- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Café Hàng Hành

18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 31887)

blank

( Nguyễn Bảo Sinh)

Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.

Ở phố Hàng Hành có mấy di tích cổ là đình và đền làng Tả Khánh Thuỵ ở trong nhà số 23. Ngoài ra ở nhà số 40 còn đền Trúc Lâm là đền thờ các ông tổ của nghề thuộc da giầy là các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sĩ Bân và Phạm Thuần Chính. Trước cửa đền Trúc Lâm bây giờ là nơi rửa xe máy.

- Hà Nội đất Thánh!- Ông Vũ nhà ở phố Hàng Giầy trước đây vẫn ngồi ở gác hai nhà café Nhân thường nói- Hà Nội là đất Thánh nên đi đến đâu cũng là di tích!

Ông Vũ là khách đặc biệt của café Nhân. Ông biết rõ café Nhân từ khi mới lập, cách đây năm mươi năm, khi ấy chỉ là một gian nhà hẹp ở phố Cầu Gỗ. Một dạo, ông Vũ chuyển sang uống ở café Lâm phố Nguyễn Hữu Huân. Lâm nổi tiếng vì chơi với nhiều văn nhân nghệ sỹ, về già lại hay cúng tiền công đức lên cho các chùa. Lâm mất, ông Vũ chuyển về uống ở café Mai phố Lương Ngọc Quyến. Năm 2000, Mai bị bắt vì buôn ma tuý, ông Vũ chuyển về uống ở café Nhân Hàng Hành. Ngày nào cũng vậy, cứ 9 giờ sáng và 5 giờ chiều, ông Vũ đều đặn hai lượt đến ngồi ở trên ban công gác hai nhìn xuống mặt đường, uống một ly café đen đá và hút thuốc lá Camel, đôi mắt xa xăm nhìn ngắm bóng chiều cứ xuống dần dần qua tán lá bàng. Thời gian trôi đi, tất cả rồi mất hút vào trong quên lãng, qua khói thuốc, qua ly café. Chớp mắt hốt nhiên đã hết veo một đời người : ông Vũ chết vì bệnh ung thư ác tính vào năm 2003 thọ sáu mươi tuổi.

Café Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng hay ngồi đây, có một bàn đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Bên cạnh bàn đặt của nhóm hoạ sĩ là bàn của hoa hậu Mai Phương Thuý và đám thuộc hạ của cô thỉnh thoảng cũng hay đến tán phét. Khách thập phương và Tây ba lô cũng thích đến đây ăn sáng với món bánh mỳ sốt vang và trứng ốp lếp.

Café Nhân không phải là đệ nhất café Hà Nội. So với café Bằng ở chợ Hàng Da thì thâm niên của café Nhân chẳng ăn thua gì. Café Bằng có từ khi Hà Nội vừa mới Tây hoá. Con thạch sùng ghép bằng sứ ở chợ Hàng Da là biển hiệu của café Bằng. Đấy mới đích thị là đệ nhất đồ cổ café Hà Nội.

Ở phố Hàng Hành, café Nhân chưa hẳn đã là chỗ ngồi đẹp nhất. Vỉa hè ở mấy dãy nhà số 39 mới là chỗ ngồi đắc địa. Ở đây người ta có thể quan sát cả đoạn phố dài, có thể tha hồ ngắm nhìn thiên hạ đi qua đi lại. Bầu không khí bảng lảng thậm chí còn hơi hiu hắt ở đây quãng tầm giờ chiều gợi nhớ vô biên đến những phố huyện ở vùng Hà Nam Phủ Lý hay ở vùng đồi trung du Phú Thọ. Ngồi trên gác hai café nhà số 20 trông xuống mặt đường, nhất là vào những đêm hè, người ta cũng có cảm giác như đang ngồi trên gác một quán cao lâu ở trong phố cổ Hội An cơ nữa...

Đối với nhiều người trong đám dân chơi Hà Nội, ly café Hàng Hành buổi sáng cũng là bắt đầu một ngày. Ngày ấy sẽ dài hay ngắn, sẽ vui hay buồn? Tất cả đều là ẩn số sau ly café này đây.

- Nếu ta coi ly café buổi sáng là ranh giới xác định bắt đầu một ngày cũng hay!- Tay hoạ sĩ để râu xồm xoàm nói với người bạn café ngồi bên- Chào buổi sáng!

- Thế thì chết!- Người bạn café ngồi cạnh bật cười- Một ngày mới của ông bắt đầu vào lúc 9 giờ. Ông uống café đến khoảng 10 giờ. Thế là hết buổi sáng còn gì! Người khác ai cũng như ông thì chết!

Ừ! Vậy một ngày mới ở đây bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ lúc mấy giờ?

24 giờ đêm, cánh cửa kính Hotel nhà số 14 khép lại, ông khách Tây đi chơi khuya cuối cùng đã về, mấy ngọn đèn đường vụt tắt, căn phố nhỏ bắt đầu mơ màng vào giấc ngủ say. Cùng lúc ấy ở ngõ nhà số 20, một người phụ nữ mảnh khảnh đi ra, có một chiếc taxi vọt đến đón cô ra ga cho kịp chuyến tàu buôn lên Yên Bái. Một ngày mới, một cuộc phiêu lưu mới bắt đầu với người phụ nữ này ngay từ 0 giờ.

1 giờ sáng, có nhiều tiếng động lao xao ở trước cửa đền Trúc Lâm. Ông Dương- một tay cao bồi già, trước đây vốn là võ sỹ quyền Anh, mấy năm nay mắc bệnh mất ngủ quả quyết vẫn thường nhìn thấy các vị sơn thần thổ địa ở quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn đến "giao ban" ở đây:

- Cũng giống hệt như đội dân phòng!- Ông Dương nói- Chỉ có điều các cụ đều mặc áo đỏ, áo vàng, ống tay áo rộng, cụ nào cũng để râu, để ria, chân đi hài, đi hia. Khi đi, cảm tưởng như chân các cụ đều không bén đất, tất cả đều nhấc là là cao hơn mặt đất khoảng chừng gang tay!

Chẳng ai tin lời ông Dương vì ông này suốt ngày uống rượu, lúc nào cũng trong trạng thái tây tây.

- Tây tây là thế nào? Ông Dương cáu- Tớ trông thấy cả cụ Rùa, đầu húi trọc, mặc quần áo trắng (đúng rồi, y hệt như trong phim Bao Công!). Cụ Rùa khật khà khật khưỡng cũng cùng đi nữa!

Ông Dương không phải là người dân chính gốc ở phố Hàng Hành. Ông Dương mới về ở phố Hàng Hành độ chục năm nay nhưng lại là nhân vật nổi tiếng nhất phố. Trước đây, ông Dương nhà ở dưới đê Tô Hoàng, sau vượt biên sang tận Hồng Kông, đã từng xưng bá trong trại tị nạn, nổi tiếng anh hùng nghĩa khí. Về già rửa tay gác kiếm, mấy đứa con lại kế nghiệp cha, đi ra ngoài không ai bắt nạt được họ. Có một thứ trật tự vô hình được thiết lập ở phố Hàng Hành hình như có vẻ như có bàn tay của cha con ông Dương cầm chịch.

2 giờ sáng, có tiếng reo hò ở phía đầu phố Lương Văn Can. Người ta đang bật ti vi xem trận bóng đá ngoại hạng Anh giữa Arsenal và Manchester United. Sau trận cầu này sẽ có kẻ khóc người cười. Gần đây, dân chơi Hà Nội đã quen với những cuộc cá độ lên tới cả triệu đô.

3 giờ sáng, có tiếng gáy te te của con gà tre trong một nhà nào giữa phố. Đây là thời khắc của cô hồn ma quỷ hiện hình. Bà Phú có mẹt thuốc lá vẫn thường ngồi bán ở trước cửa nhà số 4 bảo rằng cứ vào đêm 30 cuối tháng bao giờ cũng thấy có bóng mấy bà cô ông mãnh xuất hiện vào đúng giờ này. Đấy là hồn ma của mấy thanh niên đua xe máy chết hồi năm ngoái ở trước cửa đền vua Lê Thái Tổ. Những cô hồn này vừa đi vừa khóc than ai oán. Bọn họ đều là con cái nhà giàu trên chợ Đồng Xuân đang độ tuổi teen.

4 giờ sáng, anh Quyền người vẫn chở thịt bò từ trong Chuông Vác mang cho các cửa hàng bít tết có tiếng ở Hà Nội phi xe máy từ phố Bảo Khánh đi vào. Cậu Quyết, đầu bếp của cửa hàng " Fast food- Snack bar- Restaurant" hé cửa nhận hàng. Anh Quyền người cao lớn, lưng gù trông như con gấu. Cậu Quyết em trai anh ta đứng cạnh trông chẳng khác gì một đứa bé con.

5 giờ sáng, khoảng trời phía trên Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm bắt đầu hưng hửng bừng lên một thứ ánh sáng thật huyền ảo và rực rỡ. Hàng xôi gà, bún thang ở nhà số 29 bắt đầu lục tục dọn hàng. Mấy vị khách ở Sài Gòn đi công tác ra Hà Nội vẫn quen ngủ đêm trong mấy khách sạn dưới phố Cầu Gỗ thường đi bộ đến đây ăn sáng. Họ coi việc ăn sáng ở phố Hàng Hành là một trong những "nét đẹp văn hoá" của chuyến đi ra miền Bắc của mình. Khi về Nam, vị béo ngậy của xôi gà và thanh thanh của bát bún thang Hàng Hành sẽ làm cho các anh hai, chị hai ngơ ngẩn nhớ đời.

6 giờ sáng, các hàng café bắt đầu lục tục mở cửa dọn hàng. Từ lúc này tới khoảng nửa đêm, phố Hàng Hành bước vào phiên chợ đô hội thường ngày của nó. Phù hoa ư? Hay phù phiếm? Phù du ư? Hay phù thời...

Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường không có nét gì là sâu sắc cả. Nó không mơ ngủ. Không nồng nhiệt. Nó không gay cấn. Không sát phạt. Có sự điệu đà, có sự khinh mạn. Có phởn phơ cùng sĩ diện. Đôi khi có những ưu tư và vô nghĩa lý... Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường ít khi thay đổi ở trong một ngày, ở trong một tháng, ở trong một năm... Có thể nhận ra những định đề gì (định đề hay châm ngôn?) từ trong nhịp sống bề ngoài đều đều, vô cảm của con phố phù hoa vào loại bậc nhất của thành phố này?

 

VÀI ĐỊNH ĐỀ ĐẦU TIÊN:

* Ở đâu có trật tự thiết lập ở đấy hoặc có hiền nhân quân tử, nếu không ắt hẳn có những bàn tay tàn bạo dự vào. Ừ, có hai trong một.

* Cái gì không giết anh sẽ khiến cho anh mạnh mẽ hơn- đương nhiên, nguy hiểm hơn.

* Bạn tìm kiếm gì? Đi xem gì?

- Tìm kiếm cái chết! Đi xem người chết!

 

* Sự nhàn rỗi ở người này là sự bắt đầu, là sự khởi động. Ở người kia lại là đứt cước, lại là tẹt ga. May mà đứt cước, may mà tẹt ga!

* Sao đi trách tôi khiếm nhã mà chị loã lồ?

* Anh cởi mở? Hay anh toan tính xâm phạm giá trị tiết hạnh người ta?

* Tiết hạnh ư? Chỉ là quan niệm.

* Muốn hạnh phúc thì im đi, đừng suy nghĩ.

* Tất cả đều là biểu hiện của Dục vọng. Ừ thôi vậy, gọi là cái Đẹp.

* Tôi không nói gì, tôi chối. Người ta không nói gì, người ta phục tòng. Anh hãy nghĩ xem vì sao tôi chối, vì sao người ta phục tòng?

Khoảng 9 giờ trở ra, phố Hàng Hành bắt đầu cực kỳ sầm uất. Những khách hàng quen thuộc cứ đến lại đi. Một năm, rồi mười năm, hai mươi năm nữa có còn những khách hàng quen thuộc như thế này không:

Đôi vợ chồng tỷ phú một gallery nổi tiếng trên phố Hàng Bông đèo nhau trên xe máy để đi ăn sáng. Ăn xong, họ ngồi ở vỉa hè nhà café Nhân với vẻ mãn nguyện hài lòng... Mãn nguyện hay thụ động?

Ông họa sĩ đi 40 cây số từ Xuân Mai về khoan khoái ngồi tựa cửa nhà số 39 mộng mơ... Mộng mơ hay ảo tưởng?

Ông giáo già ở phố Ấu Triệu ăn mặc comple caravát trắng tinh như đi dự tiệc... Dự tiệc hay hẹn hò?

Tay nhà văn ở phố Nhà Chung gác chân ngồi đọc báo cọp một mình... Một mình hay đa nhân cách?

Một đám công chức tụ đầu ngồi xem ảnh nuy ở trong điện thoại di động Nokia N81... Xả hơi hay suy đồi?

Mấy cô buôn bán chứng khoán đều là vợ con mấy vị cảnh sát bên đồn Tràng Thi cười như nắc nẻ... Cười người hôm trước hôm sau người cười...

Khoảng giữa trưa, khách uống café bắt đầu van vãn. Mấy cô sinh viên kiêm làm gái gọi đi học về, da tái mét vì đói bụng hay vì ăn kiêng, bồn chồn ngồi đợi nhân tình đi xe ô-tô đến đón.

1 giờ chiều, mấy cậu nhân viên giữ xe máy, rửa xe máy với đánh giày ngủ gà ngủ gật.

3 giờ chiều, hàng bún cua ở cạnh café nhà số 38 mở hàng. Mấy cô trên phố diện short và áo hai dây ngồi ăn khế chua trước cửa café nhà số 39. Một tay buôn bán ma tuý lảng vảng lướt qua. Một ông nhà văn trông tầm thường như tay lái xe ôm ngoại tỉnh đang ngồi đọc sách, đăm chiêu, bất động.

5 giờ chiều, một ông linh mục trong Nhà thờ Lớn đi uống cafe, ăn mặc như một ông giáo cấp Hai trường huyện nhà quê.

6 giờ tối, một bà thầy bói vận áo dài lụa mầu nâu mon men đi đến bên cạnh các cặp tình nhân ở quán café gạ gẫm. Phố xá đã lên đèn, bóng tối bắt đầu xoá dần đi những tia sáng ngày nhợt nhạt...

 

VÀI ĐỊNH ĐỀ TIẾP THEO:

* Điều ác thường vẫn khởi lên từ quan niệm thái quá về danh dự. Bởi vậy, "bọn đạo đức" vẫn là bọn đáng ngờ nhất về đạo đức.

* Không có vĩ nhân hẳn là đám đông đang tụt dốc, đang mòn mỏi... Sự tầm thường còn kinh hơn cả cái chết.

* Không có mỹ nhân không có vĩ nhân.

* "Tư tưởng chỉ đến khi người ta bước đi, khi người ta đang ở trên đường". Đó là Nietzche. Cần nói thêm: khi người ta không an toàn, khi người ta đang "xa rời tổ ấm"...

* Tiền ư? Tình ư? Tội ư? Đấy là cuộc sống ư? Đấy là cuộc sống.

* " Sự đơn giản là điều kiện thiết yếu của cái Đẹp đạo đức". Lep Tonxtoi nói thế. Nhưng để đơn giản, người ta cứ phải phức tạp cái đã.

* "Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp". Nhiều người nói thế. Chúng ta đang già đi, môi trường ô nhiễm, sức đề kháng yếu đi. Chẳng làm sao được.

* Bản chất con người phi luân luôn miệng nói về đạo đức. Con người đạo đức cũng nói như thế. Vẫn là như thế, mãi là như thế.

* Anh dũng, can đảm, kiêu hùng: đấy là cái Đẹp.

Rụt rè, loanh quanh, bạc nhược: đấy là cái Xấu.

 

* Những kinh nghiệm riêng tư đích thực thường không nhiều lời. Nó nấp sau vẻ ngô nghê, ngờ nghệch, cù lần. Nó đau đớn buộc phải huyền đi...

Một buổi chiều có một vị tôn sư đi cùng với một cô gái là học trò của ông ta đến phố Hàng Hành. Họ ngồi trên gác hai nhà café Nhân trông xuống mặt đường. Chỗ này trước đây khi còn sống, ông Vũ ở phố Hàng Giầy vẫn hay đến ngồi. Đây cũng là chỗ của nhóm hoạ sĩ thời thượng để râu xồm xoàm vẫn đặt bàn hàng ngày vào các buổi sáng.

Cô gái hỏi:

- Thưa Thày, nhiều người hàng ngày vẫn đến uống café ở phố Hàng Hành. Đấy thường là lúc bắt đầu một ngày của họ. Thưa Thày, đấy có phải là thời khắc để phân biệt ranh giới giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng ở trong lòng họ hay không?

Vị tôn sư đáp:

- Không phải con ạ! Ranh giới phân biệt giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng không phải ở ly café. Lòng nhân ái bao dung mới là ranh giới phân biệt giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng. Khi trong lòng ta đầy rẫy oán thù, đầy rẫy nhỏ nhen thì đấy là đêm đen, là bóng tối. Còn khi ở trong lòng ta chan chứa tình người, chan chứa tình thương thì ta nhìn ai ta cũng thấy có bóng dáng Thượng đế ở trong lòng họ. Đấy mới chính là ban ngày, chính là ánh sáng ở trong lòng ta. Có rất nhiều người đi giữa ban ngày mà lòng trĩu nặng như đi ở trong đêm đen phủ đầy bóng tối. Họ không biết rằng chỉ có lòng nhân ái, sự bao dung mới giúp cho họ phân biệt được ranh giới giữa đêm với ngày, mới thấy ánh sáng mặt trời rực rỡ ở đâu... Tình yêu giữa người với người chính là ánh sáng...

Cô học trò trìu mến nhìn vị tôn sư. Ông nhắm mắt trong sự im lặng, trong sự linh thiêng và trong bình an tuyệt đối.

Cô gái nói:

- Con cám ơn Thày. Con sẽ ghi nhớ điều Thày vừa nói...

Ánh sáng hoàng hôn rực rỡ chiếu vào căn gác nhỏ trong nhà café Nhân. Đây là thứ ánh sáng đặc biệt làm cho ta có thể bàng hoàng sực tỉnh ra rất nhiều điều. Cho đến mãi về sau này, cả đến khi về già, cô gái kia vẫn không bao giờ quên được buổi trò chuyện với vị tôn sư, vẫn không bao giờ quên được cái ánh sáng kỳ diệu tuyệt vời ở trong buổi chiều hôm ấy.

Ấy thế mà đã sáu năm rồi đấy.

Ấy thế mà đã sáu mươi năm rồi đấy... 

Nguyễn Huy Thiệp

" Ngủ đi, hãy ngủ đi em,
Đời là như thế dậy xem làm gì.
Dậy đi, em hãy dậy đi,
Đời là huyễn mộng có gì mà mơ?"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 12979)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 12696)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.
28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 14036)
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy. — Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe . Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ . Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ : — Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ? Mợ hai cười dễ dãi : — Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con. Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất . Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo : — Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi . Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 12873)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 12859)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.
24 Tháng Giêng 20229:38 CH(Xem: 13140)
“Trong khi giáo hội từ lâu đã nói rõ với thầy rằng nếu buộc phải xen vào việc chính trị, quyền bính, thì phải yêu cầu đồng thời cả hai phía đang đánh nhau kia bỏ dao, bỏ súng xuống, để cùng cứu toàn thể chúng sinh, chứ không chỉ yêu cầu có một bên, để rồi khi một bên có chính nghĩa yếu đi, thì bên tà quyền kia sẽ tiêu diệt họ, đầy đọa muôn dân toàn cõi chìm trong bể khổ, khi chúng nắm quyền bính được trong tay,” Công Lý nói thêm.
02 Tháng Giêng 20223:37 CH(Xem: 13059)
Một chương trình đại nhạc hội vinh danh, một loạt series trên truyền thông và truyền hình với vợ con cùng xuất hiện ôn lại thành tích và vinh quang của một đặc tình cỡ tá với hàng chục năm hoạt động, chui sâu leo cao ngay trước mũi phản gián của họ, rồi một chỗ làm mới chính danh và một tương lai không tồi ngồi sau một chiếc bàn đầy quyền lực. / Chen Li điểm lại những thông tin mới mà người điều khiển nói với y, trong lần liên lạc truyền tin mới nhất, mà hôm nay y sẽ phải hồi đáp cụ thể bằng hành động, bởi vì vé hồi cư cho y và gia đình, cùng các giấy tờ và tiền bạc, thẻ tín dụng ngân hàng v.v… cũng đã được gửi tới tay y theo đường giây, y hẹn.
24 Tháng Mười Hai 20214:53 CH(Xem: 14119)
“ Anh sẽ về trên chuyến bay DL1111, đến Phi trường TSN vào 10:45 pm ngày 22/12. Sẽ kịp đón Giáng Sinh cùng em . Nhớ và yêu em thật nhiều. Phan Vũ.” Bức email chỉ có vài dòng như thế, nhưng Vy đọc đi đọc lại mãi không chán. Cô nhảy chân sáo khắp nhà, cười khoe tíu tít với mọi người. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi, là cô sẽ gặp lại anh sau 4 năm dài xa cách. Giáng sinh năm nay là Giáng sinh hội ngộ và cũng là ngày dạm ngõ của 2 gia đình. — Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa nhé. Nhất anh Vũ của mày. — Thế là một con cá lại mắc câu. Bạn bè mỗi người một câu , trêu cô. Cô mỉm cười , hồng đôi má.
24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 13910)
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
08 Tháng Mười Hai 20219:20 CH(Xem: 14140)
Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.