- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯỜI LĂM, MƯỜI BẢY

09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 18779)

hc nam 17
hoàng chính – năm 17 tuổi



Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.


“Thằng Thịnh có nhà không bác?” Đúng nó rồi; cái thằng có giọng nói ồm ồm như ông Thiên Lôi.

Tôi bỏ cuốn truyện của Gheorghiu xuống, nhoài người ra ngoài ban công, “Có tao đây. Lên đây, mày.”

Quốc nghểnh cổ lên, nhằn, “Tới giờ học rồi mà mày còn ngồi ì ra đó...”

Chưa kịp ngơ ngác, tôi đã bắt được cái nháy mắt chớp nhoáng của thằng bạn.

“Ấy chết! tao quên.”


Tôi chạy lại tấm gương ố, soi mặt mình trong đó. Hai cái má hóp thấy tội. Chiếc cằm loe hoe vài sợi râu. Chỉ được cái mũi cao. Người Việt Nam da vàng mũi tẹt. Bài học đầu tiên trong chương trình Việt Sử. Tôi được cái mũi không tẹt nên trông cũng không đến nỗi nào. Lại thêm cặp mắt kính. Hồi nhỏ, lúc chưa bị cận thị, tôi đã từng ngắm ông thầy dạy Anh văn không biết mệt, khi thầy chấm bài mà bọn học trò con gái bu chung quanh như mấy con ruồi bâu quanh miếng bánh ngọt. Mấy cô gái nhõng nhẽo làm trễ cả cặp mắt kính trên sống mũi ông thầy. Ông thầy loay hoay sửa mắt kính. Đôi mắt sau cặp kính thấy hiền ơi là hiền. Thế nên hồi đó, tôi chỉ mong được cận thị.


Mà Trời thì cũng không phụ lòng người.

Thằng Quốc lững thững bước lên cầu thang. Lại những tiếng cọt kẹt quen thuộc.

“Đi nhè nhẹ chút, mày!”

“Thì tao đã đi nhẹ rồi đấy thôi.” Vừa lên khỏi những bậc thang, Quốc ngồi thụp ngay xuống sàn gỗ. “Đọc gì thế?”

Giờ Thứ Hai Mươi Lăm.”

“Tới chỗ Moritz bị trở thành lính Đức chưa?”

“Chưa. Truyện hay quá!”

“Mày chịu Gheorghiu không?”

“Dĩ nhiên.”

“Hay vậy mà lại không được cái Nobel nhỉ.”

“Tao không tin bọn chấm giải.”

“Thôi, lẹ đi mày. Tụi nó chờ.”

Tôi xếp cuốn sách, loay hoay vuốt lại mái tóc, trước tấm gương hình chữ nhật của con bé em được móc vào tường bằng chiếc đinh rỉ sét.

Trời nóng âm ỉ. Người nhơm nhớp, khó chịu. Giờ này chạy lòng vòng ngoài phố, chắc là vui.

Hai đứa bước xuống cầu thang. Lại cót ca cót két.

“Sao mày không đóng thêm mấy cái đinh cho nó khỏi kêu.” Quốc nhằn, như ông bố chồng khó tính.

“Bận thấy mẹ!”

Nhà chật. Bố mẹ và lũ em ở tầng dưới. Một mình tôi được ở tầng trên. Giang sơn một cõi. Sách vở chất đống chung quanh tường. Chiếc chiếu trải trên nền ván gỗ. Chăn gối mùng mền cuộn tròn chân tường. Chiếc bàn viết, hai cái ghế vênh vẹo. Tuy bây giờ phòng không chiếc bóng, nhưng rồi cũng phải có lúc có bạn gái lại chơi. Con gái e dè, kín đáo. Ngồi trên này, người ta tự nhiên hơn. Mà mình có thể loay hoay chuyện nọ kia, cho dù có khởi nghĩa bất thành thì cũng không đến nỗi mất mặt với mọi người. Nhờ cái cầu thang kêu cót két. Bố mẹ hay lũ em có lên là biết ngay. Cái cầu thang gắn hệ thống báo động. Ngu gì mà gỡ bỏ. Lũ bạn đã dạy tôi điều đó.

Mẹ tôi ngồi trước cửa hóng gió. Hai tay vẫn không ngừng những mũi kim. Cái áo sơ mi rách vai bữa hôm tôi trèo cây, hái cho con bé láng giềng trái ổi xá lị. Chỉ tội bà cụ. Hết mạng áo cho con lại vá áo cho chồng.

“Tụi cháu đi công chuyện chút nghe bác.” Thằng Quốc nhanh nhẩu.

“Công chuyện gì vậy?”

Tôi ngập ngừng, “Đi... học.”

“Nghỉ hè rồi còn học gì nữa?” Con em tôi, đang ngồi thêu phía trong, xen vào.

“Học chứ.” Tôi trừng mắt với nó.

Con nhỏ cười trừ. Mỗi khi có khách là con nhỏ em coi tôi như pha. Nó chuyển mũi tấn công qua bạn tôi, “Học gì vậy anh Quốc?”

“Học.. cua. Tụi anh phải học cua thêm. Năm tới thi tú tài hai, ghê lắm...”

Thiệt tình, cái thằng lẻo mép!

Phóng lên xe, nhấn những vòng đạp hấp tấp ra khỏi sân nhà, tôi còn nghe tiếng mẹ tôi vọng theo, “Thế này thì cũng lại tốn mồi thôi!”

Mẹ tài thật. Tôi thầm nghĩ.

Học cua là chuyện có thật. Mỗi dịp nghỉ hè, học sinh náo nức đi học hè. Các “cua” toán, lý hoá, Anh văn mọc lên khắp chốn. Yếu môn nào thì phải rán nhịn ăn nhịn mặc mà đi học thêm môn ấy.

Bọn tôi, mười bảy, mười tám tuổi. Toán không đến nỗi nào. Lý hoá cũng được, vạn vật cũng vừa phải, Anh văn đã từng được thày khen. Mai kia vào đại học, tôi có thể chọn để thành kiến trúc sư, bác sĩ hay kỹ sư cũng được. Nhưng tôi phải học “cua”. Cả lũ chúng tôi ba bốn thằng, ngơ ngơ ngẩn ngẩn trước cuộc đời, đều phải ghi tên học cua hết ráo. “Cua” đặc biệt.

Hai thằng bạn nữa chờ chúng tôi ở Lăng Ông Bà Chiểu.

Tín đồ chưa tới à?”

“Chắc Tín đồ bận giặt tã cho con.”

Tín đồ là sư phụ của bốn đứa tôi. Sư phụ tên Tín. Nhưng khi sư phụ không có mặt thì chúng tôi gọi anh một cách thân mật là Tín đồ.

“Kính thầy mới được làm thầy nghe mày.” Một thằng rầy.

“Tao có nói gì đâu.”

“Mày thất lễ với thầy. Ca dao bảo không thầy đố mày làm nên. Quên rồi hả?”

Bốn thằng con trai vừa dắt xe đạp vừa cãi nhắng cả lên trên con đường nhỏ bò ngoằn ngoèo trong Lăng Ông. Áo trắng quần xanh. Tóc tai rẽ ngôi đàng hoàng tử tế. Cằm đứa nào cũng rán nuôi lưa thưa những sợi râu mềm như lông măng nhưng khuôn mặt nhìn thoáng qua, ai cũng thấy ngay là còn vương sữa mẹ.

          Nắng đổ những chiếc bóng khẳng khiu trên lề cỏ. Bốn đứa khóa xe dính chùm lại với nhau, rồi ngó quanh, tìm một chỗ ngồi thuận lợi.

“Sư phụ lại kìa!” Thằng Quốc luôn luôn là đứa tinh mắt nhất đám. Đó cũng là một lợi điểm. Sư phụ đã từng truyền rằng, mắt sáng giúp ta phân biệt được đâu là hư đâu là thực  giữa một cõi đời lẫn lộn thực hư.

          Hôm nay sư phụ mặc sơ mi trắng giống hệt đám đệ tử, chỉ khác áo sư phụ bỏ vào trong quần trông cứ ngỡ như người mới tốt nghiệp trường Sư Phạm ra. Ôi cái mẫu người mô phạm!

          Một thằng chạy lại đỡ chiếc xe từ tay anh Tín, đem lại khóa chung với xe của cả bọn. Năm chiếc xe dính chùm dưới một gốc me già. Lá vàng nhỏ li ti lấp lánh bay trong gió nhẹ.

“Bữa nay chắc anh Tín bận công chuyện...” Một đứa thăm dò.

“Ư, bận.” Sư phụ vừa nói vừa xoa cằm. Sư phụ có cái oai của một ông tướng có hàm râu quai nón. Cái viền xanh mờ mờ bò từ cằm lên tận mang tai nói lên điều đó.

“Vợ anh Tín kêu đi mua tã phải không anh Tín?” Một thằng học trò móc ngoéo.

Cả bọn phì cười. Sư phụ vẫn nghiêm trang.

“Tụi mày làm mất thì giờ.” Tôi nóng ruột, nạt, “Để anh Tín nhập đề...”

“Tìm chỗ nào ngồi đi chứ mấy cậu.”

“Lại đàng kia, có hai cái ghế trống gần nhau. Chỗ ấy lại có nhiều học trò Thánh Mẫu với Lê Văn Duyệt...”

Cả bọn nhìn theo hướng tay chỉ của Quốc. Cái thằng thế mà được việc. Sư phụ đã chẳng phán là mắt tốt có lợi cho đại cuộc đó sao.

Buổi học cua bắt đầu ngay khi cả bọn vừa an vị. Gió hây hây ngọn lá. Nắng lung linh trên những đầu tóc còn xanh của lũ học trò mười lăm, mười bảy. Lũ chúng tôi bên này, nhìn qua phía bên kia hàng rào trường con gái. Những mái tóc dài phất phơ trong gió. Tà áo trắng ôm gọn thân thể thon gọn, mượt mà. Con mắt bồ câu của văn chương, con mắt lá răm của ca dao tục ngữ. Tóc thề trong thi ca, tóc demi-garçon trong âm nhạc. Chúng tôi ngất ngây trước cuộc đời huyền diệu. Một bóng dáng con gái đi qua. Tiếng guốc sẽ sàng gõ trên lề đường xi măng thô cứng. Tiếng guốc làm điếng cả linh hồn những học trò con trai đang tập tễnh si mê. Tiếng guốc làm ù tai thằng học trò mới lớn. Tiếng guốc át đi tiếng giảng kinh tình yêu của sư phụ.

“Mê ngủ hở Thịnh?” Tín Đồ đánh thức tôi dậy một cách phũ phàng. Tôi quay đầu trở lại. Cũng may, nếu không, hồn tôi đã bay theo tà áo cô học trò trường nữ trung học Thánh Mẫu vừa mất hút sau khúc quanh.

“Những gì tôi nói nãy giờ chắc cậu quên mẹ nó hết rồi!” Sư phụ quở.

Tôi nghe mặt mũi mình bừng bừng cơn sốt.

“Nãy giờ cậu có nghe tôi nói gì không?”

“Nghe chứ, anh Tín.” Tôi xạo.

          Giọng sư phụ u trầm, “Đời người chỉ có một thời ngắn ngủi. Tôi tuy học cùng lớp với các cậu thật nhưng đường đời tôi đã đi một đoạn dài hơn các cậu nhiều lắm. Giờ này tôi vẫn ì ạch ở cái lớp đệ nhị với ba cái tam thức, nhị thức, phương trình bậc hai, hằng số Avogadro, bộ tiêu hóa, hệ bài tiết vân vân là vì cái chuyện học tài thi phận. Bằng cấp chỉ giúp mình khỏi đi quân trường chứ chưa chắc đã đem lại những giây phút tuyệt vời của tình yêu...”

          “Anh Tín nói chí lý.” Một thằng nịnh sư phụ. Tôi biết hết lý lịch thằng này. Gia phả nhà nó ba bốn đời chưa hề có một lần nào chính thức “yêu” và “được yêu”. Toàn là lấy vợ nhờ mai mối. Chắc nó sợ sư phụ giận, không thèm truyền hết những bí quyết chân truyền của con đường tình ái nên xuống giọng dỗ ngọt đàn anh.

          “Tao trốn vợ con ra đây là cũng vì cái tình với tụi bay...” Có cái gì đó u uất trong giọng nói người con trai đã bị khoác lên người chiếc áo đàn ông một cách vội vàng. Mới chưa đầy ba mươi tuổi mà sư phụ đã ủ ê như một ông già.

Cả bọn bắt đầu lo âu. Khi sư phụ “mày tao” là lúc sư phụ bắt đầu chửi đời. Tụi tôi đi học cua, chứ ai mà muốn ngồi nghe những lời cay đắng. Thành ra cả bốn đứa co lại, ngoan như những con cừu trước ngọn roi của gã mục đồng trong cơn phẫn nộ.

          Suốt buổi, cả bọn nghe no nê những lý thuyết rất người. Những cái đầu gật gù. Những con mắt mở lớn, mơ tưởng xa xôi. Có đứa nào muốn hỏi gì không? Có em. Nếu mình gợi chuyện mà đứa con gái cứ lặng thinh hoài thì mình phải làm sao hở anh Tín. Nếu mình đưa thư mà nó không thèm nhận thì sao anh Tín. Nếu mình chào mà nó cứ lờ đi như không thấy mình thì mình phải làm sao...

Chờ cho cơn bắng nhắng của lũ bạn vơi xuống, tôi hỏi cái câu ấp ủ không biết từ bao lâu trong đáy lòng, “Anh Tín ơi, mình nên... hôn tụi nó ở chỗ nào cho an toàn?”

Sư phụ trừng mắt, “Mày mới học vỡ lòng mà đã hỏi chuyện bậy bạ.” Câu mắng yêu. Tôi biết vậy. Bởi vì những ngón tay sư phụ đang xoa chiếc cằm lún phún râu xanh. Sau một lúc đăm chiêu, sư phụ ngập ngừng, “Tao thấy hôn má an toàn nhất.”

“Không, em muốn hỏi là hôn trong phòng khách hay trong rạp xi nê thì an toàn nhất.”

“Con bò!”

Sư phụ không thèm trả lời cái câu vớ vẩn. Lũ bạn tôi  cười nói lao xao. Rồi cả bọn lặng thinh như những thiền sư khi một nhúm tóc dài, áo trắng đi qua. Những cái đầu chụm vào nhau như những trai trẻ mưu đồ đại sự. Những chiếc bóng con gái trôi qua, những cái đầu ngơ ngác trông theo.

“Bây giờ tới phần thực hành.” Giọng sư phụ lạnh lùng.

Thôi chết rồi. Tôi than thầm trong bụng. Thực hành. Giá không phải thực hành có phải tốt hơn không. Nhưng tránh làm sao được. Học lý thuyết biết bao nhiêu rồi, không thực hành làm sao mà tốt nghiệp. Chúng tôi như những sinh viên học nghề thuốc, miệt mài với những sơ  đồ cơ thể học, đến khi thầy dúi vào tay một chiếc dao mổ lấp lánh ánh thép mới biết thế nào là lo âu.

“Thằng Thịnh thực tập trước.” Lời truyền của sư phụ.

Tôi há miệng, nuốt gió; cố tìm một câu thật khéo để chối từ.

“Tao thấy cái ghế đằng kia có con bé tóc đờ mi gạc xông, ngồi ôm cặp lâu lắm rồi. Thằng Thịnh có bổn phận lại làm quen. Rồi về làm bài tường trình cho anh em học hỏi.”

Sư phụ giết tôi rồi. Chọn lựa chi đâu mà lại bốc ngay con bé ngồi biết bao lâu trong công viên. Lỡ “nó” chờ ai thì có phải chết tôi không.

Tôi xuống giọng, yếu ớt, “Hình như nó chờ ai, anh Tín à.”

“Thì đã sao!”

Thì đã sao là châm ngôn thành công của sư phụ.

“Lỡ đang nói mà bồ nó tới thì sao, cái này anh Tín đâu đã chỉ tụi em...” Tôi lập lại câu nhằn mà bọn con gái cùng lớp hay ỉ eo với mấy ông thầy:“cái này đâu có trong bài.”

“Thì đã sao! Tán gái thì phải biết sáng tạo. Mày làm trước. Lính mà cãi lệnh cấp trên là không được.” Sư phụ viện dẫn tới ca dao tục ngữ, “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.”

Tôi run như thằn lằn đứt đuôi, như thằng bé vô gia cư khai trương nghề ăn trộm.

“Đứng lên đi mày.” Lũ bạn vừa đốc vừa xô tôi. Thằng chết nhát. Thằng thỏ đế. Chúng nó rủa không tiếc lời. Tôi muốn đứng dậy lắm chứ, nhưng sao hai đầu gối rụng rời.

“Thôi, anh Tín à, để chọn con nhỏ nào khác đi.”

“Mày, gà chết!”

Tôi cãi bướng, “Nhiều khi cứ để ngắm như vậy lại hay hơn.”

“Lý sự!”

Tôi trích dẫn văn chương nghệ thuật, “Tôn Nữ Thu Hồng đã chẳng bảo hãy là hoa xin hãy khoan là trái, hoa nồng hương mà trái lắm khi chua đấy sao.”

“Cậu càng nói thì tôi càng thấy cậu gà chết.”

“Anh Tín nói đúng.” Thằng Quốc xen vào, “Cứ để là hoa mãi lỡ thằng khác hái mất rồi đứng đó mà khóc à!”

“Mày ngon thì mày thử trước đi!”

“Để tao biểu diễn cho tụi mày học luôn thể.” Anh Tín xen vào cuộc cãi vã bằng cái kết luận chắc nịch. “Mở mắt lớn ra mấy thằng khỉ ạ.”

Sư phụ có lý. Không đứa nào dám cãi, bởi vì ngày xưa sư phụ đã từng cua được một cô gái dễ thương và mướt như nàng Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ, rồi lại còn cưới được nàng làm vợ. (Giờ này chắc chị Tín đang lồng lộn đi tìm ông chồng về để mua sữa, mua tã cho con.)

Tụi mày phải nhớ những đứa con gái đẹp thường là đã nghe cả trăm ngàn lần những câu tán tỉnh, thành ra cái kiểu tôi trông cô quen quen, hình như tôi gặp cô ở đâu rồi thì phải... thì đừng bao giờ xài nữa, kẻo nó cười cho vỡ mặt. Cũng đừng có ba hoa chích chòe cô bé ơi cô bé dễ thương quá hoặc là lảm nhảm nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Tên trong căn cước không phải là Trần Bích Lan thì đừng bày đặt đọc thơ ông Nguyên Sa. Tụi mày phải nhớ...

Lời sư phụ dạy gió thổi tai này lọt qua tai kia. Tại những cô gái tóc dài xoã ngang lưng đi ngang còn che miệng lén cười. Tại gió mềm, tại nắng mỏng, tại tôi mười bảy tuổi, ngu ngơ, Hãy là hoa xin hãy khoan là trái. Tôi ngây ngất. Tôi mơ tưởng một cánh hồng thắm như màu máu, như màu son thoa vội trên môi một người con gái.

Sư phụ lững thững bước đi. Tám con mắt nhìn theo. Bốn trái tim hồi hộp đập theo những bước chân vững chãi của gã đàn ông kinh nghiệm đầy mình. Sư phụ sẽ dẫn cô gái về giới thiệu với tụi tôi. Ngày xưa, vợ sư phụ là hoa khôi trong lớp. Bao nhiêu học trò mơ tưởng, bao nhiêu thầy giáo ầu ơ. Vậy mà anh Tín cua cái một. Tôi làm sao quên được cái lần anh Tín dẫn vợ đi vòng quanh khắp xóm, giới thiệu với bạn bè.

“Anh Tín ngon hả tụi bay.”

“Dĩ nhiên rồi. Anh ấy đã từng tham chiến ở Triều Tiên mà mày.”

Mỗi lần muốn nói về những người kinh nghiệm đầy mình, lũ chúng tôi thường bảo là người ấy đã từng tham gia Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai hay Chiến Tranh Triều Tiên.

“Thằng Thịnh nhát quá!” Lại cái thằng Thiên Lôi nhiều chuyện.

Tôi biện bạch, “Tao thích cái gì nhẹ nhàng. Không phải là hoa thì dễ thương hơn là trái sao?”

“Nhát!”

“Mày ngon sao mày không đi cua về cho anh em coi.”

“Im đi tụi bay, anh Tín tới chiến luỹ Maginot rồi kìa.”

Tôi nín thở vái trời cho anh Tín thành công. Anh Tín có vợ rồi, nếu cua được thêm em nữa, chắc anh Tín sẽ nhường cho bọn tôi. Mà trong bọn thì tôi là đứa thuộc nhiều thơ nhất. Tôi sẽ đọc cho “nàng” nghe thơ của Đinh Hùng. Ơi đắm đuối thân hình em băng tuyết, gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân, ta gần em mê từng ngón bàn chân, nhắm mắt lại để lòng nguôi gió bão... Ơi cái ông Đinh Hùng! Nhờ những câu thơ tuyệt vời, tôi sẽ quen “nàng”. Tôi sẽ có một người thương. Mười bảy tuổi, chữ “yêu” nghe có chút gì trần thế. Tôi thích chữ “thương” hơn. Người thương. Ơi người thương. Thương quá là thương... Ngôn ngữ quá đỗi là dịu dàng.

Băng ghế đá công viên. Áo dài trắng phất phơ đôi tà. Mái tóc xõa ngang lưng. Cô gái ngồi tuốt ở một đầu. Sư phụ đứng chơ vơ ở đầu kia. Cầu trời cho sư phụ thành công. Nhưng chắc ăn là thành công, bởi vì sư phụ đã từng tham chiến ở Triều Tiên...

Sư phụ nói gì đó. Cái đầu hơi cúi. Vẻ băn khoăn, thành khẩn trên nét mặt. Mái tóc buông xuống trước trán. Hai bàn tay đong đưa trong không gian. Rồi hai bàn tay xoắn lấy nhau. Tụi tôi rán quan sát để học hỏi từng chi tiết. Sư phụ ngước nhìn mây trời. Bàn tay phải quơ lên, vạch một nét phẩy mơ hồ trong không gian. Nụ cười lại nở trên môi. Xong rồi. Tôi lẩm bẩm Xong rồi. Tín Đồ chì không thể tưởng tượng.

Gió từ đâu bỗng lùa qua vùng biên trấn. Tà áo người con gái bay bay. Một bàn tay thon thả đưa lên vuốt tóc. Hai bàn tay sư phụ lại mở ra như đang cố dẫn giải một điều gì. Ôi, những con người xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan!

Chợt cô gái đứng dậy. Nhìn xuống chỗ mình ngồi như xem thử có bỏ quên gì không, rồi tất tả bước đi. Hai tà áo quyện lấy đôi chân. Sư phụ ngơ ngác nhìn theo. Gió. Bỗng dưng trời nổi gió. Gió đem đến tai chúng tôi loáng thoáng câu nói chanh chua của người con gái, “Xưa như trái đất!”

Suốt quãng đường về, Tín Đồ chỉ nói với chúng tôi mỗi một câu, “Cái bà Tôn Nữ gì đó nói đúng tụi mày ạ. Hoa thì thơm mà trái thì chua gì gì đó, phải không thằng Thịnh?”

Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua, anh Tín à.” Tôi nhanh nhẩu.

Đó là buổi học “cua” cuối cùng của thời mới lớn. Đời sống toàn những khúc đường quanh co, chả đề thi nào giống đề thi nào. Những học sinh học tủ làm sao mà thi đậu. Chúng tôi không đứa nào đủ tiêu chuẩn tham dự cả hai cuộc Thế Chiến lẫn Chiến Tranh Triều Tiên. Sư phụ bận đi làm mua sữa, mua tã cho con. Bọn chúng tôi như rắn mất đầu.

Và cho đến bây giờ vẫn chả có đứa nào tốt nghiệp để có được cái bằng mà treo lên vùng ký ức của thời mười lăm, mười bảy.

Hoàng Chính

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Mười Một 202212:44 SA(Xem: 6830)
Bình minh bừng lên trên sông Tiền mênh mông. Những con sóng lấp lánh, cuồn cuộn chảy xuôi cuốn theo những bè lục bình như đoàn chiến mã đuổi nhau vô tận về phía hạ nguồn. Ánh ban mai rực lên khắp Cồn Phụng, lên cổng lăng Minh Mạng được đắp vẽ cầu kỳ. Những mảnh thủy tinh hắt ánh sáng sang hàng bần ven bờ sông những đường kỳ ảo muôn màu muôn vẻ làm Mỹ Lan cứ hết nhìn ra sông lại nhìn cảnh vật trên cồn với nhiều tò mò, thích thú.
13 Tháng Chín 20221:55 CH(Xem: 7313)
Thượng Hải, 19h, một ngày tháng Tám Hầy à, ngày xưa… bố... hoạt động thế là để đánh... lũ thực dân, đế quốc, cứu nước, bây giờ... con làm thế để... làm gì? Cẩn thận... chỉ mang oán khổ... cho dân! vị Đại tá già trong lần tỉnh táo hiếm hoi bên giường bệnh, khó nhọc nói với người con trai cùng ngành mới từ nước ngoài về. Thôi, pá pa đừng nói nhiều nữa, mệt rồi, đầu óc ít tỉnh táo, pá pa nghỉ đi! Con ra với mẹ và các em, người con trai có quân hàm khá cao cấp của ngành vừa nói, vừa kéo chăn che phần ngực gầy hơi hở ra của bệnh nhân già, trong phòng gắn máy lạnh.
01 Tháng Chín 20224:24 CH(Xem: 7985)
Ông kể, ông đã đến nơi này hơn năm mươi năm về trước, thời mà ông còn là chàng trai hai mươi tuổi. Với đôi chân trai trẻ, ông đã xẻ dọc trường sơn đi cứu nước. Người ta thường nói “ chân cứng đá mềm” thì đúng đã rơi vào trường hợp của ông Trần Duy. Ngày ấy, chàng đã đến nơi này bằng đôi chân khỏe , dẻo dai, đã băng rừng vượt suối , len lỏi vào tận rừng Trường Sơn ngút ngàn đá, ngút ngàn cây, ngút ngàn những vắt và muỗi mòng, đi giữa cái sống và cái chết. Ông kể với tâm trạng đầy tự hào về một giai đoạn mà cuộc đời con người khó có lần thứ hai. Nơi mà bây giờ, tôi và cụ Duy, chỉ qua một đêm đã đến được nơi này.
28 Tháng Tám 202210:03 CH(Xem: 6666)
...có người cho nó coi trên mạng hình ảnh của những người đảng tân nọ, đảng cựu kia, phe mới ấy… ở hải ngoại, đảng viên tiền phong lãnh đạo gì, nhất là nhóm trẻ, trung niên, mà toàn trưng diện uống champaigne, ôm trai xinh, gái đẹp, gái trẻ, đi xe sang, chơi ở resort xịn, ngủ hotel xịn, đồng hồ, âu phục mắc tiền, nhà lầu xe hơi giàu sang, hào nhoáng… ở xứ người, rồi lại còn về cả mấy quốc gia tư bổn láng giềng bên châu lục nhà nữa để trưng diện, khoe khoang, chẳng kém gì bọn con ông cháu cha bên thắng cuộc và cán bộ giàu sang của chúng đang làm, vậy thì mấy “tiền phong” đó kêu gọi đồng bào đau khổ thế nào? Vậy thì họ giác ngộ, lãnh đạo quần chúng cần lao, dân lành ra sao?
12 Tháng Tám 20224:28 CH(Xem: 8009)
Sau khi mãn tang ba, Thy vướng phải một chuyện lùm xùm tranh chấp kiện tụng ở tòa án rất đau đầu. Khoảng thời gian này để tâm vơi bớt muộn phiền, Thy hay về chùa và đi lên mộ thắp hương cho ba và cho bà nội nàng ở Nghĩa địa Phật giáo Qui nhơn - mong tìm chút bình yên. Thường Thy đi chỉ một mình.
08 Tháng Tám 20225:48 CH(Xem: 7896)
Thiếu tá Hân lấy lại tư thế ngồi trước vô lăng một cách điệu nghệ như chứng tỏ cho người bạn dạy lái xe mà anh hình dung đang ở bên cạnh rằng: “Cậu xem, “tay lái lụa” của tớ đã đạt tới trình độ nghệ sĩ chứ không phải là anh thợ lái - dù là thợ lái chuyên nghiệp cho ba tớ trước đây hay cho tớ hiện giờ…”.
01 Tháng Tám 20227:00 CH(Xem: 7928)
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu…được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn.
28 Tháng Bảy 20225:29 CH(Xem: 7550)
Ông Đình ngồi bên lan can tầng một, với be rượu đế Gò Đen, một đĩa đậu phộng. Dưới chân là con đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, có hàng cây sao thấp thoáng mấy con sóc nhí nhảnh chuyền cành, thỉnh thoảng xòe đuôi dài đú đởn với nhau. Chúng không quan tâm đến xe cộ như dòng thác lũ cuồn cuộn chảy. Thói quen uống rượu một mình với đậu phộng rang, có từ hồi tham gia kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Quê ông, một tỉnh cực Nam Trung bộ, nắng gió nên ít người nhâm nhi ly rượu với lạc rang như ở Thủ đô. Năm nay ông đã 82 tuổi, có năm mươi năm làm nghề, ông đã tham gia khai quật hàng trăm ngôi mộ cổ. Về hưu đã lâu, nhưng nhờ vốn kiến thức, ông vẫn được mời tham gia vào những đợt khảo cổ. Ông thông thạo chữ Pháp, chữ Hán, ngôn ngữ rất cần cho việc khám phá thư tịch cổ.
21 Tháng Bảy 202211:05 CH(Xem: 7611)
Ngày X, tôi tỉnh dậy trên giường, bác sỹ, y tá và cả hộ lý nhìn tôi, cái nhìn từ trên xuống, còn tôi thấy họ chụm đầu, vài đôi mắt kính của họ lấp loáng những tia sáng, những ngọn đèn trên trần cũng hắt xuống một thứ ánh sáng dịu.
07 Tháng Bảy 20222:40 CH(Xem: 8013)
Sau gần mười năm “gió bụi”, Nguyễn Du mới trở về quê hương, với sông Lam, núi Hồng. Hai anh em đều ngỡ ngàng vì làng Tiên Điền trở nên tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây sum suê trái ngọt đã bị đốt phá, ngổn ngang nền nhà gạch đá nham nhở, những cây cổ thụ trơ gốc cháy xém. Đó là quang cảnh sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh- anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du năm Tân Hợi 1791.