- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngọn Hải Đăng Mù

15 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 28874)

hopluu-100_199_0_173x300_1Khúc bãi hình cánh cung. Phần cuối bãi đá ngầm lởm chởm khuất lấp với xóm chài Merang bởi một ngọn núi trọc kéo dài từ những cánh rừng dừa lả ngọn tới sát chân sóng. Ngọn hải đăng chót vót trên đỉnh núi trần trụi.

Đó là một ngọn hải đăng mù. Đúng vậy. Một ngọn hải đăng mù. Trên chóp đỉnh bốn cây cột sắt cao ngất, nằm giữa tầm bay của gió và in hình vào nền trời xanh biếc của đảo, ngọn hải đăng đêm ngày vẫn đứng đó, uy nghi và khả kính như một vị thần hiền trước một hải phận dữ, trong cái vị thế dẫn đường giữa sương mù và dông bão cho tàu thuyền đêm tối đi qua. Có điều là tự bao lâu rồi, ngọn đèn biển ấy không còn sáng nữa. Nó đã mù.

Mỗi lần từ hòn đảo tạm trú của chàng và đồng bào chàng đi vòng cánh bãi sang làng Merang để tìm một phiến cỏ óng mượt cho giấc ngủ lữ thứ quên đời dưới những bóng dừa, Hiển thường đứng lại một lát dưới chân ngọn núi. Nơi đây, bóng đá thả xuống, mặt cát mát đằm. Tựa lưng vào vách núi, cõi lòng như đã chết lặng vì quê hương nghìn trùng cách biệt, Hiển ném cái nhìn trở về trạm trú san sát những dẫy lều vải động ảnh dưới ánh nắng đảo dữ dội, theo dọc khúc bãi nơi hàng chục con thuyền Việt Nam đưa người tị nạn vượt biển đã chấm dứt cuộc hành trình dũng cảm, bây giờ thân thể tan nát vì sóng đảo nhồi đập, cát bãi đã chôn vùi dần, từng chiếc một, tới ngang thân. Chàng nhìn biển bên trên thường ngày phẳng lặng mà kỳ thực hung hiểm vô chừng với những cồn cát bồi lở bất thường theo nhịp quẫy động không ngừng của những luồng nước chảy ngầm chảy xiết.

Rồi xoay ngược tầm mắt, Hiển nhìn lên ngọn hải đăng cao. Suốt một dải bãi Merang, địa hình phẳng thấp với những cánh rừng dừa tăm tắp bất tận chỉ có ngọn núi trọc sừng sững đối diện với khúc biển hung hiểm là chiều cao và tầm xa duy nhất, ngọn hải đăng chót vót trên đỉnh núi trần trụi vậy là một ngọn hải đăng cần. Và nó đã được xây cất ở cái vị trí, cái địa thế lý tưởng nhất của một ngọn đèn biển.

Nhưng tại sao nó mù? Hàng hải thế giới từ phía Tây ngược đường lên Hương Cảng, Đông Kinh, từ phía Đông xuôi đường xuống Úc Châu và Nam Dương quần đảo, mùa hải trình này đã mượn một con đường biển khác? Tầu thuyền thế giới bây giờ trang bị hiện đại đã có điện tử và quang tuyến đưa đường không còn phải trông chờ vài dòng ánh sáng dẫn đạo của ngọn đèn biển trên đỉnh núi trọc? Tấm bản đồ những quốc gia Á Châu có hải phận ở vùng biển Thái Bình, quà tặng để lại của người chủ lều cũ đã đi Mỹ ngày Hiển mới tới đảo, những vụ chìm đắm, mắc cạn vì đêm tối sương mù và dông bão vì đá ngầm, sóng ngầm xảy đến cho những thương thuyền tối tân nhất vẫn thường thấy loan tin trên báo chí, khí tượng học tới bây giờ vẫn thường trực đóng vai trò báo động tàu thuyền trên biển -đại dương vẫn muôn đời là một nấm mồ- cho Hiển biết hai giả thuyết nẩy sinh trong đầu chàng về sự đã hết cần thiết của ngọn hải đăng mù đều không phải là sự thật. Vậy tại sao nó còn đứng đó mà đã hết chiếu sáng? Tại sao nó đã mù? Và mù tự bao giờ?

Một buổi chiều, sau giấc ngủ giữa rừng dừa đẫy mắt, Hiển đi vào xóm chài Merang, đã hỏi chuyện một ngư phủ Mã già và một em nhỏ Mã đang cởi trần xối nước ào ào bên cạnh một thành giếng trong vắt. Về sự tắt lặng của ngọn hải đăng mù. Bằng những cử chỉ hỗ trợ cho một thứ tiếng Mã đơn giản nhưng hiểu nổi chàng đã học được ít nhiều qua những lần chào hỏi và bắt chuyện với đám người Mã tươi tỉnh cởi mở bên làng Merang, chàng đã hỏi có phải ngọn hải đăng chỉ mới bị mất ánh sáng trong thời gian gần đây và nó sẽ một ngày nào được Sở Khí Tượng địa phương phái người tới sửa chữa? Ông già và đứa em nhỏ Mã Lai đều cười, lắc đầu, không phải. Họ nói ngọn hải đăng có đó đã tự nhiều năm không thể nhớ. Cũng từ nhiều năm nó đã mù. Và không nghe thấy chuyện nó một ngày có chuyên viên tới làm cho sáng lại.

Hiển đành chịu không đặt thêm những câu hỏi những giả thuyết khác về sự mù lòa của ngọn hải đăng. Nhưng mỗi lần từ đảo tạm trú sang làng Merang, tới ngang ngọn núi trọc nhìn quanh, chàng thấy những mục đồng Mã chăn dê trên sườn núi, bầy dê tan đàn lang thang, những đứa nhỏ Mã đen cháy ngồi vắt vẻo trên những tảng đá vừa đùa nghịch vừa ca hát, những ngọn cỏ bồng phất phất lồng nắng, những thân dừa thẳng vút và lả bay theo gió ở xa xa, rồi chàng nhìn những đời thuyền tị nạn chôn vùi vì đã hoàn tất hành trình trên cái nghĩa địa cồn bãi lộ thiên của chúng, rồi chàng nhìn những con dã tràng mải miết mất hút trên mặt bãi phẳng mịn, những lớp sóng cuốn cao và đổ xuống trắng xóa trong âm động bổng trầm và liên tục muôn đời của biển, chàng thấy hết thảy đều thuận hợp, những ngọn cỏ lồng nắng, những hàng dừa múa gió, những đời thuyền ngủ yên vĩnh viễn sau khi đã làm xong nhiệm vụ đưa người được giao phó, thảy đều thuận hợp, dã tràng chạy, sóng cuộn rượt, biển và cái âm thanh muôn đời không dứt của biển, thảy đều thuận hợp. Riêng chỉ ngọn hải đăng, ngọn hải đăng mù trên đỉnh núi trọc là không. Sự mù lòa của nó là một nghịch lý. Một nghịch lý lạ lùng và khó hiểu.

Chỉ mãi về sau này, lúc rời đảo tạm trú, Hiển mới tìm được một giải pháp cho cái hiện tượng nghịch lý của ngọn hải đăng mù. Cũng không chắc là giải đáp của Hiển có thật đúng không?

Thi thể còn ướt đầm nước biển của người cha đứa nhỏ -đứa nhỏ sau đó được toàn trại nhận làm cha đỡ đầu- hai mươi bốn giờ sau nhà chức trách Mã xuống từ thủ phủ tiểu bang Trenganu mới tìm thấy và vớt lên được khi nó nổi lên cách khúc biển có cồn ngầm và sóng ngầm chảy xiết khoảng hai dặm Anh, ngay dưới chân ngọn hải đăng mù. Người chết nằm sấp. Đầu chìm trong nước. Một cánh tay vắt lên thành đá, trong cái động tác của một người bơi từ khơi xa vào mệt lả vừa tới bờ, cái phao được thuật lại là đeo ở cánh tay ấy, đã mất.

Trên con đường nhỏ, con đường hàng ngày Hiển vẫn đi tới ngang ngọn núi trọc sang làng Merang, xác người đàn ông được đặt nằm trên cát rồi khiêng vào trại tạm trú. Đám cảnh sát Mã khiêng cái xác tới hết khúc bãi, trao trả cho đám người trẻ tuổi trong tổ chức thanh niên chí nguyện của trại dàn hàng đón lấy. Họ kéo thẳng chân, đặt hai tay người chết lên ngực rồi nâng ngửa tử thi lên ngang tầm vai, đi xuyên qua bãi đá bóng, tới đặt cái xác xuống, ngay ngắn, đầu hướng ra khúc biển dữ -nơi người chết buổi chiều hôm trước đã từ trên thuyền nhẩy xuống- trên hai phiến gỗ rừng lấy trong kho vật liệu dựng lều tạm trú cho những người mới tới đảo, hai phiến gỗ kê chính giữa cánh cửa lớn đi vào hội trường trại.

Lúc đó là buổi chiều. Vừa qua giờ phát thư. Hơi nóng dữ dội đã hết choáng váng trên những lều vải san sát. Mặt cát phẳng trước nhà hội trường đã mát lại, dần dần. Mọi người từ năm khu trong trại lui lại giờ nhen lửa thổi cơm bữa chiều trước những cửa lều, đi hết ra khoảng bãi trống ngoài hội trường đứng thành một vòng tròn rộng chung quanh tử thi. Cái vòng tròn im phắc. Một lát. Rồi nó đứt ra một đoạn. Từ chỗ đó, ban đại diện và hội đồng tư vấn trại đưa đứa nhỏ từ ngoài tiến vào.

Đó là một đứa nhỏ Việt Nam. Mũi tẹt. Tóc đen. Một đứa nhỏ vượt biển. Mấy chị phụ nữ trong ban phiên dịch và tiếp tân các phái đoàn ngoại quốc tới trại tính mặc cho đứa nhỏ một bộ đồ mới thay cho cái quần cụt sờn rách và cái áo ngắn tay đứt hết hàng khuy ngực nó đã mang trên người từ Việt Nam. Rồi họ rút lại ý định, nói là cứ để nguyên nó như vậy cho người chết dễ nhận. Không ai nghe thấy một tiếng động nào, ngoài tiếng sóng từ bên kia những cồn cát. Bàn tay bụ bẫm và nhỏ thó nắm chặt lấy tay người trưởng trại, đứa nhỏ, cặp mắt đen láy mở lớn, đi nghiêm trang theo sự hướng dẫn, từ từ tiến tới gần tử thi. Lúc người trưởng trại giữ nó đứng lại và cúi xuống hỏi: "Cháu biết đây là ai không?" Đứa nhỏ chớp mắt rồi nhìn đăm đăm và gật đầu. Bàn tay nó thoắt buông khỏi tay người trưởng trại và chỉ xuống cái xác chết vẫn còn ướt sũng, nó nói: "Đây là cha tôi;" Mấy nghìn cặp mắt của cái vòng tròn người bất động cùng nhìn ngón tay chỉ thẳng trong không khí. Khi đứa nhỏ bỗng run bắn rồi nức nở ngã sấp xuống cái tử thi và vùi đầu trên đó, cả ngàn con người im sững đều bật thành tiếng khóc.

Tấm thẻ tùy thân còn cất dấu được tới ngày vượt biển luồn vào gấu áo mang theo những chữ đọc thấy cho biết người chết tên là Đặng Vũ Thi. Rồi bằng vào những thuật lại của đám người đồng hành đã cùng cha con Thi trôi dạt suốt mười bốn ngày đêm trên một con thuyền, người ta biết được về Thi và cái chết của Thi như thế này. Thi 48 tuổi, sinh quán tại vùng ngoại ô Nghi Tàm, Hà Nội. Hiệp định Genève, Thi vừa lấy vợ và sinh con gái đầu lòng, bằng đuờng biển Hải Phòng xuống tàu đem cái tiểu gia đình vừa dựng vào Nam. Khỏe mạnh, chăm chỉ và lặng lẽ ít nói. Thi mở được một tiệm sửa xe gắn máy ở gần khu Trường Đua Phú Thọ cho tới ngày đúng lớp tuổi mình Thi bị gọi động viên. Ở đơn vị pháo binh, lúc cầm máy điều chỉnh tọa độ và định hướng cho những cuộc pháo kích cũng như lúc chuyển súng giữa rừng, Thi vẫn là anh thợ sửa xe gắn máy trầm lặng ít nói, những biểu tỏ dũng cảm phi thường không có, chỉ là anh pháo binh mờ nhạt làm tròn những công tác chiến trận thượng cấp đã qui định rõ ràng. Đầu năm 73, Thi bị thương ở trận đánh Đồng Xoài. Nằm trong một quân y hậu cứ sáu tháng rồi được giải ngũ. Nhờ vậy mà khi miền Nam mất, ra khỏi quân đội đã hơn hai năm, Thi không bị đưa đến một trại tập trung cải tạo nào, chỉ phải đi học chính trị một lớp sơ đẳng bảy ngày do phường khóm tổ chức. Lúc này, Thi đã có thêm ba đứa con. Hai đứa con gái thứ trên mười tuổi sinh kế liền con chị đầu lòng. Thằng con trai út duy nhất ra đời sau một khoảng cách, lúc phong trào vượt biển đã âm thầm lan tới khu phố Thi ở, thằng nhỏ mới hơn bốn tuổi.

Người hàng xóm mách mối vượt biển và đi cùng thuyền với cha con Thi thuật lại với ban Tư vấn trại là cuộc vượt biển mà mãi mãi rồi Thi mới chịu thực hiện với đứa con út mang theo, động lực chính là sự khuyên nhủ dỗ dành và đốc thúc khẩn thiết của người vợ. Người đàn bà ấy dưới chế độ mới đã thấy sự tìm đường ra đi, dù là chia lìa đứt ruột, cho người đàn ông được sống đời mình trong tự do hơn là sự đoàn tụ trong cùng đường và tuyệt vọng. "Nghe em. Còn mấy lượng vàng vừa đủ trả tiền chỗ trên thuyền cho cha con anh. Anh đưa con chúng ta đi cho sau này nó được học hành, nó không phải sống trọn đời nó với cái chế độ này, nó được nên người. Vợ chồng ta yêu thương ăn ở với nhau suốt bấy nhiêu năm như thế đủ rồi. Anh phải đi, đừng lưu luyến. Rồi mẹ con em tìm đường đi sau. Chúng nó là gái không cần. Nhưng thằng con trai chúng ta, anh phải đưa nó đi theo mới được." Bao nhiêu đêm nghe vợ vừa ôm, vừa khóc vừa dỗ dành đứt từng khúc ruột, cuối cùng Thi bồng đứa con trai bốn tuổi nửa đêm ra biển.

Những ngày trên biển của Thi được kể tiếp, và những phút sau cùng, cho đến khi xác chết Thi nổi lên dưới chân ngọn hải đăng mù:

- Suốt mười bốn ngày đêm, anh ấy chỉ ngồi yên một chỗ. Ai hỏi mới nói. Ngoài vài lúc mệt lả thiếp đi, cứ ôm con thức suốt đêm ngày và suốt dọc đường, chỉ ngồi nhìn trở lại, nhìn trở về Việt Nam. Chiều hôm qua, cả thuyền reo hò khi trông thấy bờ đảo ở xa xa, anh ấy cũng chỉ lặng lẽ ngó theo mọi người, không nói. Thuyền đã cạn lương thực từ hai hôm trước. Nước chỉ còn đủ mỗi người một ngụm, ai nấy đều mệt lả. Dầu cũng gần cạn không thể kéo dài đường thêm nữa. Thuyền quay mũi tiến vào nhưng không hiểu sao sóng không lớn lắm, mà cứ một quãng lại bật văng trở lại. Tưởng đắm mấy lần. Mãi sau người tài công mới khám phá ra rằng khắp khúc biển chạy dài đều có đá ngầm sóng ngầm, và tốt nhất là có một cái gì dò đường đi trước thấy khúc nào nước không chảy xiết ra hiệu cho thuyền đi theo cái đó là một người. Cả thuyền im phăng phắc. Anh ấy cũng vậy, ôm chặt con, nhìn vào bờ và cúi đầu xuống. Trời lại sắp tối. Vẻ lo âu kinh hoàng hiện rõ. Cuối cùng có một tiếng "tôi" cất lên. Cả thuyền mừng rỡ. Thế rồi anh ấy đứng dậy, trao đứa con cho người ngồi cạnh, nói với nó: "Bố vào bờ rồi lại trở về thuyền với con." Đoạn anh ấy đón lấy cái phao, đeo nó vào cánh tay và ra mạn thuyền tung mình nhảy xuống.

Mọi người chỉ còn thấy kẻ xuống biển dò đường trong một khoảnh khắc ngụp lặn nổi chìm qua những con sóng. Rồi cái phao bật lên, văng đi.

Suốt đêm đó, những người trẻ tuổi trong đoàn thanh niên chí nguyện của trại thay phiên nhau cầm đuốc tới sáng trước cái quan tài được đóng lại bằng những phiến gỗ tươi dùng để cất nhà cho người tị nạn, mới đốn về từ cánh rừng già sau trại. Và buổi sáng, lúc mặt trời vừa tỏa hết đóa nan quạt rực rỡ của nó trên mặt biển óng ả, cả trại xếp hàng vượt qua những cồn cát, những hàng dương đưa tiễn Thi đến nơi an nghỉ cuối cùng của người vượt biển là một cồn cát thấp kế liền cái nghĩa địa tầu thuyền. Thi được đưa xuống lòng đất của hòn đảo xa lạ anh đã tới được bằng cái chết của anh, đầu hướng về Việt Nam. Lúc Hiển rời khỏi đảo, ra khỏi trại trên đường sang Mỹ, ngôi nhà hội mới hoàn thành của đoàn thanh niên chí nguyện trại, trong một buổi lễ khánh thành đơn giản, được đặt tên là Hội trường Đặng Vũ Thi.

Sau này, trong ý nghĩ Hiển, mỗi lần trí nhớ chàng hiện lên vùng trời đảo Mã khuất tịch và lòa nắng ấy là hòn đảo tạm trú của chàng có hai ngọn hải đăng. Một ngọn không biết đã có tự đời nào, đứng chót vót trên đỉnh ngọn núi trọc. Ngọn ấy mù. Còn sống, còn chót vót, nhưng mù. Và một ngọn, đã nghìn năm, đã hư vô. Ngọn ấy cháy sáng, mãi mãi, vùng sáng vĩ đại, tầm sáng bát ngát. Ngọn đèn biển thứ hai này xuyên thủng hết mọi thứ sương mù và đêm tối dầy đặc nhất của trái đất này cộng lại. Đó là ngọn đèn biển vượt tuyến, một ngọn đèn biển Việt Nam. Ngọn lửa bất tử ấy sáng rực, từ cái phút Thi lao mình xuống biển.

Rồi đẩy ý nghĩ đi xa hơn tới cùng khắp nhân thế hiện giờ, là sự kiếm tìm giải pháp cho một hiện tượng nghịch lý. Ngọn hải đăng mù cuối cùng không phải là một trạng thái nghịch lý. Cái thế giới, Hiển đang sống này thiếu gì những hải đăng mù. Nhiều lắm. Cùng khắp. Trăm nghìn. Bọn lãnh đạo hèn đớn lùi bước trước cái xấu cái ác lấn tới. Những hải đăng mù. Bọn trí thức, bọn cầm bút quốc tế tác giả của những bản tuyên ngôn nhân quyền lừng lẫy, chấn động, nhưng lại không dám có một dòng chữ, một tiếng nói, một hành động nào cho những người như Thi, như đứa con nhỏ của Thi. Những hải đăng mù. Bọn chính khách, bọn đại diện hàng năm mặc đồ lớn đáp phi cơ phản lực tới họp hội diễn thuyết ở những tòa nhà kiếng cao ngất soi bóng xuống mặt hồ Leiman và dòng sông Hudson, nhân danh loài người, nhân danh tự do và giải phóng, nhưng câm họng ngoảnh mặt trước cả trăm nghìn trí thức nghệ sĩ cùng quê hương với Hiển đang bị đầy ải trên chính quê hương họ. Những ngọn hải đăng mù. Những ngọn hải đăng mù nhiều vô tận ấy là hiện tượng nghịch lý vĩ đại nhất của thế giới ngày nay.

Nhưng một hiện tượng nghịch lý đơn lẻ khi đã đạt tới một tỉ lệ nào để trở thành phổ quát, lại không nghịch lý nữa. Mà trở thành hợp lý. Riêng Đặng Vũ Thi lao mình xuống biển tìm đường sống cho đồng hành, và chết, mới nghịch lý. Hiển chỉ tìm được giải thích cho ngọn hải đăng mù trên đỉnh núi trọc ở hòn đảo tạm trú chàng đã sống sáu tháng ở trước đó khi lên đường sang Mỹ như thế mà thôi. Vậy chắc là như thế.

Mai Thảo

(trong tập Ngọn hải đăng mù, Làng Văn, 1986)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 100616)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng tạp chí Hợp Lưu.Thạc sĩ, nhà văn Vũ Đảm hiện là Phó tổng biên tập Tạp Chí Nhà Văn tại Hà Nội Việt Nam, chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Chín Tháng Mười Ngày" của Vũ Đảm đến quí độc giả và văn hữu Hợp Lưu. TCHL
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 31973)
Phải công nhận hắn đẹp trai. Dáng cao tre, trúc. Tóc rừng lá mùa thu. Mười ngón tay học trò. Mắt biển xanh mùa hạ. Nếu phải nhìn vào đôi mắt ấy một lúc nhiều cô gái sẽ xây xẩm mặt mày như trúng gió. Biết rõ như thế nên nàng ngó đi chỗ khác khi hắn hỏi có phải cô là người Trung quốc không.
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 29640)
- Anh yêu em, chúng mình sẽ có con, một đứa bé gái giống em như hai giọt nước. Ký ức thoáng hiện về như nửa tỉnh, nửa mê. Nằm một mình trên chiếc giường một bằng sắt được sơn bằng một thứ sơn màu xanh đậm, bên cạnh là một con búp bê bằng vải xinh xắn có mái tóc tết xam buông thõng.
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 33753)
LTS: Vũ Thị Huyền Trang là một người viết trẻ sống và làm việc tại Hà nội. Trong số báo nầy chị gởi đến quí độc giả Hợp Lưu sáng tác "Lỗ hút", văn của chị trầm tĩnh, lôi cuốn, đưa câu chuyện đi từ góc riêng tư của một gia đình đến không gian bàng bạc của đời sống mà bi kịch và nỗi buồn như "một hố sâu hút gió". TẠP CHÍ HỢP LƯU
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 34267)
Ta là con của trời. Ta là chúa của đất. Ta còn đủ tỉnh táo để nhận ra những ý đồ đen tối của bọn chó má. chúng vô lại. Chúng mưu mô xảo quyệt. Ta căm hận chúng.
22 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 28672)
Trên Phật đài, một vị sư trẻ nện chày trên một cái mõ lớn để giữ nhịp. Giọng sư rền rền rất tốt (tưởng có thể hát opéra được). Tóc sư mọc lún phún một lớp dày, không nhẵn thín như các nhà sư tôi thấy ở chùa hồi nhỏ. A di rị đa... dà dà na...
04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 102387)
Khách phong lưu vẫn ngồi ở quán cà phê bên hồ vắng. Không thấy mẹ nàng đâu. Có lẽ mẹ nàng đi kiếm củi trên dãy núi bên hồ chưa kịp về. Nàng cũng không còn ngồi xoã tóc. Nàng lúi húi bên tách cà phê đang pha dở cho khách. Mùi cà phê ủ trọn cái lạnh giá đầu mùa đông, quyện chặt lại, nén hương rồi dậy lên trong mê muội.
04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 34688)
LTS: Nguyễn Thị Hoa Xuân hiện là sinh viên Khoa Sáng tác- Lý luận phê bình văn học tại Hà Nội. Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí độc giả người viết trẻ đầy tiềm năng này qua truyện ngắn Hương nhãn.
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 28127)
Tôi đứng giữa đỉnh núi, hơn năm mươi năm không trở về, đây được gọi là sự hồi sinh, tôi muốn tìm lại những gì mình đã mất, nhưng mọi dấu tích của cuộc chiến tranh đã tan biến, chỉ còn chiếc lô cốt bê tông nằm im lìm trên núi, hình ảnh cũ vẫn còn nguyên trong ký ức tôi, ngọn núi vẫn căng tròn như bầu vú người thiếu nữ...
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 32205)
Đó là một buổi chiều như mọi buổi chiều bình thường khác trôi qua trong những chiều tháng tám. Khí trời không quá oi nồng nhưng nằng nặng mùi bụi và khói bẩn bám sau mấy chiếc xe tải đang vội vã ùa về thành phố. Cách hàng ngàn ki-lô-mét, trời Hà Nội trong vắt như mắt thiếu nữ vắt nhẹ qua mành.