- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VỀ BÀI THƠ "GIÓ" CỦA NGUYỄN CHÍ TRUNG

12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 2398)


NGUYEN CHI TRUNG- ChanDung
Thi sĩ NGUYỄN CHÍ TRUNG


VỀ BÀI THƠ "GIÓ" CỦA NGUYỄN CHÍ TRUNG

Silke-Joyce

 



Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).

 

 1. 


 D
ưới đây chúng ta thử tiếp cận bài thơ "Gió". Trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu & nghiên cứu tác phẩm chúng ta sẽ thấy đây chỉ là một cách thử tiếp cận, đến gần tác phẩm. Vâng, đây là một tác phẩm đáng đọc. Đọc kỹ hơn những từ khúc Thơ đầu tiên đã xác nhận ấn tượng mà người ta có được khi lật qua vài trang đầu của tập Thơ, rằng đây là một tập Thơ khác với những tập thơ đương thời có thể tìm thấy trong khu vực “Thơ” của hầu hết mọi hiệu sách trên thế giới. Ở đây chỉ xin nói sơ qua: nó không cùng loại với hầu hết các tập thơ đã xuất bản sau Thế chiến thứ hai, mà trễ nhất là sau cái chết của D. Thomas, W.H. Auden hay J. Brodsky … đã và vẫn còn đang được viết. Sự khác biệt thiết yếu cơ bản là chủ đề của một cuộc thảo luận khác, nó chỉ được nêu ở đây để xác định ngay từ đầu sự khác biệt.

 

Bài Thơ gồm 48 từ khúc. Đọc từng từ khúc, người ta bắt đầu có ấn tượng đây là một khu rừng rậm, hay một sa mạc, luôn mở rộng không giới hạn, tạo cho người đọc cảm giác không thể tiếp cận hay tiệm cận. Khi đọc và đồng cảm với các từ khúc, người đọc cũng có cảm tưởng như mình đang lặn xuống đại dương sâu thẳm nhất, ở đó trải nghiệm biết bao cảnh đẹp kỳ lạ, những cảnh đẹp hiếm thấy, nhưng cũng có cả những tàn tích kinh hoàng của nền văn minh nhân loại. Đây là một tác phẩm „dày đặc“, trên muôn vàn nẻo đường mà ban đầu người đọc từ từ cảm nhận ý nghĩa của bài Thơ, những Lời mà bài Thơ đã âm thầm nói, và cuối cùng ta nhận ra rằng đây là thuộc về lãnh vực Thi Ca. Thể nghiệm về Thi Ca qua một bài Thơ như vậy cần phải phân tích kỹ tác phẩm, phải cần cả một cuốn sách, Ở đây chúng tôi không có ý định ấy. Trong phần giới thiệu ngắn gọn này, chúng tôi chỉ có thể cố gắng nêu lên bóng dáng thoáng qua của Thi Ca qua những gì được nói trong bài Thơ.

2.

Vì bài Thơ có tựa đề là “Gió“, nhiều người, kể cả các nhà thơ và học giả văn học, đã tin chắc rằng đây hiển nhiên là thơ về thiên nhiên. Điều này dẫn đến câu hỏi: Thiên Nhiên là gì trong thời đại hôm nay? Con người ngày nay hiểu gì về từ này, hay hơn nữa về ý niệm “Thiên Nhiên”? Khung cảnh ngày nay trên trái đất còn có điểm gì chung với thiên nhiên như nó đã được hiểu, chẳng hạn trong Đạo giáo hơn hai nghìn năm trước?

Để có một khái niệm về câu hỏi “Thiên Nhiên“ chúng ta hãy suy nghĩ về những sự kiện chính yếu sau đây trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Theo Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã ủy thác cho con người bổn phận & nhiệm vụ chế ngự thiên nhiên, cụ thể được ghi trong (Genesis 1,28: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, hãy làm chủ nó và cai trị cá biển, chim trời và trên tất cả những con thú bò trên trái đất!”).

Và nhân loại đã thực hành lệnh đó.

Hay gần gũi hơn với lịch sử cận đại của chúng ta, câu nói định mệnh trong luận đề của Karl Marx về Feuerbach: “Các triết gia chỉ giải thích thế giới theo nhiều cách; nhưng vấn đề là phải thay đổi thế giới”. Bây giờ chúng tôi nghiêm túc tuyên bố: vâng, chúng ta trễ nhất đã thay đổi thế giới về cơ bản kể từ Cách mạng Công nghiệp 1.0. Nhưng bây giờ vấn đề là hoàn tác, làm ngược trở lại những gì chúng ta – nhân loại – đã làm !!!

"Gió" không phải là một bài thơ thiên nhiên. Đó không phải là một bài hát "ôi thiên nhiên đẹp làm sao" cũng không phải là một lời than vãn lải nhải kêu đường về "Mẹ trái đất & Trái đất Mẹ ".

Tiêu đề “Gió” chỉ mang lại một ấn tượng mơ hồ về mặt triết học qua ý niệm Ātman trong Upanishad (“những cơn gió, ngươi là một hơi thở dài duy trì sự sống” – từ khúc 43), về vô ngã Anattā của Phật giáo, về mặt vật lý vũ trụ qua khí và hơi trong vũ trụ, bụi và bão và nguồn gốc sinh hóa của sự sống trên trái đất. “

 

3.

Nó không phải là một bài Thơ thiên nhiên, càng không phải là một bài Thơ bình thường, thường lấy kinh nghiệm riêng tư làm nội dung, mà nó nói về cuộc sống một cách chiêm nghiệm, bắt đầu từ hôm nay, suy ngẫm về khởi đầu của cuộc sống, và suy tưởng trong viễn kiến về kết thúc của cuộc sống. Nghĩa là về những gì đang diễn ra sống động trên mặt đất vào thời điểm này trong Thời Gian vô tận, trong thế kỷ hiện tại. Về định mệnh của cuộc sống con người trên trái đất.

Chúng ta đọc từng từ khúc và từ từ thấy rằng qua “GIÓ” Tư Tưởng và Thơ có quan hệ mật thiết với nhau và hai yếu tố này về bản chất tạo thành Thi Ca, và Thi Ca còn nói lên những gì vượt qua cả người làm Thơ (Về Thi Ca & Tư Tưởng Heidegger đã bàn luận và giảng giải rất nhiều trong những sách của ông).

Trong từ khúc 4 chúng ta có chủ đề tình yêu. Tình yêu giữa đôi tình nhân, chàng chăn trâu và nàng khâu vá bầu trời rách đôi, hai người xa cách giữa trời và đất. Giữa cuộc sống nguyên thủy trên mặt đất và bầu trời rách nát, chờ đợi nhau mãi mãi, trong thời gian, trên một cây cầu đá mà vô số con hạc đã xây nên bằng từng viên đá, năm này qua năm khác. Một bức tranh đẹp về Tình Yêu vĩnh cửu, vượt xa thời gian của một đời người, vượt qua mọi thời đại. Hiếm khi người đọc tìm thấy những câu thơ trữ tình như thế trong thơ ca đương đại của bất kỳ thời điểm nào:

 

 4


“Gió của mộng, mộng là đời

Sống không thể được trong đời trần gian,

Đêm nay gió hú sâu vang

Xuyên đại dương đá qua ngang. Mưa về.

Mưa như đã đợi từ khi Đợi luôn luôn mà không hề nghĩ ngưng.

Như hai người đợi nhau hằng

Nàng may vá trời và chàng chăn trâu

Trên cầu đá gặp lại nhau,

Từng hòn đá đặt lên nhau chất chồng

Bởi vô số hạc trên không,

Quên nhau, hai quả tim không bao giờ”

 

Người ta có thể cho rằng đó là lãng mạn, với hậu ý ngầm nói thời bây giờ là hậu hiện đại, lãng mạn đã qua lâu rồi, v.v… Tuy nhiên, một tuyên bố như vậy không có giá trị gì ở đây khi ta đọc các từ khúc tiếp theo. Trễ nhất là đến lúc đó người ta sẽ nhận ra rằng đây không phải là thơ lãng mạn hay bí hiểm kín mít, không phải thơ-aha, thơ tự sự hay bất cứ thứ gì khác (thơ-aha là tất cả những bài thơ của các nhà thơ hiện đại cho người đọc một kinh nghiệm „aha“, những người đọc (hay nghe) muốn và phải hiểu ngay bài thơ, như vừa vội ăn xong đồ fastfood).

Đây là về tình yêu như một yếu tố hiện sinh cơ bản của thân phận con người.

 

4.

 

Từ khúc 7 cho chúng ta bức tranh về sự mất của con người thời đại, về tình trạng trên mặt đất. Con người đang chạy trốn, họ rời xa và lạc mất nhau, (hình như) chẳng vì lý do gì, không chạm đất trần gian, vì hiện nay đã trở nên mất gốc rễ ..., họ như những cơn gió thoáng qua. Chúng ta không biết họ đi đâu, cũng không biết họ đang ở đâu. Đây cũng là một yếu tố của thân phận con người mà bài thơ hướng tới. Và thậm chí trong tình trạng vô vọng như vậy, họ không thể cho nhau bất cứ thứ gì. Cho đi – sự đồng cảm, mối quan hệ giữa các cá nhân, qua đó con người chúng ta mới có thể trở thành con người (nhưng có lẽ cũng sự việc giết nhau) – đã trở nên quá nhiều vì cuộc đấu tranh sinh tồn trên trái đất quá đông dân cư không còn cho phép điều đó nữa. Hay cho đi, dù nhỏ hay to, dù nhiều hay ít, chẳng còn nghĩa lý gì vì lòng đã nguội lạnh (gọi đây là lãng mạn thì thật là thiếu sót, thiển cận), trễ nhất là khi cuộc sống hậu hiện đại ở thế kỷ 21 đã bị máy móc hóa phần lớn, ở thời kỳ đầu của kỷ nguyên của thông minh nhân tạo. Từ lâu con người của hậu hiện đại đã phải xấu hổ khi có cảm xúc, thậm chí là thể hiện chúng, một cách công khai hoặc trong những câu thơ:

 

7

Qua sân Sầu Não không người

Gió lùa, Lá rủ nhau rời nơi đây

Cùng nhau trốn chạy, nào hay

Mất người mà cũng mất ngay chính mình,

Mặt đất, mặt đá không tình

Không căn cơ: chỉ sự tình ra đi.

Cái “Đi Đâu” giờ làm gì,

Ở đâu và cái “Đâu” đi chốn nào?

Cho nhau một chút, là bao,

Hay nhiều quá, hay tầm phào nghĩa chi?

 

Ở trạng thái này, lời của anh, lời của thi sĩ qua lời nói của những câu Thơ, một khi được gửi đến đồng loại của mình, không thể đến được trái tim và khối óc của họ. Họ mặc kệ nó, không để nó ảnh hưởng đến họ. Lời của anh không dính dáng gì đến họ. Người làm Thơ trải nghiệm cái không của họ, cái không đồng thời tiêu biểu cho trạng thái hư vô của thời đại chúng ta. Trong sự phủ định ba lần này có ẩn chứa một sự thất vọng sâu sắc, sự cay đắng và sau cùng là sự tuyệt vọng chung cục. Sự bi thảm được thể hiện trong bài Thơ từ từ hình thành (từ khúc 10):

 

10

...

Một lời ta gửi xưa kia

Các người không biết, không chia sẻ gì,

Không dính dáng, bận tâm chi!

Ta thấy, chấp nhận khắc ghi trong lòng:

Rằng không thì cũng là không.

Không lời, không sự, hư không; ngập bờ.

Nhưng ta vào Đợi từng giờ

Hoài nghi, hy vọng, lo và não đen

 

Trong cát và bụi xoáy cuồng, bao bọc trong những cánh buồm rách nát của xác tàu đắm của chúng ta, với nỗi buồn đè nặng nghẹt thở, thi sĩ còn muốn “trao tay ít nhất một người trong chúng ta, tin tưởng vào việc hoàn toàn nghe ra Lời Thơ, mà nó (chỉ còn) xảy ra trong trí tưởng tượng của anh …”. Nỗi đau của anh không chỉ mang theo chính anh, vì nó đã lấp đầy anh, mà chính anh cũng còn chịu đựng nỗi đau của chúng ta (từ khúc 12):

 

12

...

Cát và bụi còn thừa ra,

Cuộn tung trong cánh buồm đà rách tan

Của chiếc tàu đắm điêu tàn

Là ta, giữ bởi muôn vàn buồn đau

Không còn cảm thụ được đâu.

Những gì ta sẽ trao vào tay em,

Với niềm tin thẳm trong tim

Là lời được nhận với tim hoàn toàn,

Nhưng đó: tưởng tượng vô vàn,

Mà trong tưởng tượng không màng nghĩ ra

Nỗi buồn không mang riêng ta

Nỗi buồn của em, cũng là ta mang

 

Chúng ta không có khả năng chịu đựng Nỗi Buồn.

Chúng ta nhớ câu Thơ trong tác phẩm "In Lieblicher Blaue" của Hölderlin: "Đầy công lao, nhưng đầy chất thơ, / con người cư ngụ trên trái đất này". Ông viết nó vào thời điểm cuộc Cách mạng Công nghiệp 1.0 bắt đầu. Câu Thơ này bây giờ có thể minh họa bi kịch hiện sinh của con người trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. Chúng ta không còn sống một cách thơ mộng trên trái đất nô lệ (đã) bị bóc lột. Chúng ta không còn là "một cuộc hội thoại và không còn khả năng "nghe thấy từ nhau" (bài Thơ "Lễ Hội Hòa Bình" của Hölderlin).

Có phải người ta không còn khả năng lắng nghe ý kiến của nhau nữa - chẳng hạn được thể hiện qua việc phớt lờ cảnh báo về sự tuyệt chủng - một thảm kịch mà rõ ràng là không ai nhìn thấy và/hoặc cảm nhận được. Hay thảm kịch chính là sự phát triển của tinh thần con người chắc chắn đã mang lại tình trạng mà chúng ta hiện đang có trên trái đất và đang đẩy nó "tiến tới, tiến lên" hơn nữa, trở thành một tiến trình hội tụ về hư vô không thể tránh khỏi. Đây là số phận của con người.

Có vẻ như những câu Thơ của Hölderlin giải thích bài Thơ „WINDE" nơi đây một cách đặc biệt. Hay ngược lại chúng ta có thể nói thẳng rằng ở đây anh đã tiếp tục truyền thống Thi Ca Đức – ít nhất là trong phong cách và thể điệu của Tư Tưởng và Thi Ca theo Hölderlin. Điều này thật kỳ lạ, bởi vì tác giả viết bài Thơ này trong ngôn ngữ Đức bên cạnh tác phẩm phong phú của mình trong tiếng Việt (là tiếng mẹ đẻ): và trớ trêu thay anh lại tiếp tục truyền thống Thi Ca Đức vào trong thế kỷ 21, vào Thời Mạt Thế, khi dường như không còn ai viết những bài Thơ như vậy nữa, ít nhất là ở Đức, bất chấp sự lỗi thời hoàn toàn (và có lẽ mặc cảm lỗi thời là lý do chính?).

 

“Ta là nhiều, nhưng có nhiều thì không”.

 

Những gì được nói ở đây được hiểu như thế nào? Vâng, con người chúng ta đã trở nên đông đúc trên trái đất do gia tăng dân số. Và sẽ có nhiều hơn nữa. Đó là một thực tế rõ ràng. Tuy nhiên, “chúng ta không có nhiều”: chúng ta có rất nhiều sự vật, sự việc, sự kiện, diễn biến, chuyện thông minh sáng suốt ... chung quanh mình và với mình. Tuy nhiên, chúng ta không có Thần Tinh Huệ, không có giá trị, không có tinh thần, không có đầu óc, không có đời sống linh hồn, không có tình yêu ... nữa bởi vì tất cả những "thứ" này đã được thay thế bằng những thứ mới hơn. Và những cái mới này đều bắt nguồn từ những vật chất kỹ thuật tầm thường vô hồn, đối lập với những giá trị thiết yếu của con người trước đó, “từ cái ít ỏi còn sót lại, hiếm hoi như ngọn cỏ mùa thu trên mặt đất, nơi sự biến đổi chôn vùi, từ cát bụi trở thành cát bụi“. Đây là sự biến đổi làm nền tảng cho quá trình phát triển và thúc đẩy lịch sử nhân loại một cách bền bỉ (từ khúc 19).

 

Dần dần người đọc thấy ở đây là mỗi từ khúc về cơ bản là “bàn về một đề tài”, nhưng có một sợi chỉ xuyên suốt tất cả các từ khúc từ đầu đến cuối bài Thơ, nối liền các từ khúc với nhau. Sự tồn tại vĩnh cửu của tình yêu (từ khúc 4) được đề cập đến và câu hỏi lại được đặt ra “Phận người có tính cách Thơ?” và Lời Thơ gặp lại nhau ở từ khúc 35, trong đó một Lời xóa tan tất cả đã được tuyên ra: “Chúng ta đều là cái bình chứa vô thường. Chỉ Lời còn lại”. Câu Thơ cuối cùng đã được xoay ngược lại ở đây để làm rõ rằng tình yêu và con người là hiện sinh, cả hai đều phụ thuộc lẫn nhau và chỉ như thế phận người (mới) có tính cách Thơ, mặc dù thế, cả hai chỉ là những yếu tố nhất thời của sự phù du. Lời là di sản duy nhất của con người. Như thế điều đáng để nghi ngờ, cũng trong nghĩa tôn giáo, là câu nói "Ngay từ khởi đầu đã là Lời“. Thi sĩ viết trong từ khúc 39:

 

“Nữ vương giữ Đất thường hằng

Giờ đây vắng mặt, theo nàng là Thơ”

Điều đó nghĩa là gì? Liên hệ với từ khúc 35, người ta có thể nhận ra rằng phận người trên trái đất đã là thơ mộng, nhưng nay không còn như vậy nữa. Và sau phần giải thích về thiên nhiên (điểm 2) thì „sự vắng mặt của nữ vương bảo tồn gìn giữ trái đất“ nghĩa là gì, điều này đã trở nên rõ ràng: nếu vị thánh nữ bảo trợ này, vâng, nữ vương ấy cũng là một vị thánh bảo trợ theo nghĩa phi tôn giáo, không còn có mặt trên trần gian nữa, thì Thơ cũng không thể còn ở đó nữa. Những gì tiếp tục lưu hành ở đó, được dán nhãn là thơ, sẽ không còn là Thi Ca nữa. Cái thơ-không-Thi-Ca này, ít nhiều mang tính chất riêng tư của nhà văn, ít hay nhiều nhạy cảm, chủ yếu là trình bày diễn tả tâm trạng của người ấy, trong thời đại hôm nay chỉ còn là những giai điệu rời rạc và không định hướng của một bản nhạc đã cạn kiệt dần trong đêm.

Đây là một lời xác định chính yếu, một Lời của Thi Ca, một sự việc còn phải được suy tưởng và chiêm nghiệm sâu hơn. Điều này chạm đến câu hỏi về Thi Ca.

 

5.


Người đọc nhạy cảm sẽ từ từ cảm nhận được nỗi sầu đã lung linh ngay từ đầu, qua từng từ khúc càng trở nên rõ ràng, hữu hình và cảm thụ được qua những hình ảnh, ngôn từ, những câu Thơ như “rồi sớm đây sẽ là kỷ niệm chia tay”, „ dấu chân của một thời xa xưa, của những thời đại đã qua đi lâu rồi…” đến “như trái dừa khô trên bãi cát cháy nắng, cuộc hiện sinh đơn giản ở đó”, “…vài phút ngắn ngủi mà đã cho thấy niềm biệt ly“. Nỗi sầu ấy càng trở nên ngạt thở và lên đến đỉnh điểm ở câu thơ

 

“Một lần hay biết bao lần

Ngươi về Mạt Đất, cõi trần không quên,

Như bất cứ ai qua miền

Trần gian mà có thể quên Đất này”

(từ khúc 41).

 

Câu Thơ thoạt nghe như lời báo trước cái chết, cái chết của chính thi sĩ, nhưng cũng là cái chết của chính mỗi chúng ta, và có lẽ làm rõ hơn cảm giác cận kề cái chết, một cảm giác cuối cùng trước khi biến mất, nếu người ta còn có thể cảm nhận một cách có ý thức vào giây phút ấy.

 

Bên cạnh nỗi sầu nặng nề, tình yêu của thi sĩ lúc này có thể được nhìn thấy và cảm nhận. Ai cũng yêu cuộc sống của mình, nhưng thi sĩ yêu cuộc sống. Và anh đã yêu cuộc sống vô cùng qua bài Thơ của anh, qua từng từ khúc, lập đi lập lại qua những câu Thơ của anh mà đằng sau đó chúng ta thấy và/hoặc cảm nhận được tình yêu cuộc sống lớn lao. Hiếm thấy trong thi ca thế giới những diễn tả buồn rầu của tình yêu cuộc sống như trong những câu Thơ này, đưa người đọc sau khi đọc câu Thơ gần như dừng lại, để được tự do, tự nhiên trong cảm nhận ... và cảm thấy một nỗi buồn vốn vẫn còn lại từ xa xưa.

 

6.

Từ khúc 45, gần cuối bài Thơ, một câu hỏi được đặt ra:

...

“Cuộc đời phải rút, khi đối đầu Thi Ca?

Hay Thi Ca phải lui ra

Trước cuộc sống? Không, đời chúng ta không là”

 

Câu hỏi có tầm quan trọng chính yếu, không chỉ đối với thi sĩ, mà còn đối với nghệ thuật và trên hết là đối với nghệ sĩ, bất kể nghệ thuật nào. Một ví dụ rõ ràng chúng ta thấy được trong cuộc đời bi thảm của van Gogh. Chẳng phải anh đã bỏ cuộc sống của mình cho hội họa, không quan tâm đến bản thân, sức khỏe, thành công, thậm chí cả một người phụ nữ cũng không ... mà chỉ quan tâm đến nghệ thuật của mình, bức họa của mình? Hay Hölderlin, người trong suốt cuộc đời trần gian của mình, mặc dù đã trải nghiệm tình yêu (Diotima - Susette Gontard), nhưng cuối cùng không có cuộc sống, đã phấn đấu giằng co rất nhiều cho những bài Thơ của mình đến nỗi chúng đạt đến một độ sâu mà có lẽ khó đạt được lại trong Thi Ca, đặc biệt là trong cảnh thơ hôm nay. Hay Pessoa, người đã từ bỏ tình yêu và cuộc sống với Ofelia Queiroz yêu dấu của mình, và không chỉ thế, mà còn từ bỏ triệt để mọi thứ thuộc về cuộc sống bình thường (ngoài rượu), chỉ để tập trung sức lực, toàn bộ con người mình vào Thi Ca ("Để đạt độ lớn, hãy là hoàn toàn" - Ricardo Reis).

 

Độc giả chúng ta có thể tưởng tượng rằng câu hỏi cực đoan "hoặc - hoặc" này luôn được đặt ra, kể từ khi nghệ thuật và các nghệ sĩ xuất hiện, bởi vì nó là một câu hỏi chính yếu. Và nó sẽ tiếp tục tồn tại, cũng như câu Thơ tính vấn của Hölderlin:

 

“Và thi nhân để làm gì

Trong thời thống khổ trong kỳ điêu linh?“

 

(„Brot und Wein“ – Bánh và Rượu – NCT dịch).

 

đã gây ra tranh luận qua nhiều thế hệ nghệ sĩ vì câu hỏi cũng có thể hiểu là: “Và nghệ thuật để làm gì/Trong thời thống khổ trong kỳ điêu linh?“.

Thời Gian, trong mỗi thời điểm, tức là luôn luôn, đều điêu linh thống khổ.

Tất nhiên, không phải ai tự gọi mình là nghệ sĩ (tước hiệu này rất được ưa chuộng ở phương tây) cũng đều phải đối mặt với câu hỏi này và phải quyết định. Nhất là ở thời đại chúng ta vốn được xem như là chưa đủ khi một người (chỉ) có một công việc thôi, mà anh/chị ta phải thêm một vài chức danh công việc hay nghề nghiệp khác để tô điểm đánh bóng cho mình bằng chúng.

 

7.

từ khúc 48, ta trực diện với câu Thơ cuối cùng của bài Thơ dài, nghe như một lời xác định khiến ta ngỡ ngàng. Chúng ta trích dẫn câu Thơ ấy ở đây một lần nữa:

“Ôi hơi bụi thành thịt này

Vật chất đã biến thành đây cuộc đời!“ (NCT).

 

Đó là gì? Câu Thơ nói điều gì? Nó có nghĩa là gì ?

Đây trước tiên là một câu tuyên ngôn xác định một cách điềm tỉnh từ khoa học hiện đại - vật lý thiên văn, sinh vật học vũ trụ -. Ở đây, như một câu Thơ trong dòng chảy của bài Thơ, thi sĩ nói một điều mà đối với chúng ta như một sự mặc khải. Bí ẩn vĩ đại của cuộc sống với vô số câu hỏi đặt ra cho con người chúng ta, nhà văn hay không, với sự khó hiểu muôn thuở, bỗng trở nên đơn giản và tầm thường. Từ chuyển động vũ trụ của khí, gió, từ tương tác hóa học của các phân tử, vật chất tự nhiên hình thành, và do vô tình, vật chất phát triển thành sự sống. Vật lý trở thành siêu hình học. Và căn tính phù du (thuật ngữ phật giáo gọi là vô thường) đã chỉ rõ con đường: một ngày nào đó - một nhịp xoay ngắn ngủi của thời gian vũ trụ - siêu hình học của sự sống sẽ lại trở thành vật lý, sinh học, phân tử. Từ xác thịt và dục vọng, từ linh hồn và đau khổ sẽ trở thành than và tro, khí và bụi. Gió trần gian trở thành gió vũ trụ.

Toàn bộ siêu hình của cuộc sống - " Kích thước của vĩnh hằng có thể trải nghiệm được" (từ khúc 47) - được ghi lại ở đây trong sự đơn giản cao nhất của Lời Thơ này.

 

***

 

Trong bài Thơ này, người đọc sẽ thấy nhiều điều được nói đến và nhiều câu hỏi chưa được trả lời hoặc không thể trả lời được thông qua các chủ đề được đề cập trong các từ khúc khác nhau. Trong khuôn khổ của phần giới thiệu khiêm tốn này, chúng tôi không thể đề cập đến tất cả chúng, chỉ một số ở đây hay ở đó. Thông qua các giải thích chi tiết chúng tôi đã thử tiệm cận với những Điều-Đã-Được-Nói trong bài Thơ.

Nhiều Lời Thi Sĩ đã được viết ra, những Lời này đã làm cho tác phẩm này có hình thái của Thi Ca & Tư Tưởng. Như các tia chớp và sấm sét, những Lời Thơ đã có thể giải phóng tâm trí linh hồn và bàn tay của một nghệ sĩ như thế nào thì chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng ở Francis Bacon, họa sĩ có lẽ là quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Ý nghĩa của từ “Thi Ca” ở ban đầu của bài viết này giờ đây cũng trở nên rõ ràng hơn trong cùng chân trời với Tư Tưởng.

Những bài Thơ nổi tiếng tiêu biểu của thời cận đại không chỉ có “Le Bateau Ivre” của Arthur Rimbaud, “Les Fleurs Du Mal” của Charles Baudelaire, “Leaves of Grass” của Walt Witman, “The Waste Land” của T.S. Eliot … mà còn có “Winde” của Nguyễn Chí Trung. Bây giờ chúng ta đừng nói về bài Thơ, hãy để nó tự nói với chúng ta.

Đây là câu chuyện khám phá (trở lại) một kích thước lớn của Thi Ca thế giới.

 

Silke-Joyce - 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 84697)
Hai mươi nhăm năm. Một phần tư thế kỷ. Khi nhìn lại chặng đường vừa qua của văn học Việt Nam, người ta nhận thấy do một tình cờ, một định mệnh hay một thần giao cách cảm ...
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 19093)
Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào đòi hỏi tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc, có tầm vóc lớn lao, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958. 
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 21616)
Chuẩn bị tiễn Văn Cao rời thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội hôm mồng 5 tháng 8 năm 1993, nhà thơ Đỗ Trung Quân có đêm đã hình dung thấy ở trên trời: "Ngày mai có một chuyến bay cất cánh, tóc ông và mây, cái nào trắng hơn?".
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 20433)
Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào đòi hỏi tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc, có tầm vóc lớn lao, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 22597)
Gặp lại nhau, nhìn sững chẳng ra Em thay đổi quá, tựa sơn hà Thơ làm không kịp theo dâu biển Mắt dẫu khô mà nhớ lại hoa (Tô Thùy Yên)
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 22310)
Trần Dần mất ngày 17 tháng Giêng năm 1997. Trong 40 năm sau Nhân Văn, Trần Dần đã chỉ thấy những hòm bản thảo của mình: 2/3 bị tiêu tán, mục nát, 1/3 bị kết án chung thân trong trạng thái "nằm". Vậy mà vẫn viết. Viết đều. Bởi ông cho rằng viết hay ghi là phương pháp duy nhất để nói chuyện với mình khi không thể nói được với ai. Từ 1958, "ghi trở nên một hình phạt", người thanh niên 32 tuổi ấy đã bị "đòn ngấm quá cuống tim rồi".
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 26645)
Một trong những biểu hiện cụ thể nhất của tư duy tiền-lý thuyết là quan niệm cho lý thuyết như một bộ tín lý và cẩm nang cố định, thậm chí, bất biến. Chẳng hạn, lý thuyết sẽ cung cấp cho người ta những định nghĩa rõ ràng và dứt khoát về văn học, những đặc điểm và những chức năng quan trọng nhất của văn học, mối quan hệ giữa văn học và những lãnh vực khác như chính trị, đạo đức, v.v...
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 23739)
Truyện ngắn “ Trưa nắng Hàm Ninh ” được viết như của một nhà văn nữ ẩn danh. Khi truyện được phổ biến lần đầu ở Tạp Chí Hợp Lưu, đã có sự dị nghị về tác giả Phùng Khánh Minh, nhưng chưa ai đưa ra được bằng chứng khả tín, nên người viết vẫn viết về tác giả tác phẩm này. Bởi vì “ Trưa nắng Hàm Ninh ” là một truyện ngắn hay, mạnh và bạo, sống mà không sượng, không ngại sử dụng khía cạnh ấn dấu trong tình yêu, là bạo dâm và khổ dâm, những yếu tố không ít người tiềm tàng co, nhưng che dấu đi hoặc biểu lộ không dữ dội. Vả lại một truyện ngắn hay như thế, cũng hơi hiếm. Bỏ qua không thưởng thức, rất uổng.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 23397)
Chi tiết vốn tối cần trong văn xuôi ,đấy là điều đã được nhiều người ghi nhận . Còn làm thơ thì không vất vả thế , ở đây sức ép của các chi tiết mà các nhà văn xuôi thường phải chịu ,– sức ép ấy không mạnh , và người ta đỡ lo hơn. Thế nhưng xin đừng ngộ nhận là không quan trọng . Ngược lại không phải cốt nói một điều giật gân hoặc để trộ đời
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 115374)
Tin từ quê hương cho biết tin vui cuối cùng nguyên văn, “các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế đã hứa cấp... khoảng một ngàn mét vuông đất để xây dựng Khu lưu niệm” Trịnh Công Sơn. Tin cũng cho biết Nhà Nước, cũng như thân nhân Trịnh Công Sơn, không dính líu gì đến việc xây dựng và nội dung trưng bày khu lưu niệm này.