- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vi Thùy Linh, Nhục Cảm Sáng Tạo

13 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 23172)

Vi Thùy Linh là nhà thơ của tình yêu. Trong tập Đồng tử, có chỗ Linh đã muốn thoát khỏi tình yêu để làm thơ khác, Linh muốn làm thơ trí tuệ, thơ nhân sinh, nhưng mọi cố gắng dường như đều đưa Linh về với khát vọng tình yêu, như thể tất cả mọi con đường đều dẫn về La Mã. Tình yêu là khởi điểm trong thơ Vi Thuỳ Linh, tình yêu là nguồn sáng tạo, là địa điểm xuất phát đẩy chữ đầu thai trong một cuộc đời mới. Mỗi chữ của Linh là một đứa con, là một khai từ nở tung thành thơ, những câu thơ như những lời kinh cầu, ứa máu:

Hoa mẫu đơn e lệ nở
Khai mạc đêm từ Linh
Những đứa bé ùa về chào đời
Bắt đầu vẽ chân dung Mẹ

Trong bóng tối mới tinh, vẫn bài ca hoang dã
Tôi ứa máu những câu thơ cầu siêu
Rách cằm ngã đêm đơn độc
Khe khẽ hoa Thùy Linh nở

(...)

Làm đoá Linh mẫu đơn
Nở tận cùng đến chết

Sinh năm 1980 là bài khai từ cho tập Đồng Tử, mang tính chất khai hoa, nở nhụy, và cũng là một cách mở trải hành trình sáng tạo bằng tình mẹ. Bởi: hoa mẫu đơn e lệ nở/ khai mạc đêm từ Linh: chính là lúc người mẹ mở cửa mình cho Linh vào đời. Hai hình ảnh mẫu đơn và từ Linh tuyệt hay: mẫu là mẹ, cho nên mẫu đơn vừa là tên hoa, vừa là mẹ cô đơn; mẫu đơn lại còn có nghiã đơn sơ là mẹ, hệt như Florence, vừa là hoa, vừa là người con gái, vừa là thành phố, vừa là thành phố đầy hoa (như Sartre đã từng phân tích). Rồi đến hai chữ từ Linh, từ là bắt đầu, vậy khai mạc đêm từ Linh là từ đây bắt đầu đêm Linh; đêm bắt đầu từ Linh, cũng là đêm linh bắt đầu; đêm thiêng bắt đầu. Nhưng từ còn có nghiã là chữ, vậy câu thơ khai mạc đêm từ Linh còn có nghiã là khai mạc đêm chữ của Linh; Linh khai mạc đêm chữ. Mà từ cũng là lời, cho nên khai mạc đêm từ Linh còn có nghiã là lời Linh bắt đầu từ đây, là những đứa con tinh thần của Linh ra đời từ đây.

Đêm người mẹ sinh ra Linh, cũng là đêm của Linh. Đêm mà những con chữ tuôn ra vẽ chân dung mẹ, cũng là đêm Linh bắt đầu khai sinh cho chữ, cho thơ Linh... Một câu thơ thật đơn giản nhưng có thể bóc ra nhiều tầng ý nghiã, nhiều lớp hình ảnh, nhờ hai chữ mẫu đơn và từ Linh. Tất nhiên hai chữ mẫu đơn và từ Linh này không thể dịch được. Bởi nếu chọn nghĩa này thì mất nghiã kia (cũng như Florence) và cũng không thể tìm được một chữ tương đương trong tiếng Pháp. Chúng ta thử đọc đoạn dịch của Cao Việt Dũng:

Timidement la pivoine éclot
Ouvrir la nuit, à partir de Linh
Les enfants qui demandent à naitre
Commencent à peindre leurs mères

Dịch từng chữ không sai. Nhưng những câu tiếng Pháp không còn lung linh ý nghiã như câu thơ tiếng Việt. Chữ mẫu đơn chuyển thành pivoine, không sai nghĩa, nhưng pivoine chỉ còn vẻn vẹn là đoá hoa, và chỉ là hoa mà thôi. Chữ từ khi chuyển thành à partir de, vẫn đúng, nhưng nó chỉ là một liên từ, tức là một cái gạch nối, không hơn không kém. Bốn câu thơ (dịch) trên bị đứt thành hai khúc:

- Hoa mẫu đơn nở/ Mở cửa vào đêm, từ Linh

- Những đứa bé đòi chào đời/ Bắt đầu vẽ chân dung mẹ.

Hai khúc này không có gì liên lạc với nhau. Bởi vì chữ mẫu đơn trong tiếng Việt không chỉ là hoa, mà còn là mẹ, nhờ chữ mẫu. Và vì là mẹ, cho nên khi nở ra, mẫu đơn mới sinh con, mới có những đứa bé chào đời. Chữ từ trong tiếng Việt, không chỉ là cái gạch nối, mà nó còn có nghiã là chữ, là lời; vì thế từ chính là đứa con của Linh, là chữ của Linh: từ Linh.

Ta thử đọc lại câu thơ Việt một lần nữa: Hoa mẫu đơn e lệ nở / Khai mạc đêm từ Linh / Những đứa bé ùa về chào đời / Bắt đầu vẽ chân dung Mẹ / Trong bóng tối mới tinh, vẫn bài ca hoang dã / Tôi ứa máu những câu thơ cầu siêu / Rách cằm ngã đêm đơn độc / Khe khẽ hoa Thùy Linh nở ... Làm đoá Linh mẫu đơn / Nở tận cùng đến chết

Những câu thơ trên đây đã vẽ chân dung một đời. Đời Linh. Linh sinh ra từ đoá mẫu đơn, rồi từ Linh, mới có thơ Linh, thơ Linh vẽ chân dung Linh: một đời mẫu đơn, ứa máu cho thơ đến... chết. Tất cả những điều đó, có thể Linh đã không chủ ý viết ra, nhưng những chữ của Linh nói lên như thế, đó là vô thức sáng tạo.

Nhưng bài thơ Sinh năm 1980 không phải chỉ có thế, còn có những đoạn Linh đã muốn thoát ra ngoài tình yêu, để viết về những chủ đề khác, về thế giới luân chuyển, về cõi nhân sinh, như trích đoạn sau đây:

(...) Đỉnh yêu độc đạo
Thơ chất con đường lửa
Phóng sinh ký ức ngàn năm bất lực
Xoá bỏ ức chế yếm thế luân chuyển 

Hoà huyết di truyền đại ngàn - biển cả
Tôi tự tin dòng máu chủng tộc
Cất tiếng của tôi
Theo ý muốn của tôi

Không kiềm chế (...)

Ta thấy ngay sự khác biệt giữa tự nhiên và khiên cưỡng, những lời trên lạc loài trong thơ Linh, chúng vụng về, khẩu hiệu, chúng sừng sộ bên cạnh đoá Thùy Linh đang nở. Những lời cường điệu như thế rất hại cho thơ, nhiều chữ chưa kịp tan trong dung môi nghệ thuật. Tập Đồng Tử bị chia đôi như thế: phần lớn những bài thơ hay nằm trong phần III, viết về tình yêu. Những đoạn thơ trí tuệ của Linh có nhiều câu không tự nhiên, dùng những chữ lớn mà rỗng. Có những câu thơ rất hay, bị lạc trong rừng rậm, um tùm những câu tầm thường như "hối hả khai hóa miền cằn cỗi để hồi quang trinh bạch, hối hả ôm chặt ngưòi đàn ông mong đợi", hoặc cường điệu như "đỉnh yêu độc đạo", "thơ chất con đường lửa", đôi khi mang ý tưởng cực đoan như "tôi tự tin dòng máu chủng tộc", chủng tộc thì có gì đáng nói ở đây? Sự suy tôn chủng tộc luôn luôn đưa con người đến những vực thẳm không lường được.

Đó cũng là nhược điểm chung của một số nhà thơ trẻ có tài, những poète-né, bẩm sinh, như Vi Thuỳ Linh, như Lynh Bacardi... nhưng chưa biết hoặc chưa kịp nhặt những câu thơ hay của mình ra khỏi dòng lũ ban đầu.

Hoàng Cầm, Lê Đạt đều đã kinh nghiệm thấy dòng lũ đầu ta cứ ghi, ghi hết, nhưng sau phải "travailler" lại tức là phải sửa, phải gạn lọc và tuyển chọn những câu nào hay nhất, những câu nào xứng đáng là thơ, mới giữ lại. Thời kỳ gạn lọc này mới thật vất vả, nó chứng tỏ sự nhậy cảm của người nghệ sĩ qua sự tự phán tác phẩm của mình. Bởi dù tài tình đến đâu, tất cả những gì viết ra, chưa chắc đã là văn, là thơ, mà còn phải phiên lọc lại qua giác quan nghệ thuật nữa.

Trở về với thơ Vi Thùy Linh, những câu thơ hay của Linh đều có tình, đều nặng tình, đều trữ tình, đều được tạo nên từ tình, một thứ tình cảm lãng mạn da thịt, đến cuồng si. Tình yêu trong thơ Linh là một thứ tình yêu không bao giờ đạt đích, một thứ tình chưa tìm tới bến, mà càng lao vào, càng mù mịt đơn côi. Tình yêu trong thơ Linh là thứ tình chưa thỏa, và chẳng bao giờ được thoả. Là sự phiêu lưu không bến, là liều lĩnh, là đi bể không kim chỉ nam:

Một mình trên thuyền với cánh buồm đỏ như trái tim căng trong lồng ngực

Vừa làm thuyền trưởng vừa là thủy thủ
Người không biết bơi liều mạng ra khơi ...
Kim la bàn theo hướng linh giác...
Hải âu lượn trong mắt biếc
Anh phía tâm ước của em
Thuyền dâng đỉnh sóng

(trích bài Say nắng).

Như thế, hướng Linh đi là hướng Anh, chữ Anh bao giờ Linh cũng viết hoa và giải thích đó là hướng tâm ước của em. Những chuyến đi của Linh là những chuyến căng buồm ra khơi của một kẻ liều mạng không biết bơi mà cứ lao mình vào biển cả.

Đường thơ là đường đời. Chẳng gần gụi cũng biết Vi Thùy Linh, người con gái ấy liều lĩnh, bản năng, tha thiết, là ốc đảo cô đơn, là con thuyền lao bừa lên đỉnh sóng.

Từ sự ra đi bất cần định hướng ấy, miễn có ảo ảnh là Anh, người con gái ấy đã tạo ra những câu thơ xuất thần, như:

Cắn giập cuống chiều
Bốn bề gió thốc
Nắng đen mặt người
Đất như ngừng thở
Khóc cười mệnh bạc
Em vẫn tìm Anh
Tìm trong bóng đêm
Tìm ngày rát nắng
Hơi thở cũng lạnh
Mặt trời mặt trời...
Ngày thì nhật thực
Đêm thì nguyệt thực
Sông thành sa mạc
Anh thì hư vô
Em quên tất cả
Quên cả tên mình
Quên cả tuổi mình
Quên cả lối đi
Chỉ còn nhớ Anh
Nam mô a di đà...

(trích Nhật thực).

Sự xông vào Anh gây sửng sốt và ái ngại. Một hình ảnh lạ lùng: "Cắn giập cuống chiều". Đừng lầm là cắn giập cuống chiếu ( J’écrase des dents les brins de natte) như Dương Tường dịch. Tất cả sức mạnh của câu thơ nằm trong chữ giập và tất cả bao la của câu thơ nằm trong chữ chiều, táo bạo khác thường. Chữ chiều đã dựng nên tầm vóc câu thơ và nhà thơ: nếu cắn giập cuống chiếu chỉ là hành động tầm thường, nhỏ nhoi của người con gái hờn dỗi, thì cắn giập cuống chiều là ý thức siêu hình, đưa nàng vào với thời gian và không gian, làm cho nỗi nhớ, nỗi thống khổ trở thành bao la bất tận. Làm sao cắn được chiều, lại còn cuống chiều nữa, một hình ảnh siêu thực tuyệt đẹp chưa từng thấy. Rồi từ chữ chiều phù thủy ấy, bài thơ đi thật nhanh, như những lời niệm Phật, nhưng không niệm với tốc độ ni cô mà là tốc độ của gió, của lốc, của lũ, dồn dập bão táp. Lời thơ đi vào không gian, đến với vũ trụ, làm đen mặt trời, nhật nguyệt hoang loạn, huyền ảo, chúng ta đọc lại lần nữa, đọc thật nhanh: Cắn giập cuống chiều / Bốn bề gió thốc / Nắng đen mặt người / Đất như ngừng thở / Khóc cười mệnh bạc / Em vẫn tìm Anh / Tìm trong bóng đêm / Tìm ngày rát nắng / Hơi thở cũng lạnh / Mặt trời mặt trời.../ Ngày thì nhật thực / Đêm thì nguyệt thực / Sông thành sa mạc / Anh thì hư vô / Em quên tất cả / Quên cả tên mình / Quên cả tuổi mình / Quên cả lối đi / Chỉ còn nhớ Anh / Nam mô a di đà...

Nếu Nhật thực là trạng thái khủng hoảng vì yêu, đụng đến tâm Phật, đến độ nhật nguyệt phải hoảng sợ thối lui, tất cả đều chạy, đều biến mất đi, đất trời ngưng thở, thiên nhiên biến dạng, con người hư vô, con người mất trí... thì bài Cất giấu bày ra một bối cảnh tĩnh lặng, câm nín, tất cả đều tồn tại trong trạng thái vô âm, đau xót đến bàng hoàng:

...Anh đi xiên qua em- bóng nghiêng đơn độc
Những mùa tuyết buông mình vì sự trong trắng của em
Đàn chim di thê mải miết tìm phương ấm
Em một mình với khu vườn câm

Câm tiếng hoa- tiếng chim hót sương rơi- tiếng lũ sâu cựa mình trong lá- bầy giun hành quân giữa các luồng rễ -những quả trứng thằn lằn vất vưởng -tiếng quả đang chín lệch mùa

Tất cả bị câm khi em giam tiếng khóc sau cánh môi cắn chặt...

Em như mùa thu đi
Lá vàng theo lối tóc
Anh mong đến Xuân gần nhất
Mưa mọc theo theo đường cây
Khu vườn không bao giờ câm tiếng nữa...
Hãy giấu em vào cơ thể Anh!..

(Cất giấu).

Nỗi đau cất giấu âm thầm trong tâm não, là những giọt nước mắt không rơi ngoài tim mình như lời thơ Thanh Tâm Tuyền. Đây là lời gọi của Lolita đầy nước mắt: Hãy giấu em vào cơ thể Anh! Đây là cõi tĩnh lặng bão tố: em giam tiếng khóc sau cánh môi gắn chặt. Những chữ giam, chữ giấu, thật đắt giá, chúng lũy thừa đớn đau, lũy thừa tuổi thơ, chúng làm nổi bật toàn bộ cái không gian tuyệt vọng, không gian bị nhốt, không gian bị câm, cỏ cây muôn vật á khẩu. Trong không gian tật nguyền ấy chỉ còn lại một mình Lolita ngồi im, lẩm nhẩm đếm thầm trong đầu: em một mình với khu vườn câm/ câm tiếng hoa / tiếng chim hót/ sương rơi/ tiếng lũ sâu cựa mình trong lá / bầy giun hành quân giữa các luồng rễ/ những quả trứng thằn lằn vất vưởng/ tiếng quả đang chín lệch mùa/ tất cả bị câm khi em giam tiếng khóc sau cánh môi gắn chặt/ hãy giấu em vào cơ thể anh... Hoạt cảnh câm này là một bản nhạc buồn huyền bí, nhạc vô âm, nhạc không lời, nhạc thầm của tiếng sâu cựa mình, của tiếng quả chín lệch mùa, của tiếng giun hành quân, nhạc tâm linh đã đạt đến cực điểm nhức nhối: vì tiếng khóc bị giam, cho nên nó mới tiết ra những tiếng đau bên trong, tiếng đau thầm nín, như thế. Thơ Linh đặc biệt vì có những tiếng câm như vậy. Bài Solo có một tiếng câm kinh hoàng khác, trong một hoàn cảnh khác:

"Tiếng ú ớ làm tôi ớn lạnh
Sao người câm không cam phận bặt âm?"

Tiếng ú ớ của người câm đã đành là tạo trong ta sự thương cảm, nhưng chính câu hỏi: sao người câm không cam phận bặt âm? mới làm ta ớn lạnh tâm hồn. Sự cam phận im lặng của người câm là tự nhiên, nó đã trở thành luật; nhưng chính chữ sao ở đầu câu đã làm cho cái luật vững như bàn thạch ấy bị đặt dấu hỏi. Chữ sao ấy vừa là niềm tuyệt vọng tối hậu, vừa là sự cam phận cuối cùng: cam phận bặt âm; nhưng nó cũng khơi nên niềm hy vọng bởi còn có người dám đặt câu hỏi về cái luật oan khiên ấy. Trong không khí hiện tại mà Linh và các bạn cầm bút trẻ đang sống, câu hỏi này vừa quyết liệt, vừa là cội rễ của tất cả những câu hỏi khác về nhân quyền, về sự cam phận nhắm mắt đưa chân, về sự phục tùng vô điều kiện.

Rồi sau đó Linh viết:

"Ngày ướm đêm giục em tận hiến
Chảy sâu vào em nguồn nóng thiêng liêng
Nàng gọi đôi từ căn phòng đơn độc
Mưa ấm lên bầy chim về lại
Cánh rừng dẻ nẩy hạt từ tâm
Bầy đom đóm cầu may trời sao sáng
Người câm vẫn ú ớ kinh hoàng...
Em giấu anh toàn bộ nước mắt mình
Còn lại tất cả em và tình yêu-Anh thu nạp
Tình yêu cứu vớt chúng ta khỏi đau thương, đớn hèn và tha hoá
Cả thành phố bỗng lộng lẫy nhiệm màu như bài thơ đá trắng
Không solo... 

Tiếng tình trong tâm người đàn bà trẻ này là những tiếng đau thống thiết, tiếng đau như đến từ thế kỷ trước, chất lãng mạn tràn đầy, nhưng cái đau này không platonique, không yêu chay, đau chay, như trong thơ lãng mạn, mà là cái đau của thịt da bị hối thúc, bị đòi đoạn, bị khẩn trương, cấp thiết:

Đỡ lấy em, khắp trần gian những chuỗi nước mắt
Vẫn tìm Anh suốt dọc thanh xuân những tinh mơ những chiều lạnh lẽo
Vẫn tìm Anh giấc em hoảng hốt...
Những ngón tay chìa khóa mở chiêm bao
Những ngón tay cóng buốt cào vào cằn cỗi...
Những con chữ nẩy hạt dưới da
Những con chữ hòa máu em vào Anh
Khao khát mở đường cong hợp cẩn
Một ngày ra đi như Anh
Nhiều năm ra đi như Anh
Làn môi thành làn nước...
Chúng ta trằn trọc đếm đêm
Chúng ta nuốt khan tiếng rên...
Chúng ta nối vào nhau, bí ẩn và hoang lộng.

(Trích Mùa tình)

Cái đau tình yêu đã giao hợp với cái đau sáng tạo, trong một cuộc làm tình thống khổ chưa bao giờ thấy: Những ngón tay chìa khóa mở chiêm bao/ Những ngón tay cóng buốt cào vào cằn cỗi... Những con chữ nẩy hạt dưới da / Những con chữ hòa máu em vào Anh / Khao khát mở đường cong hợp cẩn. Và cái đêm hợp cẩn này kỳ lạ, kinh hoàng: nó là sự giao thoa giữa khoái lạc hợp cẩn và sự đớn đau rách da rách thịt của người mẹ lúc lâm bồn, khai sinh con. Con-Chữ. Cho đến nay, chưa có nhà thơ Việt nào đã tạo được những chiều kích sâu xa đến thế về sự khai nhụy, nở hoa trong tình yêu và sáng tạo. (Chú thích: câu đầu, chính của Linh là: Những ngón tay chìa khoá tự mở chiêm bao, chúng tôi thấy chữ tự không cần thiết và làm nặng câu thơ, nên đã mạn phép Linh tạm bỏ chữ tự đi).

Thơ tình của Linh, do đó, không chỉ là thơ tình, ngay từ bài đầu trong tập Đồng tử (sinh năm 1980) đã là bản tuyên ngôn: thơ là sự hợp cẩn giữa tình yêu và sáng tạo, trong thống khổ và hạnh phúc. Linh còn làm đổi giống những biểu tượng vĩnh cửu: người ta thường gọi Em là nàng thơ. Bây giờ chàng thơ của Linh là Anh, và Sáng tạo là một cuộc làm tình thống khổ đầy nước mắt:

Ước gì nước mắt tạnh!
Ước gì em dệt Anh (Valentine)

Còn lời ước nào đớn đau hơn Ước gì nước mắt tạnh! Còn cứu cánh nào tinh túy và lớn lao hơn Ước gì em dệt Anh! Đó là cứu cánh sáng tạo: Anh, chính là chàng thơ, chính là nguồn sáng tạo của Linh, Vi Thuỳ. Anh do Linh sáng tạo ra, nhưng Anh cũng là mục đích cuối cùng mà Linh chưa đạt tới. Anh là cái gì không bao giờ Linh đạt tới, bởi nếu Linh đạt tới thì sẽ chấm dứt. Nếu Linh đạt tới mục đích sáng tạo, thì Linh sẽ không làm thơ nữa, Linh không sáng tạo nữa. Cho nên suốt đời Anh sẽ làm kim chỉ nam, gợi Linh toát ra những lời thơ đầy nhục cảm:

Cô đặc em đêm đen
Cóng đường môi thở.

Anh là niềm yêu không bao giờ thoả, là nhục cảm cô đọng, nhục cảm bị dằn lại, cóng lại, bị nén xuống, nhưng không cam phận bặt âm:

Chúng ta trằn trọc đếm đêm
Chúng ta nuốt khan tiếng rên (Mùa tình).

Linh, Lolita khờ dại, hung hãn xông vào Anh trong tư thế chiếm đoạt vô thức. Linh tạo ra nhục cảm sáng tạo mà tình và chữ, nhục dục và ngôn ngữ hoà tan trong động thức tình yêu. Nhục cảm sáng tạo từ Linh, sẽ còn ngây thơ, quẫy động, đầy nước mắt, mãnh liệt không chịu nhượng bộ bất cứ một áp lực đạo đức hay chính trị nào. 

Thụy Khuê
Tháng 5/2006

 
(trích bài Sinh năm 1980).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 39378)
T ruyện của Cung Tích Biền là vậy, rất kén người đọc, nhiều khi sẽ rất khó hiểu và không hợp “gout” với loại bạn đọc chỉ muốn tìm những truyện tình lãng mạn để tiêu khiển thời gian. Truyện của ông luôn làm người đọc hoang mang, dằn vặt, thao thức và sốt.
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 39078)
Chưa khi nào, từ lúc vung khẩu hiệu Hữu nghị Việt-Trung, Đảng cầm quyền ngậm đắng nuốt cay 16 chữ vàng như lúc này. Bao nhiêu khiếp nhược quỵ lụy dâng đất dâng thác với ôm hôn thắm thiết, vô ích. Đàn áp dân biểu tình chống Tàu để chứng tỏ hòa hiếu, vô ích. Gửi sĩ quan Việt sang cho Bắc Kinh tập huấn, ưu tiên các dự án thầu cho công ty Trung quốc, ngay cả chấp nhận điều kiện mai hậu nguy hiểm: cho phép Hoa kiều sinh sống đông đúc không cần chiếu khán trong các đặc khu, vẫn vô ích .
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37068)
T hế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. {Bây giờ} Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30728)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34076)
L ê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh với một phong cách riêng và có một số khám phá về kỹ thuật được nhiều người khen ngợi. Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh, tham gia cả hàng chục cuộc triển lãm cá nhân cũng như tập thể tại Úc và một số nơi trên thế giới. Lại được nhiều nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật, như Tiến sĩ Annette Van den Bosch và Merrill Findlay, khen là độc đáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34799)
Ngô Tất Tố là một trong những tác gia nổi tiếng nhất của trào lưu hiện thực phê phán trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Những năm 30, 40 thế kỷ XX ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm như tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng , phóng sự Việc làng, Tập án cái đình , truyện ký lịch sử Trong rừng Nho, Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Lịch sử Đề Thám …
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34568)
...biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách...
15 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 36481)
N hìn vào một tập san quân đội, trông thấy sức mạnh của quân đội ấy...
13 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34454)
Truyện của Phạm Ngọc Lương tỏa ra một không khí, thoáng tưởng dịu dàng, nhưng đọc kỹ thì thật sự kinh hoàng: pha trộn giữa điên và thực về cái chết. Ba cái chết: chữ chết, môi trường chết và đạo đức chết ...
29 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 69085)
LTS: Giáo sư/Tiến sĩ Sokolov là một nhân vật quen thuộc với giới nghiên cứu và văn gia Việt Nam. Ông từng nghiên cứu ở Việt Nam từ đầu thập niên 1970, và sau đó trông coi phần Việt ngữ của nhà xuất bản Sự Thật [Pravda]. Trong số những tác phẩm được biết nhiều nhất của ông có tập Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, được dịch in tại Hà Nội–công bố nhiều tài liệu quí về Đại Học Phương Đông, nơi hơn 50 học viên Việt đã được huấn luyện trong hai thập niên 1920-1930.