- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NƯỚC MẮT NỢ NẦN

27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 119867)


sg_1975-content

 Evacuation_SG April 29-1975_ AP photo


Năm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì. Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.

 

Năm sau đã quen, cũng có lúc tôi xem TV. Tôi tình cờ ghé mắt vào một phim tài liệu cũ để phải khóc. Đó là cảnh bom đạn đổ xuống miền Bắc khiến nhà cửa nát tan, trẻ thơ lập tức mồ côi, và sau đó là sự đói kém. Tôi khóc trước những ánh mắt thơ dại. Tang thương của chiến tranh đâu phân kẻ thắng người thua. Trở lại trường học, tôi thấy đằng sau những nghi kỵ e dè của chúng tôi hình như cũng có mặc cảm bối rối của những bạn thanh niên đoàn viên của phe chiến thắng. Bạn Vũ thị Phát Minh mang cho tôi một phát minh mới. Đó là dù liệt kê đủ thứ, Cộng Sản, Vô Sản, Bần cố nông, vân vân, tiểu tư sản Hà nội vẫn là tiểu tư sản. Bạn mặc quần bộ đội áo sơ mi trắng tóc thắt bím và môi mím lại mỗi khi chúng tôi hỏi một điều gì về miền Bắc; không giống chúng tôi tí nào nhưng bạn vẫn rất đẹp và ý tứ gọn gàng. Da bạn trắng hồng, mắt trong sáng tinh anh, và bạn không thể không lễ phép, cái lễ phép của tiên học lễ hậu học văn thuở Tràng An. Như có cái gì conflict, bạn, người của vô giai cấp, luôn trả lời với thầy cô rằng “em thưa thầy/cô rằng…” mỗi khi được gọi, khác với bạn Hồng Vân thường nói lí nhí cái gì đó không rõ tiếng rõ lời bộc lộ cái gốc quê mùa mộc mạc. Tôi bắt đầu thương những mái đầu xanh cùng trang lứa với mình. Tôi lại phải khóc, khi một trong những bạn học bị trúng tuyển đi chiến trường miền Tây, như xưa tôi đã phải khóc lính tử trận trong gia đình.

 

Sang Mỹ, tôi càng ngậm ngùi khi đọc lá thư anh bộ đội gửi đến cô em, “em đi rồi để lại trong anh chỉ còn ảo vọng…” Nước mắt ai cũng mặn. Là người, chúng ta khóc cho nhau, với nhau.

 

Nhưng những giọt nước mắt của tôi cho người lính Cộng Hòa dường như thêm nhiều thêm đậm, theo với tuổi đời. Cuộc chiến đã xa, mất mát thôi đã thành sẹo, sao tôi phải khóc hằng năm? Radio lại đọc những bài tưởng niệm, phát thanh những lời chứng. Xướng ngôn viên ngày thường cười cợt lung tung vẫn nghẹn giọng. Và tôi cùng những bạn đồng nghiệp vẫn chảy nước mắt. Tôi khóc khi Phan Nhật Nam, đã từng lao vào lửa đạn chiến tranh không cầm được sống chết của mình, lại phải thấy guilty vì còn sống. Tôi khóc, vì biết có những người đàn bà thà chết hơn là bỏ đất bỏ quê bỏ công sự chiến đấu dang dở của người chồng vừa ngã xuống. Tôi khóc, vì lời nhẹ như gió thoảng, “phải mười lăm năm sau cô mới gặp lại chú.” Tôi khóc vì những cái chết vô danh. Họ không biết tôi là ai nhưng đã chết cho tôi. Họ không biết tôi có yêu quê hương của tôi hay không, nhưng họ chết để bảo vệ quê hương ấy, và khi chết họ thốt câu vĩnh quyết tôn vinh quê hương ấy. Tôi không những nợ họ một mạng sống một chuỗi đời, tôi còn nợ họ niềm hãnh diện dẫu là người bại trận, niềm hãnh diện là công dân nước Việt Nam Cộng Hòa mến yêu. Họ chỉ là những con người dung tục như tôi, nhưng họ nhắc tôi nhớ chén thuốc độc của Phan Thanh Giản, cái chết của Hoàng Diệu, của Bùi thị Xuân, của Nguyễn thái Học. Tôi đã khóc, chắc là vẫn khóc mãi dẫu khi qua kiếp khác. Mai mốt đầu thai, biết tôi có nhớ vì sao mình khóc.

 

Lưu Na

04/27/2012


 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93580)
Đ êm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình[...]Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 80113)
B ao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94843)
C huyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết.
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 93229)
T ôi điếng người sau cú phôn. Phôn của anh bạn ở Portland. Phụng dính ung thư gan! Tôi loanh quanh chẳng biết mình đang làm gì và đang muốn làm gì. Có lẽ nào! Đang khi không bỗng trời ập xuống.
04 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 107709)
L ịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt. Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 84374)
... c ái bản sắc nói chung cho người Việt hải ngọai khắp nơi trong cộng đồng thế giới với biết bao dị biệt. Họ sẽ được giáo dục, có văn hóa, và có tiếng nói khác nhau. Quê hương đáng lẽ phải là những điểm chuẩn chung để mọi người còn có một cái gì để noi theo. Đó là niềm kiêu hãnh, là tình tự dân tộc, là đạo đức chính trị, là đạo đức kinh doanh, nếu chỉ thấy cái thua kém, thù hận, và ô nhiễm mọi mặt. thì có lẽ đã muộn rồi. Như đàn cá hồi khi ra biển rộng, lúc tìm đường về, nhưng cái tổ cũ đã bị phá bỏ, các kinh rạch cũ đã bị rác rưởi lấp kín, thì chắc là lại ra đi, về vùng vẫy tự do ở vùng biển rộng trời cao...
07 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 96490)
Đ ến hôm nay, ngày 6 tháng 5, bức hình nay có tên là Situation Room Photo, tự nó đã có đời sống riêng của nó, và người chụp vốn là nhiếp ảnh viên chính thức của toà Bạch Ốc, đã hẳn không còn là cha tinh thần của nó nữa. Hàng triệu người đã thấy nó, đã bị lôi cuốn, đã thích thú, đã soi bói, đã bàn luận và phân tích, cả chất vấn, và mặc sức… hoán đổi (altered, hoặc tiếng nhà nghề là photoshopped).
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 106000)
N hững lời chứng thuyền nhân, những hình ảnh kỷ niệm, những bài viết ngậm ngùi… ngày giỗ năm nay càng thêm lớn với 3 chương trình lễ tưởng niệm nơi tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, đêm thắp nến, hội thảo, chiếu phim, và hàng loạt những chương trình truyền thanh truyền hình, băng đĩa kỷ niệm. “Ngày này năm ấy” được người Việt lưu vong nhắc đến tựa như dân Mỹ đóng lại vở kịch nội chiến 1876 hàng năm. Khác chăng, trang sử của chúng ta chưa thể khép lại. 
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 100945)
K hi bố tôi rời bỏ gia đình đi tìm một cuộc sống mới, tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì vừa xảy ra. Tôi không nhớ được mẹ tôi có buồn nhiều không, có khóc nhiều không? Tôi chỉ nhớ mẹ tôi nói với tôi rằng bố tôi sẽ không bao giờ về nữa. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi lại thì mẹ tôi trả lời : “ lớn lên con sẽ hiểu ”.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94117)
T ôi cũng nhớ cả đến những đêm về sáng ở vũ trường Tự Do, ngồi nghe Lệ Thu hát hết bài Tôi Đưa Em Sang Sông , để rồi ngày mai lại phải xa thành phố về một nơi mịt mù của đất nước. Sau này, lần nào từ Mỹ về thăm lại Saigon, chúng tôi cũng đến Givral ngồi bên ly cà phê, trầm ngâm nhớ lại cả một thời và những người bạn ngày xưa. Bây giờ thì Givral không còn nữa rồi.