- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CON NÍCH

03 Tháng Mười Một 20161:46 SA(Xem: 27372)
Con Nich
Ních - ảnh Internet
 












- Này, biết tin gì chưa? Con Ních của nhà ông Cẩm mất tích!
- Nghe nói ông Cẩm thông báo tìm Con Ních cả trên đài, báo!
- Một cơ hội tốt đấy!

Cứ thế, việc Con Ních của nhà ông Cẩm bỏ nhà ra đi hay bị một kẻ nào đó bắt mất trở thành câu chuyện thời sự nóng hổi trong cơ quan. Lai lịch con Ních của ông Cẩm chẳng mấy ai không biết, nó là quà của ông Thưởng tặng ông Cẩm nhân dịp ông Cẩm tổ chức mừng sinh nhật lần thứ năm mươi của mình. Con Ních là sản phẩm của một cuộc ngoại tình giữa con Tô, một con chó tinh khôn của ông Thưởng với con chó hoang vẫn hay lởn vởn ở khu phố. Ông Cẩm yêu quý con Ních như một người bạn vong niên; con Ních khỏe mạnh, tung tăng chạy nhảy, ông nhìn có cười khà khà. Con Ních ốm đau, ông cơm chẳng ngon, ngủ không được đẫy giấc. Mọi thứ tình cảm của hai bản thể cùng loài hay khác loài giành cho nhau đều có căn nguyên và mục đích của nó. Tình cảm của ông Cẩm đối với con Ních cũng vậy, ông Cẩm nhận thấy từ khi có con Ních, tiền bạc chảy vào nhà ngày một nhiều hơn, con đường công danh dường như cũng thênh thang rộng mở, không những thế con Ních còn là chiếc cầu nối quan trọng thắt thêm tình cảm giữa ông và ông Thưởng. Ông Thưởng là người thích sự trung thành tuyệt đối. Ông quan niệm, nhân cách lớn nhất của con người là sự trung thành, bản chất này của ông được thực tiễn giám định nhiều lần, nổi trội nhất là đợt ông làm tổng chỉ huy chiến dịch quai đê, lấn biển để rồi bị biển nuốt trôi mất hàng chục tỷ đồng. Việc ông Cẩm chăm bẵm, nâng niu con Ních bằng cả vật chất lẫn trí lực lớn lao như vậy, ông Thưởng dù có kiến thức toán học tồi tệ đến mấy cũng không thể quên được phép chứng minh theo tính chất bắc cầu: ông Cẩm thuỷ chung với Con Ních, hiển nhiên ông phải trung thành với mình!

Đêm hôm qua vào lúc một giờ bốn mươi lăm phút, ông Cẩm thức giấc để thực hiện việc đi tiểu thường lệ, không thấy con Ních nằm bên cạnh, ông bật đèn nhìn vào chiếc giường nhỏ của con Ních ở góc phòng, vẫn không thấy con Ních đâu, ông hoảng hồn khua cả nhà dậy, tìm suốt đến sáng nhưng con Ních vẫn bặt vô âm tín. Ông vò đầu, bứt tai than vãn với vợ, nếu không tìm được con Ních, rất có thể cuộc đời ông bắt đầu xuống dốc. Bà vợ trách ông chưa già lắm đã lẩm cẩm, mất con Ních, mua con khác đẹp hơn, lo gì! Ông nổi xung:

- Bà ngu lắm, đời tôi được thăng hoa là nhờ con Ních, nay mất nó, tránh sao khỏi sóng gió!

Vợ ông hiểu ra, đi khấn vái chùa gần chùa xa, lại thuê người tìm khắp nơi. Nỗi buồn mất con Ních của ông Cẩm lan truyền rất nhanh sang nhiều người; gặp ông, ai cũng xót xa chia buồn, thể hiện cả trong công việc, đi sớm về muộn, ấy thế vẫn có kẻ đi ngược lại dòng chảy, người đó là lão Sam. Lão Sam viết đơn xin nghỉ phép năm trước thời hạn, bị ông Phó gạt, lão lên gặp trực tiếp ông Cẩm, ông Cẩm bực lắm, cầm tay lão Sam lôi ra cửa chỉ vào tấm biển ghi: thủ trưởng bận không tiếp khách! Mặc cho ông Cẩm giận dữ, lão Sam vẫn một điều kính thưa hai điều kính thưa và lòng kiên trì đã không phụ lại lão, ông Cẩm giật phắt tờ đơn trong tay lão ký rách cả giấy, lão Sam hớn hở cầm tờ đơn đi ra, gặp ai cũng khoe. Thật là một chiến tích! Mọi người nức nở khâm phục lão. Trong đơn, lão Sam xin nghỉ phép để sửa phòng, làm thêm cái gác xép. Căn phòng của lão quá chật, chín mét vuông nhét sáu người. Đơn viết vậy, nhưng lão thực hiện không đúng mục đích, lão đi tìm con Ních! Hy vọng cuối đời của lão là đây. Lão suy tính, tìm được con Ních, nhất định ông Cẩm sẽ cấp cho lão một căn hộ khép kín đang xây để cấp cho những cán bộ có nhiều cống hiến. Chỉ con Ních mới có thể đem lại cho lão đặc quyền, đưa gia đình lão đến một căn hộ mà lão từng mơ, từng ước. Thật ra lão hằng có nhiều mơ ước, nhưng quá hão huyền; nào là bỗng dưng thay đổi được số phận, được làm thứ, bộ trưởng, lấy được một người vợ đủ bốn tiêu chuẩn: công, dung, ngôn, hạnh. Có lần lão được bạn bè chiêu đãi, món tiết canh dê chết tiệt làm cho lão phát cuồng, bản năng trỗi dậy, lão không thể kìm nén được, nhưng mới hơn tám giờ tối, cả bốn đứa con đều ở nhà, lão định đuổi chúng đi chơi, vợ lão ngăn, cả hai phải đưa nhau vào công viên, lúc ấy lão ước một căn hộ có buồng riêng. Bây giờ vợ chồng lão đã già, chuyện ái ân chỉ còn mang tính xã giao nhưng nhu cầu có được một căn hộ khép kín vẫn đeo đuổi lão, con cái lão đã tồng ngồng tẫy ngẫy cả, chả thể để chúng đi ngủ nhờ mãi được.
Nhằm một ngày tốt, lão Sam bắt đầu công cuộc tìm kiếm con Ních. Vợ lão nhìn chồng đầy ái ngại, lão cảm kích nói với vợ:
- Mẹ nó ạ, sống phải có hy vọng, cơ đồ của ông Cẩm bắt đầu từ con Ních. Tìm được nó, tôi tin gia đình mình sẽ được hưởng lộc của ông Cẩm. Cứ ở hiền, ắt có ngày gặp lành thôi!

Vợ lão hoe hoe mắt. Lão cười tủm: Cứ như tiễn chồng ra trận không bằng! Lão phốc lên chiếc xe đạp Thống Nhất đạp cật lực, lão sợ phải nghe thấy tiếng lụt xụt của vợ ở đằng sau. Cả ngày lão tìm con Ních quanh đám phố gần nhà ông Cẩm, lão vừa vào trực tiếp, vừa nhìn qua cổng cả thảy được chín lăm nhà, lão gặp hai mươi ba con chó, có bốn con rất giống con Ních nhưng không phải. Tối về, lão chẳng thèm ngó đến mâm cơm có món cá kho gừng lão vẫn thích, lão chỉ uống hai chén rượu rồi lên giường trùm chăn kín đầu. Vợ lão sợ chồng ốm, lân la đến bên giường, nắm tay lão hỏi han, lão gắt:

- Khổ lắm! Kệ tôi.

Việc tìm kiếm Con Ních chẳng đơn giản như lão nghĩ, lão bị từ chối không cho vào nhà, bị ném đá, bị cả một đứa trẻ ranh gọi là thằng điên! Tủi nhục quá! Hay là thôi, chẳng tìm nữa! nhưng cả đời không lo được cho vợ con một chỗ chui ra chui vào tử tế một chút, hèn lắm! Lão nghĩ ngợi ghê gớm, gà gáy canh tư mới chợp mắt. Sáng dậy, mặt lão bơ phờ, lão ngồi tư lự trên giường. Vợ lão chẳng dám đến gần, đứng ở cửa nhìn lão, thương lão quá, muốn lại chia sẻ với lão vài lời nhưng lại sợ lão: “Khổ quá, Kệ tôi!”. Lão phác họa trong đầu lịch trình tìm con Ních, hôm nay lão đến xóm liều, cách nhà ông Cẩm năm phố. Lão hy vọng một kẻ đói rách nào đó bắt con Ních, nếu sự thật là vậy, lão sẽ chuộc con Ních bằng mọi giá.
Lão tụt xuống giường, ăn quáng quàng gói xôi vợ mua, vội vã dắt xe ra đi. Sự tính toán của lão Sam về khả năng Con Ních bị dân xóm liều bắt, khá thực tế nhưng lão mắc một sai lầm trầm trọng, lão nghĩ con người khi bị đẩy vào cảnh khốn cùng, dễ cảm thông với nhau hơn, nếu con Ních đang hiện hữu trong xóm liều, lão tin sẽ tìm ra và chuộc lại nó một cách dễ dàng. Lão phải trả giá cho sai lầm này, khi lão vừa ngó vào căn nhà quây cót ép đầu tiên, từ phía sau một gã đàn ông mặt rỗ giáng một quả đấm cực mạnh vào sườn lão, lão ngã đè lên xe đạp.
- Tao có khốn nạn mới phải chui rúc như chó thế này mà mày lại còn rình rập hả? - Gã đàn ông rít lên.

Lão Sam tái tím mặt, lẩy bẩy ngồi dậy thanh minh. Thật khốn nạn cho lão, lão càng chân thành, nói ra sự thật bao nhiêu càng làm cho gã mặt rỗ nghi ngờ, giận dữ bấy nhiêu. Những quả đấm tiếp tục phóng vào người lão. Phải dừng ngay sự thật lại, sự thật nhiều khi là nguyên nhân trực tiếp gây nên cảnh khốn nạn của cuộc đời. Lão Sam độc thoại một mình, và ngay tức khắc lão ngừng lời. Gã mặt rỗ cũng dừng tay, gã dờn dợn trước ánh mắt rừng rực của lão Sam. Tiếp tục tấn công, lão Sam đứng phắt dậy, hét vào mặt gã mặt rỗ:

- Mày ngu như chó ấy, mày tưởng tao là dân thường thật hả? Tao là ông Cân, cán bộ lãnh đạo quận, giả dạng dân thường đi khảo sát xem dân vô gia cư chúng mày sống thế nào để về lập kế hoạch đây!

Gã mặt rỗ nghe đến tên ông Cân đờ đẫn cả người, gã chắp tay van xin lão Sam tha tội chết cho gã. Lão Sam quát:
- Dựng xe lên, tao thương mày bần hàn chứ không rũ tù nghe chưa?

Tiếng lão Sam nghe có gang có thép. Gã mặt rỗ làm theo như một cái máy. Lão Sam dắt xe ra đường, đạp một mạch về nhà. Cũng như lão Sam, gã mặt rỗ không bao giờ quay lại ngôi nhà của gã nữa. Lão Sam chạy trốn gã, còn gã chạy trốn ông Cân!

Lão Sam nằm bẹp ba ngày liền, người lão đau ê ẩm nhưng lão không hề rên rỉ, lão chỉ tức, tức muốn trào máu. Đời lạ thật, sống cho đúng với mình cũng chẳng được, muốn tồn tại và cạnh tranh với đời nhiều khi phải sống khác mình! Lão nghiền ngẫm về đời rồi đi đến kết luận cho chính cuộc đời lão, lão cho rằng sở dĩ lão không công thành danh toại như ông Cẩm và bao kẻ khác là do lão sống thật quá. Bạn bè lão đấy, vô khối kẻ dốt nát hơn lão ấy thế mà vẫn trở thành ông này, bà nọ. Càng chiêm nghiệm sự đời, lão càng cay cú, nuối tiếc. Đồ ngu! Lão tự chửi mình, mày cũng là người mà thua đời. Không thể thế này mãi được, cần cứu vãn phần đời ít ỏi còn lại. Sam! Hãy thay đổi cách sống thôi, lão ra lệnh cho chính mình. Ngày hôm sau lão biến ý niệm thành hành động, mà điểm xuất phát bắt đầu từ Con Ních. Lão không đi tìm kiếm con Ních thật nữa mà bỏ tiền mua một con chó giống con Ních mà lão đã gặp trong ngày đầu tiên. Từ ngày rước con chó về, cuộc sống của gia đình lão bị đảo lộn toàn bộ, tất cả các khoản chi tiêu trong ngày đều bị cắt giảm xuống mức tối đa để tập trung cho con chó. Lão huấn luyện, nuôi dưỡng con chó sống theo phong cách thượng lưu đúng như đời sống con Ních của nhà ông Cẩm mà lão từng chứng kiến. Trong mười ngày đào tạo con chó, lão nghiệm ra, chẳng cứ gì con người, mà ngay cả loài vật, khi thay đổi môi trường sống từ thấp lên một cấp cao hơn, sự thích nghi diễn ra nhanh hơn. Lão rất hài lòng về con chó, tuy số ngày chuyển đổi cách sống ngắn ngủi nhưng nó đã thực hiện thành công một cách tuyệt diệu. Từ dáng đi oai vệ, cách ăn sôcôla ngấu nghiến đến kiểu đái gác chân đều rất giống con Ních của ông Cẩm. Thú vị hơn nữa, mỗi khi lão gọi: Ních, con có chồm hai chân trước lên, chạy lon ton bằng hai chân sau, xét về mặt kỹ năng xem ra còn thành thục hơn cả con Ních.
Hết hạn phép, lão Sam thuê xích lô chở lão và con chó đến nhà ông Cẩm trình diện. Ông Cẩm sung sướng, cười khà khà, ông ôm chặt con chó, hôn lên môi, mặt, khắp người nó. Con chó được thực tập nhiều cách gặp gỡ nên không một chút ngỡ ngàng, giơ một chân lên cào cào vào cằm ông Cẩm, dụi mũi vào cặp má mỡ màng của ông. Cử chỉ của con chó làm ông Cẩm tin tưởng một cách tuyệt đối, con chó đích thực là con Ních của ông! Lão Sam nhìn ông Cẩm bày tỏ tình cảm với con chó, thấy con chó nhập vai thành thục như diễn viên chuyên nghiệp, ruột gan lão nở ra từng khúc. Biết đâu, đời ta cũng sẽ bắt đầu từ chó, lão hấp háy đôi môi xám xịt rồi nở một nụ cười ma mãnh.

- Bác Cẩm ơ! - Tiếng một người đàn bà gọi cổng. Mặc, ông Cẩm vẫn xoắn xuýt với con chó. Lão Sam đi ra, tóc tai dựng đứng khi nhận ra bà lao công đang ôm con Ních chính hiệu, gầy nhom, ghẻ lở trong tay, bà huỳnh huỵch đi đến trước mặt ông Cẩm:

- Bác Cẩm ơi! Tôi đang quét đường thì nhìn thấy con chó này nằm bên gốc cây, nó thay đổi quá nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra ngay con Ních của bác.

Thoắt nhìn thấy con Ních trong tay bà lao công, ông Cẩm đã kinh tởm, ông xua tay:

- Bà nhầm, bà nhầm, con chó khốn khổ ấy không thể là con Ních được, đây mới chính là con Ních của tôi!

Bà lao công nhìn con chó ông Cẩm đang ôm trên ngực. Quả là nó rất giống con Ních nhưng không phải, bà thả con Ních ra, nó vẫy đuôi, lao lại phía ông Cẩm, lè lưỡi liếm vào chân ông. Bà lao công chỉ con Ních:

- Ông thấy chưa, nó vẫn nhận ra ông đấy, chó bao giờ cũng trung thành với chủ!

Ông Cẩm lấy chân hất con Ních ra xa, nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đầu nó:

- Chó cũng biết người sang bắt quàng làm họ! - Ông Cẩm khinh khỉnh.

Bà lao đông sa sầm mặt, bà cầm chiếc dễ quét đường khua khua trước mặt ông Cẩm:

- Tôi thương ông mất ăn, mất ngủ vì con Ních, tôi thương nó đang ăn sung ở sướng phải chịu cảnh hàn vi nên tôi mới đem về cho ông. Ông đừng từ bụng ta suy ra bụng người!

Bà lao công quay ra, kéo chiếc dễ loẹt xoẹt trên mặt đất. Ông Cẩm chửi bà vô học, lão Sam vuốt đuôi bằng một câu tương tự. Ông Cẩm vào nhà mang ra gói sôcôla, lấy hai chiếc, chìa cho xon chó một, nó đớp gọn, nhai ngấu nghiến, còn chiếc kia ông đưa cho lão Sam, ông muốn cho con Ních đang nằm dưới đất để làm một cuộc kiểm nghiệm nho nhỏ nhưng lão Sam không hiểu ý, lão đưa thanh sôcôla lên miệng nhấm nháp. Ông Cẩm bật cười khà khà:
- Khá lắm! Anh sẽ được trả công xứng đáng. Hãy đem hộ tôi cái của nợ kia đi.

Lão Sam bế con Ních ra đường, qua một bãi rác, lão thả con Ních xuống. Con Ních run rẩy, ngước đôi mắt toét nhèm lên nhìn lão, lão Sam nhìn lại. Bốn con mắt chiếu vào nhau, hoang mang, ngờ vực, căm thù. Lão Sam nặng nề ngồi xuống, vuốt lên đầu con Ních:
- Ních à! Người cũng có lúc còn lên voi, xuống chó... Hiểu chứ Ních?

VŨ ĐẢM
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 20191:02 CH(Xem: 16964)
Cùng với câu thở than đời người ngắn ngủi, bàn tay hắn đáp xuống trên đùi chị, nhẹ nhàng như chiếc lá rụng xuống thảm cỏ mượt mà. Cái miệng hắn không ngừng bài giảng thuyết của nhà truyền giáo đang cố đưa ra những giáo điều mê hoặc, “Bao lâu này tôi mơ tưởng được một người đàn bà ghen vì mình như thế mà không gặp. Tôi yêu cơn ghen của chị; cho tôi phần còn lại của cơn ghen đó đi. Quên anh ấy đi. Tôi có bà con ở Vancouver, hai đứa mình bay qua đó lập nghiệp. Cho tôi xin tình yêu của chị, cho tôi xin phần còn lại của cái ghen tuông mờ mắt của chị. Chị đã dành cho anh ấy quá đủ rồi. Anh ấy đã hưởng trọn vẹn cơn ghen đầu mùa. Chị cho tôi cơn ghen cuối mùa này đi. Tôi yêu chị mà! Chị yêu lại tôi nghe... yêu tôi nghe...”
23 Tháng Chín 201911:43 CH(Xem: 18416)
Nhà em có 4 chị em gái. Chị hai Tím có vẻ đẹp sắc cạnh, rạng rỡ, tính tình lại ương ngạnh, gai góc cứng đầu. Từ nhỏ đôi mắt 1 mí đã xếch ngược và đôi môi cong cớn hay lý sự dỗi hờn. Cái tên Lê An Đậu Tím của chị là đề tài của một vùng, một trường, một thời và của một truyện ngắn em đã viết.
21 Tháng Chín 20196:18 CH(Xem: 18036)
Trong thời gian tôi ở trại, hắn luôn gởi đồ thăm nuôi cho tôi qua tay ông Thái trưởng tù. Lần nào tới tay tôi cũng bị tay Thái xén bớt ngay trước mặt tôi nhưng biết làm sao. Thời ấy mỗi cử mỗi động đều bị rà soát mà hắn là một cán bộ công an còn tôi lại là một phạm nhân. Rồi tôi theo bạn tù chuyển lên Quang Hiển để lao động, hắn cũng theo lên, cũng gởi đồ cho tôi. Xin cho tôi được làm đầu bếp, em tôi lùa vịt, công việc nhẹ nhàng hơn các người tù khác. Nhưng sau tôi khẳng khái cương quyết không nhận tình thân của hắn dành cho tôi và không muốn gặp hắn nữa. Chúng tôi lại xa nhau...
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 19123)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 18344)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18697)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 18494)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16532)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18628)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 20243)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu