- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

LỐI VỀ CỦA NƯỚC

15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 10425)

loi ve cua nuoc - tranh CAM TAM

LỐI VỀ CỦA NƯỚC
(AQUATIC NOSTALGIA )

Tranh - Cẩm Tâm



LỐI VỀ CỦA NƯỚC    

     Trần C. Trí         

 

 

Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.

      Cuối cùng, biển đã hiện nguyên hình trước mắt tôi. Đúng là mặt biển cao hơn bờ thật, trông như đang sẵn sàng cuồn cuộn đổ lên bờ, cuốn hết thảy những gì làn nước hung bạo sẽ đi qua. Nhìn sang phía trái, tôi thở phào, nhác thấy một ngôi nhà hai tầng nằm chênh vênh, gác lên một ghềnh đá, một phần nhô ra mặt biển. Từ xa xa, tôi đã thấy những đợt sóng bạc đầu tới tấp quyện vào phần dưới trống hoác của ngôi nhà, nhô ra hai cây cột lớn chìm mất một phần dưới làn nước xanh rờn. Tiếng sóng bây giờ to lắm rồi, ì ầm trên bãi biển hoang sơ. Tôi đi chậm lại một chút, như ngần ngại không dám tiến gần đến ngôi nhà đó nữa. Trông thoáng chốc, tôi còn có cả ý định muốn quay trở lại, không muốn đến gặp gia chủ như đã định từ trước.

      Phải đi hết những bậc thang gỗ cũ kỹ, rung lên ken két theo nhịp bước chân, cuối cùng tôi mới lên tới tầng một của ngôi nhà nằm sát biển. Đây là một ngôi nhà xây theo kiểu cổ, bên ngoài xông lên nồng nặc mùi gỗ cũ, ẩm ướt và mặn chát vị đại dương. Hình như chủ nhà đặc biệt thích loài chim cú hay sao mà trên cánh cửa và hai bên vách gỗ có treo đủ thứ hình tượng cú, đủ kiểu, đủ cỡ, con nào con nấy giương to những cặp mắt tròn xoe đăm đăm vào khách. Cả đến cái nút chuông cũng nằm trong một con cú, khiến tôi vừa đưa tay nhấn, vừa run run, hồi hộp. Tiếng chuông kính coong vừa vang lên thì cánh cửa cũng xịch mở, tuồng như gia chủ đã đứng chờ khách từ trước. Tôi giật nảy mình, lúng búng chào chủ nhà, lúc ấy đang nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt cú vọ chẳng khác gì đôi mắt của những hình tượng bên ngoài.

      Ông Morpheus mở rộng cửa ra, đứng sang một bên, đưa tay ra dấu mời tôi vào bên trong. Nhìn quanh quất khắp phòng khách, tôi choáng váng thấy thêm cơ man nào cú là cú nữa, trên vách, trên bàn, bên cửa sổ, có vài con còn được treo lủng lẳng từ trên trần xuống. Đang còn ngơ ngác ngó quanh, tôi chợt giật mình vì tiếng của ông Morpheus mời tôi ngồi xuống chiếc ghế nơi bàn làm việc của ông. Yên vị rồi, tôi ngước lên thì thấy ông ta đã ngồi thật ngay ngắn, đối diện tôi từ bao giờ. Hai mắt ông nhìn chằm chằm vào tôi. Thật lâu rồi mà tôi không hề thấy ông chớp mắt lần nào. Tôi bỗng có ý nghĩ chắc ông không bao giờ ngủ với cặp mắt ráo hoảnh như thế. Định thần một chút nữa, tôi mới thấy trước mặt mình là một con cú nhồi bông, chắc là cú thật, to bằng một con mèo. Hai mắt nó cũng nhìn tôi, trừng trừng không thua gì gia chủ. Cả người tôi sởn gai ốc.

      “Ông đến đây vì những giấc mơ hay lặp lại, phải không?”—Ông Morpheus trầm giọng hỏi. Giọng của ông như bị bốn vách tường ẩm ướt dội lại, nghe như trong chiêm bao.

      Bấy giờ tôi mới hoàn toàn bị thu hút vào bầu không khí lạnh lẽo, ẩm thấp của ngôi nhà. Vị mặn của biển dường như thẩm thấu vào từng ngõ ngách của gian phòng khách âm u, như thể tôi cũng nếm được trên đầu lưỡi của mình. Chỉ có một cái cửa sổ nhìn ra biển ngoài kia đang động vọng. Chốc chốc, có thể thấy bọt nước trắng xoá tung lên từ những đợt sóng mạnh bạo vỗ vào bên dưới của ngôi nhà. Tiếng ầm ì của sóng biển là âm thanh duy nhất của nơi này.

      Tôi chưa kịp trả lời thì ông ta đã tiếp luôn:

      “Ông đặt tay lên đầu con cú này. Nhắm mắt lại và nghĩ đến một hình ảnh nào thường lặp lại trong những giấc mơ của ông.”

      Tôi làm theo mệnh lệnh đó như một cái máy. Khi bàn tay tôi chạm vào cái đầu phủ lông mềm mại của con cú, tôi rùng mình lên mấy lượt. Tôi nín thở, cố tập trung ý nghĩ như lời ông Morpheus dặn. Vài phút nặng nề trôi qua, ông mới cất tiếng trở lại:

      “Được rồi. Ông bỏ tay ra đi.”

      Tôi thở ra một cái, như được hoàn hồn. Đến lúc này thì tôi có thể quả quyết rằng ông Morpheus không bao giờ chớp mắt. Có thể đó là một tật bẩm sinh của ông, hay là di chứng của một cơn bạo bệnh, tôi không thể biết. Nhưng rõ ràng là ông không hề khép đôi mắt lại.

      Đến lượt ông đặt tay lên đầu con cú, mắt vẫn mở lớn chứ không nhắm lại như tôi. Tôi đoán là ông đang ghi nhận hình ảnh mà con cú thu lại từ ý nghĩ của tôi, theo bàn tay tôi truyền qua đầu nó.

      “Nước, nước, nước và nước,”—giọng ông Morpheus cũng ướt át như lời tuyên bố của mình— “Ông bị ám ảnh vì nước nên thường nằm mơ thấy cảnh nước trùng trùng điệp điệp, lúc nào cũng chất chứa đầy hăm doạ. Trong giấc mơ của mình, ông ngập ngụa trong nỗi sợ hãi với một vùng nước bao quanh.”

      Ngừng một chốc, ông nói tiếp:

      “Con cú của tôi cho biết rằng đó là ám ảnh từ một tiền kiếp của ông.”

      Tiền kiếp? Không hiểu sao bây giờ tôi thấy thật quen thuộc với không gian vốn kỳ lạ trong nhà ông Morpheus, đến nỗi cũng chẳng còn ngạc nhiên đối với những gì đang xảy ra hay đang được nói đến.

      “Ngày trước,”—giọng ông Morpheus đều đều như muốn ru ngủ tôi, và tôi cũng chợt thấy mình đang choáng váng, ngất ngây một cách thật dễ chịu—“trong một cuộc đời của ông, lúc ấy ông chỉ trạc chín, mười tuổi, có lần ông theo mẹ ông ra bờ sông để bà giặt áo quần.”

      Ông ta chợt ngưng nói, ý chừng để tôi có đủ thì giờ để bắt đầu mường tượng ra khung cảnh đó. Lát sau, ông kể tiếp, giọng vẫn êm như ru:

      “Ngày ấy, ông là một cậu bé hồn nhiên, thương mẹ, thích vui đùa như bao đứa bé cùng tuổi. Dòng sông hôm ấy tĩnh lặng, vắng vẻ, ngoài hai mẹ con ra không còn ai khác. Bà mẹ để mặc con tung tăng bên cạnh, bắt đầu cặm cụi giặt mớ quần áo đầy ắp trong cái giỏ lớn mang theo. Chạy quanh chán một hồi, cậu bé trở lại bên mẹ, tò mò nhìn vào mặt bà:

      ‘Mẹ ơi, sao mẹ khóc?’cậu bé ôm lấy vai mẹ, ngây thơ hỏi.

      ‘Mẹ có khóc đâu con,’bà mẹ lấy bàn tay đẫm nước giụi lên mắt—‘Có con gì nó bay vào mắt mẹ đó, con ạ.’

      ‘Thế lúc bố đánh mẹ, có con gì bay vào mắt mẹ đâu mà mẹ cũng khóc?’

      ‘Bố không có đánh mẹ, bố chỉ phủi bụi trên áo mẹ thôi!’

      ‘Con thấy áo bố cũng bẩn lắm, mà mẹ có bao giờ phủi bụi cho bố đâu!’

      ‘Thôi, con đừng hỏi vớ vẩn nữa,’—bà mẹ gượng cười—‘Con chạy chơi nữa đi, để mẹ giặt cho hết chỗ quần áo này rồi về kẻo tối.’

      Khắp cả vùng sông nước chiều hôm ấy, chỉ nghe tiếng nước róc rách, tiếng gió thổi, tiếng chim gọi đàn, tiếng áo quần vò vào nhau kêu sột soạt từ bàn tay của bà mẹ và tiếng chân nhảy nhót của cậu bé. Bà miên man vò vò, vắt vắt, lòng nặng như mang một khối chì. Thốt nhiên, mọi tiếng động chung quanh dường như tắt hẳn, buổi chiều chìm vào một sự yên lặng khó hiểu, kể cả tiếng chân của cậu bé. Như có linh tính, bà mẹ đứng phắt dậy, gọi to:

      ‘Con ơi, con đâu rồi?’

      Mặt nước sông bỗng lặng lờ, bình thản một cách lạ lùng. Bà mẹ chạy lên, chạy xuống dọc theo bờ sông, hồn phách lên mây. Tiếng gọi khản gào của bà dần dần chìm tắt vào ánh nắng quái chiều hôm, giờ đây đã chuyển sang màu tím ngắt.”

      “Như vậy tôi đã chết đuối trong kiếp đó à?”Tôi thẫn thờ hỏi, không cần câu trả lời. Nghĩ ngợi hồi lâu, tôi nhìn ông Morpheus, hóm hỉnh hỏi:

      “Ông có thể cho tôi một cái “nút chiêm bao” để gắn vào đầu không? Mỗi tối đi ngủ, tôi chỉ cần vặn cái nút qua bên off là khỏi phải mộng mơ, khỏi thấy nước nôi gì cả.”

      Cặp mắt không bao giờ ngủ của ông ta nhìn xoáy vào tôi:

      “Cái nút đó nó đã nằm sẵn trong đầu ông. Đó chính là quyết tâm của ông để hoá giải nỗi sợ từ tiền kiếp.”

      “Ông nói vậy là sao? Tôi không hiểu.”

      “Là ông hãy cố gần gụi nước thêm nữa trong cuộc sống hằng ngày của mình. Hãy tìm đến biển, thác, sông, hồ, bất cứ khi nào ông có cơ hội. Hãy sống gần nước, trên nước, trong nước, dưới nước... Hãy đối diện nỗi sợ, hãy hoà tan mình vào trong đó, hãy biến chính mình thành nỗi sợ, rồi ông sẽ không còn sợ nữa.

      “Nhưng, thưa ông,”tôi băn khoăn bày tỏ—"Lạ một điều là tôi không sợ nước lúc tỉnh thức. Tôi chỉ bị nước ám ảnh trong giấc mơ.”

      “Đó chính là cốt lõi của vấn đề,”—lần đầu tiên tôi thấy ông Morpheus nhếch miệng cười trong suốt buổi đàm đạo—“Có khi ta kề cận nỗi sợ mà không biết. Con người sống không phải chỉ trong một thế giới mà đến hai thế giới, thế giới tỉnh thức và thế giới mộng mơ. Chẳng có thế giới nào thật, mà cũng chẳng có thế giới nào ảo cả. Thật hay ảo, nói cho cùng, cũng chỉ là một nhận thức khách quan. Mai kia mốt nọ, khi rời chốn tồn sinh này, tất cả chúng ta sẽ nghiệm ra rõ điều đó.”

      “Như vậy là hai thế giới đó bổ sung cho nhau sao?”—tôi thấy mình đã lờ mờ hiểu những gì ông ta đang nói.

      “Đúng thế,”—ông Morpheus lại mỉm cười—“Nhờ có thế giới mộng mơ, con người mới được an ủi là thế giới thức tỉnh là thật. Cũng vậy, dựa vào lúc tỉnh thức, chúng ta mới cho rằng lúc chiêm bao là không có thật. Có điều là hai thế giới đó không phải là phản chiếu của nhau như hình ảnh bên ngoài và bên trong của một tấm gương, mà thật sự là hai cảnh giới được ghép lại để trở thành một tổng thể duy nhất của đời sống mỗi con người.”

      Ông ta ngưng giây lát, như để tôi có thì giờ ngẫm nghĩ, đoạn nói thêm:

      “Chẳng qua là nỗi sợ của ông nằm trong chiêm bao chứ không trong đời thường, có vậy thôi. Thành thử, nếu ông có thể vô hiệu hoá nó lúc ban ngày thì dần dần nó sẽ tan biến lúc ban đêm.”

      “Còn điều này nữa,”—tôi vội vàng nói, như sợ không bao giờ còn có thể gặp lại ông Morpheus—“Trong nhiều giấc chiêm bao, tôi hay bị lạc đường lắm, ông ạ. Tôi thường thấy tôi đi đến một nơi nào đó, rồi lúc ra về cứ đi loanh quanh từ ngõ này qua ngõ khác, không thể nào tìm ra lối cũ nữa. Vì sao vậy ông?”

      Không trả lời ngay, ông Morpheus hỏi lại tôi:

      “Ông đã xa quê hương bao lâu rồi?”

      “Dễ cũng gần bốn mươi năm,”—tôi nhẩm tính.

      “Ông có bao giờ về lại nơi chốn đó chưa?”

      “Thưa chưa. Nhưng trong chiêm bao, tôi đã về lại không biết bao nhiêu lần. Lần nào tôi cũng nhủ thầm, ‘À, bây giờ mới đúng là mình đã về thật, không phải nằm mơ như bao lần trước nữa.’ Vậy mà cuối cùng tôi lại tỉnh dậy, thấy đó chỉ là một giấc mơ.”

      Giọng nói của ông Morpheus bây giờ hoàn toàn nghe như một điệu hát ru ngủ, khiến tôi cảm thấy mình đang trôi vật vờ trong một không gian nửa thực nửa hư:

      “Chừng nào mà ông còn ấp ủ lòng hoài hương mà chưa quay trở lại, chừng ấy ông sẽ vẫn còn những giấc mộng bị mất lối về như thế.”

      Một đợt sóng mạnh vỗ vào chân ngôi nhà, vang rền, đánh thức cả hai người. Ông Morpheus như cũng giật mình, nói nhanh:

      “Ông cũng nên về đi thôi, trời sắp tối rồi đó.”

      Không đợi tôi ưng thuận, chủ nhà đứng bật dậy, làm tôi cũng vội vã đứng lên theo, lí nhí nói lời cám ơn ông. Lúc bấy giờ, ông Morpheus bỗng như trở thành một cái bóng, thân hình mờ ảo, không thấy nói năng gì nữa. Tôi đi nhanh về phía cửa, ông lướt nhẹ theo tôi như một làn gió lạnh lẽo. Tôi vừa bước ra đến bên ngoài, cánh cửa sau lưng đã đóng sập lại. Tất cả bây giờ đều im lìm. Các con cú nhìn tôi bằng ánh mắt xua đuổi.

      Bên dưới bậc thang dẫn lên ngôi nhà không còn là bãi cát trắng cháy nắng trưa như lúc tôi đến nữa, mà chỉ toàn nước là nước. Biển đã tràn vào bờ tự lúc nào! Tôi thấy hồn phi phách tán trước vùng nước trắng xoá, mênh mông đó. Buổi chiều cũng đã ụp xuống trên làn nước, phản chiếu những đám mây cuối cùng trong ngày. Nước tràn đến tận thềm nhà, các bậc thang dẫn lên ngôi nhà đã hoàn toàn chìm mất. Tôi nhắm mắt đặt chân xuống làn nước, tự nhủ nếu không liều như thế thì sẽ không bao giờ ra lại được đường cái, nơi tôi đã đậu xe lúc mới đến.  

      Hai chân tôi như được một sức mạnh nào nâng lên, khiến tôi vẫn có thể đi trên mặt nước. Phải đi một lúc thật lâu, tôi mới dám mở mắt ra. Hai bên tôi, trước mặt tôi, sau lưng tôi, chỉ là nước và nước. Nước thầm lặng, tràn trề, bao la, nhưng vẫn với thái độ đe doạ cố hữu, y như trong những giấc mơ của tôi. Nỗi sợ hãi quen thuộc trong những lần chiêm bao dâng tràn trề trong tôi, chẳng kém gì khối nước khổng lồ đang vây quanh. Bây giờ tôi biết đi hướng nào? Bên phải dẫn về đâu? Bên trái dẫn về đâu? Những bụi cây xương rồng đã chìm sâu trong lòng biển. Không còn bờ bãi gì nữa. Mốc không gian duy nhất mà tôi có thể căn cứ vào là dãy núi cao sừng sững trước mắt. Tôi đã đậu xe trên con đường nằm giữa chân núi và vùng biển. Nhưng dãy núi dài hun hút, tôi làm sao nhớ được đã đậu xe ở khoảng nào. Hơn nữa, từ chỗ vùng nước tôi đang cố vượt qua đến chỗ dãy núi thấy vẫn còn xa thăm thẳm, đi biết bao giờ mới đến.

      Tôi đi, đi mãi, như trong một giấc mơ, trên mặt nước bập bềnh, giữa làn nước chập chờn vây quanh. Thần trí tôi nửa tỉnh nửa mê. Nỗi sợ hãi giờ đây đã trở nên tê dại. Trời dần dần tối. Mưa bắt đầu rơi, lúc đầu còn nhẹ hạt, về sau càng lúc càng lớn. Lúc này thì nước đã thật sự nuốt chửng tôi vào lòng, trên, dưới, tả, hữu, tứ bề là nước. Trời đất tối sầm. Ngẩng nhìn lên, tôi giật mình thấy dãy núi đã biến mất dạng trong vùng biển trời đen thẳm.

      Ngay giây phút đó, trong cơn tuyệt vọng, tôi chợt hiểu ra là mình sẽ không thể nào, không bao giờ, trở lại được chỗ chân núi đã đậu xe từ buổi sáng.

 

Trần C. Trí   

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 202311:30 CH(Xem: 8112)
Tuổi 17 của tôi qua lâu rồi. Thuở tôi 17, mọi thứ thật đáng yêu, chuyện tình thôi âm thầm không hứa hẹn trong cái nghéo tay tráo trở ở tuổi 13, vác trên vai chiếc cung lửa, tôi săn mọi cô gái mình ưng ý, đường tên ngọt sớt, giương cung là trúng tử huyệt, có lúc tôi nhắm trượt, phải đặt bẫy, náu mình, bắn hụt, mất cả giỏ tên, bỏ cuộc rồi tiếp tục, cứ thế, tôi mải mê trong cánh rừng say, trái tim tử thương đã bao lần vẫn run rẩy vì tình.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 9522)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 10521)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 10170)
Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 10030)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 10438)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 11138)
Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng. Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…
19 Tháng Năm 20234:11 CH(Xem: 9719)
Ngày chị Tư gặp tôi ở San Jose, chị mừng ứa nước mắt hai hàng. Vừa lấy tay quẹt ngang mắt, cái điệu quen thuộc i như ngày xưa, chị vừa cười: - Gặp cô ba tui mừng quá à. Lâu lắm rồi tui mới khóc được. Vừa khóc mà vừa cười. Tôi nhìn chị trân trân. Chị Tư Trợn da đen nhẻm ẳm tôi ngang hông ngày xưa bây giờ trắng da dài tóc, không hẹn nhau trước chắc tôi không thể nhận ra. Lúc chia tay chị, tôi hỏi: - Em kể chuyện của chị được không? - Chuyện đời tui có chi đâu mà kể, dị òm. - Em kể chuyện mộ gió nha. - Ờ, cô ba còn nhớ chuyện mộ gió hả- mắt chị chợt buồn xa xăm- tui thì quên lâu rồi. Sao mà tôi quên chuyện mộ gió được.
30 Tháng Tư 20233:45 SA(Xem: 11073)
Con gái hắn, ở tuổi 17 đã hỏi sau một giờ học môn lịch sử: “Bố ơi, thế điều gì có tính quyết định khiến ông Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ạ? Sao còn trẻ thế mà ông ấy lôi cuốn được nhiều người vậy? Bí mật gì, hở bố?”.
12 Tháng Tư 20239:53 CH(Xem: 10058)
Có lẽ, phải vào lúc sống một mình giữa không gian tối tăm, sau hai ngày cả mấy cha con bị xích tay vào trại tạm giam, ông mới sực láng máng nhớ đến cái khái niệm “Tư tưởng của Ruồi” mà một nhà báo nhà văn có số má từng nói với ông gần 10 năm trước. Nó được thốt ra, đúng hơn là được nhắc lại, giữa men rượu Tây hảo hạng do ông chiêu đãi tại một restaurant sang trọng bậc nhất Sài Thành, giữa các nhà văn nhà báo ông sưu tập được qua mấy năm kinh doanh vào quy mô khủng, mà trung tâm là tay nhà văn cộm cán từng kiếm nhiều tiền nhất của gia tộc ông và các doanh nghiệp nổi như cồn, có biệt danh “Ruồi Trâu” do anh ta tự đặt.