- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHÂN KHÔNG

28 Tháng Tư 20163:00 CH(Xem: 25876)

2514223_Tangoulis-Misty-Scapes-13-710x710
Ành- Vissilis Tangoulis





Chúng đang tiêu đi.

     Nhà của tôi. Cái cơ ngoai sáu tầng, với vườn tược, bể bơi, những gian kiến trúc Tây Âu, phòng để sách, rượu, đồ cổ…biến mất dần như bị nung chảy. Cái bể cá ở phòng khách đã không thấy nữa. Cũng trong phòng khách, tôi không còn thấy cặp sừng voi Tây Tạng, bộ lông Bạch Hổ trải lót sàn. Những chai rượu rắn hổ, bò cạp rỗng ruột. Một ít chai thì còn lưu lại một mẩu da rắn, hoặc một, hai cái chân rết. Nửa giây khi con mắt tôi nhìn vào, số tàn vật biến mất. Một ngày sau, tôi không vào được phòng khách vì cái cầu thang uốn hình xoắn ốc đã bị tiêu mất. Chỉ còn lại một khoảng trống lớn và xa giữa nơi tôi đứng và phòng khách. Tôi đoán rằng cũng chẳng còn gì thừa lại trong phòng khách. Mấy ngày trước tôi không còn nghe thấy tiếng xòe đuôi của con công trắng mua từ Pardubice. Con công vẫn ngoài vườn. Vẫn đi lại, vẫn ăn được thóc ngô, uống được nước. Nó không xòe đuôi nữa vì bộ lông vũ đã trụi sạch. Con công đi lại, ngúc ngoắc cái đuôi cụt ngủn trong bất lực. Đám giúp việc nhà tôi chẳng còn ai. Bọn chúng hoặc xin nghỉ, hoặc đã lén lút trốn mà không cần nhận tiền công. Một vài đứa hỏi tôi về bạn của mình. Tôi nói không biết. Lúc này đây, vách tường phòng đồ cổ bị khoét một lỗ lớn. Dưới đất không thấy vỏ tường, bụi dính lại. Nó đang bị tiêu đi.

     Đứng bên ngoài nhìn, nhà của tôi vẫn vậy. Còn khang trang, rộng lớn, toát vẻ khí phái. Tầng bốn đã bị tiêu hết. Chẳng còn tường, nóc hay mặt sàn. Lúc mở cửa phòng, chỉ thấy một khoảng không rỗng hoác. Từng có lần tôi vấp ngã và lộn cổ xuống tầng dưới. May sao tôi ngã đúng vào cái đệm. Tôi không biết nhà mình bị thế từ bao giờ. Thoạt tiên, tôi chỉ thấy mất đi mấy món đồ cổ, chậu hoa cảnh. Rồi những vật dụng mất đi. Phòng tranh ở tầng bốn chỉ còn trơ khung. Sơn dầu, Phố Phái, Dã Thú rồi Salvador biến mất một cách quái lạ. Tôi không nghĩ là có trộm vì camera vẫn hoạt động. Mở các đoạn phim, tôi được thấy tường tận. Một trong các đoạn phim ghi lại việc cái bình gốm thời Gia Long biến mất. Cái bình trong tủ kính chống đạn, có khóa mật mã. Không thấy một bóng đen khả nghi. Rồi thì, chiếc bình tan đi một nửa. Một chốc sau, nửa còn lại cũng tan biến theo. Thước phim được chiếu đi chiếu lại cả chục lần. Và vẫn thế. Từng món đồ cổ đều tan rữa vào hư không theo cách như vậy. Sau này, tôi không xem lại phim trên camera. Những món đồ đã bị cái gì đó hút mất ư? Không có một tên đạo trích nào. Tôi nghĩ về một loại mối phàm ăn có bộ hàm thép đang trú ẩn nơi nào đó trong nhà. Đoạn phim trên camera đã xóa bỏ giả thiết đấy. Không có con vật nào. Chỉ có sự tiêu biến vào cát bụi.

     Vách của từng phòng bị mòn đi và tiêu biến mất. Cái bể bơi bị rút cạn nước, khu vườn sau nhà cũng trơ trụi như mả đất hoang.

     Tôi phải đi rất cẩn thận vì bất cứ lúc nào cũng có thể mắc chân vào một lỗ thủng dưới sàn. Vết hổng nhỏ thì chân tôi bị tụt xuống, lớn hơn thì nửa người kẹt lại như sa xuống đầm lầy. Những vụ tiêu biến vô tăm tích vẫn như vậy. Kéo dài, và thường xuyên như một thời gian biểu. Tôi gọi một số người đến chơi. Bọn họ được tôi kể về cái nhà mình. Chẳng ai tin. Lúc nói về những hốc thủng quanh nhà, họ cười và bảo tôi có sở thích quái gở. Ngày hôm sau, đám người đã đi đâu mất. Gian phòng nơi đám người ngủ qua đêm, đã bị tiêu đi mất. Bên ngoài nhà vẫn thế. Thật quái lạ khi nhiều tầng nhà đã bị tiêu đến mức trở thành một cái khung. Vậy mà nhà tôi chưa nghiêng, chưa sập chỗ nào. Nhìn vẫn rất vững trãi.

   “Từ lúc nào?” – Tôi tự hỏi, tự nói, rồi trả lời bằng chính câu đấy. Tôi nằm ở tầng một, và nhìn thẳng được lên tầng ba. Sàn đá hoa bị thủng lỗ chỗ. Không một viên gạch nào rơi xuống, cát cũng thế. Nhìn những góc tủ bị gặm thủng, còn chẳng thấy mạt gỗ hay mùn cưa. Đường ống nước, điện đóm vẫn ổn định. Lúc mở vòi, nước vẫn chảy. Thoạt tiên nước chảy bé, rồi chỉ vài giọt rỉ ra. Mở vòi cả ngày, số nước rỉ còn chưa làm đầy một bát cơm. Đường ống không trục trặc gì, chỉ là vặn không ra nước. Tôi đoán mạch nước ngầm nhà tôi bị ứ đọng, hoặc thoát đi đâu đấy. Có thể lắm, nếu nghĩ số nước ngầm đã tiêu biến, như nhà của tôi giờ đây. Ánh sáng có thể đi qua một lỗ nhỏ trên tường và dùi đến tận móng nhà. Nếu tôi nằm, ánh sáng sẽ đâm thẳng và lột con mắt đang khép lại của tôi bằng luồng nhiệt nóng bỏng. Mười hai giờ trưa, nhà tôi như một cái lò lửa. Vô vàn tia nắng đâm xen kẽ nhau, kéo vào nhà. Vì chẳng còn vật dụng nào nên tia nắng chiếu thành đường thẳng, từ nóc tầng sáu xuống nền tầng một. Tôi bị bủa vây bởi các đường sáng. Nắm lấy một viên gạch lót nền để đội lên đầu thay mũ. Một tíc tắc, viên gạch tan mất như bọt xà phòng.

     Tổng thể nhà vẫn vững như bàn thạch. Tường nhà lõm sâu như dính phải Acid đậm đặc. Lần này tôi thấy rõ, sự bào thực rất nhanh và theo từng khắc. Cái két của tôi đã bị tiêu hết sắt thép, nắm kéo cửa. Ngay đến một cái đinh ốc cũng chẳng rớt lại. Riêng số đô la, vàng, tiền mặt và cổ phiếu là còn. Thế cũng là may vì tôi có thể mua nước, đồ ăn hay cái ra giường để nằm tạm dù biết chắc chúng sẽ tiêu biến đi.

     Tường nhà mỏng tang như làm bằng giấy. Một mũi kim nhỏ cũng có thể đâm xuyên thấu tường nhà. Chạm tay vào, toàn thể nhà ngả nghiêng. Một cơn gió nhỏ cũng có thể cuốn nhà tôi sang phương Bắc. Ấy thế mà nhà tôi vẫn chưa bị kéo sập, chưa bị thổi mất dù lúc này nó chỉ còn là một cái khung rỗng. Mái nhà chưa tiêu mất. Nó còn lồ lộ trên đầu tôi, nhưng nếu có nắng, có mưa thì tôi chẳng tránh đâu được. Lúc sấm sét, tôi cảm thấy như bị đánh ngay bên tai. Tôi còn nhìn thấy ánh sét ngoằn ngoèo in trên mái nhà. Hệt như vốn trên mái đã có hình vẽ ánh sét, và vô tình luồng sét đánh đấy ướm đúng vào hình vẽ. “Mái nhà làm bằng thứ nguyên liệu trong, bằng phalê, thủy tinh siêu bền hoặc băng hàn ngàn năm…” – Tôi tự lẩm bẩm nhiều lần để sáo ngôn ăn thẳng vào trí não, trở thành tượng hình. Dù thế, nửa não bộ của tôi vẫn biết mái nhà được làm bằng ngói, bê tông loại một.

     Nhân viên đưa cơm đến nhà tôi. Hắn chưa kịp lấy tiền hàng thì nửa bên người của hắn bị ăn cụt vào khoảng không. Chẳng có máu, thậm chí nửa còn lại chẳng còn lộ ra xương, thịt đỏ hay ngũ tạng. Phẳng lì, nhẵn hín như mảnh giấy. Tôi nhét tiền vào tay bên kia. Tập tiền rơi xuống. Nửa còn lại bị mòn dần đi. Và trước mắt tôi là cái đầu với một mẩu cổ lơ lửng. “Này!” – Tiếng gọi quá muộn. Cái đầu cùng mẩu cổ tan phụt đi. Thùng đồ ăn đóng hộp, nước khoáng lăn lóc dưới nền đất đã tróc hết gạch. Tôi cúi nhặt. Vì quá đói nên tôi chẳng buồn tìm bát hay đũa. Tôi bốc ăn. Mỗi chai nước, tôi nốc cạn bằng một hơi.

     Tôi gọi cho siêu thị để mua thêm hàng vì số thức ăn còn dư không thấy đâu nữa. Tôi ăn chưa hết. Chúng bị tiêu đi rồi.

     Vào đúng giờ đấy, cả một đoàn người nối thành hàng đi vào nhà tôi. Cũng như tên nhân viên nọ, bọn người này không lấy được một đồng nào của tôi. Từng kẻ bị tiêu biến cùng lúc. Ngay cả khi bọn họ chen chúc nhau và làm cửa ra vào như muốn vỡ tung ra, thì cũng chỉ mất vài giây để tiêu biến mất. Họ như những nét mờ vẽ từ bút chì, bị một cái tẩy loại tốt chà vào là trắng xóa. Mười thùng đồ hộp, mười thùng mỳ gói, hai mươi thùng nước. Lúc đếm lại, tôi thấy mất đâu ba thùng. Đếm một lần nữa, chỉ còn đúng mười thùng, cả nước lẫn đồ ăn.

     Tiêu biến.

   “Chó thật!” – Tôi ăn nhồm nhoàm, phồng cả hai má, thậm chí chẳng thèm bóc vỏ. Nhiều khi, tôi gặm một mẩu mỳ sống và phải nhổ ra bằng hết. Trong miệng tôi, chỉ là vỏ gói mỳ. Đến gói phụ gia cũng chẳng có. Mở chai, thì nước cũng bị tiêu cạn đi. Gạch nhà đã chẳng còn một viên. Chỉ còn cát vữa, và hàng chục chồng ngoại tệ, vàng thỏi và thẻ tín dụng. Số của cải dày đặc, lớp này chồng lớp kia và ngổn ngang quanh tôi. Tôi không nhai được thứ nào.

     Tôi ở tầng một và nhìn lên tầng trệt. Mọi kiến trúc nhà đã bị chảy thành bọt khí. Đến mấy bậc thang để bước lên, nhằm bám nhảy lên tầng trên cũng không còn. Nhìn ra ngoài. Không thấy vườn, bể bơi hay hàng rào. Mọi vật trơ trụi, tan tác như vừa trải qua địa chấn bom và bị sa mạc hóa.

     Tranh ảnh, giấy báo, sách vở hoặc một bộ áo quần để đắp lên người thay chăn cũng không còn nữa. Người tôi lem luốc và hoàn toàn trần truồng. Đói, khát, và vẫn sống khỏe re. Đi lại trong nhà, lúc nào tôi cũng vấp chân phải một miếng vàng, bó đô la và ngã sõng soài.

     Miếng đất ngoài vườn chẳng gieo nổi mầm cây nào. Đến một nhánh cỏ dại cũng chẳng thấy mọc. Không còn mạch nước dưới đất. Dưỡng chất từ đất có khi cũng bị tiêu cạn. Long mạch nhà tôi đã vỡ, hay bị cái gì đấy ăn nhẵn. Cái gì đấy, đó là gì, cái thứ chó đẻ nào, thứ ngoại lai với cái miệng tổ bố…Điều gì đã ăn tiêu đất tổ nhà tôi. Người vợ của tôi đã bị tiêu đi từ lâu. Đứa cháu tôi cũng thế. Bọn người làm, rồi đám bạn hữu của tôi…Cũng tuần tự bị ăn tiêu như vậy. Bọn họ hoặc bị tiêu liền theo phần nào đó trong nhà, hoặc bị bã ra ngay trước mặt tôi. Tôi thò tay, và không cứu được. Những người đấy, như một cốc nước bị nung dưới ngọn lửa trăm độ. Hóa hơi dần dần. Và hóa hơi hoàn toàn. Chẳng còn gì ở họ, ngoài những ký ức đang dần chết đi vì sự suy yếu trí nhớ lúc tuổi già. Tôi không bị tiêu. Tôi sống sót. Chỉ mình tôi còn lại và tạm bợ trong cái lõi nhà bị tiêu rỗng đến tận đáy.

     Miếng nước còn sót lại trong mảnh sành sau cơn mưa ngấm phụt như bị hớp mất. Tôi văng mạng, chửi thề, chửi lớn, chửi to và nguyền rủa, cũng thật to. Điện đóm chẳng còn nữa. Bấm máy điện thoại, còn không nghe thấy tiếng tút tút. Nhà tôi. Ngày cũng như đêm. Chẳng sáng, chẳng tối. Trông loạng nhoạng, lòe nhòe. Chả ra âm mà cũng không ra dương. Nhìn lên, vẫn thấy mái nhà. Nhìn từ ngoài, vẫn thấy sừng sững cái cơ ngơi hoàng kim của nhà tài phú hào hoa-Tôi.

     Không còn gì để tiêu.

     Tôi chỉ tay. Chỉ thẳng ngón tay. Chỉ phía này, phía nọ, bên này, bên kia. Tôi lại nguyền rủa, rồi tôi cười. Tôi đi lại, đạp vào tường, chẳng đổ. Dẫm xuống đất, cũng chả lún thêm. Vàng, đô la, ngoại tệ vẫn lúc nhúc dưới chân tôi. Chúng nhiều lên phải không? Bới chỉ thấy tiền vàng. Những khối vàng, hàng tầng lớp đô la, khế ước luôn bền bỉ theo thời gian và chẳng tiêu biến dù tôi có xé nát, đập vỡ hay nuốt vào bụng. Không có ai ở đây cả. Bửa đầu mình, tôi mơ hồ nhìn thấy họ. Rồi từng dư ảnh bị nhai cụt. Nghĩ, thấy, rồi bị tiêu đi. Lại nghĩ, lại thấy, rồi lại bị tiêu. Tiếp tục nghĩ, tiếp tục thấy, rồi tiếp tục bị tiêu…

     Trong lúc bới đất, chân tôi vấp vào khối tài sản kếch xù không cách nào xóa sổ. Vấp ngã, tôi lăn lộn và rơi tõm xuống tầng tầng lớp lớp tài sản. Chẳng còn nhà cửa, đất đai gì sất. Tôi ngoi lên, rồi vấp khi nhoài người. Giờ đây, tôi bới, đào. Mười ngón tay tôi hóa nhọn và sức mạnh như bộ vuốt chuột chũi. Hốc phía dưới mở ra, đùn lên cơ man biết bao nhiêu tiền vàng, ngoại tệ, những cổ phiếu rớt giá cùng vạn vạn thỏi vàng, bạc kim cương hình quỷ đầu sừng. Không hề có đất hay bùn, chẳng mạch nước. Tất cả là của cải và tôi lún sâu xuống. Tiếp tục đào. Đây, cái mộ lớn chưa tận đáy. Tôi chạm trổ tên mình như thế.

 

 

TRU SA

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14698)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14786)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14636)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15014)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17229)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19103)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13734)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16356)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15245)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15448)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.