- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

QUAN HỘ ĐÊ BẮC THÀNH LÊ ĐẠI CANG

25 Tháng Năm 20226:30 CH(Xem: 7797)
QUAN HO DE

QUAN HỘ ĐÊ BẮC THÀNH LÊ ĐẠI CANG     

Mai An Nguyễn Anh Tuấn     

 

Cách đây mấy năm, trong khi làm phim tài liệu chân dung “Lê Đại Cang - nhân cách bậc quốc sĩ”, nhà báo - Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa đã đưa tôi tới sông đào Ngũ Huyện Khê để ghi hình ảnh bộ cho phim này.

 

Ngũ Huyện Khê là một chi lưu của sông Đuống, bắt nguồn từ địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội và đổ vào sông Cầu tại thành phố Bắc Ninh. Sau đó, tôi đã lang thang bằng tàu thuyền là chủ yếu, đi dọc sông Hồng và một vài đoạn sông nhánh quan trọng đến với các làng xã truyền thống vùng châu thổ Hà Nội, để mong tìm được dấu vết của cụ Lê Đại Cang thời được vua Minh Mệnh sung cho chức “Quản lý Nha Đê chính Bắc thành", mà theo một số tư liệu thành văn và truyền miệng, cụ đã được một vài nơi tôn làm Thành hoàng làng...

 

Trên dòng sông Hồng, tức sông Cái, tôi đã suy ngẫm nhiều về hành trạng của Quan hộ đê Bắc thành Lê Đại Cang. Đây là dòng sông mà từ hồi đầu thế kỷ XX, nhà địa lý học nhân văn người Pháp Pierre Gourou đã nhận định: “là con sông chủ yếu của Bắc Kỳ; chính nó đã tạo ra châu thổ bằng phù sa và chính nó luôn luôn đe doạ châu thổ khi tràn ngập. Sông Hồng chảy qua châu thổ như một kẻ xa lạ đáng sợ chứ không phải như một ngưòi cộng sự hữu ích, đó là do sự hung dữ và những trận lụt lớn của nó” (Người nông dân châu thổ Bắc kỳ  - Nxb Trẻ, 2003).

 

Vùng châu thổ sông Hồng trong hàng nghìn năm đó đã tạo ra một nền văn minh từng toả ánh sáng ra các quốc gia lân cận, và được các nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín trong nước và nước ngoài mệnh danh là: “ Nền văn minh lúa nước” hay “ Nền văn minh sông Hồng”. Trên cơ sở sự phát triển của Văn minh sông Hồng, từ hàng ngàn năm về trước, những Nhà nước đầu tiên của lịch sử Việt Nam - như Văn Lang và Âu Lạc đã lần lượt được khai sinh. Các nhà nghiên cứu cũng không ngần ngại khẳng định rằng: Văn minh sông Hồng là nền văn minh dựng nước, là nền văn minh đầu tiên xây dựng và khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam.

 

Để tồn tại, ông cha ta đã tiến hành chinh phục châu thổ, một trong những sự nghiệp đó là quai đê, lấn biển. Cả một hệ thống đê điều khổng lồ dài đến gần 2.000km, công trình đắp bằng tay kéo dài trong nhiều thế kỷ! Không những đắp đê để ngăn lũ của các dòng sông, xây dựng những công trình thuỷ lợi vĩ đại, ông cha ta còn đồng thời tiến hành đắp đê ngăn sự xâm lấn của nước biển để bảo vệ những cái nôi của châu thổ. Cạnh đó là những cuộc lấn biển hối hả để mở rộng châu thổ… Công cuộc chinh phục các dòng sông và biển cả quả là một bản anh hùng ca tráng lệ, đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa con người với nước lũ, biển cả, bão tố, úng ngập, hạn hán, và biết bao biến cố khác của thiên nhiên, của lịch sử. Từ 2.500 năm trước đây, những trận lũ lớn của sông Cái còn là thiên tai không kiểm soát được, nhưng vào đầu công nguyên, con người đã bắt đầu đắp đê ngăn lũ, phù sa dày đặc trong nước lũ đã lắng đọng tạo nên những bãi mật phù sa- theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là thời kỳ đã ra đời thần thoại Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh…

 

Tính nết ghê gớm của sông Mẹ xuất hiện khi mùa mưa lũ đến. Lũ về, nước sông chảy xiết, dòng nước đục ngầu phù sa, cuốn phăng tất cả những gì có thể. Một nhà khí tượng thuỷ văn đã cho biết: lũ sông Hồng có ba tính chất nguy hiểm với con người. Trước hết là có nhiều con lũ trong cùng một mùa nước lên, khiến cho con người vất vả để thích nghi với mức nước lên xuống trong canh tác nông nghiệp. Thứ hai, lũ sông Hồng vận chuyển một khối lượng nước rất lớn, do mưa to và dốc cao, những khối nước đó sẽ tràn ngập cả châu thổ nếu như chúng không bị ngăn lại kịp thời. Người dân sống hai bên bờ sông Mê Kông thì dễ thích nghi được với lũ của sông Mê Kông vì lũ của nó rất chậm và rất đều đặn, thậm chí họ còn có thể trồng được một thứ lúa nổi mọc theo mực nước dâng lên. ở Bắc Kỳ thì đồng ruộng, hoa màu luôn bị đe doạ bởi con sông Cái chảy xiết (từ 2m đến 3m một giây vào thời điểm có lũ), và có những biến động đột ngột bởi sông bị kẹp giữa những ngọn núi cao có sườn dốc đứng cho đến khi nó vào châu thổ. Người dân châu thổ tưởng tượng cái sức mạnh ma quái của nước sông Hồng bằng những thần tượng như: Long vương, Hà bá, Thuỷ tề, Bạch xà, Thuồng luồng… khi hầu như không làm chủ được nó, và đôi khi còn lập đền thờ các lực lượng siêu nhiên ấy ở bên sông để mong kìm bớt cơn giận dữ khủng khiếp của nước lũ. Trong ký ức của nhiều người dân châu thổ Bắc Bộ vẫn còn in đậm hình ảnh những ngôi nhà đổ sụp khi sóng sông ào tới, từng cụm làng xóm trôi dạt, những gốc cổ thụ bật gốc cuốn đi trong cơn xoáy lũ, những bàn tay phụ nữ con trẻ chới với trong dòng nước đục ngầu gầm réo, đồng lúa ruộng màu bị cướp trắng trước cặp mắt ưá lệ đau đớn xót xa… Những con đê mồ hôi xương máu của biết bao người đã nhiều khi không chịu đựng được sức tàn phá của thuỷ thần. Có thể tạm thống kê: đời Trần Thái tông vỡ đê kinh thành. Năm 1269 vỡ đê Cơ Xá, và từ năm đó đến năm 1393 vỡ đê 16 lần- điển hình là trận vỡ đê Bát Tràng năm 1352. Năm1729 vỡ đê ngập lụt cả hai huyện Văn Giang, Văn Lâm. Đời Tự Đức vỡ đê Văn Giang 18 lần. Trận lụt năm Qúy Tỵ 1893, cả vùng đồng bằng Bắc Bộ chìm ngập trong nước bạc mênh mông… Nhưng đê vỡ, lại tiếp tục việc hàn đê! Hết đời này qua đời khác, người dân châu thổ không chịu đầu hàng lũ lụt, họ đã oằn mình ra để quai đê, hàn đê ngăn lũ không mệt mỏi… Không ít người ngày hôm nay vẫn còn lưu giữ trong ký ức của mình hình ảnh kinh hoàng của một thời:Tiếng trống ngũ liên thúc hối hả, tiếng kẻng canh đê, tiếng quát tháo của tuần đinh, cảnh nhốn nháo như ong vỡ tổ, những ngọn đuốc đỏ rừng rực từng đoạn sông, người dân châu thổ mồ hôi chan nước mắt chân cắm trong đất, tay ken vào nhau làm bức tường chắn sóng… Nhiều thế hệ cha ông đã đắp đê ngăn nước tràn vào làng mạc. Không kể tuyến đê trên các con sông khác, hệ thống đê sông Hồng riêng nó đã dài tới 1.650km. Đó là một công trình lặng lẽ mà vĩ đại không kém bất cứ một kì quan nào… Nhà thơ Võ Văn Trực đã viết về con đê ngàn đời ấy bằng những dòng như sau: “Hòn đất ở dưới tận cùng đáy đê là hòn đất đắp từ đời Lý. Hòn đất đắp trên cùng mặt đê là hòn đất đắp trong thời đại mới. Mười bốn mét chiều cao con đê là cả một bề dày lịch sử được kết dính bằng bùn, mồ hôi, nước mắt và máu. Cả khi trời quang mây tạnh, cả khi gió táp sóng xô, con đê kiên gan đứng im với một tình yêu thầm lặng! …” (Thượng nguồn và châu thổ, Nxb Thanh niên). Không biết đê dọc sông Hồng được đào đắp từ bao giờ, chỉ biết sử ghi chép đời Lý Nhân Tông năm Mậu Tí 1108 đắp lại đê Cơ Xá, như thế từ trước đã có đê và ngót 1.000 năm nhân dân đã tôn tạo thêm sự vững chãi của đê sông Mẹ dài trên 2000km! … Ngoài đê sông, dân ta còn đắp đê biển. Năm 1248, vua Trần Thái Tông khuếch trương việc trị thuỷ sông Hồng, hạ lệnh đắp một hệ thống đê gọi là đê Đỉnh Nhĩ, chạy từ đầu nguồn tới bờ biển phòng nước lụt sông Hồng và đặt chức Hà đê chánh, phó sứ trông coi đê điều. Nhưng Thăng Long vẫn không tránh khỏi bị lũ lụt, nhiều lần nước tràn vào Hoàng thành. Năm 1243 đê Đại La thành bị vỡ... Từ thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), việc xây dựng đê điều ngăn nước mặn đã được tiến hành, cho đến thời Nguyễn Gia Long thì lần đầu tiên đạt tới độ quy mô lớn với Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Như vậy là, dòng sông, luỹ đê và công sức của con người đã tạo ra một vùng châu thổ rộng lớn đến một ngàn năm trăm kilômét vuông và hàng năm nhận được một lượng phù sa khổng lồ. ở đây, chúng ta lại cần nhắc đến P. Gourou, người tiên phong của ngành Nông dân học thế giới, một nhà khoa học Pháp rất am hiểu châu thổ sông Hồng và có cảm tình với người nông dân Việt nam, song ở một công trình viết về thổ nhưỡng Đông Nam Á, ông lại có một nhận định vội vàng: do việc đắp đê hai bên sông Hồng, phù sa không thể tràn lên các cánh đồng được, vì thế, “châu thổ đã chết trong tuổi vị thành niên của nó”! Nhưng Gourou không thể ngờ rằng, cảnh quan địa lý châu thổ vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI hoàn toàn không  phù hợp với lý thuyết và sự phỏng đoán của ông trong năm 1940. Ông cũng không thể hình dung được là sẽ có cả một hệ thống mương máng, đập tràn của các công trình đại - trung - tiểu thủy nông với nhiệm vụ dẫn thuỷ nhập điền và đưa phù sa sông Hồng vào những cánh đồng bất ngát. Nhiều nơi, hệ thống mương phai chính còn rẽ xương cá để đưa phù sa vào từng thửa ruộng nhỏ… Như vậy là tuổi thành niên của châu thổ vẫn còn đang phát triển với sức vóc phi thường của nó, thậm chí, châu thổ còn đang trẻ lại với màu xanh phủ kín các vùng miền. Sau Hiệp định Genève, miền Bắc chỉ có bốn hệ thống thuỷ nông tưới cho hai mươi vạn ha và tiêu cho hai mươi lăm vạn ha đã bị chiến tranh tàn phá; nhưng chỉ trong vòng hai mươi năm sau, nhiều công trình đại thuỷ nông mới đã được xây dựng: Bắc - Hưng - Hải, Chí linh - Nam Sách, Thuỵ Phương - Gia Thượng, bảy mươi vạn ha được nhận nước từ những công trình đó; còn vùng chiêm trũng Hà Nam Ninh, Hải Hưng đang được các trạm bơm điện tiêu úng… Nhưng công trình đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải là một bước chuyển quan trọng đánh dấu thời kì mới trong cuộc chinh phục sông Hồng. Cho đến nay, công trình này và những công trình thuỷ lợi khác vẫn phát huy tác dụng của nó trong sản xuất nông nghiệp ở vùng châu thổ sông Hồng, với những chính sách khuyến nông ngày một mạnh dạn hơn của Nhà nước...

 

Nhắc qua về lịch sử lũ lụt và các công trình đắp đê chống lụt của dân tộc ta từ thời cổ đại cho tới nay để có thể thấy rõ hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm của Lê Đại Cang khi cụ gánh trọng trách của một quan Đê chính Bắc thành lãnh đạo nhân dân chống chọi với hung thần lũ sông Cái!

 

Cụ Lê Đại Cang đã sống giữa một giai đoạn cực kỳ phức tạp của lịch sử; dấn thân vào chốn quan trường nhiều cám dỗ và đầy bất trắc, cụ đã chọn cho mình con đường “ngày đêm chăm chỉ, một lòng báo quốc… vì nước quên nhà, vì công quên tư” (Lê thị gia phả)  để có thể đem trí tuệ xuất chúng và tài năng đa diện của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đầy gian khó, lập nên một sự nghiệp lớn. Sự nghiệp ấy của Lê Đại Cang trải dài trong thời gian 41 năm làm quan qua 3 triều vua, trải rộng trong không gian cả ba miền đất nước từ biên giới cực Bắc đến biên giới cực Nam, từ kinh đô Huế đến cố đô Thăng Long, qua rất nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn hóa, ngoại giao… Lặn lội suốt từ Nam chí Bắc, khi làm Cai bạ Quảng Nam, Cai bạ Vĩnh Long, quyền Tổng trấn Bắc Thành, Tổng đốc Sơn - Tuyên - Hưng, Tổng đốc Hà nội – Ninh Bình hay làm Tổng đốc hai tỉnh An Giang - Hà Tiên, ở đâu Lê Đại Cang cũng lo tìm đất hoang cho dân cày cấy, lo đào sông, khơi dòng chảy, tạo điều kiện cho dân canh tác nông nghiệp thuận lợi... Nhưng có một sự nghiệp lớn, sự nghiệp để đời của Lê Đại Cang mà trong Lê thị gia phả hầu như không kể, nhưng lại được chính sử triều Nguyễn ghi chép lại rất nhiều: đó là công việc của một quan đê chính ở Bắc Thành những năm 1828-1831, với sứ mệnh cao cả là "giữ dân và vệ nông"- như sớ cụ tâu vua mà sử có chép lại (Những tư liệu về giai đoạn làm quan Hộ đê này của cụ Cang đã được các nhà nghên cứu lịch sử dày công khảo cứu qua hàng ngàn trang thư tịch cũ, đặc biệt là hai nhà sử học: TS. Nguyễn Minh Tường và TS. Nguyễn Thị Phương Chi).

 

Dân gian còn lưu truyền: tại công đường Nha đê chính - ở cửa Nam thành Hà Nội, cụ Cang đã cho treo hai câu đối: "Đê tồn Cang tại - Đê hoại Cang vong" - bộc lộ rõ quyết tâm sống chết với đê của một vị quan liêm chính, cương trực, ý thức sâu sắc về công vụ, người đặt trách nhiệm tồn vong của đê - tức sự sống còn của Dân lên trên sự sống còn của bản thân mình. Thực cảm động, và quả là bài học thấm thía đối với những công bộc của Dân hôm nay!

 

Khi đảm nhiệm phụ trách việc đê điều ở Bắc Thành, Lê Đại Cang đã lặn lội đi khảo sát, gặp các bô lão nhiều kinh nghiệm khắp các vùng Sơn Nam, xứ Đoài, Kinh Bắc... Cụ đã quan sát kỹ lưỡng dòng chảy của các con sông lớn, nhỏ, tìm ra quy luật dâng lũ của chúng để tìm cách giãn lũ - ví như cụ đã cho giãn lũ sông Cái - Nhĩ Hà qua sông Đuống, ra sông Cầu, bằng sông đào Ngũ Huyện Khê. Cụ còn dày công biên soạn cuốn sách thống kê các đê công - tư, giúp việc quản lý và phòng hộ đê điều chặt chẽ hiệu quả hơn. Sự nghiệp đê điều gian nan khôn xiết, bằng tinh thần tận tụy, trí thông minh, lòng quả cảm, cụ đã cùng dân chúng nhiều vùng quê châu thổ sông Cái - Nhĩ Hà xả thân đắp đê, sửa đê, ngăn được lũ lụt tàn phá làng mạc. Vua phê và khen rằng: “...nước sông lên to, mà đê phòng đều được vững chắc, thực nhờ phúc thần nhiều lắm”. Thực ra, Phúc thần ở đây lại chính là Quan hộ đê Lê Đại Cang, người bốn lần được trọng thưởng, ba lần bị phế chức, người trong hoàn cảnh hiểm nguy nào cũng không rời bỏ chức phận giữ dân và vệ nông. Và cho đến nay, một số vùng quê ven sông Hồng vẫn đang thờ cụ như một phúc thần thành hoàng làng, mà nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử hôm nay cần phải tìm cho ra những di tích đặc biệt đáng quý này.

 

Là một người làm phim, tôi đặc biệt “mê” giai đoạn này của cụ Lê Đại Cang, thời mà vị quan văn võ toàn tài quê Bình Định đã kết mối lương duyên với người phụ nữ xinh đẹp dòng dõi nhà vua là quận chúa Lê Ngọc Phiên, rồi cùng bà vượt qua bao sóng gió hiểm nguy, để sau đó cụ trở thành một Quan hộ đê Bắc thành đáng kính trọng vào bậc nhất trong lịch sử dựng nước của Dân tộc ta, được dân lập đền thờ hương khói đời đời...

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9597)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 11440)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 10335)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 10388)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 10405)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9713)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 11099)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9876)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10542)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 11278)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!