- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KÝ SỰ MIỀN ĐÔNG BẮC (3)

28 Tháng Mười Một 20218:07 CH(Xem: 8779)
Đoàn QV hát vang trên đỉnh núi Vị Xuyên
Đoàn Quán Văn hát vang trên đỉnh núi Vị Xuyên- ảnh tác giả

 

 

Ban Mai     

KÝ SỰ MIỀN ĐÔNG BẮC (3)     

 

 

6. Âm khí

Đài hương 468
Đài hương 468 huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Là một trong những điểm ác liệt nhất của mặt trận Vị Xuyên
trong chiến tranh biên giới phía Bắc.- ảnh Petro Times



Bạn có bao giờ đứng trên đỉnh núi lộng gió, xung quanh sương mù bao phủ, cùng bạn bè nắm tay nhau hát vang giữa bạt ngàn rừng núi?

Tôi may mắn đã nhiều lần trãi nghiệm như vậy suốt con đường cái quan từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên đến miền ngược.

Nhưng có lẽ, chưa bao giờ chúng tôi cảm xúc như hôm nay, khi đứng trên điểm cao Vị Xuyên Hà Giang, phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xung quanh là những cung đường uốn lượn, với núi rừng trùng điệp, ca vang bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn.

…Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh. Vòng Tử sinh, những từ này không đâu chính xác hơn nơi tôi đang đứng. Dưới chân tôi nơi đây đã từng thấm đẫm máu bao người.

Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 thất bại, một lần nữa Đặng Tiểu Bình quyết dạy cho Viêt Nam một bài học, chiến tranh biên giới lần thứ 2 xảy ra từ 1984 -1989. Lần này Trung Quốc không đánh từ Lạng Sơn, Cao Bằng mà bất ngờ tràn qua các dãy núi đánh úp vào biên giới Hà Giang. Sáng ngày 28/4/1984 quân Trung Quốc xua quân ồ ạt, kiểu đánh lấy thịt đè người, lính Việt Nam   quyết chiến bảo vệ vành đai biên giới, nên rút lên các đỉnh núi ở Vị Xuyên  Hà Giang. Cuộc chiến khốc liệt này đã khiến 600 người lính Việt Nam tử trận chỉ trong 1 ngày 12/7/1984 thuộc sư đoàn 356, hầu hết là những chàng trai còn rất trẻ 17,18 lần đầu nhập ngũ, đang học phổ thông xung phong ra chiến trường. Các cao điểm này một thời được nhắc đến như là “cối xay thịt” hay còn gọi “đồi thịt băm” để thấy rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Linh hồn những người lính trẻ có lẽ đã siêu thoát, nhưng nỗi đau của những người mẹ vẫn bàng hoàng cho đến ngày nay.

Người lính Trần Trung Thực nhập ngũ năm 1980 sau khi vừa học xong cấp 3, thuộc Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 và hy sinh năm 1985. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sỹ Thực. Trong thư gửi mẹ anh viết : "Mẹ yêu quý của con, con tạm biệt mẹ. Các em con còn bé nhỏ quá không làm gì được đỡ đần cho mẹ. Các em đừng khóc, đừng quấy mẹ nữa, anh về sẽ mua kẹo cho các em". Nó viết thư về, các em nó cứ khóc nức nở. Đến bây giờ người mẹ ấy vẫn không tin, vẫn mong ngóng chờ con. (1)

Tôi đứng trên đỉnh Vị Xuyên lộng gió, xung quanh mây là mây, với những dãi sương mù bàng bạc trên các ngọn núi thấy khí lạnh đầy người, tôi nghiệm ra rằng nơi đâu có nhiều âm khí, nơi đó sương mù dằng dặc. Nhớ lần đứng trên đỉnh Măng Đen Kon Tum dưới chân tượng Đức Mẹ Sầu Bi xung quanh là rừng thông mờ sương, nơi ngày xưa là nơi tập trung xác lính Cộng Hòa để đức cha rửa tội, tôi cũng có cảm giác như vậy. Và không thể không nhớ đến buổi sáng trên đỉnh núi Sơn Trà Đà Nẵng, sân bay dã chiến trên đỉnh Sơn Trà cũng là nơi chở xác lính Việt Nam Cộng Hòa tập trung để trực thăng bốc đi. Buổi sáng đó, chúng tôi không thấy đường đi, xung quanh âm khí dày đặc sương giăng mờ mịt, cách nhau một cánh tay là không thấy nhau rồi.

Trên đất nước này, đi đến nơi đâu cùng thấy “Đất Mẹ” đầy thương tích. Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, đôi khi tôi nghĩ khi sinh ra là người Việt Nam đã là định mệnh rồi.

Trịnh Công Sơn đã từng viết:

Mẹ ngồi ru con

đong đưa võng buồn

đong đưa phận mình

Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh

Tiếng khóc của mẹ  Việt Nam sẽ còn lênh đênh đến bao giờ?

7. Cao Bằng

thanhpho CAO BANG
Thành phố Cao Bằng- ảnh Internet



Từ phố cổ Đồng Văn Hà Giang qua quốc lộ 4C, chúng tôi đến Cao Bằng một thành phố nằm giáp ranh biên giới Quảng Tây (Trung Quốc). Đường xa hun hút, với đoạn đường đèo 198km mà chúng tôi phải vật vã đến thành phố lúc chiều buông. Khách sạn Hương Sen nằm sau con phố đi bộ, trước mặt là dòng sông chảy lững lờ, tôi không biết sông Bằng, hay sông Hiến, tôi chỉ thấy dòng nước đục dưới ánh chiều tà.

Cao Bằng là thành phố miền Đông Bắc sầm uất, văn minh hơn những nơi khác. Tôi ngạc nhiên khi dạo phố đêm nơi này, nó không giống như những thành phố du lịch mà tôi đã từng đến. Nơi đây họ dành nguyên con đường đi bộ để tổ chức các trò chơi dân gian cho người dân giao lưu cùng nhau vào tối cuối tuần thứ 6 và thứ 7. Bạn có thể nhìn thấy trò chơi trẻ con ngày nhỏ bạn đã từng chơi như nhảy lò cò, chơi  ô quan, chơi đánh cờ cá ngựa, chơi đánh nẻ, chơi nhảy dây, chơi kéo co, đi cà kheo, chơi xếp ô chữ… Một góc đầu đường còn có loại hình giải trí mới cho các em  học sinh cấp 2, cấp 3 với những điệu nhảy hip hop sinh động. Khuya hơn một chút sẽ mở nhạc khiêu vũ cho lứa tuổi thanh niên và trung niên. Bạn dễ dàng mời một bạn nhảy không quen trong điệu chachacha vui nhộn.

Thành phố về đêm mát lạnh, mọi người dân đều túa ra đường.

Tôi cũng sà vào chơi nẻ với mấy cô bé, lâu rồi cầm hòn đá thảy lên để bắt những thanh đũa tay tôi lóng ngóng, tụi nhỏ nhìn tôi cười giòn, cô gái người nước ngoài cũng châù rìa xin chơi ké, bên cạnh bà mẹ trẻ cùng cô con gái đang chơi ô quan, hai bé trai đánh cờ cá ngựa với một ông già, hàng đàn trẻ nít chơi nhảy dây, chơi kéo co, và tất cả được tổ chức trật tự có kỷ luật. Có lẽ đây là phố đi bộ nơi vui chơi cộng đồng lành mạnh nhất, hiệu quả nhất mà tôi từng thấy. Tôi hỏi một người mẹ trẻ, các trò chơi trên phố đi bộ này tổ chức bao lâu rồi. Cô nói mới làm từ đầu tháng 10 năm nay thôi chị, được 2 tháng rồi, tụi trẻ con thích lắm, cứ cuối tuần là mọi người dẫn con ra ngoài này chơi.

Tôi ngồi trên vỉa hè ăn chén chè trôi nước còn bốc khói, xuýt xoa vì gió lạnh, ngắm những người dân đang vui chơi mà ao ước giá như thành phố nào cũng có được một người quản lý văn hóa có tầm nhìn nhân văn như vậy thì hay biết bao. Thay gì dành phố đi bộ chỉ để kinh doanh buôn bán đặc sản, và những thức ăn vặt, người ta đã chú ý hơn đến đời sống tinh thần, tạo một sân chơi lành mạnh vào cuối tuần.

Buổi sáng Cao Bằng nắng nhẹ nhưng ra ngoài tôi phải choàng một khăn len mỏng, sáng thứ 7 người ta dậy muộn vì cuối tuần ngủ nướng, đường phố vẫn còn thưa thớt. Nghe cô chủ khách sạn giới thiệu món bánh cuốn đặc sản vùng núi chúng tôi tìm đến. Bánh cuốn ở nơi này giống như bánh ướt ở miền Nam, nhưng bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người miền xuôi, chấm bánh vào nước mắm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương heo từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa. Có nơi tráng bánh cuốn  cho thêm lòng đỏ trứng gà, khi ăn còn thêm một cây chả và măng chua làm kim chi nữa. Món này lạ, ăn để biết nhưng có lẽ không hợp lắm với khẩu vị tôi.

8. Thác Bản Giốc

du-lich-minh-anh-cao-bang-thac-ban-gioc-3
  • Thác BẢN GIỐC được xem là một trong 6 thác nước đẹp nhất thế giới. Ảnh: Cuma Cevik Photography



Anh Nguyên Minh chủ biên tạp chí Quán Văn, sau một tuần ngồi xe vượt đèo đã thấm mệt, nhìn anh yếu sức chúng tôi lo lắng, khuyên anh hôm sau ở lại thành phố nghỉ ngơi đừng đi Bản Giốc. Xe anh gồm vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương, người được cả đoàn lo nhất vì họa sĩ Cóc đã một lần cấp cứu trong đợt đi Miền Tây Nam Bộ nhưng kỳ này anh lại ung dung tự tại, chị Kim Cúc đột quỵ nằm viện một tháng mới ra viện cũng hăng hái đi, vì vậy chị Mỹ Lệ nữ tướng Quán Văn, vợ chồng anh Sông Ba, anh Đặng Châu Long biệt phái đi xe này để lo chu toàn cho các yếu nhân.

Nhưng sáng nay, tôi ngạc nhiên khi thấy anh Nguyên Minh tươi tỉnh ngồi ăn sáng  từ sớm, anh không chịu ở lại nghỉ ngơi, anh nói chuyến đi này thác Bản Giốc là địa điểm quan trọng nhất anh không thể bỏ qua, không gì riêng anh, mọi người cùng đều suy nghĩ như vậy.

Anh Đặng Châu Long chưa đến đã buồn và lòng thì nao nao, anh viết: “buồn và nao nao nghĩ đến ngày mai, mai đã sang Cao Bằng ngùi thăm Bản Giốc, Trùng Khánh vốn xa lạ ngày nào bỗng trở nên thân thiết bởi bi tráng sự đời.”


Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh sát biên giới Trung Hoa là một thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam gồm có hai phần, phần thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính nằm giữa biên giới Việt – Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới; Phần thác chính rộng khoảng 100 mét, cao 70 mét và sâu 60 mét, nhìn từ xa thác đổ xuống trắng xóa nguyên sơ, như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, tạo nên một nét quyến rũ.


thác Bản Guốc
Tác giả Ban Mai và thác Bản Giốc



Chúng tôi đến thác Bản Giốc lúc giữa trưa, ngay từ xa đã nghe thấy tiếng thác nước réo. Du khách có thể ngồi trên những vạt cỏ xanh mát dưới tán cây ngắm dòng thác đỗ xuống từ trên cao tung bọt trắng xóa, bên cạnh là túi hạt dẻ Trùng Khánh dẻo thơm còn bốc khói. Địa điểm này là nơi chúng tôi chờ đợi, mỗi người đều có một tâm trạng khi nhìn ngọn thác hùng vĩ của mình bị cắt đi một phần lãnh thổ so với cột mốc Pháp – Thanh ký công ước từ năm 1887. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác Bản Giốc, phần thác phụ bên trái 1 tầng hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, phần thác chính bên phải gồm 3 tầng,  nửa phía tây thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủyhuyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km. Theo trang Wikipedia, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil-Argentina, thác Victoria giữa Zambia-Zimbabwe và thác Niagara giữa Canada-Mỹ).

Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt. Mặt sông Quây Sơn này hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng, cùng khai thác du lịch chung. Cùng một bước chân, nhưng khi tôi đứng giữa hai đường biên, thân tôi ai xẻ làm đôi.

Hầu như chúng tôi đều chỉ muốn đứng bên thác phụ nằm trên lãnh thổ của mình, chụp hình và thư giản, không ai bảo ai đều không muốn sang thuyền để qua thác chính  vì không muốn cứa vào nỗi đau. Anh Đặng Châu Long thì “Tôi cứ chụp, chụp nhưng không chụp thác lớn, tôi không muốn lòng đau thêm. Không thể buông, vì sẽ không còn níu lại. Chiếc vũng nhỏ của thác nhỏ, cái hồ đầy của thác lớn cứ phô ra đấy lòng nào còn vui. Tôi chợt nhớ câu hát của ai đó vẳng trong tôi: “Lòng sầu thiếu phụ ngậm ngùi ải quan”. Bây giờ không thấy ải quan đâu.

Tịnh Thy thì kêu gọi mọi người “Hãy uống một ngụm nước đầu nguồn thiêng liêng của tổ quốc”.

Trúc Hạ thì chia xẻ: “Nước mát trên tay, ngọt trên miệng mà sao chúng tôi lại cùng cảm nhận được vị đắng trong lòng của nước?!...”

Tôi ngồi trên vạt cỏ ngắm dòng thác hùng vĩ tung bọt trắng xóa từ xa, mà nghĩ đến hàng ngàn năm trước, triệu năm trước khi dòng thác này được tạo dựng, đã có bao thể chế đến rồi đi, đã có bao dân tộc sở hữu được chúng. Và rồi cũng là hư vô. Ranh giới của một đất nước đôi khi nằm nhiều ở chính lòng người.

Tiếng hát của Thái Thanh trong bài “Tình ca” của Phạm Duy réo rắt suốt đường về mà lòng tôi trống rổng:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

… Tôi yêu biết bao người

Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa

Những anh hùng của thời xa xưa

Những anh hùng của một ngày mai…”

Nghe bài hát mà thấy lòng xót xa, hùng khí của tiền nhân nay biết tìm nơi đâu.

BAN MAI

17/01/2020

Tham Khảo:

http://trian.vn/tin-tuc/chien-truong-xua-3571/cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-dong-doi-khong-quen-ngay-gio-tran-vi-xuyen-469109

https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1c_B%E1%BA%A3n_Gi%E1%BB%91c

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93570)
Đ êm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình[...]Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 80102)
B ao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94838)
C huyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết.
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 93217)
T ôi điếng người sau cú phôn. Phôn của anh bạn ở Portland. Phụng dính ung thư gan! Tôi loanh quanh chẳng biết mình đang làm gì và đang muốn làm gì. Có lẽ nào! Đang khi không bỗng trời ập xuống.
04 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 107693)
L ịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt. Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 84362)
... c ái bản sắc nói chung cho người Việt hải ngọai khắp nơi trong cộng đồng thế giới với biết bao dị biệt. Họ sẽ được giáo dục, có văn hóa, và có tiếng nói khác nhau. Quê hương đáng lẽ phải là những điểm chuẩn chung để mọi người còn có một cái gì để noi theo. Đó là niềm kiêu hãnh, là tình tự dân tộc, là đạo đức chính trị, là đạo đức kinh doanh, nếu chỉ thấy cái thua kém, thù hận, và ô nhiễm mọi mặt. thì có lẽ đã muộn rồi. Như đàn cá hồi khi ra biển rộng, lúc tìm đường về, nhưng cái tổ cũ đã bị phá bỏ, các kinh rạch cũ đã bị rác rưởi lấp kín, thì chắc là lại ra đi, về vùng vẫy tự do ở vùng biển rộng trời cao...
07 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 96477)
Đ ến hôm nay, ngày 6 tháng 5, bức hình nay có tên là Situation Room Photo, tự nó đã có đời sống riêng của nó, và người chụp vốn là nhiếp ảnh viên chính thức của toà Bạch Ốc, đã hẳn không còn là cha tinh thần của nó nữa. Hàng triệu người đã thấy nó, đã bị lôi cuốn, đã thích thú, đã soi bói, đã bàn luận và phân tích, cả chất vấn, và mặc sức… hoán đổi (altered, hoặc tiếng nhà nghề là photoshopped).
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 105987)
N hững lời chứng thuyền nhân, những hình ảnh kỷ niệm, những bài viết ngậm ngùi… ngày giỗ năm nay càng thêm lớn với 3 chương trình lễ tưởng niệm nơi tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, đêm thắp nến, hội thảo, chiếu phim, và hàng loạt những chương trình truyền thanh truyền hình, băng đĩa kỷ niệm. “Ngày này năm ấy” được người Việt lưu vong nhắc đến tựa như dân Mỹ đóng lại vở kịch nội chiến 1876 hàng năm. Khác chăng, trang sử của chúng ta chưa thể khép lại. 
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 100927)
K hi bố tôi rời bỏ gia đình đi tìm một cuộc sống mới, tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì vừa xảy ra. Tôi không nhớ được mẹ tôi có buồn nhiều không, có khóc nhiều không? Tôi chỉ nhớ mẹ tôi nói với tôi rằng bố tôi sẽ không bao giờ về nữa. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi lại thì mẹ tôi trả lời : “ lớn lên con sẽ hiểu ”.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94103)
T ôi cũng nhớ cả đến những đêm về sáng ở vũ trường Tự Do, ngồi nghe Lệ Thu hát hết bài Tôi Đưa Em Sang Sông , để rồi ngày mai lại phải xa thành phố về một nơi mịt mù của đất nước. Sau này, lần nào từ Mỹ về thăm lại Saigon, chúng tôi cũng đến Givral ngồi bên ly cà phê, trầm ngâm nhớ lại cả một thời và những người bạn ngày xưa. Bây giờ thì Givral không còn nữa rồi.