- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đồng Đức Bốn Và Chất Hoang Dại Trong Thơ

24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 22532)
image006
Đồng Đức Bốn
Chi tiết vốn tối cần trong văn xuôi ,đấy là điều đã được nhiều người ghi nhận . Còn làm thơ thì không vất vả thế , ở đây sức ép của các chi tiết mà các nhà văn xuôi thường phải chịu ,– sức ép ấy không mạnh , và người ta đỡ lo hơn . Thế nhưng xin đừng ngộ nhận là không quan trọng . Ngược lại không phải cốt nói một điều giật gân hoặc để trộ đời , khi bảo với nhau : chính vì ít , mà chi tiết trong thơ lại càng cần được lưu ý . Qua các chi tiết đã có thể thấy ngay diện mạo một con người.

Tôi càng thấy rõ hơn điều này khi đọc Đồng Đức Bốn ( dưới đây viết tắt là Đ Đ B ).

Thử làm một cuộc thống kê những từ ngữ thường xuyên trở đi trở lại trong thơ Bốn . Toàn những rạ rơm, cây cải , hoa dong riềng , bờ tre, bụi dứa , mùa sen , vườn cau , bụi tầm xuân, múi bưởi đào, dây tơ hồng , mảnh sành , gai rào . Thiên nhiên ở đây là chớp bể mưa nguồn , là bèo dạt mây trôi rồi con gió chen ngang , rồi gió giông bão tố. Còn con người thì quẩn quanh với những việc chăn trâu đốt lửa , lên chùa , đón hội , đánh bạc ; hết tìm cái vu vơ họ lại tính chuyện không đâu , mà dù có bán buồn mua vui thì chẳng qua cũng chỉ chín xu đổi lấy một hào .

Còn nhớ có lần một nhà thơ trạc tuổi bọn tôi tự hào khoe là vừa đưa được chi tiết xe hồ lô trộn bê tông vào thơ và ra cái điều vậy là thơ hiện đại lắm . Đưa được một vài chữ Hán lạ hoặc vài tiếng Anh đọc theo âm Việt , người ta thấy thơ mình sang hẳn lên . Học mót được vài thuật ngữ lấy từ các ngành khoa học , hý hửng như tìm được miền đất mới . Theo những cách tính toán kiểu ấy thì Đ Đ B và những người yêu thơ Đ Đ B hẳn xin chịu . Hình như anh đã làm một cuộc vận động ngược , tức là luôn luôn tìm cách trở lại với những từ ngữ đã quá quen thuộc của đời sống .

Vả chăng trong cuộc trở lại ấy , điều quan trọng là người ta tìm thấy cái gì .

Tôi muốn nói cái tinh thần của đời sống nó toát ra từ thơ từ nhiều bài thơ của Đ Đ B : Cổ sơ . Cũ kỹ . Quê mùa . Hoang dại .

Để hiểu anh hơn , hãy thử đặt anh bên cạnh nhà thi sĩ được coi là quê hơn ai hết : Nguyễn Bính . Trong cuộc phiêu lưu kiếm sống giữa thị thành , tác giả Tâm hồn tôi , Mười hai bến nước , Mây Tần luôn luôn cho người ta thấy rằng thực ra ngày xưa gia đình ông sống nền nếp và phong lưu lắm , bản thân ra dáng con nhà lắm , chẳng qua bây giờ thất cơ lỡ vận nên mới khổ thế . Trong một bài thơ như Thanh đạm , người ta còn được chứng kiến cảnh đối ẩm, với lại những phút cao hứng ” cây nguyệt nằm suông mãi , tôi xin đàn người nghe “ . Một bằng chứng nữa là dù được tiếng chân quê hơn đời , nhưng thơ Nguyễn Bính nhìn kỹ thấy còn nhiều chữ Hán , ở đó nhan nhản những mộng viễn hành , bức ngọc thư , hàn vi , lữ hành, tha hương , chung tình , đa đoan , tràng giang , giang hồ rồi lại cả vinh quy , ngự uyển , với mỹ nữ , lãnh cung nữa .

Đ Đ B thì khác . Cái quá khứ kia không phải chỉ là hồi ức thường xuyên trở lại , mà nó là một phần của hiện tại quanh anh . Nhất là nó chẳng có gì rực rỡ là bóng lọng , là cao sang quý phái, tức chẳng có gì là nên thơ . Trăng trong thơ ĐĐB là trăng gày trăng cong, sào là sào gẫy , diều là diều đứt dây , con người xưng tôi trong thơ có lúc tự nhủ mình là một kẻ không quê . Dường như anh sẵn sàng nói rằng mình chẳng có gì để khoe với mọi người cả .

Trong nhiều trường hợp , hoang dại ở đây xem như đồng nghĩa với lang thang , mất gốc , không vào khuôn khổ nào , một tình trạng trì trệ không nảy nòi lên được về chất lượng nên đành bò ra ăn lan ra về số lượng . Nó , cái sự hoang dại trọn vẹn ấy , có mặt trong thơ Đ Đ B khắp mọi chỗ và làm nên một miền khí hậu riêng có phần không giống ai , dù chẳng ở ai không có .

Chỉ một lần nhà thơ kể chuyện mình Nói chuyện với cỏ dại . Song cả những khi không dùng đến cái từ cụ thể ấy , thì cảm giác hoang huỷ bơ vơ của cỏ dại vẫn trở lại . Nó ở những câu thơ nghe hơi rờn rợn Chân đạp đât đầu đội trời – ở đâu không có con người thì đi , nó lại ở cả những câu thơ tự nhiên nhi nhiên kiểu như củ khoai nướng để cả chiều thành tro hoặc mẹ ra bới gió chân cầu . Một lần tả cảnh lũ lụt , Đ Đ B viết “ Ối mẹ ơi đê vỡ rồi –- Mộ cha liệu có lên trời được không “.Đằng sau lối nói lu loa , là lời thú nhận về sự bất lực vô phương cứu chữa .

Không hiểu sao tôi đọc những câu tác giả viết như đùa : Ngậm ngùi thịt chó bánh đa Chiều nay lại thấy bà già xin ăn , hoặc Chợ làng mở dưới gốc đa – Nhà quê đem mấy con gà bán chơi mà cứ thấy bùi ngùi .

Xa vắng hiu hắt ngang trái bơ vơ , cái không khí ấy bàng bạc trong Đ Đ B , bất kể nông thôn hay thành phố .

II

Trong các thứ tiếng phương Tây, từ culture( mà ngày nay ta dịch gọn là văn hoá ) , trước khi có nghĩa dạy dỗ mở mang khai hoá giáo hoá ( Theo Đào Duy Anh , Pháp Việt từ điển ), còn có một nghĩa gốc là cày cấy trồng trọt thâm canh , làm kỹ một việc gì đó . Hãy nhìn vào các thứ cây ăn quả hiện nay . Thoạt đầu đó là những thứ cây dại phải qua bàn tay tác động của con người rồi những đặc tính xấu của chúng mới bị hạn chế những ưu thế của chúng mới được phát huy đầy đủ .

Thế nhưng ở đây có một khía cạnh không những thuộc về khẩu vị , mà còn liên quan đến nhận thức của loài người về khả năng của mình. Sau bao thành công trong việc lai ghép hoặc biến đổi mã di truyền , tạo ra các thứ giống cây mới có nhiều ưu thế , thì con người ở đâu cũng không quên một sự thật – , ấy là trong khi thua kém các loại cây thuần hoá về nhiều mặt , thì các giống hoa dại quả dại lại có hương vị riêng mà bàn tay nhân tạo không bao giờ làm ra nổi và do đó cái hoang dại kia vẫn đầy sức cám dỗ . Oái oăm là ở chỗ ấy !

Suy rộng ra còn có thể nói dù thay đổi bao nhiêu theo hướng hiện đại thì chất hoang dại vẫn còn một phần nằm mãi trong tâm trí chúng ta , mỗi khi bắt gặp nó , ta không tránh khỏi run rẩy như chợt nhận ra cái bản lai diện mục của mình .

Các nhà nghệ thuật cảm thấy điều này rất rõ . Trong nghệ thuật hội hoạ thế kỷ XX , có hẳn những trường phái khai thác vào cái hoang dại nguyên sơ của thế giới , lấy nó đối lập với những tìm tòi duy lý , người ta mệnh danh những trường phái này là hoang dã , ngây thơ à

Tuy không phổ biến song ở ta một số người đã có ý đi vào cái hoang dại đó . Chỉ có điều nhà văn VN vốn không mạnh về bề dày văn hoá , nên đi vào hoang dại trước tiên không do tìm tòi lâu dài , mà như là ngẫu nhiên bắt gặp : Không thể đến với sách vở hàn lâm thì trở về với nó . Chợt nhận ra từ lâu nó đã thuộc về mình mà không hay biết , nhưng nay nó là cả một xu thế hiện đại thì tội gì không theo . Nếu khôn ra gán thêm cho nó một ít màu sắc lý luận thì càng oai .

Về phần mình , ĐĐB đến với hoang dại như là không có con đường nào khác . Một lần tìm thấy là anh khơi mãi vào cái mạch ấy để tạo ra một nguồn thơ riêng , đến mức , gần đây , người ta cảm thấy thơ anh đơn điệu và dừng lại . Nhưng dù có thế thì cũng chẳng sao .

Nếu được đi tới cùng trên mạch suy nghĩ của mình , tôi còn muốn nói , qua anh , đã thấy manh nha một dạng nhà thơ mà chỉ thời nay mới có .

Chúng ta biết rằng thi sĩ cũng là những mẫu người chịu sự quy định chặt chẽ của thời đại . Theo sự quan sát của tôi , có thể tạm xếp loại mấy kiểu tâm thế thi sĩ hiện thời : 1) thi sĩ giáo huấn 2) thi sĩ hùng ca 3) thi sĩ ngây thơ như trẻ nhỏ , biết nhìn ra chất thơ ở chỗ người đời bỏ qua 4) thi sĩ hóm hỉnh 5) thi sĩ dự phóng , nhìn thấu lẽ đời vv.. và vv..

Không hẳn những sự định danh trên đây đã chính xác , song chắc là trong chân dung các thi sĩ hiện thời không ít thì nhiều có mấy cái đó . Mà Đ Đ B thì không rõ vô tình hay cố ý, nhưng đúng là cứ trật ra khỏi những cái khuôn khổ mà nhiều người đã tự nguyện chấp nhận và góp phần hoàn chỉnh ấy , để gần như đứng một mình . Tung tẩy phá phách làm tình làm tội người khác thế nào không biết , nhưng đó là chuyện ngoài đời , còn vào đến thơ , cái tôi của Bốn là một cái tôi hậm hụi bất lực . Dường như không sao tìm được sự cân bằng trong tâm lý . Cũng như chẳng biết cư xử ra thế nào cho phải . Thấy chung quanh tầm thường vớ vẩn , mà mình thì cũng chẳng hơn gì , lại có lỗi ở chỗ không biết làm sao tác động tới đời , khiến cho nó trở nên tốt hơn vừa ý mình hơn . Giữa vô vàn những lo toan – lo nghèo lo đói lo khổ lo không được hiện đại , – lại thêm còn cái lo nữa , lo lạc lõng , không ai nghe mình . Mấy chữ mồ côi thường xuất hiện . Trăng mồ côi . Bão mồ côi .Cây mồ côi . Mà con người đến chết vẫn có thể tiếp tục mồ côi ( Trở về với mẹ ta thôi- Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ ). Tâm lý mồ côi đó là gì nếu không phải là tình trạng người ta mất đi những chỗ dựa chắc chắn về tinh thần , không có cái để tin yêu và kính trọng ?!

Trước một đời sống ngổn ngang và có thể nói là tàn bạo nữa , con người trong thơ Đ Đ B như vậy là đang đi dần tới một thái độ tạm gọi là vừa phải : không huớ lên hớn hở một cách trẻ con , mà cũng không lảng đời kệ đời ; không tự nhấc mình vượt lên trên hoàn cảnh rồi chửi bới tùm lum , hoặc cười cợt vô trách nhiệm , mà cũng không làm bộ làm tịch , ra cái điều đang mải mê với những triết lý sâu sắc . Thơ chỉ có vậy , nên đành là một lời tự an ủi .

III

Bây giờ ta hãy cùng nhìn kỹ vào cái giọng thơ lục bát mà Đ Đ B đã hình thành riêng cho mình. Chỉ xét riêng thời nay đã thấy không ít những bậc thày kỳ tài còn in dấu trên thể thơ này . Duyên dáng tự nhiên là lục bát của Tản Đà . Cổ kính chắc chắn đường bệ đấy là lục bát của Huy Cận trong Lửa thiêng .Và người mà ở trên đã nói , Nguyễn Bính . Trong các tập thơ của mình , Nguyễn Bính mang lại cho lục bát khi thì một vẻ ỡm ờ , khi thì đoan trang , và bao giờ cũng tràn đầy nhạc điệu . Cả trong những câu thơ như buột miệng mà nói ra ( Em van anh đấy anh đừng yêu em ) , lẫn những câu đùa đầy dụng công ( Cánh buồm nâu , cánh buồm nâu, cánh buồm ) , người ta vẫn thấy một cái gì như là dẻo mồm tức quá khéo , dù đã khéo đến mức tự nhiên .

Cái lối tạo ra lục bát một cách trúc trắc , từng đôi câu sáu tám không vang lên một cách nhịp nhàng mà có vẻ lập cập khó khăn – cái lối ấy chỉ mới có từ hồi sau 1945 . Nguyễn Đình Thi và nhiều người khác đã tham gia vào quá trình này , ở đây tôi chỉ dẫn ra một người bạn cùng tuổi là Xuân Quỳnh. Vốn rất tự nhiên trong việc bẻ vần ghép chữ , mà không hiểu sao , trong một đôi khi sử dụng lục bát , Quỳnh vẫn cứ làm cho nó ngang ngang , ví dụ bài Về những thói quen của chị mở đầu bằng mấy câu như sau “ Con sông quen chảy xuôi dòng Mùa mưa nước lũ quen dâng từ nguồn Bên bồi thì cứ bồi luôn Còn bên lở vẫn lở thường quanh năm “ . Ôi lục bát gì mà đuồn đuỗn thế này ! Sau tôi mới hiểu chính là Xuân Quỳnh đã cố ý làm thế để tránh đi cái nhịp nhàng đều đều đã nhàm chán của một thể thơ quá phổ biến .

Trở lại với ĐĐB , phải liều mạng lắm người ta mới dám viết những câu ngang phè , đại loại :

Rét lòng khát ngọn lửa nhen

Mà áo đỏ áo đỏ em đâu rồi ( VTN nhấn mạnh )

Thế nhưng đó chính là những câu thơ làm cho người đọc không đọc lục bát theo kiểu trôi tuồn tuột , mà phải dừng lại ngẫm nghĩ , cũng tức là nhà thơ đạt được cái hiệu quả mà người cầm bút nào cũng mong muốn .

Dễ dàng nhận xét là nhiều bài thơ Đ Đ B không có được cái sự liền mạch , mà hình như do từng mảng ghép lại , mỗi mảng là một đôi sáu tám hoặc hai đôi liền . Viết cái gì thì cũng vậy mà làm thơ càng dễ vậy , kỵ nhất là cái lối câu nọ gọi câu kia , đưa đẩy chuyển tiếp kết quả thành một thứ thuận miệng giống như người quen chân đi mãi , nhiều khi vẫn đi đấy mà không biết mình đi đâu . Trong một thể như lục bát điều đó càng dễ xảy ra . Không có kết cấu , nó qúa tự do , nhưng cũng chứa đầy cạm bẫy trong cái tự do đó . Do một sự may mắn nào đó , Đ Đ B có duyên sớm ngộ thấy cái sự mòn mỏi của nó , nên cố tìm cách tránh . Lục bát ở đây không nhịp nhàng nối tiếp mà cứ giật cục như cái gì ngắc lại nghèn nghẹn nơi cổ . Thứ lục bát đó tôn thêm cảm giác quê mùa hoang dại chung của thơ Đ Đ B mà đoạn trên đã nói . Nói cho to tát cũng tức là ở nhà thơ này có một sự quyến quyện giữa nội dung và hình thức , hoặc nói theo chữ nghĩa đương thời tức là sự nhất quán của thi pháp .

IV

Thuở nhỏ tôi sống ở làng Thuỵ ( tên đầy đủ là Thuỵ Khuê ) , một vùng ngoại ô phía bắc Hà Nội , đàn ông thì đi làm Nhà da, Máy giặt, Bia Ô mền ( Bia Hà Nội hiện nay ) hoặc công nhân Xe điện , còn đàn bà chuyên hàng quà, bán rong các phố , quà rong ở đây cụ thể là các loại xôi , ngoài ra là sắn luộc khoai luộc v.. v...

Khoai luộc của làng Thuỵ thì ngon lắm .

Những năm năm mươi sáu mươi của thế kỷ trước , phố phường Hà Nội chưa đầy bụi và ngạt khói xe máy như bây giờ . Khoai luộc chảy mật đặt trên mẹt của dân làng Thuỵ nhởn nhơ gánh bán rong các phố không ai cho là bụi bẩn , nên ai trông cũng thèm , cả các cô môi son má phấn Hàng Ngang Hàng Đào cũng gọi mua .

Nhưng ngoài món khoai cổ điển đó , với cái gốc con nhà nghèo , tôi nhớ một món khoai lạ của các bà các cô làng Thuỵ. Khoai luộc mới sôi thì đã vớt ra và đổ vào nước lạnh , bởi vậy chỉ vừa chín tới và cắn vào còn sồn sột , nên gọi là khoai sượng . Cố nhiên là chỉ những thứ khoai còn nhỏ , những củ nhách củ kẹ , bán nắm bán mớ , mới được dùng để làm loại quà rẻ tiền này. Song có lẽ chính vì như thế nó lại có cái vẻ ngọt riêng , ngai ngái ngầy ngậy gần với khoai sống .

Không hiểu sao , khi đọc thơ ĐĐB tôi lại hay nhớ tới thứ khoai sượng nay đã tuyệt chủng kia .

Nhưng tôi cho rằng sẽ làm nghèo Đ Đ B đi nhiều nếu xem việc anh khai thác yếu tố hoang dại chỉ có ý nghĩa một biện pháp nghệ thuật , một cách ranh ma đổi mốt nhằm câu khách , mà không thấy rằng cái chính ở đây là một cách nhìn nhận , một cách bắt lấy cái thần của đời sống .

Thử nhớ lại hai bài thơ không rạ rơm chút nào của Bốn , bài Chiều mưa trên phố Huế và bài Xích lô đường Bà Triệu . Trong con mắt người làm thơ , cảnh phố Huế nào có khác chi chợ quê , cũng hàng thì bán đứng bán ngồi chen nhau , xe cúp dàn hàng ngang mà đi đấy , nhưng vẻ hiện đại không che nổi áo rách . Giữa đường Bà Triệu ồn ào , nhà thơ nhạy cảm vẫn thấy toát lên một chút gì đó tịch mịch xa vắng . Bởi vậy , cái chuyện cô đơn ngay giữa đám đông là không tránh khỏi và cảm tưởng cuối cùng được cô kết lại bằng cái câu rất sái : Xong rồi chả biết đi đâu, Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương .

Thế nghĩa là gì ? Dù đã chuyển sang thời hiện đại , song cảnh tượng ở đây chỉ là một biến thể của những chăn trâu đốt lửa với lại bắt gió chân cầu đã nói ở trên . Chua xót . Bế tắc . Cầm bằng đến đâu thì đến . Mà hoang dại vẫn hoàn hoang dại .

V

Rút lại thì tôi muốn bảo Đ Đ B là một giọng thơ dân gian hiện đại Dân gian là một khái niệm rất rộng . Là một cảm giác dang dở về đời sống . Là sự lạc quan tất yếu thành ra một thứ bản năng. Lại cũng là một nỗi buồn xa vắng khôn nguôi . Là sự hoà quyện giữa hy vọng và thất vọng . Là lòng ham sống là ý chí vươn lên đấu tranh cho đời sống ngày một tốt đẹp . Mà lại cũng là một sự hư vô buông xuôi gần như đồng nghĩa với tự cho phép muốn làm gì thì làm – , con người thì bao giờ cũng thế thôi , quá bận tâm đến họ làm gì cho mệt . Bởi vậy dân gian là trong sáng vô tư , nhưng cũng là hư hỏng đàng điếm tuỳ tiện “ chí phèo “ .... Đấy đại khái dân gian có lắm sắc thái như vậy , và chúng ta còn đang nỗ lực để hiểu thêm về nó .

Riêng về Đ Đ B , tôi cảm thấy trong cái vẻ đều đều gióng một của mình , anh vẫn là một tính cách pha trộn . Trong giọng thơ này, cái già cỗi mệt mỏi tồn tại ngay bên cạnh cái trẻ trung , cái ham muốn bồng bột nẩy nở đấy mà cũng tàn lụi ngay đấy , để rút lại nhường chỗ cho cái ngu ngơ bất lực bao trùm .Vừa chấp nhận đầu hàng , bỏ qua tất cả , mà lại vừa tham lam càm quắp , cò kè tính toán , vơ véo nhặt nhạnh , níu kéo lấy một cái gì lúc nào cũng có thể mất .

Hình như sự chấp nhận nửa vời như thế đang là cái cách mà nhiều người đương thời , trước một đời sống đầy bất trắc , tự phát tìm đến để tự vệ ?! Người ta thường chê tôi là cái gì cũng chỉ “cảm thấy “ với “ hình như “ , song chuyện đời là thế , lần này tôi vẫn không dám khẳng định , mà lại chỉ dừng lại ở “ cảm thấy” và “ hình như “ như cũ . Chỉ biết rằng đôi lúc rỗi rãi trong tâm trí thường vẫn quẩn lên vài câu thơ ĐĐB . Gạt đi cái phần ngang ngược thô thiển nó là điều không thể khác được với một con người có hoàn cảnh cụ thể như tác giả , thơ Bốn đôi khi là cái cớ giúp tôi tìm thêm lòng ham sống , lẫn thấm thía cả cái vô nghĩa của đời sống .

Làm đất đất phải nở hoa Làm tôi, buồn cái người ta vẫn buồn với câu thơ bâng quơ nghe như một tiếng thở dài đó , dường như Đ Đ B đã thú nhận : chẳng qua anh cũng chỉ như mọi người . Mà làm sao khác được cơ chứ ! Luật đời đã định !

Trong khi khai phá và trình bày nỗi niềm hoang dại nơi mình , người thi sĩ đã giúp chúng ta tìm thấy một phần cái ta sẵn có mà lâu nay chót quên lãng và mặc dầu vẫn sống đủ với nó , song hầu như lại chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về nó . Cuộc đời thì ngắn mà mỗi chúng ta thì bơ vơ lắm .

VƯƠNG TRÍ NHÀN
(Tháng 7/2003- Tháng 7/2005)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 11549)
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới. Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.
28 Tháng Mười Hai 202110:43 CH(Xem: 10041)
Cuộc triển lãm này nêu ra luận điểm rằng bản chất nội tại của sự sống và của tất cả các sinh vật là không đồng nhất, mà đúng hơn là được kết cấu bằng nhiều mối tương quan dị biệt để tạo ra Cái Khác. Luận điểm này, vì thế, đã phá vỡ mọi tôn ti dựa vào những khái niệm áp đặt về bản sắc và tính đồng nhất.
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 10070)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 9730)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9686)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 11533)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 10420)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 10454)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 10462)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9795)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…