi chỉ nhớ mẹ tôi nói với tôi rằng bố tôi sẽ không bao giờ về nữa. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi lại thì mẹ tôi trả lời : “ lớn lên con sẽ hiểu ”.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94558)
T ôi cũng nhớ cả đến những đêm về sáng ở vũ trường Tự Do, ngồi nghe Lệ Thu hát hết bài Tôi Đưa Em Sang Sông , để rồi ngày mai lại phải xa thành phố về một nơi mịt mù của đất nước. Sau này, lần nào từ Mỹ về thăm lại Saigon, chúng tôi cũng đến Givral ngồi bên ly cà phê, trầm ngâm nhớ lại cả một thời và những người bạn ngày xưa. Bây giờ thì Givral không còn nữa rồi.
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 97250)
...T hoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền... 
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 91372)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 86096)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 91582)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89544)
L ời tác giả : Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư. Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 98983)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.