- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thơ Việt đi về đâu?

08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 80766)
 

thoviet

LTG: Hơn chục năm trước tôi có viết bài nhận định Ngõ cụt và sinh lộ về thơ Việt Nam trên Hợp Lưu số 13. Ngày 10-3-1996 tôi được dịp góp ý về thơ VN ngoài nước trên đài RFI ở Paris[...] tôi lại được hân hạnh nói chuyện với nhà phê bình Thụy Khuê về tình hình thơ VN [...]trên Radio RFI ngày 21-8-2004. Trong bài viết sau đây tôi sẽ trình bày một số cảm nghĩ về hiện tình thơ VN trong và ngoài nước, tiếp tục sự suy nghiệm lâu nay về một bộ môn văn học đang gây nhiều tranh luận trên các diễn đàn của chúng ta.[1]Bài viết này hình thành trong những ngày tháng nền thơ Ba Lan và thơ thế giới thọ tang nhà thơ Czeslaw Milosz, người từng nói: ‘‘Các nhà thơ không làm chứng cho Thi Ca mà chính Thi Ca làm chứng cho chúng ta”. Tôi không có bó hoa trắng đặt bên mộ thi hào, xin được thế bằng những dòng chữ này với lòng thương tiếc khôn nguôi.

 

1.

Hậu Đổi Mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt

Phạm Thị Hoài

 

1975-2005, ba chục năm qua là thời kỳ quá độ chóng mặt không chỉ về mặt chính trị-kinh tế mà cả về tinh thần lẫn văn hóa của người Việt. Quang cảnh sôi nổi lắm lúc ồn ào trong sinh hoạt văn nghệ những năm mở đầu thiên niên mới này hoàn toàn đối nghịch với thời kỳ ngột ngạt sau ngày thống nhất khi cả nước thiếu đói (hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng); chuỗi năm tháng ảm đạm kéo dài trong khi các đầu óc độc lập và tâm hồn phản kháng phải mai phục hoặc tìm lối thoát của thuyền nhân.

 

Dù cao trào Đổi Mới từ 1986[2] đã lắng vào tiềm thức tập thể và chính những người chủ trương cởi trói văn nghệ như Trần Độ đã bị ‘trói lại’ cho đến chết, tình trạng lập lờ của chính sách văn nghệ khi bộ máy chỉ đạo của Đảng không còn hữu hiệu đã mở ra “một sân chơi rộng nhất mà văn giới VN có được so với mọi giai đoạn văn học trước đó”[3]. Rõ ràng đời sống văn học tại VN những năm này “đã được bình thường hóa tới mức thế hệ viết trẻ trưởng thành sau Đổi Mới không thể hình dung nổi áp lực của sợ hãi đã từng tháp tùng tất cả các thế hệ đồng nghiệp trước mình.”[4]

 

Tình hình nói trên cho phép giới trẻ cựa quậy, đặc biệt “những thi sĩ được cấu tạo từ những tế bào bất mãn…”[5], những cây bút “khác lạ” đang bằng tìm tòi thể nghiệm kích thích “thơ VN phải đổi mới, phải khác”[6]. Có thể nhận thấy cái phần tự phát trong sự chuyển động thị hiếu của xã hội. Sự bùng nỗ bản năng sinh học cộng khát vọng thăng hoa đưa đến tích tụ năng lượng sáng tạo, nhất là ở tuổi thanh thiếu niên còn nhiều thời giờ nhàn rỗi. Hiển nhiên là giải trí đại chúng như thể thao, thời trang, vũ trường, karaoké không thể đáp ứng nhu cầu cao cấp của các thành phần có khả năng tiếp xúc với văn hóa thế giới. Mặt khác, giải pháp kinh tế của sách báo được kỹ thuật photocopy trợ lực giải thích vì sao “bấy lâu nay trong đời sống tinh thần của dân chúng, thơ đã trở thành một thứ ‘ma túy’ sang trọng, dễ kiếm, và vừa với túi tiền”[7].

 

Khi cơ chế toàn trị đã lung lay, nhà nước dù muốn hay không đôi lúc vẫn cần đến sách lược mở bình hơi quen thuộc cho phép một xã hội đang trẻ hóa và đô thị hóa nhanh về dân số được hít thở vẫy vùng, dưới phương châm bất thành văn “làm gì thì làm, miễn đừng làm chính trị”. Dù lực bất tòng tâm, dù đã ‘phẫu thuật thẩm mỹ’ đôi lần, chính sách văn nghệ của chế độ vẫn tìm cách, dù có tinh tế hơn xưa, ngăn chặn tự do tư tưởng và sáng tác. Ấy là chưa kể quán tính của một xã hội đã quen sống thiếu các tự do căn bản. Với óc quan sát sắc bén Phạm Thị Hoài gần đây đã nhận xét: Như đã nói, phần lớn các biển cấm đã bị gỡ xuống, mỗi người viết trước hết hãy nướng tài trí và năng lượng vào việc tự hướng đạo thay vì được lãnh đạo, tự lập bản đồ các vùng an toàn cho mình, …tự điều chỉnh áp lực có thể chịu được của tự do: Hậu Đổi Mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt. …Phạm vi kiểm duyệt của chúng ta trải ra vô tận. Chúng ta canh gác mình, canh chừng nhau và canh chừng cho nhau…[8]

 

Từ đó sinh ra tình trạng băng thạch mà người quan tâm đến thơ văn hôm nay chỉ thấy được phần nổi, lâu lâu đọc được một chùm thơ hoặc tập nhật ký vừa phát hiện dưới nhiều lớp tro bụi tang thương. Ở VN hiện nay còn bao nhiêu tác phẩm vẫn nằm trong bóng tối?[9] Tại Sài Gòn hay Hà Nội không có bao nhiêu ngòi bút còn ảo tưởng về tình trạng nghịch lý vừa mô tả. Trẻ và nhiều cảm xúc như Cát Vy, thì thống thiết: “…Chúng tôi như lũ lươn bị nhốt trong ống, con quằn quại tìm lối thoát, con nằm im chịu dày xéo. Người bên ngoài nhìn vào thấy thương thay, nhưng ai dám đập bể cái ống để chúng tôi được chui ra ngoài?”[10] Dày kinh nghiệm ‘nằm vùng’ như Nguyễn Quốc Chánh thì ít lời: “Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép.” [11]

 

 

2.

Cùng với văn học trong nước, văn học hải ngoại làm nên diện mạo của văn học Việt Nam ngày nay

Nguyên Ngọc

 

Nhưng Nguyễn Quốc Chánh đã có cách của mình: “chỉ với cái văn minh vi tính, thơ tôi có thể được đọc một cách sạch sẽ mà không phải khom xuống để chui qua sự khám xét nào.[12] Rõ ràng internet với e-mail đã mở ra một thời đại khác. Nhờ vào ‘phương tiện thiện xảo’, tự do thông tin được bảo vệ cùng lúc với sự khẳng định về ý thức tự do cá nhân, và những tên tuổi bị ngăn chặn, cấm đoán trước đây có thể công khai ra mắt độc giả khắp trái đất. Trường hợp Phan Đan chẳng hạn, một thi tài quen thuộc từ hơn hai mươi năm qua trong giới underground VN, đã nhờ website Tiền Vệ bên Úc để phổ biến các bài thơ đặc sắc của anh. Chắc chắn trong tương lai hình thức phát hành này sẽ giải phóng nhiều ngòi bút trong nước mà không cần mua giấy phép hoặc thỏa hiệp với một bộ máy chuyên chế về chiều. Khi vô số vệ tinh truyền thông ngày đêm chu tuần khắp bầu trời và giá thành các loại máy vi tính ngày càng thấp, ngăn chặn tiến bộ kỹ thuật bằng Công An ‘Nhân Dân’ hay tường lửa đều vô hiệu và lố bịch như nhau. Dù muốn hay không Hậu Đổi Mới bắt buộc phải làm bạn đường với Hậu-Internet và Hậu-Samizdat. Đã qua rồi thời những bản thảo chép tay hay đánh máy vùi giấu lâu năm như loại rượu hạ thổ![13] Tình trạng băng thạch như đã nói chắc khó kéo dài khi văn giới già trẻ trước sau lần lượt đột phá vòng vây. Tác động chóng vánh của trước tác và dịch thuật từ hải ngoại qua không gian liên mạng cũng không cho phép giới chỉ đạo văn nghệ nội địa tiếp tục nhắm mắt trước lạc hậu và trì trệ. Cộng thêm vào ao tù sau lưng sẽ là vấn đề nổi cộm của các chân trời phía trước.

 

Có đồng minh là internet, “sân chơi rộng nhất” nói theo kiểu Phạm Thị Hoài mở ra đến gần như vô hạn. Sự thông thương với thế giới nhờ du lịch tham quan, học bổng nghiên cứu, hội thảo quốc tế đã mở rộng nhản quan và kiến văn của giới cầm bút trong nước. Hiển nhiên ngoài những tác động tích cực, các sự kiện trên cũng đồng thời đặt lại câu hỏi căn bản: mối liên hệ giữa địa lý quốc gia và tính dân tộc của văn chương phải được quan niệm lại như thế nào? Những người có tầm nhìn rộng như học giả Nguyễn Huệ Chi, hoặc nhà văn Nguyên Ngọc đã phát biểu chân tình và xác đáng: “Chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta lại có hơn hai triệu người ở nước ngoài như hiện nay… Những người VN ở nước ngoài trong mấy chục năm qua đã hoàn thành một khối lượng văn học không thể phủ nhận được. Đó là một bộ phận của văn học VN hiện đại, chẳng có gì phải bàn cãi. Cùng với văn học trong nước, văn học hải ngoại làm nên diện mạo của văn học VN ngày nay… Theo tôi, bộ phận văn học này phản ánh số phận của một thành phần quan trọng trong dân tộc mà những người viết trong nước khó có khả năng tiếp cận, hiểu và viết được. Thiếu nó, thì văn học chúng ta sẽ khuyết đi một mảng rất lớn và rất quan trọng của khuôn mặt con người Việt trong thời sóng gió hung bạo của lịch sử dân tộc như chúng ta đã, và đang, trải qua. Văn học VN do vậy sẽ què quặt.”[14]

 

Có một điều cần lưu ý mà Nguyên Ngọc có thể chưa tiện nói ra: Trừ một vài nhà văn nhà thơ như Túy Hồng, Thanh Nam, Võ Phiến, Nguyên Sa, Cao Tần… di tản trước ngày 30-4-1975, đại đa số người viết lần lượt trốn bỏ chế độ đều có kinh nghiệm máu thịt với toàn trị Cộng Sản, và lúc xuống thuyền đã âm thầm mang theo bản thảo hay dự án trước tác trong đầu. Sau Đổi Mới mở cửa, giới cầm bút lưu vong hầu hết đã trở về thăm quê hương, tiếp tục cuộc chứng nghiệm tập thể về một thời kỳ sử biến đầy bi hài và còn tiếp diễn. Nghĩa là ngoài kinh nghiệm di dân họ không xa lạ gì với thực trạng VN sau thống nhất, trái lại họ còn luyện thêm óc phê phán nhờ có thể so sánh trong, ngoài. Sự sinh động phong phú trong sáng tác hải ngoại có thể cung cấp chất liệu cho cả chục luận án văn học tương lai hầu phê phán và bổ túc cho một số quan niệm mơ hồ và sơ sài về lĩnh vực này. Các tác giả trong nước không thể cưỡi ngựa xem hoa rồi viết bừa vài trang đăng báo![15] Sau nhiều đợt sóng di dân nền thơ hải ngoại qui tụ nhiều thế hệ, từ các tên tuổi của Sáng Tạo (Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Mai Thảo…), Trình Bầy (Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường…), đến đám Hậu Chiến chúng tôi (Ngu Yên, Phạm Việt Cường, Khế Iêm, Đỗ Kh., Thường Quán, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trân Sa, Lê Bi, Lê Thị Huệ…), về sau được bổ xung thêm với sinh lực mới của Thận Nhiên, Đỗ Quyên, Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hoa, Mộng Lan…[16] Nếu các nhà thơ trong nước là chủ lực thì toán xung kích tiên phong đi thám thính mở mang bờ cõi cho thơ VN hôm nay chính là các gương mặt vừa kể. Bên cạnh các bạn văn có cố gắng làm mới truyện và ký, họ đã mang sinh khí của sáng tạo và thử nghiệm, dịch thuật và lý luận để lột xác thay máu cho dòng thơ tiếng mẹ đuối hơi sau nhiều thứ chấn thương. Khoảng cuối thập niên 80 thế hệ xung kích này ra mắt công chúng và gây tác động mạnh trong thẩm mỹ và thị hiếu của người đọc. Từ những trang sáng tác đầu trên Văn hay Văn Học, họ nhanh chóng trở thành nòng cốt của Hợp Lưu. Số chủ đề về Thơ ca Việt Nam hiện đại mừng Hợp Lưu tròn hai tuổi tháng 10-1993 do Chân Phương, Đỗ Kh., Phạm Việt Cường biên tập chính thức giới thiệu với độc giả và giới quan tâm đến thơ VN sự hình thành của một tập hợp mới trong đó có nhiều thi sĩ tài năng và độc đáo. Có thể nói đây là bước ngoặt quyết định của thơ VN ngoài nước, từ đó người ta không thể làm thơ, đọc thơ như trước: “Mấy năm gần đây những thi tài được hàm dưỡng trong lặng lẽ lần lượt xuất hiện. Đó là những cá tính sáng tạo đã trưởng thành, có ý thức về trách nhiệm của người nghệ sĩ. Xa lạ với trò theo đuôi hoặc làm dáng, thế hệ này tự tin và độc lập…. Một đội ngũ đầy sinh lực đã lên tiếng, báo hiệu tiềm năng mới của dòng thơ Việt hôm nay. …Dù có gặp gỡ quen biết hoặc quan tâm theo dõi sáng tác của nhau, hầu hết đều độc lập khai phá con đường sáng tạo riêng. Chính sự tìm tòi ấy cộng vào cá tính với nhân cách đã làm nên bản sắc không thể lẫn lộn của từng người…”[17]

 

Sau đó tạp chí Thơ ra đời với nhóm chủ trương là các khuôn mặt chính của tập hợp nói trên. Ngay từ mấy số đầu tạp chí Thơ đã xóa bỏ lằn ranh trong ngoài, mở rộng vòng tay đón các bài viết và sáng tác thơ trong nước của Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đỗ… Kể từ Thơ Mới thời Tiền Chiến chưa bao giờ thơ VN được xum vầy đầm ấm như thế! Không khí hữu nghị văn hóa ấy lan rộng nhanh ra ngoài Quận Cam và Hoa kỳ. Các bạn thơ ở Gia Nã Đại, ở Úc cũng không chịu ngồi yên: Trăm Con ra mắt tại Toronto, rồi Sydney-Melbourne góp sức sinh ra tờ Việt mà số ra mắt cũng là số đặc biệt về Thơ VN. Bây giờ nhìn lại giai đoạn hào hứng đó những người trong cuộc vẫn còn kỷ niệm khó quên về một mùa Lễ Hội Thi Ca.

 

Bằng nhiều ngách các tạp chí vừa kể đã vào trong nước và được nhân lên bằng các bản sao chuyền tay, đồng thời mở rộng không gian cho văn hóa thơ thế giới ùa vào đằng sau từng trang báo văn chương hải ngoại. Không chỉ nâng cao trình độ thưởng thức và thẩm mỹ thơ trong công chúng độc giả, chất lượng của Hợp Lưu và tạp chí Thơ lúc ấy đã tạo ra nhu cầu về thông tin thi ca cho cả nước. Tháng 10-1997 gặp nhau trong mấy ngày hội thảo ở Paris, Lê Đạt đã có vài đề nghị với nhóm nhà thơ hải ngoại chúng tôi trong đó có Diễm Châu, Đỗ Kh., nhằm tăng cường giao lưu cho sinh hoạt thơ ca trong và ngoài nước: “Cần có nhiều cố gắng hơn nữa trong việc dịch thơ, giới thiệu thơ thế giới. Ở hải ngoại có những điều kiện đóng góp đó. …Ưu điểm của ngoài nước là hiện đại nhờ tiếp xúc với thế giới. Ưu điểm của trong nước là hiện đại nhờ tiếp xúc với sống động của ngôn ngữ ngay tại môi trường phát triển của nó. Phải có sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa giữa những người làm thơ… Hiện đại hóa thơ Việt là nhiệm vụ của những nhà thơ Việt nói chung, trong và ngoài, nguyên lý bổ xung cần được đề cao.”[18]

 

Nhà văn Nguyên Ngọc cũng kỳ vọng tương tự ở văn học hải ngoại: “Bộ phận văn học này còn có một đóng góp quan trọng khác: nó đem đến cho văn học ta những kinh nghiệm của văn học hiện đại thế giới mà văn học trong nước, do những hạn chế khách quan và chủ quan, khó có được.”[19]

 

Trong chục năm qua các điều mong ước trên đã dần dần trở thành hiện thực. Riêng về dịch thuật, Diễm Châu và nhóm Trình Bầy đã làm ngạc nhiên người đọc với nỗ lực dịch và giới thiệu các nhà thơ hàng đầu trên thế giới.[20] Sự hợp tác giữa các nhà thơ đã vượt qua vòng đai quốc gia-nhà nước và thôi thúc tiến trình hiện đại hóa thơ Việt. Các nhân tố mới lạ trong sáng tác, lý luận và dịch thuật liên quan đến thi ca từ hải ngoại đã tác động tích cực vào sinh hoạt văn nghệ trong nước, đặc biệt ở giới làm thơ trẻ đang khao khát cách tân[21]. Nhờ không gian liên mạng và sự năng nỗ của các trạm website sự giao lưu văn hóa trở nên chặt chẽ và chóng vánh bội phần. Nếu không quá lạc quan, ta có thể đồng ý rằng một nền cộng hòa văn chương đang hình thành cho giới cầm bút VN khi họ bước vào thiên niên kỷ mới.

 

3.

Mười năm đeo đuổi “cách tân, thử nghiệm”, như bao bạn đồng hành khác, hôm nay tôi nghe đuối!

Inrasara

 

Nền cộng hòa văn chương ra đời là một Tin Mừng, nếu không có những mặt trái của nó. Trong giai đoạn “khủng hoảng trưởng thành”, gần như đồng nghĩa với “khủng hoảng dậy thì”[22], hiện ra một số vấn đề nghiêm trọng. Trước tiên là chuyện nội lực, gắn liền với vấn đề tiếp nhận văn hóa thế giới. Khi đã hao phí quá nhiều sinh lực cho chiến tranh, bị chế độ toàn trị cấm đoán tự do tinh thần và thông tin trong mấy mươi năm, lại thêm các chấn thương chia cắt đất nước, thù hận, tù đày, còn lâu dân tộc VN mới khôi phục và xây dựng được sức sống văn hóa như các nước văn minh khác. Đó là chưa kể sự tụt hậu về giáo dục, tệ trạng đã được báo động nhiều năm qua; “trong nước suốt nhiều chục năm qua… có thể nói là chúng ta gần như không có Đại Học thực sự” như một vị giáo sư học giả lão thành có nhận xét: đại học VN là “trường phổ thông cấp bốn”[23]. Nếu Internet là chiếc đũa thần có thể xóa bỏ khoảng cách không gian-thời khắc thì trái lại không có phép thuật nào để rút ngắn khoảng cách văn hóa-tri thức. Sự lúng túng, hụt hẫng của sinh hoạt thơ ca những năm gần đây nói lên cái khó trong tiếp nhận văn hóa. Lượt qua các phát biểu, nhận định về thơ hoặc lý thuyết trong nước chẳng hạn tôi có cảm tưởng về tính mơ hồ, hời hợt, bất cập trong quá trình lĩnh hội. Có người so sánh thơ Ngôn Ngữ (Language Poetry) với trò chơi chữ của bà Chúa thơ Nôm![24][25] Nhu cầu học hỏi bao giờ cũng đáng trân trọng và khuyến khích, nhất là ở giới trẻ háo hức đón nhận tri thức thời đại. Nhưng không thể hối hả nuốt trọng hay cắt dán vá víu! Có kẻ khoa ngôn “chủ nghĩa Hậu Hiện Đại cưỡng dâm… chủ nghĩa Hiện Đại” để biện hộ cho các mạo phẩm của phe mình!

 

Nguyên Ngọc nhận xét như sau:

Gần đây, một số cây bút trẻ dường như đang cố phá vỡ những nếp viết cũ, háo hức đi tìm cách viết mới, khác, ra ngoài truyền thống và cũ mòn. Về cơ bản, đó là những cố gắng lành mạnh… Tuy nhiên… tôi có cảm giác những tìm tòi phá vỡ này còn thiếu một cái gì đó để thành công. Có lẽ phải chăng vì nó thiếu một nền tảng cơ bản, và như vậy thì rất dễ rơi vào tình trạng “học đòi”, bắt chước, lúng túng, chắp vá…”[26]

 

Giới làm thơ trong nước cũng đã ý thức điều này, thí dụ Bùi Chí Vinh, Nguyễn Trọng Tạo hay mới đây, thi sĩ Việt-Chàm Inrasara: “Sau hưng phấn lẫn choáng ngợp buổi đầu trước những đa dạng của cái mới lạ, chúng ta lõm bõm bơi giữa rối mù của bao nhiêu dòng trào lưu. Các tài năng thơ thế hệ mới lộ nguyên hình nỗi lúng túng, quờ quạng trong thử nghiệm! …Và kiệt sức sớm xảy đến, nếu chúng ta không tự thức tỉnh và dừng lại.”[27]

 

Nhà văn Bùi Hoằng Vị cũng mượn câu thơ để bộc bạch sự bế tắc:

 

Đã lâu lắm anh không làm thơ nữa…

Bây giờ- với trí nhớ tê liệt, óc tưởng tượng bị thương,

Anh không còn làm chủ được ngòi bút của mình.

Đối với anh mọi danh từ đã trở nên cùn mòn, mọi tính từ chỉ còn là

nhạt nhẽo, khả nghi, mọi động từ đều mục nát, cũ kỹ.[28]

 

Dù có nhiều lợi thế hơn các bạn trong nước, tiếp nhận văn hóa nước người cũng khác xa việc mua sắm áo quần thời trang hoặc nhai fast food! Các thảo luận, bút chiến vài năm nay đã bộc lộ các mặt hạn chế của các ngòi bút cổ xúy ồn ào cho thơ Tân Hình Thức hay thuyết hệ Hậu Hiện Đại. Trong phạm vi bài viết này tôi không thể đi sâu vào vấn đề tiếp thu thi pháp New Formalism khá sơ sài, nếu không nói là tùy tiện, của nhóm Tân Hình Thức[29]; mà chỉ nêu lên vài suy nghĩ cá nhân. Như đã nói, tạp chí Thơ ra đời từ sự kết hợp của các gương mặt mới của thơ VN hải ngoại. Khi Khế Iêm với vài bạn hô hào thành lập Tân Hình Thức vào năm 2000, sự phân hóa bắt đầu. Làm sao những bộ óc không ngừng tìm tòi thử nghiệm có thể bằng lòng chui vào cái khung Tân Hình Thức, nhất là các thi sĩ am tường ngôn ngữ và thi ca Hoa kỳ như Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo..! Những người khác như Phạm Việt Cường, Nguyễn Hoàng Nam, Ngu Yên, Thường Quán… lặng lẽ tiếp tục hành trình sáng tạo riêng. Có lẽ lý do sự chia tay không phải khác biệt cá tính mà chính vì bất đồng quan điểm về sáng tác và văn hóa thơ. Cũng như thái độ vô chính phủ và phi văn hóa của vài nhà thơ trẻ Sàigòn (chẳng hạn nhóm Mở Miệng), các lập luận khá cực đoan và đầy sai lầm của nhóm Tân Hình Thức về thơ hiện đại khiến văn giới phải lên tiếng. Ở Mỹ nhà thơ Phan Nhiên Hạo đã phê phán đúng: “Chúng ta cần làm mới thơ. Nhưng trong nghệ thuật, sự làm mới không thể là một hành động duy ý chí. Có nhiều chọn lựa, và không phải lúc nào các phong trào thời trang cũng là chọn lựa duy nhất cho việc làm mới thơ.”[30]

 

 Nhà phê bìnhThụy Khuê bên Pháp cũng thẳng thắn góp ý với những ai đang nuôi mộng làm mới văn chương: “Nếu chúng ta chỉ sống trên những tên gọi: siêu thực, tự do, tân hình thức, hiện đại, hậu hiện đại, truyền thống, v.v.. mà không tìm hiểu ở dưới những cái tên ấy có những nội dung gì, thì khó có thể có một lên đường đích thực…”[31]

 

Tình trạng thơ Việt hôm nay không khác lắm với cảm tưởng của Trần Vũ đối với ‘Hội chứng Babylone’ của giới viết văn. Phần lớn nhà thơ, nhất là lứa trẻ, hình như cũng đang thất lạc trong các tầng tháp Babel mênh mông của hai ngàn năm tư tưởng và học thuật Tây phương: “Tất cả chỉ biết tầng cuối cùng mang tên Hậu Hiện đại, đa số không biết mình ở đâu, muốn gì. Nhà văn Việt đã khó khăn định vị trí mình trên tháp... Tham quan, nhưng không rõ giá trị thực sự, vì thiếu kinh nghiệm thế giới. Những người quyết chí, tỉnh táo nhất, biết mình tìm gì, nhưng lại không biết mình cần gì. Lên thẳng tầng lựa chọn rồi băn khoăn trước mật mã văn hoá. Không biết mình muốn gì, tìm gì, và cần gì ở nhân loại nên thất lạc, đưa đến Chốn vắng Tư duy trong sáng tác. Chốn vắng Tư duy khiến tập trung đổi mới vào hình thức và kỹ thuật. Nhưng cũng chính chốn vắng tư duy khiến kỹ thuật và hình thức không đủ sức vực dậy văn chương. Rất hiếm tác phẩm VN nào chở mang tư tưởng rõ rệt làm xương sống chủ đạo cho toàn truyện, và các nhân vật mọc ra từ xương sống đó như những xương sườn của xương sống đó..”[32]

 

Cú sốc văn hóa khi Tây phương xâm lăng Á Đông từ đó đến ngày nay vẫn là thách đố lớn lao cho giới trí thức bản địa muốn canh tân. Thiếu nội lực và ý thức phê phán, chúng ta sẽ không bao giờ tập đi bằng đôi chân của mình mà phải nhờ kẻ lạ cõng! Và không riêng gì VN, Nhật Bản hay Trung Hoa cũng không tránh được tệ trạng lệ thuộc và mất phương hướng như ta. Oe Kenzaburo hoặc Cao Hành Kiện đều than phiền về nạn vay mượn học đòi vô ý thức: “Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại, cho đến hàng loạt chủ nghĩa choàng thêm các định ngữ như ‘tân’ và ‘hậu’, ‘phê phán’ và ‘cách mạng’, …hoành hành trên đầu của văn học, khiến cho văn học hiện đại Trung Quốc vốn yếu mềm bị ép chỉ còn thoi thóp. Phê bình văn học lại càng như thế, đếm không hết những chủ nghĩa và những định nghĩa phồn tạp, đè lấn văn học đến nỗi thường khi chỉ thấy cờ hiệu, khó thấy tác phẩm…” [33]

 

Trái đất đã trở thành cái làng với xu thế toàn cầu hóa, kèm theo sự bội tăng của giao lưu văn hóa. Dù hoàn cảnh lịch sử có lắm khác biệt, VN không thể không học hỏi các trào lưu kinh tế, khoa học hay chính trị, nhân văn của thế giới ngày nay. Làm thế nào để khỏi trở thành bản sao nhạt mờ, hay làm học trò thứ hạng của các đế quốc văn hóa, trước là Pháp, là Nga, nay là Anh-Mỹ? Trong buổi nói chuyện trên đài RFI mùa hè qua tôi có cảnh giác về mối nguy của toàn cầu hóa một chiều dưới lá cờ Hoa Kỳ, chủ yếu thể hiện qua ngôn ngữ và văn hóa Anh-Mỹ (từ các tộc người anglo-saxon). Nhà lý luận văn học Jonathan Arac đặt tên cho mối nguy ấy là anglo-globalism[34]. Giới nghiên cứu văn hóa đại chúng Mỹ bổ túc thêm từ Mac-Culture, phỏng theo hiệu bánh Mac Donald!

 

Nhìn lại các diễn biến trong sinh hoạt sáng tác và lý luận của người Việt từ khi có lớp di dân qua “đất hứa”, rồi thông thương sau cấm vận cộng thêm internet vài năm gần đây, phải chăng chúng ta đang hăng hái cựa quậy dưới cái bóng của anglo-globalism mà chẳng mấy ai hay biết dù đã được trang bị đủ thứ lý thuyết thời trang? Nếu chỉ biết tiếng Anh rồi đọc tạp nham, tiếp thu chắp vá tùy tiện, xong đi phổ biến loại kiến thức đầu Ngô mình Sở ấy trên sách báo hoặc internet thì sẽ ảnh hưởng một cách tai hại đến lớp người đọc kém ngoại ngữ và đói khát thông tin trong nước! [35] Có lẽ đã đến lúc giới cầm bút VN phải định thần để nhớ lại lời bất hủ của Montaigne: “Tête bien faite vaut mieux que tête bien pleine!” (Cái đầu lành mạnh hơn cái đầu nhiều chữ!)

 

 

4.

Suy tư bao giờ cũng chỉ là suy tư,

Suy nghiệm khác. Suy nghiệm là xương máu.

Nhà thơ Burns Singer

 

Thơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước, tôi không dám ba hoa đề nghị vài phương pháp rèn luyện nhân cách nghệ sĩ cho những bạn thơ trong nước. Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.

 

Nhà lý luận về văn học so sánh Franco Moretti có đúc kết một sơ đồ của quan hệ văn học cho thể loại tiểu thuyết. Ta thử áp dụng sơ đồ ấy cho thi ca: đó là quan hệ tam giác giữa 1/ hình thức ngoại nhập (foreign form), 2/ chất liệu bản địa (local material), và 3/ hình thức bản địa (local form) [36]. Sơ đồ này rất có ích để soi sáng chẳng hạn sự phát triển của Thơ Mới thời Tiền Chiến đã mượn hình thức ngoại nhập của thơ lãng mạn-tượng trưng Pháp để thể hiện chất liệu văn hóa-tâm lý VN đồng thời cải cách thi luật truyền thống; (thí dụ sáng tác của Trương Tữu hoặc Đoàn Phú Tứ). Hiện đại thì dùng sơ đồ tam giác đó để diễn giải thi phẩm Bến Lạ của Đặng Đình Hưng hay Thơ Vụt Hiện của Hoàng Hưng; cả hai đã dùng hình thức thơ văn xuôi để chụp bắt nội tâm và những mảnh đời VN trong một giai đoạn lịch sử xám xịt ngột ngạt.

 

Góc 1/ của sơ đồ trên chủ yếu là công việc của nghiên cứu văn học các nước, giới thiệu thi pháp, thi luật, các thể thơ thế giới, tóm lại là xây dựng bộ môn thi học so sánh (comparative poetics).

Hai góc tam giác còn lại chính là sở trường của các nhà thơ VN: chất liệu và hình thức bản địa. Hai yếu tố này trước kia đã làm nên tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Mai sau cũng hai yếu tố đó sẽ hàm dưỡng các thi hào VN kế tiếp.

 

1945-1975-2005, định tâm nhìn lại sáu thập kỷ thi ca VN chúng ta gặt hái được gì? Theo tôi, đó là phần chất liệu, dù tôi không phủ nhận những cách tân quan trọng trong thi pháp và thi ngôn[37]. Lịch sử ngoại lệ của đất nước đã trao tặng cho văn chương một kho tàng chất liệu mà dân Việt chia hai như huyền thoại đã tiên tri: nửa theo di dân vượt biển mang đi, nửa ở lại với quê hương nhẫn nhục. Nhưng cốt lõi của chất liệu ấy là một: đó là kinh nghiệm khổ nạn của cả dân tộc cùng chịu cái tang chung, cái tang của Nhân Tính bị guồng máy toàn trị-nhà tù-công an xiềng trói hoặc thủ tiêu. Đó là “nền cộng hòa xám của oan khiên, xấu số, bất hạnh, lao khổ, đói khát, bệnh tật, chết chóc…”. Đó là “thời gian đơn điệu, lê thê, ù lì,… thách đố biến hóa, lập lờ giữa sống và chết.”[38] Và chất liệu đó đã làm nên các bài thơ của Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Chí Thiện, Đặng Đình Hưng…

 

Tôi rất đồng ý với điều Phạm Thị Hoài tâm sự: “Những cái mốc trong hành trình văn học của tôi cho đến nay không do tôi tự cắm, những lựa chọn của tôi không hoàn toàn do tôi tự quyết định. Chúng ít nhiều đều là những can thiệp từ bên ngoài.”[39] Kinh nghiệm này có thể áp dụng cho hầu hết giới sáng tác VN trong giai đoạn lịch sử kể trên. Không có các sự biến 1945-1954 sẽ không có Nhân Văn-Giai Phẩm, kể cả nhóm Sáng Tạo ở miền Nam. Không có 1975 sẽ không có văn chương lưu vong và di dân. Không có Glasnost và Đổi Mới sẽ không có Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… và nhóm Nhân Văn sẽ bị khóa miệng cho đến chết!

 

Xưa nay, và đặc biệt từ thời tượng trưng-siêu thực, thi nhân thích tìm cái Khác Lạ. Lúc thì tìm trong cõi nội tâm, khi thì phiêu lãng đến chân trời xa tìm hương viễn ngoại (exotique). Với các nhà thơ VN thì trái ngược – chính các Khác Lạ đi tìm họ. Nó đến với bộ mặt dị thường khó hiểu của Lịch Sử, có lúc mê hoặc thôi miên, lắm khi cuồng nộ hung tàn; đối diện nó lâu ngày sẽ mù lòa, điên loạn hay hóa đá. Vinh quang của một số thi sĩ VN, như trong nhóm Nhân Văn, là đã không lẫn tránh nó, một thân một mình gánh chịu trách nhiệm của chứng nhân. Cái Khác Lạ mà họ không tìm kiếm hóa ra là định mệnh buộc họ cất lên tiếng nói thay cho người dân đã bị bịt mắt khóa miệng. Tiếng thơ ấy là vàng ròng tinh luyện từ Hỏa ngục, là tinh hoa của Nhân Tính giành lại từ móng vuốt của cái Ác. Trong trại tập trung vô hình không giới hạn của bạo lực và gian trá, họ đã đấu tranh cho “những con người thật” (Văn Cao).

 

Khi từng gương mặt rực sáng ấy lần lượt ra đi, trong lớp nhà thơ Hậu-Nhân Văn ai sẽ kế thừa ngọn đuốc lửa? Dòng văn học tự vấn từ Đổi Mới đến nay cho thấy họ đã không phản bội những người đi trước. Tự vấn, theo nhà văn Nguyên Ngọc, “là một sự bức thiết trong tình trạng hiện tại”, “cần có một sự tự vấn của toàn xã hội, toàn dân tộc hơn bao giờ hết.”[40] Tự vấn, tiếng Pháp thường gọi examen de soi hay examen de conscience là một thái độ lương tâm và đạo lý, đồng thời cũng là chức năng thường trực của người cầm bút.

 Cuộc chiến dai dẳng hóa thành ung độc dù kết thúc đã lâu, vì thời hậu chiến không đồng nghĩa với tự do-hòa bình. Sau 1975 đó là tập trung cải tạo, là vượt biên, là đói kém, là thành phần lý lịch, là lưu đày trên quê hương, là nhân tâm ly tán, chưa kể chiến tranh tái phát. Nguyễn Viện nói: “Cuộc chiến tranh VN để lại nhiều hậu quả, trên những số phận khác nhau. Người thắng có vấn đề của người thắng. Người thua có vấn đề của người thua. Có những người không thua không thắng. Cũng có những người không bao giờ giải ngũ...”[41]. Thống nhất bằng quân sự không đưa đến hòa giải hòa hợp. Bùi Chí Vinh dùng hình tượng con đỉa để ẩn dụ: “Đất nước đứt làm đôi / Như đứt đôi con đỉa / Mỗi con lớn lên không hề ngắm nghía / Phía phần đuôi đau nhức của mình…”[42] Trong khi ý Nhi, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, NgôTự Lập… trăn trở về thân phận các nữ dân quân, bộ đội đã hao phí cả tuổi xuân cho chiến tranh mà chỉ thu về được khổ đau và nghèo đói, lắm chị buồn chán cạo đầu đi tu thì Lê Thị Huệ dù sống ở Mỹ đã lâu mà vẫn còn cảm nghiệm sự tàn khốc của chiến tranh:

 

Tôi lớn dậy cùng những lô cốt chắn đường

Tử thủ phố phường ướt những đêm kinh con gái

Máu chảy lai láng trong bản tin chiến trường buổi sáng

……

Chỉ thấy bóng đàn ông bọc sắt đi ngang cửa nhà

Những tên chiến thầu viết trên những biểu ngữ hoa

Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Thiệu Kennedy Kissinger

Thay phiên hiếp đấu hai mươi trang sử ký đời tôi

Họ để lại những lô cốt những cái bướu trâu

Mọc u óc khắp tử cung tôi thời hậu chiến

Chúng nổi tự bao giờ làm sao tôi hiểu thấu

Những lô cốt còn lại từ một cuộc chiến tranh [43]

 

“Người con gái VN da vàng” của Trịnh Công Sơn cho đến hôm nay vẫn chưa được sống cho ra người. Như lời Cát Vy: “Chúng tôi chỉ tồn tại sinh vật, chúng tôi chưa được phép sống... Tôi muốn nói về cơn mê được làm Người của mình. Cơn mê được sống bằng bản năng thật, bản năng nguyên thủy, bản năng con người.”[44] Và chỉ mong ước tầm thường như Đỗ Hoàng Diệu: “Làm sao để có tiền nuôi sống mình mà không phải bán mình sang Đài Loan, Trung Quốc, làm sao đến tuổi thì lấy chồng lấy vợ…”[45] trong khi hàng vạn gái quê VN đói rách phải bán mình để cứu đói gia đình. Đúng là Nguyễn Du khi viết truyện Kiều đã có tài tiên tri, nhưng ông không thể biết cụ thể những thảm cảnh như Nguyễn Quốc Chánh đã khôi hài đen: “Một em trốn khỏi giấc mơ đô thị than: gái ruộng xuất qua Đài Loan giá mỗi em bằng một trứng vịt lộn.”[46] Con gái đàn bà dân thiểu số cũng thảm thương:

 

 Em bị nhổ khỏi plây

bị văng vào phố

Em giặt giũ trong căn gác lạ

em thợ phụ trong xưởng may lạ

em hoảng hốt trong con hẻm lạ.

Mẹ ơi!

Tay em không có nhẫn

em còn đôi mắt buồn

túi em không có tiền

em còn bàn chân nắng.[47]

 

Trong các bài thơ trên người đàn bà không biểu tượng cho ước mơ hạnh phúc, hoặc hương sắc trần gian. Họ hiện hình như nạn nhân của quá khứ chiến tranh và hiện tại khốn nạn, như mặt trái của các hứa hẹn bánh vẻ khoác lác! Qua bao nhiêu tang thương họ cắn răng nuôi lớn từng thế hệ cho Lịch Sử bắt đi, để nhận trở lại bất công và nghịch lý:

Ôi Nhân dân, Người ẩn chứa những gì

Mà bao năm mòn gót còng lưng trước công đường của Đảng?

Các đầy tớ của Người mặt mày quan dạng

ngồi dửng dưng trước từng núi đơn từ. [48]

 

Đọc lớp nhà thơ trẻ hiện nay tôi có cảm giác phần đông họ tránh né sự thật đất nước và phóng mình vào cõi thơ như một thứ ma túy hoặc an thần. Trong cái guồng máy vẫn ngăn chặn các quyền cơ bản của người dân, độc giả có thể thông cảm thái độ duy mỹ chủ quan ấy. Cũng như bên Trung Hoa, thơ VN có xu hướng biến thành tôn giáo trong một môi trường bị phá sản về các giá trị tinh thần, như một cách phản kháng của những tâm hồn chưa mất hết lý tưởng. Tuyển tập mới đây của 26 nhà thơ VN đương đại cho thấy đa số đang đi tìm cái Khác Lạ trong thử nghiệm ngôn từ và ý tượng, mỗi thi sĩ đều có khám phá riêng để góp phần làm mới thơ Việt hôm nay. Bên cạnh nỗ lực cách tân đáng khen ấy điều đáng lưu ý khác, trừ vài bài thơ của Nguyễn Quốc Chánh, Ngô Tự Lập, Inrasara, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Đức Tùng ra, là sự thiếu vắng đối thoại với các thế hệ nhà thơ trước họ về các mặt tư duy nghệ thuật cũng như suy nghiệm về chất liệu như đã phác họa bên trên [49]. Đây không chỉ thuần túy là việc rèn luyện tay nghề, hay học hỏi từ quá khứ để làm giàu thêm vốn văn hóa thơ mà còn để chuẩn bị một tư thế thi sĩ-công dân vì thế kỷ khốc liệt vừa qua đã chứng minh trên khắp thế giới mối liên hệ định mệnh giữa Lịch Sử với Thi Ca, và biết đâu mai đây đất nước và dân tộc VN lại cần “những con người thật” để làm Người Chứng?

 

CHÂN PHƯƠNG

Paris-Cambridge, Hè Thu 2004

(bản in lần đầu trên Hợp Lưu 2004)


[1] Ngõ Cụt và Sinh Lộ là bài dẫn nhập trên Hợp Lưu số 13 tháng 10-1993, chủ đề “Thơ ca VN hiện đại”. Vài ý kiến về thơ Việt nước ngoài đăng trên tạp chí Thơ số 8, 1996 và trả lời phỏng vấn Tình hình thơ ca VN hôm nay trên Hợp Lưu số này.

[2] xem Phương Kiến Khánh, Glasnost in Vietnam, Indochina Report 25, 1990, nguyên là bài tham luận tại hội nghị quốc tế Vietnam Today: Assessing the new Trends tổ chức ở Bangkok ngày 1-3/ 9/ 1988.

[3] Phạm Thị Hoài, Nhà Văn Thời Đổi Mới, talawas.

[4] như trên

[5] Dư Thị Hoàn, Tôi nghiêng mình kính phục họ, talawas 18-9-02.

[6] Hoàng Hưng, Ngoảnh lại 15 năm thơ VN, talawas 12-6-04.

[7] Dư thị Hoàn, Thơ từ góc độ hoạt động đại chúng, talawas 28-2-03. Đây không phải là hiện tượng mới. Trong văn hóa Á đông thơ là ‘ma túy’, một phần do truyền thống trọng văn, một phần là cánh cửa đón sinh khí chống lại các định chế quan phương ngột ngạt. Có thể tham khảo Michelle Yeh, The Cult of Poetry in contemporary China, Journal of Asian Studies, Vol.55, 1, 2-1996, để tìm hiểu về sự sùng bái thi ca gần như tôn giáo sau khi các ý hệ chính thống vỡ nát.

[8] Phạm Thị Hoài, bài đã dẫn.

[9] Nguyễn Viện đề cập đến ‘văn chương ngoài luồng’ trên Hợp Lưu 74, 12-2003. Xem phỏng vấn Vi Thùy Linh của Thụy Khuê, Hợp Lưu 75, 02-2004.

[10] Cát Vy, Cơn điên của Vệ Tuệ và..., Hợp Lưu 79, 10-2004, trg 93.

[11] Nguyễn Quốc Chánh, Của Căn Cước Ẩn Dụ, Hợp Lưu 72, 08-2003, trg 144

[12] như trên

[13] Hoàng Hưng muốn bóng gió về các sáng tác phải vùi cất lâu năm của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và của chính mình. Đó cũng là kinh nghiệm của chúng tôi, thế hệ phải bỏ nước ra đi mới công bố được tác phẩm.

[14] Nguyên Ngọc trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu 73, 10-2003, trg 197.

[15] Thận trọng như Hoàng Hưng thì công nhận mình không biết rõ về thơ hải ngoại, xem Hoàng Hưng, Trả lời Phan Nhiên Hạo, talawas, 23-6-04,và đọc Phan Nhiên Hạo, Cũng xong một ‘sô’, talawas, 19-10-04, phê bình nghiên cứu về văn chương VN hải ngoại của Hoàng Ngọc Hiến.

[16] Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hoa có thơ sáng tác bằng Anh ngữ xuất bản tại Mỹ. Ba nhà thơ sau đã có mặt trong các tuyển tập thơ hay nhất trong năm do David Lehmann chủ biên.

[17] Chân Phương, Ngõ Cụt và Sinh Lộ, Hợp Lưu 13, 10-1993, trg 10-12. Các nhà thơ Hậu Chiến được giới thiệu trong bài viết này hiện nay là những gương mặt hàng đầu của thơ VN trong và ngoài nước.

[18] Đỗ Kh phỏng vấn Lê Đạt-Dương Tường, Thơ 11, 1997.

[19] Nguyên Ngọc trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu 73, 10-2003, trg 197-198.

[20] Có thể đọc thẳng trên web tienve.org

[21] Hoàng Hưng trả lời Phan Nhiên Hạo, talawas, 23-6-04.

[22] “dậy thì” là chữ của Đinh Linh, phỏng vấn Đinh Linh, talawas, 17-10-02.

[23] Nguyên Ngọc trong bài đã dẫn có nhắc đến cụm từ “Phổ Thông cấp Bốn” của Hoàng Ngọc Hiến. Khủng hoảng giáo dục và đại học là đề tài nóng trên talawas; diendan.org có đăng nhiều tham luận liên quan trong vài năm gần đây.

[24] xem Nguyễn Trọng Tạo-Nguyễn Thụy Kha, Không thể đo chiều cao cách tân bằng cái thước mét cũ, talawas, 17-8-04.

[25] Lý Đợi, Thơ và Chúng tôi không làm thơ, Thơ 27, 2004, trg 136. Nhóm Mở Miệng đang là hiện tượng quậy phá vô chính phủ, khá cực đoan kiểu Dada, bôi bẩn thơ và thi pháp như phái Siêu Thực từng vẻ râu cho Mona Lisa. Vì họ tự nhận là Hậu Hiện Đại nên những người phất cao lá cờ này, chẳng hạn nhà lý luận Nguyễn Hưng Quốc, nên đánh giá kịp thời khả năng “sáng tạo” của họ.

[26] Nguyên Ngọc, Hợp Lưu 73, tr.194. Về nguy cơ yếu kém văn hóa và việc bồi dưỡng lớp nhà thơ trẻ, tham khảo Nguyễn Hoàng Đức, Thực trạng thơ VN, tienve.org; và Hoàng Ngọc Hiến, Tìm hiểu thi ca Baudelaire, Thơ 5, 1995.

[27] Inrasara, Quên lý thuyết đi để đọc thơ Dương Thuấn, talawas, 23-8-04. Câu dẫn nhập cho đoạn này trích từ đây.

[28] Bùi Hoằng Vị, Nhật ký về những dòng chữ này, Hợp Lưu 71, 6-2003, trg 145.

[29] do giới hạn số trang của Hợp Lưu, phần biên khảo của Chân Phương về Thơ Hoa Kỳ và Tân Hình Thức, sẽ công bố trên một số Hợp Lưu khác.

[30] Phan Nhiên Hạo, Mới cũ trong thơ và Hậu Hiện Đại, talawas, 21-5-04. Tham khảo thêm những luận điểm phê phán sắc sảo của Phan Nhiên Hạo trong cuộc trao đổi về thơ Tân Hình Thức với Khế Iêm, Về Tân Hình Thức, Thơ Tự Do, và ‘tươi mát hồn nhiên’, talawas, 25-11-02.

[31] Thụy Khuê, Vấn đề đoạn tuyệt với quá khứ để lên đường, Hợp Lưu 68, 12-2002

[32] Trần Vũ, Trang Tôn Kinh huyền hoặc hậu hiện đại, Hợp Lưu 67, 10-2002

[33] trích bản dịch từ Hoa ngữ của Nguyễn Tiến Văn, Thơ 27, 2004, tr.103, Một hữu chủ nghĩa, nguyên là tham luận đọc trong hội thảo “Văn học Trung Quốc từ 40 năm qua” tại Đài Bắc năm 1993; dịch sang Pháp văn cùng với nhiều tiểu luận quan trọng khác của Cao Hành Kiện, Le Témoignage de la Littérature, Seuil, Paris, 2004. Oe Kenzaburo cũng có những nhận định nghiêm khắc về thói học đòi phương Tây một cách vô ý thức trong giới học thuật Nhật Bản trong Japan, the Ambiguous and Myself, Kodansha, Tokyo, 1995. Nữ văn sĩ Mỹ Susan Sontag đã từng chê cười văn hóa đại chúng Nhật, vừa vay mượn linh tinh vừa hoa hoè dễ dãi trong cuộc hội thảo “On Kitsch”, Salmagundi (Winter-Spring 90), trg 209.

[34] xem Jonathan Arac, Anglo-Globalism?, New Left Review 16, 2002, trg 35-45.

[35] Các trao đổi gần đây trên talawas cho thấy những hạn chế về văn hóa và ngoại ngữ của một số dịch giả VN. Tôi sẽ nêu vài dẫn chứng cụ thể trong bài viết về thơ Tân Hình Thức trên một số Hợp Lưu sắp tới.

[36] Franco Moretti, Conjectures on World Literature, trg 158, trong Debating World Literature, do Christopher Prendergast chủ biên,Verso, 2004.

[37] Có thể tham khảo các phát biểu và bài viết của Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng đăng rải rác trên Hợp Lưu, Thơ, talawas.org

[38] Cung Trầm Tưởng, Ainsi parlait le Poète, Văn Học 103, 11-1994, trg 20

[39] Phạm Thị Hoài, bài đã dẫn.

[40] Nguyên Ngọc, bài đã dẫn, trg 201

[41] Nguyễn Viện trả lời phỏng vấn, Hợp Lưu 74, 12-2003, trg 283.

[42] Bùi Chí Vinh, Con Đỉa, Hợp Lưu 78, 8-2004, trg 183.

[43] LêThị Huệ, Lô Cốt, Hợp Lưu 78, 8-2004, trg 194, bài thơ này không được tuyển trong 26 Nhà thơ VN đương đại hầu tránh ‘‘va chạm’’, theo Lê Thị Huệ.

[44] Cát Vy, Cơn điên của Vệ Tuệ và..., bài đã dẫn, Hợp Lưu 79, 10-2004, trg 94.

[45] Đỗ Hoàng Diệu, Bản năng nhà văn trong xã hội đồng phục, Hợp Lưu 79, tr 238

[46] Nguyễn Quốc Chánh, 26 Nhà thơ VN đương đại, nxb Tân Thư, trg 44.

[47] Inrasara, Chân Dung Nàng, Hợp Lưu 76, 04-2004.

[48] Bùi Minh Quốc,VN ôi VN!, trong tập Mẹ Đâu Ngờ, nxb Tin, Paris, 1994.

[49]Tôi sẽ viết bài điểm sách chi tiết hơn về tuyển tập 26 Nhà thơ VN đương đại.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100461)
“ B ây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta.[...] Con người là vốn quý nhất , tôi từng nghe ông nói với mọi người trong lần gặp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950. Stalin cũng nói thế. Mao Trạch-đông cũng nói thế.Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn, nó thôi là Người ,” (Vũ Thư Hiên)
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98654)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 90868)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 89295)
T rong đời Nguyễn Du có ba sự việc liên can đến Trung Quốc:Năm  1803 , Nguyễn Du được cử lên  ải Nam Quan tiếp sứ  nhà Thanh sang phong sắc cho vua  Gia Long . Năm  1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ tại  nhà Thanh cho đến  1814 . Năm  1820 Gia Long qua đời,  Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang  nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết...
17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 107856)
C âu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi [2] của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc - Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như vậy? Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ biến của những bài hùng ca [...] nhớ tới những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước.
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 101091)
S au nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh...
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89000)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
07 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 97891)
K hi đánh giá về ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tác giả đã đẩy ngôn ngữ bình dân lên ngôn ngữ bác học. Nhận định này đã gián tiếp phân cấp ngôn ngữ ca dao hò vè với ngôn ngữ thơ.
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95464)
C ái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95005)
K hi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.