- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TÀN QUA

27 Tháng Sáu 201611:49 CH(Xem: 30052)

    
banh xa phòngbw



     Dường như…

     Không. Không phải dường như. Tôi chắc chắn. Có mùi.

     Tôi sẽ hết băn khoăn nếu đấy là mùi toát từ cơ thể mình. Bộ quần áo tôi mặc đã nửa tuần lễ và có mùi chăng. Nếu đấy là mùi vải hoặc mồ hôi ngấm qua nách áo thì tôi lại quen vì vẫn của cơ thể mình. Thứ mùi tôi ngửi thấy chỉ bảng lảng. Chẳng phải mùi hăng hắc của nhựa chảy. Càng không phải mùi thơm từ một bông hoa sữa nở sớm. Mùi bụi bặm lâu ngày. Mùi toa-lét chưa giật nước. Rồi thì mùi ẩm mốc và rêu phong của những bờ tường. Mùi bọc rác chưa vứt hoặc bùn cống đùn lên do tắc ống. Nếu liệt kê thêm tôi sẽ có cả một danh sách. Quan trọng gì. Nơi đâu chẳng có mùi. Cuộc sống có mùi. Cái chết cũng có mùi. Tất Đạt Đa trước khi hóa phật cũng là con người và ngài hẳn phải có mùi. Điều tôi bận tâm là thứ mùi này đang phiền hà đến từng phút sống của tôi. Cái mùi hẳn đã vảng vất trong nhà từ lâu. Vẫn chỉ như thứ hương thoảng nhẹ nhưng cô đặc. Mùi cồm cộm như tấm chăn bông khoác lên người trong ngày hè bốn mươi độ. Thật bức quá. Tôi đã tắm đến ba lần trong ngày rồi thay quần áo mới. Thứ mùi này vẫn không đi. Nó bám riết lấy tôi như giọt Acid nhỏ từ ống nghiệm gặm thủng ván thép.

   “Có ai ngửi thấy mùi gì không?” – Tôi hỏi ông chú.

   “Mùi gì hả con?” – Ông chú vẫn chăm chú vào tờ báo.

   “Con không ngửi ra.”

   “Chú ngửi thấy đấy. Mùi chả xương xông dì con nấu trong bếp.”

   “Không phải mùi đấy.”

     Ông chú tôi đọc tiếp báo. Chú vỗ đùi và nói đủ để hơn một người nghe. Vẫn về các tin tức. Tin giá cả thị trường. Khiếu kiện. Chuyện thuyền đắm trên biển. Nhận thấy không hỏi được gì ở chú nên tôi rời đi. Quái thật. Mùi này không phải chỉ trong phạm vi một căn phòng. Tôi không nhớ mình phát giác mùi lúc nào. Lúc này đây tôi ngửi thấy. Thứ mùi cuộn dài quanh tôi và chỉ hếch mũi là ngửi thấy. Ngay đến bây giờ khi tôi đã quá sạch sẽ mùi vẫn vương vãi như trận lá sau bão. Một thứ mùi chẳng quen nhưng không mấy xa lạ. Mùi không xốc tận óc và gây choáng váng như than tổ ong. Một mùi tưởng như nhè nhẹ nhưng sánh đặc từng lớp. Tôi vẫn chưa gọi tên được thứ mùi này. Nếu đấy là hương hoa hoặc mùi côn trùng thì tôi có thể đổ cho sự hiểu biết quá nông của mình. Đằng này tôi biết không hề có hoa hay côn trùng. Nồng độ mùi đạt mức quá thấp cũng quá cao. Mùi hoi nồng từ vỉ sữa chua để lâu ngày và hăng hắc như mùi nhựa cháy. Từng có lần tôi gỡ thấy một hơi nhỏ mùi của thịt. Thế rồi cũng chẳng đến đâu.

     Lúc hít một hơi sâu tôi ho sù sụ. Trong lần hít ngửi này vẫn không thấy sự buồn nôn. Thứ mùi này không quá khó ngửi nhưng có lẽ đã gây dị ứng với một số người như tôi. Cả sáng tôi đã lục lọi từng phòng một. Từ phòng cá nhân cho đến phòng của ông chú rồi nhà tắm đến buồng khách. Tôi tháo từng hộc kéo tủ. Rương hòm để đồ cũ cũng bị tôi khui nắp. Tuyệt chẳng thấy nơi phát tán mùi. Tất nhiên nơi nào tôi lục lọi vẫn có mùi. Mùi buông nhẹ nhưng kéo nặng và âm ỉ trong đầu. Những giấc ngủ trưa khó yên vì thứ mùi này. Rồi cả việc hít thở khi bình minh lên cũng bị ngáng trở. Bài tập hít vào thở ra đều không thành. Tôi rất khoái hít một hơi sâu và dài rồi ém khí để lọc cặn trong người. Cái lưỡi đặt trên vòm miệng. Thế rồi tôi nhả khí từ từ với sự nhẹ nhõm. Đây này. Thứ mùi kia giờ như mảnh xương gãy lẫn trong tiếng mõ nam mô. Mùi này không phải do khí trời nên tôi chẳng dám hớp vào phổi. Một lúc khác tôi vẫn hít hà nó. Tôi hít sâu và liên lục như lần tìm manh mối từ lưng chừng sợi dây. 

     Mũi tôi hếch và ngửi khìn khịt. Đã bốn ngày. Thứ mùi kia chưa bay biến. Tôi ngửi tìm cả ngăn đá tủ lạnh. Việc lùng sục các ngăn kéo bắt đầu vô ích. Tôi thấy nhoài mệt. Tôi nhủ thầm mặc xác thứ mùi vô nghĩa này. Nghĩ và làm thế. Nhưng rồi tôi đã phản trắc chính tôi. Đều do miếng bánh chưng luộc. Bánh rất thơm và nhiều gạo. Đậu thơm phức. Thịt nhồi mỡ màng. Tôi đã táp một miếng to. Trong lúc nhồm nhoàm nhai tận hưởng miếng bánh thì một mùi lạ xộc đến. Tôi ngửi bằng mũi. Lần này mùi nồng hơn. Quai hàm tôi phồng như bị sưng. Tôi cố nhai tiếp. Nhai hàm trái. Đổi nhai hàm phải. Nhai nhóp nhép như người già. Vị của bánh nhạt loãng đi. Tôi tưởng mình đang ngấu nghiến miếng thịt người chết trôi. Sau mấy lần nhai không được tôi tính nuốt chửng. Miếng bánh chưng quá to so với cổ họng. Cơn nôn thốc lôi miếng bánh đã biến nhão khỏi miệng tôi. Vẫn còn ít gạo bánh dính trong miệng. Tôi nhai nhỏ rồi nuốt hết.

     Đứng một chỗ tôi vẫn cố hít hà. Chắc chắn không phải mùi gạo. Không có hương đỗ hay thịt mỡ. Mùi trong miệng tôi lúc ợ hơi thật khác lạ. Nồng một lúc rồi tan sạch. Có lẽ tôi bị nướu hoặc manh nha một bệnh về răng hay cuống họng.

     Nhà tôi buôn bán đồ ngọt. Tầng một làm cửa hàng còn tầng hai là chỗ ở. Các loại bánh ga tô cắt. Bánh su. Bánh kẹp kem. Bánh mỳ khô. Caramen. Thạch dừa. Sữa chua có đường hoặc không đường. Nhiều loại đồ uống có ga. Sữa bò tiệt trùng hoặc kem lạnh. Ngày đông khách phải bày hết ghế ra vỉa hè. Tôi đã nghĩ thứ mùi kia bốc từ tầng dưới. Chắc một loại bánh có hương liệu đặc biệt. Cũng có thể mùi trong sữa hoặc từ quả dâu trên bánh sinh nhật. Dì tôi vẫn thường tự chế ra các hương vị bánh. Dì trộn thêm các loại hoa quả hoặc sữa lên men để làm kem bánh. Nhiều khi dì đã lấy mật ong nhãn để rưới lên bánh. Dưới này mùi bánh ngọt rất nồng. Thứ mùi lạ luôn lảng vảng quanh nhà bị tẩy mờ. Dì tôi không ở quán. Hai nhân viên chào tôi. Nhìn tro giấy trước cổng ra vào tôi biết dì đang trong Nhà Vòng. Luôn là thế. Mỗi lúc quán ế ẩm dì lại lên khấn Các Cụ. Một tiếng sau khi dì tôi xuống quán bắt đầu có khách. Bánh cắt bán hết veo. Hàng lố sữa tiệt trùng được bóc bán. Tôi hỏi dì có chế ra hương vị nào mới không. Dì bảo có mấy hộp kem hạnh nhân để trên tủ lạnh. “Con lên nhà tiện lấy cho dì mười hộp Caramen.” – Dì tôi nói. Tôi vâng rồi đi lên. Mũi chỉ hít được mùi bánh hoặc sữa tươi. Mùi ngọt vương rồi bị gió từ cánh quạt trần xắt mỏng.

     Ông chú ngồi trong phòng. Mấy tờ báo chú thường đọc chưa có số mới. Lúc này chú ngồi trước computer đọc báo mạng. Một tay chú lần tràng hạt. Tay còn lại di chuột hoặc nâng gọng kính trễ. Trong phòng nồng nặc mùi thuốc lá. Tôi tắt điều hòa. Cửa sổ được tôi mở toang cánh. Tôi bật cái quạt cây rồi để chạy túp-năng.

   “Lần sau hút thuốc thì chú tắt điều hòa đi.”

   “Trời nóng mà không bật điều hòa thì chết ngốt mất.”

   “Hay là nhà mình sắp xếp một chuyến nghỉ mát.”

   “Đừng đùa với biển.”

   “Đi tắm gần thôi mà chú.”

   “Biển như con cá mập thấy thuyền là ăn. Ngày nào không có vật tế thì biển buồn.”

     Ông chú châm thuốc hút. Chú vỗ đùi cái đét. Tôi đoán chừng chú đã đọc được cái gì đấy hay ho. Sẽ chẳng phải tin bóng đá hay Scandal. Gần đây rùm beng nhiều vụ tự tử trong phòng kín. Nghiệm thi thấy nhiều vết bầm do đánh bằng vật cứng. Lại thêm nghi án giết người hàng loạt. Chuyện máu me ông chú vốn không ham. Mấy cái vỗ đùi liền nhau. Điếu thuốc vừa châm đã ra tàn. Tôi lại gần định xem chú đang tra cứu gì trên mạng. Đi vài bước tôi lại thôi. Sau đấy tôi mở tủ lấy mười hộp Caramen.

     Vẫn nó. Thứ mùi lạ. Chính thứ mùi quá hắc này đã trục xuất tôi khỏi giấc ngủ. Tôi mới chợp mắt có đôi phút. Tính ngủ lại nhưng tôi đã tỉnh hẳn rồi. Quan trọng là thứ mùi lạ bắt đầu nồng lên. Một giờ sáng. Tiệm bánh nhà tôi đã đóng cửa từ mười giờ tối. Giờ này ngoài đường chẳng còn ai đốt vàng mã hay lá cây. Tôi hít vài hơi. Vẫn nó. Cái mùi lạ dù luồn lách trong hàng mớ mùi khác nhau nhưng tôi vẫn ngửi ra. Lúc trước tôi nghĩ thứ mùi này hắc như con bọ xít. Nhưng không. Mùi hắc đấy không còn. Tôi hớp thấy một thứ mùi nồng độ cao. Rất đặc và sánh cộm như cái bánh tầng. Không thể là mùi nước sơn hay cháy nổ. Phòng của tôi. Chỉ có mùi của tôi hay từ bất kì một vật dụng nào của tôi. Mấy bộ quần áo mặc quá ngày tôi đã tống vào máy giặt cùng đôi tất cọc cạch. Số sách vở xỉn mốc tôi cũng vứt rồi. Ngửi khắp mình mẩy tôi chẳng thấy mùi nào khác lạ. Hoa sữa nở sớm chẳng nồng đến thế. Hít thêm một lần nữa. Tôi vẫn ngửi thấy. Thứ mùi chẳng đặc trưng nhưng đậm đặc đến mức dù đã trà trộn vào hàng tá các loại mùi vẫn nổi vằn lên như dấu rắn bò trên cát.

     Tôi đi tắm. Hai lần nước trong một cuộc tắm. Lượt nước thứ nhất là từ vòi hoa sen nối đến bể nước tầng thượng. Lượt nước thứ hai chính bởi thứ mùi đã phủ lên tôi như phấn hoa bươm bướm.

   “Chắc chắn có.” – Tôi nghĩ trong đầu như vậy. Giấc ngủ đã rũ bỏ tôi dù tôi đã cầu viện đến thuốc ngủ. Mũi tôi hít đến phổng đỏ. Nước lọc cũng pha tạp thứ mùi lạ. Mấy miếng bánh rồi thì bát cơm trắng kèm rau dưa cũng hăng mùi bọ xít. Tôi không thể nêm nếm được ngũ vị. Thứ mùi lạ lẫm bao trùm và quét sơn lên cuống lưỡi tôi. Ngày lại ngày. Đầu tôi nặng nề nhưng không phải do nằm máy lạnh trong phòng kín quá lâu. Thứ mùi kia sặc sụa khắp mình tôi. Món kem hạnh nhân tôi cắn rồi nhả ra. Vị giòn giòn của vỏ hạnh nhân cùng chất ngọt của đường và kem loãng đi rồi nhão nhoét. Cái mùi điên rồ không biết rỉ ra từ xó nào chẳng cụ thể. Đấy là thứ mùi vừa âm ẩm nhưng cũng thum thủm và đậm đặc như bể nước nhiễm chì.

     Dì tôi chẳng ngửi thấy gì. Bà vẫn ăn nghỉ vô tư.

     Ông chú vẫn đọc báo. Tôi thấy hai lỗ mũi chú hít ngửi bình thường. Nâng gọng kính cao sống mũi. Ông chú chợt nói “Con có thấy các cột trắng trên biển không. Chẳng phải cột nước trên lưng cá voi. Khói thuyền đấy. Lời rên rỉ trước lúc thuyền chìm.”

     Ông chú tôi vò tờ báo trên tay. Luôn là chuyện tàu thuyền. Cái chết đôi của cha mẹ tôi đã làm ông phiền não đến tận bây giờ. Vào Nhà Vòng tôi sẽ thấy Các Cụ. Những bức ảnh đã trắng mốc. Đó là Các Cụ. Cha mẹ tôi cũng trên bàn thờ. Họ cũng thành Các Cụ. Tôi đã không thắp hương cho cha mẹ mình ngay từ lúc hay tin họ qua đời. Dì tôi đã bạt tai tôi vì sự bất kính. Ông chú tôi đã bạt tai dì đau hơn cái bạt tai dì giáng vào mặt tôi.

   “Nhang khói về đâu khi xương còn đáy biển.” – Lời ông chú bào chữa cho tôi.

     Mùi nồng khắp các ngách nhà. Tôi đã lục tung các xó xỉnh những mong tìm thấy dù chỉ nửa cái đầu chuột chết. Mũi tôi rúc ngửi như loài kền kền tìm xác. Giấc mơ ngắn ban chiều tôi thấy cóc nhảy quanh nhà. Lũ cóc một chân. Chúng nhảy phốc cà tưng. Tiếng ồm ộp nhỏ và đứt quãng. Chỉ mùi cóc ngập ngụa khắp nơi. Tôi bật dậy với cơn bải hoải. Chẳng thấy con cóc nào trong nhà. Tôi đã nghĩ về một vỉ sữa chua để lâu đã hư hoại đến mức sinh giòi. Cửa hàng tầng dưới tôi cạy đến từng viên gạch. Khách khứa đã chửi thề khi tôi hít hà người họ như chú cún tìm hơi quen. Họ chạy khỏi quán vội vã đến mức quên cả trả tiền. Thứ mùi loang rộng thành bộ hàm cá mập trào mặt biển đe dọa cả bãi biển. Hai nhân viên không can được tôi nên chỉ đứng ngoài nhìn.

   “Mùi. Mùi.” – Tôi nói to.

   “Con sao thế. Khách chạy hết rồi.”

   “Ai ngửi thấy thứ mùi đấy không. Thật kinh khủng.  

   “Mùi bánh chứ mùi gì. Thơm mà cháu.”

   “Không phải. Thứ mùi khác kia.”

   Mùi quá đặc rồi. Giờ nó dày như lớp băng đóng đáy sông. Tôi tưởng như chỉ vẩy tay là sẽ chạm được thứ mùi đang biến thể rắn. Mấy ngọn đèn rọi màu trắng muốt như xương bốc mộ. Mùi ở khắp nơi. Không thể định vị hướng mùi nữa. Tôi đạp tung thùng rác và ngửi từng vỏ hộp. Một cái hít thở quá sâu làm tôi muốn nôn. Đúng rồi. Thứ mùi kia đã ngốn ngấu hết mọi mùi khác. Uống một cốc sữa đặc tôi đã phải phì ra. Vẫn ngọt nhưng tuyệt chẳng có mùi sữa dù tôi nốc cả lon. Không còn là mùi từ lưỡi hay trong họng. Da tôi đã cảm ứng được mùi và nổi mẩn. Mũi tôi tịt một bên. Thế rồi tôi bịt mũi. Bịt cả miệng. Hai tay tôi đều bận rộn nên không che được thứ mùi đang đổ ộc hai lỗ tai.

   “Cút xéo. Cút xéo khỏi đất nhà tao.”

   “Tại con mà khách đi hết rồi. Đuổi ai nữa không biết…”

     Tôi loay hoay. Tứ chi vung vẩy như cố ngoi khỏi ao nước tảo. Chân tôi dẫm vào một vũng sữa chua chảy rớt và trượt ngã rồi bất tỉnh.

     Ông chú và dì đã giúp tôi chườm đá cái trán sưng. Trong lúc lơ mơ tôi thấy họ nói về bệnh của tôi. Dì bảo tôi bị di truyền chứng thần kinh từ người mẹ. Ông chú nói về mùi trong nhà. Dì đáp rằng “Đâu mà chẳng có mùi.”

     Ông chú nói thêm “Thằng bé chắc quá mẫn cảm rồi. Hồi bé nó ăn khan lắm. Có lần nó tránh mặt anh hai ngày chỉ vì anh cắt tiết gà bằng răng.”

   “Kệ.” – Dì nói –“Hệ trọng gì. Cứ sống rồi sẽ quen…”

   “Sống cho quen hay quen để sống...” – Chú xẩm xì và tôi nghe rõ tiếng xẩm xì.

   “Ai chả phải sống.”- Dì lầm bầm và tôi nghe rõ tiếng lầm bầm.

   “Ừ, kệ…” – Tiếng buột ra không biết của dì hay của chú. Có khi nào là tiếng của một người khách không thấy mặt đã từ lâu trong nhà…

     Tôi tỉnh dậy sau một cái hắt hơi. Tôi ho rồi thấy họng nôn nao. Bụng dưới và bụng trên thấy khó chịu. Vẫn là cái mùi. Chúng đã quá đậm rồi. Hít nhẹ là mùi ngấm vào tạng phủ. Dù bụng dạ rất khó chịu nhưng tôi vẫn chưa nôn được. Tính ăn miếng bánh cho đỡ nhạt miệng rồi lại thôi. Tôi đi tắm.

     Vặn vòi hoa sen thấy khô queo. Hai vòi phụ. Một liền bộ với vòi hoa sen và một nối với bể đều không có nước. Vặn ngược xuôi vẫn vậy. Thứ mùi kia phả nghi ngút. Khắp phòng tắm chỉ thấy mùi đấy. Tôi ngắt các vòi nước như lo ngại thứ mùi sẽ biến thể lỏng và đổ ộc như bùn sình đầm lầy.

     Tôi cố dậm mạnh chân để đi. Ông chú tôi đã ngủ. Bên cạnh giường là chồng báo dày. Tôi tìm thấy gần đấy một lọ thuốc ngủ quên đậy nắp. Một viên rơi trên bàn. Tường giường ngủ của chú dán rất nhiều ảnh. Đều là ảnh cắt từ báo hoặc tạp chí màu. Những chiếc thuyền và xuồng bè. Tôi không tìm ra một chiến hạm hoặc tàu thuyền người Viking. Số thuyền bè cấu tạo đơn giản như chỉ dành để săn bắt cá. Chúng đắm hoặc vỡ nát. Có tấm chỉ thấy những mảnh ván bập bềnh mặt nước. Tấm khác thấy cái lưới đánh cá kéo lên các xác người. Tôi đã bắt gặp một con thuyền không quá lớn chở rất nhiều người. Họ quần tụ mọi góc thuyền. Không phải giao thương vì không thấy hàng hóa. Tất cả chen chúc khiến con thuyền vốn ọp ẹp thêm ngả nghiêng. Có người trèo trên cột và bám dọc quanh cánh buồm. Người thì thò nửa người khỏi mạn thuyền. Tay nải được khách đi thuyền buộc bên mình. Bọn trẻ con nheo khóc. Góc xa của ảnh thấy lờ mờ mấy người nhóm lửa nướng thịt bằng gỗ ván thuyền.

   “…” – Ông chú tôi nói mơ. Tôi nghe không thành tiếng.

     Đấy không hoàn toàn là giọng ú ớ của người bị cắt lưỡi. Chú tôi đã nói mơ bằng tiếng mẹ đẻ. Tiếng chú không đứt đoạn nhưng đã ứ lại khi gần vuột ra ngoài. Tôi không đánh vần được gì từ cái miệng mở ngoác nói những tiếng cao của chú. Chữ Mẹ Việt đi từ cuống tim chú và gãy nhừ trong họng để rồi yếu ớt trôi ra dưới hình dạng lủn mủn của xương sọ bị đập vỡ bằng búa tạ. Tôi với tay bắt. Và tôi trượt ngã sau những cái sải tay huơ hoắng tít mù theo đường cánh quạt.

     Chú trở mình mấy lần. Tôi thấy mũi chú phửng đỏ. Hai hốc mũi thở phì phì như phun khói. Đôi bàn tay chú đan ngón và chắp trước ngực. Một chuỗi tràng hạt tròng qua đôi bàn tay chắp. Mặt ông chú ướt đẫm mồ hôi. Điều hòa vẫn chạy kia mà.

     Mùi quá sặc sụa rồi. Lượng mùi đổ đặc như muốn bê tông hóa tất cả. Tôi dựa vào vách nhà để lần đi từng bước. Lúc mùi kéo nặng hơn tôi cũng đi nhanh hơn. Thêm một lần hít thật sâu. Tôi nhũn nhão cả thân mình. Mắt tôi vẫn đủ sáng để nhìn đường. Cơ bắp tôi teo đi và rúm ró như đứa trẻ còn sót lại của Châu Phi. Sống lưng tôi ran rát như chà đá kỳ quá mạnh. Miệng tôi đớp không khí. Đầu gối tôi tê bại và muốn khuỵu xuống. Tôi ngả lưng vào tường một lúc lâu. Mùi tua tủa khắp nơi. Nếu hít một hơi sâu tràn lồng ngực tôi sẽ ngửi thấy nó-Thứ mùi vô định hình nhưng đủ kềnh càng để nghiền nhuyễn tất cả. Mải nghĩ về một con thuyền đột ngột đắm-Tôi bước đi mà không biết lên tầng hay xuống tầng. Ông chú kể rằng cha mẹ tôi từng đi thuyền. Thuyền họ ra khơi và sủi tăm đỏ sau tiếng súng cao xạ.

     Do sơ ý tôi vướng phải một vật vắt ngang hành lang và ngã bổ nhào. Trước hết tôi đè lên một vật mềm rồi mới lăn xuống đất. Đấy là dì tôi.

     Dì cũng ngủ rồi. Dì mắc võng ngay hành lang. Cú vấp đè của tôi không làm dì tỉnh giấc. Lúc ngủ dì thả lỏng tay chân. Hai tay duỗi. Hai chân cũng duỗi dạng như lời nhắn khéo đức lang quân đã quá bê trễ chuyện gối chăn. Một tấm mùi xoa phủ lên mặt dì. Tôi còn nhớ đây là khăn ngủ của dì. Khăn có tẩm nước hoa. Loại nước hoa đậm mang mùi kem pho mát. Thật tiện khi dỗ giấc ngủ bằng hương bánh ngọt. Lượng mùi đủ nặng để dì mê man cả buổi tối. Trong giấc mơ chắc dì sẽ sáng chế được vị bánh mới.

   …Vén mảnh khăn phủ mặt để nhìn vẻ mặt lúc dì ngủ. Tôi nghĩ thế và buông bỏ ý nghĩ như thế. Khuôn mặt dì nằm chìm sau lớp khăn như cô dâu giấu mặt trong kiệu hoa. Hơi thở dì vẫn làm vải khăn bập bềnh.

     Mùi căng dày theo lớp. Tôi vung vẩy tay và chẳng bắt được gì. Dưỡng khí thấp quá rồi. Độ ẩm khiến rêu xanh nở tóe khắp nhà như pháo hoa ngày lễ. Bụi đóng dày dưới chân tôi. Bên mũi còn lại tịt nốt. Tôi chỉ biết nạp dưỡng khí bằng miệng. Len lỏi trong thứ mùi đóng tảng tôi hớp thấy một làn khói. Chẳng phải khói do chập điện hay cháy nổ. Loại khói này tôi quen. Tôi men theo mùi khói mỏng mảnh. Bước chân nhanh dần và chậm lại khi đến cuối hành lang. Nơi thổi ra làn khói. Nhà Vòng.

     Tôi kéo rèm cửa. Buồng thờ Các Cụ. Nhà Vòng.

     Nhà Vòng. Buồng thờ Các Cụ. Tôi kéo hết rèm cửa.

     Những khuôn mặt đã mốc meo bởi chất ảnh tồi chưa phục chế. Một bát hương lớn cỡ đỉnh đồng án ngữ bàn thờ Các Cụ. Số nan hương cháy tàn nhìn dày đặc như cây đa vạn tuổi. Khói xì ra từ các que hương cháy dở khiến tôi nghĩ đến những cái đầu phun khói. Các Cụ ở đây hết. Hai đằng nội ngoại tập trung trong một gian thờ. Ảnh xếp lên ảnh. Đầu chồng lên đầu. Gian ảnh thờ kéo dài và xếp cao thành nhiều tầng thang. Ảnh chụp thời đen trắng trải qua cả thập kỷ nên mọi đường nét đã nhòe đục thành bóng ma. Số ảnh màu không nhiều và đều nhàu và xước như bị cạo bởi vật sắc. Tôi đã không thấy hình cha mẹ mình. Ồ. Họ có còn là cha mẹ tôi không. Họ cũng thành Các Cụ rồi. Người cụ lớn nhất ngự trên chóp đỉnh. Tôi leo lên để nhìn. Không thấy ghế nên tôi bạo dạn trèo lên bàn thờ. Một bạo dạn khác khi tôi giẫm lên bát hương. Tàn hương gãy vỡ dưới bàn chân đất. Đầu tôi chạm trần.

     Cụ Lớn. Bề trên của mọi bề trên ngay trước mặt tôi. Khung ảnh cũ mèm. Bụi và khói hương bám dày mặt kính. Tôi lau để nhìn. Lau đen nhẻm tay áo chưa hết bụi. Lau đen nhẻm bàn tay chưa hết bụi. Khung ảnh càng lau càng đục. Tôi nhấc khung ảnh lên và thấy một cái gì đấy. Tôi lần tay vào hòng giật. Chợt. Các nan hương không rõ do rụng hay oằn đi bởi lửa đã cắm vào chân tôi. Cái bỏng rát mãnh liệt của những cú chọc đâm từ đuôi bọ cạp. Tôi trượt chân ngã nhào. Khung ảnh bay vào góc tường vỡ tung. Tiếng tôi ngã và tiếng kính vỡ ùm uồm như lời kêu cứu của bầy thú chịu án chém ngang lưng nơi Quảng Trường.

     Kính chắn khung vỡ thành nhiều miểng kính. Khung không có ảnh và chỉ là khung hoặc là miểng kính gãy nhỏ như mảnh bom mảnh đạn.

     Bát hương lớn vẹo hẳn rồi đổ ập. Bát rơi trúng ngực tôi vỡ toang. Tiếng gốm vỡ cùng tiếng xương vỡ rốp roắc. Mảnh sành găm vào da thịt buốt như dao cứa. Một mảnh đục thủng ngực trái. May thay cạnh sắc không thấu đến tim. Tôi nằm dính chặt  dưới đất. Bụi hương bay tứ tung. Nửa thân tôi bị vùi dưới lớp bụi hương cùng nhiều nan hương gãy vụn. Bụi hương làm da thịt tôi ran rát. Một cái hắt hơi khiến mũi tôi hết tịt. Tôi ngửi thấy mùi. Chính mùi đấy chứ chẳng mùi nào khác. Mùi lạ nhưng chẳng lạ và quen nhưng chẳng thật quen. Lũ mùi dồn tụ quanh gian thờ. Tôi ngước nhìn đỉnh gian thờ. Vị trí trước đấy đặt khung ảnh Cụ Lớn giờ trống hoác. Từ đấy lộ ra một cái ngách sâu hút như vực thẳm. Bên trong…

     Cú ngã của tôi gây một chấn động làm rung nền nhà. Rõ ràng cái ngã đập đất dù của tôi hay của bát hương giáng lên mình tôi vẫn thiếu cân để tạo động đất. Trọng lượng cùng lắm chỉ bằng chàng chiến sỹ già trên chiếc xe bán tải (1) . Bàn thờ đã xô lệch sau tiếng ngã đập sàn này. Mọi khung ảnh nếu không úp sấp xuống mặt bàn thì cũng đổ chồng lên nhau. Tôi nhìn lên và thấy mặt. Đúng là mặt. Sau một khung ảnh là một khung ảnh. Tôi nhầm. Đấy là ảnh được giấu sau khung. Tôi nhầm to. Thứ đang ngoi hết chẳng ngại ánh sáng này giống như mặt nhưng chẳng phải mặt hoặc cũng là mặt nhưng quyết không phải mặt. Cái Tôi Thấy quắn vít xoáy trôn ốc và dài ngẵng đuôi rồng.

     Mùi đổ dồn từ mọi phía. Mùi xối ầm ầm như núi lở. Mùi nồng nặc và chồng tầng tầng lớp lớp như người ta lấy xẻng xúc đất lấp huyệt. Hai hốc mũi tôi điếc ngóm. Mùi. Tôi chỉ thẳng đầu ngón tay. Dưới nhà có tiếng chân chạy cầu thang. Tay tôi mở đủ mười ngón. Đôi bàn tay co khum lại và làm động tác giật kéo. Tiếng rầm rập khắp nhà. Tiếng chân trần đạp đất. Tiếng người nói to. Tiếng những hạt tràng rơi chạm đất bắn tóe như cóc nhảy. Tiếng giật rèm cửa đứt tuột khỏi mắc. Một ai đấy trượt chân ngã lăn lóc ngoài cửa. Tấm rèm trùm kín người ngã thành khăn phủ đám ma. Mùi ngập đắm khắp ngóc ngách như che kín tất cả diện tích...(2)

     Cái Tôi Thấy trườn xuống vắt lửng gian thờ. Một giá thòng lọng treo nghìn cái cổ.

     Biết bao thuyền đã chết trên biển. Biển nhiều ma oan quá rồi.    

     Tại đây. Bầy muỗi chết trong thế bay đòi máu. Hàng đàn kiến mối đột ngột chết rụng lả tả như mưa bụi. Lũ gián bị ngắt đầu xòe cánh bay toán loạn trước khi phơi bụng cứng đơ. Góa phụ đen chết cheo leo trên một dây tơ nối vào lòng chảo mạng nhện. Cái chết của ngai vàng đã chấm dứt mọi tang tóc trên bãi chiến trường hình lưới. Xác côn trùng trôi bập bềnh giữa không khí như những quan tài chết trôi trong vương quốc chết đuối. Tại đây. Tôi là sinh vật còn sống sót trong Nhà Vòng. Nhưng không. Có khi đấy là sự thoi thóp đợi chờ trong chậm rãi. Để rồi…Để rồi… 

   …Nào căng buồm…

     Tiếng ai nhắn tôi hay tiếng tôi nhắn tôi…Căng buồm. Tiếng cha mẹ gọi tôi hay tiếng những thuyền chôn mồ lòng biển gọi tôi…Buồm căng. Tiếng gọi tôi. Nhà Vòng. Các Cụ. Nhà trên đất. Thuyền trên biển. Các Cụ. Nhà Vòng. Thuyền trên đất. Nhà trên biển…Cành ô liu. Tiếng tôi gọi…Tôi…Đứng. Tôi bắt đầu bằng việc đứng vững trước cuộc thủ tiêu thế kỷ…

 

 TRU SA

 

 

 

 

(1) Trong Animal Farm. Boxer, một chú ngựa chiến binh trong chính quyền Napoleon, khi đã già yếu được tống lên chiếc xe bán tải của Alfred Simmonds, Kẻ giết Ngựa và Nấu Hồ.

(2) Đại dịch châu chấu trong kinh Khải Huyền. Chương (từ VII-XII). Đây là sự trừng phạt của Chúa đối với nước Ai Cập vì bắt người Do Thái làm nô lệ, bất chấp lời thuyết phục của Moses. Dịch châu chấu là một trong mười thảm họa đã lần lượt giáng xuống đế chế Ai Cập. Sự trừng phạt này được biết đến cùng câu “Che kín tất cả diện tích của đất nước.”(Nguyên văn)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 18574)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 17811)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18110)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 17916)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16044)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18334)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 19682)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 19816)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 17673)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 18771)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.