- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐI VỀ MIỀN NAM

13 Tháng Bảy 20198:57 CH(Xem: 17246)


HIEP DINH

Hiệp định Genève 1954 là hiệp định đình chiến được kí kết tại thành phố Genève, Thụy Sỹ để khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Đoản Văn  Kỷ Niệm 65 Năm Ngày Đất Nước Chia Đôi 20/7/1954

 

Saigon, tháng 8 Năm 1954.

Nhớ lại những thời gian mới vào Nam, cha tôi được chuyển ra làm việc ở Đà Nẵng, cả gia đình phải đi theo trừ tôi ở lại Sài Gòn theo học trường Chu văn An. Trong những ngày đầu, chưa có chỗ trọ, tôi đạp xe đến trại học sinh di cư Phú Thọ, nhưng trại đã đóng cửa, nhìn vào ngổn ngang rác rưởi. Tôi tìm đến nhà Hát Lớn thành phố, lúc đó vẫn còn một số người di cư vào muộn nên chưa giải tỏa.Tôi đang đứng lớ ngớ ở đại sảnh, thì gặp một anh bạn đang lễ mễ khuân hành lý đi xuống.Sau khi biết tôi đang cần nơi trú ngụ, anh bèn dẫn tôi lên đến khúc ngoặt của cầu thang tầng thứ ba, bảo tôi cứ dọn đến chiếm chỗ của anh vì anh đã có một nơi ở bên ngoài rồi.Anh giục tôi về dọn đến ngay.Hành trang của tôi chẳng có bao nhiêu. Tôi may mắn có một cái xe đạp để di chuyển, một vali nhỏ đựng quần áo, một ít vật dụng và một giường xếp kiểu nhà binh.

Những ngày chờ trường khai giảng, tôi hay nằm một mình qua khung kính vỡ nhìn xuống những cảnh sinh hoạt dưới đường.Từ đó tôi thấy được cái công viên, mà sau này được dựng tượng một người lính Thủy Quân Lục Chiến cầm súng xung phong. Tôi nhìn thấy cái bồn phun nước mà xe cộ chạy quanh suốt ngày, nhìn dọc theo phố Bonard, xa xa là bùng binh chợ Bến Thành. Trước mặt nhà Hát Lớn là phố Catinat, một khu phố Tây có nhiều người ngoại quốc áo quần sang trọng qua lại. Những người thợ chụp hình photostop trên công viên thường bất ngờ nhắm chụp những khách qua lại, sau đó dụ họ mua hình.

Tôi thấy một người đàn ông giữ xe hơi, cứ mỗi lần có xe nào đến đậu trước cửa nhà Hát lớn, là ông ta cầm chổi lông gà lăng xăng chạy đến, mở cửa xe và lấy chổi quơ bụi quanh xe. Sau đó ông ta chờ đóng cửa, rồi cúi rạp người nói với họ những câu tiếng Tây gì tôi không được rõ. Lúc chủ xe trở lại, ông ta lập lại những động tác cũ, và cung kính đứng chờ để nhận tiền. Ngày nào tôi cũng nhìn cái hoạt cảnh kiếm tiền của ông ta, quá dễ dàng, mà chẳng phải trả một đồng thuếnào cho bãi đậu xe của thành phố.

Nhà hàng Givral ở ngay góc đường, mỗi lần tôi đi xuống phố đều nhìn vào thấy quá xa lạ với mình, mà mãi bốn,năm năm sau tôi mới có dịp vào ngồi uống cà phê như họ.

Hồi đó, mỗi buổi sáng vào khoảng tám giờ, một xe lambretta ba bánh của sở Thông Tin đến đậu trước nhà Hát Lớn, mở loa phóng thanh vang suốt khu phố những bản tin và bài bình luận. Xen kẽ là ba bài nhạc mà tôi nhớ mãi. Bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương gợi lại bao nhiêu kỷ niệm vể thành phố mà mình vừa rời bỏ, bài Ngày Trở Về của Phạm Duy thấm cái nỗi buồn của người thương binh sau mười năm chiến tranh lê bước trở về làng xưa và bài Tiến Về MiềnNam tôi nhớ là của Trọng Khương với biết bao hùng khí của cả triệu người theo gót người xưa Nam Tiến đi làm lịch sử. 

Một hôm đang nằm nhìn ra ngoài qua khung kính vỡ, tôi chợt thấy một cậu bé lặng lẽ đến ngồi cạnh tôi và cùng nhìn xuống đường. Sau một hồi trò chuyện, tôi theo em lên thăm gia đình em ngụ trên lầu ba. Họ là những người trong các làng đạo từ vùng Thanh Hóa.Khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết, họ tìm cách ra Hải Phòng để được di chuyển vào Nam. Cộng Sản đã cố ngăn cản bằng đủ mọi cách, mãi sau họ mới thoát được và nhờ chuyến tầu há mồm cuối cùng tới được bến bờ tự do. Bố của em là một ông giáo làng. Có nhiều ngày, tôi đạp xe chở em lang thang đi thăm khắp phố phường. Thỉnh thoảng, bố mẹ em mời tôi cùng ăn những bữa cơm di cư thanh đạm. Vài tuần sau, em cho tôi biết gia đình em và các người cùng làng sắp đi định cư ở một vùng xa.Tôi lên từ giã họ. Thấy con có vẻ quyến luyến tôi, bố em mời tôi cùng đi với họ. Ngày tựu trường còn xa, tôi nhận lời. Tối hôm sau, có xe đến đón và chở chúng tôi đến tập trung tại đình Phú Nhuận để sáng sớm sẽ khởi hành đến chỗ định cư.

Đoàn xe vận tải gầnchục chiếc nối đuôi nhau, xe nào cũng chở đầy dân di cư, thực phẩm và các dụng cụ phá rừng làm rẫy. Khi ra khỏi thành phố, tôi không định hướng được họ sẽ đi về đâu.Tôi cũng không muốn hỏi, tìm chỗ nằm dựa vào đống hành lý, nhìn núi rừng chạy lùi đằng sau.Xe chạy suốt ngày đến gần tối, dừng lại giữa đường lộ, hai bên là rừng, phía trước phía sau cũng chỉ thấy rừng. Mọi người khuân hành lý xuống xe, mệt mỏi đứng ngẩn ngơ giữa đường, sau đó theo người hướng dẫn lội bộ đến một khu nhà sàn của người Thượng, mở lương khô ra ăn và tối đó ngủ trong căn nhà dài của họ.

Sáng sau, trong làn sương lạnh của núi rừng, tôi thức giấc đã thấy mọi người tụ tập ở bên ngoài. Một số đàn ông nai nịt sẵn sàng và mang theo dao rừng. Tôi bước ra nhập vào với họ và theo chân một vị linh mục dẫn đầu. Đoàn người băng qua đường, dẫm trên cỏ ướt. Những người đi trước vung dao, phạt lối làm quang đường để các người sau tiến lên.  Băng một quãng rừng, cả đoàn dừng lại bên một dòng suối.

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh lúc đó. Mọi người đứng yên lặng, có một cái gì rưng rưng thật là thiêng liêng của giây phút khởi đầu. Vị linh mục tìm một tảng đá cao bước lên đứng trước mọi người.Bên dưới, nước suối chẩy ào ào trắng xóa sau những tảng đá.

Họ bắt đầu đọc kinh.Kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha.Tôi cũng cùng đọc với họ.Lời kinh của chúng tôi âm vang trong khu rừng nguyên thủy còn đọng sương sớm.Hai bài kinh này tôi đã thuộc lòng trong những năm đầu tản cư 1946 chạy giặc Pháp ở các làng đạo vùng trung du.  Lúc đó tôi học trường đạo ở nhà thờ, ngủ chung với đám trẻ trong nhà mà gia đình tôi đang tạm trú. Sáng nào cũng bị đánh thức dậy từ sáng sớm cùng các người lớn đọc kinh, giọng còn ngái ngủ. Tối đến, tôi cũng cùng họ đọc kinh trước khi đi ngủ. Thành thử dù không phải là con chiên, tôi đã thuộc nằm lòng hai bài kinh nói trên từ thuở ấu thời. Sau đó là bài giảng của vị linh mục mà tôi còn nhớ một đoạn: ÔngMoses lúc đi lánh nạn đem theo đoàn giáo dân đã tìm đến một dòng suối trong một khu rừng để định cư. Những ngày qua chúng ta cũng đã đi lánh nạn vượt qua hàng ngàn cây số và hôm nay đến được nơi đây, trong khu rừng này, bên cạnh dòng suối  như xưa Moses đã đến. Chúng ta sẽ đốn cây làm nhà, phá rừng phá rẫy để trồng trọt như người xưa. Đây là miền đất hứa của chúng ta và của các con cháu chúng ta sau này…

Tôi ở lại với họ ít ngày nữa, theo họ vào rừng phạt cỏ làm lối đi, đốn cây dựng những căn lều tạm cho tới khi gần ngày khai trường. Nhân có chuyến xe lên tiếp tế, tôi từ biệt họ trở lại Sài Gòn. Cậu bé tiễn tôi ra tận xe. Khi xe chạy xa tôi vẫn thấy em đứng lặng nhìn theo cho đến khi xe lái quặt khuất vào một quãng đường rừng.

Từ đó tôi không được tin của họ, tôi chỉ có thể đoán ra nơi họ định cư là trên quốc lộ đi Đà Lạt, chắc là vùng Blao.

Tôi trở lại chỗ cầu thang lầu ba của nhà Hát Lớn, xung quanh đã vắng lặng,  nhiều gia đình đã đi dịnh cư ở các nơi khác. Tôi nằm một mình trên ghế bố chờ ngày nhập trường, bâng khuâng nhìn xuống đường. Vẫn mấy người thợ chụp hình photostop kiên nhẫn đứng đưa những tấm hình mời khách, vẫn người giữ xe lăng xăng chạy từ xe nọ tới xe kia, vẫn những khách ngoại quốc ra vào quán cà phê Givral góc phố… Nghĩ đến những ngày vừa qua, nghĩ đến những người mình đã chia sẻ một phần lịch sử với họ, tự nhiên thấy lòng buồn vô hạn, nghĩ rằng chắc mình sẽ không bao giờ còn có dịp được gặp lại họ nữa.

Chẳng bao lâu, nhà Hát Lớn đóng cửa không nhận người tị nạn nữa.

Nguyễn Công Khanh                 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 119865)
N ăm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì. Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.
26 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 102897)
K hánh Ly từng viết: “... một dĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nẩy mầm từ đó. Quán Văn cái tên dễ nhớ và dễ thương...Mỗi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi-măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Đó là nơi gặp gỡ đẹp nhất của một thời tôi còn trẻ...” 
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100269)
K hi tầu đi ngang qua tượng Đức Trần Hưng Đạo, tôi thấy ngài vẫn đứng uy nghiêm, tay cầm kiếm chỉ xuống dòng sông. Tôi chợt nhớ đến lời nguyền của ngài “Nếu không thắng giặc Nguyên, ta sẽ không trở về con sông này nữa”. Bất giác, tôi tự nói thầm nếu không tìm được Tự Do, chắc mình cũng không thể trở lại được con sông này.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105756)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 102945)
A nh đã lớn lên với những bát phở ở Hanoi, sau khi đất nước chia đôi, anh lại trưởng thành với những bát phở ở Saigon. Anh ăn phở gần như hàng ngày, tại những quán phở có tên tuổi như Tàu Bay, 79, Tương Lai, phở Hòa, Hòa Cựu... hay những xe phở đầu đường không ai cần nhớ tên và cũng chỉ gọi bằng những biệt danh, như các gánh phở ngày xưa.
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 116369)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 118398)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
02 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 100926)
... N hững người mang gia cảnh như cô, và ở nước Mỹ này thì đấy là gia cảnh bình thường, họ không hay có máy điện tóan, và không luôn địa chỉ liên mạng. Hộp thư mang đầy những tin buồn từ chủ nợ, từ nhà trừng giới, tù ngục, bệnh viện tâm thần, những đứa con hoang, tòa án ly dị.
01 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 95061)
M áy bay hạ cánh ở phi trường Liên Khương, trời Đà Lạt mát lạnh với buổi sáng sớm còn mờ hơi sương. Người đàn ông ngồi bên cạnh trên máy bay hẹn tôi sẽ lấy vé. Rồi anh biến mất trong dòng người. Tôi điện thoại cho Hà đến đón, xe honda 100 phân khối Hà phóng như bay trên con đường lộng gió, hai bên đồi thông bạt ngàn, hoa dã quỳ vàng rực rỡ.
22 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 94866)
C ơn mưa bất chợt ập xuống phi trường vào chủ nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng sáu. Tôi là người hành khách cuối cùng ra khỏi chuyến bay từ Paris trở về trong đêm hôm ấy. Không biết là mình đã ngủ vùi đến mấy ngày. Nhưng khi tỉnh dậy nhìn kim đồng hồ đã ba giờ sáng.