- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BỨC ẢNH KHÔNG CÓ HÌNH NGƯỜI

24 Tháng Giêng 202012:21 SA(Xem: 17042)

nha tren rung-le minh phong
Nhà trên rừng - tranh Lê Minh Phong


LTS: Lần đầu cộng tác cùng tạp chí Hợp Lưu, Nguyễn Đức Hạnh hiện làm việc tại Nxb Đại học Thái Nguyên, Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu truyện ngắn “Bức Ảnh Không Có Hình Người” của tác giả Nguyễn Đức Hạnh.

TCHL

 


Chiều mùng 3 tết, trời vẫn rét cắt da cắt thịt. Tôi dừng nghỉ ở Đền Mẫu trước khi qua sông để vào bản Cọ, bản Khau. Sông Cầu cạn lắm, nước trong veo và lạnh, nhìn rõ sỏi trăng dưới đáy. Đi thuyền thuyền qua sông hai bên bờ cây lá run rẩy vì rét, hình như xa xôi kia còn sót lại một bông hóa chuối rừng như một ngọn lửa nhỏ thắp lên giữa khu rừng, làm ấm lòng một gã thợ ảnh là tôi, bỏ vợ con nheo nhóc ở nhà, ôm máy ảnh đi kiếm tiền nơi rừng xanh núi đó, khi thiên hạ vẫn đang say sưa đón tết. Chỉ có điều bông hoa chuối rừng này đỏ một cách lạ lùng, như màu máu tươi vậy, tôi đi đến đâu cũng vẫn thấy bông hoa ấy lúc trước mặt, lúc sau lưng, lúc ở đáy sông khi thuyền sang sông. 

Tôi đi bộ theo con đường nhỏ, len lỏi qua những ngôi nhà sàn cũ kĩ, mái lợp lá cọ hoặc ngói ta xám mốc, những càu thang có tay vịn đã lên nước bóng loáng, thi thoảng tôi lại cất tiếng ngân nga “Có ai chụp ảnh tết không?”. Hồi đó được chụp ảnh và có ảnh thờ của các cụ, ảnh cho vào ví của thanh niên là hiếm hoi lắm là hạnh phúc vô bờ, bởi đã ít thợ ảnh, và chẳng có mấy ông phó nháy lò dò lên tận nơi khỉ ho cò gáy này vào dịp tết. Tôi đắt hàng lắm, chỉ một buổi sáng đã chụp hết hơn hai cuộn phim đen trắng bằng chiếc máy ảnh Pratica cổ lỗ sĩ của mình. Nhà nào chụp ảnh xong cũng mời ăn, mời uống rượu bằng bát. Dù tửu lượng thuốc vào hàng cao thủ, sang buổi chiều tôi đã phải vịn hàng rào mà đi, giẫm vào bãi phân trâu, chiếc giầy Cô-sơ-ghin của Nga bẩn bê bết, lấy giấy, cỏ khô lau chùi mãi cũng tạm sạch, chỉ có đi đến đâu thì mùi phân trâu bay thoảng đến đó, mấy cô gái bản béo tròn, mặt tròn xoe, má đỏ hây hây cứ che miệng nhìn tôi cười khúc khích. Chiều tối loạng choạng tới ngôi nhà sàn cuối cùng, nằm cách xa mọi nhà, ẩn trong một rừng Lim cổ thụ. Có tiếng nói trong veo mời lên nhà chụp ảnh. Lạ! Sao ngôi nhà sàn lạnh thế. Mới chiều tối mà sương núi đã phủ mờ cảnh vật. Dụi mắt đến hai ba lần, trời ơi, sao ở nơi thâm sơn cùng cốc này lại có người con gái xinh đẹp đến thế, trắng như trứng gà bóc, mặt tròn và sáng như trăng rằm, miệng cười e lệ, còn mái tóc dài tuôn thăm thẳm đến quá gót chân, mái tóc như một tấm áo dài đen sang trọng phủ hờ, chuyển động theo bước chân đi còn nhẹ hơn làn gió... Theo sở thích của chủ nhân ngôi nhà, tôi chụp cho em một số kiểu đứng, ngồi, ôm mèo, và sàng gạo bên bếp lửa bập bùng. Mở hết khẩu độ của ống kính để tốc độ chậm, dùng chân máy, chụp ảnh em sàng gạo như múa, hi vọng những hạt gạo trắng thơm kia sẽ tạo thành một dòng chảy nuột nà từ bàn tay xinh kia... miệt mài chụp được hơn chục kiểu ảnh, nhìn ra trời đã tối mịt. Loay hoay đóng máy, ngỏ ý sẽ trở về ngủ nhờ trong bản, sáng mai quay lại chụp cho em một số ảnh ngoài trời. Em vâng thật dịu dàng, mời tôi ăn tối cùng em rồi hãy đi. Được lời mời của người đẹp như thế, có phải chết cũng ở lại, đừng nói chỉ có ăn cơm, uống rượu cùng em. Cho thêm củi để bếp lửa cháy to hơn khi thấy tôi co ro vì lạnh, em bày mâm bên bếp lửa đỏ - những ngọn lửa cũng kì lạ hơn ở các nơi khác, cứ như những con rắn màu đỏ quằn quại, thi thoảng lại phóng thẳng vào tôi, mấy lần dịch ra xa bếp lửa vẫn bị cháy xém cả lông mi và tóc.

Mâm cơm em mời tôi cũng kì lạ không kém. Rau ngót rừng luộc, trám trắng, hoa chuối rừng làm nộm, và một chai rượu trong và xanh hơn mắt mèo hoang. Quái! Tết nhất mà không thịt cá bánh trưng? Chẳng lẽ nhà em nghèo đến thế? Nhưng thôi, có rượu là được rồi! Cứ hai bát rượu đầy chéo tay nhau uống cạn rồi rót tiếp, chai rượu lạ lùng uống mãi không vơi đi giọt nào. Khi chéo tay uống rượu tôi ngửi được mùi tóc và thân thể em rồi bỗng nôn nao khủng khiếp, đó là mùi xác thối như khi lợn chết, gà chết vì dịch bệnh, dân quẳng bừa xuống suối, mấy hôm sau đi qua mùi lợm giọng bay lên. Nhưng chắc là do say quá sinh ra ảo giác, làm sao một cô gái xinh như cô tiên thế này, lại có cái mùi khủng khiếp ấy. Thế rồi tôi đổ gục xuống sàn nhà, ngủ không biết đất trời gì nữa. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy mình nằm còng queo trên sàn nhà lạnh ngắt, bếp lửa nguội ngắt như chưa bao giờ đốt lên, chỉ còn chai rượu và mấy cái bát còn nằm đấy. Sau cơn say, không biết có phải hoa mắt, chóng mặt, tôi nhìn thấy những vết đỏ của máu tươi dính trên mấy cái bát và ngửi thấy mùi hôi của lợn dịch chết vứt xuống suối, phơi nắng mấy ngày giờ bốc mùi. Tôi hốt hoảng chạy về nhà trưởng bản, mặt cắt không còn giọt máu, ú ớ, vừa thở vừa kể lại câu chuyện đêm qua cho mọi người nghe. Lạ thay! Tất cả thành viên trong bản đều im lặng nhìn tôi bằng con mắt bí hiểm, hỏi gì cũng không trả lời. Đêm ấy, lên cơn sốt mê man, những hình ảnh vùn vụt đi qua, những con người vừa quen vừa lạ, vui buồn cười khóc, đi lại trong một lớp sương khói cuồn cuộn…

Kìa bến đò trong veo, một cành Đa xiên ngang, mắc chiếc khăn màu chàm, bông hoa chuối rừng đi theo… Ngôi nhà sàn hoang phế, có ai khóc thầm trên bàn thờ… Đường uốn lượn quanh bản như rắn bò, những hàng Đào hoa nở tung tóe, cánh hoa Đào ở đây dày và đỏ màu tiết canh, cứ nhè đầu người mà rơi, phủ kín người trong một sắc đỏ rợn người, rồi gió lốc đến đòi lại, giật hàng ngàn cánh hoa Đào mang ra bến đò, thả thác hoa xuống sông, gửi sóng mang hoa cho ai đó ở tít cuối dòng sông lạnh lẽo, hình như có ngàn bàn tay chỉ còn xương đang chơi với đón níu những cành hoa… Lại ngôi nhà sàn kia, gã đàn ông đi tù về cười ằng ặc như lợn bị chọc tiết, nói khè khè như rắn phun nọc độc…

-         Không sao, cá vào nhà ai thì nhà ấy được.

Đứa bé tầm 10 tuổi ngơ ngác nhìn mẹ. Cô gái đẹp tối qua ôm đứa bé, nhìn gã đàn ông lực lưỡng ngực xăm trổ xanh lè khiếp đảm, lắp bắp: -Anh tha cho mẹ con tôi. Tôi cầu xin anh…

Lại con đường như sợi chỉ vòng vèo từ xóm lên huyện, dáng người con gái ấy đạp xe ngược gió, mái tóc dài bất ngờ bị thổi tung, hất ngược thành dòng suối màu đêm trôi xõa xượi. Đường thành dòng sông trắng, mái tóc đen trôi như tóc người chết đuối, hoa chuối rừng bên đường nhìn theo kêu lặng lẽ…

Ngôi nhà sàn ồn ào, tấp nập, hai họ nội ngoại hỉ hả ăn mừng, gã đàn ông trán ngắn, mắt sâu và vằn đỏ, hàm bạnh, cười khè khè đứng lên cầm bát rượu: - Kính thưa các cụ, các ông, các bà, các anh chị. Hôm nay tôi làm bữa rượu nhạt, mời hai họ đến chia vui, trước là mừng cho tôi mãn hạn tù được về nhà, sau là mừng cho vợ tôi ở nhà chung thủy chờ chồng 13 năm. Nào, kính mời hai họ…

Có tiếng lè nhè vang lên:- Ừ thì mừng vui lắm, cỗ ngon lắm nhưng thịt con gì mà mềm, thơm ngon nhưng tanh tanh thế cháu rể?

Gà đàn ông cười ghê rợn: - Dạ thịt cầy hương đấy ạ, nào mời các cụ đánh nhắm thiệt tình cho…

Trên bàn thờ, ai đó đang khóc tấm tức làm bát hương run lập cập, hoa chuối đỏ quá sao cứ ghé vào cửa sổ mà đập điên cuồng. Cô gái ấy chạy quanh nhà gọi con, tiếng gọi như cật nứa cưa mãi vào lồng ngực người nghe. Cô chạy vào túm lấy gã: - Con tôi đâu?. Anh làm gì con tôi rồi?.

Gã ghét sát tai cô, nói thật dịu dàng: - Con riêng của cô ở trên gác bếp ấy…

Những bước chân chạy lật bật, nước mắt rỏ xuống để đánh dấu bước chân hay sao? Tóc dài như trăm ngàn sợi dây nhỏ xíu đang cố buộc giông bão lại. Cô gái bê chiếc ghế, đứng lên nhìn vào gác bếp đen sì bồ hóng, kia rồi, có mái tóc lơ thơ của thằng bé, một cánh tay xanh xao, nhỏ xíu buông thõng, cô gái kiễng chân, cố cầm cánh tay mà gọi: - Con ơi…, bỗng cô ngã nhào xuống nền bếp, tay cô cầm cánh tay đã bị chặt rời của thằng bé, máu từ gác bếp chỉ cò một giọt thôi, rỏ xuống đúng vào miệng cô gái. Hình như ngoài cửa sổ, hoa chuối rừng đang khóc… Cây lá quanh vườn đang khóc, nhựa cây từ thân vọt ra từng dòng, chảy xuống mang theo bao tiếng kêu vô thanh, chỉ đất đai nghe và hiểu được, đất cũng rung chuyển rồi nứt xé. Cô gái gào một tiếng kinh rợn, tiếng gào bay khỏi nhà sàn, đập vào vách đá, hồi âm vang vọng lại làm dòng sông sôi sùng sục, gió về quằn quại vặt sạch hòa đỏ của hàng ngàn cây Đào, hắt tất cả lên trời. Hoa Đào theo gió nhuộm cả một khoảng trời đỏ màu máu. Quạ đen hàng nghìn con bay về, mắt trợn trừng căm giận. Tôi hét lớn rồi vùng dậy, hóa ra là một giấc mơ. Ông trưởng bản lay vai tôi lo lằng: - Gặp ác mộng hả?. Anh hét ghê quá. Mê man suốt một đêm rồi. Ăn bát cháo nóng với Tía tô này, giải cảm, nhẹ người ngay…

Tôi run tay bưng bát cháo nóng, ô hay, sao bát cháo có mùi lợn chết thối từ lòng suối bay lên như đã ngửi thấy hôm trước?. Màu đỏ của lá Tía tô bỗng nhòa đi, biến thành máu tươi lõng bõng… Ruột gan quặn thắt rồi thốc ngược lên, nôn khan dữ dội. Lắp bắp, tôi xin phép trưởng bản rồi lảo đảo khoác túi đi ra bến đò. Vừa xuống đò, như bị thôi miên, mắt tôi như dán vào cành Đa xiên nghiêng, hình như còn phơ phất chiếc khăn chàm của ai đấy, ngay bên cạnh đó, bông hoa chuối rừng cứ như đang nhìn tha thiết và cầu khẩn... Dõi theo ánh mắt tôi, bà chèo đò chép miệng:

-  Rõ khổ. Có cô gái đẹp nhất bản, gặp thằng chồng đi tù về dã man, cô ấy treo cổ chết ở đấy. Thật đời người chẳng biết thế nào mà lần…

Về đến thành phố, tôi ốm, nằm bẹp mấy ngày trời. Chiều nay mới cố gượng dậy, tự nhiên ruột gan nóng như lửa đốt, như có ai đang giục giã phải mau chóng tráng phim, phóng ảnh. Mà có thợ ảnh nào chụp xong chẳng muốn mau chóng nhìn thấy sản phẩm nghệ thuật của mình?. Tôi vào buồng tối, tráng phim rồi bắt đầu phóng ảnh. Ảnh chụp dịp tết vừa qua rất đẹp. Nhưng những bức ảnh chụp em đều trắng phau, không có hình người. Ở hậu cảnh, có bông hoa chuối rừng đỏ tươi như máu, cháy lên một sắc đỏ kì lạ, vừa như lửa, vừa như máu phun lên trời. Sao bông hoa chuối rừng còn tựa tựa giống một trái tim đang cháy?.

NGUYỄN ĐỨC HẠNH

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 14658)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 16908)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 18776)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13288)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 15859)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 14943)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15113)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 16722)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.
17 Tháng Năm 20206:43 CH(Xem: 16688)
Quang “bản phủ”, vốn là chánh án ở Toà án nhân dân huyện. Nhưng hình dáng bên ngoài, giống y như nhân vật Bao Thanh Thiên bên tàu trong bộ phim truyền hình nhiều tập chiếu trên đài. Tối hôm trước xem phim, sáng hôm sau đến toà, từ bị can, đương sự đến nhân viên, thư ký toà…giật mình thon thót, nhìn lên ghế chánh án, cứ như thấy ông Bao Chửng ngồi trên thật. Cũng tai to mặt lớn đen sì.
23 Tháng Tư 20207:45 CH(Xem: 15579)
Cách đây ba tuần, khi con vi khuẩn độc ác xâm nhập, tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Hoa kỳ, lúc ấy mọi người đã bắt đầu thức tỉnh lo sợ trước một cuộc chiến vô cùng gian nan, một mất một còn với kẻ thù vô hình có sức mạnh tấn công tiêu diệt hàng loạt sinh mạng con người mà loài người vẫn chưa có vũ khí chống lại chúng. Chúng không biết phân biệt già, trẻ, lớn bé hay người ấy là ai, nếu không may đến gần chúng, đụng phải chúng, coi như chúng đã chiếm đoạt cái số phận của người ấy, quyết định sống hay chết là do sự chống trả của một có thể cố gắng đánh bại chúng.