- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phỏng Vấn Nguyễn Xuân Tường Vy, Ngón Tay Mười Bốn.

09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 89488)

bw-tvyjun07ext_0_300x216_1

LTS: Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Một cách chậm rãi, tác giả tìm đến Văn học miền Nam rồi cầm bút ghi lại giai đoạn thuyền nhân của gia đình mình. Bên cạnh là những truyện ngắn Biển hoa vàng... Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam.

Tạp Chí Hợp Lưu

 Hợp Lưu: Gần đây ký Puerto Princesa CityMắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy trên Hợp Lưu gây nhiều chú ý. Không duy nhất vì ký là thể loại hiếm, đặc biệt ở lớp người viết trẻ. Cũng không duy nhất vì đề tài thuyền nhân đã gần như biến mất trong Văn học Di dân. Mà vì Puerto Princesa CityMắt thuyền đã được viết bằng một giọng văn thật tự nhiên, giàu cảm xúc. Vì sao Tường Vy đi ngược với xu hướng bây giờ là cố quên đi quá khứ, thay vào đó, đào bới rồi trục xuất quá khứ lên trang giấy? Vì sao Mắt thuyền vẫn là đôi mắt thuyền nhân, hay đúng hơn Tường Vy vẫn mang đôi mắt thuyền nhân khi viết ký?

Nguyễn Xuân Tường Vy: Quá khứ không chết. Quá khứ vẫn tồn tại và luôn ám ảnh. Nhiều năm trôi qua, tôi tưởng mình đã quên. Nhưng không. Quá khứ vẫn ở đó, chờ cơ hội được khai quật. Quá khứ thuyền nhân giống một vết thương. Tôi đã phủ hoa lên đó và cố quên. Tôi đã lớn lên trên đất Mỹ như một đứa trẻ không có tuổi thơ, như cây non trốc rễ không nơi bám víu. Hai mươi sáu năm. Thời gian vừa đủ để tôi có thể mở vết thương cũ, suy tư và chiêm nghiệm. Giai đoạn vượt biên là một bi kịch trong lịch sử Việt Nam. Tôi muốn ghi lại kinh nghiệm và nỗi niềm của mình, trước và sau lớp người vượt biên duy nhất, sẽ không ai biết đến kinh nghiệm này. Viết về quá khứ đòi hỏi người viết phải liên tiếp lao vào vùng thời gian lảng vảng bóng ma. Đối với tôi, dù sợ hãi những bóng ma cũ, vẫn là cách duy nhất để tự chữa lành. Tôi không thể viết ký vượt biên mà quên con thuyền đã đưa mình ra khơi. Không thể quên ngón tay tôi năm 14 tuổi nắm chặt ván thuyền mong manh khi tách bến... Làm sao có thể mang đôi mắt nào khác ngoài đôi mắt thuyền nhân khi chính từ vị trí này tôi học làm di dân?

 

Hợp Lưu: Qua những trang viết, người đọc nhận ra quá khứ miền Nam in đậm trong ký ức Tường Vy. Đặc biệt ký ức này rất êm đềm dù chiến tranh và hạnh phúc dù bom đạn. Gần như một sự tiếc nuối pha lẫn cố gắng gìn giữ không muốn đánh mất. Làm sao vào tháng 4-1975, ở lứa tuổi thiếu nhi, Tường Vy đã có thể ý thức thân phận thua thiệt của gia đình mình? Và Tường Vy tìm đến Văn học miền Nam khi nào? Khung cảnh tiểu thuyết của những quyển sách đã bị thiêu hủy có quá trái nghịch khi tất cả đã thay đổi?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tháng 4-1975 tôi chỉ là con bé vài tuổi ngơ ngáo. Tôi nhìn đời sống qua khung cảnh gia đình và xã hội chung quanh. Chiến tranh kết thúc. Bao nhiêu tai ương phủ trùm lên đời sống chúng tôi. Chính những thay đổi xã hội đã khiến tôi sớm nhận thức được những mất mát xảy ra trong gia đình mình. Tôi ý thức thân phận của mình trong xã hội mới, thân phận hẩm hiu của hàng ngàn đứa trẻ miền Nam thời hậu chiến, cha vào trại cải tạo, mẹ bị lùa đi vùng kinh tế mới. Tôi lớn lên, vây hãm ngột ngạt bởi những biên giới vô tình. Thế hệ của chúng tôi là một thế hệ khác thường. Lớn lên bằng một chấm dứt phũ phàng. Khởi đầu bằng một tuyệt vọng.

Tôi thực sự biết nhiều đến văn học miền Nam ở nước Mỹ, bằng những cuốn tiểu thuyết mượn từ thư viện thành phố. Thời gian ấy sách báo Việt hiếm hoi. Tôi đọc ngấu nghiến nhiều thứ, sợ quên mất ngôn ngữ của mẹ ru từ lúc nằm nôi. Trong thư viện đầy kín sách, một xã hội miền Nam đã chết vụt sống lại. Tôi lần tìm tuổi thơ của mình và quá khứ của bố mẹ qua tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn, khám phá tuổi trẻ của họ giữa lòng Sàigòn phồn thịnh. Trên những trang tiểu thuyết Mai Thảo, Nhã Ca, Dung Sàigòn, Từ Kế Tường, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, tôi thấy đó mới chính là hình ảnh gia đình mình, trái nghịch với cuộc đời tôi vừa bỏ lại. Một thời gian dài, tôi không đọc gì hết ngoài những tác phẩm in trước 1975. Tôi đi tìm quá khứ tôi chưa được sống.

 

Hợp Lưu: Tường Vy đã về Việt Nam? 

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tôi về thăm Việt Nam một lần năm 1996, đã lâu rồi. Tôi nghe nói xã hội Việt Nam thay đổi rất nhiều từ ngày đó. Tôi về với tâm trạng một người con đi xa trở về nhà. Nhưng không còn gì hết. Phi trường Tân Sơn Nhất căng thẳng bức bối. Công an đồng phục và cờ đỏ làm tôi lạ lẫm và... run. Khu phố xưa tôi ở giờ không còn ai quen. Tôi đi lại những con đường thơ ấu. Con đường ngày xưa tôi nhớ rộng lớn là thế giờ thì bé con con. Từ Sàigòn ra Hội An, Huế, Hà Nội, tôi thấy nơi đâu cũng nghèo, cũng thiếu thốn. Ở Hà Nội, chúng tôi gom những đứa trẻ lang thang bán vé số bên hồ Tây dẫn đi ăn, mua áo quần. Tuổi thơ của các em còn vất vả hơn tuổi thơ của tôi. Hai tuần ở Việt Nam tôi buồn và khổ sở. Vì sao tôi là khách lạ ngay chính trên mảnh đất đã sinh ra mình?

 

Hợp Lưu: Trong ký Puerto Princesa City, Tường Vy nhắc đến Thép đã tôi thế đấy. Còn nhiều tác phẩm khác như tiểu thuyết Xung đột của Nguyễn Khải, Khoảng trời phía sau nhà của Lê Minh Khuê, Ký sự hai bờ đất của Nguyễn Minh Châu, Con những người du kích của Phù Thăng, Một binh trạm trưởng của Hoàng Văn Bổn, hay Bài hát Ca-Chiu-Sa của Tô Đức Chiêu... thế hệ của Tường Vy hiếu kỳ ra sao với Văn học Thống nhất?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tôi không nhớ hết những cuốn sách tôi đã đọc trong thời gian đó. Không nhiều lắm vì lúc ấy gia đình tôi túng bấn. Bữa ăn còn lo chưa xong nói chi những thứ xa xỉ như sách báo, phim ảnh. Tôi nhớ Thép đã tôi thế đấy, Hòn đất, và các truyện du kích, giao liên như Sóc nhỏ giữa bầy quỷ dữ, đăng hàng loạt trên các tờ báo hàng ngày. Tôi đọc và tức giận khi nghe họ nói về bố tôi và đồng đội của ông như những tên lính ác ôn, giết người không gớm tay, chuyên hiếp đáp người yếu thế. Những gì tôi đọc trái ngược hoàn toàn với quan sát của tôi. Tôi đâm nghi ngờ sự trung thực và bản chất của Văn học Cách mạng. Tôi tìm đến Văn học miền Nam. Qua tác phẩm của họ, tôi hình dung được hình ảnh bố mẹ tôi, thực chất cuộc sống của họ, tuổi trẻ của họ giữa chiến tranh tàn khốc nhưng không giả dối, không ngụy tạo.

 

Hợp Lưu: Trong ký của Tường Vy, tính chất hoán vị, sự thay đổi vị trí từ những công chúa đất Việt trở thành các thiếu nữ bị giam cầm sau rào kẽm gai của trại tỵ nạn Palawan, đến đôi mắt ai oán của thuyền nhân khắc in lên ván thuyền làm bằng gỗ Tam Kỳ, làm nên bút pháp chủ yếu. Trong các truyện ngắn Đôi mắt hoa vàng rồi Biển hoa vàng, chính thủ pháp lập lại những hình ảnh chập chùng và các sắc màu cùng nhịp văn tạo nên phẩm chất truyện. Kỹ thuật này chuyển tải một truyện tình khá phóng đãng: Một mối tình tay ba, nửa đồng tính, nửa masochisme, vừa tra vấn cái chết của người thân, đầy trầm uất. Tường Vy sẽ trả lời ra sao nếu có người xem là truyện nặng về tính dục? Vì sao không thể thiếu thân xác và cần thiết masochisme?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tình dục không phải là đề tài viết của tôi. Tình dục trong các truyện ngắn của tôi, nếu có, là sự cần thiết để chuyên chở ý tưởng. Đôi mắt hoa vàngBiển hoa vàng là một truyện tình đồng tính tay ba. Truyện đặt trọng tâm thân xác. Tôi dùng nhiều bản năng... nhục cảm để triển khai sự thất lạc tâm hồn. Viết Đôi mắt hoa vàngBiển hoa vàng, tôi tự thử thách mình, muốn đẩy đến cùng với bút pháp không giữ gìn, không tránh né. Vì sao cần thiết masochisme? Tôi chưa từng nghĩ đó là masochisme. Tôi dùng yếu tố thân xác như phương tiện miêu tả và khám phá đời sống, diễn tả tâm trạng của nhân vật khi sống giữa tội lỗi và thao thức, giữa si mê cùng cực và ray rứt, giữa hoan lạc và phán đoán của lý trí. Thân xác là một cách tiếp cận xã hội. Vì để đến tâm hồn phải qua thân xác. Nội tâm phụ thuộc thân xác.

 

Hợp Lưu: Trong Biển hoa vàng, tuy là tiếp nối của Đôi mắt hoa vàng, phần sau của truyện đột ngột sinh động, kể từ đêm dạ vũ hóa trang, các sắc màu, âm thanh, trang phục, khói thuốc và cả ham muốn nhân vật trộn lẫn vào nhau trong phong cách khá Tây phương so với giọng văn bình thường chậm và nhiều tình tự Việt Nam của Tường Vy. Sự thay đổi này đến từ đâu?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tôi bắt đầu viết khoảng hai năm nay, chưa bao giờ được đào tạo chuyên môn. Những truyện đầu tay tôi viết hồn nhiên và say mê, khao khát được chia xẻ với bạn đọc cảm xúc, suy tư, trăn trở về cuộc sống. Tôi say sưa lao vào chữ nghĩa, thuần túy với ý tưởng và ngôn ngữ, không chú trọng đến cú pháp kỹ thuật. Tôi viết, đọc, học hỏi, và thử nghiệm. Viết Biển hoa vàng, tôi bị kéo phăng vào khung cảnh truyện với lối diễn đạt mới hoàn toàn không dự trước.  

 

Hợp Lưu: Khi viết truyện, người viết truyện đi tìm điều gì?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tôi viết, đầu tiên vì yêu thương và muốn gìn giữ ngôn ngữ của mình. Khi viết tôi tìm sự chia xẻ, đồng cảm từ bạn đọc, thoát ra đời sống thường nhật, sống với những giấc mơ trong một thế giới khác.

 

 

Hợp Lưu: Được biết Tường Vy rất say mê tiểu thuyết của Erich Maria Remarque, Yukio Mishima, Haruki Murakami và Léo Pérutz, Tường Vy có thể trình bày cảm nhận của mình về họ?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tôi đọc nhiều, tác giả cũ lẫn mới, bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi đọc tập truyện Đêm dưới chân cầu đá, By night under the stone bridge của Leo Pérutz. Văn Pérutz trang trọng, cổ xưa, và thần bí. Chín chương trong tiểu thuyết của ông mang người đọc đi từ thời đại này sang thời đại khác, từ cung điện này ra cánh rừng kia, từ bàn ăn của nhà bếp cung đình đến những mật chú thần linh. Không có đoản thiên nào liên quan với đoản thiên nào, từ những đồng tiền vàng Áo rơi lẻng kẻng đến nụ hôn của tiên nữ trên môi đức vua trong giấc mơ còn tỏa hương thơm khắp phòng... Vậy mà gộp lại vẫn liền lạc thành một tiểu thuyết. Đó là điểm đặc biệt của Pérutz mà khó có tác giả nào làm được. Tiểu thuyết của Haruki Murakami kỳ ảo, siêu thực, và ám ảnh. Tác giả dẫn người đọc đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, khám phá những điều dị thường đôi lúc phi lý trong cuộc sống. Không gian tiểu thuyết của Murakami cũng biến hóa siêu thực không kém Pérutz, nhưng mang nặng dấu ấn hậu hiện đại. Tiếng SóngKim Các Tự của Yukio Mishima cũng là những tác phẩm tôi yêu thích. Khác với Tiếng Sóng là một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp, Kim Các Tự mang không khí nặng trĩu nội tâm, dễ khiến người đọc rơi vào một sự u mê thần trí, tẩu hỏa nhập ma. Kim Các Tự không phải là một tác phẩm dễ đọc. Nhưng trên hết, tôi say mê Erich Remarque hơn cả. Chiến hữu, Bản du ca của loài người không còn đất sống, Khải hoàn môn, Bia mộ đen... Văn Remarque giản dị, lôi cuốn, đối thoại sinh động. Tôi mê những mối tình trong sáng và chung thủy trong tiểu thuyết của ông. Tôi hình dung Paris qua những quán rượu đêm, bờ sông Seine ẩm ướt tối ám, không gian lạnh lẽo của ga xe lửa mùa đông. Những tác phẩm của ông viết cách đây gần 70 năm mà văn của ông thật hiện đại. Tôi không biết rõ những độc giả khác vì sao họ ưa thích Remarque. Với tôi, ông là người viết về tình bạn, tình yêu và sự cô đơn tuyệt vời nhất. Tiểu thuyết của ông bi thảm nhưng hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng. Trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc, đời sống vật vờ chán chường sau thế chiến, sức mạnh tình yêu và khả năng sinh tồn vẫn vượt lên trên hết trong văn chương Remarque. Các nhân vật của ông luôn bị đẩy đến đến nỗi cô đơn và bất hạnh tận cùng, nhưng tất cả vẫn tiếp tục tìm mọi cách để sinh tồn. Trong những giây phút tận cùng của đời sống, tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi thử thách. Chỉ có Remarque mới có thể viết về tình yêu và cuộc sống đầy khát khao và mãnh liệt như thế. Đọc Remarque, tôi hình dung đến xã hội bây giờ, với tất cả những xảo trá, gian dối của con người. Những tác phẩm của Remarque không chỉ chú trọng về đề tài chiến tranh, ông viết nhiều về thân phận những người ly hương lưu lạc luôn ngóng về xứ sở mình. Tôi bắt gặp mình trên những trang giấy của ông. 

 

Hợp Lưu: Còn Shansa, Vệ Tuệ, Susan Minot, Carlson McCullers hay Virginia Woolf?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Shansa và Vệ Tuệ là hai tác giả tôi đã đọc. Shansa có lối viết gẫy gọn, sắc sảo. Thiếu nữ đánh cờ vây giản dị nhưng đầy màu sắc và choáng ngợp hình ảnh. Tôi đọc Shansa với nhiều cảm xúc và bàng hoàng với kết thúc bi thảm của cô gái Trung Hoa và viên sĩ quan Nhật. Vệ Tuệ? Tôi nghe nói nhiều đến Vệ Tuệ như một nhà văn của giới trẻ Trung Quốc, khao khát đi tìm tình yêu trong thế giới vật chất. Tôi chưa đọc tác phẩm Shanghai Baby, nhưng tôi đã không đủ kiên nhẫn đọc hết cuốn Marrying Buddha của cô.

 

Hợp Lưu: Văn học Di dân giấy in đang hấp hối. Các tập san như Văn, Văn học, Gió Văn, Thế kỷ 21 lần lượt đóng cửa. Cũng không còn một nhà xuất bản nào: Văn Nghệ, Thanh Văn, Thời Văn, Tân Thư đều đã ngưng hoạt động. Còn lại Văn Mới mà điều kiện in ấn khó khăn, thường xuyên tác giả phải phụ tiền in... Duy nhất tập san Hợp Lưu cố gắng duy trì, với 2/3 người viết là các tác giả trong nước. Rất nhiều nhà văn di dân đã ngưng sáng tác, hay sáng tác ít đi, vì như họ nhận xét: viết một truyện ngắn công phu để chỉ xuất hiện 24 giờ trên internet, không đáng công. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, tham dự ở phút lâm chung kề cận của báo giấy, làm sao Tường Vy giữ được niềm tin vào văn chương?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy: Tôi không bi quan. Tôi vẫn miệt mài sáng tác như đã từng trong hai năm vừa qua. Báo giấy in hay báo mạng chỉ là phương tiện giúp tôi đến với người đọc. Tuy nhiên, tôi vẫn thích tác phẩm của tôi được in trên giấy để được nhìn và cầm trên tay. Tôi chuộng... chủ nghĩa hiện thực. Tôi không rõ tình trạng hoạt động của các báo khác, riêng Hợp Lưu, theo tôi được biết, vẫn không giảm số báo mỗi đợt phát hành. Số lượng độc giả Hợp Lưu vẫn giữ ở mức độ cao. Đó là điều đáng mừng. Tôi tin rằng những tác phẩm văn chương đích thực sẽ sống và giữ được giá trị của nó ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều quan trọng là tôi có giữ được niềm tin vào chính mình hay không.

TẠP CHÍ HỢP LƯU

 24 tháng 6-2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 2898)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
27 Tháng Tư 20223:24 CH(Xem: 9544)
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
07 Tháng Năm 20214:56 CH(Xem: 12289)
...một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
14 Tháng Mười Một 20197:35 CH(Xem: 17121)
Hôm 29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập thủy điện Xayaburi và tiếp theo sẽ là con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa Lào, Thái Lan, Cambodia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong. Nguồn tin đáng chú ý khác từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho thấy Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng 30 cây số. Nếu không có gì đột biến, đập Luang Prabang được khởi công xây vào tháng 7/ 2020. Một chuyên gia sông Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả hai cuốn sách ‘Cửu Long Cạn Dòng - Biển Đông Dậy Sóng’ và ‘Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch’, từng có bài tham luận về dự án Luang Prabang liên quan đến Việt Nam, trình bày sự việc qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
21 Tháng Chín 201912:00 SA(Xem: 19473)
Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức
26 Tháng Mười 20188:54 CH(Xem: 25829)
Nhân dịp nhà văn Nguyên Ngọc giõng dạc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 26/10/2018, xin đăng lại cuộc chuyện trò đã đăng trên Hợp Lưu mới chớp mắt đây mà đã 15 năm truân chuyên vận nước (ND)
22 Tháng Sáu 20184:34 CH(Xem: 25653)
Cũng như nhiều thi sĩ trong thời đại mình, thơ ông còn là phóng chiếu một giai đoạn đầy xáo trộn trong đời sống văn hóa của người Việt. Đầu tháng 6-2018, tuyển thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê ra mắt độc giả trong nước.
11 Tháng Chín 201711:18 CH(Xem: 31565)
“Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó. (Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Trần Dần-ghi 1954-1960, xb Td mémoire, Paris 2001 trg 461.)
13 Tháng Tư 20175:58 CH(Xem: 37824)
Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng.
31 Tháng Ba 20171:05 SA(Xem: 28163)
Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn.( Ngô Thế Vinh)