- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tam Giáo đồng hành

31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 91288)

 

tamgiaodonghanh-content

 

Con gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã hơn hai chục năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.

 

Chúng tôi còn mấy cháu nữa, nhiều năm không thấy “động tĩnh” gì. Bạn chúng rất nhiều, bạn từ tiểu học cho tới đại học, bạn đồng nghiệp ở các tiểu bang, ở nước khác cũng nhiều. Ngoài ra, lại còn được mai mối với các con của bạn thân chúng tôi mà cũng không đi đến đâu. Có vài lần chúng tôi nhắc đến chuyện hôn nhân, cậu con trai cười cười nói là con phải leo hết tám ngọn núi trên thế giới đã. Tôi nhẩm tính thì nó đã leo hết được sáu ngọn rồi, biết còn lành lặn mà hoàn tất được chương trình leo trèo của nó không. Các cụ nói có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo. Có một đứa con trai vừa thích lội, vừa thích trèo tôi tự nhủ thôi cũng huề. 

Lâu lâu thấy nó cũng có bạn gái, khi thì Việt, khi thì Mỹ hay Đại Hàn. Nhưng rồi tìm hiểu nhau ra sao không biết, cậu con trai lại kết luận là “không hợp”. Vợ tôi lại thở dài. Khi thì tiếc, khi thì mừng.

 

Cô con gái Út thì chân như có cánh. Từ khi ra trường, công việc phải di chuyển hết nước này đến nước khác. Bạn thì nhiều, mà bồ thì chưa thấy đâu. Có ông bà bạn thân thấy con bé dễ thương muốn đón về cho con trai độc nhất nhưng tôi cũng sợ giỗ tết nhà chồng mà hỏi đến con dâu còn đang ở đâu đâu không lo việc cúng giỗ nên đành từ chối trước cho đỡ mất lòng. Vợ tôi càng sốt ruột.

Lo lắng mãi nhưng rồi tự nhủ vợ chồng là do duyên số, nên thôi chờ trời định.

 

Khoảng mấy năm trước đây, vào cuối mùa Hạ, một con công lạc đến khu gia cư của chúng tôi. Nó đứng trước cửa nhà chờ đợi. Theo đúng tinh-thần “hiếu khách”, vợ tôi lấy bánh mì và hạt bắp cho công ăn và đặt tên nó là Buddy, nghĩa là “anh Bạn”. Sau đó ngày nào nó cũng đến, trước khi đi thường để tặng lại một chiếc lông công dài xanh biếc óng ả. Có khi thấy nó xuất hiện ở sân sau, đi lò dò vào cả trong nhà, dạo loanh quanh, ngắm nghía đồ đạc, cái đuôi xanh dài lượt thượt, nhưng nó không để cho ai đụng đến. Mỗi khi muốn cho nó ăn, chúng tôi ra cửa gọi “Buddy”, là nó xuất hiện ngay, không hiểu từ đâu tới. Có lần nó bay xuống từ một nóc nhà cao nhất trong xóm. Đêm đến, nó ngủ trên một cành cây cao trước nhà chúng tôi. Bà con đều nói công đến nhà là điềm may mắn, con cái sẽ có nhiều tin vui.

 

Quả nhiên năm đó một ngày đẹp trời cậu con trai hỏi bố mẹ con đưa bạn gái về thăm nhà được không?

Đây là vấn đáp giữa mẹ và con trai:

- Con bé bao nhiêu tuổi?

- Dạ, 28.

- Học gì, làm gì?

- Đã đậu Masters. Hạnh đang làm Business Consultant cho một công ty ở WA, DC có giao kèo với bộ Quốc Phòng.

Bà mẹ có vẻ vui

- Sao con gặp Hạnh?

- Tụi con gặp nhau ở buổi con nói về một vấn đề kinh tế Nhật ở Pacific University, Oregon. Hạnh mới đi dạy English ở Nhật về cũng đến nghe, nên tụi con liên lạc từ đó. Hạnh thông minh và dễ thương lắm mẹ. Cậu nói thêm.

Câu hỏi then chốt:

- Gia đình cô ta đạo gì?

Có một chút ngập ngừng:

- … Catholic, mẹ.

Mẹ nhìn bố, bố nhìn mẹ, không nói gì. Một lâu sau: 

- Thôi nếu con thích cô ta thì bố mẹ cũng bằng lòng. Bố mẹ nghĩ rằng được chừng ấy điều cũng là may mắn lắm rồi.

 

Gia đình Hạnh thuộc Thiên Chúa Giáo từ nhiều thế hệ ở miền Bắc, nơi có một nhà thờ cổ nổi tiếng, được xây cất quy mô với sự phối hợp giữa kiến trúc Công giáo tây phương và Phật giáo truyền thống với những mái cong.

Gia đình nhà gái và chúng tôi đã làm Lễ Ra Mắt họ hàng và thân hữu ở Seattle, cho đôi trẻ trình diện tổ tiên và lên viếng chùa Việt Nam. Vị sư trụ trì đã tụng kinh xin Phật Tổ ban phước lành cho đôi trẻ.

Trong bữa tiệc ra mắt, chị bạn thi sĩ ở Seattle đã lên đọc tặng hai cháu bài thơ:

Em mở lòng kinh thánh

Chàng đến xông hương trầm

Em tặng đóa sen hồng

Chàng ép vào kinh Phật

…..

Chúa nghiêng mình thánh giá

Ôm em gần vết thương

Phật vẩy nước cành dương

Cho chàng đời an lạc

…..

Chúa Phật đều từ tâm

Tình yêu như tín ngưỡng

Hãy rót vào đời nhau

Nước sông Hằng vô lượng

(Vẽ Hộ Em Nét Mày-TrầnMộngTú)

 

Lễ thành hôn sau đó được cử hành trọng thể tại một giáo đường ở California. Ông bà thông gia mới của chúng tôi là đạo gốc, rất thành thật và cởi mở. Cả hai gia đình đồng ý hạnh phúc của đôi trẻ mới là quan trọng. Việc con trai tôi phải rửa tội theo Thiên Chúa Giáo không thấy đề cập đến.

 

Cùng dịp đó, cô con gái út đang làm việc từ miền Đông Hoa Kỳ, gọi về thủ thỉ với mẹ là anh bạn trai Umar đã ngỏ lời cầu hôn. A thế là chàng Mông Cổ đã trao nhẫn đính hôn cho cô, ở một nhà hàng thơ mộng trong ánh nến chớ không phải trên mình ngựa hay trong túp lều da. Chàng Mông Cổ là tên tôi gọi đùa Umar, bạn trai và cũng là bạn học với cô, dù gốc gác anh ta không có liên hệ gì với Thành Cát Tư Hãn ngày xưa. Khi Út đưa anh bạn gốc người Trung Á về nhà giới thiệu là bạn học, tôi nhìn một chàng trai trẻ mặt mũi sáng sủa, chững chạc với đôi mắt sáng thông minh “giống người Việt mà không phải người Việt”, tôi bảo vợ: con bé đi khắp thế giới mới chọn được anh chàng Mông Cổ này? Vợ tôi cười “Nó đâu phải người Mông Cổ, mà anh cứ gọi…”. Rể út của tôi sau này nghe ra, cũng chỉ cười.

Umar từ quốc gia Kyrgyzstan, một xứ sở Hồi Giáo ở Trung Á. Lúc đầu chúng tôi rất e ngại và cố tìm hiểu.

Quốc gia này, ở bên kia rặng Hy Mã Lạp Sơn, vốn là chư hầu của Liên Bang Xô Viết gần trăm năm, giống như Việt Nam đã từng bị Pháp đô hộ. Nhưng khác với chính sách của Pháp đã để các tôn giáo phát triển ở Việt Nam, Nga Sô theo chính sách vô thần, cố xóa bỏ ảnh hưởng của các tôn giáo, vì thế Hồi giáo của hai bên rặng Hi Mã Lạp Sơn đã khác hẳn nhau. Một tác giả khi nói về tôn giáo đã nhận xét Hồi giáo của vùng Trung Á có mang nhiều tính chất của Phật giáo.

Ngày giỗ bố, Umar cũng làm lễ, nhưng giản dị, không cơm canh, vàng hương, mà chỉ đốt chín ngọn bông gòn tẩm dầu olive. Chúng tôi ngồi xung quanh, yên lặng nghe Umar rầm rì đọc kinh và nhìn những ngọn lửa nhỏ lung linh tưởng niệm đến người đã khuất. Chúng tôi không thấy cậu ta tìm chỗ trải khăn dưới đất lễ phủ phục ngày mấy lần như những người Hồi giáo khác mà ta thường thấy. Hồi giáo của Umar cũng như Phật giáo của chúng tôi là một triết lý bàng bạc trong đời sống, không câu nệ và quá khích. Tôi nhận thấy Umar hiểu biết rộng, thông thạo nhiều thứ tiếng, tính tình phóng khoáng, dễ hòa hợp. Dù cách ăn uống theo Âu Tây, như dùng nhiều bơ hay phó mát, bánh mì, nhưng cung cách cư xử thiên về Á Châu, kính trên nhường dưới, cũng như biết tôn trọng mọi tín ngưỡng khác. Bà mẹ của Umar vẫn còn đi làm tại một công sở ở thành phố. Tôi nhận thấy phụ nữ Hồi giáo của Trung Á rất bình đẳng và giữ một vị thế quan trọng trong gia đình. Họ không mặc áo phủ từ đầu đến chân và che mặt như phụ nữ Hồi giáo mà ta thường thấy. Dân Trung Á vẫn có những y phục cổ truyền, nhưng ngày thường họ mặc giản dị theo cách Tây phương. Bà Raila, mẹ của Umar rất lịch lãm và tân tiến. Sau buổi tiệc cưới được con mời ra khiêu vũ, bà bước ra rất tự nhiên như đã từng dự nhiều cuộc tiếp tân khác. Bà lại là một người cởi mở, không bị ràng buộc bởi những quy ước cố định. Trong một bữa ăn trên vịnh Hạ Long, chúng tôi có nhắc bà món Chả Giò có thịt heo, bà thản nhiên nói không sao, để tôi thử. Vài chuyện trong gia đình của bà chứng tỏ xã hội của Trung Á cũng bình thường như nhiều xã hội khác trên thế giới, tôn trọng tự do cá nhân của con người và nhất là của phụ nữ. Một chứng minh hùng hồn là quốc gia Kyrgyzstan hiện nay có Tổng Thống là một phụ nữ, bà Roza Otunbayeva.

Vì công việc Umar và Út đã phải đi nhiều nước trên thế giới nên chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm động là cả hai đều muốn cử hành hôn lễ trên sông Saigon, con sông đã đưa chúng tôi đến miền Đất Hứa vào tháng Tư năm 1975, ngay trước khi Saigon thất thủ. Ngoài một số họ hàng từ Mỹ, Anh và Việt Nam, hầu hết các khách mời là bạn của cô dâu chú rể đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hiển nhiên, thế giới của chúng ta đã được thu nhỏ lại.

tamgiaodonghanh2Lễ Gia Tiên được tổ chức trên Thuyền Rồng. Con thuyền đưa khách từ bến Nhà Rồng đến Bình Quới Resort dự tiệc. Thuyền khá rộng và dài, sơn mầu đỏ và vàng. Rồng biểu tượng cho đất nước Việt Nam. Thuyền chứa được trên trăm người, gồm một sân khấu và nhà hàng tổ chức theo lối buffet. Cô dâu chú rể, mẹ và hai em trai của Umar mặc quốc phục Việt Nam. Tiệc cưới ngoài trời, khung cảnh huy hoàng nhưng không kém phần thơ mộng, nhờ những bóng đèn huyền ảo treo lơ lửng trên đầu những ngọn tre cao chót vót, khách tưởng như ngồi dưới ánh trăng. Chú rể tiết lộ bí mật tâm tình là những năm còn ở trung học, cậu ta có một cuốn vở, ngoài bìa in hình một cô gái Việt Nam với nụ cười thật tươi. Umar bị thu hút bởi vẻ đẹp và miệng cười của cô gái đến nỗi không dám viết lên và để dành cuốn tập. Trở lại nhà sau khi đậu xong Trung Học tại Hoa Kỳ, Umar tiếc và buồn vì không biết ai đã dùng cuốn vở hay nó lạc đâu mất. Thời gian qua đi cho đến khi được học bổng lấy Masters về Bang Giao Quốc Tế tại Buenos Aires, Argentina; vào ngày đầu của khóa học, Umar sững sờ thấy Út nhà này bước vào giảng đường với dáng dấp, miệng cười giống hệt cô gái trên tấm bìa sách ngày nào. Cậu ta tin tưởng đó là mối lương duyên tiền định.

Sau nhiều năm mong đợi các con lập gia đình, thì nay chúng tôi có hai đám cưới trong cùng một năm. Tôi không quên cám ơn Buddy, con công đã mang niềm vui và sự tốt lành đến cho gia đình chúng tôi.

Về phần Buddy thì hiện giờ chắc nó không còn đơn côi nữa vì sở Kiểm Soát Súc Vật đã đến mang nó về một trại nuôi công cho nó có bạn.

Chúng tôi may mắn có những thông gia khác tôn giáo nhưng lại rất ôn hoà cởi mở. Con dâu tôi thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, một con rể đạo Phật, một con rể đạo Muslim, nhưng tất cả đều mặc nhiên thỏa thuận là đạo ai nấy giữ và các gia đình liên hệ đều tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Các con tôi cá tính mạnh mẽ, năng động, tự tin, nhưng lại rất hiểu biết, cởi mở và dễ hòa hợp. Đó là điều tôi tin trong khi đem lại hạnh phúc cho người bạn đường mà vẫn giữ được bản sắc của chính mình. 

Gia đình chúng tôi là nơi ba tôn giáo lớn của thế giới gặp nhau, nhờ ở tình yêu, sự hiểu biết của những người trẻ và lòng cảm thông cởi mở của những bậc sinh thành. Chúng tôi nhớ lại trong lịch sử Việt Nam, vào thời đại của triều Lý và Trần cách đây chừng 700 năm là những thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử. Thời đó, ba tôn giáo Á Đông lớn đã du nhập vào Việt Nam là Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo, hòa hợp với nhau thành “Tam Giáo Đồng Hành”, khiến cho mọi người trong xứ sở sống đoàn kết với nhau và thành một quốc gia vững mạnh. Mong rằng con cháu chúng tôi cũng sẽ đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, sống hoà hợp để gây dựng nền tảng gia đình vững mạnh và hạnh phúc.

 


 

Nguyễn Công Khanh

Tết Tân Mão

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 106240)
N hững lời chứng thuyền nhân, những hình ảnh kỷ niệm, những bài viết ngậm ngùi… ngày giỗ năm nay càng thêm lớn với 3 chương trình lễ tưởng niệm nơi tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, đêm thắp nến, hội thảo, chiếu phim, và hàng loạt những chương trình truyền thanh truyền hình, băng đĩa kỷ niệm. “Ngày này năm ấy” được người Việt lưu vong nhắc đến tựa như dân Mỹ đóng lại vở kịch nội chiến 1876 hàng năm. Khác chăng, trang sử của chúng ta chưa thể khép lại. 
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 101283)
K hi bố tôi rời bỏ gia đình đi tìm một cuộc sống mới, tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì vừa xảy ra. Tôi không nhớ được mẹ tôi có buồn nhiều không, có khóc nhiều không? Tôi chỉ nhớ mẹ tôi nói với tôi rằng bố tôi sẽ không bao giờ về nữa. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi lại thì mẹ tôi trả lời : “ lớn lên con sẽ hiểu ”.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94438)
T ôi cũng nhớ cả đến những đêm về sáng ở vũ trường Tự Do, ngồi nghe Lệ Thu hát hết bài Tôi Đưa Em Sang Sông , để rồi ngày mai lại phải xa thành phố về một nơi mịt mù của đất nước. Sau này, lần nào từ Mỹ về thăm lại Saigon, chúng tôi cũng đến Givral ngồi bên ly cà phê, trầm ngâm nhớ lại cả một thời và những người bạn ngày xưa. Bây giờ thì Givral không còn nữa rồi.
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 97119)
...T hoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền... 
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 91240)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85877)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89220)
L ời tác giả : Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư. Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 98651)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 81582)
C húng tôi tới thị xã Cẩm Phả vào hồi mười giờ sáng. Một cơn mưa bất thường ập xuống, làm như trời cũng cảm được lòng người, nhỏ những giọt nước mắt của trời để làm chất xúc tác cho những giọt nước mắt của người có dịp tuôn trào.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 86208)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...