- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nghiệp Chướng

01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 108071)

hl82cf_0_144x300_1Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn. Vậy mà từ bấy đến nay, 5 năm rồi vẫn không thấy vợ Hoàn chửa đẻ gì. Hoàn béo khỏe, Trâm vợ Hoàn (dưới Hoàn 5 tuổi) trái lại, trông cứ khô đét như người teo cơ...

Không biết bao nhiêu lần, lão Thủ giục Hoàn: Anh phải bảo chị ấy đi bệnh viện khám xem thế nào chứ! Hoàn chỉ ậm ừ. Nhiều lần như thế, lão Thủ phát cáu: Thế nào? Hoàn nhấm nhẳng: Chẳng có thế nào!- Chẳng thế nào mà đến bây giờ “nó” vẫn cứ đuồn đuỗn như con cá rô đực?! Hoàn không nói gì. Lão Thủ đấu dịu: Tôi với mẹ anh già rồi. Phận trai có mình anh, chứ... nếu được thằng nữa thì tôi mặc xác. Hoàn vẫn lì ra. Lão Thủ tức nghẹn họng mà không biết làm thế nào(!) Sốt ruột, nhằm lúc chỉ có mình Trâm, lão Thủ bảo thẳng:

- Tôi lấy vợ cho con để lo sau này có người nỗi dõi tông đường, trông nom giữ gìn đất hương hỏa, chứ không phải là... lấy về để làm cảnh!

Hơi bị bất ngờ, Trâm chưa nói gì, lão Thủ đã tiếp:

- Chị phải đi khám xem thế nào để... còn liệu. Đàn bà sinh nở có thì... Lão Thủ chưa nói xong, Trâm đã bưng mặt khóc:

- Con khổ lắm bố ơi!

Lão Thủ ngờ ngợ:

- Sao...?

Trâm nghẹn ngào:

- Con và nhà con đã đi khám rồi...

- Khám rồi?

- Vâng!

- Thế...?

Trâm tức tưởi:

- Họ bảo... nhà con... bị... vô sinh...

Lão Thủ đứng lặng. Hai mắt trợn trừng, mồm lão như bị nhét giẻ- cứ há ra mà không kêu lên được! Ừ nhỉ, tại sao lão không nghĩ đến điều đó? Tại sao trước đây, lão chỉ lệch về một phía mà cho rằng Trâm chính là nguyên nhận của sự trục trặc, để đến bây giờ lão mới ngã ngửa người ra...?!

Thật trớ trêu, lão đã tính đến chuyện tìm một đám khác cho Hoàn. Vì vậy, để khỏi mang tiếng với làng nước là bỗng dưng giãy vợ cho con, lão đã rốt ráo giục Trâm đi khám để có cớ. Vậy mà...

Hốt hoảng lão chạy sang buồng bên:

- Này...!

 

Đang nằm trên giường, nghe lão gọi giật giọng, bà Thủ vội vàng ngồi dậy xớ rớ đưa đôi chân xuống đất quờ quạng tìm dép:

- Ông gọi tôi?

Lão Thủ đã đứng sừng sững trước mặt bà Thủ:

- Hỏng... rồi!

Bà Thủ ngây mặt. Lão Thủ tiếp:

- Thằng Hoàn nhà mình đi khám, người ta bảo... bị vô sinh!

- Vô sinh... là... là... thế nào hở ông?- Bà Thủ ngơ ngác.

Hai mắt lão Thủ như lồi ra khỏi tròng. Lão dằn giọng:

- Là không có con, là suốt đời làm ông mãnh, là... (đang định nói... là tuyệt tự nhưng lão đã kịp dừng lại)... là... thế chứ còn gì nữa!

Không ngờ bà Thủ thản nhiên:

 - Ôi dào, nó không có con thì đã có con cái Kim. Tưởng gì...!

Không chờ để được nghe những câu như thế, lão Thủ rít lên: Đồ... ngoại bang! Và chỉ một chút nữa thì lão đã chồm đến bóp cổ con vợ khốn nạn đã trở nên vô tích sự- không còn khả năng đẻ đái từ ngót hai chục năm nay! Lão nấc lên, nghẹn ngào như chính lão đang bị bóp cổ. Ôi! Giá như lão biết được sớm hơn thằng con lão như thế! Giá như lão còn trẻ...- Lão chồm đến...- Nhưng hai chân lão bỗng chới với như bị bước hụt. Mồm ú ớ, hai mép sùi bọt, lão từ từ khụyu xuống rồi đổ vật ra ngay dưới chân giường. Bà Thủ sợ đến ríu lưỡi:

- Trâm ơi...!

Đến lượt Trâm chạy sang hốt hoảng cùng bà Thủ bế thốc lão Thủ lên giường. Vội vàng lo mấy đồ đánh gió bọc vào chiếc khăn mùi soa, Trâm đưa để bà Thủ đánh gió cho lão. Được một lúc, chân tay lão ấm dần. Gương mặt đã thấy thần sắc của lão bỗng dưng động đậy. Lão từ từ mở mắt. Trâm nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên trán lão. Ngước lên, nhìn thấy Trâm, lão Thủ chớp chớp đôi mắt đờ dại. Mồm lão mấp máy. Lão thảng thốt:

- Con ơi!

Bất giác, Trâm không cầm được nước mắt. Từ hai hố mắt già nua của lão Thủ những giọt nước mắt cũng ứa ra lăn xuống hai bên thái dương.

 

***

 

Kim- con gái lão Thủ lấy chồng đã từ hơn chục năm nay. Hai nhà tuy trong phố, ngoài làng nhưng cùng xã và cách nhau chỉ độ hơn cây số. Vợ chồng Kim mải làm ăn buôn bán, cả năm may ra được một lần- ấy là vào dịp tết nguyên đán, mới thấy vợ chồng con cái đặt chân đến cổng nhà ông bà ngoại! Nhưng độ này thấy Kim thỉnh thoảng lại đồng quà tấm bánh về thăm vợ chồng lão Thủ. Hai thằng con Kim, đứa lên chín, đứa lên năm, thì vài ngày một lần vào với ông bà ngoại. Mới đầu lão Thủ cũng vô tình không để tâm đến và coi là chuyện bình thường. Nhưng rồi lão ngợ ngợ, cảm thấy sự việc cứ như là được thực hiện theo một kế hoạch đã được sắp đặt từ trước (?!) Cho đến một hôm, vô tình lão nghe lỏm được cuộc đấu khẩu của hai đứa cháu ngoại ở sau nhà: Mẹ bảo bác Hoàn không có con. Ngày sau tao ở ngoài kia, mày ở trong này- Ứ phải! Em thấy bố bàn với mẹ là sẽ bán đi, mua miếng khác ngoài phố...

Thì ra thế! Thảo nảo...! Không muốn lộ cho hai đứa cháu biết mình đã rõ chuyện, lão Thủ giận sôi máu nhưng phải cố nén: Thì ra âm mưu của vợ chồng nó gớm thật. Để rồi xem vợ chồng nó giở những trò gì. Nhưng... ai đã nói với vợ chồng nó? Chờ hai đứa cháu về khỏi, lão Thủ túm ngay lấy bà Thủ: Ai đã đem chuyện thằng Hoàn nói với vợ chồng cái Kim? Bà Thủ còn đang ú ớ chưa biết trả lời ra sao, lão Thủ đã rít lên: Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Cứ tin gái già, không khéo có ngày mất nước! Đúng lúc đó thì Hoàn đi đâu về. Nếu không sự thể không biết rồi sẽ ra sao...

Mấy hôm sau, hai đứa cháu lại dò vào, mang theo cả quần áo, sách vở: Bố mẹ chúng cháu bảo vào ở với ông bà ngoại cho vui. Hàng tháng, bố mẹ cháu sẽ gửi tiền và gạo vào... Lão Thủ điên tiết: Về bảo thằng Trọng Thủy với con Mỵ Châu nhà chúng mày, tao không phải như An Dương Vương. Từ rày trở đi, vợ chồng, con cái đừng có đặt chân đến cổng nhà tao làm gì cho bẩn. Xéo! Hai đứa cháu ngoại chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, sợ quá bỏ cả quần áo, sách vở chạy mất...

... Mấy tháng sau, bỗng một hôm bà Thủ thì thầm với lão Thủ vẻ quan trọng: Này ông, hình như... con vợ thằng Hoàn nó chửa! Không ngạc nhiên, cũng không ra biết rồi, lão Thủ buông một câu: Thế à! Bà Thủ rụt rè: Tháng thứ ba rồi! Mà tôi để ý, thấy nó cứ khóc dấm, khóc dúi. Hình như... không phải là... nó “ấy” với thằng Hoàn! Lão Thủ trừng mắt: Ai bảo bà thế! Bà Thủ ấp úng: Thì... ông chẳng bảo với tôi... là thằng Hoàn...? Lão Thủ ớ ra...! Thật không may cho Kim đúng lúc đó bỗng dưng mò đến. Lão Thủ sực nhớ đã mấy tháng nay Kim mất mặt. Gần đây lão lại mấy lần thoáng thấy bóng Kim ngoài cổng nhưng vì lão ở nhà, Kim thập thò không dám vào. Cách đây mấy ngày, có việc đi đâu về, lão lại bắt gặp Kim từ trong ngõ đi ra. Loạn âm thật rồi! Lão Thủ quay sang Kim: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng! Cút! Kim há mồm vừa toan cãi lại, lão Thủ đã vào nhà vớ lấy chiếc điếu cày chạy ra...

Nhưng Kim đã không còn đứng ở đấy nữa...

 

***

 

Suốt thời gian Trâm có mang, Hoàn không ra vui cũng không ra buồn. Lầm lì, ít nói- thì vốn dĩ Hoàn vẫn lầm lì, ít nói. Chẳng có gì ở Hoàn chứng tỏ hạnh phúc của một người sắp được làm bố. Nhưng bảo Hoàn dửng dưng cũng không phải! Cứ như là chẳng có chuyện gì xẩy ra- như Trâm có mang hay không thì cũng thế! Hoàn hiện diện trong gia đình như một cái bóng. Gần đến ngày Trâm nằm chỗ, tất cả- từ tã lót, xô màn, cho đến quả chanh, lát cam thảo, vợ chồng lão Thủ đều phải lo liệu, chuẩn bị. Thì có ai bảo cho Hoàn biết(!) Mà những việc như vậy Hoàn đã được lo bao giờ?! Buổi sáng hôm Trâm trở dạ, Hoàn cũng không có nhà. Bà Thủ dìu Trâm đi trước, còn lão Thủ thì tay xách nách mang các thứ cần thiết, lếch thếch theo sau. Cũng may trạm xá gần nhà. Ra đến nơi, Trâm được đưa ngay lên bàn đẻ. Tất nhiên là lão Thủ phải đứng ngoài. Lòng dạ bồn chồn, chưa đến nửa tiếng đồng hồ mà lão Thủ ngỡ như nửa năm. Trâm đẻ ngay. Con so mà Trâm đẻ dễ quá. Vừa nghe tiếng Oa... oa...- Hình như chỉ chờ có thế, lão Thủ quên cả giữ gìn, vội vàng xô cửa bước vào. Người nữ hộ lý ngẩng lên, cười chia vui với vợ chồng lão:

- Mừng cho ông bà nhé! Cháu trai...

Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ- Như để chắc chắn, lão Thủ run run đưa tay sờ chim đứa trẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hạnh phúc thực sự đang ở trong tay. Lão Thủ ngẩng lên ngơ ngác- một lần nữa lão muốn kiểm tra liệu có phải lão đang mơ ngủ(?) Gương mặt lão bệch ra, đờ đẫn như gương mặt của kẻ mộng du. Thì đứa trẻ vẫn đang khóc ngằn ngặt! Bất giác, lão Thủ đưa hai tay ôm mặt, khóc tu tu...

 

***

 

Một tháng sau ngày Trâm đẻ.

... Sáng hôm ấy, nấu chín nồi cơm, bà Thủ vẫn không thấy lão Thủ dậy. Thường khi chỉ Hoàn là dậy sau cả nhà, còn cứ tầm bà Thủ hoặc Trâm dậy nấu cơm là lão Thủ cũng trở dậy quét dọn, xúc rửa ấm chén, hoặc cho lợn, cho gà ăn. Nhưng hôm nay...

Lúc đầu nghĩ có lẽ lão mệt, để cho lão ngủ, bà Thủ không gọi. Không ngờ lúc bà Thủ vào đánh thức lão dậy ăn cơm thì lão đã chết tự lúc nào!

... Buổi chiều hôm trước cúng mụ (đầy tháng) cho thằng Vỹ (tên lão Thủ đặt cho thằng bé), lão Thủ còn dặn bà Thủ đi chợ mua đủ 12 thứ quà và các thứ về để làm cơm. Hoàn đi làm vắng. Bà Thủ đi rồi, lão cứ quẩn quanh bên Trâm. Cuối cùng, lão rụt rè: Chị đưa tôi bế nó một tí! Trâm đưa thằng Vỹ cho lão. Tay lão run bắn. Gương mặt lão giật giật. Lão nhìn thằng bé như hóa đá. Có lẽ từ ngày Trâm đẻ, hôm nay lão mới được ngắm nó kỹ đến thế! Nhìn cử chỉ lão âu yếm thằng bé, trông cũng mủi lòng. Bỗng nhiên lão gục mặt xuống mặt nó. Hai vai lão run lên. Lão khóc nhưng cố kìm không để bật ra thành tiếng. Bất giác Trâm cũng cúi xuống nghẹn ngào...

Thằng Vỹ khóc thét lên, mặt nó đã nhòe nhoẹt nước mắt lão Thủ. Trâm vội vàng đón lấy thằng bé. Lão Thủ ngập ngừng như muốn nói với Trâm một điều gì đó nhưng lại thôi...

Lão có đau ốm gì đâu. Vậy mà...!

Ai cũng bảo lão trúng gió. Duy chỉ có một người ngờ ngợ về cái chết của lão. Ấy là Trâm...

 

***

 

50 năm sau...

Lão Thủ có ngờ đâu mảnh đất và dòng huyết thống mà lão quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá, cuối cùng chỉ truyền được đến một đời. Năm 25 tuổi, Vỹ lấy vợ. Ngoài 30, vợ chồng Vỹ vẫn không có con. Khi đi bệnh viện khám mới biết... Vỹ lại vô sinh!

Sau khi vợ chồng Vỹ mất (trước sau một năm và cùng mới ở tuổi 49) vì vợ chồng Vỹ không có con, người ba họ- họ đằng bà Thủ, họ nhà Trâm, họ vợ Vỹ- tranh giành, kiện tụng nhau để được hưởng thừa tự miếng đất...

... Trải qua bao nhiêu biến thiên dâu bể, đến nay không còn ai xác định được vị trí miếng đất ấy bây giờ ở đâu...

Phùng Thành Chủng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14778)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14629)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 14998)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17213)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19087)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13726)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16348)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15239)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15433)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 17097)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.