- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CON CỦA MẸ

07 Tháng Năm 20214:37 CH(Xem: 11425)

Con mat cua bien 1- ul
Con Mắt Của Biển - photo UL

CON CỦA MẸ

Truyện ngắn của Thái Thanh

 

Ngày còn bé, hai đứa con của tôi luôn quấn quýt bên tôi. Tôi thì bận bịu cả ngày nhưng con cái thì tôi không rời mắt khỏi chúng. Hình như đất trời đã cho tôi thành mẹ và đó chính là niềm kiêu hãnh của riêng tôi.

Thời ấy nhà có cái xe đạp được coi là quý rồi, thường là tôi đi bộ suốt. Tôi nhớ có lần đưa con trai đi chích ngừa ở bệnh viện khá xa nhà, tôi đã đèo nó trên xe đạp. Con tôi lúc đó chỉ mới sáu tuổi, lúc về nó bi bô với mọi người :

"Mẹ con đó, đi xe đạp mà chậm hơn người đi bộ. Khi muốn dừng xe lại, mẹ chà chà cái chân để kít xe lại. Qua đường, mẹ dắt xe qua chứ không dám đạp qua"!

Mọi người đều cười ồ mà tôi lại nghĩ điều đó có gì để cười đâu nhỉ!

Con trai tôi thuở nhỏ rất thông minh và năng động, nó thường theo cậu đi tắm biển. Một hôm thể theo lời nài nỉ của nó, tôi cùng đi tắm biển với nó mà tôi lại không biết bơi và cu Vũ lúc đó chỉ mới tám tuổi. Khi xuống nước nó bơi vèo vèo ra khơi, còn tôi đứng trong bờ vừa mếu máo vừa la :

-Dũ ơi Dũ , dô bờ đi con đừng ra khơi mẹ sợ...

Cảnh hai mẹ con giống như mẹ gà con vịt vậy.

***

Trời thương cả hai đứa đều rất dễ nuôi, chúng lớn nhanh như một cây cỏ dại mà chúng lại học rất giỏi. Tôi thường ra phần thưởng cho các con là : Nếu cả hai anh em đều đứng nhất thì mẹ sẽ dẫn đi ăn tiệm.

Và tháng nào cũng thế, khi có vị thứ mà cả hai đứa đều đứng nhất, giữ đúng lời hứa là tôi lại dắt hai đứa đi ăn. Chúng tôi vào quán bún bò gọi một tô to đầy nước và thịt ăn kèm với bánh mì. Ăn xong hai tay tôi dắt hai đứa đến tiệm kem plan. Tôi ngồi nhìn chúng ăn thật ngon miệng niềm sung sướng hiện rõ trên gương mặt trẻ thơ của nó thấy thương lạ. Có lần cu Vũ lý sự :

-Mẹ ơi, con thấy trên đời này cái gì cũng có lợi cả.

-Vì sao ?

-Mẹ mua bán có lợi nên mới có tiền. Bà bán bún bả có lợi vì bà bán cho mẹ con mình. Mình có lợi vì mình được ăn ngon, cả con chó Bim nhà mình nó cũng có lợi vì mình mang xương về cho nó.

-Thế mẹ sinh con ra có lợi gì ?

-Lợi chứ mẹ, đi đâu mẹ cũng khoe là con giỏi mới 12 tháng đã thuộc hết 24 chữ cái .Mẹ còn nói con và thằng Kim là cục dàng cục kim cương quý nhất của mẹ.

Khác với con trai to khỏe thì con gái tôi bé Kim lại bé bỏng hơn nhưng nó mủm mỉm, trắng hồng, bầu bỉnh rất dễ thương. Ngày con vào lớp một, tôi đứng nép sau gốc cây của trường để nhìn con. Nó bé nhất lớp nên được cô xếp ngồi bàn đầu, tôi nhẹ cả người. Mỗi ngày bé Kim đi học, tôi đều bỏ thêm vào cặp cháu một gói xôi và dặn dò :

-Con nhớ ăn cho no

Một ngày kia tôi hỏi nó :

-Con ăn xôi có ngon không?

-Dạ , con không có ăn

-Vì sao

-Tại gói xôi nó biến mất mẹ ạ

-Sao dậy , đứa nào ăn xôi của con

_Con quên mất gói xôi, giờ ra chơi con chạy ra sân lúc vào lớp thì gói xôi tự nhiên mất.

-...!!!

Qua ngày sau

- Mẹ ơi, con biết rồi bạn Thảo ăn xôi của con

- Ôi con phải ăn chứ, sao lại để cho bạn ăn hết dậy

- Kệ, mẹ ơi. Nhà bạn không có xôi để ăn, bạn nói đói bụng từ tối hôm qua tới sáng luôn

- Thế mai mẹ mua thêm xôi hai đứa ăn nghen .

- Dạ!...

Con bé học rất giỏi, xuất sắc nhất lớp. Có lần nó bị đau, tôi đến trường đưa thuốc cho con. Tôi phát hiện nó không còn ngồi bàn đầu nữa mà ngồi đến cuối lớp nhìn nó bé xíu trong đám bạn của nó. Tôi xót xa vào hỏi cô giáo. Cô bảo rằng :

- Vì nó là trưởng lớp nên phải ngồi dưới để trông lớp. Mặc dù vậy nhưng cháu được ngồi ở đầu bàn nên cũng dễ thấy và nghe cô dạy, tôi đành đi về.

Có lần con bé về thỏ thẻ với tôi

-Mẹ ơi con bị bắt nạt (rồi nó kể cho tôi nghe...)

Tôi nóng lòng bỏ buôn bỏ bán chạy bay tới trường gặp mấy nhóc đó.

-Tụi con không được đánh bạn nữa nhe

Ngày lại ngày sau sự việc vẫn không thay đổi. Tôi lại hăm dọa :

-Đứa nào mà đánh Kim nữa, ta méc cô giáo.

Cứ thế mà vẫn không thay đổi được gì mãi cho đến khi cu Vũ nghe được. Nó bảo :

- Mẹ để con .

Nó đèo em nó trên xe đạp chạy bon bon đến trường. Một lát sau, nó chở em nó về

-Rồi xong rồi, mẹ không phải lo nữa, con xử đẹp rồi, tưởng ai chớ tụi nó đều là "đệ" của con. Con nói thằng Kim là em con tụi nó dạ rân.

Và từ đó chúng không còn ăn hiếp bé Kim nữa, tụi nó rất mến và nể trưởng lớp vì bé Kim đã gần gũi chỉ cho nó học, còn đến nhà giúp đỡ khi nó bị đau ốm khó khăn. Con nít không thù dai bao giờ.

Tôi đi bán ở chợ cả ngày đến tối mới về. Hai anh em Vũ Kim từ thuở bé đã phải tự nấu cơm, tự ăn cơm và tự đi học. Bé Kim lẻo đẻo theo anh hai nó chơi toàn đồ chơi con trai như chơi cờ tướng, cờ vua, chơi nhảy dây chơi u quạ chơi ô làng, với lũ bạn toàn là con trai của anh nó mà anh nó là xếp sòng trong đám nên không đứa nào dám ăn hiếp.
Có một ngày tôi về nhà, nghe mùi dầu Tràm đổ xực nức cả phòng. Tra hỏi thì mới biết là bé Kim thả dép chơi tạt cà lon và bị dẫm phải gai máu cháy rất nhiều. Vũ đã cõng en nó từ ngoài sân vào và đã bưng cả chai dầu Tràm đổ vào chân em cho cầm máu. Ôi thật tội cho con tôi, tôi ứa nước mắt.

Hai anh em tuy chơi khắn khít với nhau như thế nhưng cũng cãi nhau suốt ngày. Có lần hai đứa vừa đọc xong quyển sách thì đúng giờ cơm tối. Ngồi trong mâm cơm bé Kim nói

-Anh Dũ thấy cái ông đó thương mẹ ghê chưa. Mẹ ổng đau ổng phải nếm phân của mẹ để biết mẹ bị bịnh gì. Anh Dũ chắc gì mà làm được như ổng.

Thằng Vũ đang cầm chén cơm ngưng đũa sừng sộ

-A mầy tưởng dễ hả. Mầy giỏi ngon thì mầy làm đi. Mẹ, mẹ mẹ ị ra cho nó nếm để nó thành con có hiếu

-Ôi mất dệ sinh quá, đang ăn cơm mà hai đứa có im đi không.

Ngày còn nhỏ, bé Kim luôn cận kề bên mẹ mọi lúc vui buồn. Đi học về là nó thả cặp chạy ra phụ mẹ bán hàng và dọn hàng. Nó còn thay mẹ chăm sóc bà ngoại rất tốt, lúc đó Vũ đã vào SG để học.

Rồi đến ngày thi đại học. Các phụ huynh chăm chút đưa con đến phòng thi, lo lắng dặn dò. Tôi cũng trong tâm trạng đó nhưng con gái tôi không có ba bên cạnh, tôi lại không biết đi xe máy, nó học đến lớp mười hai nó lớn rồi tôi không đạp xe chở nó đi được nên con tôi phải tự mà đi. Trường nó thi ở cuối con đường Tăng bạt Hổ nên ngang qua chợ chỗ tôi bán hàng. Tôi cứ canh tới giờ nó đi thi, dù đang bán tôi cũng bỏ mặc khách để chạy ra cửa nhìn cái dáng bé nhỏ của nó đạp xe ngang qua, rồi cầu Bồ tát Quan âm giúp nó. Thương con đến đứt ruột...

Thế rồi con gái tôi thi đậu. Ngày Kim vào Sài gòn để học đại học cả nó và tôi đều cùng lo lắng, không có nó mẹ và ngoại sẽ ra sao, nhưng rồi nó cũng phải đi. Vào Đại học nó đều đều viết thư cho mẹ, thư nào cũng dài bốn, năm trang. Nó kể cho mẹ
nghe về trường, về lớp về ước mơ của nó, cho đến ngày đầu tiên về thăm nhà nó bảo :

- Mẹ ơi, ở Sài gòn hay lắm mẹ. Mẹ sẽ không còn buồn nữa vì khi ra đường rất nhiều xe, mẹ phải luôn tránh xe nên không thể mơ màng như ở mình được

Cứ thế ấy con gái tôi, đã một mình tự học và làm, năm năm trường đại học với sự năng nổ, say mê đầy nhiệt huyết. Hai năm liên tiếp trong trường Đại học cháu đều tham gia Mùa hè xanh đến năm cuối mới nghỉ để học thi tốt nghiệp. Cuối cùng cháu đã tốt nghiệp trường Đai học Bách Khoa Sài gòn với bằng giỏi. Tôi mừng, nước mắt chảy trong tim.

***

Ngày trao bằng tốt nghiệp, nhà trường gởi hai giấy mời vinh dự cho phụ huynh. Mong ước của bé Kim khi mới vào trường là một giấy cho bà ngoại và một giấy cho mẹ. Nhưng ngoại đã ra đi vĩnh viễn không chờ được đến ngày cháu tốt nghiệp, nhà chỉ còn ba mẹ con.

-Mẹ ơi hai giấy mời này một giấy cho mẹ và một giấy cho anh hai nha mẹ

Tôi khăn gói vào SG để dự, đã lâu rồi tôi chẳng đi đâu và chẳng may đồ mới, tôi lục trong tủ một bộ đồ đẹp nhất để đi, nhưng đến ngày đi dự, con gái tôi nhìn bộ đồ tôi mặc mà ngỡ ngàng.

-Mẹ ơi, sao mẹ không mặc áo dài mà mặc đồ tây

-Mẹ mặc đồ đây cũng đẹp mà, may áo dài nhiều tiền lắm con ạ

- Dạ!

Khi đến trường nhìn những phụ huynh khác rực rỡ muôn màu, tôi thấy thương con mình lạ.

Và rồi thời gian như bóng chim bay, thoáng chốc các con tôi đã khôn lớn nên người. Đặc biệt là chúng đều rất yêu mẹ, luôn che chở cho mẹ.
Tôi chỉ ghi lại đây một phần nhỏ những kỷ niệm đẹp trong ký ức. Cả một đời người nhiêu khê biết bao nhiêu chuyện, có những đắng cay tủi hổ, có những thất vọng ê chề trong đời vừa làm mẹ lại vừa làm cha mà tôi không muốn nhớ và nhắc lại nữa. Nhìn lại đời mình như một giấc mơ .Tôi vẫn luôn cho đó là một giấc mơ đẹp mà có thực.

Thái Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14865)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14791)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15301)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17620)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19388)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13893)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16497)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15608)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15731)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 17389)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.