- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Nguyễn Thị Thanh Bình

13 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 14168)

w-hopluu93-final-86_0_135x300_1 Quê quán tại Huế, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong những cây bút nữ xuất hiện rất sớm tại hải ngoại, đã có năm tác phẩm xuất bản ở Hoa Kỳ: Ở đời sống này, truyện ngắn (Nhà xuất bản Đại Nam, 1989), Giọt lệ xé hai, truyện dài (Văn Khoa, 1991), Cuối đêm dài, truyện ngắn (An Tiêm, 1993) và Trốn vào giấc mơ em, thơ (Thanh Văn, 1997). Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Thị Thanh Bình là tập truyện Dấu ấn do Văn Mới in năm 2004. Hôm nay nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình sẽ nói về hoạt động văn thơ của chị gắn bó với bối cảnh chung của văn học trong và ngoài nước.

 

Thụy Khuê: Thưa chị, chị là nhà văn thành danh ở hải ngoại đã khá lâu rồi, xin chị nhắc lại thời gian đầu mới viết: Có phải chị đã được độc giả biết đến qua báo Văn của Mai Thảo, hay một tờ báo nào khác và con đường tiếp theo đã diễn ra như thế nào?

Nguyễn Thị Thanh Bình: Trước tiên, cho Thanh Bình nhân dịp được nói chuyện với chị, xin phép gởi lời chào thân ái đến những bạn văn khắp nơi, đặc biệt là thính giả đài RFI rất nổi tiếng. Bây giờ, ngồi đây nhớ lại thuở xa xưa, hình như Thanh Bình cũng không nhớ rõ lắm đâu. Thật ra, bài đầu tiên viết lại ở hải ngoại là một bài tùy bút, đăng trên một tờ báo có thể gọi là đầu tiên, rất đầu tiên ở Cali, tờ Trắng Đen thì phải. Cái thời mà báo chí vẫn còn phải nằm chung với quầy nước mắm, xì dầu trong các tiệm bán thực phẩm Á Đông, cũng là thời mà tờ báo ra đời, có mặt chẳng qua chỉ vì muốn làm công việc đăng tìm thân nhân cho mọi người Việt Nam bị thất lạc bốn phương trời lưu xứ, thời gian không thể gặp nhau sau chiến tranh. Bài viết, Thanh Bình không nhớ rõ đã viết như thế nào nhưng có lẽ chỉ loay hoay trong thứ văn chương hoài niệm kiểu xa quê hương, nhớ mẹ hiền, thế thôi. Nhưng cái tựa, Thanh Bình vẫn còn nhớ, có vẻ hơi ấn tượng là Ấn bản xám, vì lúc đó nhờ bài tùy bút này mà Thanh Bình tìm lại được cô bạn cũ. Tiếp đó cũng làm thơ vớ vẩn và đăng đâu đó trên Làng Văn. Rồi nhờ một bài thơ nào đó Thanh Bình bắt lại được tăm hơi của cô bạn thân là nhà thơ Trân Sa bây giờ. Dù sao Thanh Bình cũng ghi nhận một điều: tấm lòng ưu ái văn chương phái nữ của nhà văn Mai Thảo trong bước đầu mà Thanh Bình tìm đến với tạp chí Văn. Nhưng Thanh Bình nghĩ rằng khi sự có mặt của Thanh Bình trên tờ Văn Học -tờ báo mà bạn bè vẫn hay gọi đùa là phòng triển lãm văn chương hải ngoại, thời mà anh Nguyễn Mộng Giác chủ biên- có lẽ có hồi đáp mạnh mẽ hơn. Con đường tiếp theo vẫn xoay trong những đam mê cố hữu của một người như chị biết, là đã lỡ ghiền văn chương, và ở đây thú thật Thanh Bình rất ngại khi phải nói hơi nhiều về mình. Chỉ biết một khi mình đã ghiền đến nghiện rồi thì rất khó lòng từ bỏ. Và con đường tức mặt vẫn còn tiếp diễn như một niềm đam mê vẫn còn dai dẳng. Một cuộc chơi còn dài và vẫn còn khá thú vị. Có điều là trong đời sống lưu vong, ai cũng bận rộn tất bật nên thời giờ dành cho văn chương cũng phải giới hạn. Dù sao trong giới hạn dĩ nhiên vẫn có cái vô hạn điên mê của lòng mình, và chính là những giây phút đó, chị.

T.K.: Chị vừa làm thơ, vừa viết văn. Trong hai địa hạt ấy, chị thấy thoải mái hơn trong địa hạt nào và tại sao như vậy?

N.T.T.B.: Thanh Bình rất yêu thơ và luôn luôn xem thơ như một tình nhân, một tình nhân quyến rũ nhiều ma mị và móng vuốt nhất. Tuy nhiên, vì là tình nhân mà là cái thứ tình nhân có thể gọi là không trọn, nên cái móng vuốt của thơ chỉ có thể cào cấu Thanh Bình vào lúc 0 giờ hay vào giờ thứ 25 mà thôi. Nói đùa nhưng mà thật: Thanh Bình không dễ bắt gặp thơ như lòng mình muốn, kể cả những lúc mình thật quay quắt hay thèm nhớ nó và tưởng như là nếu không chụp bắt được nó, là có thể nổi điên lên được. Nhưng mà thơ vẫn không đến là không đến. Văn xuôi thì hình như không khó tính như vậy, hệt như một ông chồng cần mẫn, thoải mái. Nghĩ sâu hơn và nghĩ cho cùng thì có lẽ thơ cô đọng quá, do đó để có thể bộc bạch được tất cả nỗi niềm cảm xúc một cách thả giàn một chút, Thanh Bình thấy mình vẫn có thói quen chạy lại với những truyện ngắn, truyện dài hơn. Âu đó cũng giống như luật bù trừ thôi chị.

T.K.: Trong những tác phẩm đã xuất bản rồi, tác phẩm nào đối với chị là gần gũi nhất, phản ánh được nhiều điều chị muốn gửi gấm đến độc giả nhất?

N.T.T.B.: Hình như -vẫn chỉ là hình như thôi chị- chỉ có những tác phẩm mình đang cưu mang bây giờ là có vẻ gần gũi nhất phải không chị? Vì mình đang có nó trong trái tim của mình lúc đó, vào giờ phút đó. Nhưng mà Thanh Bình hiểu cái gần gũi và phản ảnh nhất mà chị muốn nói, Thanh Bình hiểu như là một điều gì đó mà Thanh Bình muốn trao gởi nhiều nhất, phải không chị? Có thể nói tập truyện Dấu Ấn đánh dấu một chặng đường 11 năm chuyển mình từ tập truyện Cuối Đêm Dài được in năm 1993. Ở đó là những đan kết của thứ xâu chuỗi lóng lánh ma trơi trong phía tăm tối nhất của đời sống và linh hồn nhân vật : 19 hạt thương đau hay 19 truyện ngắn đầy bất ổn và bất an nhất từ trước đến giờ của Thanh Bình. Trong đó hình như Thanh Bình yêu thích ‘hơi lâu’ Giấc Mơ Của Bão và Từ Một Miền Không Đáy. À, trong Giấc Mơ Của Bão, Thanh Bình còn gói thêm một bài thơ tình đương đại đọc cũng vui vui buồn buồn và thơ của Thanh Bình ở giai đoạn này đăng ở Gió Văn, Tạp Chí Thơ, Hợp Lưu… cũng đại loại như thế. Đã có một sự chuyển hướng. Coi như con thuyền thơ phải có một sự thay đổi hải phận thôi chị à, dù tựu trung thơ của Thanh Bình bao giờ cũng được phát ra từ phía ngực trái của mình. Những cảm quan trong những mỹ cảm trật đường rầy coi như cũng vui thôi, vì thường thì chúng ta đâu muốn phải mặc đồng phục hoài phải không (?) Còn truyện của Thanh Bình thì ở đó vẫn mãi là thế giới của những người có hành trạng bất ổn, luôn luôn thấy mình bị tách biệt khỏi thế giới mình đang sống. Ở đó, Thanh Bình muốn đưa ra không khí hay thế giới truyện mà có sự trộn lẫn giữa biên giới mộng và thực, giống như mộng chồng lên mộng để sống thế giới nửa điên nửa tỉnh của mình. Ở đó, Thanh Bình thích sử dụng phương pháp sáng tác hiện thực huyền ảo và điều này, như chị biết, Gabriel Garcia Marquez đã gọi tên cả trăm năm cô đơn rồi cơ mà; có khác chăng là cách sử dụng chữ nghĩa của mình hay không khí truyện của những người đang sống trong thế giới này, trong cõi nhân loại có vẻ bùng nhùng như bây giờ vậy thôi.

T.K.: Thưa chị, từ vị trí thuần túy sáng tác vài năm gần đây chị còn chủ trương tạp chí Gió Văn, xin chị giới thiệu tạp chí Gió Văn, có thể nói đây là tạp chí đầu tiên ở hải ngoại do bốn nhà văn phái nữ chủ trương phải không?

N.T.T.B.: Dạ vâng, chuyện báo bổ ở hải ngoại thì cũng phải can đảm lắm hoặc nghe bạn bè xúi dại mới lăn xả vào. Chị nói đúng, và Thanh Bình cũng muốn nhắc lại chủ ý ban đầu muốn có một tạp chí văn chương đầu tiên ở hải ngoại do nữ giới chăm sóc, gồm có: nhà văn Hàn Song Tường (kiêm tài trợ viên chính yếu của tờ báo), Thanh Bình, nhà thơ Trân Sa, và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung. Với thương hiệu là tạp chí văn chương tư tưởng và đặc biệt khai phá. Một năm Gió Văn chỉ dám ra hai số thôi. Tờ báo dày 400 trang, có đăng bài của các tác giả trong nước, dĩ nhiên đa số là ở hải ngoại. Bây giờ, Trân Sa đã rút lui khá lâu rồi và Nguyễn Thị Ngọc Nhung cũng đang lo cho tạp chí Thơ nên Hàn Song Tường và Thanh Bình phải tăng cường thêm dịch giả Phan Tuyết Từ, chuyên môn dịch văn học Trung Quốc, để phụ thêm một tay trong ban chủ biên. Dĩ nhiên bên cạnh luôn luôn có sự hỗ trợ đắc lực của một đấng nam nhi khác, nhưng ... vì đức khiêm tốn, xin miễn bật mí. Làm báo, nhất là làm một tờ báo văn học trong giai đoạn này, khi văn chương đang ở thời kỳ khủng hoảng, thì như chị biết, việc xin bài vở bạn bè đóng góp cũng là một điều nan giải. Đó là chưa kể vụ độc giả dài hạn càng ngày càng tẻ nhạt đi, vì giới già mỏi mệt không muốn đọc sách báo nhiều, còn giới trẻ có thể lên lưới đọc chùa hoặc đọc tin tức hay những bài nóng hổi có vẻ cập nhập trong ngày hơn. Cái điệu này chưa chắc Gió Văn đã thọ lâu đâu.

T.K.: Chị rất xông xáo trong lãnh vực hoạt động văn nghệ từ gần hai mươi năm nay, xin chị một cái nhìn chung về tình hình văn học trong nước lẫn ngoài nước những năm gần đây. Câu hỏi này chia làm hai phần, trước hết, xin hỏi chi: là người làm văn học ở hải ngoại, chị nhìn văn học trong nước như thế nào?

N.T.T.B.: Đây là câu hỏi rất ý nhị và rất hay đó chị Thụy Khuê, để coi coi Thanh Bình có nên dè dặt hay... Chắc cũng khó trả lời rốt ráo vì tính chất bao quát của nó. Có thể nói là nhờ «con nhà» vi tính hay vì sự tung chưởng quá thần sầu của cái gọi là siêu xa lộ thông tin cho nên Thanh Bình thấy văn học trong nước và ngoài nước gặp gỡ nhau thật là tuyệt chiêu. Một khi được trao đổi, văn học có hiệu năng và hiệu ứng. Thanh Bình lại hay cả tin, nên nhiều khi thấy có một vài hồi còi báo động (đại khái là có báo động đỏ, thì mình cũng hơi ... lên ruột), chẳng hạn vụ Hoa Thủy Tiên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, hoặc là mới đây, nhà văn Lê Lựu có phát biểu đại khái như thế này: những nhà văn Việt Nam không nên ở trong Hội Nhà Văn làm gì. Rồi có hiện tượng mấy nhà văn nữ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, và nhóm Năm Con Ngựa Trời (cùng những vấn đề xoay quanh nó, vượt ra ngoài điạ hạt văn chương) làm mình đôi lúc cũng thắc mắc và đặt dấu hỏi trong đầu. Hơn thế nữa còn có thêm sự xuất hiện khá trần trụi, lập dị, chối bỏ truyền thống của nhóm nhà văn, nhà thơ vỉa hè, lúc nào cũng sẵn sàng đi ngược dòng với văn chương chính thống. Những nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Lý Đợi, Bùi Chát hay Nguyễn Viện… là những khuôn mặt có tham vọng bứt phá và muốn đi chệch ra cùng với văn học ngoài luồng. Thanh Bình cũng chú ý đến đội ngũ sáng tác trẻ trung, rất đa dạng, độc đáo như Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Lynh Bacardi, Inrasara... Phải coi họ là những thành tựu, chuyển tải được dưỡng khí cần thiết và cần kíp cho văn học Việt Nam lúc này. Mới đây Thanh Bình được biết Tạp chí Thơ ở Hà Nội đang chuẩn bị thực hiện một số chuyên đề thơ hải ngoại, và điều này cũng là điều hơi vui vui. Chỉ hơi thôi, bởi vì thật sự mình cũng không dám vui vội. Dù sao đây cũng là một dấu hiệu tốt, một cố gắng mà chúng ta đang chờ xem bởi vì cuối cùng văn học vẫn là cái còn lại mà con người tìm thấy và nhận ra nhau.

T.K.: Bây giờ xin chị một số ý kiến về văn học hải ngoại những năm gần đây.

N.T.T.B.: Ở hải ngoại, mấy năm nay cũng có báo động về sự lão hóa trong văn chương, những trì trệ trong những sinh hoạt in ấn phát hành. Có người nói rằng ở hải ngoại đang được hít thở không khí tự do đủ mọi mặt, nghĩa là tha hồ viết, tha hồ in, tha hồ tung cánh khỏi vòng vây kiểm duyệt, tha hồ tung hứng cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu… nhưng cũng có những ý kiến tự cho rằng mình vẫn còn bị những sức ép hay áp lực lúc viết, những sức ép ở bên ngoài. Tự do quá đôi khi cũng làm người ta lúng túng không biết sử dụng như thế nào cho xứng đáng, lại nẩy sinh ra tình trạng văn chương lạm phát dễ làm nản lòng người đọc cũng như người viết. Biến cố di tản / di dân / lưu vong bao giờ cũng dẫn đến biến cố ngôn ngữ, nhưng hình như chúng ta chưa có được một biến cố văn học thực sự gây choáng cho mọi người. Hiện tượng văn chương nữ phái có gây chú ý nhưng vẫn còn thiếu những nhìn nhận có tính cách công bằng. Có phải vì chúng ta vẫn còn thiếu những nhà phê bình, lý luận có công tâm, phải không chị? Mà phê bình lẽ nào lại không cần đến những công tâm. Rồi đâu đó mình còn thấy những đánh phá hay có tính cách bôi bác, nó làm chùn lại những ngòi bút có tấm lòng với văn chương. Điều này cò lẽ chị cũng rất tâm đắc với Thanh Bình, phải không ? Điều đáng nói là cuộc sống hàng ngày có quá nhiều nhu cầu bận rộn, cũng như thú tiêu khiển và tinh thần khao khát cái mới, cho nên văn học Việt Nam nói chung, cả trong lẫn ngoài nước, đều như đang có sự khựng lại rõ ràng. Chưa kể về tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết đương đại, tiểu thuyết mới mẻ mà một vài người đang nhắm tới hầu như hoàn toàn bị tê liệt. Có điều chắc chắn, Thanh Bình vẫn hy vọng đây không phải là sự tê liệt vĩnh viễn. Và thơ, đâu là những nhà thơ trẻ được tiếp cận với văn học quốc tế như Đinh Linh, Mộng Lan… để thay đổi khuôn mặt thơ hôm nay. Một luồng gió mới sẽ thổi xuyên qua Thái Bình Dương. Chắc chắn như vậy, phải không chị ?

T.K.: Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93340)
Nơi nào mùa xuân bắt đầu? Mùa Xuân bắt đầu từ những mầm cây non còn ngủ sâu dưới lòng đất giữa mùa Đông giá buốt. Chúng là những đứa con của các cây bố cường tráng, khỏe mạnh; và những cây mẹ dẻo dai, sum suê kết quả suốt mùa Hạ thơm lừng; sau những đêm ấm nồng lửa nhiệt đới và mặt trời không bao giờ tắt giữa đôi tay. Các bố mẹ cây gửi tình yêu của họ trong bọc lụa theo gió, để những đứa con mang mùa Xuân đến cho mặt đất và muôn loài.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84437)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
26 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 29689)
LTS. Trùng Dương Nguyễn Thị Thái là một “hiện tượng” của sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí miền nam Việt Nam. Ngoài những sáng tác văn học, Trùng Dương tích cực tham gia sinh hoạt điện ảnh, và nhất là báo chí trong giai đoạn hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa [VNCH], từ 1970 tới 1974. Người cựu nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn và Mưa Không Ướt Đất. Du học Liên Bang Mỹ trở về, bà đứng tên Chủ Nhiệm báo Sóng Thần mà nhóm chủ biên do nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao trách nhiệm. Sóng Thần–đúng với danh xưng của nó–mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền nam...
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88116)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 80544)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 191367)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84010)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 20072)
Lần đầu tiên tôi biết nhà văn Thế Phong cách đây hơn 6 năm khi đọc truyện ngắn " Thủy và T6 " đăng trên tạp chí Hợp Lưu số 82, năm 2005. Với giọng văn miên man, tình tiết lôi cuốn, truyện ngắn vẽ lại xã hội Sài Gòn những năm trước 1975, tôi đọc một mạch không dứt, cuối truyện tác giả bỏ lửng khi đang hồi gay cấn, với lời ghi chú (… tạm ngưng nơi đây…) . Tò mò đoạn kết, tôi liên hệ tạp chí Hợp Lưu phần tiếp theo và được trả lời, chỉ thấy có văn bản này từ chồng sách cũ, tạp chí không liên hệ được tác giả, nên không biết Thế Phong đang sống ở đâu… và rồi theo thời gian tôi quên ông.
09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 89473)
LTS:Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam. Tạp Chí Hợp Lưu
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 19657)
Trong những năm gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, bởi có một nhu cầu đến từ những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị chính thức loại trừ sau 30/4/1975.