- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Có Một Tình Yêu

30 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 31520)

 

442672_lime_light_0_300x200_1Tôi lạc trong cánh đồng đầy gai mắc cở, đau quá, gỡ ra vẫn đầy dằm. Mênh mang buồn. Nỗi buồn quặn thắt, vây bủa đầu óc bé nhỏ, vây bủa cánh đồng mặn chát buồn trơ trọi mong cơn mưa đầu mùa.

Tháng tư khô hạn.

Cánh đồng nước đọng chơ vơ thiếu thốn thèm khát bàn chân con người dẫm đạp. Nắng đổ sập xuống, phơi giòn ngọn cỏ. Cánh đồng phơi xác không một tiếng thở. Cổ họng tôi khô rát.

 Quê tôi thật nghèo.

 Ước gì có mưa, ngay bây giờ, những giọt nước tinh khiết hiếm hoi. Chứ xứ này, có giếng khoan cũng không thể nào uống được. Thà nước sông còn hơn. Thì quê tôi lúc nào không uống nước sông đâu.

Nhớ đến sông là phải nhớ đến cái xà lan, cái vỏ, cái ghe, cái xuồng ba lá, cái chẹt, cái bè,… Nhớ đến đêm hôm lũ ếch nhái kêu não nề. Nhớ tiếng gió rít. Nhớ tiếng muỗi bay vo ve mà tưởng tượng từ tiếng muỗi có thể nhìn thấy từng đàn bay lượn lờ đen đặc. Nhớ đến màu xanh xanh, vàng vàng, xào xạc của lá dừa, lá đừa, lá sộp, lá tràm, lá đa… toả xuống hai bờ. Nhớ như nhớ chính mình. Đến nỗi đôi lúc ta giật mình tự hỏi, ủa sao mình có mặt trên đời? Mình biết bơi từ lúc nào vậy hở? Mà sao mình có thể thuộc làu những con kênh ngoằn ngoèo? Hoặc sao trời sinh mình ra giữa đời để làm chi?

Đàn ông thanh niên nhiều người đi xa. Dù là phụ hồ, dù là quét rác,… làm gì cũng được, miễn là thoát ra khỏi xứ khỉ ho cò gáy này. Đàn bà con gái không lấy chồng xa, thì cũng làm ca ve, làm đĩ. Chứ lấy chồng xứ này thì chỉ biết xách chai đi mua rượu và đẻ. Có vẻ ông trời chỉ chiêu đãi quê tôi một món duy nhất: con gái đẹp. Nghĩ đến đó, tôi sợ. Có khi nào sau này tôi cũng như bao người con gái ấy. Vì nghèo, vì vô học, vì dốt nát, vì có sẵn dòng máu làm đĩ.

*

Tôi quyết định về quê.

Ngày xưa phải đi qua hai lần phà, bây giờ chỉ một: phà Cần Thơ, chứ cầu Mỹ Thuận xây rồi. Tự dưng tôi nhìn thấy có cái gì mất mát, trống trải đang thay thế trong con người mình. Tôi thấy tôi già hơn, ma mãnh hơn, ích kỉ hơn. Phà chiều đông người, ai cũng muốn dành lấy một chỗ đứng dù trước sau gì chẳng lên cùng một lượt. Ai cũng hí hửng về, nôn nóng lắm. Tôi thì không.

Anh chạy đò biểu hai chục từ bến đò Vị Thanh tới kênh Kinh Tế (Kinh Tế Mới). Đò chạy qua sông Xáng Xà No, rồi rẽ qua hết con kênh này đến con kênh khác; lướt qua từng cánh đồng, từng mái nhà, từng rặng cây. Lướt qua cái chòi chăn vịt, qua đống rơm. Ngọn trúc cong oằn rũ rượi. Lục bình mọc ngoài rìa cắt nát vì đò qua lại, nở hoa tim tím. Dòng nước lặng lờ trôi.

 Con kênh này ngày xưa tôi xém chết đuối, tôi nhớ như in. Nó rộng hoác, chắc là mới nạo vét chỉ nghe mùi bùn tanh tanh cũng biết đựơc. Cà na chín vàng. Với tay hái một chùm, ăn cũng hay hay, chát chát. Ăn riết thì chán, chẳng khác nào người ta chỉ gặp một người trong đời, gặp đi gặp lại, yêu đi yêu lại.

Qua chân cầu bê tông này nữa là tới một ngã ba, rồi quẹo vô một xíu. Hình như có mùi gì quen quen. Trời đất, cái đìa! Nơi cả gia đình tôi vẫn chiều chiều tắm giặt. Ba cái lu lấy nước ăn uống, rửa chén, rửa rau, vo gạo nằm cạnh cái vỏ. Nhưng giờ nó đầy long quăng, váng phèn đỏ quặu. Thấy thương thương, nhớ nhớ dù đang đứng nhìn nó. Tôi chợt nghĩ đến bóng dáng, ánh mắt và cả giọng nói khô khan của mẹ, giọng nói ít khi được trìu mến. Có khi cũng vì bóng dáng đó, ánh mắt đó, giọng nói đó tôi đã bỏ đi. Không có mẹ tôi vẫn sống được đó thôi. Nay tôi hiểu, đời dạy tôi hiểu. Có thể là hiểu một chút, hoặc quá nhiều, hoặc không hiểu gì cả. Thôi kệ. Nhưng không lẽ con người đều phải ném vào đời khi muốn hiểu một cái gì?

 Ba trong mắt tôi vẫn như xưa, vẫn là ba. Ba phong độ, giỏi giang, nhân hậu, ba là tất cả. “Nhong nhong nhong… ba là con ngựa để cho con nương tựa suốt đời...” Ba ơi! Tại sao lúc này tôi lại không gọi tên mẹ, tôi đang không giận mẹ mà.

*

Ba bảo chờ khi nào tháng bảy, quýt đường chín ba về. Mấy mùa đi qua mùa, mấy tháng bảy đi qua tháng bảy không thấy ba đâu. Chúng tôi đã luôn để dành cho ba bao nhiêu trái ngon nhất, đứng trên cầu đợi ba bao nhiêu chiều. Hễ nghe tiếng xuồng máy thì chạy ào ra kênh ngó. Nghe giọng đàn ông trầm trầm là reo lên: ba về, ba về... không hôm nay thì ngày mai.

Ba con người thấp thỏm chờ đợi, ba con người thôi rồi hy vọng. Căn nhà mỗi ngày một ủ dột, chừng như rộng quá. Nhà rộng, vườn cũng rộng.

Ảm đạm. Ẩm ướt. Chúng tôi trở thành những con người không biết khóc, không biết cười. Lầm lũi và tàn nhẫn. Mẹ hay đánh hai đứa tôi hơn. Thằng Bi hỗn láo hơn. Cứ nói chuyện với nó một xíu là cãi lộn. Nó bảo tôi tánh khí đàn ông, con gái mà như vậy chó nó không thèm lấy. Tôi tức quá, tao giống ba mày, chứ không giống ổng sao có tánh đàn ông, giống cả mày nữa. Nó nói với tôi tiếng tao mày ngọt xớt. Chứ ba tao không phải là ba mày à? Ai cũng là con của ba… Rồi nó khóc. Tôi khinh bỉ tiếng khóc ngu ngốc của nó.

 Có lần nó té xuống đìa, tôi kéo lên, nó bứt tay tôi ra, tao không cần mày! Dạy nó không nghe. Bắt đi học nó không đi. Phạm lỗi biểu quỳ nó không quỳ. Tức quá tôi khóc, nó cứ mặc. Nó bảo tôi không xứng đáng làm chị, không có quyền dạy nó.

 Là con thì không có quyền lựa chọn ba mẹ? Là con thì không có quyền xét đoán ba mẹ? Nếu không có tôi trên đời chắc hay hơn. Thà là loài cây cỏ gieo vào đất, đừng biết ai cũng chẳng cần ai biết rồi chết đi, vầy hay hơn. Ai dám chơi với chúng tôi, ai dám đến gần chúng tôi! Mẹ nó là con đĩ. Đêm nào khác đêm nào. Không làm đĩ thì sao có hai đứa con? Sao có tiền cho nó đi học, để sắm dây chuyền, để ăn diện? Sao để con gái mới bằng đó tuổi phải bỏ nhà đi? Xứ này những chuyện như vậy có gì là ghê gớm.

*

Lâu lắm chưa đi đò, tôi hơi chóng mặt.

Vẫn căn nhà xưa mái lá dừa nhưng mục đi nhiều. Có lẽ nó đã chống chọi với bao nhiêu mùa mưa nắng. Chỉ cỏ là rậm rạp, chen lấn lối đi. Đất nứt nẻ dưới chân tôi. Hàng dừa bạc phếch. Ao rau muống. Đống rơm mọc vài cây nấm, nửa héo queo cắm đầu xuống đất, nửa lú nhú lên.

Nhà mình đó, tôi đứng trân trân, chân không nhấc nổi.

Thằng Bi, mẹ, và ba ôm chặt lấy tôi. Xoa nhẹ vai tôi, vuốt tóc tôi. Tôi khóc. Tất cả cùng khóc.

Ảo giác đánh lừa, tôi không phân biệt được đâu là mơ đâu là thật. Cứ sống mãi trong ảo giác thì hay biết mấy.

Bước vô nhà lạnh toát không lấy một xíu xiu hơi người. Bàn thờ. Sao lại bàn thờ? Khung hình kia là mẹ? Không thể như thế được! Run lên, chân vấp phải bậc cửa. Bi ơi! Chị... Tôi không thể gọi tên nó.

Ủa, đang ở đâu vậy ta? Có tiếng bước chân. Tôi quay lại, thằng Bi! Hai về làm Bi mừng muốn chết.

Bi, mẹ đâu? Ba đâu? Hồi nãy chế...

Nó khóc, ra dấu tôi nhìn theo tay nó. Có gì lạ đâu, bộ bàn ghế nhựa, khay ly, rồi bàn thờ.

Hả? Thiệt hả trời?

Mẹ ơi!

*

Đứng giữa vũng sình cuộc đời nhơ nhớp, chán nản tôi tự kiếm cho mình một con đường dài chắc là không hạnh phúc.

Sau cái chết của mẹ tôi càng choáng váng, có lúc sợ mình không đứng vững, và sẽ ngã qụy bất kì lúc nào. Ruột gan tôi đứt đoạn, chắp vá. Có vẻ đời người cũng như một nhánh sông dài, vì thế mà những con người của sông mang theo mình linh hồn của nó, bèo bọt trôi dạt và chóng qua. Nhưng sông tàn nhẫn lắm, nó có nhớ tên ai dù là trong một giọt nước dư thừa mùa lũ.

Tôi sờ thấy bóng đêm linh hồn mọi đàn ông mình đã gặp. Hình như vì ít đàn ông tốt nên đàn bà ai cũng khổ, không thể tự mình sắp xếp số phận cho mình. Tôi hiểu nỗi đau trong lòng mẹ, hiểu vì sao mẹ âm thầm chịu đựng, mẹ không lên tiếng trách ba nửa lời. Dám trách đời nhục lắm, khổ lắm, tôi hết sức chịu đựng rồi, bỏ bớt một chút đi! Hay nói với chúng tôi, các con đừng khinh mẹ! Đừng chê mẹ nghèo mạt xấu xa, tội lỗi!

Thằng Bi buồn lắm. Tội nghiệp nó, nó còn quá nhỏ. 

*

 Tôi đi vì không muốn làm vẩn đục một khúc sông, vẩn đục những buổi chiều ngồi bên cái đìa hú mấy nhỏ bạn qua chơi. Càng không muốn đánh mất những lúc ngồi thật lâu để lặng thầm nhìn ánh mắt mẹ u buồn. Thu mình nhỏ lại để nghe từng nhịp tim đang đập và biết mình đã khác, biết nhớ biết thương, biết thù, biết hận, biết sợ tiếng đàn ông khàn khàn, sợ đôi mắt săm soi, sợ cơ bắp đen bóng.

 Tôi về, về vì chốn đất khách không rộng mở, tôi mãi là con bé nhà quê sông nước cù lần. Nay con bé đó muốn chấm dứt những tháng ngày lặp đi lặp lại, những công việc lặp đi lặp lại chỉ dành cho những kẻ có giọng nói buông ra đầu lưỡi là đầy ắp những lừa lọc, giả dối gọi mời. Tôi sẽ thiêu trụi những buổi tối rợi rã, những giấc ngủ đau quặn xé.

*

Nhìn dòng sông trôi hiền hoà.

Dòng sông Xáng Xà No êm đềm phù sa. Ôi! Dòng sông tuổi thơ bao gắn bó như sinh thể con người tôi. Dòng sông mẹ tôi tìm về.

Bây giờ tôi cũng muốn về với sông.

Tôi thì bơ vơ đau khổ, anh thì vô tình mau quên. Tôi không dám nghĩ đến một tiếng trách cứ anh như đã từng nói với ba, với mẹ. Khi yêu tôi không đủ tỉnh táo, sáng suốt để yêu ghét rạch ròi như lâu nay vẫn thản nhiên cong lưỡi dè bỉu những lỗi lầm, những vết xước thương yêu con người mắc phải.

Anh bỏ tôi. Bỏ tôi thật rồi. Anh là ai? Anh chỉ đến với tôi vào ban đêm. Đêm đồng lõa tội danh, tiếp sức tội danh. Đêm ghì xiết, quấn chặt hai kẻ điên cuồng yêu nhau.

Dòng sông gãy vụn nhàu úa.

Tôi phải về với sông. Xáng Xà No ơi, Xáng Xà No! Hôm nay ngươi lạ lẫm quá, sâu quá, rộng quá. Không là dòng sông của ngày còn hôm qua, lóng lánh dát đầy những ước hẹn thề nguyền run rẩy yêu đương, gom hết cả đêm về. Tôi sẽ nhảy xuống sông ngay bây giờ, sông gột rửa tất cả. Tôi biết, như mẹ tôi, thế là hết. Nước sẽ lan tỏa khắp cơ thể, cuốn phăng vứt bỏ mọi tùng quẩn đang giằng co, cào cấu linh hồn tôi đến rách nát.

Nhẹ tênh thôi, nhắm mắt lại! Tôi run lên, nghĩ đến dòng nước, sông ơi. Trời ơi, tôi không làm được, nỗi sợ tím ngắt ném tôi lên bờ. Tôi sợ chết. Vì chỉ sau một phút, một phút thôi tôi sẽ không còn trên cõi đời này nữa, thân xác sẽ trôi vèo xuống Kiên Giang, Cần Thơ, hay tận Cà Mau… Rồi ra tận biển!

Tôi không muốn chết. Nhưng, sống thì khó quá.

Bóng cây in xuống sông rõ mồn một, buồn bã. Cây xanh tươi nhưng lòng tôi thì héo úa gầy mòn, chết dần từng giây phút, từng hơi thở, từng thớ thịt đang run lên.

Mảnh đất, khúc sông này không lẽ lại cần hai sinh mệnh bất hạnh này sống. Tôi nhớ giọt nước mắt của cu Bi quá chừng, nó bảo tôi đừng đi lấy chồng Đài Loan; đừng phá thai để cháu nó nuôi. Nó còn biết nói như vậy, sao tôi tàn ác quá, hèn nhát quá, suýt chút nữa giết chết đứa con của anh.

Tiếng kèn le te... le te... làm tôi giật mình. Thương số kiếp mình bé nhỏ, khốn khó. Thương tôi đánh tuột mất tuổi thơ trong trắng. Tôi thấy thèm ăn một que kem toàn đường hoá học đắng chát, một cái kẹo xanh đỏ, thèm được đón đò mua rượu, mua con khô con mực cho ba uống rượu như ngày còn bé. Tôi nhớ tiếng “ba”, tiếng “mẹ”, tiếng “cu Bi” làm sao. Tôi thương tôi như một đứa con mồ côi vậy.

Tôi muốn cào nát mặt mình, muốn xé nát da thịt, muốn túm tóc dật từng sợi, muốn gào lên, muốn khóc vì kí ức đã qua, nhưng cái màu xanh của nó vẫn còn đây, mằn mặn mùi phù sa sông này. Nhớ lại câu nói “Con đi tìm ba!” bây giờ sao mặn đắng, lạ hoắc, thấy mình ngu ngu, mắc cười.

Tôi hèn nhát quá. tôi căm thù sự hèn nhát đó, căm thù tôi đến nghẹt thở.

Một chiều mưa tầm tã, tôi đi tìm ba dù không biết Sài Gòn là đâu. Cứ nghĩ thật đơn giản, qua hết kênh Kinh Tế Mới, rồi kênh Giải Phóng, Kênh Mười Thước, Kênh Ba, Kênh Bốn, Kênh Năm,... là hỏi thăm. Chỉ cần đi hết tất cả các con kênh là sao cũng tìm thấy ba. Không phải, Sài Gòn xa lắm. Tôi khóc. Dưới cống bê tông nhìn những giọt nước mưa đan xen hắt vào mặt mũi, tôi ước mình là những giọt mưa để bay đến bên ba.

Sáng tỉnh dậy con thấy mình lạnh lẽo. Ba ơi, ba về đi, ba! Mẹ khổ lắm, mẹ lúc nào cũng sống trong dằn vặt. Con nhìn, nhìn mãi không chán quầng thâm trên mắt mẹ. Mẹ không khóc, con biết trong đáy mắt sâu thẳm lãnh đạm chi chít những khoảng trống mênh mông, thiếu thốn không nói bằng lời, không kể bằng nước mắt. Mẹ đánh con vì con đi tìm ba, mẹ cần ba nhiều lắm. Con sợ thấy mẹ đau đầu mỗi mùa gió chướng. Con sợ mình nói tiếng căm hờn ba trước mặt mẹ.

Còn đâu cuối ngày ngồi ngẫm nghĩ xem hôm nay mình đã làm gì, chưa làm gì. Khác nhiều lắm rồi, sống để nuôi thù, để trả thù, để trốn chạy và để chết.

Tôi chán thấy lũ người tắm giặt trên sông. Mình ngày xưa dơ dáy như vậy à? Nước múc lên ném vô một cục phèn rồi uống, ghê quá, uống cả bụi bặm, rác rưởi, phân vịt. Con người xứ này sao mà dễ sống, dễ bằng lòng, dễ phó mặc! Khổ cũng không biết.

Tôi buồn! Buồn vì nhiều nỗi lâu nay góp nhặt lại, như sông có đem đổ ra biển vẫn xối xả, ào ạt.

Cuốn nhật kí vèo xuống sông, rũ bỏ hết quá khứ. Thế là hết. Có dòng sông chứng giám, sông trả lời vì sao tôi không ở xứ này. Vì khổ quá, nhục quá, nghèo quá. Vì đẹp quá. Vì những người đàn ông chỉ biết nhìn đàn bà bằng mắt đôi ti hí ngu dốt, thấp hèn của thú vật. Vì tôi không thích nhìn mẹ tôi trả thù ba bằng cách đem đàn ông về nhà (thực sự không phải, mẹ tôi có gì cao cả để nói tiếng trả thù). Đàn ông, nó không đáng làm một con chó!... Nếu là chó thì đập giết thịt, mua rượu về lai rai cũng không hả giận. Tôi đã nguyền rủa như vậy. Nó vồ vập con người mang cái tên mềm uột - đàn bà một cách điên loạn xuồng xã đến nỗi không biết đâu là trẻ con, đâu là người già, đâu là mẹ, đâu là con.

*

Ghép lại. Xoá hết.

Không dễ.

Sông cuồn cuộn chảy, chảy như chưa hề giận ai, chưa hề ghét bỏ ai.

*

Đứa con ra đời. Con rơi con vãi nên lúc nào cũng giống thằng cha nó. Người ta bảo vậy.

Tôi buồn.

Tôi nhớ.

Tôi nhìn.

Tôi không quan tâm. 

Ừ. Tôi làm mẹ ở tuổi mười sáu non nớt, vội vàng gấp gáp. 

*

Ông trở về. Đàn ông bỏ vợ theo gái đố thằng nào về, trừ khi không còn cái quần để mặc nữa. Tôi không muốn nghe. Tôi không muốn biết.

Ba ngày xưa ở với chúng tôi những ngày ít ỏi, không nhiều để nhớ, không nhiều để thương. Ngày xưa bảo tìm ba, chứ biết mặt mũi ba thế nào mà tìm. Tôi mường tượng một con người áo quần lếch thếch, có nét gì tội tội, ác ác, có nét gì na ná giống tôi.

 À ơi…! Nín đi con!

Tôi cô đơn. Dường như nỗi cô đơn dồn hết cả vào tôi. Gió rít từng cơn. Lũ cò trắng muốt trên ngọn tre đỏng đảnh kêu toán loạn trêu ngươi.

Cu Bi bảo tôi là ba về. Tôi còn không biết mặt ba, sao nó biết. Nhưng đúng là ba thật.

Tôi không ôm chầm lấy ông, không tỏ ra vui mừng, không dám tin, dám nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt một người tưởng chừng xa lạ. Không dám nhìn màu áo khoác trên con người ấy, cả mái tóc đến nước da. Thật sự không muốn.

Tháng tư nóng rát trụi hết mầm xanh.

Ông khóc, nước mắt rơi xuống bàn tay tôi. Ngỡ ngàng. Chỉ là giọt nước mắt, tôi choáng ngợp. Có cơn mưa đầu mùa, ngập ngừng rồi mạnh mẽ thấm vào cánh đồng đang khô rạn, xóa hết mọi dấu vết nứt nẻ bấy lâu tôi ngờ vực.

Con đợi ba lâu quá! Quýt sắp chín rồi! Con biết sao ba cũng về mà. Năm nay được mùa đó ba! Đó, Hai không tin, ba nói ba về mà Hai không tin, còn… Thằng cu Bi làm tôi bật khóc. Tôi mà biết khóc?

Ông trở về dạy chúng tôi một chân lí duy nhất: Tình yêu. Tình yêu là có thật.

Tình yêu là có thật? Nhưng trả giá cho một tình yêu sao mà mắc quá! Phải đi hết cả cuộc đời đôi khi cũng không tìm thấy được.

Có lẽ ông muốn những ngày cuối đời tìm về nơi đây để tựa đầu vào dòng chảy tình yêu, để nói với chúng tôi điều đó.

 

Cu Bi đâu phải là con của ba. Nó không biết, tôi không biết, cả mẹ cũng không biết thì ai biết? Không cần biết, vì điều quan trọng là chúng tôi thấy gắn bó, và chúng tôi cảm nghiệm được mảnh đất này, khúc sông này đang níu giữ bước chân.

Sông cuồn cuộn chảy, chảy như chưa hề giận ai, chưa hề ghét bỏ ai. Chảy đi sông! Chảy như sông không hề tàn nhẫn, sông vẫn nhớ tên một con người. 

 

Nhìn dòng nước. Nhìn rặng cây. Tôi kêu tên mẹ. 

Khiêm Nhu 

(Hà Nội)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 20215:08 CH(Xem: 17060)
Tuần trăng mật của hai người là một chuỗi ngày rờn rợn và dài lê thê. Nàng có mái tóc vàng, xinh đẹp và e lệ. Chàng thì tính khí lạnh lùng, khiến những giấc mơ diễm tình thời con gái của nàng trở nên băng giá. Nàng yêu Jordán rất đỗi, tuy lắm khi lại thấy lo sợ bâng quơ, nhất là mỗi đêm cùng chàng đếm bước trên đường về nhà, nàng lén nhìn dáng vẻ cao to của chàng, lầm lầm lì lì không nói không rằng. Còn chàng cũng yêu nàng thắm thiết, nhưng không thích biểu lộ ra ngoài.
07 Tháng Năm 20214:37 CH(Xem: 14878)
Thời ấy nhà có cái xe đạp được coi là quý rồi, thường là tôi đi bộ suốt. Tôi nhớ có lần đưa con trai đi chích ngừa ở bệnh viện khá xa nhà, tôi đã đèo nó trên xe đạp. Con tôi lúc đó chỉ mới sáu tuổi, lúc về nó bi bô với mọi người : "Mẹ con đó, đi xe đạp mà chậm hơn người đi bộ. Khi muốn dừng xe lại, mẹ chà chà cái chân để kít xe lại. Qua đường, mẹ dắt xe qua chứ không dám đạp qua"! Mọi người đều cười ồ mà tôi lại nghĩ điều đó có gì để cười đâu nhỉ!
07 Tháng Năm 20211:47 SA(Xem: 14935)
Nguyễn Vinh. Con trai lớn của Ông Nguyên Vĩnh và bà Trần Thị Dung. Bà Dung đưa con gái út là Vân đi học bằng xe đạp điện. Một chiếc mô tô 125 phân khối tông một phát. Vậy là, cả mẹ cả con ra người thiên cổ. Kẻ gây án vù một hơi mất dạng. Đoạn đường nơi xẩy ra tai nạn không có camera hành trình nên bó tay cái vụ truy thủ phạm. Nhưng...
22 Tháng Tư 202112:08 SA(Xem: 16690)
"Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt… thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…" (Nguyễn Thạch Giang)
21 Tháng Tư 202110:34 CH(Xem: 15903)
Sáng ngày 22, toàn bộ các lãnh đạo, y bác sỹ, y tá, hộ lý , kể cả nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng v.v… đều được huy động xuống phòng họp của bệnh viện phụ sản, theo lệnh Ban giám đốc, chỉ trừ ê-kíp trực đang chờ các cuộc lâm bồn mới. “Đề nghị báo cáo số trẻ sinh ngày 22 đến giờ này và tôi cần một vài bé sinh đúng 0h00 giờ”, ông Giám đốc bệnh viện phụ sản nói. / “Dạ, báo cáo đồng chí, rất tiếc là tới giờ, không hiểu sao vẫn chỉ có một trẻ thôi, không có nhiều hơn, và không có trẻ nào sinh vào giờ đồng chí cần ạ,” bà Phó Giám đốc nói. “Thế à, khỉ thật! Đúng lúc mình cần thì các bà không đẻ cho. Bình thường thì đẻ như gà!”, Giám đốc bực và có vẻ hơi lo. / Đâu đó có tiếng cười khúc khích, hình như trong đám cán bộ, y tá, điều dưỡng trẻ.
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 15792)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 15393)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 15656)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 17160)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 16808)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.