- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mây Ngàn

03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 36680)

w-hoangchienthang_0_121x300_1

Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, Hoàng Chiến Thắng,sinh năm1980, dân tộc Tày,quê quán:Chợ Đồn – Bắc Kạn. Hiện đang là Sinh viên Trường Viết Văn Nguyễn Du. Các bút danh khác: Hoàng Vũ Nguyên Phương, Hoàng Thắng, Chiến Hoàng...

TCHL

 

 

1

Cha tôi lững thững đi vào, tiếng rẹt bẹt từ sàn nhà được làm bằng tre vang lên theo mỗi bước chân ông. Con nghé dưới sàn nô đến ngộ, tôi thèm lắm cái cảm giác tung tẩy, thèm lắm cái cảm giác được là một con nghé. Vậy đấy! Có đời thủa nhà ai lại muốn mình là một con nghé con kia chứ!

Và có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi tưởng tượng nổi ngoài kia lại có một bầu trời khác. Một góc nhỏ tối tăm, những hàng cột đen kít từ đời ông nội để lại cùng đống lửa lập loè mà tôi chỉ thấy được vào buổi đêm là những thứ gần gũi hơn cả. Ngoài ra, đều không nằm trong tiềm thức của tôi.

Người đàn ông có dáng người tiều tuỵ, ánh mắt đục buồn, cương trực ấy là cha. Ông cũng như tôi, kiên nhẫn, đợi chờ và hy vọng. Tôi đọc được ý nghĩ của ông có lẽ cũng bởi chúng tôi đều ở cùng trong một thế giới khác-thế giới của sự im lặng. Những giao cảm thay cho ngôn ngữ, những hành động là lời nói thương yêu. Đôi khi con người ta không nhất thiết phải lên tiếng. Sự im lặng có lẽ còn có sức biểu cảm mạnh mẽ hơn ngôn ngữ rất nhiều. Đó là thứ ngôn ngữ riêng của thế giới mà hai cha con tôi đang sống. Bầu trời ấy khum khum được chống lên bởi những chiếc cột ám đen muội khói. Tôi hài lòng, còn cha dường như cam chịu. Đó là tất cả những gì chúng tôi có trong suốt chuỗi thời gian dài.

Thú thực tôi không nhớ mặt mẹ và cả cha... tôi chỉ lờ mờ hình dáng của người đàn ông mỗi đêm muộn lại ngồi dậy bên tôi. Tiếng thở dài và những bước chân là thứ âm thanh thường trực nhất.

Lần cuối cùng tôi nghe tiếng mẹ, đã lâu lắm, cũng như cái vòm trời đen kịt kia không biết đã bắt đầu như vậy tự bao giờ. Nhưng tôi nhớ rất rõ từng tiếng một của cha: "Thôi mình cứ đi, ở với tôi khổ thế đủ rồi, tôi không trách mình đâu!" .

Và mẹ tôi đi thật. Từ lần đó thế giới của chúng tôi chìm vào im lặng, giống như một sự im lặng mặc định vậy.

Tiếng radio lại vang lên. Tôi không hiểu họ nói những gì trong đó bởi những thứ tôi nghe được cao siêu quá, vượt xa khỏi tầm hiểu biết của tôi nhiều quá. Nhưng tôi biết cha rất buồn. Mỗi khi nghe xong, tiếng thở dài lại cất lên, hệt như ngày mẹ tôi rời khỏi thế giới của chúng tôi vậy.

2

Tôi mơ màng thấy mình lơ lửng trên cái vòm trời khum khum bết đầy bồ hóng. Phía dưới, cha đang nghiêng đầu đưa miệng vào ống thổi, muội than cùng khói bếp làm mắt cha đỏ hoe. Tôi cố sức mình hòng khoét thủng cái bầu trời nhỏ con như chiếc lồng chụp kia để thoát ra ngoài. Đôi bàn tay cào cấu, bất lực. Những ngón tay ngắn dần lại từng đốt, từng đốt một cho đến lúc chỉ còn lại cái cổ tay to bành, quái dị. Bầu trời đen, lỗ chỗ thủng rồi lại liền ngay, chẳng hề hấn gì. Một sức hút ma quái kéo tuột thân tôi xuống đống chăn tôi vẫn nằm. Tôi lại cố gượng người vùng dậy, bay lên. Cứ vậy tôi đã làm hết sức mình, đã vắt kiệt mình mà vẫn không sao thoát ra nổi cái bầu trời ma quái kia.

Tiếng gà eo óc gáy, tôi bừng tỉnh. Và bao giờ cũng vậy. Khi tiếng gà cất lên là lúc công việc tôi chấm dứt, tôi tiếc nuối, tôi hy vọng và lại chờ đợi. Cái vòm trời kia ám ảnh tôi ngay cả khi cha bưng cơm xúc cho tôi ăn. Tôi mơ ước được khám phá phía sau cái bầu trời đen nhỏ hẹp. Còn cha, cha lại khám phá những câu từ khó hiểu từ chiếc radio treo ở cạnh bếp. Có điều, chúng tôi cùng chung nhau những tiếng thở dài sau mỗi lần khám phá và chờ đợi.

3

Nhoài người thúc mạnh cánh tay, cả người tôi chun lại, nhức buốt. Một vệt sáng loé lên từ nơi bàn tay tôi vừa chạm tới. Ánh sáng chói loà tựa hồ tan loãng cả cái thân thể nhỏ nhoi bởi một thứ màu sắc chưa bao giờ tôi tưởng tượng nổi, dù có cố tư duy đến mấy. Cảm giác thành công xâm nhập làm tôi hưng phấn. Sức mạnh siêu nhiên nào đó cứ hút tôi trôi tuột theo thứ màu chói loà. Mọi đau đớn như được giải phóng khỏi cơ thể. Tôi lơ lửng rồi cuốn theo sức mạnh ấy một cách vô thức. Dưới kia, tiếng radio vẫn đều đều cất lên. Cha áp cả chiếc đài con lên tai, lồng ngực nhỏ con nhăn nhúm, phập phồng theo từng âm tiết. Cha chờ đợi điều gì nhỉ! Liệu ông có biết tôi sắp thành công với cuộc kiếm tìm này không?

Ánh sáng dị kì cắt ngang , xẻ dọc thân thể tôi. Mảnh trời khum khum muội khói bung ra để mặc tôi vút lên, cao mãi. Tôi lúc này như một vệt khói mong manh. Tôi không nhìn nổi cả chính mình. Ngoài vòm trời đen là thế ư? Thì ra vậy! Tôi cứ đi, mà không phải đi, tôi đang trôi đấy chứ! Ơ kìa con nghé con, tôi vẫn thường mơ ước được là nó đấy! Nó đang ở dưới kia kìa!

Tôi lang thang bay khắp, cố thử với lên, hòng chạm nổi vào đỉnh trắng muốt của cái lồng chụp to này nhưng vô ích. Tôi như chiếc lông ngỗng chập chờn ma mị. Trôi mãi, trôi mãi. Rồi sực nhớ đến cha và chiếc radio treo bên bếp, tôi tất tả quay về. Cánh cửa của bầu trời đen đã đóng, tôi áp tai lên, những âm thanh dập dồn u u vọng. Tiếng nói từ chiếc radio vẫn đều đều cất lên. Có lẽ giờ này cha tôi vẫn đang áp tai lên đó như khi tôi đang loay hoay tìm kiếm lối thoát ra khỏi cái vòm trời đen kia vậy. Lúc này tôi thèm được nhìn thấy cha quá, nhưng sao đôi bàn tay tôi không còn có chút sức lực nào. Bầu trời khum khum ấy đặc quánh, rắn đanh. Tôi cố gào lên thật to nhưng âm thanh không tài nào thoát ra khỏi cái cuống họng nhỏ bé. Tôi khóc, những giọt nước mắt đỏ tươi rỉ xuống nền trời đen thẫm. Khung vòm vẫn trơ trơ nhìn tôi giễu cợt.

Hình như có tiếng gọi tôi, mơ hồ mà không sao cưỡng lại nổi. Tiếng gà, tôi mong làm sao thứ âm thanh eo óc ấy. Chỉ có tiếng gà mới giúp nổi tôi. Thứ âm thanh mà trước nay tôi vẫn căm thù là vậy mà giờ mong ngóng quá!

Tiếng gà đã vang lên mấy bận mà sao tôi vẫn không bị kéo xuống như mọi khi. Tiếng vọng mơ hồ từ sâu thẳm nhấc bổng tôi lên. Tiếng radio văng vẳng bên tai. "Vụ kiện không thành... Tòa sơ thẩm đã bác đơn của các nạn nhân nhiễm chất độc dioxin của Việt Nam ... bên nguyên tiếp tục chống án lên tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ…". Người cha tôi rung mạnh, ông khuỵu xuống sàn nấc khan. Không biết những câu nói ấy có ý nghĩa gì với ông. Tôi nhìn chiếc radio chỏng chơ dưới sàn tiếc rẻ, chưa bao giờ cha đưa cho tôi thứ đó để chơi cả.

4

Tôi đã đến được bầu trời phía sau bầu trời. Tôi thấy những đám mây ngũ sắc vắt qua đỉnh núi mờ sương. Vòm trời khum khum vỡ vụn. Tôi hoảng hốt kêu cha, mê loạn. Bóng cha gục xuống bên chiếc radio, nhỏ dần, nhỏ dần...

Hoàng Chiến Thắng
07/03/2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14805)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14846)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14769)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15287)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17600)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19367)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13870)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16468)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15534)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15705)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.