- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG BÀ QUẢ PHỤ NĂM XƯA

25 Tháng Ba 202110:39 CH(Xem: 12617)

KHAN TANG
Khăn tang - ảnh Internet

Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, tôi nghe đài Radio thường phát bài hát của Trần thiện Thanh "Anh không chết đâu anh ".Bản nhạc một thời vang bóng đi vào lòng người ai cũng biết...


Đêm nay cả nhà đi vắng hết chỉ mình tôi ở nhà. Đêm dài thăm thẳm vì tôi không ngủ được. Lang thang trên Google, tôi tình cờ xem được một clip về bà góa phụ vợ của Đại úy Đương năm xưa.


Tôi thật sự bất ngờ và cũng thật xúc động... Ngần ấy năm trôi qua " Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở đến những chiến công... " một hình ảnh đẹp của bà Đương xa mất rồi so với bà bây giờ, khác xưa nhiều quá. Cuộc sống quá khó khăn, bà đã già nua, khắc khổ. Bốn đứa con chỉ còn có hai và hơn 40 năm rồi mẹ con bà mới đến được đồi 31 Hạ Lào nơi đại úy Đương ngã xuống. để thắp một nén hương, hốt một chút đất đưa linh hồn của chồng, của cha về với đất mẹ VN. Nếu không nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt bên nước ngoài, bà sẽ không thể nào đến được nơi này dù chỉ một lần trước khi nhắm mắt. Thật đáng thương biết ngần nào cho số phận của người phụ nữ trong thời chinh chiến.


Tôi nhỏ bé, tầm hiểu biết còn rất hạn hẹp, nên tôi không dám nói về chính trị ở đây, không phân biệt là chế độ nào ai đúng ai sai. Tôi chỉ nói ở đây cái tình con người với những con người khổ đau ấy còn hiện hữu trên quê hương tôi...


Tôi cũng có một người chị họ con cô tôi, cũng héo hắt cả một đời như thế. Trước năm 1975, chồng chị là một sỹ quan quân đội VNCH. Anh chị kết hôn bằng một tình yêu rất đẹp của một thuở xuân thì. Chị rời bỏ Quy nhơn vào Phan thiết để sống cùng gia đình chồng. Anh đi chinh chiến quanh năm, lâu lâu mới có một ngày về phép dành cho gia đình. Trong một lần xông pha ra chiến trường năm 1974 anh đã mất biệt, không có ngày về. Để lại cho chị hai đứa con thơ dại và một mẹ già. Đứa lớn chỉ mới ba tuổi, đứa bé còn trong bụng mẹ chưa chào đời và chị chỉ mới 26 tuổi đời. Ngày ấy anh đi, chị vẫn mong đợi và tin là anh sẽ trở về, dù chị đã mơ thấy anh về trong bộ quân phục đầy là máu và sau đó anh đi mãi chẳng về nữa dù cả trong mơ. Chồng chị người chiến sỹ năm xưa đã hy sinh cho tổ quốc, chị và anh cũng đậm nét trong bài hát ngày ấy "...Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con. Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết yêu đời lính... Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu. Ôi tiếng súng sau cùng đó anh còn nghe tầm đạn đi không anh... Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ. Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân. Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh ..."


Năm1975 thời cuộc đã đổi thay, ngày về của anh đã quá xa xăm chẳng còn hy vọng, chị quyết định lấy ngày anh đi làm ngày giỗ chồng. Chị vừa chăm sóc mẹ chồng vừa tần tảo nuôi con thơ dại, chị không có dư thời gian để nghĩ đến cảnh đời bất hạnh của mình. Nhưng đến năm 1983, cha của chị bị đau, chị đưa hai con về Quy nhơn thăm cha. Trên đường về, một tai nạn thảm khốc xảy ra đã cướp mất 2 đứa con của chị. Đứa con trai đầu và đứa bé con gái, cả hai cháu đều rất ngoan mặt mũi sáng sủa, xinh đẹp. Chị bị thương rất nặng, gãy chân và bể cả bánh chè. Sau cơn hôn mê tỉnh dậy chị còn đau cắt ruột gan khi biết hai đứa con mình đã mất. Chị thành một kẻ tật nguyền bất hạnh thêm hơn...


Mất chồng, mất cả con thơ và lại không một khoản tiền nào trợ cấp cho chị vì chị là vợ của sỹ quan chế độ cũ. Sau khi mẹ chồng chị qua đời, chị về Quy nhơn, phụng dưỡng cha mẹ đẻ của mình. Chị thức khuya dậy sớm làm thịt, làm chả để bán bánh mì. Gia đình nhà chị, ai cũng nghèo khổ bệnh tật, chị bương chải với đôi chân khập khễnh của mình góp phần công sức lo cho cha mẹ, em út cháu con trong nhà. Cứ như thế nhưng chị vẫn hiền hòa, chân chất cam chịu không than van, nụ cười luôn nở trên môi dù rất héo hắt. Có một lần nghe chị kể say sưa về ngày chị và anh gặp gỡ nhau hồi xưa ấy, tôi thấy mắt chị ngời sáng long lanh. Chị còn yêu anh nhiều lắm...


- Chị Bảy ơi... Bây giờ nhà ngoại cảm nhiều lắm, sao mình không tìm thử hài cốt anh đâu hả chị.


- Tiền đâu mà tìm em, ăn còn không đủ mà ăn có đâu mà tìm, mà chồng chị là người Quốc gia mà!


Mấy mươi năm trôi qua, cả cuộc đời chị chăm chút lo cho gia đình không phút nào nghĩ đến bản thân. Những người quả phụ năm xưa còn sót lại ở VN không có quyền lên tiếng và dòng đời trôi xa mãi chìm khuất mất họ rồi. Nhưng định mệnh khắc khiệt thì không hề quên chị. Một buổi chiều trời sẩm tối, chị đi bán về đang chuẩn bị băng qua đường Trần hưng Đạo để về nhà. Một con bé đi xe máy từ xa lao tới tông vào chị khiến chị té xuống. Nó hoảng hốt quỳ lạy chị.


- Cô ơi... con xin lỗi cô... con lỡ... Cô ơi... Con là sinh viên con không có tiền cô ơi !


-Trời ơi... Cô thấy con từ xa, cô đã sợ cô đứng nép sát lề rồi mà cũng không thoát được...


Con bé vừa khóc vừa lạy chị. Chị nghĩ nó như con gái mình, thấy cũng tội. Chị nghĩ chắc không đến nỗi nào nên chị cho nó đi... Nhưng khi chị đứng dậy, chị không gượng dậy nỗi, chị bị gãy chân lần nữa rồi. Anh Chín em trai chị ở nhà chờ không thấy chị về, anh đi tìm chị và đưa chị vào bệnh viện, tiền thuốc tựa vào cái bảo hiểm y tế sơ sài đó, chị em chị đều không có tiền. Lần đó, tôi chỉ kịp tất tả vào thăm chị giúi vào tay chị một ít tiền rồi đi liền vì đêm đó tôi phải đi Sài gòn thăm con. Một tuần sau về lại Qui nhơn, tôi đến thăm chị thì chị đã ra viện và chân băng kín bột. Tôi gởi thêm cho chị một ít tiền của tôi, của con gái tôi cho dì Bảy, của mấy đứa em dâu tôi và của chị tôi nữa. Con nhà nghèo không nằm lâu trên giường bệnh, chị lại khập khểnh đi nạn, rồi lại mò mẩm ra chợ bán bánh mì kiếm sống mỗi ngày.


Bẳng một thời gian sau, tôi ghé lại thăm chị trước khi tôi vào Sài gòn, tôi lại đau lòng khi chị lại bị tai nạn lần nữa. Lần này, trời mưa to đôi chân khập khểnh của chị làm chị trượt ngã trên đường. Đôi chân của chị lại bó bột và tệ hơn lần trước nữa, chị không thể đi lại được, không thể đi bán được nữa, chị đã già chị không còn sức nữa. Chợ thì mua bán ế ẩm, thuế cao, chị không còn đứa con nào để đỡ đần cho chị, con đường chị đi đã vào ngõ cụt mất rồi.


Tiền mà tôi cứ thỉnh thoảng giắm giúi cho chị, tựa hồ như muối bỏ biển mà thôi. Tôi bỏ, tôi không làm từ thiện ở đâu xa nữa, người mà tôi cần giúp nhất bây giờ là chị. Một người có thật, một người khổ đau trong đời mà tôi chứng kiến thật sự không hư dối. Một người chị hiền hòa mà luôn chịu nỗi bất hạnh trong đời...


Đã 43 năm trôi qua, sự khe khắt về lý lịch, về người của chế độ cũ dần rồi cũng nguôi ngoai. Nhờ đó mà tôi mới được viết lên những dòng này cho chị họ tôi. Chị Bảy Long, vợ một sỹ quan VNCH, người phụ nữ thầm lặng gánh chịu những đau thương mất mát của chiến tranh của nghiệp đời. Chị đã già, tuổi xuân đã qua đi, chị còn bất hạnh hơn cả bà quả phụ đại úy Đương vì không ai biết đến chị. Hết một đời đến khi nhắm mắt, chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hốt một nắm đất nơi anh đã hy sinh để về chùa cúi lạy. Chị chẳng còn một đứa con nào để nương tựa tuổi già heo hắt bên song. Ôi đất mẹ Việt nam còn có bao người như thế... Thương biết bao!


Lạy Phật cho tai ương đừng đến với chị nữa, xin cho chị có được an lành cho đến ngày thanh thản mà đi. Lạy Phật con biết chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đâu xin chở che cho chị Bồ tát ơi...!

Thái Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Mười Hai 20215:32 CH(Xem: 9905)
Khi chợt nghĩ tới số 60, tôi nhắm mắt uống thêm 3 hớp cafe một lúc. Trôi xuống cổ tôi là cái nóng cháy và đắng ngắt của ly cafe vừa sôi, không đường, sữa. Nếu cafe mà làm biến mất đi được cái số đáng sợ này, chiều nay tôi tình nguyện uống thêm vài ngàn ly nữa. Đánh đổi lại với tuổi trẻ mướt xanh, tôi thà bỏng môi, tôi thà rát cổ. Phản ứng với số 60 dễ ghét, tôi tiếp tục mặc jean bó sát, áo trễ xuống thêm chút nữa và luôn đi giày cao gót. Tiếng gót khua vang, vọng theo mỗi bước chân, khi rộn rã, lúc reo vui đã làm tôi thân ái, ấm áp hơn với số tuổi không còn trẻ nữa của đời.
27 Tháng Mười Hai 20218:32 CH(Xem: 8743)
Đọc trên face tôi biết ở Mỹ có những người già khi con cái bận bịu hoặc vì hoàn cảnh neo đơn không người chăm sóc họ đã vào viện dưỡng lão ở trong những ngày cuối đời. Đa phần tôi thấy họ buồn bã, cô đơn hơn là hạnh phúc. Không hiểu sao dạo này tôi lại quan tâm đến điều này. Hồi trước mà nghe ai bị đưa đi viện dưỡng lão tôi thấy họ thật đáng thương nhưng bây giờ tôi lại thấy đó là điều bình thường.
15 Tháng Mười Hai 20218:23 CH(Xem: 8565)
Chúng tôi cũng đã đến rặng Thiên Sơn, như chàng chinh phu của Lê Thương nhưng ở phía bên này của miền Trung Á, xứ Kyrgyzstan. Không vất vả cưỡi ngựa hay lội bộ hàng năm trời, nhưng phải chuyển ba chuyến bay và mất gần 30 giờ. Từ Seattle, một thành phố ven biển Thái Bình Dương, phía Bắc nước Mỹ, chúng tôi bay qua New York, theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ, chờ ở đó khá lâu để bay tiếp đến thủ đô Bishkek của xứ Kyrgyzstan. Còn một ngả khác là bay qua Moscow.
28 Tháng Mười Một 20218:07 CH(Xem: 8775)
Bạn có bao giờ đứng trên đỉnh núi lộng gió, xung quanh sương mù bao phủ, cùng bạn bè nắm tay nhau hát vang giữa bạt ngàn rừng núi? Tôi may mắn đã nhiều lần trãi nghiệm như vậy suốt con đường cái quan từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên đến miền ngược.
24 Tháng Mười Một 20219:38 CH(Xem: 9739)
Chiều buông, từ cột cờ Lũng Cú chúng tôi phải quay lại ngã ba gần dinh vua Mèo để kịp đến cao nguyên đá Đồng Văn trước khi trời tối hẳn, đoạn đường khúc khuỷu, nguy hiểm vì đang thi công, người ta cho nổ mìn phá núi để mở rộng đường đèo. Trên núi cao chỉ cần mặt trời lặn thì bóng tối bao trùm, chỉ có đèn pha của xe chiếu vào vách núi, phía ngoài sương mù giăng phủ, một bên là núi một bên là vực sâu hun hút.
18 Tháng Mười Một 20214:35 CH(Xem: 9413)
Đêm Tuyên Quang chìm trong tiếng rù rì quái dị thành nhà Mạc chập chờn trong giấc mơ. Tôi chạy xuyên qua tường thành mờ ảo những mê cung bàn cờ, tôi lao vào ngõ cụt bức tường thành khổng lồ chắn lối, những hình vẽ lay động bước ra nhìn tôi, ánh mắt có thần của một nữ nhân có khuôn mặt đầy nếp nhăn của thời gian làm tôi chết sửng, bà là một vị thần? những chạm khắc trên tường với những phù điêu Champa. Hay tôi đang trôi vào thời Óc eo thế kỷ thứ 7 của xứ Phù Nam. Không tôi đang đi về miền Đông Bắc Việt Nam.
02 Tháng Mười Một 20218:38 CH(Xem: 9470)
Biển chạy dọc, dài theo hết California, vừa huyên náo, rất mơ màng, lại có chút gì đó nhịp nhàng trong cái tĩnh lặng của hoàng hôn. Chiều tàn, với sắc đỏ thắm rọi soi xuống dòng nước, là chút mầu sâu thẳm của ráng chiều đang nhạt nhoà vào đêm tối. Chút ánh sáng sắp tàn, phai dần cho bóng đêm, đã luôn làm tôi chìm đắm trong những ly rượu đỏ, có khi muốn uống hết, uống cho đến khi nào im hơi…
19 Tháng Mười 20216:46 CH(Xem: 9897)
Bài thơ tựa một khúc du ca trong trẻo, cất lên giữa chiều thu yên bình, giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của một miền quê Bắc Mỹ, xuyên qua một con đường quanh co rợp bóng cây mang tên “Con đường tình ta đi”- cái tên như một thứ “định mệnh” ngọt ngào đối với hai người…
05 Tháng Mười 202110:18 CH(Xem: 9886)
Cuối cùng rồi tôi cũng đã già. Cái già cũng thật thú vị. Hồi nhỏ người lớn bảo rằng tôi có tướng đi lầm lũi, đó là tướng khổ và cái tướng đó theo cả đường đời tôi đi. Tôi đi suốt từ thời thơ bé cho mãi đến tuổi 50 có lẽ thấm mệt nên tôi dần chậm bước. Tôi cho rằng đó là lúc tôi không còn trẻ nữa mà đến lúc tuổi đã thu rồi.
12 Tháng Chín 20219:32 CH(Xem: 9515)
Buổi sáng thức dậy thật sớm, tôi có những phút bình yên ngồi bên song cửa sổ lặng nhìn thành phố còn trong màn đêm yên tĩnh. Từ ngày thành phố có lệnh cách ly, khoảng trời của tôi được thu nhỏ chỉ trong khung cửa sổ này. Nhìn từ nơi xa xa tít ngoài xa là con đường cao tốc, cửa ngõ cho người đi người về lại Sài gòn, ngày trước xe lúc nào cũng nối đuôi còn bây giờ thưa thớt một vài xe trên đường. Những ngày dịch bệnh nơi ấy bớt hẵn bóng người, không còn những chuyến xe đi sớm về muộn trên đường xuôi ngược.