- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Không Gian Sống Và Ngôn Ngữ Hội Hoạ Của Lê Thánh Thư

28 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 26970)

ltt-livingspace_0_300x123_1

Khi chọn chủ đề của tranh là "không gian sống" (living space), chắc chắn Lê Thánh Thư đã chọn cho mình một hướng sáng tác, đã xác định thái độ và mối quan hệ của anh, người nghệ sĩ, đối với sự vật, với cuộc sống, những gì đã và đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, ở trước mắt, ở chung quanh và cả trong tâm hồn.

Hướng cái nhìn vào thế giới, vào cuộc sống ở chung quanh là tất yếu đối với những ai làm công việc sáng tác nghệ thuật. Nhưng chọn một vị trí, một cách nhìn để soi sáng sự vật,để truy tìm ý nghĩa, và từ đó tìm ra cách thể hiện, tìm ra ngôn ngữ riêng cho nghệ thuật của mình, lại là nỗ lực cá nhân trong ý thức sáng tạo của Lê Thánh Thư.

Cái " không gian sống" của Lê Thánh Thư thực ra không rộng lớn, bao la như khi người ta nghĩ về một thế giới của con người trên hành tinh trái đất, một hành tinh giữa muôn triệu hành tinh trong vũ trụ. Cái " living space" của anh chỉ thu hẹp trong bầu không khí anh hít thở, trong thế giới anh bắt gặp, nghe nhìn, sờ mó, nắm bắt để mơ mộng, tư duy, vui, buồn, cười, khóc.Trong thế giới đó có hoa lá, cây cỏ, ruộng vườn, sông núi, chim chóc, thú vật, có đô thị, phố phường, hàng quán, cờ quạt, đèn đóm, biển hiệu.Và con người…con người…những bóng dáng, những hình hài, những thân thể. Con người được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả góc tối nhất trong tâm hồn. Con người được khắc chạm lỗ chỗ, méo mó, liêu xiêu, mờ nhạt…những bóng ma…Con người được mã hóa thành những ký hiệu, những đường, những vạch. Đây là thế giới không rạch ròi, không hoàn chỉnh, rối rắm. Cái thế giới đó phức tạp nhưng cũng đơn điệu, ồn ào nhưng cũng tĩnh lặng.Vì,đối với Lê Thánh Thư, có thể tất cả chỉ là "still life".

Khi cuộc sống đang ở trên ranh giới giữa sống và chết, thì mọi thứ trở nên nhập nhằng, khó xác định không gian, thời gian, kể cả hình thể, màu sắc, bố cục. Lê Thánh Thư vẽ tranh trừu tượng.Nhưng trong "không gian sống", người ta khó xác định được tranh của anh hữu hình hay trừu tượng. – Trong sáng tác điều này không quan trọng, nhưng để hiểu tranh của Lê Thánh Thư, phải xét đến khía cạnh ngôn ngữ trong tranh của anh. Ngoài những bức tranh vẽ sen, có hình thể rõ ràng, những bức được đặt tên " living space", nhìn tổng thể có thể xem là tranh trừu tượng, nhưng soi kỹ vào từng họa tiết,ta thấy vô số hình người,vô số đồ vật. Những đàn ông, đàn bà, đứng, ngồi, gồng gánh, mua bán, những áo quần, xe ba gác, nhà thờ, thùng bộng, bàn ghế, những con số, những hàng chữ, những bia, cà phê, cơm phở, khoan cắt bê tông…Tất cả đều được lấy từ cuộc sống thực. Cái thế giới trừu tượng của Lê Thánh Thư ngày nào đã làm ta thích thú với những đường nét, màu sắc sinh động, huyền ảo, nay đang chuyển dần, lấy lại đường nét, hình thù của cuộc sống thực. Chỉ khác là hiện thực được đưa vào trong tranh ở dạng đơn giản, ước lệ, là những mẫu hình vẽ những con thú,những đồ vật thường thấy trong đời sống văn hóa dân gian.Ngay cả con người hay những đồ vật lớn như nhà thờ cũng được anh đưa vào trong tranh dưới dạng giản lược bằng một vài nét sắc nhọn,không phải là những hình thể thường thấy trong hội họa mà chỉ là những ký hiệu.Trong "không gian sống", Lê Thánh Thư cũng không sử dụng nhiều màu sắc. Đen, trắng, đỏ là ba màu chủ đạo trong tranh của anh. Thỉnh thoảng anh mới sử dụng một mảng lớn màu đỏ, vàng, hoặc màu xám nhạt, nhưng chỉ để làm nền.Anh cũng sử dụng màu dưới dạng monochrome (đơn sắc). Trên thực tế khi vẽ đợt tranh "không gian sống", Lê Thánh Thư không chú ý đến hình thể,màu sắc và ngay cả bố cục tranh anh cũng tỏ ra dễ dãi một cách có dụng ý. Lê Thánh Thư thực sự đã không vẽ cái đẹp, nhưng những gì anh vẽ trong tranh là để hướng đến cái đẹp.Bức tranh không bộc lộ cái đẹp mà gợi mở, thúc giục ta hướng đến cái đẹp. Tranh trở thành biểu tượng, và là thông điệp truyền đến mọi người ý niệm chân- thiện-mỹ bằng thứ ngôn ngữ riêng của nó. Picasso, trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói : "Mỗi tuyệt tác khi ra đời đều chứa bên trong nó một số cái xấu. Cái xấu đó là dấu hiệu cuả cuộc đấu tranh của người sáng tạo để được nói một điều mới bằng một phương thức mới" ( Chaque chef-d’oeuvre est venu au monde avec une dose de laideur en lui.Cette laideur est le signe de la lutte du créateur pour dire une chose nouvelle d’une facon nouvelle). Liệu Lê Thánh Thư có trải qua những trải nghiệm như thế trong sáng tác khi anh đưa vào tranh hình ảnh cuộc sống dưới dạng giản lược cao độ đến chỉ còn là những ký hiệu, khi tranh của anh vượt ra ngoài khuôn khổ ngôn ngữ hội họa thông thường? Có thể còn quá sớm để nói rằng Lê Thánh Thư đã khai mở một cung cách mới trong sáng tác mỹ thuật. Nhưng quả thực Lê Thánh Thư đã làm điều lạ thường khi đưa cuộc sống xung quanh mình vào tranh bằng thứ ngôn ngữ mang tính cách ký hiệu như thế.Cái thế giới được mô tả trong tranh của Lê Thánh Thư, do đó, có nội dung mang ý nghĩa truyền thông về cái đẹp đã bị khuất lấp,bị che giấu,cái đẹp khắc khoải trong tâm thức của ngưởi nghệ sĩ.

Với cuộc triển lãm tranh "không gian sống", Lê Thánh Thư đã ghi một dấu ấn sắc nét trên bước đường tìm kiếm sáng tạo của mình. Người xem tranh chia sẻ với anh những cảm xúc cuộc sống theo cách nhìn trần trụi nhưng rất thực của anh. Đối với Lê Thánh Thư cuộc sống vừa là mục tiêu vừa là chất liệu sáng tạo. Anh đã làm việc rất nhiều để tìm cho mình một con đường riêng trong sáng tác hội họa. "Không gian sống" đã mở ra cho anh con đường đó với những tín hiệu lạc quan. Nhưng để tất cả trở thành một giá trị cần phải có thời gian. Chắc chắn Lê Thánh Thư sẽ đạt được điều anh mong muốn.Vì anh giàu khát vọng sáng tạo.

HỒ TỊNH TÌNH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 9575)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9562)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 11423)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 10305)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 10348)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 10370)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9674)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 11075)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9851)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10516)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.