- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ký Ức Về Bốn Lần Hôn

28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 30688)

w-hnt-20t_0_204x300_1Đó là lần đầu tiên cô đến Adelaide. Những tòa biệt thự trang nhã thấp thoáng sau vườn hoa hồng và cây cảnh xinh xắn như trong tranh vẽ. Thành phố nhỏ nhắn, êm đềm nép mình bên những triền đồi xanh lam và bờ biển trải dài bát ngát đến ngút tầm mắt. Đi qua những con đường rợp bóng cây phượng tím(a), cây ngô đồng xanh biếc và những công viên đầy hoa, cô thấy vui sướng và bình yên như được trở về lại thành phố thân yêu nơi cô đã được sinh ra và trải qua suốt tuổi thơ.

*

Cô đến nhà bà vào một buổi chiều đầu tháng Mười. Mùa Xuân đã về nơi đây và hơi ấm của những làn nắng nhẹ phủ xuống thành phố như một tấm màn kỳ diệu. Cỏ cây khoác lên người những tàn lá mới xanh biếc, muôn hoa đua nhau nở rộ khoe sắc khắp các nẻo đường.

Cô đi qua khu vườn xinh xắn được chăm chút, xén tỉa cẩn thận và gõ cửa nhà bà. Bà mở cửa và thân ái đón cô vào nhà. Mọi thứ được bày biện ngăn nắp, đẹp đẽ trong nhà, và cảm giác ấm cúng của một mái ấm gia đình khiến cô cảm thấy như được trở về nhà của mình. Bà mời cô ngồi và mang lên bánh ngọt và bình trà. Cô đoán tuổi bà khoảng chừng sáu mươi, khuôn mặt thanh tú và vóc dáng nhỏ nhắn của bà trong trong bộ váy áo thẫm màu khiến cho cô liên tưởng đến những nữ tu hoặc các bà giáo nghiêm trang, mẫu mực. Bà hỏi thăm về gia đình cô và chuyến bay của cô đến Adelaide. Họ trao đổi với nhau thân ái và chân tình như đã quen nhau từ lâu.

Sau khi cô kể cho bà nghe về dự án chương trình đại học của mình và cảm ơn bà đã mời cô đến ở trọ trong suốt những năm sắp tới, bà dịu dàng mỉm cười, nhưng cô đọc thấy nỗi buồn trong ánh mắt sâu lắng của bà.

"Bác thật vui khi có cháu đến đây", bà thân ái cầm lấy tay cô, "con gái bác chỉ lớn hơn cháu vài tuổi thôi, nhìn cháu làm bác nhớ nó quá!" Bà nghẹn ngào, giọng nhỏ hẳn lại, "Từ ngày nó mất, rồi người yêu của nó cũng qua đời ngay sau đấy, nhà bác quạnh quẽ biết chừng nào!"

Cô cầm lấy bàn tay bà trong tay mình. Bàn tay bà mềm ấm, những ngón tay héo gầy khiến cho chiếc nhẫn cưới lỏng lẻo như có thể tuột ra bất cứ lúc nào. Hai người ngồi yên lặng bên nhau, những giọt lệ mấp mé bờ mi của bà khiến cô xúc động. Cô không dám hỏi bà thêm điều gì về con gái của bà và người yêu của chị. Cô đoán có lẽ họ mất cách đấy không lâu lắm, vì cô chỉ nhận được tin bà đăng cho sinh viên ở trọ mới gần đây.

Cô đưa mắt nhìn quanh phòng khách. Trên bệ lò sưởi là những khung ảnh gia đình nhiều cỡ lớn nhỏ khác nhau. Trong một khung ảnh bạc là hình một cô gái có nét hao hao giống bà nhưng xinh đẹp hơn cả bà. Cô gái có mái tóc ngang vai, đôi mắt to trong sáng với nụ cười vừa chớm trên làn môi tươi như trẻ thơ. Một bức ảnh gia đình bốn người khiến cô đặc biệt chú ý vì nó là hình ảnh tiêu biểu của một gia đình hạnh phúc: người đàn ông với nét mặt mạnh mẽ và nụ cười nhân hậu bên người phụ nữ trẻ có vẻ đẹp hiền dịu, phía trước họ là một cô bé mảnh dẻ giống như một bản sao hoàn hảo của mẹ và đứa con trai ở tuổi thiếu niên giống bố như tạc.

Bà đưa mắt nhìn cô rồi nhìn về hướng cô đang ngắm những bức ảnh gia đình. Cô nghe hơi thở của bà bị nén lại, rồi bà hít sâu và chầm chậm thở ra. Sau một thoáng yên lặng, bà cất giọng thật buồn nói với cô:

"Ông nhà tôi mất đã khá lâu rồi cháu ạ." Bà dừng lại một chút, rồi chậm rãi nói tiếp: "Đứa con trai trong ảnh là con của ông với người vợ trước. Vợ của ông và bố của con gái tôi mất đã nhiều năm trước khi chúng tôi gặp nhau và kết hôn."

Có lẽ bà sẽ kể thêm cho cô nghe về gia đình bà, nhưng chuông cửa reo và bà có khách đến thăm. Bà niềm nở đón mấy người phụ nữ trạc cỡ tuổi bà vào nhà và giới thiệu cô với những người khách. Cô đoán họ là những người bạn rất thân thiết của bà, qua cách họ trao đổi với nhau hết sức thân tình và nồng nhiệt. Mấy người phụ nữ cùng nhau tíu tít vui vẻ chuẩn bị thức ăn và ăn tối ở nhà bà. Khi những người khách ra về thì đã khá muộn. Bà đưa cô đi xem khắp nơi trong nhà và cho cô chọn phòng nào cô thích ở, rồi họ thân ái chào nhau trước khi đi ngủ.

*

Lẽ ra cô phải thấy mệt sau chuyến bay liên bang và một ngày khá dài, nhưng niềm vui khi được đến thành phố nên thơ này, cùng với viễn ảnh được sống trong ngôi nhà ấm cúng của bà trong suốt những năm sắp tới khiến cô thấy náo nức và không muốn đi ngủ. Đẩy chiếc chăn sang một bên, cô trong chiếc áo ngủ trắng rộng dài tay tha thướt nhẹ nhàng bước xuống giường và đi về phía cuối phòng.

Sau khi cô đã soạn vali, treo xong áo quần vào tủ và sắp hết sách vở ngay ngắn lên giá, cô đi thơ thẩn trong chiếc phòng ngủ khá rộng và thử đoán xem đây là phòng của ai trước kia. Trên giá sách, cô tìm thấy những tập truyện và thơ mà cô yêu thích, cùng với sách lịch sử, triết lý, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, và ngay cả sách hướng dẫn sửa chữa máy móc. Cô mở ra trang đầu của một cuốn sách và trông thấy chữ ký cùng ngày tháng được viết bằng nét chữ rắn rỏi của phái nam. Cô nhận ra đây là phòng của người con trai của chồng bà. Cô thắc mắc thầm hỏi không biết anh ấy đã dời đi đâu mà sách vở của anh vẫn còn để lại đấy. Cô đoán có lẽ anh đi làm ở đâu xa, hoặc đang ở ngoại quốc nên phòng của anh mới để trống cho cô được chọn ở như vậy.

Nằm lẫn giữa những tập hướng dẫn sử dụng máy móc ở ngăn cuối cùng của giá sách, cô trông thấy một tập sách bìa da đen khá mỏng và vô tình cầm lên vì không thấy tựa đề in ở gáy sách. Cô hết sức ngạc nhiên khi mở ra trang đầu và nhận ra đó là tập nhật ký của anh, ngày viết cách đấy chưa đầy bốn tháng:

Ngày… tháng…năm…

Lần đầu tiên tôi hôn nàng vào năm tôi mười lăm tuổi và nàng lên mười.

Tôi còn nhớ, sau khi bố tôi và mẹ nàng hoàn tất lễ kết hôn ở phòng đăng ký hôn nhân, bố kéo tôi lại gần, rồi bố đẩy một đứa con gái gầy khẳng khiu đến trước mặt tôi, tươi cười bảo:

"Em con đấy, hôn em đi!"

Thưở ấy, tôi chúa ghét con gái, nhưng cực chẳng đã, tôi không muốn làm bố phật lòng và khiến bà mẹ kế mất vui nên tôi đành miễn cưỡng hôn lên má nó. Tôi chỉ nhớ lúc ấy nó ngượng nghịu mặt đỏ bừng, ánh nhìn từ cặp mắt to quá khổ của nó khiến cho tôi bối rối một chút.

Chỉ có thế, rồi tôi quay đi và chẳng bao giờ để ý đến nó nữa, mặc dù từ đó chúng tôi sống bên nhau dưới cùng một mái nhà. Trong suốt những năm tiếp theo, tôi chỉ biết nó là một đứa con gái ngoan, hiền, nhỏ nhẹ và ít lời. Đứa con gái chả bao giờ làm phiền đến tôi hay bất cứ ai, và tôi không quan tâm gì mấy đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ biết rằng từ đó tôi có một đứa "em gái" như ở từ trên trời rơi xuống.

*

Ba năm sau, tôi tốt nghiệp trung học, rồi tôi vào đại học và sống nội trú ở thành phố H. Tôi tốt nghiệp đại học rồi ở lại nhận việc làm tại thành phố ấy. Một hôm, trước sinh nhật thứ mười tám của cô em con bà mẹ kế, tôi nhận được thư bố, rồi bố lại gọi điện thoại, khẩn khoản nài tôi về. Bố nói với tôi:

"Nhà mình chỉ có hai anh em, con cố gắng về nhé, để mẹ và em vui lòng."

Và tôi về dự buổi tiệc sinh nhật nàng để làm tròn nghĩa vụ với gia đình.

Bố tôi và mẹ nàng tổ chức sinh nhật nàng tưng bừng, tấp nập như ngày hội. Tôi về đến nhà lúc trời xẩm tối. Bố mừng rỡ ra đón tôi rồi kéo tôi vào nhà đến trước một nhóm mấy cô gái đang cười nói ríu rít. Tôi còn đang bối rối chưa kịp nhận ra những người xung quanh thì bố đã đẩy tôi đến cạnh nàng rồi tươi cười bảo:

"Em con đây, hôn em đi!"

Nàng ngước mặt nhìn tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy choáng váng đến ngạt thở trước ánh nhìn của một người con gái. Đôi mắt lóng lánh niềm vui và nụ cười tươi như hoa của nàng khiến tôi bối rối nhận ra vịt con xấu xí(b) ngày nào nay đã trở thành một con thiên nga lộng lẫy. Nàng cúi mặt e lệ, hai má đỏ hồng. Tôi bối rối nói không nên lời, luống cuống đặt lên má nàng chiếc hôn vụng dại. Nàng bẽn lẽn mỉm cười rồi quay đi, đôi mắt sáng ngời trên khuôn mặt thanh tú có sức hút mãnh liệt khiến tôi chới với.

Suốt đêm hôm ấy, tôi uống rượu say lúy túy và ngắm nhìn nàng rạng ngời giữa bao nhiêu chàng trai vây quanh. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm rồi lặng lẽ rời nhà ra đi. Tôi hết sức bối rối và không muốn để bất cứ ai phát hiện ra rằng tôi đã yêu nàng. Tôi nghĩ rằng điều này chắc sẽ làm mọi người khó chịu và và cho rằng tôi thật là lố bịch.

Ngay sau khi tôi về đến chỗ ở trọ, bố gọi điện hỏi thăm tôi và hết sức ngạc nhiên vì tôi đã rời nhà đi quá vội. Tôi đành phải vờ viện cớ rằng tôi hiện đang có quá nhiều việc bận rộn cần phải làm gấp cho xong. Bố nói với tôi là bà mẹ kế và cô em gửi lời thăm tôi, và cả hai người đều cảm ơn tôi đã cất công về dự sinh nhật của nàng.

*

Mấy năm sau, tình trạng sức khỏe của bố tôi sa sút hẳn. Rồi một hôm, tôi nhận được điện thoại của bà mẹ kế gọi tôi về nhà gấp vì bố đang bệnh nặng. Tôi tức tốc lên đường về nhà, lòng lo lắng và sợ hãi cực độ trước bệnh tình trầm trọng của bố.

Tôi về đến nhà vào giữa trưa, bà mẹ kế đón tôi rồi đưa tôi vào phòng bố. Bố tôi gầy rộc, hai mắt mở to nhưng ánh nhìn lờ mờ, yếu ớt. Tôi đến ngồi cạnh giường và cầm tay bố, nhưng mãi sau, bố mới nhận ra tôi. Tôi thấy mắt bố sáng lên trong chốc lát, nhưng nụ cười méo mó của ông khiến tôi đau xót khi nhận ra thời gian tôi có được với bố chẳng còn bao lâu nữa. Bố ra dấu cho tôi cúi xuống gần, rồi bố cất giọng lào thào hỏi:

"Em con đâu? Gọi nó vào đây."

Nàng vào ngay sau khi được gọi và đến ngồi cạnh bố. Tôi thấy mắt nàng đỏ hoe mọng nước, chắc là nàng đang khóc lúc còn ở bên ngoài. Tim tôi như ngừng đập khi bố run rẩy cố sức nâng tay nàng đặt vào trong tay tôi. Bố cầm bàn tay của cả hai chúng tôi giữa đôi tay yếu ớt gầy guộc của mình, rồi bố cất giọng rời rạc nói:

"Hai anh em… chăm sóc mẹ… và thương yêu nhau nhé, để bố … yên lòng".

Tôi ngồi lặng người với bàn tay ấm mềm, nhỏ bé của nàng nằm gọn trong tay tôi. Lòng tôi tràn ngập bao nỗi niềm quyện vào nhau. Tôi ao ước sao tôi có thể chia sẻ cùng nàng những cảm xúc đang dâng lên cháy bỏng trong lòng, và mong giây phút được ở bên nàng kéo dài ra mãi. Tôi hết sức bối rối với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi được ở cạnh nàng và cầm tay nàng lần đầu, nhưng nhận thức về phút ra đi của bố đã gần kề khiến tôi thấy nghẹn ngào hụt hẫng trong nỗi khổ đau không lời nào tả xiết. Tôi không dám nhìn vào khuôn mặt thân yêu của bố với ánh mắt đang mờ dần, cũng như không thể nhìn vào khuôn mặt yêu dấu đẫm nước mắt của nàng đang cố nén cơn nức nở. Mãi sau, bố lại cất giọng yếu ớt rời rạc với hơi thở mỗi lúc một thêm cạn, rồi bố bảo chúng tôi:

"Hai anh em … hôn nhau đi, để bố … yên tâm".

Trong nỗi bối rối và đau khổ cùng cực, vẫn còn cầm tay nàng, tôi cúi xuống hôn lên má nàng và nàng hôn lại tôi. Không biết từ khi nào, tôi cũng đã khóc, nước mắt tôi và nàng hòa lẫn vào nhau làm ướt mặt nhau. Tim tôi thắt lại trong niềm hạnh phúc và khổ đau chất ngất khi khuôn mặt yêu dấu của nàng áp vào mặt tôi. Nàng dịu dàng hôn tôi chiếc hôn trong sáng, chân thành của một người em gái. Tôi những muốn được ôm nàng vào lòng, được ghì chặt người tôi yêu dấu trong tay để được cùng nàng xoa dịu cho nhau nỗi đau mất mát mà chúng tôi cùng phải chịu.

Thời gian như ngừng lại trong khoảnh khắc ấy. Nàng đâu có biết tôi yêu nàng đến dường nào! Cảm giác khuôn mặt thơm mịn và đôi môi dịu ngọt của nàng trên má tôi đã in đậm lên từng tế bào, thấm đẫm trong từng dây thần kinh, lấp đầy giác quan và trí óc tôi. Tôi chới với nhận ra tôi còn yêu nàng sâu đậm và mãnh liệt hơn cả trước kia từ khoảnh khắc ấy. Bao nhiêu năm đã qua nhưng cho đến lúc này, tôi vẫn không thể nào quên được giây phút chấn động ấy.

Lần cuối cùng chúng tôi được ở bên bố chỉ có thế. Sau khi chúng tôi ôm hôn nhau, bố mỉm cười yếu ớt và thở hơi ra thật nhẹ. Đôi tay bố đang ấp vào nhau trước ngực từ từ buông thõng xuống bên cạnh người. Rồi bố khép mắt dần trong vẻ thanh thản, mãn nguyện.

Đêm hôm ấy, bố tôi mất.

*

Ngày đưa tang bố, tôi đi bên quan tài, lòng tan nát và nặng trĩu với những nỗi đau buồn chồng chất, mà tôi biết rằng không chỉ vì tôi đã mất bố. Đi bên cạnh tôi là một gã điển trai, ăn mặc chỉnh tề đang choàng tay dìu lấy nàng. Chốc chốc hắn lại đưa tay vuốt tóc nàng và cúi xuống bên nàng thật âu yếm. Mặc dù lòng dạ tôi như đang bị thiêu đốt cồn cào với nỗi khao khát được nán lại nhà thêm ít hôm để ở cạnh nàng, tôi đã buộc mình rời đi ngay sau tang lễ trong niềm đau xót và buồn tủi. Rồi như gã mất hồn, tôi quay về nhà trọ nơi thành phố xa và sống suốt nhiều tuần lễ sau đó vật vờ như kẻ mộng du.

Đến khi cơn đau đã lắng dịu phần nào, tôi nhận ra tôi còn nhớ nàng gấp trăm lần trước kia và không biết phải làm cách nào để sống nổi những năm tháng sắp tới phải ở xa nàng như thế. Tôi không thể nhận diện được hết tình cảm nào tôi đã trao về nàng, chỉ biết rằng tất cả tình thương yêu tôi từng có được trên đời, kể cả sự gắn bó mật thiết giữa những người thân trong gia đình và lòng thương quý nàng như một người em gái tôi đã dành hết cho nàng. Nhưng than ôi, chắc chắn là nàng chẳng bao giờ dành cho tôi một tình cảm nào hơn là cho một người anh, và dường như là nàng đã yêu một người khác. Không những là tôi không bao giờ được phép hé môi với nàng về mối tình trong sáng và cuồng si của mình, mà suốt đời tôi còn phải chịu đứng từ đàng xa ngắm nhìn nàng vui tươi hạnh phúc bên người khác. Tôi hy vọng đó không phải là tên bảnh trai dễ ghét tôi gặp hôm đưa tang bố.

*

Năm tháng trôi qua trong nỗi khắc khoải chờ đợi. Tôi mong chờ bà mẹ kế gọi về thăm nhà để tôi có cớ được gặp nàng. Nhưng sau mỗi lần gặp nàng, tôi còn yêu nàng mãnh liệt hơn cả lần trước và lòng tôi thêm tan nát với nỗi tuyệt vọng ngập tràn. Nhiều lần tôi tự chế giễu mình là một tên dở hơi, rồi đau khổ triền miên sau mỗi lần về thăm nhà chỉ vì tôi chẳng nói năng được lời nào với nàng trong suốt thời gian ở cạnh nàng. Bất cứ lúc nào gặp nàng, tôi chỉ còn biết có mỗi một điều là cố gắng hết sức để che giấu ánh nhìn mê đắm của mình, mà tôi e rằng nếu bà mẹ kế hoặc nàng phát hiện được là tôi yêu nàng, chắc tôi chẳng bao giờ có thể đặt chân về nhà nữa.

May mắn hay khốn khổ cho tôi, nàng vẫn vui tươi hồn nhiên và nồng nhiệt với tôi mỗi lần tôi về thăm nhà. Nhiều lần tôi đã từ chối đi chơi cùng với đám bạn của nàng, hoặc mỗi khi nàng thăm hỏi, trò chuyện với tôi, tôi chỉ đối đáp nhát gừng, khô khốc. Tôi vốn đã ít lời lại thêm luống cuống mỗi khi thấy nàng nên chẳng còn tâm trí nào để trò chuyện cho tỉnh táo, lưu loát được. Rồi tôi lại ra đi như một kẻ mất hồn, để lại sự sống và giấc mơ đẹp đẽ nhất của mình ở nhà, nơi nàng cất giữ cả tâm hồn và trí óc tôi trọn vẹn.

*

Thế rồi một hôm tôi đột ngột nhận tin bà mẹ kế nhắn về nhà gấp vì nàng bị bệnh nặng và muốn gặp tôi lần cuối. Đầu óc tôi quay cuồng và tôi thấy trời đất như sụp đổ khi tin dữ ập xuống không một dấu hiệu nào báo trước. Một chứng bệnh cấp tính quái ác tôi chưa từng biết đến trên đời đã cướp lấy sức sống thanh xuân của nàng trong đôi tay gớm ghiếc của nó. Tôi đau đớn vật vã trước hiểm họa đang phủ vây lấy nàng, nhưng một phần trong tôi vẫn không thể tin được đó là sự thật.

Trong suốt đoạn đường về nhà, tôi hồi tưởng lại từng kỷ niệm nhỏ nhặt tôi đã cất giữ về nàng từ thời thơ ấu cho đến lần cuối chúng tôi gặp. Tim tôi thắt lại vì yêu và thương nhớ nàng mãnh liệt khiến tôi thấy nghẹt thở. Oái oăm thay, cả ba lần tôi được hôn nàng trước đấy đều toàn là do bố đốc thúc và trong những trường hợp thật ngặt nghèo mà tôi chẳng thể nào từ chối được. Nhưng bố đã mất và chẳng có ai yêu cầu để tôi được hôn nàng lần nữa. Lúc ấy tôi ao ước được hôn nàng, dù chỉ một lần bằng nụ hôn của một người yêu nàng chân thành và say đắm. Nhưng tôi biết niềm mơ ước ấy chẳng bao giờ sẽ thành sự thật vì nàng vẫn mãi nghĩ rằng nàng chỉ là em gái của tôi.

*

Tôi về đến nhà lúc xế chiều và bà mẹ kế đã chờ sẵn để đưa tôi vào bệnh viện gặp nàng. Tôi đi như đang trong cơn ác mộng lúc bước qua cánh cửa phòng cấp cứu hồi sức và đến bên giường nàng. Mẹ nàng níu chặt tay tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt thương yêu sâu lắng khiến tôi xúc động không nói được lời nào. Rồi bà nén nước mắt cúi xuống hôn con và đi ra khỏi phòng, để lại tôi đứng lặng cạnh giường nàng với nỗi đau giá buốt khiến tôi thấy nghẹn thở.

Nàng nhắm mắt thiêm thiếp như đang ngủ nhưng đôi má ửng hồng và đôi môi đỏ thắm cho tôi biết rằng nàng đang trong cơn sốt dữ dội. Tôi thẫn thờ ngồi xuống cạnh giường nàng, đầu óc quay cuồng khi nhớ đến lúc chúng tôi đã ở cạnh nhau trước khi bố mất. Tôi không thể tin rằng đây sẽ là lần cuối tôi được gặp nàng, không thể chấp nhận sự thật khủng khiếp mà định mệnh đã giáng xuống đời tôi và nàng trong lúc nàng đang trong tuổi thanh xuân và còn bao nhiêu điều tốt đẹp đang chờ trước mặt.

Nàng trông thật mong manh trong lớp áo trắng và giường gối, chăn đắp trắng toát của bệnh viện. Thân thể mảnh mai và khuôn mặt thanh tú của nàng ngày nào lúc ấy còn gầy hơn gấp mấy lần trước kia, nhưng vẻ đẹp rạng ngời của nàng không hề thay đổi mà còn rực rỡ hơn với đôi môi đỏ thắm và đôi má bừng bừng như có men rượu. Như trong cơn mơ, tôi nhẹ nhàng cúi xuống cầm lấy tay nàng và áp vào má mình. Bàn tay nóng hổi của nàng khơi dậy bao nỗi niềm tôi đã đè nén ấp ủ bao nhiêu năm, lúc ấy chợt vỡ bùng ra khiến tôi xúc động mãnh liệt.

Tôi nâng tay nàng, âu yếm hôn lên lòng bàn tay mịn màng vừa lúc nàng hé mắt nhìn tôi. Một thoáng bối rối thoáng qua trong mắt nàng khiến tôi thấy ngại ngùng suýt đặt tay nàng xuống giường lại, nhưng ánh mắt ấy dừng lại trong mắt tôi với ánh nhìn say đắm nồng nàn khiến tôi choáng váng đến nghẹt thở. Môi nàng mấp máy như muốn nói với tôi điều gì, nhưng tiếng nàng nhẹ quá như làn gió thoảng qua nên tôi không thể nghe được.

Tôi âu yếm cúi xuống thật gần mặt nàng, hương thơm nồng nàn nóng bỏng tỏa ra từ nàng khiến tôi say đắm ngây ngất. Môi nàng mấp máy lần nữa, và tôi đã hết sức kinh ngạc rồi chuyển sang chấn động dữ dội khi nàng thì thào mấy lời rời rạc nói với tôi:

"Anh…, ôm em đi anh…", nàng thì thầm âu yếm, "em đã chờ anh… suốt bao nhiêu năm… ." Nàng dừng lại, nghẹn ngào. Tôi cúi xuống ôm nàng vào lòng, ghì chặt nàng trong tay.

"Em yêu," tôi nghe tiếng mình lạc đi như giọng ai khác, "em yêu quý, sao em không bao giờ cho anh biết?"

Nàng nhắm mắt, mím chặt môi, nước mắt nàng lặng lẽ chảy xuôi theo đuôi mắt xuống thái dương và chìm vào làn tóc. Tôi bỗng nhớ lại có mấy lần tôi bất chợt gặp nàng ở nhà vào những lúc mà cả hai đều không nghĩ rằng sẽ có người kia ở đấy, và nàng đã hết sức bối rối ngập ngừng khi trao đổi với tôi. Những lần ấy, nàng thường lúng túng quay đi ngay và tôi đã lầm tưởng là vì nàng khó chịu khi bất ngờ gặp tôi. Tôi đâu biết rằng nàng cũng thầm yêu tôi và cũng luống cuống giống hệt như tôi mỗi khi chúng tôi gặp nhau.

Chúng tôi lặng lẽ ôm chặt nhau trong tay, run rẩy với niềm hạnh phúc vô biên được người mình yêu đáp lại và được dành cho nhau bao nhiêu âu yếm. Trong phút chốc, chúng tôi quên đi căn bệnh ngặt nghèo của nàng và thời gian có nhau không còn bao lâu nữa. Tôi ghì chặt nàng vào lòng, vuốt ve mái tóc và cổ nàng thon nhỏ đang nép vào ngực mình. Rồi tôi cúi xuống nâng khuôn mặt yêu kiều của nàng trong tay, môi tôi say đắm tìm đôi môi nồng ấm của nàng. Chúng tôi run rẩy hôn nhau nụ hôn đầu đời, mà ngay cả trong giấc mơ, cả hai đã không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày được người kia trao tặng.

Thời gian như ngừng lại trong lúc chúng tôi đắm đuối hôn nhau. Cánh tay mảnh dẻ của nàng ôm choàng quanh cổ tôi, thân thể non trẻ mềm mại của nàng như tan vào thân thể tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi khao khát được chiếm giữ nàng cho riêng mình, ngay lúc ấy và mãi mãi. Tôi nhẹ nhàng đặt nàng vào giường và nằm xuống bên nàng. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau trong môi hôn như xóa tan cả vũ trụ. Như hai kẻ sắp chết đuối đang trôi dạt bỗng tìm được phao cứu, chúng tôi bám chặt lấy nhau, cuống quýt lẩy bẩy trong nụ hôn không dứt, vì cả hai cùng biết rằng một khi đã buông tay, chúng tôi sẽ không bao giờ có lại được nữa.

Môi nàng nhợt nhạt và mắt nàng nhắm nghiền khi chúng tôi dừng lại. Nước mắt nàng trào ra ướt đẫm khuôn mặt yêu dấu. Tim tôi bị nén chặt như sắp vỡ ra trong lồng ngực. Tôi muốn nói với nàng trăm nghìn lời yêu thương chất chứa trong lòng nhưng không có từ ngữ nào đủ diễn tả tình yêu tôi dành cho nàng. Tôi đau đớn và tiếc nuối vì cả tôi và nàng đã cố nén lòng giữ kín tình yêu của mình để phải trải qua bao nhiêu năm tháng cô đơn và héo mòn trong vô vọng.

Tôi cầm lấy cả hai tay nàng trong tay mình và âu yếm hôn vào lòng bàn tay nàng. Nàng từ từ mở mắt và mỉm cười yếu ớt, nhưng nụ cười của nàng thật âu yếm dịu ngọt. Rồi nàng dịu dàng đưa tay tôi lên môi hôn và nói thật khẽ với tôi điều mà tôi chẳng bao giờ ngờ được khiến đầu tôi choáng váng quay cuồng:

"Anh… , em đã yêu anh… ngay từ ngày… đầu tiên, lúc bố mẹ làm đám cưới…"

Nàng nhắm mắt, hơi thở nàng như bị nghẽn lại nhưng nụ cười vẫn không tắt trên môi. Bàn tay nhỏ bé của nàng níu chặt lấy tay tôi rồi từ từ lơi ra. Rồi không mở mắt nhìn tôi, nàng thì thầm như gió thoảng:

"Còn anh?"

Tôi không còn tâm trí nào nữa để đáp lời nàng. Tôi cúi xuống hôn thật lâu lên môi nàng, đôi môi dịu ngọt nóng bỏng trong cơn sốt như thiêu đốt cả tâm hồn lẫn thể xác tôi lúc ấy.

Khi môi hôn tôi dừng lại, nàng đã thiếp đi và mỗi lúc một chìm sâu hơn trong giấc ngủ chuyển dần vào cõi hôn mê. Tôi túc trực bên giường nàng nhưng nàng không bao giờ mở mắt ra nữa.

Mấy hôm sau nàng mất.

*

Không từ ngữ nào đủ để diễn tả niềm đau mất nàng. Tôi đi lại như một kẻ mộng du, trí óc như tê dại với nỗi đau buốt giá và nhận thức rằng từ nay tôi sẽ phải sống suốt những năm tháng còn lại trong tăm tối ảm đạm vắng bóng nàng. Niềm an ủi duy nhất tôi có được là, mặc dù thật muộn màng, tôi biết tôi đã được nàng yêu dấu, và tôi đã mang đến cho nàng chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong những phút cuối cùng của đời nàng. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận ra, bốn lần tôi được hôn nàng trong đời, nàng đã đón nhận với tất cả lòng thương yêu nàng đã dành cho tôi, và nàng cũng đã cất giữ những kỷ niệm về tôi, như tôi đã nâng niu ấp ủ những giây phút quý báu bên nàng.

Tối hôm qua tôi lại mơ thấy nàng lần nữa trong ngày sinh nhật thứ mười tám bên hàng nến sáng ngời rực rỡ. Nhưng tôi đã không ôm hôn hôn nàng như một ông anh ngớ ngẩn mà như là người yêu của nàng với tấm tình say đắm và chân thành. Bố tôi và mẹ nàng là chứng nhân cho mối tình đẹp đẽ của chúng tôi, và không cần lời hẹn thề nào, ai cũng hiểu rằng bữa tiệc ấy cũng là tiệc đính hôn của tôi với nàng.

Hạnh phúc dâng đầy mắt nàng khi nàng âu yếm choàng tay ôm cổ tôi. Tôi bế nàng đi xuống lối đi đầy hoa ra khu vườn thân yêu chìm trong bóng tối, nơi chúng tôi tan vào nhau trong màn đêm thanh khiết và môi hôn dịu ngọt của nàng. Tôi biết từ nay niềm hạnh phúc đã được nàng yêu dấu sẽ ở trong tôi mãi mãi.

Chỉ còn có mấy tuần nữa là tôi sẽ dời về hẳn ở nhà để được sống mãi giữa khung cảnh thân yêu đầy kín kỷ niệm và hình bóng nàng. Tôi cũng muốn trở về để thay nàng chăm sóc mẹ trong những năm cuối đời, mà bây giờ bà cũng là mẹ của tôi ….

*

Cô lặng lẽ gập cuốn nhật ký và áp chặt nó vào ngực như cố nén nỗi đau đang dâng lên trong lòng khiến cô thấy nghẹn thở. Mắt cô nhòa lệ với nỗi thương cảm xót xa cho hai người yêu nhau say đắm chân thành nhưng đã phải sống âm thầm với niềm đau chôn giấu suốt bao nhiêu năm. Cô nhớ lại bức ảnh cô gái có đôi môi xinh tươi như hoa, nhưng ánh mắt dường như có nỗi niềm u uẩn nào chất chứa trong cái nhìn xa vắng.

Mấy hôm sau, nhân dịp bà hỏi thăm cô có thấy căn phòng đang ở có thoải mái dễ chịu hay không, bà tình cờ nhắc đến người con trai của chồng. Mắt bà rớm lệ khi kể lại mấy tuần anh về sống trong nhà thật đầm ấm nhưng quá ngắn ngủi, rồi một buổi chiều anh bị xe vận tải va phải trên đường về nhà trong lúc đang đi xe gắn máy. Bà ngậm ngùi nhắc đến mối tình thầm lặng con gái bà đã dành cho anh, mà bà không hề biết cho đến ngày chị sắp mất và khẩn khoản xin bà gọi anh về. Nhưng bà không bao giờ biết anh cũng đã yêu con gái bà, và họ đã dành cho nhau những giây phút ngắn ngủi nhưng thật ngọt ngào trước khi chị mất.

Hoàng Ngọc Thư
Adelaide 8/2004 & 8/2007.

a Cây jacaranda được người Việt gọi là "phượng tím" vì có hình thức gần giống như cây phượng vĩ nhưng có hoa tím.

b Mượn tựa đề truyện ngắn "Vịt con xấu xí" của Hans Christian Anderson.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 1236)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 2742)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 2701)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 2919)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3419)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4150)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 3848)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 4884)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 4678)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 5796)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...