- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phỏng Vấn Nhà Văn Ngô Thế Vinh

31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 90834)

 Đoàn Nhã Văn / ĐNV_1. Thưa anh, từ bản Việt ngữ "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch", bây giờ là phiên bản Anh ngữ "Mekong – The Occluding River" được xuất bản để gởi tới bạn đọc khắp nơi. Chủ đích của anh là muốn nhằm vào tầng lớp độc giả cụ thể nào (chẳng hạn: giới hàn lâm, học giả chuyên nghiên cứu về các con sông trên thế giới, chính quyền hay người dân các nước Đông Nam Á, giới trẻ Việt Nam trong các trường đại học .v.v.)?

Ngô Thế Vinh / NTV_1. Với 2000 ấn bản tiếng Việt [kể cả lần tái bản trong cùng năm 2007] và audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, các thông tin cũng chỉ gửi tới được một con số giới hạn người Việt nơi các cộng đồng hải ngoại và một số rất ít về được trong nước. Từ 2009, khi “bản điện tử cuốn sách” được post Trên Kệ Sách Da Màu, sự phổ biến tương đối được mở rộng qua mạng internet.

Như Anh đã biết, Mekong là một con sông quốc tế, chảy qua 7 quốc gia [kể cả Tây Tạng], với ngót 70 triệu cư dân tuy cùng uống nước từ một dòng sông nhưng lại nói nhiều ngôn ngữ với các nền văn hóa khác nhau. Tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế, trở thành một tiếng nói chung của 7 các quốc gia trong vùng. “Một tinh thần Sông Mekong” chỉ có thể hình thành qua những trao đổi và đối thoại, để từ đó tiến tới những “trách nhiệm liên đới” bảo vệ hệ sinh thái của dòng sông như mạch sống của bao nhiêu triệu cư dân cư trong vùng. 

Cuốn Mekong – The Occluding River ngoài đối tượng là giới độc giả tiếng Anh quan tâm tới “thiên nhiên / nature”, “môi trường / environment” và “du lịch sinh thái / ecotourism,” cuốn sách còn đặc biệt nhắm tới những thành phần độc giả chọn lọc, đang có liên hệ điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp, xa gần có quyết định ảnh hưởng tới vận mệnh của dòng sông Mekong. Cụ thể có thể kể tới :

_ Các thành viên Ủy viên Ủy hội sông Mekong, Ủy hội sông Mississippi [ Dòng sông kết nghĩa với sông Mekong từ tháng 7, 2009 ], các Ủy hội Quốc gia sông Mekong: Lào, Thái, Cam Bốt và Việt Nam. Các nguyên thủ và chính phủ lãnh đạo các quốc gia sông Mekong; Bộ Ngoại giao Mỹ với chính sách trở lại lưu vực sông Mekong.

_ Giới hàn lâm trong các đại học, sinh viên khoa học môi trường, đặc biệt là những đại học thuộc 4 quốc gia lưu vực sông Mekong: Thái Lan với 3 đại học lớn như Chulalongkorn, Thammasat, Chiang Mai; Lào với Đại học Quốc gia Lào ở Vạn Tượng; Cam Bốt với Đại học Hoàng gia Phnom Penh và Việt Nam chủ yếu là hai Đại học nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long: Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang.

Không thể không kể tới Đại học Vân Nam Côn Minh Trung Quốc và Đại học Quốc gia Rangoon Miến Điện, là hai quốc gia cũng thuộc lưu vực sông Mekong nhưng không là thành viên của Ủy hội sông Mekong.

_ Rồi tới các chuyên gia nghiên cứu về sông Mekong. Các nhà hoạt động môi sinh, các tổ chức phi chính phủ như: TERRA / Towards Ecological Recovery and Regional Alliance [Thái Lan], IRN / International River Network [Mỹ], Stimson [Mỹ], PanNature [Việt Nam]… và dĩ nhiên, cả trên quy mô thay đổi khí hậu toàn cầu / climate change như một “Sự thực bất ưng / An inconvenient truth” với Al Gore.

Một bookstore từ Đại học Mỹ đã có gợi ý cho sinh viên nên dùng cuốn sách Mekong – The Occluding River như một textbook với tiêu chuẩn cao cho nghiên cứu về các dòng sông.

Written by authorities in Rivers, Mekong-The Occluding River: The Tale of a River by Ngo The Vinh provides an excellent foundation for Rivers studies. Ngo The Vinh’s style is excellently suited towards Rivers studies, and will teach students the material clearly without overcomplicating the subject… As of July 2010, this revision raises the bar for Mekong-The Occluding River: The Tale of a River’s high standard of excellence. [http://www.bookrenter.com/mekong-the-occluding-river-the-tale-of-a-river-1450239382-9781450239387]

Sách ra mắt từ tháng 7 năm 2010, sự phổ biến cuốn sách có một số chỉ dấu tốt, qua www.amazon.com, có khi sách được xếp vào hạng Top Ten, [đứng thứ 8] trong thể loại sách Bestsellers in Ecotourism / Rivers & Nature, có nghĩa là thông điệp của cuốn sách, qua ấn bản tiếng Anh đã đến được một số độc giả 5 châu, chứ không mang ý nghĩa về lợi nhuận thương mại.

ĐNV_2. Với kinh nghiệm xuất bản những tác phẩm giá trị từ Việt ngữ sang Anh ngữ, như Vòng Đai Xanh / The Green Belt /, Mặt trận ở Sài Gòn / The Battles of Saigon v.v., mà anh đã làm, đến Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch / Mekong The Occluding River, anh đã làm gì khác hơn, nhằm giới thiệu một cách rộng rãi hơn, đến tầng lớp độc giả mà anh nhắm đến?

NTV_ 2. Thật khó cho người ngoại quốc khi muốn tìm hiểu Việt Nam trong nhiều lãnh vực qua “cái nhìn của người Việt”. Số chuyên gia ngoại quốc có khả năng nói và đọc được tiếng Việt một cách thấu đáo, phải nói là rất hiếm. Số tác phẩm giá trị trong kho tàng ngôn ngữ Việt không phải là ít. Ai cũng thấy sự cần thiết chuyển ngữ các tác phẩm ấy để giới thiệu văn hóa Việt Nam với độc giả ngoại quốc. Số tác phẩm ngoại quốc dịch sang tiếng Việt, chưa nói tới phẩm chất, phải nói là khá phong phú nhưng ngược lại, số sách tiếng Việt được chuyển ngữ tương đối là ít. Hàng rào ngôn ngữ là một hạn chế cần sớm vượt qua bằng một kế hoạch đầu tư dài hạn với nhiều trí tuệ và phương tiện của tập thể chứ không phải chỉ vài cá nhân mà có thể làm được. 

Kể với Anh một chuyện riêng tư bên lề. Trong môi trường sinh hoạt chuyên môn, thường xuyên tiếp xúc với những người bạn Mỹ, nhiều người còn thích đọc sách mà ta vẫn gọi họ là những “con sâu sách / bookworms”, khi biết tôi còn là một nhà văn, họ tỏ ý muốn đọc những cuốn sách tôi viết, thêm một động lực cho dự định chuyển ngữ sách của tôi sang tiếng Anh.

Dịch thuật không phải là một công việc dễ dàng; để có một bản dịch tiêu chuẩn, đòi hỏi người dịch quen thuộc với cả hai nền văn hóa và am tường cả hai ngôn ngữ Việt Anh và thêm cả sự kiên nhẫn với thời gian có khi hàng năm để cùng với tác giả hoàn tất một công trình. Và tôi khá may mắn để có được các người bạn có khả năng ấy, như chị Nha Trang và William L. Pensinger, các anh Nguyễn Xuân Nhựt, Thái Vĩnh Khiêm.

Tôi muốn chia xẻ với Anh và bạn đọc “hồi đáp / feedback” của một số độc giả ngoại quốc, trong đó có các học giả, phóng viên nhà báo… về ấn bản tiếng Anh mỗi cuốn sách. Các hồi đáp ấy chứng tỏ được một điều là: bản tiếng Anh đã chuyển đạt được nội dung từ nguyên bản.

Với The Green Belt:

_ GERALD C. HICKEY, nguyên giáo sư Nhân Chủng Đại học Yale và Cornell, tác giả Free in the Forest, Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands, 1954-1976.

Tôi đọc Vòng Đai Xanh với nhiều quan tâm. Cuốn sách đã gợi lại ký ức về Cao Nguyên vào những năm 60 và cả những biến cố liên quan tới Phật giáo và sinh viên cũng trong giai đoạn bất an đó. Rõ ràng là tác giả Ngô Thế Vinh đã hiểu biết rất rõ về các sắc dân Thượng cùng với những nguyện vọng của họ giữa và sau cuộc chiến tranh. Những tin tức hiện nay mà tôi nhận được từ Cao Nguyên thật đáng buồn. Người Thượng đang phải đối đầu với những mối đe dọa tệ hại hơn bao giờ hết trên nếp sống của họ. Cũng như người Pháp trước đây, người Mỹ đã dùng người Thượng và sau đó đã lạnh lùng bỏ rơi họ. Điều mà người ta có thể làm là cố gắng tạo mối quan tâm từ các nhà lãnh đạo Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn. Hy vọng và vẫn chỉ là hy vọng.

_ OSCAR SALEMINK, Hòa Lan, giáo sư Đại học Amsterdam, tác giả The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders.

Tôi rất xúc cảm về những hiểu biết, tầm nhìn xa và mối từ tâm mà Ngô Thế Vinh đã dàn trải trong Vòng Đai Xanh, cuốn sách được viết từ hơn 30 năm trước. Mặc dầu là một tiểu thuyết nhưng nhiều biến cố mang dấu ấn lịch sử và một số nhân vật thì như là rất thật. Đối với những phe phái liên hệ, qua những biến động và nghịch cảnh, thì các sắc dân Thượng luôn luôn là hình ảnh nạn nhân của các chính sách và những cuộc tranh chấp.

_ JOSE QUIROGA, Mỹ gốc Chile, nguyên giáo sư UCLA, Giám Đốc Chương Trình Các Nạn Nhân Bị Tra Tấn, Los Angeles

“Các sử gia, nhà báo, chính trị gia, các nhà quân sự và tiểu thuyết gia đã viết nhiều sách về cuộc Chiến tranh Việt Nam. Vòng Đai Xanh là một tiểu thuyết mạnh mẽ, lôi cuốn và đặc sắc do một y sĩ nhà văn viết ra, về những tác hại của cuộc chiến tranh trên con người đặc biệt trên thiểu số những người Thượng sống trên các vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam và họ là nạn nhân của sự kỳ thị. Do vùng đất ấy vốn là địa bàn chiến lược trong cuộc chiến khiến cho cuộc sống vốn thanh bình của những người Thượng đã bị biến đổi vĩnh viễn. Các điều kiện nhân quyền của những nhóm người Thượng thiểu số cần được sự quan tâm của quốc tế.

Với The Battles of Saigon:

_ MARK FRANKLAND, nguyên phóng viên báo Anh, The Observer trong chiến tranh Việt Nam, tác giả cuốn hồi ký về cuộc Chiến Tranh Lạnh ‘A Child of My Time – An Englishman’s Journey in A Divided World’ (Chatto 1999).

‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ. Trong và cả sau chiến tranh, tiếng nói của người dân miền Nam thường bị lãng quên. Là một phóng viên ngoại quốc trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tôi có may mắn được nghe phần nào tiếng nói ấy qua phụ tá người Việt của tôi. Nhưng lúc đó thì anh ta đã ở tuổi trung niên với cả gánh nặng gia đình nên đã không thể theo sát tôi đi vào vùng có giao tranh để giúp tôi hiểu biết hơn về những người lính Việt Nam Cộng Hòa, thay vì hiểu sai lạc. Ngô Thế Vinh đã đặc biệt quan tâm tới tâm trạng của những người lính miền Nam. Trong ‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ những người lính ấy có cơ hội nói ra và kết quả là tác giả đã phác họa được một chân dung chính trực và nhân bản của những con người ấy giữa cuộc chiến tranh – điều mà lẽ ra phải được thế giới bên ngoài quan tâm thay vì quên lãng. Đối với các cộng đồng người Việt đang sống lưu vong ở Bắc Mỹ, tác giả cũng đã đề cập tới những tình huống lưỡng nan / dilemmas cả về chánh trị lẫn đạo lý khi mà họ vẫn bị giằng co giữa tình tự yêu quê hương – một quê hương mà họ bị cưỡng bách phải xa rời, cùng với sự đối đầu một nhà nước cộng sản hành xử thô bạo ở trong nước, và rồi cả với sự khác biệt đến đau lòng về phong tục tập quán ngay trong bối cảnh một nền văn hóa xa lạ Tây phương mà họ đang phải sống với.Cũng trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh vẫn sắc bén và biểu lộ sự cảm thông khi viết về những người cựu chiến binh Hoa Kỳ và cũng nhìn họ như nạn nhân của cuộc chiến tranh không khác gì người Việt. Mặt Trận Ở Sài Gòn là một cuốn sách của xúc cảm và khoan dung.

 

_ TIM PAGE từ Úc Châu, là phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng ‘mẫu mực’ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Với 4 lần bị thương ngoài mặt trận, thêm một lần khác bị thương do ‘hỏa lực bạn’, Tim trở thành đề tài cho nhiều phim tài liệu. Tim còn là tác giả của 9 cuốn sách: Tim Page’s Nam, Ten Years After: Vietnam Today…

Vẫn liên tiếp xuất hiện những cuốn sách viết về Chiến Tranh Việt Nam, tuy nhiên có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh. Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa. Rồi ông cũng đề cập tới cuộc sống hỗn mang ban đầu của một người tỵ nạn tạo dựng lại cuộc đời trong sự xa lạ của một miền Nam California, với phấn đấu để trở lại nghiệp cũ giữa một cộng đồng di dân gồm cả nửa triệu thuyền nhân với những khuynh hướng chánh trị phân hóa đa dạng. Một bối cảnh như vậy hầu như hoàn toàn bị lãng quên trong văn học. Người đọc sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào tâm thức của một y sĩ tiền tuyến, của một tù nhân trong các trại tù Gulag và rồi đến một người tỵ nạn bị bật ra khỏi gốc rễ được giải thoát để hội nhập vào một tầng lớp trung lưu Mỹ mới vừa hình thành. Đọc Mặt Trận Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con người vẫn gắn bó với những cỗi rễ tinh thần của một quê hương Việt nam không thể tách rời.

Và mới đây

Với Mekong The Occluding River:

Chúng ta thực sự không có một diễn đàn có trọng lượng để nói lên tiếng nói cùng mối quan tâm của người Việt về các vấn đề rất thiết thân trong đó có sông Mekong. Không phải chỉ để nói cho nhau nghe, mà chúng ta cần có sự đối thoại với các quốc gia trong vùng, và mở rộng hơn là với cộng đồng thế giới. 

_ AVIVA IMHOF, (Campaigns Director, International Rivers, Berkeley, California):
“Tình yêu của bác sĩ Ngô Thế Vinh đối với dòng sông Mekong bàng bạc trong từng trang sách của tác phẩm này. Bác sĩ Vinh vận dụng nhiều hình thức trình bày, lúc thì tự truyện, lúc kể về lịch sử, lúc mô tả những chuyến du hành, để đan kết thành câu chuyện xúc động về những chuyến đi xuyên qua nhiều quốc gia mà dòng Mekong chảy qua. Và ông đã cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về ảnh hưởng tai hại, đang xảy ra, và có thể xảy ra, từ việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện tại đây.”

_ WITOON PERMPONGSACHAROEN, (Publisher Watershed, People’s Forum on Ecology, TERRA): “Tôi vui mừng được biết mỗi người chúng ta nỗ lực, trong khả năng của mình, để bảo vệ dòng Mekong. Điều không thể chối cãi là: Mekong, và cư dân có liên hệ đến dòng sông này, đang đối mặt với nan đề ‘phát triển, hoặc là hủy diệt.’ Chúng ta cần có thêm nhiều Ngô Thế Vinh hơn nữa để ‘bảo vệ Mekong cho các thế hệ tương lai,’ bằng cách giúp đỡ ‘ngăn chặn các kế hoạch phát triển có tính phá hoại đối với khả năng chịu đựng của dòng sông’.”

_ MICHAEL WALSH (President Mississippi River Commission):
... “Cám ơn bác sĩ Ngô Thế Vinh về tác phẩm ‘Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch.’ Chắc hẳn Bác Sĩ đã biết, Ủy Hội Sông Mississippi đã gởi thư ngỏ đến Ủy Hội Sông Mekong hồi tháng Bảy, 2009 vừa qua. Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như khoa học liên quan đến sông ngòi. Ý tưởng hiện tại của chúng tôi là tìm cách thúc đẩy sự liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu về sông ngòi, cũng như các đại học, giữa hai quốc gia với nhau. Các trung tâm này sẽ giúp mọi người thấy được lưu vực hiện tại cũng như trong quá khứ; từ đó giúp đưa ra sáng kiến về những gì chúng ta cần phải làm cho tương lai.”

Và mới đây, tôi cũng nhận được thư của nguyên Phó Tổng Thống Al Gore, giải Nobel Hòa Bình, tác giả những cuốn sách vể môi sinh, thay đổi khí hậu và Hâm nóng Toàn cầu / Global Warming.

 

ĐNV_3. Mười năm trước năm 2000, trong một cuộc phỏng vấn của anh Nguyễn Mạnh Trinh, anh cho rằng "Không một quốc gia riêng rẽ nào có khả năng bảo vệ chỉ riêng khúc sông chảy qua lãnh thổ của mình nếu không có được “Một Tinh Thần Sông Mekong”. Dường như tới thời điểm này, một tinh thần sông Mekong như anh nói, có vẻ chưa được những quốc gia ở hạ nguồn cùng thực hiện, theo anh, liệu chúng ta còn phải chờ bao nhiêu lần 10 năm, và "Mekong - The Occluding River" có tạo được tác động tích cực nào không?

 

NTV_3 Một câu rất ý nghĩa cho Ngày Nước Thế Giới / World Water Day: Everybody Lives Downstream / Mọi Người Đều Sống Dưới Nguồn, có thể áp dụng cho toàn lưu vực Sông Mekong. Không chỉ Việt Nam mà các nước chịu ảnh hưởng suy thoái của con sông Mekong phải có tiếng nói chung. Sẽ không có tiếng nói mạnh nếu chỉ hướng tới bảo vệ quyền lợi cục bộ của mỗi quốc gia và đó là tình trạng hiện nay. Tranh giành nhau ở hạ lưu mà nhắm mắt trước những thiệt hại giáng xuống từ thượng nguồn là tắc trách. Không thể bảo vệ sông Mekong từng khúc đoạn mà phải như một toàn thể.

Theo tôi, nước lớn Trung Quốc vừa có thể là nguyên nhân phân hóa vừa là yếu tố đoàn kết các quốc gia hạ nguồn sông Mekong. Khi đứng trước mối hiểm nguy “nhãn tiền” do Trung Quốc gây ra, điển hình như giai đoạn sông Mekong thực sự bị cạn kiệt trong những tháng đầu năm 2010, thì đồng loạt các quốc gia hạ lưu sông đều mạnh dạn lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Nhưng đó là hình ảnh của “ngọn lửa rơm”, bởi vì trước và sau đó như từ bao giờ, với chính sách chia để trị, qua các cuộc thương thảo song phương kèm theo một số quyền lợi nhất thời, con mãnh hổ Trung Quốc dễ dàng bẻ gãy từng cặp sừng của mỗi con trâu tách khỏi bầy đàn. Đã có những dấu hiệu Cam Bốt và Lào đang tách khỏi Việt Nam để rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, và không có dấu hiệu nào Thái Lan có liên minh bền vững và lâu dài với Việt Nam.

Vì nền “hòa bình và phát triển bền vững” cho toàn Lưu Vực GMS / Greater Mekong Subregion, không có chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không bài Hoa, nhưng là một “Tinh Thần Sông Mekong” bao hàm nội dung của một nền “Văn Hóa Hòa Bình – Culture of Peace”, được hiểu theo một nghĩa rộng và hài hòa, giữa các nước trong lưu vực, bao gồm cả Trung Quốc và Miến Điện, với tính tự nguyện của mỗi quốc gia cùng có quyết tâm bảo vệ sự nguyên vẹn và nguồn tài nguyên phong phú của con sông Mekong – như một con sông quốc tế, không chỉ cho hiện tại mà cho cả những thế hệ mai sau. 

 

ĐNV_4. Từ năm 2003, anh đã từng gợi ý với Đại Học Cần Thơ nên mở một phân khoa về sông Mekong. Và gần đây, 2009, trong một cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ (Việt Nam), anh cho rằng: “Đại học Cần Thơ cần kết hợp như một ‘think tank’ có tầm vóc quốc tế, cấp thiết trở thành trung tâm nghiên cứu giảng dạy nhằm cung cấp nguồn chất xám cho cả lưu vực." Để cứu con sông huyết mạch này, Đại Học Cần Thơ có thể là 1 khởi đầu. Tuy nhiên, chúng ta còn cần những đại học khác trong vùng thuộc các nước: Thái Lan, Cam Bốt và Lào. Theo ý anh, những khó khăn lớn nào sẽ gặp phải? và chúng ta có thể làm được điều gì để góp phần tạo nên tác động tích cực trong việc vận động thành lập một phân khoa về sông Mekong?

NTV_4. Là quốc gia cuối nguồn, Việt Nam đang gánh chịu tất cả hậu quả tích lũy do sự suy thoái của sông Mekong. Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ kế hoạch điện khí hóa vùng tây nam Trung Quốc của họ; mới đây sau khi hoàn tất con đập thứ tư Tiểu Loan / Xiaowan cao nhất thế giới, Trung Quốc lại đang xây con đập Nọa Trát Độ / Nuozhadu như một con khủng long trên thượng nguồn sông Mekong, lớn nhất trong chuổi 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam / Mekong Cascade. Rồi ra, do áp lực ghê gớm của các tập đoàn tư bản xây đập, sẽ là từng bước thực hiện thêm dự án 11 con đập khác nơi vùng hạ lưu trên các khúc sông Thái, Lào và Cam Bốt.

Nếu không thể ngăn chặn thì ít ra chúng ta cũng phải đòi hỏi cho được sự trong sáng và minh bạch / transparency của từng dự án. Để rồi những “khiếm khuyết và thiếu an toàn” trong mỗi dự án đập phải được biết tới để theo dõi và bổ sung, mà điều ấy đòi hỏi một đội ngũ chuyên viên liên quốc gia có trình độ và tấm lòng thiết tha với vận mệnh sông Mekong.

Được mệnh danh là trung tâm khoa học kỹ thuật của Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đại Học Cần Thơ đã và đang làm gì để đương đầu với những khai thác hủy hoại con sông Mekong?

Do vị trí địa dư đặc biệt của mình, Đại Học Cần Thơ sẽ phải là một tiền đồn, một cơ quan đầu não, một trung tâm nghiên cứu thu thập dữ kiện, khảo sát và theo dõi mọi thay đổi biến động của con sông Mekong về lưu lượng dòng chảy, phẩm chất nước, nguồn cá... nói chung là toàn hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất mong manh của toàn lưu vực sông Mekong - trong đó có Đồng Bằng Sông Cửu Long một vựa lúa nuôi sống cả nước, để kịp thời có phản ứng và tìm ra giải pháp để giới hạn tổn thất / damage-control.

Nếu không làm gì, chờ đến khi mà con sông Cửu Long cạn dòng và cả vùng đồng bằng châu thổ bị dìm trong biển mặn thì Đại Học Cần Thơ lúc đó chỉ còn là hình ảnh của con tàu mắc cạn trên biển mặn Aral của Trung Á.

Hiển nhiên không thể thụ động ngồi chờ nguồn thông tin do Trung Quốc tùy tiện cung cấp mà vì lý do sống còn, chúng ta phải hết sức chủ động đi tìm kiếm những gì mà chúng ta cần biết - đó là những dữ kiện khách quan. Điều ấy đòi hỏi cho một chiến lược bảo vệ môi sinh với tầm nhìn xa, với một đội ngũ chuyên viên không chỉ có trình độ mà còn có lòng thiết tha với công việc chuyên môn của họ.

Đại Học Cần Thơ với Phân khoa Sông Mekong sẽ là một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu. Phân khoa ất có thể khai triển từng bước từ ý niệm đã có ban đầu với danh xưng Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Môi trường:

-Xây dựng một thư viện chuyên ngành với tất cả sách vở tài liệu trước hết là liên quan tới con sông Mekong.

-Ban giảng huấn ngoài thành phần cơ hữu của nhà trường, sẽ bao gồm các chuyên gia Ủy Hội Sông Mekong, nhóm chuyên viên tham vấn quốc tế bên cạnh Ủy Hội Sông Mekong, Ủy Hội Sông Mississippi kết nghĩa. Họ sẽ được mời như những Giáo sư thỉnh giảng.Tài liệu giảng của họ sẽ là nguồn thông tin vô cùng quý giá do từ những đúc kết qua thực tiễn.

-Chọn lọc tuyển sinh từ thành phần ưu tú biết ngoại ngữ, hướng tới đào tạo các kỹ sư môi sinh; ngoài phần lý thuyết họ sẽ được tiếp cận với thực tế bằng những chuyến du khảo qua các trọng điểm của con sông Mekong, qua các con đập, và không thể thiếu một thời gian thực tập “on-the-job training” tại các cơ sở của Ủy Hội Sông Mekong. Họ sẽ ra trường với một tiểu luận tốt nghiệp về những đề tài khác nhau liên quan tới hệ sinh thái của con sông Mekong.

-Về phương diện chánh quyền, cần thiết lập ngay một mạng lưới “Tùy viên môi sinh”. Đã có những tùy viên quân sự, tùy viên văn hóa, tại sao không thể có tùy viên môi sinh đặc trách sông Mekong trong các tòa đại sứ và sứ quán tại các quốc gia trong lưu vực. Họ sẽ là tai mắt, là những trạm quan sát sống cho phân khoa Sông Mekong và Bộ Bảo Vệ Môi Trường.

Với trình độ kiến thức và tinh thần liên đới của đám sinh viên đa quốc gia này sẽ là nguồn chất xám bổ sung cho Ủy Hội Sông Mekong, cho các chính phủ địa phương đang bị thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Lớp chuyên viên trẻ đầy năng động này cũng sẽ là “mẫu số chung nối kết” mở đường cho các bước hợp tác phát triển bền vững của 6 quốc gia trong toàn lưu vực sông Mekong.

Dĩ nhiên có một cái giá phải trả để bảo vệ con Sông Mekong và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với tâm niệm “Nói tới nguy cơ là còn thời gian, tiêu vong là mất đi vĩnh viễn.” [Sea World San Diego]

Trả lời tiếp phần hai câu khỏi của Anh, rằng có cần thêm khoa sông Mekong ở những đại học khác trong vùng như Thái Lan, Lào và Cam Bốt. Theo tôi được biết, thì các Đại học láng giềng ấy, nhất là Thái Lan, với Đại học Chulalongkorn, Đại học Chiang Mai_ [ cái nôi hình thành Ủy Hội Sông Mekong 1995 ], sớm hơn cả Đại học Cần Thơ, họ đã có những khoa giảng dạy về khoa học môi trường liên hệ tới sông Mekong.

Nhưng với Phân khoa Sông Mekong tại viện Đại Học Cần Thơ, là một dự án mở rộng và nâng cấp, không phải chỉ riêng cho Việt Nam, mà bao gồm cho 7 quốc gia trong lưu vực với thành phần sinh viên đến từ Thái, Lào và Cam Bốt và cả từ Trung Quốc, Miến Điện và Tây Tạng.

Dĩ nhiên, khó khăn không phải là ít do tính cách “cục bộ” với các tranh chấp quyền lợi ngắn hạn từ mỗi quốc gia. Nhưng cũng phải thấy được là nguồn tài trợ quốc tế về tài chánh và nhân sự cho các dự án sông Mekong không thiếu. Phát Triển Bền Vững / Sustainable Development với dự án hình thành Phân khoa Sông Mekong từ Viện Đại học Cần Thơ sẽ rất thuyết phục để thu hút những nguồn tài trợ ấy. 

Đó là chiến lược bảo vệ môi sinh với “nhiều trí tuệ và cả tầm nhìn xa”. Có một cái giá xứng đáng phải trả để bảo vệ mạch sống của hàng bao nhiêu triệu cư dân sống bằng nguồn nước và nguồn tài nguyên sông Mekong.

Khi mà “Giấc Mơ Đại học Đẳng cấp Quốc tế” đang rộ lên ở Việt Nam trong những năm gần đây, và thực trạng các Đại học trong nước kể cả cấp quốc gia, chưa có nền tự trị đại học, vẫn còn ở một vị trí xa mù tăm, và không biết phải bao thập niên nữa mới có được một Đại học Việt Nam đầu tiên đứng tên trong bảng sắp hạng 200 đại học sáng giá của thế giới. Nhưng với Phân Khoa Sông Mekong ngay nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long, như một “think tank” cho 6 quốc gia trong vùng, thì đây chính là cơ hội độc nhất vô nhị để Đại Học Cần Thơ có tiềm năng trở thành một Đại học mang tầm vóc Quốc tế, trên quy mô vùng, với các công trình nghiên cứu thực địa về hậu quả khai thác các nguồn tài nguyên con sông Mekong.

 

ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch”, và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?

 

NTV_5. Nói tới biên tập hay kiểm duyệt, như một flashback, tôi nhớ lại kinh nghiệm xuất bản cuốn sách đầu tay, tiểu thuyết Mây Bão, cách đây cũng đã 47 năm, năm tôi 23 tuổi, lúc đó đang là sinh viên năm thứ 2 Y khoa Sài Gòn. Bản thảo Mây Bão được gửi lên Sở Kiểm duyệt, sau một tháng bị trả lại và không được cấp giấy phép xuất bản. Giám Đốc Thông Tin lúc đó là ông Phạm Xuân Thái, không chỉ là một công chức cao cấp, dường như ông còn là một nhà văn hóa giỏi Hán Nôm [tác giả bộ Danh Từ Triết Học / Philosophical lexicon, xuất bản Sài Gòn, 1950] và tuổi tác của ông thì cách tôi hơn một thế hệ. Thay vì gặp trực tiếp nhân viên kiểm duyệt, tôi yêu cầu được gặp ông, và ông đã tiếp tôi ở văn phòng Giám Đốc Bộ Thông Tin. Thông thái và hòa nhã, ông trao đổi với tôi về chức năng của người cầm bút, rằng nhà văn cần phản ánh chính diện của xã hội mình đang sống thay vì chỉ có phản diện. Câu trả lời của tôi lúc đó là nhà văn cần phản ánh cả hai: cả chính diện và phản diện. Chỉ nói tới chính diện, thì đó là chức năng của Bộ Thông Tin. Và sau đó, ông đồng ý giao bản thảo cuốn Mây Bão cho một nhân viên kiểm duyệt khác, anh Nguyễn Xuân Đàm, và mãi sau này tôi mới được biết anh từng là ký giả và là nhà thơ Song Hồ. Anh ấy rất tâm đắc, chia xẻ với tôi về nội dung cuốn sách, và dĩ nhiên qua tường trình của anh như một ý kiến thứ hai, cuốn sách đã có ngay được giấy phép xuất bản [số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB NGÀY 5-11-63, theo ấn bản còn lưu trữ trong Thư viện Đại học Cornell]. Với nhà thơ Song Hồ, những năm sau này chúng tôi trở thành bạn văn, và anh ấy đã mất trên đất Mỹ cách đây không lâu. 

Những khó khăn về kiểm duyệt sách báo ở Miền Nam trước 1975 là có thật, nhưng rõ ràng vẫn có một không gian tự do cho người sáng tác. Tôi cũng muốn nhắc lại ở đây trích đoạn trong cuộc nói chuyện với anh Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm báo Bách Khoa về kinh nghiệm xuất bản cuốn Vòng Đai Xanh, [Bách Khoa CCCIXX, 1972].

 

Khoảng giữa thập niên 60s, khi Robin Moore cho xuất bản cuốn The Green Berets, sách vừa ra mắt đã như một hiện tượng, nổ như một trái bom “ The novel that blasted, a war wide open”, và trở thành best sellers trong suốt nhiều tuần lễ trên nước Mỹ; với nội dung chỉ là để ca ngợi các chiến tích anh hùng những người lính Mũ Xanh Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, còn lại là sự xuyên tạc hạ giá người Việt về sự kỳ thị tệ hại giữa các sắc dân Kinh Thượng ở Cao Nguyên. Robin Moore là bạn học Harvard của Kennedy, là cha đẻ của binh chủng Mũ Xanh Hoa Kỳ nhằm đương đầu với các cuộc chiến tranh không quy ước / unconventional warfare. Moore đã được gửi tới Fort Braggs huấn luyện gần một năm có bằng nhảy dù trước khi qua Việt Nam cùng với những người lính Mũ Xanh. Cuốn sách rất sớm được chuyển thể thành phim mang cùng tên do tài tử John Wayne đóng vai chính với nhiều “kịch tính” thay vì phản ánh những nét hiện thực về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Với tôi thì Vòng Đai Xanh là một “lối nhìn Việt Nam” đối lại với The Green Berets, về vấn đề Cao Nguyên, qua thực chất và huyền thoại De Oppresso Liber của những người lính Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ, lúc nào cũng tự nhận là “chiến sĩ giải phóng” các dân tộc bị trị. Và họ quan niệm đang làm một cuộc giải phóng cho các sắc dân Thượng bị người Kinh áp bức trên Cao Nguyên. 

Để Vòng Đai Xanh ra mắt sớm kịp đối lại với The Green Berets, do những khó khăn của sở Kiểm Duyệt, tôi đã phải tự cắt xén đi gần một nửa số trang của cuốn sách với mục đích để được xuất bản. Dù là tự kiểm duyệt, nhưng tôi vẫn tự hỏi đó có phải là một quyết định đúng hay không. Sau 1975, khi ở tù ra, tôi đã không còn giữ lại được một bản thảo nguyên vẹn nào kể cả Vòng Đai Xanh, và cả trọn bộ báo Sinh viên Tình Thương cũng có chung số phận của tro than…

 

Nay trở về với câu hỏi của Anh. Tôi còn nhớ, trong chuyến đi thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 09/ 2006, khi trở lại Sài Gòn, tôi có dịp tới thăm nhà văn Sơn Nam. Tuy là lần đầu tiên được gặp, nhưng “văn kỳ thanh” do đã được đọc có thể nói gần toàn bộ những tác phẩm của Sơn Nam. Trong lần gặp ấy, Bác rất vui và cho biết Bác cũng đã hơn một lần đọc cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Bác cầm trên tay cuốn sách ấn bản lần hai của Nhà Xuất Bản Văn Nghệ California, với bìa ngoài đã khá cũ nát. Bác nhắc lại một gợi ý trước đây là nên phổ biến cuốn sách ở Việt Nam và nếu có thể thì tới ở với Bác chừng ít ngày để cùng duyệt lại nội dung cuốn sách. Nhưng rồi đã không có cơ hội đó cho đến ngày bác mất ở tuổi 82 [13-08-2008].

Tôi và có lẽ cả nhà văn Sơn Nam cùng hiểu rất rõ rằng với nội dung nguyên vẹn, lại đụng tới những vấn đề nhậy cảm nhất là với nước lớn Trung Quốc, tác phẩm ấy sẽ không thể nào xuất bản được ở Việt Nam trong một tương lai gần khi mà bối cảnh chánh trị vẫn không có ổn định và cả chưa có tự do ngôn luận như hiện tại.

Có ý kiến cho rằng, để có được giấy phép, nhà xuất bản trong nước sẽ phải "biên tập" lại nhiều đoạn và có thể phải cắt đi một số trang. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết nặng lòng với đất nước, cũng không thể xuất bản được.

Theo tôi, một tác phẩm như Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng đã được sáng tác và hình thành trên một xứ sở tự do, nay vì bất kỳ ý hướng nhân danh sự tốt đẹp nào, tác giả lại chấp nhận tự đặt mình vào một hệ thống kiểm duyệt vốn đã “lỗi thời và phi lý” như hiện nay chỉ để cuốn sách được xuất bản, thì đó là sự thỏa hiệp nếu không muốn nói là “tha hóa” và cả tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Do đó câu trả lời của tôi rất rõ ràng và rứt khoát: nếu xuất bản ở trong nước, cuốn sách sẽ vẫn là một nội dung nguyên vẹn, không cắt xén – với tôi, đó như một nguyên tắc.

Nhưng lại thêm một câu hỏi khác được đặt ra là: trong nghịch cảnh như hiện nay có thật sự cần có một bản in ở trong nước hay không khi mà người đọc ở bất cứ đâu, đều có thể đọc / nghe, kể cả download / để in ra từng phần hay toàn cuốn sách từ internet hoàn toàn miễn phí. Các cuốn sách và những bài viết của tôi liên hệ tới sông Mekong, sau khi xuất bản đều đã được post nguyên vẹn trên Kệ Sách Da Màu hay gián tiếp trên một số website khác, mà chính tôi cũng không được biết.

Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng: http://kesach.org/archives/1157

Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch: http://kesach.org/archives/989

Audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch: http://kesach.org/archives/954

Và tôi đã nhận được hồi đáp của các em sinh viên từ trong nước, kể cả ở Hà Nội: các em ấy đã không có khó khăn gì để có thể đọc / nghe và cả in được nội dung toàn cuốn sách qua các “link” như trên. Thêm nữa, với kỹ thuật “phocopy” rất tiến bộ và tinh vi như ở Việt Nam hiện nay, thì chỉ cần một ấn bản gốc của Nhà xuất bản Văn Nghệ từ bên Mỹ, cuốn sách ấy có thể được tái tạo đẹp và trang trọng với cả mẫu bìa màu với phẩm chất không thua gì nguyên bản.

Chúng ta sắp bước qua thập niên đầu của thế kỷ 21, thời đại của internet, trái đất này trở thành một ngôi làng nhỏ, mọi nỗ lực bưng bít thông tin là hoàn toàn vô hiệu, cũng ví như câu tục ngữ rất đơn sơ của người Thượng là “cố dìm ống tre khô dưới mặt nước” là một nỗ lực vô ích.

ĐNV_ 6. Là một bác sĩ y khoa, tại sao anh lại dành thời gian và công sức để lên tiếng kêu cứu cho một con sông đang ngày càng cạn kiệt, mà không để công việc ấy cho những người thuộc giới chuyên môn?

 

NTV_ 6. Ngay từ khi còn trong trường Y khoa, tham dự các hoạt động sinh viên, làm báo Sinh viên Y khoa Tình Thương với chức vụ tổng thư ký rồi chủ bút từ 1963 tới 1967, tôi và các bạn đồng môn rất quan tâm tới các vấn đề xã hội. Mỗi số báo Tình Thương chủ đề là những ghi nhận về các biến động thời sự lúc đó. Cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh viết về các sắc tộc Thượng và phong trào FULRO [ Front Unifié de Lutte des Races Opprimées ] được hình thành trong giai đoạn này. 

Nếu trước đây, khi còn là sinh viên y khoa, đã từng quan tâm tới vấn đề Tây Nguyên và Người Thượng, thì nay như một tiến trình rất tự nhiên và liên tục, khi đứng trước mối nguy cơ con sông Mekong, lớn thứ ba của Châu Á đang cạn kiệt với ảnh hưởng nghiêm trọng tới Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi cuối nguồn và cũng là vựa lúa lớn nhất của cả nước, thì đó không phải chỉ là công việc dành riêng cho giới chuyên môn.

Hơn một lần trở lại viếng thăm Việt Nam, đặc biệt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, để thấy rằng, sau hơn hai thập niên của “Đổi Mới” với rất nhiều tự hào về phát triển nhưng hoàn toàn “không bền vững / unsustainaible development” với ba “lỗ hổng” lớn: [1] sự xuống cấp về phẩm chất giáo dục, trường sở thì tiêu điều, nội dung giảng dạy thì lạc hậu; [2] một hệ thống y tế bất cập quá tải, bị thả nổi hay đúng hơn là bỏ rơi vấn đề sức khỏe của một đại bộ phận dân chúng; [3] và nổi cộm nhất là sự hủy hoại rộng rãi về môi trường từ đất đai tới nước uống và không có an toàn về thực phẩm… Hậu quả của ba khiếm khuyết ấy là một cái giá rất cao phải trả không phải ngay trong hiện tại mà với cả với những thế hệ tương lai. 

Bài học sông Thị Vải và Công Ty Bột Ngọt Vedan – Do chỉ biết chạy theo lợi nhuận cộng với tham nhũng, đã và đang có cả một phong trào thi đua thu hút đầu tư nước ngoài với bất chấp hậu quả môi trường. Đây là một hiện tượng phổ quát trên cả nước, chứ không phải duy nhất chỉ có với Tỉnh ủy Đồng Nai. Công ty Bột Ngọt Vedan [bắt đầu hoạt động từ tháng 10, 1994], chỉ trong hơn 10 năm đã hoàn toàn thành công giết chết con sông Thị Vải. Nhập cảng những công nghệ lỗi thời của các nước láng giềng như Đài Loan, Trung Quốc… là tự nguyện biến những dòng sông thanh khiết thành các cống rãnh phế thải, biến những vùng đất lành thành các bãi rác của độc chất. Đây là một điển hình về thảm họa môi sinh trên đất nước chúng ta. Tấn thảm kịch ấy đang được nhân lên và diễn ra với những mức độ nhanh chậm khác nhau trên khắp các dòng sông đang chết dần của quê hương.

 

Rất sớm, cách đây hơn một thập niên, trong cuốn dữ kiện tiểu thuyết Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, tôi đã viết về Công ty bột ngọt Vedan với nhà máy xây và hoạt động ngay bên con sông Thị Vải này.

 

Trích dẫn:

Làm chủ một hãng sản xuất bột ngọt lớn nhất nước, chú được sự ủng hộ của các Tiến Sĩ Viện Sĩ Viện Sinh Học Nhiệt Đới và Cục Môi Trường cho tự do tha hồ đổ chất phế thải xuống sông xuống biển với lý do “để thực hiện thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng lên môi trường của các chất phế thải trong chu kỳ sản xuất công nghiệp sinh học”… [Ch. VI, tr. 146, Văn Nghệ xb 2000]

 

Chỉ mới tuần lễ gần đây thôi, ngay tại California, tôi có dịp gặp một giảng viên Đại học “chuyên khoa môi trường” đến từ trong nước. Anh cho biết, đây là một khoa rất khó tuyển sinh, vì bị coi là một chuyên ngành không hấp dẫn khi học và khi ra trường thì rất khó tìm việc. Đây là một hiện tượng rất nghịch lý vì hơn bao giờ hết Việt Nam là một đất nước đang phát triển với cái giá rất cao phải trả về hủy hoại môi sinh. Thay vì cần ráo riết đào tạo một đội ngũ đông đảo các chuyên viên bảo vệ môi trường trong mọi ngành kỹ nghệ, vậy mà chỉ với con số rất ít tốt nghiệp cũng không sao tìm được việc làm vì xã hội không thấy có nhu cầu. Hình ảnh xã hội ấy có thể ví với “bản năng giống đà điểu / Ostrich”, trước hiểm nguy, chỉ biết rúc đầu xuống cát, như một thái độ phủ nhận, tránh né để khỏi phải hành động, khiến cho vấn đề môi sinh trở thành một “trái bom nổ chậm / environmental time bomb” và thảm họa không biết đến thế nào nếu không muốn nói là vô lường. Không thiếu người thuộc giới lãnh đạo trong nước vừa tham lam vừa thiếu hiểu biết, từ cấp tỉnh ủy tới trung ương, đã và đang vội vã chấp nhận những dự án “phát triển không bền vững / unsustainable development” với bất cứ giá nào, và cho dù Đất và Nước có ô nhiễm tới đâu thì rồi ra, họ sẽ làm sạch môi trường như “rửa sông, cải thổ”. Điều mà chính giới chuyên gia môi sinh trên thế giới đã khẳng định, việc tẩy rửa môi trường trên quy mô rộng lớn ấy hoàn toàn chỉ là ảo vọng.

Trong y khoa, với các bệnh nhân, trong mọi tình huống của bệnh tật, tôi luôn luôn nói với họ là nên nhìn vào “nửa phần đầy của ly nước thay vì nửa phần vơi”; nhưng nhìn vào hiện trạng của Đất Nước hiện nay, có thể ví như những “vùng da beo”, ngoài mấy khu du lịch như những ốc đảo được giữ sạch chỉ để hấp dẫn du khách thu hút ngoại tệ, phần còn lại của cả nước thì môi trường đang không ngừng bị hủy hoại, khiến cả cái nửa phần đầy còn lại của ly nước cũng lại là “nước bẩn”. Chúng ta sẽ là tự dối mình nếu vẫn cứ giữ một lối nhìn lạc quan như vậy. 

Tôi hành nghề y khoa cũng đã hơn 40 năm, trong quân đội cũng như ngoài dân sự, và hiện nay còn đang làm việc toàn thời gian trong một bệnh viện. Cho tới nay không biết tôi đã chẩn đoán điều trị được bao nhiêu người bệnh, con số ấy chắc cũng rất hạn chế khi mà “khổ hải vượng dương, hồi đầu thị ngạn / bể khổ thì mênh mông, nhìn lại không thấy đâu là bờ”.

Trở lại câu chuyện Đất và Nước, trong cái nhìn y khoa thì Sức Khỏe của mỗi con người, của cả một dân tộc liên hệ trực tiếp sự thanh khiết của môi trường sống. Định nghĩa về Sức Khỏe của Tổ Chức Y Tế Thế Giới từ ngày thành lập 1948, “Đó là một tình trạng hoàn chỉnh về thể chất, tâm thần, và xã hội – chứ không đơn thuần chỉ là sự thiếu vắng bệnh tật / Health is a state of complete physical, mental and social well-being and not merely the absence of disease or infirmity”, thì nay bước sang Thế kỷ 21, theo tôi SỨC KHỎE cần được hiểu theo một nội dung mới và mở rộng: “Đó phải là một tình trạng hoàn chỉnh về thể chất, tâm thần, xã hội và cả MÔI TRƯỜNG – chứ không đơn thuần chỉ là sự thiếu vắng bệnh tật”.

ĐNV: Cám ơn anh đã dành thời giờ gởi đến độc giả những điều quý báu và rất cần thiết trong việc kêu cứu cho con sông Mê Kông.

ĐOÀN NHÃ VĂN

San Diego – Long Beach
10 / 30 / 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 100360)
Nơi nào mùa xuân bắt đầu? Mùa Xuân bắt đầu từ những mầm cây non còn ngủ sâu dưới lòng đất giữa mùa Đông giá buốt. Chúng là những đứa con của các cây bố cường tráng, khỏe mạnh; và những cây mẹ dẻo dai, sum suê kết quả suốt mùa Hạ thơm lừng; sau những đêm ấm nồng lửa nhiệt đới và mặt trời không bao giờ tắt giữa đôi tay. Các bố mẹ cây gửi tình yêu của họ trong bọc lụa theo gió, để những đứa con mang mùa Xuân đến cho mặt đất và muôn loài.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 91715)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
26 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 30666)
LTS. Trùng Dương Nguyễn Thị Thái là một “hiện tượng” của sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí miền nam Việt Nam. Ngoài những sáng tác văn học, Trùng Dương tích cực tham gia sinh hoạt điện ảnh, và nhất là báo chí trong giai đoạn hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa [VNCH], từ 1970 tới 1974. Người cựu nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn và Mưa Không Ướt Đất. Du học Liên Bang Mỹ trở về, bà đứng tên Chủ Nhiệm báo Sóng Thần mà nhóm chủ biên do nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao trách nhiệm. Sóng Thần–đúng với danh xưng của nó–mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền nam...
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 94456)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 87109)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 199999)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 20757)
Lần đầu tiên tôi biết nhà văn Thế Phong cách đây hơn 6 năm khi đọc truyện ngắn " Thủy và T6 " đăng trên tạp chí Hợp Lưu số 82, năm 2005. Với giọng văn miên man, tình tiết lôi cuốn, truyện ngắn vẽ lại xã hội Sài Gòn những năm trước 1975, tôi đọc một mạch không dứt, cuối truyện tác giả bỏ lửng khi đang hồi gay cấn, với lời ghi chú (… tạm ngưng nơi đây…) . Tò mò đoạn kết, tôi liên hệ tạp chí Hợp Lưu phần tiếp theo và được trả lời, chỉ thấy có văn bản này từ chồng sách cũ, tạp chí không liên hệ được tác giả, nên không biết Thế Phong đang sống ở đâu… và rồi theo thời gian tôi quên ông.
09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 96234)
LTS:Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam. Tạp Chí Hợp Lưu
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 20400)
Trong những năm gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, bởi có một nhu cầu đến từ những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị chính thức loại trừ sau 30/4/1975.
13 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 21895)
Hai buổi nói chuyện trên đài RFI với nhà văn Mai Thảo mà chúng tôi còn giữ được băng ghi âm: buổi đầu phát thanh cách đây 17 năm, ngày 20/10/1991, khi chương trình văn học nghệ thuật mới thành lập được một năm với những bước đầu chập chững, khó khăn.