- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhớ Huy Cận, Người Quê Viết Thơ Quê

13 Tháng Năm 20198:54 CH(Xem: 19378)


nhà thơ HUY CẬN
Chân dung nhà thơ Huy Cận - ảnh Internet

 

         Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình trung nông lớp dưới. Bố Huy Cận đậu tam trường làm hương sư ở Thanh Hoá, sau về quê dạy chữ Hán và làm ruộng. Mẹ Huy Cận là cô gái dệt lụa làng Hạ nổi tiếng ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.  Thuở nhỏ Huy Cận học ở quê. Đang học lớp tư được vài tháng thì theo một người cậu vào Huế học hết tú tài toàn phần ( 1939 ). Sau ra Hà Nôi, từ đấy trải qua nhiều thăng trầm nhưng đại bộ phận đời ông sống xa quê.

       Rất gắn bó với đất quê, thực ra chỉ có mười mấy măm  tuổi thơ, còn là lưu lạc, nhưng ký ức tuổi thơ lại ám ảnh thương nhớ trọn đời. Quê Huy Cận là một xã sơn cước, cảnh đẹp, không khí cổ sơ, nhân dân rất ham hát ví giặm, kể các truyện Nôm, kể truyện Kiều và ngâm Kiều. Đó là một miền sơn cước rất nghèo, dưới chân núi Mồng Gà, bên dòng sông La cổ kính và bên kia sông có chợ Nướt, mỗi tháng họp chín kỳ. Thuở Huy Cận sống thời thơ ấu, cảnh sắc nơi đây đẹp một cách xa vắng, đìu hiu. Điều đó, sẽ là một phần nào sau nầy khiến cho thơ Huy Cận tự nhiên ẩn chứa một nỗi buồn lãng đãng.

 Trong  Lời giới thiệu “Tuyển tập Huy Cận” (tập I) Xuân Diệu đã viết về làng quê Ân Phú: “ Rất nhiều cá tính của đất đai, có thể nói mỗi mảnh đất đều tràn đầy  xúc cảm, như tích tụ cái cổ sơ đâu từ hàng trăm năm trước. Làng quê hương đã cung cấp cho Huy Cận một cái vốn đất đai gì sâu thẳm như gan ruột của thời gian “

              Quả thật, sông núi, đất đai quê hương, những chợ Nướt, dòng sông La, núi  Mồng Gà…đã làm nên xương thịt của nhà thơ và dệt nên tâm hồn thơ nơi con người ông:

Tôi sinh ra ở miền sơn cước

Có núi làm xương cốt hàng ngày

Đất bồi tơi làm da thịt mát

Gió sông như những mảng hồn bay.

Và:

Tuổi nhỏ tôi trùm trong nhớ thương

Cách sông chợ Nướt bến đò sương

Làng quê chân núi chiều về sớm

Bóng núi dài lan mát ruộng nương

     Huy Cận đã sống tuổi nhỏ trong quê hương đẹp và nghèo ấy. Quê nghèo đã cho ông hồn thơ. Cảnh vật, con người quê hương luôn ám ảnh tâm can nhà thơ, làm thành những kí ức tuổi nhỏ chi phối thế giới nghệ thuật thơ Huy Cận.

       Lửa thiêng ( 1940) là tập thơ tiêu biểu của Huy Cận trước cách mạng và thuộc số thành tựu xuất sắc nhất của thơ mới 1932 - 1945. Người đọc bắt gặp ở Lửa thiêng một cái tôi khát khao giao hoà,  nhưng luôn cảm thấy cô đơn trống vắng. Làm nền cho tập thơ là những nỗi buồn quê kiểng : nỗi buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn nơi xa, buồn của người lữ thứ, buồn nơi quán trọ, nỗi buồn trước cảnh sông dài trời rộng... Nỗi buồn thương của Huy Cận như ngấm ngầm chất chứa tự đáy lòng, lan toả khắp ngoại cảnh, tạo thành cái mạch sầu chảy hút về hoài niệm chùm lên cả những xúc cảm về quê hương:

Trông vời bốn phía không nguôi nhớ

Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay

                            ( Vạn lý tình )

Đọc thơ Huy Cận thời này, có người không khỏi giật mình về cái buồn man mác khi bất chợt, khi trải dài cố hữu  xen vào nhau rất đậm, cho là ảnh hưởng “nỗi buồn trong thơ Pháp, là cái mode của thi ca đương thời” ! Không hẳn thế chúng tôi cho đó là tâm trạng của một thế hệ những người trí thức  lúc bấy giờ, là một nét quan niệm về nhân sinh  kết tinh trong nghệ thuật, được cộng hưởng thêm từ Chủ nghĩa lãng mạn phương Tây mà thôi.

  Huy Cận thường nói tới thiên nhiên,  những thi ảnh thân quen trời , sông , sóng, khói, con đò, chiếc cầu, cánh chim…dễ gây xúc động cho người đọc, làm cho người ta nhớ quê nhà. Cho đến khi xuất bản Lửa thiêng ( 1940) , Huy Cận chỉ trải nghiệm hai con sông lớn, đó là Sông La ở quê và Sông Hương ở Huế . Bài thơ “Tràng giang” (1939) thấp thoáng bóng dòng La với bao nhiêu chi tiết mà ai đi trên dòng sông này một lần đều có thể cảm thấy phảng phất nhiều hình ảnh được tái hiện trong bài thơ, cùng với nét biểu cảm sâu lắng tâm hồn ông. Nhiều nhà phê bình khen ngợi bài thơ này đặc biệt hai câu cuối “Lòng quê dợn dợn vời con nước /Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”vì cái  âm hưởng Đường thi và tình quê mơ màng lai láng của nó.  Tuy nhiên nhiều chi tiết khác  được tác giả thể hiện trong bài mới thật sự đậm chất quê kiểng, xúc động lòng ngừơi.

               Khung cảnh đặc tả trong bài thơ rất có ý nghĩa trong sự liên tưởng tâm trạng thi sĩ với miền quê. …Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mậ/.Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…

Đó là hình ảnh thượng nguồn con sông La chảy từ Lào sang với hai bờ xa cách, nước chảy xuôi, không một chuyến đò ngang. Chẳng có cây cầu nối liền hai bờ, đứng ở bờ sông bên nầy, nhìn sang bờ sông bên kia chỉ có bãi cát vàng,  bờ dâu xanh…,  kéo dài đến tận chân trời…

           Những thi ảnh rất gần gũi với độc giả, mang đậm hồn quê  của ông. " Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" , một hình ảnh thơ quen thuôc mà rất gợi cảm . “Chợ Nướt” bên kia sông  và vài chợ khác là nơi trao đổi hàng hoá, gặp gỡ, chuyện trò rộn rịp thân thiết của làng quê . Hình ảnh một ngôi chợ nhỏ, lơ thơ mấy mái tranh là rất quen thuộc ở miền quê nước ta, cách gọi tên đặc biệt của làng quê xứ này: Chợ họp buổi sáng gọi là "chợ mai", họp buổi chiều,  gọi là "chợ chiều” , chợ họp  trễ lúc đầu hôm là "chợ hôm".  Cảnh chợ chiều, nhất là lúc vãn chợ, bao giờ cũng buồn. Huy Cận rất tinh tế,  ông là người sinh ra lớn lên ở miền quê Đức Thọ trước khi đến học ở kinh đô Huế , nên nhận biết rất sâu sắc những cảnh tình đó.

              Bèo dạt về đâu hàng nối hàng, cánh bèo trôi  là hình ảnh về sự vật, nó gần với "bèo dạt hoa trôi"- thành ngữ dân gian  nói về thân phận con người trong xã hôi cũ. Những cánh bèo từng hàng bị xô đẩy nổi trôi trên dòng sông trong bóng chiều  là một bức  tranh đầy gợi cảm tượng trưng cho bao kiếp người lênh đênh vô định.  Nhất Linh một thời thích câu thơ " Bèo giạt về đâu..." của Huy Cận. Có lúc ông đã tính lấy hai chữ "Bèo giạt" để đặt tên cho toàn bộ ba tập tiểu thuyết "Dòng Sông Thanh Thuỷ" (Dòng Sông Thanh Thuỷ - tập 1, "Chi bộ Hai người" - tập 2 và "Vong Quốc"- tập 3).

(Theo Hồng Lam đất văn chương đất khoa bảng - Chương: Huy Cận, NXB Thế giới, 2010 )

     Tất cả những hình ảnh làng quê mà ông mô tả như trên, phải là người yêu làng quê lắm , mới có những nhận xét tinh tế như thế. Chúng tôi cho Tràng giang là tâm tư được rút ra từ tấm lòng quê kiểng, dóng sông mang bóng dáng con sông quê nhà của ông.

*

                    
             Huy Cận là một người vô cùng giản dị, có nhà văn đã viết về ông: “Thật lạ lùng là vị bộ trưởng, nhà thơ tài năng kiệt xuất và tài hoa nhiều mặt ấy lại luôn luôn mang một vẻ bề ngoài hết sức mộc mạc, bình dân tới mức dân dã vô cùng! Ông gần như vẫn nói giọng Nghệ Tĩnh nguyên xi, sau nửa thế kỉ sống giữa lòng thành phố thủ đô! Vẫn thường mặc những quần áo vải bông tuềnh toàng, mang giầy vẹt gót, không sơn bóng nước xi” ( Hoàng Cát - Chuyện văn chuyện đời nhà thơ Huy Cận ). Cất giấu bên trong cái vẻ ngoài giản dị mộc mạc đó là một tình yêu sâu đậm với quê hương.

            Quê hương hiện lên trong thơ Huy Cận không chỉ là cảnh mà còn là người, những con người mộc mạc gần gũi thân thương  mà bao giờ nhắc đến họ, đến những những ngày buồn xưa cũng như những ngày vui nay  giọng thơ ông như trầm hẳn xuống muốn san sẻ . Đó là những bà mẹ, em bé trong những ngày mưa, lụt  “ơi ời giữa nước mênh mông trắng”, những bà dì, bà mự, bà cô sống hẩm hiu “như hòn cuội lăn xuôi”, người thầy” năm nhăm năm vụt tắt”  nhà thơ nghe lòng mình xót xa…Sâu đậm nhất là hình ảnh mẹ nhà thơ “Mẹ ơi sao mẹ giống/ Đất nước sinh ra con/Cũng một bầu khổ thống/Cũng bấy nhiêu đau buồn”. ( Trích Hồi ký - !940)

Hình ảnh quê hương thân thiết với người cha, người em, đàn gà, con trâu cùng với những món quê tương, nhút, cá kho, cơm ủ… luôn theo ông trong niềm thương nhớ: Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp/ Trâu dậy trong ràn em cựa nôi / Cha dậy đi cày trau kịp vụ / Hút vang điếu thuốc khói mù bay/ Nhút cà cơm ủ trong bồ trấu/ Chút cá kho tương mẹ vội bày...(Sớm mai gà gáy). Những tiếng quê “ràn”, “cày trau”, “nhút cà” xa quê lâu ngày ông vẫn nhớ!

            Tập trung cho tình yêu quê hương đầy nhớ nhung, tự hào là bài thơ  “ Gửi người bạn Nghệ Tĩnh” trong tập thơ “Những năm sáu mươi” của ông. "Xứ Nghệ” trong lĩnh vực văn hóa, văn chương truyền thống thường  bao gồm cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.  Có lẻ đây là bài thơ duy nhất trực tả Xứ Nghệ trong văn chương hiện hành với  những sản vật tiêu biểu như “cà xứ Nghệ càng mặn lại càng giòn”, “nước chè xanh xứ Nghệ càng chát lại càng ngon” và  những gia tài văn hoá phong phú như  “vè, ví dặm  xứ Nghệ càng lắng lại càng sâu” một cách tự hào.

Từ bấy lâu nói về văn hóa và con người vùng đất này có hai nhà văn nói khá sâu săc gây nhiều ấn tượng, đó là Nguyễn Đổng Chi và Đặng Thai Mai , nhưng các cụ nói chủ yếu về con người xứ Nghệ với những nét cực đoan trong tính cách, như chiến đấu gan dạ đến liều lĩnh, giải quyết tốt những trận đánh khó khăn nên có lần vua nhà Trần trước sự vây hảm, đẩy lùi của quân thù đã tự tin bảo rằng ta “còn mười vạn quân Hoan Diễn” (Hoan Diễn do tồn thập vạn binh) chưa dùng đến, Hoan Diễn là hai châu Hoan, châu Diễn tức Nghệ An, Hà Tĩnh sau này. Hoặc khi cuộc sống đẩy đến cùng cực thì phải kết liên  với nhau chống lại, các cụ gọi là sức mạnh  hợp quần ( Xô Viết Nghệ Tĩnh). Huy Cận tự  hào về cái vẻ đẹp mộc mạc mà tinh tế , nhân văn trong văn hóa, tâm tình con người Xứ Nghệ.

…Ai đi vô nơi đây,/ Xin dừng chân xứ Nghệ.
Nghe câu vè ví dặm/ Càng lắng lại càng sâu.
…Tình xứ Nghệ không mau,/ Nhưng bén rồi  sâu lắng.
Quen xứ Nghệ quen lâu,/ Càng tình sâu nghĩa nặng.

…Ôi tâm hồn xứ Nghệ, /Trong hồn Việt Nam ta.

       Chất Nghệ của bài thơ càng hiện rõ ở thể điệu ví dặm và ngôn ngữ đậm chất dân gian mà tác giả vận dụng thành thạo.

       Bài thơ Ngã ba Đồng Lộc, đỉnh cao của lòng mến yêu , tự hào về quê hương Hà Tĩnh, quê hương Việt Nam . Một cách thể hiện mới mẻ của thể thơ tự do, những thi tứ  hiện thực xen lẫn tượng trưng tạo một cảm xúc bi tráng - cao cả:

….Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, Bằng  sông, bằng thuỷ triều lên xuống,
Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,
Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu. Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ các cô kề bên đường đỏ…
(Ngã ba Đồng Lộc)

  Mộ các cô ở đây là mộ 10 cô gái huyền thoại đã hy sinh cho Ngã ba bất tử. Ngã ba này vượt lên những hư ảnh tầm thường “đèn xanh đèn đỏ” giả tạo, vượt lên sự phản bội “chênh vênh vấp ngã”, ngã ba này “làm bằng xương máu”…Những câu thơ khẳng định và thức tỉnh ! Một cảm nhận chân thật sâu sắc về Đồng Lộc.

           Phong cách thơ về quê hương của Huy Cận  cũng như thơ ông nói chung khó gói lại trong một vài mệnh đề, thi liệu thường là những hình ảnh vừa có sự gần gũi, thân thuộc nhưng phong phú và đa dạng , dân dã  mà bác học, hiện đại lại  mang dáng dấp của thơ ca truyền thống. Thể tài cũng vậy, thơ bảy chữ, năm chữ, tự do đều có. Ngôn ngữ khi thì như tiếng nói đồng quê, khi  thì cổ kính như thơ Đường cổ. Bảng lảng những suy tư triết học nhưng lại gần gũi trữ tình tâm sự của người bình dân. Ba  bài thơ quê  Tràng giang,  Gửi người bạn Nghệ Tĩnh, Ngã ba Đồng Lộc mà chúng tôi trích dẫn trên đây là một minh chứng cho những điều đã nói về phong cách thơ quê của ông: Cổ điển như Tràng giang, dân dã như  Gửi người bạn Nghệ Tĩnh và tân kỳ như Ngã ba Đồng lộc!

        Phấn đấu cho mình có được một phong cách nghệ thuật riêng là mục tiêu đẹp đẽ của mọi nhà văn. Ngay từ khi mới cầm bút, Huy Cận đã ý thức được điều này. Bằng tài năng bẩm sinh, và quá trình lao động sáng tạo công phu nghiêm túc, Huy Cận đã tạo dựng cho mình một phong cách riêng khá nổi bật trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Mảng thơ về quê hương có một đóng góp lớn cho thành tựu này./.

03-2019 

YẾN NHI

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 11569)
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới. Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.
28 Tháng Mười Hai 202110:43 CH(Xem: 10068)
Cuộc triển lãm này nêu ra luận điểm rằng bản chất nội tại của sự sống và của tất cả các sinh vật là không đồng nhất, mà đúng hơn là được kết cấu bằng nhiều mối tương quan dị biệt để tạo ra Cái Khác. Luận điểm này, vì thế, đã phá vỡ mọi tôn ti dựa vào những khái niệm áp đặt về bản sắc và tính đồng nhất.
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 10089)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 9766)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9700)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 11553)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 10448)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 10489)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 10483)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9815)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…