- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHÚNG NÓ ĐÂU PHẢI LÀ CHỒNG CỦA EM

26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 19417)

RAYMOND-CARVER

Truyện ngắn - Raymond Carver

Chuyển ngữ – Hoàng Chính

Lời người dịch: Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).

Truyện ngắn “Chúng Nó Đâu Phải Là Chồng Của Em” Hoàng Chính dịch từ “They are not Your Husband” trích từ tập “Short Cuts” một tuyển tập chín truyện ngắn và một bài thơ được chuyển thành phim năm 1993.

Ngày 2 tháng Tám 1988, Carver qua đời ở tuổi 50 vì ung thư phổi.

***

Làm nghề đi chào hàng nhưng bây giờ hắn đang thất nghiệp. Vợ hắn thì vẫn làm bồi bàn ca đêm tại một quán cà phê mở cửa 24 tiếng một ngày ở ven biên thành phố. Một đêm nọ, trong lúc đang nhấm nháp ly rượu, hắn nảy ra ý định ghé quán cà phê chỗ vợ làm để kiếm món gì ăn. Hắn muốn xem chỗ vợ làm việc, và cũng muốn kiếm món gì ăn mà không phải trả tiền.

Hắn ngồi ở quầy, chăm chú đọc tờ thực đơn.

“Anh làm gì ở đây vậy?” vợ hắn hỏi lúc trông thấy hắn.

Cô đưa mảnh giấy đặt món ăn cho người đầu bếp. “Anh tính gọi món gì?” Cô nói. “Mấy đứa nhỏ sao rồi?”

“Tụi nó ô-kê,” hắn nói. “Cho anh một ly cà phê và một miếng bánh mì kẹp số hai kia.”

Vợ hắn ghi xuống giấy.

“Có hy vọng là... em biết mà?” hắn nói và nháy mắt với vợ.

“Không,” cô ta nói. “Đừng nói chuyện với em bây giờ. Em đang bận.”

Hắn uống cà phê và chờ bánh mì. Hai gã đàn ông mặc áo vét, cà vạt nới lỏng, cổ áo tháo cúc, ngồi xuống bên cạnh hắn và gọi cà phê. Lúc vợ hắn đi về phía bình lọc cà phê, một gã nói với bạn, “Coi cái mông con nhỏ kia. Hết biết luôn!”

Gã kia cười, “Tôi đã từng thấy những cái ngon hơn thế nhiều.”

“Thì ý tôi nói là vậy đó,” gã thứ nhất nói. “Nhưng có nhiều thằng ngốc lại thích những cái mông mũm mĩm.”

“Không có tôi trong đó,” gã kia nói.

“Tôi cũng không,” gã thứ nhất nói. “Ý tôi muốn nói vậy đó.”

Vợ hắn đặt miếng bánh mì xuống trước mặt hắn. Bên cạnh miếng bánh mì còn có khoai tây chiên, cải muối, dưa leo chua.

“Cần gì nữa không?” cô nói. “Một ly sữa nha?”

Hắn lặng thinh. Và khi thấy vợ vẫn đứng đó, hắn lắc đầu.

“Để em lấy thêm cà phê,” cô nói.

Cô trở lại mang theo bình cà phê, rót thêm cà phê cho hắn và hai gã đàn ông. Rồi cô lấy một cái đĩa và quay đi để lấy kem. Cô cúi xuống tủ đá đựng kem, dùng cái muôi múc kem lên. Cái váy màu trắng vướng ở hông và chuồi lên khỏi bắp chân cô. Lộ ra chiếc váy lót màu hồng, và khoảng đùi nhăn nheo xám ngoắt lưa thưa những sợi lông, cùng với những đường gân xanh chạy ngoằn ngoèo.

Hai gã đàn ông ngồi bên cạnh hắn nhìn nhau. Một gã nhướng cặp lông mày. Gã kia nhe răng cười và tiếp tục nhìn lướt qua ly cà phê đến chỗ cô đang rưới sô-cô-la lên kem. Khi cô bắt đầu lắc cái bình để trộn kem, hắn đứng dậy, bỏ đĩa đồ ăn, bước ra cửa. Hắn nghe vợ hắn gọi, nhưng hắn vẫn tiếp tục đi.

Hắn kiểm soát bọn trẻ rồi đi vào phòng ngủ và cởi bỏ áo quần. Hắn kéo chăn lên người, nhắm mắt, suy nghĩ lông bông. Cái cảm giác lan tràn trên mặt hắn lan xuống bụng và chân hắn. Hắn mở mắt lăn qua lăn lại trên gối. Cuối cùng hắn nằm nghiêng và chìm vào giấc ngủ.

Buổi sáng, sau khi cô vợ đã chuẩn bị chu đáo cho bọn trẻ đi học, cô đi vào phòng ngủ và vén tấm mành. Hắn đã thức rồi.

“Em nhìn em trong gương đi,” hắn nói.

“Cái gì?” cô hỏi. “Anh nói cái gì vậy?”

“Thì cứ nhìn em ở trong gương mà xem,” hắn gằn giọng.

“Anh muốn em thấy cái gì?” cô nói. Nhưng rồi cô cũng quay lại nhìn vào tấm gương ở trên tủ áo và vén tóc ra khỏi bờ vai.

“Đấy?” hắn nói.

“Đấy cái gì?” cô nói.

“Anh ghét phải nói ra,” hắn nói, “nhưng anh nghĩ em nên thử kiêng ăn xem sao. Anh nói thật đấy. Anh nghĩ em nên giảm đi vài cân. Đừng có nổi nóng.”

“Anh nói cái gì vậy?” cô nói.

“Anh vừa nói rồi đấy. Anh nghĩ là em nên giảm đi vài cân. Vài cân thôi,” hắn nói.

“Trước đây có bao giờ anh nói gì đâu,” cô nói. Cô vén áo ngủ lên ngang hông và xoay người nhìn bụng mình trong gương.

“Trước đây anh nghĩ nó không quan trọng,” hắn nói. Hắn cố tìm chữ cho phù hợp.

Chiếc áo ngủ vẫn vén quanh hông cô, cô xoay lưng lại tấm gương và ngoái cổ lại nhìn. Cô nâng một bên mông trong lòng bàn tay và buông cho chảy xệ xuống.

Hắn nhắm mắt. “Vậy chắc là anh nói sai,” hắn nói.

“Em nghĩ em có thể giảm cân được. Nhưng cũng hơi khó,” cô nói.

“Em nói đúng, không phải là chuyện dễ,” hắn nói. “Nhưng anh sẽ giúp em.”

“Có thể là anh nói đúng,” cô nói. Cô buông cho chiếc áo ngủ thụng xuống, nhìn hắn, rồi cởi áo ngủ ra.

Họ nói chuyện về vấn đề kiêng ăn. Họ bàn về những thực đơn ăn kiêng có chất đạm, những thực đơn thuần rau cỏ. Nhưng họ quyết định là họ không đủ khả năng để mua thứ thịt bò mà thực đơn ăn kiêng có chất đạm đòi hỏi phải có. Và cô nói cô không thích những món ăn toàn rau với quả. Đồng thời cô cũng không thích nước ép trái bưởi cho lắm, thành ra cô không biết mình sẽ làm gì với thứ thực đơn ấy.

“Ô-kê, quên nó đi,” hắn nói.

“Không, anh nói đúng,” cô nói. “Em sẽ thử cái gì đó.”

“Hay là tập thể dục?” hắn nói.

“Làm ở chỗ em còn gấp cả chục lần thể dục,” cô nói.

“Hay là đừng ăn nữa,” hắn nói. “Chừng vài ngày thôi.”

“Cũng được,” cô nói. “Em sẽ thử. Vài ngày thì em sẽ thử. Anh đã thuyết phục được em rồi đó.”

“Anh chứ đâu phải đồ bỏ,” hắn nói.


Hắn tính nhẩm số tiền còn trong nhà băng, rồi lái xe tới tiệm bán hạ giá mua một chiếc cân trong nhà tắm. Hắn nhìn lướt qua cô gái tính tiền trong lúc cô ta đẩy cái cân qua máy.

Về nhà hắn bảo vợ cởi hết quần áo ra và bước lên cái cân. Hắn cau mày khi nhìn thấy những đường gân xanh. Hắn rà ngón tay dọc theo sợi gân xanh mọc tủa lên phía trên đùi của vợ.

“Anh làm gì vậy?” cô hỏi.

“Không làm gì hết,” hắn nói.

Hắn nhìn cái cân và viết con số xuống một mảnh giấy.

“Được rồi,” hắn nói. “Được rồi.”

Ngày hôm sau hắn đi vắng gần hết buổi chiều để dự phỏng vấn. Chủ hãng, người đàn ông to con bước đi khập khiễng chỉ cho hắn coi những bộ phận ống nước trong nhà kho, và hỏi hắn có thể đi xa được không.

“Dĩ nhiên là được chứ, tôi đang rảnh mà,” hắn nói.

Người đàn ông gật đầu.

Hắn mỉm cười.

Hắn nghe được tiếng máy truyền hình trong nhà trước khi mở cửa bước vào. Bọn trẻ không ngước lên nhìn khi hắn đi qua phòng khách. Trong bếp, vợ hắn, mặc đồ sẵn để đi làm, đang ăn trứng tráng và thịt heo muối.

“Em làm gì vậy?” hắn nói.

Cô ta tiếp tục nhai thức ăn, căng phồng hai má. Nhưng ngay lập tức cô nhổ tất cả đồ ăn trong miệng ra chiếc khăn giấy.

“Em nhịn không nổi,” cô nói.

“Cà chớn,” hắn nói. “Ngon mà, cứ ăn đi!”

Hắn đi vào phòng ngủ. Đóng cửa lại, và nằm trên tấm khăn trải giường. Hắn vẫn nghe được tiếng máy truyền hình. Hắn gối đầu lên hai cánh tay và nhìn đăm đăm lên trần nhà.

Cô vợ mở cửa.

“Em sẽ bắt đầu lại,” cô nói.

“Ô-kê,” hắn nói.

Hai hôm sau cô gọi hắn vào nhà tắm, “Coi nè,” cô nói.

Hắn đọc con số trên mặt chiếc cân. Hắn mở ngăn tủ lấy mảnh giấy và đọc con số trên cân trong khi cô mỉm cười.

“Giảm được ba phần tư pound rồi đấy,” cô nói.

“Ít ra cũng có giảm,” hắn nói và vỗ nhẹ lên hông cô.

Hắn đọc trang Rao Vặt. Hắn đến văn phòng tìm việc của tiểu bang. Cứ ba đến bốn ngày hắn lại lái xe đến nơi nào đó để dự phỏng vấn, và đêm xuống hắn ngồi đếm tiền tip của vợ. Hắn vuốt từng đồng tiền cho phẳng phiu trên mặt bàn và chồng những đồng năm xu, mười xu, hai mươi lăm xu thành từng cụm mỗi cụm một đô la. Mỗi sáng hắn bắt vợ đứng lên bàn cân.

Trong hai tuần lễ vợ hắn mất ba pounds rưỡi.

“Em bỏ ăn,” cô nói. “Em nhịn đói suốt ngày, ở chỗ làm cũng không ăn. Nhờ vậy đó.”

Nhưng một tuần sau, cô mất năm pounds. Tuần sau đó chín pounds rưỡi. Áo quần cô lỏng lẻo. Cô phải trích tiền thuê nhà ra để mua bộ đồng phục mới.

“Ở chỗ làm của em người ta xì xào,” cô nói.

“Xì xào cái gì?” hắn hỏi.

“Trước tiên là em xanh xao quá,” cô nói. “Trông không còn nhận ra em nữa. Họ sợ là em bị giảm cân nhiều quá.”

“Giảm cân thì sao?” hắn nói. “Em đừng để ý đến chúng nó. Bảo chúng nó lo chuyện của chúng nó đi. Chúng nó đâu phải là chồng của em. Em đâu có phải sống với chúng nó.”

“Nhưng em làm chung với họ,” vợ hắn nói.

“Đúng vậy,” hắn trả lời. “Nhưng chúng nó đâu phải là chồng của em.”

Mỗi sáng hắn theo cô vào nhà tắm và chờ cô bước lên bàn cân. Hắn quỳ xuống một tay cây bút chì, một tay mảnh giấy nhỏ. Mảnh giấy ghi đầy ngày tháng, và những con số. Hắn đọc con số trên bàn cân, nhìn qua mảnh giấy, và hoặc là gật gù hoặc dẩu mỏ ra.

Dạo này vợ hắn nằm miết trên giường. Cô vào giường ngủ sau khi sửa soạn cho bọn trẻ đi học, cô ngủ trưa trước khi đi làm. Hắn giúp đỡ việc vặt trong nhà, xem ti vi, và để cho vợ ngủ. Hắn lo luôn chuyện chợ búa, và thỉnh thoảng đi dự phỏng vấn tìm việc làm.

Một đêm kia cho bọn nhỏ đi ngủ xong, hắn tắt ti vi, và quyết định đi kiếm cái gì uống. Khi quán rượu đóng cửa, hắn lái xe đến quán cà phê.

Hắn ngồi chờ ở quầy. Hắn nhìn cô đi qua đi lại phía sau quầy. Sau cùng hắn gọi một cái cheeseburger. Cô đưa mảnh thực đơn cho người đầu bếp và đi tiếp khách ở bàn khác.

Một cô hầu bàn khác đem bình cà phê lại, rót đầy ly hắn.

“Bạn của em là ai vậy?” hắn hỏi cô gái và hất đầu về phía vợ hắn.

“Nó tên là Doreen,” cô hầu bàn nói.

“Trông cô ta khác hẳn lần trước tôi đến đây,” hắn nói.

“Em chẳng để ý,” cô hầu bàn nói.

Hắn ăn cái burger và uống cà phê. Khách hàng liên tục ra vào chỗ quầy hàng. Vợ hắn tiếp hầu hết khách hàng ngay tại quầy, thỉnh thoảng cô hầu bàn kia mới lại phụ tiếp khách. Hắn nhìn vợ và chăm chú lắng nghe. Hai lần hắn phải đứng dậy đi tiểu. Mỗi lần đi hắn đều lo là sẽ nghe hụt mất chuyện gì đó. Khi trở ra lần thứ nhì, ly cà phê của hắn đã bị dẹp mất và có người ngồi ở chỗ của hắn. Hắn kéo cái ghế, ngồi ở một đầu quầy kế bên một người đàn ông mặc áo sơ mi sọc.

“Anh muốn gì nữa?” vợ hắn hỏi khi trông thấy hắn. “Giờ này còn chưa chịu về nhà nữa à?”

“Cho anh chút cà phê,” hắn nói.

Người đàn ông ngồi kế bên hắn đang đọc báo. Ông ta ngước lên nhìn vợ hắn lúc cô rót cà phê cho hắn. Ông ta liếc theo cô lúc cô bước đi. Rồi ông ta quay về tờ báo.

Hắn nhấp một ngụm cà phê và chờ người đàn ông nói câu gì đó. Hắn liếc trộm ông ta. Người đàn ông đã ăn xong và đẩy cái đĩa qua một bên. Ông ta mồi điếu thuốc, gấp trang báo lại trước mặt và tiếp tục đọc.

Vợ hắn bước lại đổ thêm cà phê cho người đàn ông và lấy cái đĩa dơ đi.

“Ông thấy được không?” hắn vừa nói với người đàn ông vừa hất đầu về phía vợ hắn đang đi về cuối quầy. “Cũng ngon chứ hả?”

Người đàn ông ngẩng đầu lên. Ông ta nhìn vợ hắn rồi quay qua nhìn hắn và lại cúi xuống tờ báo.

“Nào, ông thấy sao?” hắn nói. “Tôi hỏi ông. Coi được hay không? Nói cho tôi biết.”

Người đàn ông giũ tờ báo.

Khi vợ hắn bước ra, hắn thúc vào vai người đàn ông và nói, “Tôi nói cho ông nghe này. Nghe đây. Nhìn cặp mông cô ta kìa. Nhìn đây nhé. Em cho anh một ly kem sô-cô-la.” Hắn nói vọng về phía cô.

Cô dừng lại trước mặt hắn và buông ra một tiếng thở dài. Rồi cô quay lưng lấy một cái đĩa và cái  muỗng múc kem. Cô khom người xuống tủ đá, nhấn cái muôi vào kem. Hắn nhìn người đàn ông và nháy mắt về phía chiếc váy của vợ hắn đang bị tốc lên phía trên đùi cô. Nhưng con mắt người đàn ông bắt gặp tia nhìn của cô hầu bàn khác. Rồi người đàn ông kẹp tờ báo dưới nách và thọc bàn tay vào túi.

Cô hầu bàn ấy đi thẳng đến chỗ vợ hắn. “Thằng cha mắc dịch nào vậy?” cô ta hỏi.

“Ai?” vợ hắn nói và đảo mắt nhìn quanh với đĩa kem trên tay.

“Thằng cha đó đó,” cô hầu bàn nói và hất đầu về phía hắn. “Thằng cha đó là ai vậy?”

Hắn cố cười thật tươi. Và giữ nụ cười ấy trên mặt. Giữ cho đến khi mặt hắn méo xệch đi.

Thế nhưng cô hầu bàn kia chỉ nhìn lướt qua hắn, còn vợ hắn thì khe khẽ lắc đầu. Người đàn ông đặt tiền lẻ lên bàn rồi đứng dậy, tuy nhiên ông ta cũng chờ để nghe câu trả lời. Cả ba người đều nhìn hắn chằm chặp.

“Anh ấy là dân chào hàng. Anh ấy là chồng tôi,” sau cùng vợ hắn nói, và nhún vai. Rồi cô đặt dĩa kem ăn dở dang trước mặt hắn và trở lại quầy để tính tiền cho hắn.

 Raymond Carver

Chuyển ngữ – Hoàng Chính

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14743)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14591)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 14963)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17177)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19060)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13586)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16320)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15219)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15420)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 17076)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.