LTS: Trong những ngày đầu năm Ất Mùi 2015 Tạp Chí Hợp Lưu nhận được bài viết của tác giả Kim Long viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Kim Long là bút hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì sự tế nhị cùng nhậy cảm, và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đăng trên Hợp Lưu những phát biểu (nếu có) của những vị đã viết về Thanh Tâm Tuyền mà tác giả Kim Long có đề cập trong bài. Hợp Lưu trân trọng gởi đến quí bạn đọc và quí văn hữu bài “Viết nhân ngày giỗ thứ chin của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”.
TẠP CHÍ HỢP LƯU
Nhân đọc một ít bài diễn thuyết ở cuộc hội thảo “Văn Học Miền Nam 1954-1975” tổ chức ở tiểu bang California, Mỹ, trong hai ngày 6,7 tháng 12 năm 2014, trên những mạng Người Việt Online, Diễn Đàn Thế Kỷ, và Tiền Vệ, tôi thấy có vài bài viết về nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Sau đó lên mạng Google tôi thấy có hơn mười trang bao gồm thông tin chuyên về Thanh Tâm Tuyền, và Tiền Vệ1) có số đặc biệt về thơ của Thanh Tâm Tuyền. Viết về Thanh Tâm Tuyền thì đã có Ngự Thuyết 2), Đặng Tiến 3,4), T.V. Phê 5), Nguyễn Xuân Hoàng 6), Bùi Vĩnh Phúc 7), Thụy Khuê 8), Dương Nghiễm Mậu 9). Nhân ngày giỗ thứ chín, 23 tháng 3, của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi viết vài dòng để tưởng niệm người ân nhân của tôi và cũng để phát biểu sự hiểu biết của tôi về con người Thanh Tâm Tuyền. Trong bài này tôi sẽ viết 1) về sự quen biết giữa tôi và nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và 2) những nhận xét của tôi đối với những bài viết của những tác giả nêu trên mặc dù nghề nghiệp của tôi là nghiên cứu khoa học. Ở đây tôi sẽ gọi Thanh Tâm Tuyền là T3, T lũy thừa ba, bởi vì tài năng của Thanh Tâm Tuyền và cũng để khác với ba Tê (3T) của ông Thảo Trường 10).
Bối cảnh sự giao thiệp giữa T3 và tôi
Tôi sinh trưởng ở Huế. Năm 1963 có nhiều biến động lớn ở Huế. Phong trào đấu tranh chống kỳ thị Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm do chùa chiền ở Huế, Liên Đoàn Sinh Viên Học Sinh Huế, Đoàn Sinh Viên Học Sinh Quyết Tử v.v. tổ chức... Cách mạng tháng 11 năm đó lật đỗ và thảm sát hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Ở Huế người ta đi xem toà án Huế xử ông Ngô Đình Cẩn, em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, như đi xem hội. Dĩ nhiên ông Ngô Đình Cẩn bị án tử hình. Dân Huế cũng náo nức đi xem chuồng cọp, i.e. nhà tù chứa kẻ thù của chế độ Ngô Đình Diệm, và mấy biệt thự của ông Ngô Đình Cẩn. Tôi chỉ nhớ như vậy nhưng không hiểu mấy thời sự lúc đó bởi vì mục đích chính của tôi là phải học để thi cho đậu bằng Diplôme năm tới. Đến năm 1966 tôi vào Sài gòn đi học. Trong hai năm 1964-1966 tôi có thêm vài người bạn và học thêm được tình hình thê thảm của đất nước, nói đúng ra là nước Việt Nam Cộng Hòa. Cái này một phần nhờ bạn bè một phần là nhờ ông thầy dạy triết học trong hai năm đệ nhị và đệ nhất. Tướng tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó thay nhau đảo chính liên miên. Vùng nông thôn miền Nam trở thành vùng xôi đậu. Việt cộng, i.e. người Việt theo chủ nghĩa cộng sản, mạnh lên như măng non. Bụi cát bay mù đường xá ở Huế mỗi khi xe nhà binh Mỹ chạy qua. Sự trầm lặng của Huế mất đi kể từ khi quân đội Mỹ lập căn cứ ở phi trường Phú Bài. Việt cộng cũng bắt đầu pháo kích đêm vào Huế. Báo chí thỉnh thoảng có tin đặt công Việt cộng ném lựu đạn tay vào mấy quán nhậu vĩa hè, đặt mìn phá cầu cống hay dùng mìn tự sát để giết được nhiều kẻ thù.
Vào Sài Gòn học tôi được nhiều tự do hơn so với thời ở Huế. Đường Lê Lợi có nhiều sạp sách trên lề đường để cho tôi mua sách. Đủ mọi thứ : sách của Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Thích Nhất Hạnh, Túy Hồng, Nguyễn thị Hoàng, Thụy Vũ, Văn, Bách Khoa, báo Chính Luận v.v. Mấy chị bán sách quen mặt nên thỉnh thoảng mấy chị giảm giá cho. Những rạp ciné như Rex, Eden, và một rạp chuyên chiếu phim cũ với giá rẽ mà tôi quên tên nằm trên đường Trần Hưng Đạo xéo cửa chợ Bến Thành là những nơi tôi thường viếng. Bạn mới ở đại học dạy tôi hút thuốt lá Basto xanh, Pall Mall, Lucky Strike và đi uống café, nghe nhạc ở quán cô Hồng nằm gần cuối đường Pasteur. Ở quán café này tôi gặp lại một số bạn học thời trung học đệ nhất cấp ở Huế và những người anh làm văn chương văn nghệ của họ. Chỗ đọc sách và học bài của tôi là Thư Viện Quốc Gia và Centre Culturel Français. Nơi coi tranh họa miễn phí của những họa sĩ danh tiến thời đó như Đinh Cường, Trịnh Cung v.v. là phòng triễn lãm của Alliance Française.
Trong năm năm học ở Sài gòn, tình hình miền Nam trở nên trầm trọng. Lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam càng nhiều. Chiến tranh lang rộng từ nông thôn vào thành thị. Việt cộng pháo vào Sài gòn trở thành thường xuyên. Quân chính qui Bắc phương vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và đánh trận trực tiếp với lính Mỹ. Chế độ quân trị của tướng Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn cao Kỳ tạo ra giai tầng quân nhân tham nhũng. Đồ quân nhu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị đem ra bán chợ đen cho Việt cộng. Cuộc sống và quân sự của miền Nam trở thành phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ. (Sau này đọc sách về chiến tranh Việt Nam ở thư viện một đại học miền Đông Nam nước Mỹ tôi mới được biết rằng vào những tháng cuối chiến tranh Việt Nam khi tiền viện trợ Mỹ giảm, lính tiền phương như lính Dù, Biệt Động Quân, Thuỷ Quân Lục Chiến cần pháo binh yễm trợ thì phải trả tiền cho mỗi phát pháo được bắn!).
Tết Mậu Thân 1968 tôi ở Huế. Một phần lớn những sinh viên học sinh Huế hoạt động chính trị thời kỳ 1963, trong đó có cả bạn bè và thầy hồi trung học đệ nhất cấp của tôi “lên núi tìm thầy học đạo” và xuống núi vào tết Mậu Thân 1968 giết chóc dân Huế trả thù. Ngày mồng một tháng giêng tết Mậu Thân, tức ngày 30 tháng 1 năm 1968, nhà tôi mừng tết như mọi năm nhưng qua rạng mồng hai có cái gì bất thường xảy ra bởi vì cha má tôi dẫn cả gia đình ra hầm trú ẩn ở vườn sau. Vừa ngồi yên thì chúng tôi nghe tiếng chân bước gần hầm. Ngẩn đầu lên tôi thấy ba thiếu niên mặt non choẹt mặc áo lính mầu lục quần xà lỏn đi dép Hồ Chí Minh mang súng trung liên có ba chân. Họ chỉ lướt nhìn chúng tôi rồi hướng đến vườn nhà bên cạnh. Sau này khi cuộc chiến ở Thành Nội chấm dứt, má tôi cho biết rằng ba thiếu niên đó đã chết trên cửa Đông Ba với chân họ bị xiềng vào chân súng trung liên. Họ đã bị máy bay Mỹ oanh tạc bắn chết.
Qua ngày mồng bốn hay năm gì đó, trên đường trước nhà tôi xuất hiện một tổ trai gái ba người còn trẻ đi kêu gọi công chức lính tráng Ngụy quyền ra đầu thú. Má tôi ra khai rằng cha tôi đi làm việc từ trước tết và chưa về nhà lại. Sáng hôm sau Nguyễn Thiết, một sinh viên luật năm thứ hai đại học Huế đã biến mất từ năm 1963 và là con của một bà bạn của má tôi, đến nhà tôi đòi gặp cha tôi. Má tôi phải năn nỉ anh Thiết này một hồi thì anh ta đi về. Hú vía. Sau đó tôi nghe rằng Nguyễn Thiết là chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Cách Mạng quận hai trong thời gian lính Bắc phương chiếm đóng Huế.
Chúng tôi sống qua lại giữa nhà và hầm được chừng một tuần thì hết thực phẩm nên phải hướng về đồn Mang Cá mà đi vì nghe nói rằng bên đó được yên ổn hơn. Khi ngang qua chùa Vĩnh Nhơn, tôi thấy có con chó đang gậm ăn một tử thi. Sau này tôi còn nghe rằng gia súc như heo vì đói nên cũng ăn tử thi người. Gia đình tôi ngụ lại nhà bà bạn má tôi ở Mang Cá cho đến khi Huế được hoàn toàn giải phóng bởi quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ. Thật lòng cám ơn hai quân đội này.
Sau khi Huế được giải phóng, tôi còn phải ở lại Huế gần một tháng bởi vì Air Vietnam chưa tái lập đường bay. Trong thời gian này tướng Nguyễn Cao Kỳ, người tối cao đương thời của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, ra Huế một buổi sáng trời lạnh và sau khi nhận hoa từ mấy nữ sinh áo trắng trường Đồng Khánh, loan báo ở toà nhà Cercle Sportif trên sông Hương đối diện Đài Phu Văn Lâu rằng ông ta sẽ dẫn một phi đội đi oanh tạc Bắc phương trên vĩ tuyến mười bảy. Chiều hôm đó tin Đài Phát Thanh Huế báo rằng cuộc oanh tạc của tướng Kỳ không thực hiện được bởi vì nhiều mây ở Đồng Hới. Sự thật chẳng ai biết.
Cũng trong khoảng thời gian này, dân chúng Huế tìm ra mộ tập thể ở trường tiểu học Gia Hội. Từ đó người ta tìm thêm ra được những mộ tập thể ở Cồn Hến, Bãi Dâu, Chợ Thông, rồi thì ở Phú Thứ và Khe Đá Mài gần mộ vua Gia Long. Hồi đó trong phường tôi rất nhiều công chức lính tráng miền Nam bị bắt đi đầu thú rồi mất tích luôn. Và sau Mậu Thân không thiếu gì đàn bà con gái Huế với vầng khăn tang trắng trên đầu đi tìm chồng và thân nhân gia đình.
Tết Mậu Thân thay đổi lối suy nghĩ của tôi đối với Việt cộng Bắc phương. Nhảy qua bên kia chiến tuyến Bắc phương không còn là chọn lựa của tôi. Vấn đề trở thành làm sao làm cho miền Nam vững mạnh độc lập có thể chống đối lại Bắc phương mà không cần Mỹ. Như vậy là cần có đảng phái bè phái. Tôi quyết định bỏ đại học chuyên môn đang học và đi thi vào Trường Quốc Gia Hành Chánh mùa hè 1968. Tôi đậu và đậu cao. Bởi vì tình trạng chiến tranh nên những người tốt nghiệp trường này chỉ được giữ chức vụ phó quận trưởng sau ông quận trưởng là lính. Một người bạn hàng xóm ở Huế cùng học cùng năm ở Sài gòn với tôi nói rằng một người bạn Huế của hắn học ở Trường Quốc Gia Hành Chánh đã có vẻ như bị điên sau khi đi thực tập phó quận trưởng ở một quận dưới miền đồng bằng Cửu Long. Lý do là bởi vì ông quận trưởng nhà binh và công chức hành chánh quận đã ăn hối lộ và ép bức dân chúng quá trong khi đó hắn ta bất lực không giúp gì cho dân trong quận. Trở về lại Sài gòn để học tiếp cho xong chương trình Trường Quốc Gia Hành Chánh ông người Huế này thay vì đi đến trường lại đi lang thang trên đường phố Sài Gòn miệng lảm nhảm những gì không ai hiểu cho đến khi má ông phải vào Sài Gòn từ Huế để chăm sóc cho ông ta lành bệnh và tốt nghiệp. Nói cách khác, ông phó quận trưởng tương lai người Huế này đã vỡ mộng một cách thảm bại. Trông thấy tình cảnh đó, tôi bỏ ý định vào học ở Trường Quốc Gia Hành Chánh.
Người bạn hàng xóm Huế của tôi ngày ngày bàn chuyện đất nước với tôi nhưng chúng tôi không tìm ra được một lối đi nào cho thỏa đáng. Chúng tôi tập yoga, đi đến thư viện chùa Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang tìm tài liệu về những nhà cách mạng Trung Hoa như Tôn nhật Tiên, Uông Tinh Vệ, Hồ Hán Minh hoặc đến thư viện Đại Học Vạn Hạnh tìm sách về nhà triết học Vương Dương Minh. Người bạn hàng xóm Huế của tôi có nhiều mối liên lạc với nhiều đảng phái trong khi tôi chỉ một mình. Nó cho tôi tin tức nó nhặt ở những buổi họp với các đảng phái của nó. Không có gì khả quan. Một quốc hội chia rẽ. Những ông làm cách mạng thất bại hồi xưa như Hồ Hữu Tường lại in sách viết báo. Nhóm trung lập thứ ba của mấy ông giáo sư Đại Học Văn Khoa, mấy linh mục gọi là tiến bộ cũng lên tiếng ồn ào. Thầy Thích Nhất Hạnh lại tuyệt thực ở toà nhà Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước phản đối chiến tranh Việt Nam... Và tôi vẫn cô độc, bất lực và chưa tìm ra một đường đi. Tình trạng ở Sài gòn tương đối vẫn còn an ninh nhưng tình trạng quân sự đã bắt đầu bị bê bết. Đó là những năm 1969, 1970, những năm cuối của cuộc đời sinh viên của tôi. Tôi chẳng biết phải làm gì trong tình trạng đất nước như thế. Trong thời gian lũng đoạn tinh thần này tôi tình cờ đọc được bài thơ Lệ Đá Xanh của T3, bài thơ với những câu đầu tôi vẫn còn nhớ mãi cho đến hôm nay : tôi biết những người khóc lẽ loi/không nguôi một phút/những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình/em biết không/lệ là những viên đá xanh/tim rũ rượi....Tìm thêm tôi khám phá ra và đọc một mạch hết quyển “Bếp lửa”. Dựa vào nội dung tôi nghĩ rằng bối cảnh quyển truyện là thành phố Hà Nội vào những năm trước khi có vụ di cư 1954 từ Bắc vào Nam. Hồi đó Hà Nội của T3 cũng bất an, ban đêm cũng có hỏa châu và những tiếng nổ lớn. Y như ở Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng của tôi. Phương trình : Việt cộng chống Pháp = Việt cộng chống Mỹ chứng minh lối khủng bố Việt cộng hay lối cố thủ thành phố của Pháp và Mỹ cố định với thời gian. Và như thế Mỹ đã không học được gì từ những thất bại của Pháp trong chiến đấu với Việt cộng. Nhân vật Tâm của Bếp lửa khắc khoải với tình thế cũng không khác gì tôi. Không ra bưng kháng chiến để khỏi bị Việt cộng lừa gạt nhưng ở lại thành phố cũng không có mục đích gì. Bạn bè phân tán sống những đời riêng biệt. Chỉ có Đạt, người bạn đọc Mars của nhân vật Tâm, trước khi ra bưng đã để lại một người con gái mang thai. Nhân vật Tâm gọi tên Đạt là một thằng hèn. Nhưng theo Hoàng văn Chí 11) thì chuyện thay đổi người bạn gái vì nhu cầu đòi hỏi của chủ nghĩa Cộng sản là chuyện bình thường như bữa ăn. Hiểu cách khác, luân lý, đức dục và lễ nghĩa của Việt Nam phải nhường chân cho chủ nghĩa Cộng sản. Sau cùng nhân vật Tâm chọn đường vào Nam và bạn bè của nhân vật Tâm ở lại miền Bắc.
Trong tình trạng bế tắc này tôi viết thư đến T3 qua một tờ báo văn nghệ. Mục đích là nhờ T3 cố vấn một đường đi trong tương lai. Đó là vào những tháng cuối năm 1969. Thật không ngờ, T3 đã trả lời và hẹn gặp tôi ở văn phòng của T3 ở Nha Tâm Lý Chiến nằm đối diện xéo với Đài Truyền Hình Việt Nam gần cuối đường Hồng Thập Tự. Một buổi sáng bỏ lớp học tôi đến gặp T3. Anh lính gác cổng Nha Tâm Lý Chiến mở cổng kẽm gai và chỉ cho lối vào văn phòng T3 khi tôi trình bày lý do. Bởi vì tôi chưa biết tên thật của T3 nên tôi chỉ nêu tên T3. Thế mà anh lính gác cổng cũng hiểu. T3 chào và mời tôi ngồi đối diện ở cái bàn làm việc của T3. T3 đối xử với tôi một cách bình thường. Thấy T3 cũng giản dị trong áo quần dân sự và cũng như những người đàn ông khác tôi thấy ở Sài gòn. Không có điều gì bên ngoài của T3 cho thấy đây là một nhà văn nhà thơ tiếng tăm ở Việt Nam, một người đã đau khổ trong lựa chọn con đường đi của chính bản thân mình. Chúng tôi nói chuyện tình hình chiến tranh như một điều quen thuộc mỗi ngày. T3 cho tôi biết rằng T3 có đi dạy thêm ở một trường luyện thi tú tài 1, tú tài 2. T3 hỏi tôi có biết tiếng Anh hay không để T3 giới thiệu cho việc làm dịch tin tức qua tiếng Việt ở Đài Truyền Hình. Tôi trả lời tôi không biết tiếng Anh, một phần là vì gia đình tôi chỉ quen với tiếng Pháp và một phần tôi không thích sự hiện diện của lính Mỹ trên Việt Nam. Chúng tôi nói chuyện chừng ba mươi phút thì T3 có chuyện phải đi và hẹn gặp lại ở Givral một ngày khác.
Tôi đến Givral một buổi sáng trời hơi lạnh trong những tháng đầu năm 1970 và thấy T3 đang nói chuyện với một người trung niên. Cả hai người đều mặc áo sơ mi trắng cụt tay. Cả hai người đang ăn croissant và khen bơ của Givral ngon. T3 mời tôi ngồi rồi đặt café cho tôi. T3 không giới thiệu cho tôi người bạn của T3. Có lẽ bởi vì ông này ra về ngay sau khi ăn xong croissant. T3 hút thuốc. Tôi hỏi T3 nghĩ gì về chế độ cộng sản miền Bắc và ông Hồ Chí Minh (HCM). T3 không trả lời trực tiếp chỉ nói rằng đã từ lâu T3 có dự định viết về xã hội chủ nghĩa miền Bắc của ông HCM và về những gì ông ta có thể nghĩ khi thấy cơ nghiệp của ông bị Mỹ tàn phá. T3 nói rằng có thể ông ta thất vọng nhiều lắm. Những năm 1989-1991 và 2009-2010 tôi có cơ hội đến làm việc ở Sài Gòn và sống ở Hà Nội vài tháng và đã viết lại những gì tôi thấy và cảm nhận 12). Hà Nội năm 1989 vẫn còn nghèo, so với Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Phi Luật Tân v.v. . Đường sá vẫn chưa được tráng nhựa hoàn toàn. Nhà xây gạch còn ít. Vì nội dung công tác tôi chỉ quan sát được Hà Nội từ trên xe hơi nhìn ra và không tìm ra dấu tích chiến tranh ở thành phố này. Khi tôi hỏi Mỹ đã ném bom Hà Nội như thế nào thì mấy ông ở Bộ Công Nghiệp nói rằng Mỹ đánh bom Hà Nội quá trời làm dân Hà Nội quá sợ. Mấy ông cũng nói rằng nhà Ga Hà Nội cũng bị ném bom. Thật ra chỉ có cái cửa chính của nhà Ga bị đánh bom và đã được xây lại. Những tòa nhà sơn màu vàng do Pháp xây ra từ hồi thuộc địa nay trở thành cơ sở hành chánh các bộ, kể cả Bộ Quốc Phòng, trong chính phủ Hà Nội. Và cơ sở của Bộ Chính Trị cũng là một villa sơn màu vàng bao quanh bởi những bờ tường cũng sơn màu vàng do Pháp để lại. Từ đó tôi suy ra rằng Mỹ chỉ đánh bom vùng ngoại ô Hà Nội và những vùng có cơ sở quân sự và nghèo. Có lẽ để khỏi phải trả tiền bồi thường chiến tranh sau hòa bình. Và miền Bắc thắng chiến tranh Việt Nam có lẽ bởi vì họ quá nghèo và bị tẩy não bởi những chữ “đánh Mỹ cứu nước” nên họ có thể chịu đựng được mọi khổ cực của chiến tranh mà không phản đối chính phủ như người miền Nam. Nếu như giả thuyết của Lien-Hang Nguyen 13) ở Đại học Kentucky đúng, thì tập đoàn Lê Duẫn, Nguyễn Đức Thọ đã cho ra rìa tập đoàn HCM và Võ Nguyên Giáp từ trước cuộc tập kích Mậu Thân 1968. (Luận án tiến sĩ của Lien-Hang Nguyen xây quanh giả thuyết này và có nhắc đến cuộc tập kích Mậu Thân 1968 qua những tài liệu tiếng Việt không thể kiểm chứng được nhưng không hề nhắc đến cuộc thảm sát dân Huế. Tại sao?). Thật sự không có người miền Nam (trong đó không có Lien-Hang Nguyen) nào hiểu rõ nội bộ Việt cộng Hà Nội khi mà Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa công bố toàn tư liệu Đảng. Như vậy T3 khỏi phải lo chuyện HCM thất vọng về sự đổ vỡ cơ đồ của ông ta bởi vì ngoài sự củng cố Đảng Cộng Sản Việt Nam của ông, ông ta chẳng xây dựng gì cả. Tôi nhìn cảnh vật Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn những năm 1989 -1991 và suy ra rằng có lẽ những thành phố miền Bắc ngày xưa của T3 cũng chẳng thay đổi gì lắm từ những thập niên 1940, 1950 cho đến thập niên 1990. Kinh tế miền Bắc của HCM là kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, không dùng GDP (tổng sản lượng quốc gia) để đo sự tăng trưỏng nền kinh tế của họ bởi vì về mọi phương diện họ chỉ nhận viện trợ từ Liên Bang Sô Viết và Trung Hoa nên IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) không có tài liệu của họ. Tôi đã cố gắng tìm tài liệu kinh tế, kể cả GDP, của hai miền Nam và Bắc để so sánh nhưng miền Bắc hầu như không có tài liệu nào.
T3 còn nhắc nhở tôi rằng bạn bè mà mình cho là thân là những người bất đồng ý kiến sâu sa nhất và có thể trở mặt phản bội bất cứ lúc nào. Tôi đã kiểm nhận điều này sau này qua ông bạn hàng xóm Huế của tôi nói trên trong thập niên 1980.
Tôi còn có dịp gặp lại T3 một lần nữa ở trường luyện thi tú tài 1, tú tài 2, nơi T3 dạy thêm. Lần này T3, vì người bạn cùng dạy học với T3 bị bệnh nghỉ bất thình lình nên T3 phải dạy thế, không thể đi ăn trưa cùng với tôi.
Năm 1970 tôi tốt nghiệp đại học chuyên nghiệp, không tìm ra việc làm và vì vấn đề hoãn dịch nên tôi phải đi học tiếp chương trình MS (master of science) ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Đây là thời gian khủng hoảng tinh thần lớn của tôi. Không biết phải chọn lựa con đường nào để đi tới. Hầu như con đường nào chỉ là những ngõ cụt. Mùa xuân 1971 tôi viết cho T3 đinh ninh rằng T3 còn ở Sài Gòn. Tôi gửi theo địa chỉ quân khu của T3. Và tôi thật bất ngờ nhận thư của T3 gửi từ Đà Lạt. Sau này đứa em trai tôi cho biết rằng T3 lúc đó đang dạy ở Trường Võ Bị của nó. Tôi đính kèm ở đây hai thư viết tay của T3 để mọi người có thể tham khảo và hiểu nội tâm con người của T3. Tôi nhận thư cuối cùng của T3 cũng viết từ Đà Lạt đề ngày 18 tháng 2 năm 1972. Thư nói đến tình trạng chiến sự căng thẳng ở miền Nam và chuyện riêng tư giữa T3 và tôi. Lúc đó tôi đang du học ở Nhật. Vì trình độ đại học ở Sài Gòn thấp nên tôi tốn khá nhiều thì giờ cho việc học hành ở đại học Nhật. Bởi vậy tôi đã không thể liên lạc thường xuyên với T3. Rồi xảy ra chuyện 30 tháng 4, 1975. Cha tôi lần này bị đi cải tạo thật sự, không như hồi Tết Mậu Thân 1968. Tôi chạnh nghĩ đến T3 và cầu mong nguy qua bịnh khỏi cho cả cha tôi và T3. Tôi chỉ biết tin T3 từ trần qua mạng Talawas năm 2006. Thật đau xót khi biết tin và cũng rất vui sướng khi biết T3 đã qua được Mỹ và mất ở đó. Tôi chỉ ước là được biết tin T3 ở Mỹ sớm hơn để có thể qua Mỹ gặp lại ân nhân của tôi.
Những suy nghĩ riêng tư đối với những bài viết về T3 trên mạng
Quyển “Bếp lửa” được T3 chấm dứt bằng câu “Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng”. Rồi T3 cũng chấm dứt bài thơ “Bài ca ngợi tình yêu” bằng những câu “Tôi chờ đợi/một người không/nhiều người/ở thành phố thiếu thốn/ở làng mạc đọa đầy/tôi là tiếng nói là tiếng khóc/những người bỏ đi hẹn trở về/những người mím hơi chịu đựng/tôi chờ đợi/tôi là tiếng thơ là tiếng cười/mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam/. Và trong bài thơ “Bài Thơ Chữ Đỏ” : Bát ty 14-7/89/Mùa thu tháng 8/19-45/Phẩn nộ bưng bưng/19-12-46/Con số những người đã chết hiện thành/Nhục nhã 20-7-54/Và 17/Như kia 38/Khắc sâu tâm khảm/Nhửng dãy số vô nghĩa đến đớn đau/80/13/27-6-30/2.000.000/Còn những lượng không sao nói được/Vỡ Bát ty/Trang tự do tuyên ngôn quyền người hớn hở/Tung xích cùm/Tổ quốc thân yêu cười vui lạ/Trả bằng hơi thở trái tim/Nhận mình làm số không/Người mến thương thành vô lượng/Đất nước đẹp bao la/Hãy nhớ 10 năm/Đừng lầm lỡ 45/Tin từ bây giờ 55 hy vọng/Mất hôm nay/Hànội kinh hoàng/Lực lượng ngày mai dấy lên/Ghi tình yêu không chữ số/, T3 nhắc đến cuộc Cách Mạng Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1789, cuộc Tổng Khởi Nghĩa ngày 19 tháng Tám 1945 của Việt Minh, … T3 cũng nhắc đến cuộc Kháng Chiến Toàn Quốc ngày 19 tháng 12 năm 1946 cũng do Việt Minh khởi động, ngày chia đôi đất nước 20 tháng 7 năm 1954, vĩ tuyến 17 của Việt Nam và vĩ tuyến 38 của Triều Tiên, những vĩ tuyến phân chia Việt Nam và Triều Tiên do những ông chủ chủ nghĩa tư bản và cộng sản quyết định. T3 cũng nhắc đến hy vọng sáng láng của miền Nam tự do và dân chủ bắt đầu từ năm 1955, khác với một Việt Nam của năm 1945. Điều này chứng tỏ rõ ràng sự gắn bó của T3 với lịch sử Việt Nam và tâm linh của T3 năm 1955 là lòng yêu quê hương, tổ quốc Việt Nam. Từ những tác phẩm của T3 nói ở trên và dựa vào hai bức thư T3 gửi cho tôi, tôi suy rằng điều ám ảnh T3 là một nước Việt Nam độc lập tự do không theo chế độ cộng sản trong đó người người được bảo đảm nhân quyền và mọi người được tự do ngôn luận. Và tình yêu nước này của T3 gói trọn những tình yêu khác.
Trong lời tựa cho lần in thứ tư (1973) và lần in thứ hai (1965) của Bếp lửa, T3 nói rằng tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn miền Bắc ở Hà Nội gọi các nhân vật trong Bếp lửa là bọn tôi mọi nô lệ, họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? . Và T3 đã trả lời rằng “Những người ở Hà Nội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử với cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.”
Theo tôi, tuần báo Văn Nghệ của Hà Nội đã đặt ra một câu hỏi sai. Họ nói họ xây dựng xã hội chủ nghĩa nhưng họ không có một đường lối nào kể cả ở thời điểm năm 2015 này để đi đến xã hội chủ nghĩa. Họ cũng không cho ai biết mục đích xã hội chủ nghĩa là gì. Hiện tại họ đang ở trong giai đoạn tư bản đỏ. Và họ đang xuất khẩu dân vô sản lao động Việt Nam đi làm mướn ở các nước tư bản như Đài Loan, Nam Hàn, Nhật, Mã Lai 14) để kiếm những đồng đô la Mỹ gửi về Việt Nam. Trong những năm 2009, 2010 tôi đã nhìn thấy những người Hà Nội trong ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam sống trong những hẻm cụt tối tăm hôi hám, ẩm ướt và điều này đã làm tôi tưởng tượng đến hình ảnh những con chuột sống trong cống rãnh. Có phải đây là đời sống trong một xã hội chủ nghĩa điển hình ? Họ nói họ đi làm cách mạng giải phóng dân tộc nhưng chính phủ Phạm Văn Đồng của họ đường đường chính chính viết công hàm ngày 19 tháng 4 năm 1958 để nhượng một phần biển Việt Nam cho đàn anh vĩ đại của họ là nước Tàu cộng trong khi hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng đánh lại hải quân Tàu cộng và rất đáng tiếc đã thua mất đảo Hoàng Sa ngày 17 tháng 1 năm 1974. Thế mà họ dám nói rằng những nhân vật trong Bếp lửa là bọn tôi mọi nô lệ. Tôi mọi nô lệ cho ai? Cho Tàu cộng ư? Họ nói Mỹ là đế quốc xâm lược nước Việt Nam nên họ phải giải phóng dân tộc. Thế nhưng khi xua quân qua chiếm đóng nước láng diềng Cambodia mười năm thì họ nói họ không phải là đế quốc xâm lược.
Dương Nghiễm Mậu 9) điểm lại những tác phẩm của T3 trên bốn số báo của tuần báo Người Việt xuất bản nửa sau của năm 1955 nhưng không bình luận. Bên cạnh kịch và bút ký, Dương Nghiễm Mậu giới thiệu bài thơ “Phiên Khúc 20”, “Bài Thơ Chữ Đỏ” và sơ lượt đại ý bài “Đặt đúng vấn đề thơ tự do” của T3. Bởi vì chế độ Việt Nam Cộng Hòa kiểm duyệt quá nhiều bài thơ “Phiên Khúc 20” nên tôi không thể biết T3 muốn nói gì nhưng tôi có thể hiểu rõ ràng hơn “Bài Thơ Chữ Đỏ” như tôi đã diễn giải ở trên.
Dương Nghiễm Mậu cũng giới thiệu quan điểm thơ tự do của T3 qua bài “Đặt đúng vấn đề thơ tự do” đăng trong số báo thứ 2 Người Việt bộ mới. Dương Nghiễm Mậu viết như sau : «Tác giả mở đầu bài viết: “Cho đến hôm nay vấn đề thơ tự do ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Trong khi vấn đề này ở ngoại quốc hầu như không còn ý nghĩa. Thi sỹ nước ngoài khi viết không bao giờ nghĩ rằng mình đương viết một bài thơ tự do, chỉ gọi gọn là thơ mà thôi (...) Thơ tự do là một thực tại nghệ thuật không ai chối cãi được điều đó. Muốn hay không thơ tự do đã thành hình theo nhu cầu của nghệ thuật và xã hội. Không thể chối nhận sự thực khách quan này.”. Sau đó tác giả lướt qua những ý kiến về thơ mới, thơ cũ, về hình thức của thơ, vấn đề bình cũ rượu mới, cái ta trong thơ cũ và cái tôi trong thơ mới cùng quá trình sinh thành của thơ tự do. Tác giả trình bày: “Vậy trên những sự kiện xã hội nào nhu cầu nghệ thuật đòi hỏi “thể thơ tự do” ? Thơ cũ đứng ở cái ta bàng bạc trên ngoại cảnh vũ trụ. Thơ mới vào sâu cái tôi riêng lẻ cá nhân, khép kín. Thơ tự do bước thêm nữa thoát ra khỏi cái tôi chật hẹp nhưng không đến cái ta mông lung, mà là cái chúng ta cụ thể làm giàu thêm cái tôi không khép kín và cái ta mơ hồ (...) Qua những tác phẩm đã ra đời, ta có thể phân biệt được hai nguyên tố cơ bản.
1 - Hiệu lực màu nhiệm của tiếng ( Pouvoir magique des mots)
2 - Ý thơ (Idée poétique)
(...)
Tóm lại những nguyên tố cơ bản cấu tạo thơ tự do là muốn vật chất hóa bài thơ, một bài thơ tự do sẽ được sáng tạo cũng như thưởng ngoạn giống như một pho tượng, một bức họa, một bản nhạc (...)
Bản vị - ý tưởng cùng tiết điệu – của bài thơ tự do không đặt trên mỗi câu mà đặt trên từng từ khúc (strophe) đã được khuôn định sẵn để gò ép cảm hứng mà là thứ từ khúc ấn định theo nguồn cảm hứng .
Nếu ta đọc một câu:
-Một mảnh tình riêng ta với ta
hay - Người đâu gặp gỡ làm chi
Ta biết ngay đó là câu thơ. Bản vị của thơ ngày trước là câu thơ. Nhưng nếu chúng ta chỉ đọc “Thềm cũ”, Hà nội “Ơi núi rừng” (II) thì thật hoàn toàn vô nghĩa. Phải trả chúng vào sự cấu tạo riêng biệt của bài thơ.
Mỗi từ khúc là sự liên hợp những ý thơ những hình ảnh – những phần tử này có sự biệt lập tương đối được nối liền khắng khít bằng một ý tưởng thống nhất của từ khúc.
(...)
Có một câu hỏi cũng cần trả lời nốt: Liệu thơ tự do có hoàn thành được nhiệm vụ mình thỏa mãn được nhu cầu nghệ thuật thời đại không?
Điều đó không thành vấn đề: nó đã sinh ra và nó cứ sống đến khi nào nó chết. Lịch sử phán đoán sau. Có hoàn tất được nhiệm vụ không còn tùy ở những người sáng tạo và thưởng ngoạn nghĩa là những người đòi nó ra đời. Nói thế chứ, ít nhất, ta cũng đừng quên những: Whitman Lorca, Éluard, Neruda.”».
Đó là định nghĩa thơ mới của T3. Tôi sẽ dùng định nghĩa này để trả lời những nhà phê bình văn học về thơ T3 trên mạng.
Thụy Khuê 8), để nói về T3, đã phải đi qua tạp chí Sáng Tạo và khái niệm siêu thực. Thụy Khuê nói rằng sự ra đời của Sáng Tạo là “một sự nổi loạn”, “một chất nổ phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới”. Thế nhưng luật sư Trần Thanh Hiệp 15), một trong những người thành lập Sáng Tạo, đã từ chối nhã nhặn những danh từ đao to búa lớn này.
Qua luật sư Trần Thanh Hiệp tôi được biết rằng Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học. Như những nhà phê bình khác ở Nam Việt Nam trước tháng tư 1975, Thụy Khuê trích ra rất nhiều tên tuổi ngoại quốc quen thuộc như Jean P. Sartre, André Gide, Samuel Bickett, Edgar Poe, Charles Beaudelaire, Friedrich Nietzsche, Pablo Picasso, Georges Braque, Wassily Kandinsky, Kazimir Malevitch, Piet Mondrian (Thụy Khuê viết là Mondian !), André Malreaux, Paul Éluard, Marc Chagall v.v. rồi trộn lại nắn ra một hình nộm đặt tên là Thanh Tâm Tuyền. Xin Thụy Khuê hãy trả lại T3 cho Việt Nam, nơi mà T3 yêu muốn chết.
Thụy Khuê cũng khẳng định rằng thơ (lời nhạc) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ thơ Thanh Tâm Tuyền bởi vì T3 làm thơ tự do mà không ai hiểu trước khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm những bài hát với những lời ca không ai hiểu. Lý luận tam đoạn luận này không xuôi. Thụy Khê phải đưa ra những bằng chứng cụ thể, những xác nhận từ T3 hoặc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để chứng minh lời nói của mình.
Thụy Khuê cũng nêu ra thói kỳ thị chủng tộc của người Việt để khen ngợi T3 không phài là racist, biết đau đớn của những đau khổ bởi vì màu da qua bài thơ “Đen”. Tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì nguồn gốc của những người Mỹ da đen. Họ, những người da đen Phi Châu, bị người da trắng châu Âu bắt cóc hay mua rồi đem bán cho những người da trắng di cư sống ở Mỹ để làm nô lệ ở những đồn điền trang trại ở những tiểu bang vùng Bible Belt (vòng đai kinh thánh) như North Carolina, South Carolina, Georgia, Alabama, Mississipi. (Nếu Thụy Khuê có xem TV miniseries “Roots : The saga of an American family” trên đài truyền hình ABC Mỹ năm 1977, phim “Gone with the wind” hay “Driving Miss Daisy” thì sẽ rõ). Họ sống trong những khu nhà lẹp xẹp cất bằng gỗ váng thiếu mọi tiện nghi cơ bản và cách xa những ngôi nhà cao lớn sang trọng của những ông chủ đồn điền trang trại. Trong thời điểm hiện tại nơi chốn họ đang ở cũng bị zoned. Họ không có gì để giải trí những đêm buồn cô độc nhớ nhà nhớ quê hương. Và họ tạo ra nhạc Jazz để đáp ứng nhu cầu giải trí của họ. Nhìn họ tôi có cảm tưởng mỗi tế bào của họ là một âm điệu nhạc Jazz. Cũng như nhạc Rap 16) do những người Mỹ da đen ở Nữu Ước (New York) sáng tạo ra để đáp ứng với nhu cầu sống hiện đại của họ. Thụy Khuê có thể nghe nhạc Jazz do cả người da đen lẫn da trắng trình diễn ở những phòng nhạc trên đường Bourbon Street, khu French Quarter, thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana. Và nếu may mắn, Thụy Khuê có thể thưởng thức được một sáng nào đó hình cảnh một người da đen dùng kèn trumpet thổi nhạc Jazz ở một công viên hay ở cảng New Orleans như T3 diễn tả trong bài thơ. Với nhạc blues mà T3 nhắc đến, nhạc này còn trẻ hơn nhạc Jazz và bị ảnh hưởng lớn của nhạc Jazz và nhạc vùng Caribbean. Nhạc khí thường dùng là piano, saxophone chứ không phải trumpet.
Tôi nghĩ rằng người Mỹ da đen sáng tạo nhạc Jazz hay blues để tỏ lộ thống khổ nô lệ, lưu đày của họ. Họ mong muốn được về lại Phi Châu để sống một đời tự do dù bần hàn cùng cực. T3 cũng ước mong người Việt Nam được tự do, một tự do tuyệt đối trong đất nước của mình không bị cai trị bởi một ý thức hệ nào. Theo tôi đó là lòng yêu nước cùng cực của T3 trong bài thơ Đen.
Thụy Khuê nói rằng T3 làm thơ tự do mà không ai hiểu. Nếu Thụy Khuê đọc định nghĩa thơ mới của T3 nói ở trên tôi tin rằng nội dung bài viết của Thụy Khuê sẽ thay đổi toàn diện. Thật đáng tiếc.
Ngự Thuyết 2) cũng viết về thơ mới của T3 và bài viết của Ngự Thuyết đăng ở Tạp Chí Da Màu và nhật báo Người Việt Online. Trong bài đăng ở Tạp Chí Da Màu ngày 15 tháng 12 năm 2014 Ngự Thuyết dẫn thơ Trần Dần để so sánh với thơ T3 nhưng một độc giả Đoàn Văn nhắc cho Ngự Thuyết biết rằng đó là thơ của Nguyễn Đình Thi chứ không phải của Trần Dần. Trong bài đăng ở nhật báo Người Việt Online ngày 25 tháng 12 năm 2014 Ngự Thuyết im lặng loại bỏ những câu thơ của Nguyễn Đình Thi. Đây là một thái độ không minh bạch của một người như Ngự Thuyết. Ngự Thuyết mang những tên tuổi như Fyodor Dostoyevsky, André Breton, Franz Kafka lồng vào T3 để Âu châu hóa văn chương của T3. Và những lời bình thơ của Ngự Thuyết cũng không dựa vào định nghĩa thơ mới của T3 nói ở trên.
Đặng Tiến báo tin T3 qua đời trên mạng Diễn Đàn3) và Talawas4). Trên mạng Talawas Đặng Tiến nói rằng T3 sau tháng tư 1975 bị tù Việt cộng hơn mười năm nhưng Ngự Thuyết lại nói bảy năm. Phải tin ai bây giờ? Thời gian cách biệt ba năm trong tù không phải là ngắn. Biết bao khổ nhục và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Là nhà phê bình văn học thì cần phải chính xác trong mỗi lời nói cá nhân.
Có lẽ như một truyền thống, những nhà phê bình văn học gốc Việt nói trên thường mang những tên tuổi những người như Arthur Rimbaud, André Breton, Paul Éluard, Jacques Prévert, Maxim Gorky, Lawrence George Durrell, Aleksandr I. Solzhenitsyn, Charles Baudelaire, Louis Aragon, Pablo Picasso, Marc Chagall, những nhà cách mạng Marxism như Georgi Plekhanov, Karl Marx, Leon Trotsky để vẽ một T3 không biết thật hay giả bởi vì những vị nầy có thể đã quên định nghĩa thơ mới của T3 nói ở trên để có thể phê bình thơ T3 một cách đúng đắn.
Bùi Bảo Trúc 17), cũng ca ngợi T3. Nhưng tôi không hiểu tại sao Bùi Bảo Trúc lại ví thơ T3 (1936-2006) như thơ Haiku của những danh nhân Haiku trong thời đại Edo của Nhật như Matsuo Basho (1644-1694), Kobayashi Issa (1763-1828), Yosa Buson (1716-1784), Ochi Etsujin (1656-1739). Thơ Haiku là thể thơ lời (hiragana) gò bó 5-7-5, chuyên tả cảm nhận, tình cảm của nhân vật đối với phong cảnh thời tiết trong khi đó thơ T3 là thể thơ tự do mà “Bản vị - ý tưởng cùng tiết điệu – không đặt trên mỗi câu mà đặt trên từng từ khúc (strophe) thứ từ khúc ấn định theo nguồn cảm hứng “ và “những nguyên tố cơ bản cấu tạo thơ tự do là muốn vật chất hóa bài thơ, một bài thơ tự do sẽ được sáng tạo cũng như thưởng ngoạn giống như một pho tượng, một bức họa, một bản nhạc”.
Bùi Bảo Trúc lập lại lời phê bình của Bùi Vĩnh Phúc 7) đối với T3 : “Tôi không còn cô độc (1955) và Liên-đêm-mặt trời tìm thấy (1964). Hai tập thơ đã trình bày trước độc giả con người của Thanh Tâm Tuyền một cách khá rõ nét. Kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, cô đơn, cô lữ, lãng mạn, tha thiết, dằn vặt, yêu thương, khô khan, bùng cháy, mệt mỏi, hoài nghi, thất vọng, siêu hình, trong sáng, rắc rối, phức tạp, xót xa, phẫn nộ...”. Tôi không rõ đây là lời khen hay chê. Tôi chỉ biết rằng T3 không màng đến thái độ của người khác đối với tác phẩm của ông. Vì như T3 đã viết trong bài “Thơ mừng năm tuổi” do Đặng Tiến trích lại : .../Non chục quyển sách in, gần 20 năm văn nghệ (hơn kiếp đoạn trường Kiều) — Thơ, kịch, truyện ngắn, dài và tạp nhạp./ Non chục ngàn trang, đăng bừa bãi — kế độ nhật — chẳng buồn thu lượm / liệng nhét trong ngăn, hộc, tủ , kệ, thùng, rương.../ nhóm lửa lót nồi/Được chê bai, được khen ngợi,/được công kích, được tán dương,/được choàng hoa, được lăng mạ. Ồn ào./Được gọi nhà văn, nhà thơ miền Nam. Tuỳ tiện./Tiền phong, độc lập với người này. Phản động, tay sai với kẻ nọ. múa gậy vườn hoang với đám kia (Cũng vui.)/Không thẻ hội viên văn nghệ. Không chân đoàn thể hay đảng phái. Không thế lực Nhà Thờ (La Mã hoặc Tin Lành) hay Chùa Chiền (Ấn Quang hoặc Quốc Tự)./Không thiết Tả, Hữu, Trung, Siêu. Mòng mòng. Hoan hỉ mòng mòng. Nghiêm túc mòng mòng./...Và nếu như T3 có “kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng” thì điều này cũng dễ hiểu. Là người tiên phong mang nguồn thơ tự do vào Việt nam và gặp chống đối chê bai thì thái độ thích hợp nhất là “kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng”. Nhớ một chiều thứ bảy nào đó năm 1966 trong chương trình nhạc dành cho người trẻ đài phát thanh Huế loan báo tin John Lennon của ban nhạc The Beattles, Anh quốc, đã phát ngôn rằng họ nổi danh hơn chúa Jesus Christ. Một lý do có lẽ bởi vì họ đã làm cách mạng mang lại cho thế giới một nguồn nhạc mới. Những tiểu bang vùng Bible Belt của Mỹ phản đối ồn ào rồi việc đâu cũng vào đấy.
Người Mỹ thường nói : You are entitled to your opinion. Nhưng điều này không có nghĩa là anh chị có thể đem lời nói của anh chị gắn vào miệng người khác. Tôi biết những vị như Thụy Khuê, Ngự Thuyết, Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc …viết để ca tụng thơ T3. Mặc dù T3 là người sáng tác đầu tiên và cũng là người tiên phong mang nguồn thơ tự do vào Việt nam nhưng phải đem tên tuổi những nhà văn nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng trên thế giới để ca tụng T3 thì là thái quá. Ở Bắc Việt Nam đã có một ông HCM hiếu ngoại đến nổi mang những Karl Marx, Vlamidir Lenin, Mao Tse Tung về cai trị dân Việt… Và bây giờ những người trí thức đi từ miền Nam như quý ngài cũng không thoát khỏi căng bịnh trầm kha vọng ngoại đó? Tại sao quý ngài không thể ca tụng T3 trong môi trường văn học Việt Nam trên bình diện thơ tự do, văn chương siêu thực? Đọc những lời bình thơ của quý ngài tôi tự hỏi làm sao có thể hiểu tâm lý, tình cảm, cảm nhận của T3 rõ ràng như ngày và đêm mà không một ai trong quý ngài nói trong những bài viết là đã gặp T3. Mặc dù phê bình văn học thì dựa vào văn bản, nhưng quý ngài biết rằng T3 đã qua Mỹ từ hồi 1990 mà không một ai đến phỏng vấn T3 để có tài liệu trung thực cho những bài bình luận của mình. Điều này làm cho bài viết của quí ngài gần như là hư cấu “tiểu thuyết” nói về T3 qua hào quang các tài năng trong nhân loại chứ không phải là “phê bình văn học”. Lời cuối tôi muốn thưa với quý ngài là nên trả một T3 đích thực lại cho Việt Nam.
KIM LONG
Kim Long là bút danh của Tiến sĩ Trần Văn Ái. Ông hoàn tất các cấp bậc học có ở miền Nam vào đầu thập niên 1970. Sau đó hoàn tất bằng tiến sĩ (hoá học thực vật) gần cuối thập niên 1970. Qua Mỹ nghiên cứu sản xuất nhiên liệu từ thực vật gần cả thập niên 1980. Trở lại Nhật nghiên cứu cách sản xuất bột giấy không gây ô nhiễm môi trường ở một hãng sản xuất giấy. Hiện tại đang làm cho một hãng sản xuất máy móc để làm giấy nhưng lại chuyên nghiên cứu cách tẩy độc đất bị ô nhiễm phóng xạ nguyên tử (radiocontaminated soil) ở tỉnh Fukushima. Đã có hơn 30 trang (papers) viết về những nghiên cứu ở đại học Mỹ và những công ty giấy Nhật, và 6 bằng sáng chế (patents).
Phụ bản:
Hai bức thư của Thanh Tâm Tuyền gởi tác giả Kim Long:
Tài liệu tham khảo:
1. Tiền Vệ. Thanh Tâm Tuyền (http://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=938).
Retrieved : 19.1.2015.
2. Ngự Thuyết, 2014. Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ tiên phong. Tạp chí Da Màu 15.12.2014 (http://damau.org/archives/34860) . Retrieved : 27.12.2014.; Người Việt Online ed. 25.12.2014
3. Đặng Tiến, 2006. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời. Diễn Đàn (www.diendn.org/tai-lieu/bao-cu/so-161/nha-tho-thanh-tam-tuyen-qua-doi)
Retrieved : 19.1.2015.
4. Đặng Tiến, 2006. Thanh Tâm Tuyền. Talawas (www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6853&rb=0105) Retrieved : 19.1.2015.
5. T.V. Phê, 2002. Thanh Tâm Tuyền người khởi xướng thơ tự do ở Việt Nam. Học Xá (www.hocxa.com/VanHoc/ThanhTamTuyen/_ThanhTamTuyen_Index.php).
Retrieved : 19.1.2015.
6. Nguyễn Xuân Hoàng. 2010. NXH & Thanh Tâm Tuyền. (https://sites.google.com/site/gsnguyenxuanhoang/nxh-thanh-tam-tuyen) Retrieved : 19.1.2015.
7. Bùi Vĩnh Phúc, 2005. Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy. Talawas (www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5335&rb=0105) Retrieved : 14.1.2015.
8. Thụy Khê, 2006. Thanh Tâm Tuyền (1936-2006). (http://thuykhue.free.fr/stt/t/TTTuyen.html)
Retrieved : 19.1.2015.
9. Dương Nghiễm Mậu, 2011. Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trước khi có tạp chí Sáng Tạo. Hợp Lưu (http://hopluu.net/a1661/thanh-tam-tuyen-va-nhung-nguoi-ban-truoc-khi-co-tap-chi-sang-tao). Retrieved : 14.1.2015.
10. Thảo Trường, 2006. Thanh Tâm Tuyền. Radio VOA (www.voatiengviet.com/content/thanh-tam-tuyen/1632739.html) . Retrieved : 19.1.2015.
11. Hoàng Văn Chí, 1964. From colonialism to communist. Bản tiếng Việt của Mạc Định trên Talawas ngày 9 tháng 4 năm 2007. (www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9703&rb=08).
Retrieved : 29.1.2015.
12. Kim Long, 2010. Những thầm nghĩ bên lề. Phần1 và 2. Talawas ngày 23 tháng 7 năm 2010.
13. Logevall, F.,2012. What really happened in Vietnam. Foreign Affairs November/December.
(www.viet-studies.info/kinhte/Logevall_review_LienHang.htm). Retrieved : 11.1.2012.
14. Tan Lieu, 2015. Going to debt moutain. Economist, February 14th ed.
(www.economist.com/node/21643235/print) . Retrieved : 14.2.2015.
15. Đinh Quang Anh Thái, 2014. Phỏng vấn Luật sư Trần Thanh Hiệp về tạp chí Sáng Tạo. Người Việt Online. (www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx) . Retrieved : 4.12.2014.
16. Rhodes, H.A., 1993.The evolution of Rap music in the United States. www.yale.edu/ynhti/curriculum/units/1993/4/93.04.04.x.html . Retrieved : 19.2.2015.
17.Bùi Bảo Trúc, Thanh Tâm Tuyền. www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/tg-bbt-12.htm .
Retrieved : 24.1.2015.
- Từ khóa :
- KIM LONG