- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử: Nhìn lại vụ Chu Tử bị ám sát hụt, ngày 16- 4-1966

12 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 61364)

T
rong một buổi mạn đàm với vài người bạn trẻ, tôi được hỏi về kinh nghiệm với tờ Sóng Thần nói chung và với ông Chu Tử nói riêng. Tôi trả lời phần nói chung như đã trả lời trên tạp chí Hợp Lưu (*), rằng nhật báo Sóng Thần ra đời vào cuối năm 1971, với chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội nhằm làm sạch Miền Nam để hỗ trợ cho cuộc chiến đấu chống cộng sản bảo vệ phần đất tự do cuối cùng của Việt Nam. Sóng Thần là tờ báo đầu tiên ở Miền Nam mà tài chính là do các cổ đông thuộc mọi tầng lớp quan tâm tới vận mệnh đất nước đóng góp. Tờ báo trong giai đoạn đầu do ông Chu Tử làm chủ biên với sự cộng tác, tiếp tay của nhiều đồng nghiệp khác, và tôi đứng tên chủ nhiệm chịu trách nhiệm về pháp lý. Tôi cũng nói sơ về những đóng góp nghề nghiệp của tôi trong thời gian bốn năm, 1971-75, với tờ báo.

Khi nói tới kinh nghiệm làm việc với ông Chu Tử, một chi tiết chợt bật ra trong đầu mà đã từ lâu tôi quên bẵng đi mất. Đó là việc làm “ghost writer” cho người tự nhận đã bắn ông Chu Tử năm 1966, vào một giai đọan có thể nói là một trong các thời kỳ chính trị nhiễu nhương nhất của Việt Nam Cộng Hoà. Sở dĩ ký ức tôi không ghi đậm việc này vì có lẽ tôi không hề coi đó là một công trình gì đáng kể, vì đó chỉ là một loạt bài viết để câu độc giả, theo đề nghị của ông Chu Tử. Ngoài ra, việc thực hiện cái “hồi ký” đăng thành nhiều kỳ trên tờ Sóng Thần hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm cầm bút của tôi sau này, khi đã trưởng thành và hiểu biết hơn. Tôi không phủ nhận việc mình đã làm, vì nhu cầu câu khách và trong một môi trường hoàn toàn thiếu sót tài liệu, chưa kể bên cạnh đó là sự non tay nghề của chính mình; nhưng tôi tin rằng nếu có dịp làm lại thì chắc chắn sản phẩm sẽ khác lắm với loạt bài hiện nằm trên microfilm Sóng Thần hiện được lưu trữ tại Đại học Cornell.

Bối cảnh Miền Nam giữa thập niên 1960

Vào giữa thập niên 1960, tình hình ở Miền Nam khá đen tối. Quân đội vừa lật đổ chế độ mệnh danh là “gia đình trị” của ông Ngô Đình Diệm. Một số tướng lãnh thay vì rút về lo chuyện quân sự thì xoay ra thay phiên nhau cầm quyền, đảo chính chỉnh lý lẫn nhau, bên cạnh sự tranh chấp ảnh hưởng của các phe nhóm tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo sau nhiều năm bị đàn áp dưới chế độ của ông Diệm vốn nghiêng về Thiên Chúa Giáo, và các đảng phái chính trị. Trong khi đó, Mặt trận Giải phóng Miền Nam, tắt là Việt Cộng, do đấy cũng bận rộn thừa nước đục thả câu nhằm lũng đọan tình hình bằng những vụ khủng bố phá hoại ám sát, gây hoả mù, hết sức hỗn loạn, khiến Hoa Kỳ vô cùng quan ngại cho công cuộc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong cuộc Chiến Tranh Lạnh dạo ấy. Tôi vẫn nghĩ, khác với nhiều người cho rằng Mỹ đã có dự mưu từ trước đem quân vào Việt Nam, tình hình bất ổn tại Miền Nam trong giai đoạn này đúng ra là một trong những nguyên nhân đã thúc đẩy Hoa Thịnh Đốn phải đưa quân ồ ạt vào Nam Việt Nam. Đây là một quyết định đã hẳn là vô tình tạo cho cộng sản một “chính nghĩa”, đó là “chống Mỹ cứu nước”.

Là một người cầm bút thẳng thắn, bộc trực, có sao nói vậy, thấy điều gì chướng tai gai mắt thì không thể bỏ qua, ông Chu Tử, lúc ấy đang là chủ nhiệm nhật báo Sống, đã “lùa” không thiếu các nhân vật tai mắt đương thời không phân biệt đảng phái, ý thức hệ, tôn giáo, giai cấp mà ông cho là bất xứng hay đạo đức giả vào mục “Ao Thả Vịt” được rất nhiều người đọc và khoái. “Ao Thả Vịt” là một mục gồm những bài phiếm luận, có tính cách châm biếm, bông lơn, dựa vào những nhận xét nhiều khi chủ quan của người viết, chỉ nên xem qua rồi bỏ. Nhưng có nhiều nhân vật bị lùa vào ao không bỏ được. Nhìn lại, tôi phải nhận là mình vừa phục vừa hãi cho người coi ao vì đã làm một cái việc quá can đảm trong một cái môi trường hết sức nhố nhăng đầy súng ống, thuốc nổ và đầu óc cực đoan, bên cạnh chiến dịch thừa nước đục thả câu, thọc gậy bánh xe nhằm tạo hỏa mù của những tay Việt cộng nằm vùng, của thời buổi ấy.

Do đấy, bên cạnh những người thích đọc ông, cũng không thiếu người thù ghét ông, vì lý do này hay động lực khác, chính trị, tôn giáo, kể cả ghen tị cá nhân vì sự thành công của ông Chu Tử. Thật vậy, có thể nói ông Chu Tử là một trong một số rất ít người cầm bút, cả bên văn chương lẫn báo chí ở Việt Nam từ trước tới nay, trong cũng như ngoài nước, đã thành công và được nhiều người biết đến như vậy.

Chu Tử: nhà văn kiêm nhà báo thành công vượt bực

Xuất thân là một nhà giáo, ông Chu Tử (1917-1975) bắt đầu viết tiểu thuyết đăng từng kỳ vào cuối thập niên 1950, và là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được nhiều người tìm đọc, như Yêu, Sống (tức Loạn), Ghen (tức Nắng), và Tiền. Trong đó, cuốn Yêu nổi tiếng hơn cả và đã từng được tái bản, về mối tình giữa thầy giáo Đạt và cô Diễm, con gái của ông giáo Thức là bạn của Đạt. Yêu sau được dựng thành phim, do đạo diễn kiêm nhà văn Đỗ Tiến Đức thực hiện vào năm 1973. Rồi ông Chu Tử nhẩy vào làm báo, cũng được nhiều người thích, tìm đọc.

Về văn nghiệp của Chu Tử, nhà văn Võ Phiến -- tác giả của nhiều sách truyện, tùy bút, biên khảo trước và sau 1975, và đặc biệt hơn cả là bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan (1986, 1992), về 20 năm văn học Miền Nam, gồm bẩy cuốn -- đã nhận xét về Chu Tử, như sau: “Chu Tử viết truyện được nhiều người khoái, mà làm báo cũng khiến lắm người khoái quá trời, bất luận là cao hay thấp, người ta khoái ông, khoái cái phong cách ông trong cuộc sống cũng như trong văn chương.”

“Trong tiểu thuyết của Chu Tử,” ông Võ Phiến viết tiếp, “có những nhân vật hoặc ngang tàng, bướng bỉnh, hoặc hào sảng, khí phách, hoặc nhiều khi kỳ cục.

“Hiệp tới nhà ông đốc phủ Thinh xin vệc, đã biết ông ta thân cộng, ông ta không ưa Bắc Kỳ, lại càng ghét Bắc kỳ di cư; thế mà Hiệp cứ ngang nhiên xưng là thanh niên mới di cư vào Sài gòn, lại thách thức là trong vòng sáu tháng sẽ có thể làm cho cô con gái cưng của nhà này phải ăn rau muống (Loạn). Ông Xương đánh bạc thua, nổi đóa mắng tới tấp người này vung tay tát chéo người kia, người có quyền thế có sức mạnh hơn ông nhiều; thế mà rốt cuộc trước cơn giận ‘chính nghĩa’ kẻ gian phải sợ hãi, chịu khuất (Loạn). Trang là học trò của Đạt, một cô học trò xinh đẹp; thầy trò gặp nhau ba, bốn năm sau, Trang rất lễ phép cầm tay Đạt đặt lên mông mình hỏi: ‘Anh có biết cái gì đây không?’ (Yêu). Huyền là học trò Thanh, thầy trò yêu thầm nhớ trộm nhau trong bao nhiêu lâu. Về sau Thanh vào ở trong một ngôi chùa. Một hôm Huyền tìm đến, mân mê bàn thay Thanh và nói thẳng: ‘Em muốn được làm vợ anh, ngay bây giờ… ngay lúc này…’ Thanh hoảng hốt. Nhưng Huyền nhất định tiến tới. Và nàng ‘được làm vợ’ tức thì, ngay trong chùa (Tiền) v.v… Những con người như thế, giá nghe họ sống đâu đó ở ngoài đời, thiên hạ cũng ầm ầm đổ xô đến để tiếp xúc, để cho biết. Ngộ quá mà! Người ta ai chẳng tò mò muốn chứng kiến những cái ngộ nghĩnh, độc đáo? Hiểu con ai hiểu bằng cha mẹ, hiểu nhân vật không ai bằng tác giả; thì chính Chu Tử ông ta cũng thường nói đến các nhân vật của mình như là những con người ‘bốc đồng’, ‘bốp chát’, ‘ngổ ngáo’, ‘ngang ngược’, ‘cynique’, ‘tàn bạo’, là những ‘đứa trơ’, ‘trắng trợn’, ‘trâng tráo’ vv…

“Trong truyện cũng như ngoài đời, khác gì? Cái lạ thường thu hút mạnh.” (**)

Trong văn chương đã vậy. Bước qua địa hạt báo chí, vì lối viết đơn giản, bộc trực, nên nhiều chuyện và nhân vật ông Chu Tử thả vào “Ao Thả Vịt” nghe cứ như thật một trăm phần trăm ấy, độc giả đọc nhiều người khoái tỉ, đem ra bàn tán. Do đấy, nhiều đối tượng bị ông lùa vô ao đã bất bình. Ân oán giang hồ cũng từ đấy mà ra.

Kết quả là tòa soạn báo Sống có lần bị đốt phá. Không ai biết ai chủ mưu đốt phá, nhưng có tin đồn là tay chân của Thượng tọa Thích Thiện Minh, người mới bị ông Chu Tử lùa vào ao kỳ cọ. Rồi vào buổi sáng ngày 16 tháng 4, 1966 chủ nhiệm Chu Tử vừa rời nhà ra xe để đi đến toà báo thì bị một trong hai tên lởn vởn ở đầu ngõ rút súng Colt 9 bắn bốn phát từ phía sau bên trái xe xuyên qua xe trúng ông, rồi leo lên xe gắn máy tên kia vẫn giữ máy nổ và tẩu thoát. Chu Tử bị ám sát trong vòng chưa đầy nửa năm kể từ khi ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị bắn tử thương ngay trước nhà ông vào trưa ngày 30 tháng 12, 1965 khi ông về nhà ăn trưa.

Số ông Chu Tử còn cao, nên dù bị trúng đạn gẫy xương quai hàm, mất mấy cái răng, song không có viên đạn nào đi vào chỗ phạm. Và ông đã thoát chết nhờ sự chữa trị tận tâm của các y sĩ và nhân viên tại Bệnh viện Cơ Đốc gần nhà ông ở vùng Phú Nhuận. Báo chí Miền Nam, chưa dứt cơn bàng hoàng trước cái chết của Từ Chung, lại rơi vào cơn rúng động khác với vụ Chu Tử bị ám sát hụt.

Trong khi theo giõi tin tức về bệnh tình của Chu Tử, có thể nói hầu như cả Miền Nam cùng nhất loạt lên tiếng phản đối hành động man rợ của những kẻ dùng bạo lực đàn áp mong bịt miệng tự do báo chí và ngôn luận của giới cầm bút, đồng thời đòi hỏi chính quyền Miền Nam phải có những biện pháp bảo vệ giới trong tay chỉ có ngọn bút, và đặc biệt là phải ban hành luật báo chí công nhận quyền tự do ngôn luận. Điều đặc biệt hơn cả là chưa đầy một tuần sau ngày ông Chu Tử bị ám sát hụt, toàn thể làng báo Miền Nam đồng loạt nghỉ ra báo một ngày, đó là ngày thứ Năm 21 tháng 4, 1966, tức số báo đề ngày 22-4-66 “để tỏ tình đoàn kết báo chí trong việc tranh đấu chống đàn áp và kèm chế báo chí” và “nêu cao tinh thần tranh đấu chung cho tự do dân chủ.” (***)

Tóm lại, việc Chu Tử bị ám sát không còn là việc một cá nhân người cầm bút bị mưu hại mà đã trở thành vấn đề quyền tự do báo chí và ngôn luận bị âm mưu triệt tiêu dù bất cứ do ai, phe nhóm hay cộng sản chủ động. Lần đầu tiên làng báo Miền Nam tỏ tình đoàn kết chặt chẽ chưa từng thấy trước đó.

Ai bắn Chu Tử?

Hầu như mọi người đều nghĩ Việt Cộng nằm ở phía sau vụ ám sát Chu Tử, cũng như trong trường hợp của Từ Chung, người mà trước khi bị hạ sát đã từng công khai lên tiếng báo động về việc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã nhiều lần đe dọa ông. Ông Chu Tử lại nghĩ khác, và còn có vẻ quyết đoán, rằng thì là người bắn ông không thể là Việt Cộng.

Ngay sau khi hồi phục, ông Chu Tử đã viết một bài dài đăng thành nhiều kỳ trên báo Sống, sau được ban biên tập Sống gom lại in chung với những bản tin, bài viết, thông cáo, tuyên ngôn xung quanh vụ Chu Tử bị bắn trong tập sách tựa là Chu Tử Không Hận Thù.(***) Theo ông Chu Tử thì người bắn ông không thể là Việt Cộng được, vì tên này hành sự “tay non” không có tính nhà nghề và “nghệ thuật” cao như Cộng sản. “Trong vụ ám sát tôi, tôi nhận thấy kẻ sát nhân của tôi không những là một tay ‘non’, khờ khạo, chưa có kinh nghiệm gì, tôi còn nhận diện rõ sát nhân của tôi là một ‘anh em quốc gia (!)’. Ở điểm hắn còn lúng túng, vương vấn đôi chút lương tâm, nên đi ngang mặt tôi mà không dám bắn, chỉ đủ can đảm bắn vào sau xe, vào lưng, vào cổ, gáy tôi, chứ không dám nhìn thẳng vào mặt tôi để bắn.” (Chu Tử Không Hận Thù, tr. 69)

Vậy người bắn ông là ai, ông không nhất quyết. Nhưng ông nói, rất… Chu Tử và hào sảng, là ông sẵn sàng tha thứ, mong có dịp gặp người đã bắn ông để … cám ơn, “không phải một lần mà tới ba lần, vì kẻ sát nhân đã giúp tôi ba điều vô giá, dù có núi tiền núi bạc, cũng không mua nổi!” Điều thứ nhất là ông cám ơn kẻ sát nhân đã cho ông ăn bốn viên đạn mà ông vẫn sống để có dịp biết rằng mọi người, kể cả những nhân vật đã từng bị ông lùa vào “Ao Thả Vịt” cọ rửa kỹ lưỡng trước đây, đã quan tâm lo lắng cho ông và gửi thư, điện tới chúc ông chóng thoát cơn hiểm nghèo, đồng thời lên án bọn khủng bố. Và ông cũng tội nghiệp cho ông Từ Chung đã chết liền tại chỗ, không có dịp nhìn thấy người đời tiếc thương và ưu lo cho mình.

Điều thứ hai khiến ông biết ơn kẻ sát nhân là “bốn viên đạn của kẻ sát nhân đã tạo cơ hội để bao nhiêu thù ghét mà ngòi bút oan nghiệt của tôi đã tích lũy từ bao năm nay, vụt tiêu tan biến thành lòng tha thứ. Tôi vốn là kẻ vô tâm, thương mình, thương người, nhưng khi tôi cầm bút, hình như có ma lực gì, xui khiến tôi trở thành tàn ác, ba que, xỏ lá đến cùng cực. Do đó từ mấy năm nay, các bạn cộng tác với tôi và tôi đã gây ra nhiều thù ghét không đâu.” Và ông Chu Tử hứa để đền đáp lại sự “đại xá” của kể cả những người thù ghét ông song đã ưu lo cho ông khi ông bị bắn suýt chết, ông công khai xin lỗi và “tuyên bố từ nay sẽ không bao giờ còn ‘hỗn’ với ai” nữa.

Và điều thứ ba khiến ông thấy muốn gặp kẻ sát nhân để cám ơn vì – đây là điểm nói lên bản chất hồn nhiên lãng mạn của Chu Tử -- nhờ bốn viên đạn đưa ông tới gần cái chết mà ông có kinh nghiệm của kẻ đã kề cận cái chết, rất hữu ích cho việc… sáng tác vì ông đã có kinh nghiệm thực, không còn phải nặn óc tưởng tượng ra nữa. (CTKHT, tr. 66-67)

Người tự nhận đã bắn Chu Tử

Và ông đã… cầu được ước thấy. Kẻ ấy, hay người tự nhận đã bắn ông, cuối cùng tìm tới ông Chu Tử vào một buổi tối vào đầu thập niên 1970, trong lúc ông đang làm chủ biên nhật báo Sóng Thần.

Một bữa nọ, ông Chu Tử ghé bàn làm việc của tôi, nói ông muốn gặp riêng tôi có việc. Tôi ngước nhìn ông, ngạc nhiên, vì chưa bao giờ ông lại muốn gặp riêng với tôi, mà bao giờ cũng có vài anh em trong nhóm chủ biên hoặc ban biên tập. Tôi đứng dậy theo ông lên phòng khách ở lầu ba của toà nhà chúng tôi muớn làm tòa soạn ở số 133 đường Võ Tánh, Sàigòn dạo ấy. Thực ra thì chúng tôi chỉ mướn có tầng trệt và lầu hai để làm tòa soạn và trị sự (còn in báo thì mang bản kẽm sang nhà in Nguyễn Bá Tòng sát bên nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Bùi Chu, cách tòa báo mấy khu phố), còn từ lầu ba trở lên là thuộc về gia đình của chủ nhà. Mỗi khi có việc riêng chúng tôi mượn phòng khách của gia đình chủ nhà để họp.

Ông Chu Tử tay run run (từ ngày bị bắn tay ông vẫn run như vậy) rút trong túi ra hai trang giấy viết tay đưa cho tôi, trên đó ông ghi lại cuộc gặp gỡ với tên đã bắn ông, và đề nghị tôi viết lại cái “hồi ký” của tên sát nhân đăng thành nhiều kỳ trên báo. Theo ông thì một hồi ký như vậy sẽ rất “ăn khách”, mà tờ báo thì lúc nào cũng cần những bài nằm “ăn khách” như vậy để giữ độc giả.

Cũng phải thẳng thắn mà nhận rằng sau mấy tháng đầu sôi nổi và được độc giả chiếu cố khi tờ báo mới xuất hiện vào cuối năm 1971 với sự hiện diện của ông Chu Tử trong vai trò chủ biên, tờ Sóng Thần, với chủ trương chống tham nhũng, hơi lao đao, từ trên 100 ngàn ấn bản mỗi ngày tụt xuống dần còn dăm bẩy chục ngàn, và có triển vọng tụt xuống nữa. Một phần tờ báo bị chính quyền tịch thu hơi nhiều lần, lúc thì vì lý do an ninh quốc gia khi thì vì tội xâm phạm thuần phong mỹ tục, hoặc bị các cá nhân thưa kiện. Điển hình là loạt bài của nữ ký giả Lê thị Bích Vân tố Tướng Nguyễn Văn Toàn về tội dụ dỗ gái vị thành niên, khiến cả Bích Vân lẫn tôi cùng phải vác chiếu ra hầu toà mấy lần. Đây là giai đoạn trước khi xẩy ra biến cố Mùa Hẻ Đỏ Lửa 1972, biến cố đã khiến tờ báo, nhờ sự tiếp tay đắc lực của hai văn phòng đại diện Quảng Trị và Huế với những tin tức cập nhật sớm hơn nhiều báo khác, bỗng lại lên như diều gặp gió. Nhất là sau đó Sóng Thần phát động chiến dịch hốt xác gần 2,000 đồng bào tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng (khúc giữa Quảng Trị và sông Mỹ Chánh) đã được sự tham gia của đông đảo độc giả.

Thú thực là tôi chưa hề làm “người viết ma” (ghost writer) cho ai bao giờ. Thế nhưng vì thương tờ báo, công trình đóng góp và kỳ vọng của nhiều người, và sự sống còn của nó để phục vụ lý tưởng làm sạch xã hội chúng tôi theo đuổi hồi đó, nên tôi không chút đắn đo nhận lời làm người viết ma cho người bắn ông Chu Tử.

Tôi không còn nhớ hết nội dung của hai trang giấy ông Chu Tử trao cho tôi. Nhưng đại khái, theo ghi nhận của Chu Tử, thì người nhận đã bắn ông thú nhận là anh ta là một Phật tử theo phe Thượng tọa Thích Thiện Minh, người đã bị ông Chu Tử lùa vào “Ao Thả Vịt”. Và anh ta bất bình về việc thần tượng của mình bị bôi nhọ, chứ anh ta không có dính dáng gì tới Việt Cộng. Luận điệu này phù hợp với lối suy luận của Chu Tử trong bài tự truyện “Chu Tử trong những suy nghiệm sinh tử của bản thân” in lại trong tập CTKHT, như đã đề cập tới ở trên. Và tôi đã dựng nên một “hồi ký” trong chiều hướng đó, dựa vào vỏn vẹn có hai trang giấy viết tay ghi lại cuộc gặp gỡ với kẻ tự nhận bắn mình của ông Chu Tử, với rất nhiều… tưởng tượng.

Viết lại kinh nghiệm này tôi cũng còn có một mục đích, đó là nếu có ai tình cờ đọc lại cái “hồi ký” (hình như tựa là) Tôi bắn Chu Tử trên microfilm báo Sóng Thần thì nên hiểu là đó chỉ là một loạt bài hoàn toàn do tuởng tượng của một người quen với việc sáng tác văn chương hơn là làm báo trong thời kỳ đầu thập niên 1970, nhằm câu độc giả, và hoàn toàn không có một giá trị văn học hay lịch sử nào. Người bắn ông Chu Tử không hẳn là đã có dụng ý tôn giáo. Và người đến gặp ông Chu Tử có thể có dụng ý nào khác, không ai biết được. Cũng có thể đây là một đòn của Cộng sản hồi ấy để đào sâu thêm những xung đột tôn giáo ở Miền Nam, vốn là nghề của họ, bên cạnh các hành động khủng bố, phá hoại.

Ai mới thực sự là người bắn Chu Tử?

Khi sưu tầm tài liệu để viết bài về ông Chu Tử, tôi tìm thấy trên Wikipedia.org có đoạn này: “Vì chính kiến, tòa báo [Sống] bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan tấn công năm 1966.[4] Cũng vào thời điểm đó ông [Chu Tử] bị mưu sát gần nhà, bị trúng đạn nhưng thoát chết. Cuộc biệt kích này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương.[5]

Tôi tìm đọc chú thích số 5 bên dưới bài viết rất sơ sài về Chu Tử với một số chi tiết không chính xác lắm, thì thấy ghi nguồn là “Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City (4 pages) 15 May 1967”, nhưng không có đường dẫn (Web link) đến chỗ chứa tài liệu trên mạng. Tìm một hồitrên Internet không ra bản tường trình này, tôi liên lạc với chị bạn tại Vietnam Center để nhờ tìm tài liệu trên, chị chuyển tôi qua một người chuyên về loại tài liệu bắt được của địch này.

Cuối cùng tôi có được cái link để tải xuống tài liệu mang số F034600991054 (****), trong đó có ghi tên đặc công Việt Cộng đã có nhiệm vụ hạ sát hai ký giả Từ Chung và Chu Tử: Huỳnh Văn Long. Do thành tích này, Long đã được thưởng huân chương thành tích đệ tam đẳng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tôi có hỏi xin bản sao nguyên tác bằng tiếng Việt nhưng được biết thường sau khi làm tường trình xong thì các tài liệu nguyên thủy bị hủy bỏ. Vậy xin ghi lại để rộng đường dư luận.

Một nén hương cho ông Chu Tử

Ngày 30 tháng 4 năm nay cũng là kỷ niệm 38 năm ông Chu Tử bị tử nạn trên đường di tản. Tôi viết bài này như một nén hương chân thành tưởng niệm một nhà văn và nhà báo tên tuổi và cũng rất độc đáo của nền văn học Miền Nam, đồng thời điều chỉnh lại một số chi tiết xung quanh vụ ông Chu Tử bị ám sát hụt vào năm 1966. Tôi không có ý chống báng suy đoán về người giết mình của ông Chu Tử, có chăng là tôi muốn nói lên sự thích thú của tôi về tính hồn nhiên cả tin khá lãng mạn của tác giả Yêu -- một cái tật mà chính tôi cũng mắc phải (và hãnh diện mang cái tật đó).

Cuối cùng, lẽ ra bài này đã được đăng trong một tập san đặc biệt tưởng niệm và vinh danh ông Chu Tử, nhưng dự tính của một số thân hữu văn nghệ và tôi đã không thành. Riêng tôi, đã tự hứa phải có bài này để tưởng nhớ ông, nên viết. [TD, 2013/04]

Hình ảnh:

songthan2013


Hình trên bên trái, ông Chu Tử Chu Văn Bình, chụp hồi làm chủ nhiệm nhật báo Sống, Saigòn, trước khi bị bắn. (Ảnh Internet) Phải, sau một tuần nằm bệnh viện sau khi bị bắn, ông Chu Tử, tay cầm khăn che miệng đứng sau nhà văn Duyên Anh (ngồi) và giữa nhà văn Nguyễn Thụy Long (áo đen bên trái) và nhà thơ trào phúng Tú Kếu (có râu cằm, bên phải), đến thăm anh chị em biên tập tại toà sọan báo Sống ngày 22 tháng 4, 1966. (Ảnh trích Chu Tử Không Hận Thù, Sống, 1966)

Chú thích:

(*) Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Trùng Dương: http://www.hopluu.net/D_1-2_2-117_4-355_5-4_6-2_17-15_14-2_10-92_12-1/. Đọc thêm về kinh nghiệm Sóng Thần của Trùng Dương qua bài tùy bút “Sao Đặc Trời” tại http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=B6288EE8499620DDDEAB8855654C4363?action=viewArtwork&artworkId=8636

(**) Võ Phiến, “Chu Tử,” Truyện Miền Nam, 1954-1975, tập hai, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Westminster, Calif., 1993, tr. 10-11.

(***) Chu Tử Không Hận Thù, Nhật báo Sống biên soạn và xuất bản, 1966, Sàigòn, Viet Nam; Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, 1987 (?). Sách dầy 200 trang, gồm bẩy phần: 1) Chu Tử trước mũi súng sát nhân, ghi nhận các sự kiện xung quanh vụ Chu Tử bị bắn, ; 2) Chu Tử trong cơn phẫn nộ thương yêu của công luận, ghi nhận phản ứng của đồng bào các giới với vụ khủng bố; 3) Chu Tử trong những suy nghiệm sinh tử của bản thân, là tập tự truyện của Chu Tử viết sau khi anh đã đối diện với cái chết, tr. 65-105; 4) Chu Tử trước ngòi bút thân ái của các văn hữu, gồm những bài viết đặc biệt về Chu Tử; 5) Chu Tử và anh em Sống; 6) Chu Tử và phản ứng chung của báo giới trong và ngoài nước; và 7) Chu Tử và vài hình ảnh vụ mưu sát. Sách hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội và các thư viện công cộng tại những vùng có đông người Việt cư ngụ tại Hoa Kỳ. Độc giả có thể nhờ thư viện địa phương mượn giùm qua chương trình Interlibrary Loan.

(****) Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City, 15 May 1967, Folder 1054, Box 0099, Vietnam Archive Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Web link: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=F034600991054.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 47946)
Bài viết chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với giáo sư Phạm Biểu Tâm, với tâm niệm khi viết là làm sao vượt qua được cái tôi thường tình trong một bài tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước. (Ngô Thế Vinh)
08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 60526)
“Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình...
27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 58699)
T háng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.
30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 70114)
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...” ...Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy..
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 72322)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
22 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 115566)
T ôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Nói chính xác là một chiều mưa rằm Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm...
22 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 111706)
K hi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí  Văn Học ...
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 114104)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 94467)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 97714)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.