- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA RƠI

12 Tháng Tư 20189:03 CH(Xem: 24063)





co-tuong-bw
Cờ tướng - ảnh Internet



Bạn có biết thế nào là chơi cờ tướng không? Chắc chắn khi tôi hỏi câu này, nhiều người sẽ bảo: chơi cờ tướng dễ ợt, hoặc chuyện chơi cờ tướng thì có gì là lạ đâu, chỉ hỏi qua một lúc là biết. Nào con mã con pháo con xe con tốt, ai mà không biết mấy con ấy chứ. Nhưng tôi vẫn sẽ bảo với bạn là bạn chưa biết một tí gì về chuyện này, chưa biết thế nào là cái cụm từ chơi cờ tướng của tôi. Trong cái thế giới mà chúng ta đang tồn tại, nhiều cái cứ trôi qua trước mắt, ngay cả khi nó nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta vẫn cứ không biết gì về nó.

Tôi chẳng biết gì về cờ tướng, không phải tôi dốt đường chơi, nhưng tôi vẫn cứ không biết gì về cái bộ cờ lẫn cách đi quân cờ. Hàng ngày tôi vẫn cất bộ cờ màu đỏ và bộ cờ màu trắng vào hai cái hốc tủ để sách, cái tủ này được đóng bằng gỗ dán rất mỏng, chừa một ngăn cho hai bộ cờ. Bộ màu trắng bị mất một con tốt. Còn bộ màu đỏ hôm mua nó chính tôi mở ví trả tiền. Có lúc tôi cũng định học chơi cờ một cách nghiêm túc, nhưng có một người đàn bà trẻ lắc đầu, bảo: đừng. Tôi phì cười bảo cô ta: nếu trong nhà tôi có hai người ngồi chơi cờ thâu đêm suốt sáng thì chị nghĩ sao? Cũng khá ấn tượng đấy chứ? Cô ta im lặng.

Lúc đó mưa đang rơi.

Chồng tôi và chồng cô ta ngồi trên vỉa hè đánh cờ.

Con phố nhỏ người qua người lại hôm đó không đông như mọi ngày. Vì mưa đang rơi và gió đầu năm còn khá lạnh. Họ ngồi từ trưa, lúc mặt trời bắt đầu đứng ở trục giữa. Ăn cơm trưa xong là chồng tôi bắt đầu đi bộ ra cái vỉa hè phía bắc quán nhà. Khi ấy chồng cô ta, một ông người Tàu nói tiếng Việt ngòng ngọng, đang đánh ván thứ bao nhiêu với một tay khùng khùng của khu phố. Tay khùng khùng cãi ông ăn gian thì có. Chồng cô ta hất bàn cờ, phá tan thế cờ sắp thua đậm. Chồng tôi can ngăn và ngồi xuống tỉ thí với người đàn ông Tàu. Lúc đó nắng mùa xuân đang bừng sáng cả khu phố, nắng bắt đầu đứng chính giữa cái cây cơm nguội đang xòe những nụ xanh che khuất cành trên cành dưới khẳng khiu thì chồng tôi ngồi xuống. Khí lạnh chạy luồn qua những bờ tường rồi ẩn sâu dưới những cái cống thối đầy bọ gậy. Nắng làm tôi vui hẳn lên vì quán cà phê bắt đầu đông khách. Chồng tôi ăn xong thì bảo, ra đây một tí. Tôi chưng hửng vì lúc nào cũng nghĩ anh là một tay chủ quán không tồi. Lẽ ra anh đã có thể đứng bên cái lin-ga úp ngược đặt sát quầy bar, tay chắp sau lưng quan sát khách đang kéo lên gác, rồi đoán định được ý muốn của khách, gọi nhân viên phục vụ, đưa mắt kiểm soát việc pha chế. Lẽ ra… Nhưng anh bảo, mình lo quán nhé, ra đây tí.

Một tí của anh kéo dài từ trưa hôm đó, thứ ba ngày mười sáu tháng ba cho đến hai hôm sau, trưa thứ năm ngày mười tám tháng ba.

Hôm đó chồng tôi mặc rất đẹp. Anh mặc bộ com-lê kiểu mới màu ghi đen, xỏ đôi giày da màu đen hàng hiệu tôi mua ở Seoul về năm ngoái. Mái tóc anh mềm mại hất lên trán. Nom như một chàng thư sinh chưa vướng bận gia đình. Chồng cô ta như tay lái lợn, cái áo sơ-mi nhàu nát màu cháo lòng, tóc tai bờm xờm như kiểu ngủ dậy chưa chải, mắt long sòng sọc, còn mũi thì khịt khịt. Tôi vẫn gọi gã là con chim lợn. Nhìn hai người hai bên bàn cờ thật không tương xứng. Họ cùng ngồi xổm, sau thì ngồi lên cái cục gạch nhặt bên chân tường. Xong lại nhấp nhổm đứng duỗi chân lên cho đỡ mỏi, lưng cong vít xuống cắm mặt vào bàn cờ, nghĩa là cái mông thì chổng cả ra hè phố. Tôi lấy xe máy, lượn qua lượn lại ngắm chồng đánh cờ, tôi chẳng hiểu mà cũng không thể đến gần cái đám đông đang xúm xít xung quanh đám cờ toàn đàn ông con trai, trẻ già trông đều bô nhếch kia. Tôi liếc vào, chẳng biết tốt xe pháo mã thế nào, chỉ thấy chồng mặc com-lê xa lạ hẳn với cả đám đông, nhưng cái mông lại cứ nhấp nhổm chìa ra hè phố.

Đến chiều xẩm, quán vắng lặng hẳn. Ai nấy đều đến giờ về nhà ăn cơm. Tôi lấy di động nhắn tin: mình về ăn cơm. Máy rung lên câu trả lời: OK.

Tôi nhìn ra trước cửa quán, vợ của con chim lợn đang đứng cạnh cái xe Át-ti-la màu trắng sữa, tóc quăn bay bay trong làn mưa bắt đầu phả xuống. Cô ta đang nhắn tin. Tôi nghĩ cái tin ấy cũng như cái tin của tôi, hoặc thiết tha hơn: anh về ăn cơm với em.

Chúng tôi cùng đợi. Từng thời khắc bay qua mái nhà, xuyên qua làn mưa bụi. Kim đồng hồ cứ chuyển dịch dần. Đôi lúc tôi bắt gặp cô ta đang ngước lên quán nhìn tôi đang ngồi đợi chồng bên cửa sổ; hoặc là chính cô ta đã bắt gặp tôi đang liếc nhìn cô ta đang đứng chờ chồng dưới đường. Chúng tôi cho đến lúc đó chưa hề quen nhau.

Hai ba cái tin nhắn nữa được chuyển đi. Chỉ thêm một cái OK được nhận về, rồi im lặng. Tôi gọi. Chồng tôi gắt vào máy: ăn trước đi. Tôi cố vớt vát: mình sắp xong chưa? Giọng chồng tôi dịu xuống: sắp.

Tôi đi ra vỉa hè, nơi có bộ bàn cờ và hai người đang ngồi chơi cờ. Màn đêm đã buông xuống cùng những làn mưa rơi xuống mỗi lúc mỗi dày. Trên vỉa hè đèn đường đỏ quạch. Những tán lá bằng lăng không đủ làm tán dù che. Hai người đàn ông ngồi dưới màn mưa mải miết. Lưng áo com-lê đã ngấm mưa. Đôi giày da loáng nước. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh. Khi đó con chim lợn húng hắng ho. Xung quanh  hai người đàn ông là những đống đầu mẩu thuốc lá. Tôi gạt chúng sang hai bên, lót dép ngồi xuống vỉa hè ướt nhẹp, cạnh chồng.

Bạn tôi bảo: chồng mày mê cờ thế, đỡ mê thứ khác. Một chị cùng cơ quan bảo tôi, cứ kệ nó, còn hơn đi chơi ở đâu, chơi cờ còn là môn chơi trí tuệ. Tôi cũng bảo vợ con chim lợn thế. Nhưng cô ta cười khẩy: ngu xuẩn, là tôi nói tôi, không bảo chị thế. Tôi hỏi: sao lại cho mình ngu xuẩn? Cô ta bảo: thì ban đầu tôi cũng nghĩ như họ, nên còn khuyến khích cho chơi. Tôi bảo: tôi còn bỏ tiền mua cho chồng bàn cờ. Nhưng lúc đó tình thế là tôi phải bỏ tiền chứ tôi không phải chiều chồng. Cô ta bảo: dù chị có cho anh ấy chơi hay không thì anh ấy cũng cứ chơi thôi, không ngăn được đâu.

Chồng tôi kể, khi còn nhỏ, mới mười hai mười ba, lẽ ra theo đám bạn cùng lứa chơi trận giả hay đi hái trộm hoa quả trong vườn nhà hàng xóm, thì anh đã ngồi chơi cờ với các cụ trong đội cờ của làng. Chồng tôi mê nghề luật sư. Nhưng nhà nghèo quá, đành xung phong đi lính, mong vào lính rồi thì được đi học trường sĩ quan. Lúc lên đơn vị, trong ba lô của anh căng phồng toàn sách học tiếng Anh. Nhưng rồi anh cũng chẳng được cấp trên cho đi học. Hết chiến tranh rồi, ở đâu cũng có tiêu cực phí. Anh ngồi chơi cờ giết thời gian với chỉ huy.

Ra quân, anh về thi đại học. Nỗi nhớ cờ ngấm vào gan ruột.

 

Vợ tay Tàu chống xe máy sát vệ đường, cũng ngồi xuống cạnh chồng cô ta, như tôi. Chúng tôi ngồi im lặng như thế qua đêm, cho đến khi những con chuột cống lấp loáng nước bò ra kiếm mồi vào tang tảng sáng, khi những gánh hàng sớm trở dậy ngang qua.

Lúc đó, những giọt nước mưa cũng đã len lỏi vào tim tôi lạnh cóng. Tóc tôi bết nước mưa, nước mưa chảy xuống áo tôi thành dòng.

Tôi bảo chồng tôi: nếu người ngồi bên cạnh mình sau này là một người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.

Tôi lại bảo: nếu ngồi ăn cơm cùng mình là người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.

Im lặng một lát, tôi lại bảo: nếu người ấy có giận mình như người ta từng giận mình, mình cũng đừng chấp nhé, đàn bà ai cũng muốn được chồng để ý.

Tôi lại kiên nhẫn bảo: nếu người ấy bảo mình hãy ngẩng lên nhìn ra thế giới loài người, để biết từng thời khắc trôi qua, để biết nắng, mưa, gió, bão, để biết cái nhà hàng xóm đang tìm cách cấu dần hết vồng cây nhà mình, để biết ngày ấy giờ ấy cần phải đi từ giã một người tốt mới vừa qua đời… để biết như tất cả mọi người không biết chơi cờ tướng, thì mình hãy lắng nghe nhé.

Tôi nói câu đó là lúc đến ván cờ thứ bao nhiêu rồi, đã qua hai ngày hai đêm chồng tôi không về nhà, không ăn, không ngủ. Chúng tôi cùng ngồi bên nhau bên cạnh bàn cờ. Cả tôi và người phụ nữ tóc xoăn. Chân mỏi dừ, lưng tê dại. Bụng không còn cảm giác muốn ăn. Mà cho đến lúc ấy tôi vẫn không hiểu một tí gì về cách chơi cờ tướng. Chẳng hiểu họ vì sao lại có thể say mê và kiên nhẫn một cách đáng sợ như vậy.

Tôi bống thấy anh hét lên: vớ vẩn!

Bàn cờ màu đỏ ướt nhẹp trong khoảnh khắc bị hất tung. Quân cờ vung vãi. Gã người Tàu gào lên câu gì đó bằng thứ tiếng của gã. Mặt hai người đàn ông lúc đó không có tí máu nào.

Tôi và cô ta nhìn nhau căm ghét.

Tôi hét lên: đồ chim lợn thối tha!

Cô ta cũng không chịu kém: đồ thiu, đồ giả nhân giả trí.

Tôi nghe bên tai tiếng chồng: cô cút ngay. Cứ bám theo tôi ra đây làm gì.

 

Khi ấy mưa vẫn không ngừng rơi. Mưa rơi đã hai ngày hai đêm rồi mà bầu trời trên cao vẫn còn nặng trĩu.

VÕ THỊ XUÂN HÀ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 18581)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 17819)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18117)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 17922)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16049)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18342)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 19689)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 19821)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 17683)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 18785)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.