- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tiếng Cười Bi Phẫn Của Cao Xuân Huy Trong Mẩu Chuyện “ Trả Lại Tiền”

07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 99320)

cxh-tltien_0_300x201_1

Đọc truyện ngắn “Trả lại tiền” in trong tập truyện “Vài mẩu chuyện” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế—và mặc dù tính hài hước thấm đẫm toàn truyện, người đọc vẫn dễ dàng nhận ra khuôn mặt hết sức xấu xí và tàn bạo của đời sống, của lịch sử. Nhưng có thật Cao Xuân Huy viết truyện ngắn này—có vẻ như được cách điệu hoá đến cực độ, và bên dưới cái phong cách sần sùi, thô nhám, tiềm ẩn một nghệ thuật làm văn độc đáo, đầy cá tính—chỉ để cho chúng ta mỉm cười, dù là nụ cười chua xót, cười ra nước mắt, hay cạnh đấy còn có nhiều điều khác đáng cho chúng ta suy ngẫm?

 

Trả lại tiền” là một truyện ngắn ngắn, nói theo hành ngôn thời thượng, một truyện cực ngắn, hoặc theo chính tác giả, một mẩu chuyện. Toàn truyện, phần tự sự, trần thuật rất ít, giảm thiểu đến độ chỉ còn lại đôi ba câu, mà không câu nào dài, thậm chí có câu chỉ gồm một từ duy nhất. Đối thoại chiếm phần lớn, nhưng cũng là những câu đối đáp cụt ngủn, lửng lơ, cộc cằn, giắm giẳn, xẳng xớm. Không có phân tích tâm lí nhân vật, không độc thoại nội tâm. Phần miêu tả cũng hoàn toàn vắng bóng, chúng ta không hề biết tuổi tác, danh tính các nhân vật trong truyện là gì. Diện mạo, nhân dáng họ ra sao, tác giả cũng tuyệt đối không cho người đọc một chi tiết cỏn con nào. Cũng không có ẩn dụ, phúng dụ nào ở đây. Các biện pháp tu từ, khoa đại chữ nghĩa lên một chiều kích mới, đều không có mặt. Sự vật trần trụi đến độ không thể trần trụi hơn. Sự cảm thụ của người đọc tùy thuộc vào đối thoại bởi ở đây đối thoại là cái sườn chủ đạo cho câu chuyện. Tác giả bắt người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng của mình để “viết” truyện chung với tác giả. Với một kĩ thuật và văn phong như thế, tác giả khá thành công khi thuật câu chuyện một anh chàng lâu ngày thèm đàn bà, đi tìm gái điếm ngoài công viên và chẳng may bị dân phòng bắt gặp trong lúc đang đê mê dưới gốc cây. (Trong văn học, văn phong và nội dung đi đôi với nhau như hoà âm và giai điệu trong âm nhạc. Chẳng thể nào đem hoà âm của Tchaikovsky vào giai điệu của Stravinsky hay Janacek).

 

Nhìn từ góc độ xã hội (người ta rất dễ rơi vào cái bẫy này khi đọc các tác phẩm văn học), truyện ngắn “Trả lại tiền” của Cao Xuân Huy, tuy rất kiệm lời, nhưng đã vẽ ra một cách khá đầy đủ hình ảnh bi đát, cùng quẫn của xã hội, con người miền Nam Việt Nam vào thời điểm ngay sau khi cuộc chiến-tranh-ba-mươi-năm kết thúc. Qua một chi tiết nhỏ, chúng ta biết gã đi tìm gái là sĩ quan chế độ cũ, một tù nhân cải tạo mới được thả về. Có lẽ gã sống lang thang lếch thếch trong thành phố, kiếm sống bằng những nghề lao động chân tay vặt vãnh đắp đổi qua ngày. Chỉ biết đến thế về gã đàn ông, người đọc tha hồ tưởng tượng thêm về hoàn cảnh của gã. Về cô gái điếm cũng thế. Thân thế cô như thế nào—cô là gái điếm chuyên nghiệp hay cô là người đàn bà bình thường như trăm ngàn người đàn bà khác, do hoàn cảnh quẫn bách của thời đại đã phải bán trôn nuôi miệng—thì chúng ta không được rõ lắm. Cả cô lẫn gã đàn ông là người của bóng tối, bóng tối hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bóng tối đó phủ chụp lên thân phận những con người đáng thương. Chi tiết ở cuối truyện, cô gái điếm trả lại tiền cho gã đàn ông, chứng tỏ cô là người có lòng nhân ái, biết thương người. Cô cảm thấy thương cảm (hay thương hại) gã đàn ông cùng cảnh ngộ nghèo đói như mình.

 

Cái nhìn xã hội là cái nhìn mang nặng tính trữ tình. Bởi thế người đọc, dù là người không biết chút gì về tình trạng xã hội Việt Nam thời hậu chiến, cũng nhìn ra ngay tính cách bi thảm của truyện. Tuy thế điều đáng nói ở đây là truyện không có chủ đích phê phán xã hội, lại càng không phê phán lịch sử. Tác giả, khi bước chân vào ngôi nhà văn học, đã không tự sắm cho mình chiếc áo nhà xã hội học, hay chính trị gia, hay sử gia. Nhờ thế, tính nghệ thuật của tác phẩm không bị sứt mẻ. Nhờ thế, nó đã không lâm vào nguy cơ biến thành bài văn tuyên truyền nhảm nhí và lố bịch. Tính phê phán của nó được người đọc hiểu ngầm, nếu người đọc muốn hiểu như thế, xuyên qua những nhận thức chủ quan, là nó hàm chứa một thông điệp nào đó.

 

 

 

“Dzô sát trong đây.”

 

“Nhiêu?”

 

“Hai chục.”

 

“Không có đủ.”

 

“Dzậy có nhiêu?”

 

“'Thổi' không thì nhiêu?”

 

“Mười.”

 

“Vẫn không đủ.”

 

“Dzậy chớ muốn nhiêu?”

 

“Có năm thôi.”

 

“Hổng được. Đụ má... Chưa mở hàng.”

 

“Nguyên một ngày lương! Không được hả? Thì thôi.”

 

 

Tôi thấy đặc biệt khoái trá với đoạn đối thoại này trong truyện. Nó cực kì sống sượng, suồng sã và bởi thế, đầy chất sống. Đối thoại trong văn xuôi Việt Nam thuở trước mang nhiều tính kịch của sân khấu. Lúc thì rành rọt, hùng hồn như nhà hùng biện, lúc khác chải chuốt, mượt mà như cô tiểu thư khuê các. Có lẽ nhà văn Lê Xuyên đã làm thay đổi diện mạo ấy. Từ Lê Xuyên đến ngày nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, thủ pháp đem đối thoại đời thường vào tác phẩm văn học không còn là cái gì mới lạ nữa, nó không mang một ý nghĩa hay giá trị ngoại tại nào đáng kể mà chỉ đóng vai trò phái sinh từ một ngữ cảnh đặc trưng, bởi thế nó chỉ đắt khi được dùng đúng chỗ, đúng thời. Khi bị lạm dụng một cách vụng về, ngay lập tức, nó trở nên lố bịch, đỏm dáng một cách kỳ quái như mụ già to béo, xấu xí mặc chiếc váy ngắn sặc sỡ hở rốn, hở mông.

 

Kỳ thực, tác giả của truyện ngắn “Trả lại tiền” có chọn lựa nào khác cho đối thoại trong sáng tác của mình không? Đương nhiên là không. Bất cứ một không khí đối thoại nào khác cũng phá tan cảm quan thẩm mỹ của tác phẩm, thậm chí khiến nó rơi vào chỗ phi nghệ thuật. Chính phần đối thoại, như một hình thức biểu đạt, đã định đoạt cho sự thành công và sức sống của truyện ngắn này. Nó hiện diện như đối tượng cho sự miêu tả và chính nó đã gồng gánh công việc chuyên chở nội dung. Ở đây, hình thức và nội dung đan xen, chồng chéo nhau, có cái này không thể thiếu cái kia và ngược lại.

 

 

 

Chi tiết ở đoạn cuối—cái nhìn của cô gái điếm đậu vào mặt gã đàn ông vài giây như đánh giá con người gã, đoạn cô trả lại tiền cho gã kèm theo câu nói “Thôi, giữ lấy xài đi”—hiển nhiên, là mô-típ then chốt của truyện: Nó được dùng làm nhan đề. Câu hỏi được đặt ra là tại sao cô gái trả lại tiền? Phải chăng cô là cô gái giang hồ sòng phẳng, con lợn lòng của gã đàn ông chưa được thỏa mãn đã bị gã dân phòng đến cắt ngang, cô chẳng thể nào nhận tiền của gã, mặc dù số tiền ấy chỉ vỏn vẹn là năm đồng bạc. Nhưng phần lớn chúng ta, chẳng ai muốn nghĩ như thế. Qua câu nói của cô gái điếm, người ta nghe như có hơi hướm của tình thương. “Thôi, giữ lấy xài đi.” Một chút thương cảm, một chút thương hại. Tụi mình đều là những con người khốn cùng trong cái xã hội khốn khiếp này, anh cũng như tui thôi, đói thấy mẹ. Niềm cảm thông bỗng nhiên dâng tràn và cô gái “trả lại tiền” cho gã đàn ông. Tình cảm biết đâu từ đó nhen nhúm để tiến tới chỗ sâu đậm hơn. Điều này không trái tự nhiên. Có những người như cô gái điếm ấy trong bất kỳ môi trường, hoàn cảnh nào của xã hội. Khi cùng chịu cảnh khổ như nhau, người ta thường có cái nhìn nhân ái hơn với đồng loại. Nhìn xa hơn chút nữa, người ta còn có thể xem đấy là bài học đạo đức, con người dù ở hoàn cảnh nào cũng nên có tình nghĩa với nhau, nó là chút thiên tính cuối cùng còn sót lại ở cái buổi hoàng hôn của nhân loại này, nó ngợi ca tính nhân bản, nó khiến người ta vẫn bám vào hy vọng và tin tưởng vào cuộc đời. Vân vân và vân vân.

 

Nhưng một tác phẩm nghệ thuật có nên là bài tụng ca về tính nhân bản, về những lý tưởng cao đẹp của con người không? Đa phần người ta đều nghĩ thế, muốn thế, và chẳng đời nào tôi ngu dại đi ngược lại dòng thác lũ ấy. Dễ tan xác lắm. Tôi chỉ thấy tội nghiệp cho văn học, nhất là ông lão văn học Việt Nam lọm khọm, bao nhiêu đời hì hụi, ép mình dưới các thế lực chuyên chế, hết “tải đạo” đến “tải đạn”, hết “tải đạn” đến “tải thương”, hết “tải thương” đến “tải lương” mà vẫn chưa bao giờ được thanh thản vui chơi!

 

 

 

Bên trên tôi có nói lướt qua về cái khôi hài đen trong truyện ngắn “Trả lại tiền” của nhà văn Cao Xuân Huy. Nói cho rõ hơn, tính hài hước ở đây tuyệt đối không phải là sự chọc cười hiểu theo ý nghĩa bình dân thông thường. Nó là cảm xúc chủ quan về tính phi lý của đối tượng, một đối tượng không có gì đáng cười bởi tính cách bi thảm của nó. Đối tượng càng bi thảm, tiếng cười càng thấm thía. Tiếng cười ở đây nghiêng hẳn về mặt tích cực. Nó khác xa cái trào phúng kiểu mỉa mai, nhạo báng, bỉ báng, bởi bản chất của mỉa mai là châm chọc, lăng mạ, xúc phạm một cách cay độc, cố ý gây thương tổn cho đối tượng. Hài hước bênh vực đối tượng bởi nó chứng tỏ được sự khoan dung trước bản chất nghịch lý của sự vật.

 

Từ những dòng chữ mở đầu truyện ngắn “Trả lại tiền” của Cao Xuân Huy, tính hài hước đã hiển lộ. Mạch văn hài hước cứ thế tuôn tràn, thấm đẫm toàn truyện, ngay cả hành động “trả lại tiền” của cô gái điếm cũng là một thái độ hài hước. Đối với tôi, hài hước là hình thức biểu đạt sinh động, khả tín duy nhất còn sót lại khả dĩ giúp chúng ta có một nhận thức sáng sủa và đúng đắn hơn về sự vật.

 

Thế giới càng lúc càng chao đảo bởi người ta càng ngày càng nghiêm túc mà quên mất tiếng cười.

 

TRỊNH Y THƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100461)
“ B ây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta.[...] Con người là vốn quý nhất , tôi từng nghe ông nói với mọi người trong lần gặp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950. Stalin cũng nói thế. Mao Trạch-đông cũng nói thế.Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn, nó thôi là Người ,” (Vũ Thư Hiên)
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98654)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 90868)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 89295)
T rong đời Nguyễn Du có ba sự việc liên can đến Trung Quốc:Năm  1803 , Nguyễn Du được cử lên  ải Nam Quan tiếp sứ  nhà Thanh sang phong sắc cho vua  Gia Long . Năm  1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ tại  nhà Thanh cho đến  1814 . Năm  1820 Gia Long qua đời,  Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang  nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết...
17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 107856)
C âu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi [2] của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc - Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như vậy? Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ biến của những bài hùng ca [...] nhớ tới những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước.
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 101089)
S au nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh...
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89000)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
07 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 97889)
K hi đánh giá về ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tác giả đã đẩy ngôn ngữ bình dân lên ngôn ngữ bác học. Nhận định này đã gián tiếp phân cấp ngôn ngữ ca dao hò vè với ngôn ngữ thơ.
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95462)
C ái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95005)
K hi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.