- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THÁNG TƯ... XÓT XA.

14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 11553)



Thang 4 Xot Xa-minh hoa

LTS:Tác giả Topa:

Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu.

Topa sinh tại Sài Gòn, định cư tại Hòa Lan 1981.

Khởi viết từ 1995, có bài đăng ở  Vietnamdaily, Quán văn, Việt Nam Nguyệt San v.v... Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Tháng Tư... Xót Xa” của tác giả Topa.

TCHL
 

 

 

 

Mỗi năm cứ đến ngày... Tháng tư

Lòng buồn vời vợi dạ xót xa!

*

Chỉ còn khoảng hơn hai tháng nữa thôi, mùa mưa sẽ lại đến với thành phố buồn muôn thuở; đến với thành phố Ban Mê Thuột nghèo nàn nhưng đầy tình thương yêu giữa người Kinh và người Thượng. Thành phố có hai mùa mưa nắng rõ rệt bắt đầu từ tháng năm cho đến tháng mười.Tôi đã sống ở thành phố này và đã trải qua hai mùa mưa nên tôi biết, khi mùa mưa đến thì chiều nào cũng có mưa. Một thứ mưa nguồn bỗng chốc ầm ầm đổ ập xuống thành phố để rồi không bao lâu sau thì tạnh.

 

Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau. Một ngày kia khi Sai Luông trên đường trở về nhà, tình cờ tôi nhìn thấy Sai Luông đi ngang qua nhà tôi và tôi đã mời cô vô nhà uống ly nước. Một tuần sau nhân ngày cuối tuần, Sai Luông đến nhà mời tôi vô buôn của Sai Luông cho biết cuộc sống của gia đình người Thượng như thế nào. Buôn làng của Sai Luông cách Ban Mê Thuột chỉ khoảng ba cây số thôi nhưng như vùng hoang sơ trong rừng già vậy. Sai Luông và tôi đến buôn làng khoảng mười giờ sáng . Ngày hôm đó tôi đã có một cuối tuần thật vui trong khu rừng mát mẻ với nhiều loại trái cây lạ tôi được Sai Luông hái cho ăn. Sai Luông đưa tôi đi tắm suối. Sai Luông tự nhiên khoả thân tắm mà tôi thì không dám. Nhìn tấm thân săn chắc và đen bóng của Sai Luông trông chẳng khác gì pho tượng vệ nữ bằng đồng đen mà tôi nhìn thấy trong tờ tạp chí nào đó mà tôi không còn nhớ. Khoảng ba giò chiều Sai Luông sắp đưa tôi về lại nhà tôi thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn. Đến bốn giờ mà mưa vẫn chưa dứt làm cho tôi lo lắng vô cùng. Thấy tôi lo lắng Sai Luông nói cho tôi yên lòng: “Đừng có lo vì ông trời sẽ làm mưa ngừng trong chốc lát nữa thôi. Tôi đi đường tối khuya quen rồi nên không sợ gì đâu. Đừng có lo… cho tôi.”

 

Tôi thương Sai Luông như em ruột vì vậy tôi nguyện sẽ tạo tình cảm chị em cho đến mãi mãi.

 

***

 

Chỉ còn hơn hai tháng nữa thôi tôi lại sẽ vui mừng được đón mùa mưa lần thứ ba. Tôi vui là vì cứ chiều đến, khi mà mọi công việc tôi đã thu xếp xong xuôi để khi mưa đổ xuống là tôi lại cuộn mình trong cái mền ấm nằm đọc truyện chờ anh về cùng ăn bữa cơm tối với nhau. Tôi thích mùa mưa ở thành phố này nhưng anh thì không. Anh nói: “Anh bực mình vì thứ đất badan đỏ như son môi người thiếu nữ đẹp nhưng lại như có chất keo làm dính vào bánh xe, làm dính vào đôi giầy như cố níu anh ở lại với nó, trong khi anh lại muốn mau mau được về nhà để nhìn thấy em và ôm em.”

Mùa mưa ở đây hoa hướng dương, hoa bướm, hoa thạch thảo... mọc tràn lan thành rừng dù chẳng ai trồng. Cứ sau mỗi mùa mưa thì những củ thược dược ngủ vùi trong lòng đất lạnh để khi mùa mưa kế tiếp đến nó lại đâm chồi nở ra những cái bông cúc đại đóa đủ màu sắc. Tôi thường ví những củ thược dược là những cô gái Thượng đẹp yêu kiều và man dại… như Sai Luông. Còn những giọt nước mưa là những giọt nước mắt của những chàng trai hào hoa và đa tình đã nhỏ xuống những gương mặt đẹp và diễm kiều để rồi các cô gái Thượng bừng tỉnh lại, sống lại... trang hoàng cho thành phố đẹp hơn.

 

Tôi theo anh đến sống ở thành phố này đã hơn hai năm. Làm vợ lính trong thời chiến tôi chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó và luôn sẵn sàng đón nhận những chuyện bất trắc sẽ xảy đến với mình và gia đình mình. Thành phố này là thành phố thứ hai tôi đến sinh sống, sau thành phố núi, nơi tôi đã ra chào đời, và, nơi đó cũng là thành phố của lính. Vì biết rằng đời lính có nhiều rủi ro nên ngày nào anh và tôi còn được bên nhau thì ngày đó chúng tôi sống hết mình cho nhau. Anh luôn nuông chìu tôi và lo lắng cho tôi có cuộc sống tạm đầy đủ với đồng lương của viên Thiếu úy An ninh Tiểu Khu. Ngược lại tôi luôn yêu thương anh, kính trọng anh, và không làm bất cứ một điều gì cho anh phải buồn lòng.

 

Mấy tuần nay quân Bắc Việt đã đánh phá ở nhiều nơi nên anh thường ở trong đơn vị chứ ít khi về nhà. Anh buồn nhiều vì bạn bè lớp bị thất lạc lớp bị chết vì đạn pháo kích. “Quận Đức Lập Tỉnh Quảng Đức đã bị đánh và bị chiếm mất rồi. Tỉnh Quảng Đức mà không giữ được thì … sẽ nguy lắm.” Anh nói vậy và thấy anh lo lắng tôi càng lo cho anh nhiều hơn lo cho tôi.

Sau nhiều ngày vắng nhà liên tục, bất ngờ chiều hôm nay anh xuất hiện ngay trước cửa làm cho tôi vô cùng mừng rỡ. Anh ôm hôn tôi như anh vẫn thường hôn tôi. Nhưng, lần này anh có vẻ lo lắng chứ không được vui mà tôi thì thấy không tiện hỏi. Bữa cơm tối anh ngồi vô bàn ăn vội qua loa một chén cơm rồi buông đũa. Tôi kiên nhẫn chờ đợi anh sẽ nói cho tôi biết điều đã làm cho anh buồn và làm cho anh lo lắng. Anh không để tôi phải chờ đợi lâu. Khi tôi vừa buông đũa sau khi ăn được nửa chém cơm thì anh nắm hai bàn tay tôi rồi âu yếm nói:

 

“Anh vừa đi công tác ở một Buôn Thượng cách thành phố mình ba cây số. Tuy chỉ cách có ba cây số thôi, nhưng đến Buôn Thượng của người Êđê đó giống như mình đi đến một vùng hoang dã hoang sơ trong rừng già vậy. Tại đây anh nhận được tin tức là quân Bắc Việt sắp mở trận đánh lớn, thật lớn, vào một trong những thành phố ở vùng cao nguyên này. Đây sẽ là trận đánh xả láng của quân đội miền Bắc quyết chiếm cho được một thành phố để làm thủ đô cho Mặt trận giải phóng miền Nam trước khi mùa mưa đến.”

 

Anh ngưng nói và cầm ly nước trà nóng lên uống một hớp. Rồi anh lại nắm chặt hai bàn tay tôi và nói tiếp:

 

“Vì sự an toàn của em... và cũng dễ dàng cho anh trong những công tác sắp đến nên em hãy thu xếp để về ở trong Saigon. Anh đã nhờ một người bạn muớn giùm cho anh, cho vợ chồng mình một căn gác nhỏ ở khu Bàn Cờ, vì người bạn của anh cũng ở đây...”

 

Nghĩ đến những ngày sống ở nơi đô hội mà lại thiếu vắng anh nên tôi không để anh nói hết câu:

 

“Có lẽ... không sao đâu anh à. Quân đội mình ở đây cũng đông. Vả lại Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 cũng ở đây... mà.”

 

Anh ngắt lời tôi và nói với vẻ mặt nghiêm nghị:

 

“Việc quân sự em không rành nên nói vậy. Khi quân đội Bắc Việt muốn chiếm bất cứ thành phố nào của ta thì họ phải huy động quân đông gấp nhiều lần quân đóng trong thành phố đó. Ngoài ra thì... trước khi tiến chiếm sẽ có màn pháo kích mà đạn pháo thì... biết rơi ở đâu để mà tránh chứ.”

 

Tôi cố nói thêm để mong anh đổi ý và đừng bắt tôi phải xa anh, xa thành phố này:

 

“Vả lại... mình cũng chưa biết họ định đánh thành phố nào mà anh. Em không muốn...”

 

“Anh biết em không muốn xa anh và chính anh cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Cũng vì chưa biết quân Việt Cộng sẽ đánh thành phố nào nên anh mới lo chứ biết rồi thì… còn lâu.”

 

“Nhưng...”

 

“Hãy nghe anh một lần này cho anh yên tâm đi em yêu. Anh chỉ còn mỗi mình em là người thân nhất mà anh yêu nhất trên đời này... nghe anh đi em!”

 

Nghe những lời như khẩn nài của anh, tôi biết là anh đã quyết định dứt khoát rồi. Như vậy là chỉ trong nay mai đây thôi tôi sẽ phải rời xa anh và rời xa thành phố thân yêu này nên nước mắt tự dưng trào ra ở hai bên khóe mắt.Thấy tôi khóc anh vội ôm tôi an ủi và nói rồi anh sẽ đón tôi về lại với anh và về lại thành phố này, trước mùa mưa.

 

Ba ngày sau anh trở về và nói cho tôi biết một điều mà anh dặn tôi không được hở môi ra với bất cứ người nào:

 

“Tiểu Khu Ban Mê Thuột khi khai thác một sĩ quan tù binh Bắc Việt trong toán Tiền Thám của Sư Đoàn 320 Điện Biên Phủ . Trong người viên sĩ quan này có tài liệu cho biết, Cộng quân sẽ đại tấn công Ban Mê Thuột… nên em phải chuẩn bị sẵn và chu đáo để khi anh nói đi là đi ngay… em nhé.”

 

Sáng ngày hôm sau, Sai Luông cũng đến nhà nói cho tôi biết; “Chị hãy mau mau rời khỏi thành phố vì sắp có đánh nhau, sắp có chiến tranh trong thành phố.” Sai Luông và tôi đã nắm chặt tay nhau khi Sai Luông từ giã tôi, nhưng vì lo sợ nên cả hai chúng tôi không thể hứa hẹn với nhau điều gì  được .

 

Hai ngày sau anh trở về nhà thật sớm và thật vội vã để đưa tôi ra phi trường cho kịp theo chuyến bay quân sự về Saigon. Tôi đi tôi đã bỏ anh, bỏ đồng bào bỏ cô bạn Thượng trẻ đẹp Sai Luông và, bỏ đồng đội của anh ở lại thành phố.Tôi không ngờ lần chia tay với thành phố mà tôi yêu thương với những chiều mưa lạnh cuộn mình trong chăn ấm nằm đọc truyện chờ anh đi làm về lại là lần chia tay vĩnh viễn. Mãi mãi tôi đã bị mất thành phố và bị mất luôn quê hương thương yêu của tôi.

 

***

Nhìn tấm hình anh trong bộ quân phục của quân đội Việt Nam Cộng Hòa oai phong trên bàn thờ, thế là hai hàng nước mắt cứ tự động chảy ra làm ướt hết cả phía áo trước ngực.

 

Ngày anh đi trình diện để đi tù và được gọi là, đi học tập cải tạo, có tôi đi bên cạnh tiễn đưa anh. Ngày anh bỏ quê hương và bỏ tôi để đi về bên kia thế giới khi anh còn ở trong trại tù ngoài Bắc, có hai người bạn tù tiễn đưa anh.

 

Hôm nay, tháng tư nữa lại về nhắc nhớ tôi là đã hơn bốn mươi cái tháng tư anh bỏ tôi ra đi và hơn bốn mươi cái tháng tư người dân Miền Nam và tôi đã bị mất quê hương. Nhìn hình anh trên bàn thờ và nhớ về anh nên tôi đớn đau thảng thốt kêu lên: “Anh yêu ơi! Tháng tư nữa lại về. Tháng tư… xót xa. Tháng tư đau buồn và... Tháng Tư Tâm Sự Cùng Anh.

 

Anh,
Em đang nhớ anh
Và đang nghĩ đến
Một ngày của ba mươi bốn năm về trước
Ngày ba mươi tháng tư
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Ngày nghiệt ngã
Ngày hai đứa mình đã ôm nhau khóc ngất
Trên căn gác nhỏ

Ở xóm Bàn Cờ

 

Những giọt nước mắt tức tưởi
Của anh và của em
Đã đổ xuống
Vỡ bờ
Không sao ngăn nổi
Thương một quê hương sau cơn hấp hối
Tắt thở nghẹn ngào
Và thương quá đỗi
Những người lính trận can trường
Làm thân chiến bại
Tất tả poncho
Chẳng biết sẽ đi về mô
Trên những đường phố Saigon một thời diễm lệ
Bỗng chốc nỡ trở thành địa ngục trần gian...

 

Làm gì có ánh hào quang
Anh nhỉ
Trên những nóc nhà ngói khô cũng tuyệt vọng
Màu đỏ rợn người lảng vảng không gian
Làm gì có
Từ Bắc vô Nam
"Nối vòng tay lớn"
Hỡi người nhạc sĩ tài hoa
Có tâm hồn đẹp
Sao quá thơ ngây !

 

Đêm hôm ấy
Ánh đèn nhà mình hình như không đủ sáng
Nhạc dội oang oang
Bức bách
Ta ngồi nhìn nhau
Tắt nghẽn
Cố không nghe thấy
Những tiếng quạ đen sặc mùi tử khí
Làm đặc buồng phổi
Xé nát hoài mong...

 

Anh,
Nhát dao đâm ngày ấy
Máu vẫn còn bầm
Ba mươi bốn năm trôi qua, một dòng sông đục
Làm sao múc được ánh trăng tan...

( Kim Thành )

 

Tôi đã khóc hết nước mắt rồi nhưng tôi vẫn ngồi dưới chân bàn thờ. Và, tôi ngủ gục lúc nào không hay. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy mình đang nằm bên cạnh Anh như ngày nào tôi vẫn nằm bên Anh nơi thành phố Buồn Muôn Thuở… thành phố Ban Mê Thuột thương yêu ngàn đời của người Miền Nam và của tôi./.

 

Topa (Hòa Lan)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 201911:43 CH(Xem: 18571)
Nhà em có 4 chị em gái. Chị hai Tím có vẻ đẹp sắc cạnh, rạng rỡ, tính tình lại ương ngạnh, gai góc cứng đầu. Từ nhỏ đôi mắt 1 mí đã xếch ngược và đôi môi cong cớn hay lý sự dỗi hờn. Cái tên Lê An Đậu Tím của chị là đề tài của một vùng, một trường, một thời và của một truyện ngắn em đã viết.
21 Tháng Chín 20196:18 CH(Xem: 18180)
Trong thời gian tôi ở trại, hắn luôn gởi đồ thăm nuôi cho tôi qua tay ông Thái trưởng tù. Lần nào tới tay tôi cũng bị tay Thái xén bớt ngay trước mặt tôi nhưng biết làm sao. Thời ấy mỗi cử mỗi động đều bị rà soát mà hắn là một cán bộ công an còn tôi lại là một phạm nhân. Rồi tôi theo bạn tù chuyển lên Quang Hiển để lao động, hắn cũng theo lên, cũng gởi đồ cho tôi. Xin cho tôi được làm đầu bếp, em tôi lùa vịt, công việc nhẹ nhàng hơn các người tù khác. Nhưng sau tôi khẳng khái cương quyết không nhận tình thân của hắn dành cho tôi và không muốn gặp hắn nữa. Chúng tôi lại xa nhau...
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 19255)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 18480)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18839)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 18642)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16686)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18770)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 20373)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 20562)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.